kiểm soát của địch về trạm phẫu thuật an toàn. Nhân dân Hoài Thanh, Hoài Hảo, Hoài Châu, Tam Quan Nam ngày đêm bám trụ dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù trong mùa khô 1965 – 1966 để cất dấu, nuôi dưỡng hàng trăm cán bộ, thương binh . Trong mùa khô 1966 – 1967 nhiều xã như Ân Tín (Hoài Ân), Hoài Châu, Hoài Hảo (Hoài Nhơn), Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), Cát Hanh (Phù Cát) v.v, địch dội xuống hàng trăm tấn bom đạn, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết đấu tranh “một tấc không đi, một ly không rời”.v.v.
Thực tế cho thấy, để có những thắng lợi vang dội trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Định, để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh kiên trung đi theo Đảng, theo cách mạng đến cùng thì điều kiện tiên quyết là mọi chủ trương chính sách của Đảng bộ tỉnh phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng thực tế của nhân dân, phải được nhân dân đồng tình và hăng hái ủng hộ.
Ba là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Giáo dục chủ trương chính sách của Đảng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ mục tiêu của cách mạng, phương hướng, nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn. Trên cơ sở đó giúp cán bộ đảng viên tin tưởng hơn vào cách mạng, để họ sẵn sàng cống hiến tài năng, trí tuệ, thậm chí cả tính mạng cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 10 năm từ năm 1965 đến năm 1975 công tác giáo dục chính trị tư tưởng được Đảng bộ tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm. Các lớp bồi dưỡng chính trị tư tưởng được mở ra ở hầu khắp các cấp ủy Đảng trong tỉnh. Ở cấp tỉnh, các lớp bồi dưỡng chính trị tư tưởng do tỉnh ủy tổ chức. Ở cấp huyện, các lớp bồi dưỡng chính trị tư tưởng do huyện ủy tổ chức. Ở cấp xã, các lớp bồi dưỡng chính trị tư tưởng do cấp ủy xã tổ chức. Tùy theo hoàn cảnh, nhiệm vụ cụ thể của các giai đoạn cách mạng mà nội dung các lớp bồi dưỡng có khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chung mà các lớp bồi dưỡng chính trị tư tưởng này hướng tới là xây dựng
niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên vào đường lối chủ trương, sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy khu 5 và Đảng bộ tỉnh Bình Định. Đồng thời sớm phát hiện những tư tưởng lệch lạc trong cán bộ, đảng viên để kịp thời chấn chỉnh. Đối với lực lượng vũ trang 3 thứ quân trong tỉnh, các lớp bồi dưỡng trình độ chuyên môn được Tỉnh đội, Huyện đội hay Xã đội thường xuyên và liên tục tổ chức. Trong các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng vũ trang, bên cạnh việc huấn luyện cho các chiến sĩ về chiến thuật, cách sử dụng vũ khí, còn một nội dung quan trọng mà hầu hết khóa huấn luyện nào cũng đề cập tới, đó là nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của chiến tranh du kích, quán triệt nhiệm vụ, chủ trương, đường lối nhiệm vụ trung tâm từng thời kỳ của Đảng bộ, trên cơ sở đó nâng cao giác ngộ giai cấp, lập trường, ý chí quyết tâm, xây dựng niềm tin cho các chiến sĩ vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.
Trong quá trình kháng chiến, mặc dù luôn phải trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân chống trả lại âm mưu và hành động thâm độc của kẻ thù. Những ngày sục sôi chiến đấu của quân dân ở Bình Định trong mỗi năm luôn ở mức cao, năm 1969 có 233 ngày nằm trong chiến dịch, năm 1970 có 248 ngày nằm trong chiến dịch.v.v Song Đảng bộ tỉnh vẫn dành thời gian nhất định tổ chức Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng (tính đến tháng 3 năm 1975 Đảng bộ tỉnh đã tổ chức 11 Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước) nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế của các lực lượng vũ trang, kịp thời vinh danh, khen thưởng những cá nhân tổ chức đạt thành tích xuất sắc trong chiến đấu, qua đó góp phần động viên, khuyến khích tinh thần giết giặc lập công của cá nhân, tập thể. Hoạt động thi đua khen thưởng này của Đảng bộ tỉnh còn có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng niềm tin vào sự thành công của cách mạng cho cán bộ chiến sĩ trong tỉnh.
Xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên và chiến sĩ có lập trường tư tưởng chính
trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng bộ là điều kiện tiên quyết lôi kéo quần chúng đi theo cách mạng. Thực tế cho thấy, nhân dân chỉ có thể hiểu Đảng, tin Đảng dựa trên sự hiểu biết của họ về những người thực hiện sứ mệnh của Đảng mà không ai khác chính là cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Nhân dân Bình Định có truyền thống yêu nước nồng nàn, có tinh thần đấu tranh quật khởi. Tuy nhiên để phát huy sức mạnh to lớn này của quần chúng thì Đảng bộ tỉnh phải biết tập hợp, tổ chức quần chúng, giáo dục cho quần chúng thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, mục tiêu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Trung ương Đảng, nhiệm vụ chủ trương của Đảng bộ tỉnh trong mỗi giai đoạn cách mạng, từ đó đưa dần quần chúng vào trận địa đấu tranh. Đấu tranh từ hình thức thấp lên hình thức cao, từ đấu tranh chính trị đòi quyền dân sinh dân chủ tiến lên phát động khởi nghĩa vũ trang, tiến hành 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) để từng bước tập dượt và tập hợp đông đảo quần chúng đi theo cách mạng. Đi đôi với giáo dục quần chúng, Đảng bộ tỉnh phải thường xuyên bồi dưỡng sức dân thông qua việc xây dựng mô hình chính quyền tự quản ở những vùng giải phóng, thực hiện chia ruộng đất, miễn giảm thuế cho nông dân, tổ chức khắc phục thiên tai, địch họa cho dân v.v.
Bốn là: Gắn liền tác chiến với xây dựng.
Tác chiến để xây dựng, xây dựng để tác chiến là một vòng tuần hoàn tất yếu của chiến tranh. Khi bước vào cuộc chiến cần thiết phải có những cơ sở nhất định như đường lối, lực lượng lãnh đạo, lực lượng đấu tranh, lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược, thuốc men v.v. Những cơ sở này trở thành đối tượng triệt phá tiêu diệt của đối phương trong quá trình tác chiến. Ta càng cố gắng xây bao nhiêu thì địch càng tăng cường phá hoại bấy nhiêu và ngược lại. Bởi vậy, tác chiến phải gắn liền với xây dựng. Thực tế cho thấy, trong quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Định, khi nào Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng mọi mặt phục vụ kháng chiến song song với tác chiến khi đó cách mạng có thực lực, phục vụ hiệu quả cho tác chiến và tác chiến thành công. Những thắng lợi của cách mạng Bình Định trong
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Nhận Xét Và Kinh Nghiệm
- Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích từ năm 1965 đến năm 1975 - 15
- Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích từ năm 1965 đến năm 1975 - 16
- Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích từ năm 1965 đến năm 1975 - 18
- Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích từ năm 1965 đến năm 1975 - 19
- Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích từ năm 1965 đến năm 1975 - 20
Xem toàn bộ 163 trang tài liệu này.
2 mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967, trong chiến dịch tổng hợp Xuân Hè năm 1972, chiến dịch tổng hợp Xuân 1975 không chỉ là thắng lợi về mặt tác chiến mà đó còn lại kết quả của sự chuẩn bị công phu mọi mặt công tác phục vụ tác chiến. Tuy nhiên, có những lúc Đảng bộ tỉnh mắc phải một số sai lầm, chủ quan, không quan tâm một cách đúng mức tới xây dựng thực lực. Ví như sau cuộc tấn công nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, Đảng bộ tỉnh không kịp thời đưa ra phương án bảo vệ lực lượng, bảo vệ tài sản tính mạng của nhân dân. Điều này dẫn đến hiện trạng lực lượng cách mạng Bình Định bị tổn thất nặng nề, nhiều làng mạc ở các huyện phía Bắc tỉnh trở thành vùng trắng. Ở Hoài Nhơn nhiều nơi trong phạm vi 10 km không có vật gì che khuất. Năm 1969 bộ đội Bình Định nhiều ngày phải chiến đấu trong cảnh đói cơm, lạt muối.v.v. Sự yếu kém về mặt xây dựng đưa đến những hạn chế trong việc tiêu diệt địch, bảo vệ dân, bảo vệ vùng giải phóng.
Năm là: xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang lớn mạnh tạo bước đi hiệu quả cho chiến tranh du kích.
Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được xem là hai chân của kháng chiến, là hai lực lượng chủ đạo tiến hành kháng chiến.
Lực lượng chính trị bao gồm toàn bộ quần chúng có cảm tình với cách mạng. Đây là lực lượng có số lượng đông đảo và là lực lượng to lớn tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định. Tính đến cuối năm 1967, Bình Định đã xây dựng được đội quân chính trị gồm 590 đội với 272.000 người. Là quần chúng nhân dân, lực lượng chính trị tồn tại ở cả 3 vùng chiến lược, trên tất cả các địa bàn của tỉnh bao gồm cả ở vùng giải phóng, vùng địch hậu, vùng tranh chấp v.v. Trong kháng chiến, quần chúng tham gia đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau. Quần chúng đấu tranh chính trị chống đôn quân bắt lính, chống địch đàn áp, cướp bóc, chống phá hoại nhà cửa, ruộng vườn, chống dồn dân lập ấp chiến lược v.v. Tùy từng điều kiện cụ thể mà Đảng bộ huy động quần chúng đấu tranh nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính trị nhất định. Trong mỗi phong trào đấu tranh của quần chúng đều
có những đảng viên cốt cán của Đảng bộ ở địa phương tham gia nhằm phát động quần chúng, tổ chức quần chúng đấu tranh đồng thời bảo vệ quần chúng. Phong trào đấu tranh chính trị diễn ra đều khắp, liên tục trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ. Có phong trào huy động hàng chục nghìn người tham gia gây lên tình hình chính trị rối loạn, bất ổn ở địa phương làm cho địch khó kiểm soát khiến nội bộ địch bất ổn theo.
Lực lượng chính trị ở Bình Định cũng tham gia đấu tranh binh vận mạnh mẽ làm tan rã lẻ tẻ từng đơn vị địch, tiến lên phá rã hàng chục đơn vị địch cùng một lúc, kết hợp vận động binh lính làm nội ứng, binh biến, diệt ác, phá dồn. Tin theo Đảng bộ, nghe theo Đảng bộ và làm theo Đảng bộ nói, phương châm đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi dường như ăn sâu vào trong tư tưởng mỗi người dân Bình Định yêu nước. Vì vậy trong kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định đấu tranh binh vận không chỉ là nhiệm vụ của các tổ chức, tập thể mà từng cá nhân cũng có thể làm. Điển hình cho cá nhân tiêu biểu làm công tác binh vận có thể kể đến tấm gương của mẹ Đề ở thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn. Vào ngày 2 tháng 5 năm 1972 quân giải phóng đánh vào căn cứ Đệ Đức, khi thấy một số bộ binh địch cùng 10 xe M.113 tháo chạy về phía Đông. Quân địch hớt hải, tinh thần suy sụp, má Đề đứng ra dùng lời lẽ khéo léo thuyết phục lôi kéo được cả một trung đội cộng hòa 36 tên với 31 súng trở về với nhân dân.
Tuy nhiên để phát động quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận có hiệu quả, Đảng bộ tỉnh đã cho thành lập các binh chủng đặc biệt đó là các đội quân chính trị thường trực và binh vận chuyên trách, bao gồm những phần tử trung kiên của các hội đoàn giải phóng. Những tổ nội tuyến, tổ bám chốt, bám đường và các đội “kéo, cứu lính”. Cùng với đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận, lực lượng chính trị ở Bình Định còn hoạt động có hiệu quả trong việc bố phòng, xây dựng làng chiến đấu, trong nhiều trường hợp lực lượng chính trị được huy động trang bị gậy gộc cùng du kích và bộ đội địa phương bao vây bức rút đồn bốt địch.
Lực lượng vũ trang là nòng cốt trong chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Từ năm 1959 Đảng bộ tỉnh Bình Định xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân bao gồm bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và dân quân du kích trên cả 3 vùng chiến lược nhằm tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích chống chiến tranh xâm lược của Mỹ giải phóng tỉnh nhà. Quân từ dân mà ra. Đảng bộ tỉnh Bình Định sớm xây dựng được niềm tin trong dân, bởi vậy các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái cho con em gia nhập các lực lượng vũ trang. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang của tỉnh lúc cao nhất có 2 trung đoàn, hàng chục tiểu đoàn, đại đội bộ binh tỉnh, huyện và những đơn vị binh chủng cùng lực lượng du kích xã thôn, tự vệ mật hàng vạn chiến sĩ với nhiều lứa tuổi khác nhau như du kích thiếu niên, nữ du kích, lão du kích .v. v, trên cả 3 vùng chiến lược.
Lực lượng vũ trang 3 thứ quân của tỉnh được dân tin, dân yêu, dân đùm bọc, che chở từ khi mới thành lập, được Đảng bộ tỉnh lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, bởi vậy lực lượng này không ngừng lớn mạnh và trưởng thành trong quá trình kháng chiến chống Mỹ. Lực lượng vũ trang Bình Định đã đảm đương tốt vai trò của mình trong tiến công, căng kéo, bao vây, tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Theo số liệu thống kê, tính từ năm 1965 đến cuối tháng 11 năm 1974, lực lượng vũ trang 3 thứ quân của tỉnh đã đánh 18.758 trận, diệt được 134.871 tên, loại khỏi vòng chiến 190.572 địch các loại (có khoảng từ 1/2 đến 2/3 tổng số địch bị loại). Chống phá địch càn quét lấn chiếm có hiệu quả, bảo vệ vùng giải phóng và làm chủ của ta. Các lực lượng vũ trang của tỉnh từ mở các đợt hoạt động và các chiến dịch tấn công độc lập mang tính địa phương để hợp đồng với các tỉnh trong Khu tiến tới đảm nhiệm các hướng đánh độc lập trong các chiến dịch tổng hợp. Từ tiêu diệt vài trung đội phụ quân và chốt điểm nhỏ đến tiêu diệt đại đội, tiểu đoàn địch và một số chi khu quận lỵ, thị trấn, tiến lên giải phóng thành phố tỉnh lỵ và các chi khu quận lỵ trong chiến dịch tổng hợp Xuân 1975.
Như vậy thắng lợi từng bước của kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định gắn
liền với sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở đây.
Sáu là: Chú trọng xây dựng hậu phương chiến tranh du kích trên cả 3 vùng chiến lược.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, hậu phương là yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi của tiền tuyến. Nắm vững quan điểm này Đảng bộ tỉnh Bình Định đã sớm quan tâm xây dựng hậu phương một cách toàn diện phục vụ cho quá trình kháng chiến. Từ năm 1965 cách mạng Bình Định bắt đầu nhận được sự viện trợ về sức người sức của của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, hậu phương tại chỗ là chủ yếu và mang tính quyết định đến thành quả tác chiến ở Bình Định. Nhận thức được vai trò quan trọng của hậu phương tại chỗ, Đảng bộ tỉnh Bình Định nhanh chóng triển khai xây dựng hậu phương kháng chiến ở cả miền núi, đồng bằng và vùng ven đô thị. Năm 1960 cách mạng tỉnh đã giải phóng được một vùng rộng lớn ở miền núi bao gồm hầu hết huyện Vĩnh Thạnh, toàn bộ vùng cao huyện An Lão và 3 xã vùng cao huyện Vân Canh. Vùng giải phóng đầu tiên này của tỉnh trở thành căn cứ địa, hậu phương trực tiếp của cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Bình Định. Tại vùng giải phóng này, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác bố phòng, xây dựng làng chiến đấu để chống càn và biệt kích, làm bàn đạp bảo vệ hành lang cho cách mạng tiến xuống phát triển ở vùng đồng bằng và đô thị. Đây cũng là nơi hình thành nên đội ngũ cán bộ đảng viên, lực lượng chính trị quần chúng đầu tiên của tỉnh. Vùng đồng bằng là nơi đông dân nhiều của, là địa bàn giằng co quyết liệt giữa ta và địch trong suốt thời kỳ kháng chiến. Phải nắm được vùng đồng bằng cách mạng Bình Định mới có thế và lực mạnh cho kháng chiến. Đi theo phương châm tranh thủ sức dân, ở các huyện phía Bắc tỉnh là nơi phong trào cách mạng bùng nổ mạnh mẽ từ năm 1960. Tại đây, Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang tích cực hỗ trợ quần chúng diệt ác, phá kèm, xây dựng làng chiến đấu, đưa quần chúng lên làm chủ ở những nơi giải phóng. Những vùng giải phóng này trở thành hậu phương tại chỗ
cho cuộc kháng chiến. Xây dựng căn cứ lõm ở vùng ven thị trấn, thị xã làm bàn đạp đẩy mạnh phong trào ở đô thị.
Nhìn chung, hậu phương kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định được Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng dựa trên thế trận lòng dân. Nơi đâu dân tin theo Đảng bộ, ủng hộ kháng chiến nơi đó trở thành hậu phương kháng chiến. Điểm đặc biệt của hậu phương kháng chiến chống Mỹ ở Bình Định là hậu phương tại chỗ tồn tại trên khắp các địa bàn trong tỉnh, cả ở vùng giải phóng, cả ở vùng địch hậu hay vùng tranh chấp. Đây là nguyên do lý giải vì sao cách mạng tỉnh Bình Định nhận được sự giúp đỡ to lớn của dân, được dân đùm bọc, ủng hộ trong suốt cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước.
Tóm lại: Ra đời và trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh và dân tộc, khả năng lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Định dần nâng lên mức độ nghệ thuật lãnh đạo. Suốt 10 năm cầm lái gian truân, đầy thử thách Đảng bộ tỉnh từng bước đưa con thuyền cách mạng tỉnh vượt qua thác ghềnh tiến tới giành được những thắng lợi quan trọng. Và như thế chiến thắng Xuân năm 1975 không chỉ là chiến thắng của mồ hôi, nước mắt của nhân dân và các lực lượng vũ trang Bình Định mà nó còn là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích ở đỉnh cao.