Sản Phẩm Du Lịch, Loại Hình Du Lịch


- Về mặt nội dung nghiên cứu, ít có công trình nghiên cứu đánh giá ĐKTN, TNDL trên quan điểm bền vững và cũng chưa có công trình nào nghiên cứu, đánh giá cho lãnh thổ TN – TQ – BK.

Những hạn chế trên đây cũng chính là những gợi mở để có những nghiên cứu sâu hơn trong khuôn khổ luận án này nhằm góp phần làm rõ hơn những lý luận và thực tiễn về đánh giá.

1.2. Cơ sở lí luận

1.2.1. Một số khái niệm về du lịch

1.2.1.1. Du lịch

Du lịch được bàn đến với rất nhiều quan niệm khác nhau. Những định nghĩa truyền thống chỉ xem du lịch đơn giản như là một kỳ nghỉ hoặc một chuyến đi để giải trí, làm phong phú thêm nhận thức của con người.

Cùng với sự phát triển du lịch, người ta nhận thấy yếu tố kinh tế là không thể thiếu trong khái niệm du lịch. Theo xu hướng đó, khái niệm "du lịch" đã có những thay đổi phù hợp hơn bao hàm các nội dung liên quan đến sự chuyển cư, những hoạt động tại nơi đến cũng như các vấn đề KT - XH liên quan.

Định nghĩa của Tổ chức Du lịch thế giới đã xác định rõ: "Du lịch là hành động rời khỏi nơi thường trú để đi đến một nơi khác, một môi trường khác trong một thời gian ngắn nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng".

Ở Việt Nam khái niệm du lịch được định nghĩa chính thức trong Luật Du lịch [61]: "Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định".

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.

1.2.1.2. Điểm du lịch

“Điểm du lịch là nơi có TNDL hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch” [61].


Điều kiện để công nhận điểm du lịch

- Điểm du lịch quốc gia: Có TNDL đặc biệt hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch; Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.

- Điểm du lịch địa phương: Có TNDL hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch; Có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng đảm bảo phục vụ ít nhất mười nghìn lượt khách tham quan một năm.

Quy mô điểm du lịch có thể là một quốc gia, địa phương, một vùng đất nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú dựa trên một số tiêu chuẩn quy định của mỗi quốc gia về mức độ hấp dẫn của tài nguyên; Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, khả năng phục vụ du khách... và những đóng góp tích cực cho nền KT – XH, môi trường từ hoạt động du lịch [61].

1.2.1.3. Tuyến du lịch

“Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không” [61].

Điều kiện để công nhận là tuyến du lịch

- Tuyến du lịch quốc gia: Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong đó có khu du lịch, điểm du lịch quốc gia, có tính chất liên vùng, liên tỉnh, kết nối với các cửa khẩu quốc tế; Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến.

- Tuyến du lịch địa phương: Nối các khu du lịch, điểm du lịch trong phạm vi địa phương; Có biện pháp bảo vệ cảnh quan, môi trường và cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch dọc theo tuyến. Và trong từng trường hợp cụ thể, các tuyến du lịch có thể là tuyến nội vùng hoặc là tuyến liên vùng [61].


1.2.1.4. Sản phẩm du lịch, loại hình du lịch

- Sản phẩm du lịch

Theo luật du lịch Việt Nam, sản phẩm du lịch được định nghĩa: “Là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch” [61].

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thì “Sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của 3 yếu tố cấu thành : (i) kết cấu hạ tầng du lịch; (ii) tài nguyên du lịch; và (iii) cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ, lao động và quản lý du lịch”

Thực tế cho thấy khái niệm này là “bao trùm” và thể hiện đầy đủ những gì chứa đựng trong một sản phẩm du lịch.

Những đặc điểm cơ bản của “sản phẩm du lịch” bao gồm :

Tính tổng hợp, đa dạng, nhiều cấp độ;

Tính không dự trữ, lưu kho được;

Tính không thể chuyển dịch, phân chia được;

Tính đồng thời của hoạt động sản xuất và tiêu thụ;

Tính vô hình, dễ thay đổi, không đồng nhất;

Tính không chuyển giao quyền sở hữu;

Tính mới cho cả chủ thể (khách du lịch), khách thể (môi trường, cảnh quan, tài nguyên) và môi giới du lịch (ngành kinh doanh du lịch)

Như vậy khi nghiên cứu “sản phẩm du lịch” ngoài việc chú trọng đến các yếu tố hình thành nên “sản phẩm”, cần thiết phải lưu ý đến những đặc điểm cơ bản của sản phẩm du lịch.

Đánh giá hiện trạng sản phẩm du lịch và tính bền vững của nó cần dựa trên việc đánh giá các yếu tố cấu thành nên sản phẩm gồm: sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất, giá cả, hình ảnh của điểm đến, khả năng tiếp cận với sản phẩm du lịch.


- Loại hình du lịch

Loại hình du lịch được hiểu: “Là một tập hợp các sản phẩm du lịch có những đặc điểm giống nhau, hoặc chúng thỏa mãn những nhu cầu, động cơ du lịch tương tự, hoặc được bán cho cùng một nhóm khách hàng, hoặc chúng có cùng một cách phân phối, một cách tổ chức như nhau, hoặc được xếp chúng theo một mức giá bán nào đó” [14].

Tổ chức Du lịch Thế giới cũng đã phân loại các loại hình du lịch chính theo các mục đích cơ bản của thị trường khách bao gồm: tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tiêu khiển giải trí; thăm người thân, bạn bè; thương mại, công vụ; tín ngưỡng và các mục đích khác. Tất cả những mục đích đi du lịch đều xuất phát từ sở thích, ý muốn cá nhân của khách du lịch (tham quan, nghỉ dưỡng, tiêu khiển giải trí, ...) hoặc là nghĩa vụ mà khách du lịch có trách nhiệm thực hiện đối với xã hội hoặc với chính bản thân mình (thương mại, công vụ, chữa bệnh,...). Nội dung phân loại được thể hiện trên Hình 1.1.

Hình 1 1 Phân loại loại hình du lịch theo UNWTO Dựa trên các tiêu chí khác nhau 1

Hình 1.1: Phân loại loại hình du lịch (theo UNWTO)


Dựa trên các tiêu chí khác nhau mà loại hình du lịch có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau: Du lịch tham quan (DLTQ), DLND, du lịch chữa bệnh, du lịch thể thao, DLST, du lịch lịch sử...

Mỗi một loại hình du lịch sẽ có những yêu cầu và đặc điểm riêng vì vậy sẽ có những yêu cầu khác nhau trong việc sử dụng tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch đó.

- Một số loại hình du lịch liên quan đến nội dung nghiên cứu bao gồm:

+ Du lịch tham quan

DLTQ được hiểu “Là hoạt động của khách du lịch trong ngày tới thăm nơi có TNDL với mục đích tìm hiểu, thưởng thức những giá trị của TNDL” [61].

Mục đích của DLTQ là quan sát, khám phá, tìm hiểu, cảm nhận, nâng cao hiểu biết về giá trị cảnh quan, môi trường tự nhiên, văn hoá, lịch sử, xã hội.

Hoạt động đặc trưng của DLTQ bao gồm: Nghe hướng dẫn viên thuyết minh để nâng cao hiểu biết; Tự quan sát để cảm nhận các giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa xã hội của cộng đồng; Chụp ảnh, ghi chép những điều cảm nhận được; Di chuyển bằng các phương tiện để tiếp cận đối tượng tham quan.

+ Du lịch nghỉ dưỡng

DLND là loại hình du lịch phục vụ khách du lịch có nhu cầu nghỉ ngơi (nghỉ mát, nghỉ đông) nhằm nhanh chóng phục hồi sức khỏe [89].

DLND thường được hình thành và phát triển ở những nơi có khí hậu phù hợp, cảnh quan đẹp, yên tĩnh như: Bãi biển, các vùng hồ có rừng cây, vùng núi, nơi có nguồn nước khoáng...

Mục đích của DLND là nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho con người kết hợp tham quan.

Các hoạt động đặc trưng của DLND bao gồm: Nghỉ ngơi ở những khu vực có khí hậu mát mẻ, có cảnh quan đẹp; Thể thao nhẹ (bóng chuyền, bóng


rổ, bơi lội...); Vui chơi giải trí (chơi cờ, cắm trại, câu cá...); Tự quan sát cảm nhận các giá trị cảnh quan tự nhiên, văn hóa xã hội của cộng đồng nơi nghỉ dưỡng; Lưu trú.

+ Du lịch sinh thái

DLST là loại hình du lịch mới xuất hiện trong thập kỉ 90 và hiện có rất nhiều định nghĩa khác nhau.

Theo Hector Ceballos (1992): “DLST là du lịch đến những khu vực tự nhiên ít bị thay đổi với những mục tiêu đặc biệt : nghiên cứu, trân trọng và thưởng ngoạn phong cảnh và giới thực – động vật hoang dã, cũng như những biểu thị văn hóa (cả quá khứ và hiện tại) được khám phá trong những khu vực này” (dẫn theo [62]).

Trong luật du lịch Việt Nam (2005), DLST được quan niệm: “DLST là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nh m phát triển bền vững” [61].

Các hoạt động đặc trưng của DLST bao gồm: Đi bộ (trên cạn), lặn (dưới nước) tiếp cận quan sát các hệ sinh thái đặc thù; Quan sát, chụp ảnh các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, các cảnh quan đặc sắc, các sinh hoạt văn hóa bản địa; Nghe thuyết minh, trao đổi với hướng dẫn viên, cộng đồng về các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa; Lưu trú.

1.2.2. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch

1.2.2.1. Khái niệm

ĐKTN là khả năng của toàn bộ các thành phần trong môi trường tự nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống và các hoạt động của con người trên một lãnh thổ nhưng không tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất vật chất của con người. Ví dụ như: vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, các nguồn nước, các nguồn động thực vật…


TNDL là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch [61].

Cần phân biệt giữa ĐKTN và TNDL. ĐKTN là các yếu tố tác động đến cuộc sống và hoạt động của con người nhưng khi các yếu tố đó được con người khai thác cho mục đích phát triển du lịch thì nó lại trở thành TNDL. Ví dụ: Yếu tố gió trong thành phần khí hậu, nếu tốc độ gió to sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của tàu thuyền trên sông, biển hay ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy hải sản nhưng lại là lợi thế và trở thành TNDL khi con người lợi dụng tốc độ gió để tổ chức hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm như thuyền buồm, lướt ván, dù lượn…

1.2.2.2. Phân loại tài nguyên du lịch

a. Tài nguyên du lịch tự nhiên

TNDL tự nhiên bao gồm các thành phần, các thể tổng hợp tự nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp được khai thác và sử dụng để tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ cho mục đích phát triển du lịch. “TNDL tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”[61]. Chính vì vậy, nhóm TNDL tự nhiên thường được chia thành: tài nguyên địa hình, khí hậu, nước và tài nguyên sinh vật [46, 89].

- Địa hình là yếu tố tạo nên phong cảnh, trong hoạt động du lịch, đặc điểm hình thái địa hình có vai trò quan trọng. Bằng các dấu hiệu bên ngoài của địa hình và các dạng địa hình đặc biệt là những yếu tố cấu thành nên các loại hình du lịch. Các khu vực núi, đồi địa hình phân hóa đa dạng, có ý nghĩa hơn địa hình đồng bằng đơn điệu. Ngoài ra còn nhiều dạng địa hình có giá trị cao cho các hoạt động du lịch như các hồ, đầm, các đảo và quần đảo, bãi biển ven bờ, các di tích tự nhiên…


- Các điều kiện khí hậu được xem như một dạng tài nguyên đặc biệt và được khai thác, phục vụ cho các mục đích du lịch, nghỉ dưỡng khác nhau. Nhìn chung, đối với nhu cầu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe hoặc các hoạt động du lịch thuần túy đòi hỏi các yếu tố thuận lợi về áp suất không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh nắng, lượng ôxy và độ trong lành của không khí. Tuy nhiên đối với các loại hình du lịch thể thao đặc thù như nhảy dù, tàu lượn, khinh khí cầu… lại yêu cầu các yếu tố thời tiết thích hợp như: hướng gió, tốc độ gió, quang mây, không có sương mù. Do các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu nên tính mùa vụ của khí hậu có ảnh hưởng rất rõ đến tính mùa vụ trong hoạt động du lịch.

- Tài nguyên nước có vai trò điều hòa vi khí hậu, tạo phong cảnh khi kết hợp với tài nguyên địa hình, sinh vật và trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng như tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch thể thao. Tài nguyên nước được khai thác cho hoạt động du lịch chủ yếu ở khu vực mặt nước, các bãi nông ven bờ và các điểm nước khoáng.

- Tài nguyên sinh vật có ý nghĩa quan trọng với các loại hình DLST, DLTQ, nghiên cứu khoa học. Tài nguyên sinh vật khai thác cho du lịch tập trung tại các nơi như: các VQG, KBTTN, một số hệ sinh thái đặc biệt và các điểm tham quan sinh vật.

Các TNDL tự nhiên luôn gắn liền với các ĐKTN và được khai thác đồng thời với các TNDL nhân văn. Khi tìm hiểu, nghiên cứu về TNDL tự nhiên, người ta nghiên cứu từng thành phần của tự nhiên, các thể tổng hợp tự nhiên và các hiện tượng đặc sắc của tự nhiên.

b. Tài nguyên du lịch nhân văn

TNDL nhân văn là các đối tượng, hiện tượng do con người tạo ra trong suốt quá trình tồn tại và phát triển; có giá trị văn hóa, tinh thần và phục vụ cho nhu cầu du lịch. TNDL nhân văn bao gồm: di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/04/2023