Ngoài những công trình trên, hầu hết các công trình khác đều chỉ nghiên cứu tiểu thuyết Vi Hồng trên phạm vi một phương diện, một tác phẩm cụ thể chứ chưa có sự khai thác một cách toàn diện trên phạm vi thể loại. Đặc biệt các phương diện như: xung đột chủ yếu của xã hội miền núi trong tiểu thuyết của Vi Hồng; cốt truyện và yếu tố ngoài cốt truyện; khắc hoạ nhân vật qua hình ảnh thiên nhiên chưa được nghiên cứu trong bất cứ công trình nào. Chính vì vậy chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu những phương diện ấy và đó sẽ là đóng góp của công trình nghiên cứu trong việc tìm hiểu tiểu thuyết của Vi Hồng .
Điểm lại các công trình, bài báo nghiên cứu về văn chương Vi Hồng nói chung, tiểu thuyết của Vi Hồng nói riêng, chúng tôi nhận thấy: Đã có một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết của nhà văn ở các phương diện nội dung và nghệ thuật. Nhưng những công trình này thường chỉ dừng ở một số phương diện cụ thể hoặc một vài tác phẩm. Chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu tiểu thuyết Vi Hồng một cách có hệ thống, ở diện rộng và khái quát. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm tiểu thuyết Vi Hồng được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Trên cơ sở tìm hiểu đặc điểm tiểu thuyết của Vi Hồng ở cả 2 phương diện nội dung và nghệ thuật, đề tài chỉ ra những đóng góp của Vi Hồng trong tiến trình vận động, phát triển của văn học dân tộc thiểu số, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của nhà văn ở thể loại tiểu thuyết. Từ đó, khẳng định vị trí của Vi Hồng trong đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng, trong đội ngũ các nhà văn hiện đại Việt Nam nói chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: đặc điểm tiểu thuyết của Vi Hồng ở hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
- Phạm vi nghiên cứu: Vi Hồng sáng tác ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, kịch, truyện vừa, truyện ngắn… Tuy nhiên, do điều kiện thời gian và khuôn khổ của đề tài chúng tôi chỉ nghiên cứu các tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết của nhà văn.
5. Phương pháp nghiên cứu
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm tiểu thuyết Vi Hồng - 1
- Tiểu Thuyết Trong Sự Nghiệp Sáng Tác Của Vi Hồng.
- Văn Chương Phải Có Nhiệm Vụ Đề Cao, Khẳng Định Cái Thiện, Cái Đẹp, Đấu Tranh Loại Bỏ Cái Ác, Cái Xấu.
- Những Xung Đột Chủ Yếu Của Xã Hội Miền Núi Trong Tiểu Thuyết Vi Hồng.
Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.
Đề tài sử dụng các phương pháp:
Phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại Phương pháp thống kê, phân loại
Phương pháp so sánh, đối chiếu Phương pháp khái quát, tổng hợp
6. Bố cục của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tham khảo, nội dung chính của đề tài gồm 3 chương:
Chương 1. Tiểu thuyết của Vi Hồng trong dòng chảy của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Chương 2. Hiện thực cuộc sống và con người miền trong tiểu thuyết của Vi Hồng.
Chương 3. Một số phương diện nghệ thuật trong tiểu thuyết của Vi Hồng.
CHƯƠNG 1
TIỂU THUYẾT VI HỒNG TRONG DÒNG CHẢY CỦAVĂN XUÔI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
1.1 Khái quát về văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại còn rất trẻ, và văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam còn trẻ hơn nữa. Nếu như trước năm 1945, các dân tộc thiểu số đã có thơ thì văn xuôi các dân tộc thiểu số chỉ được hình thành và phát triển từ sau Cách mạng tháng Tám. Văn xuôi chỉ xuất hiện khi văn học các dân tộc thiểu số nói chung và các nhà văn dân tộc thiểu số nói riêng đã phát triển đến một trình độ nhất định, ít nhiều đạt được độ chín trong nhận thức cũng như trong sáng tác. Sự xuất hiện của văn xuôi các dân tộc thiểu số là sự xuất hiện tất yếu của một thể loại trong tiến trình phát triển của một nền văn học- văn học các dân tộc thiểu số. Sự xuất hiện ấy là kết quả của 3 nguyên nhân chính (cả nguyên nhân khách quan và chủ quan).
Thắng lợi của cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ tháng Tám năm 1945 chính là nguyên nhân khách quan đầu tiên. Cách mạng đã đem lại cho các dân tộc cuộc sống tự do, dân chủ và bình đẳng, giúp cho các dân tộc thiểu số ý thức được mình là một dân tộc như những dân tộc khác. Họ đã có một chỗ đứng để nhìn lại dân tộc mình và dân tộc khác, thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu của bản thân. Từ đó họ có điều kiện phát triển không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà còn về cả văn hoá, văn học.
Những tác phẩm văn xuôi của những nhà văn dân tộc Kinh, nhất là những tác phẩm như Ở rừng của Nam Cao, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc đã ảnh hưởng không nhỏ tới cảm hứng sáng tác văn xuôi của các tác giả dân tộc thiểu số. Họ, những nhà văn dân tộc thiểu số giàu tâm huyết và tài năng ý thức được rằng đã đến lúc phải phản ánh cuộc sống, con người của dân tộc mình bằng các thể loại văn học khác chứ không phải chỉ phán ánh bằng thơ như trước đây nữa. Nhưng muốn làm được điều đó, các nhà văn dân tộc thiểu số cần phải có một trình độ văn hoá, một sự hiểu biết về văn học nghệ thuật nhất định.
Chính các lớp, các trại sáng tác, chính sự dìu dắt của thế hệ nhà văn người Kinh tài năng, tâm huyết là nguyên nhân thứ ba, có lẽ cũng là nguyên nhân quan trọng nhất cho sự ra đời của văn xuôi các dân tộc thiểu số.
Trong các thể loại của văn xuôi thì truyện ngắn là thể loại đầu tiên xuất hiện trên tiến trình phát triển của văn học dân tộc thiểu số hiện đại. Người ghi công đầu trong lĩnh vực này là Nông Minh Châu với truyện ngắn Ché Mèn được đi họp in năm 1958, tức là vào những năm mở đầu của công cuộc chống Mĩ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tiếp đó vào những năm 50, 60 xuất hiện hàng loạt những truyện ngắn Bên bờ suối tiên của Triều Ân, Cuộn chỉ màu hột đỗ của Lâm Ngọc Thụ, Đêm giao thừa, Đặt tên của Vi Thị Kim Bình, Mường Nà Pàng của Nông Viết Toại, Về nhiệm vụ của Huy Hùng, Nước suối tiên đào của Vi Hồng, Ké Nàm của Hoàng Hạc, Hoa trong men của Vương Trung ...Bước sang thập kỉ 70, 80, truyện ngắn của văn học dân tộc thiểu số phát triển một cách mạnh mẽ với sự xuất hiện liên tiếp những tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả hoặc của riêng từng tác giả: Tiếng hát rừng xa của Hoàng Hạc, Triều Ân (1969), Mây tan của nhiều tác giả (1973), Đoạn đường ngoặt của Nông Viết Toại (1973), Tiếng chim gò của Nông Minh Châu (1979), Niềm vui của Vi Thị Kim Bình (1979), Tiếng khèn A pá của Triều Ân (1980), Những bông ban tím của Sa Phong Ba (1981), Người tạc tượng nhà mồ của nhiều tác giả (1988), Đường qua đèo mây của Triều Ân (1988), Đuông thang của Vi Hồng (1988), Xứ lạ mường trên của Hoàng Hạc (1989), Số phận đàn bà của Hoàng Thị Cành (1990)...
Có thể nói sự xuất hiện của thể loại truyện ngắn trong văn xuôi các dân tộc thiểu số đã đem đến một cách cảm nhận con người, cuộc sống vừa giống lại vừa khác với những tác phẩm của người miền xuôi viết về miền núi, góp phần làm cho hình tượng con người miền núi trở nên có xương thịt, có hồn hơn rất nhiều. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng, những non yếu ban đầu khó có thể tránh khỏi về mặt nghệ thuật, cũng như những hạn chế nhất định về mặt thể loại (dung lượng tác phẩm ngắn) đã làm giảm không ít tầm khái quát, diện phản ánh của tác phẩm. Những hạn chế này dần dần đã được khắc phục cùng với sự xuất hiện và phát triển của thể loại tiểu thuyết.
So với truyện ngắn, tiểu thuyết ra đời muộn hơn 6 năm, và người mở đường cho sự phát triển của thể loại này cũng là nhà văn Nông Minh Châu với cuốn tiểu thuyết Muối lên rừng sáng tác năm 1964. Khác với thể loại truyện ngắn ra đời và phát triển một cách liên tục, tiểu thuyết có quá trình phát triển rất riêng. Sau cuốn Muối lên rừng, tiểu thuyết các dân tộc thiểu số dường như chững lại. Quá trình chững lại ấy kéo dài đến 14 năm. Bởi Nông Minh Châu, từ 1964 đến 1979 (lúc nhà văn qua đời) không viết thêm cuốn tiểu thuyết nào khác và cũng không có thêm bất cứ một cây bút tiểu thuyết dân tộc thiểu số nào xuất hiện trên văn đàn trong suốt khoảng thời gian hơn chục năm ấy. Lí giải hiện tượng này chúng ta chỉ có thể dựa vào đặc trưng thể loại tiểu thuyết. Đây là một thể loại “dài hơi” hơn truyện ngắn rất nhiều, tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải có một sức viết “sung”, một vốn sống, vốn hiểu biết không nhỏ. Và đây dường như là một đòi hỏi quá tầm với phần lớn nhà văn dân tộc thiểu số lúc bấy giờ, khi mà nền văn xuôi mới chỉ tồn tại, phát triển được 6 năm. Cho nên trong suốt những năm 70, 80, văn học các dân tộc thiểu số chỉ dừng lại ở thể loại truyện ngắn. Đồng thời, trong khoảng thời gian hơn chục năm ấy các nhà văn cũng tích luỹ những kĩ năng, kinh nghiệm, vốn hiểu biết để tạo nên bước phát triển mới cho thể loại tiểu thuyết nói riêng và văn xuôi dân tộc thiểu số nói chung. Tuy nhiên, quá trình tích luỹ ấy không hề dễ dàng, nó đòi hỏi không chỉ tâm huyết, lòng nhiệt tình mà còn là cả tài năng nữa. Bởi vậy nên đến năm 1978, tức là 14 năm sau, cuốn tiểu thuyết thứ 2 mới ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết Hơ Giang của Y Điêng (dân tộc Ê đê). Tiếp đó đến năm 1980 là Đất Bằng của Vi Hồng. Và trong suốt một chục năm sau đó cũng chỉ có tiểu thuyết của Vi Hồng mà thôi. Đó là Núi cỏ yêu thương (1984), Thung lũng đá rơi (1985), Người trong ống (1990), Gã ngược đời (1990), Vào hang (1990), Lòng dạ đàn bà (1992)...
Từ thập niên 90 đến nay, văn xuôi các dân tộc thiểu số xuất hiện một đội ngũ gồm những cây bút tiểu thuyết mới, trẻ tuổi, tài năng và tâm huyết. Đó là Ma Trường Nguyên với Mũi tên ám khói (1991) và Gió hoang (1992), Hoàng Thị Cành với Làm dâu (1992) và Cướp chồng (1992), Cao Duy Sơn với Người lang thang (1992), La Quán Miên với tập truyện ngắn Hai người trở về bản (1996),
Hlinh Niê với tập truyện ngắn Con rắn màu xanh da trời (1997), tập kí Trăng Xí Thoại (1999), Kim Nhất với các tập truyện Động rừng (1999), Hồn ma núi (2002), Kha Thị Thường với tập truyện Lũ núi (2003) và Niê Thanh Mai với Về bên kia núi (2007)...
Trước thập niên 80, văn xuôi các dân tộc thiểu số chủ yếu phản ánh cuộc kháng chiến chống Mĩ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, rất ít tác phẩm viết về thời kì kháng chiến chống Pháp. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do hầu hết các tác phẩm văn xuôi đều ra đời trong thời kì chống Mĩ và chủ nghĩa xã hội. Các nhà văn thời kì này đều có ý thức lấy văn học phục vụ nhiệm vụ trước mắt. Văn học luôn bám sát những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong từng giai đoạn cụ thể, đi sâu khai thác các đề tài: xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng công trình thuỷ điện, xây dựng quê hương mới, cuộc sống định canh, định cư, chống mê tín dị đoan, chống bảo thủ lạc hậu...Văn học còn phản ánh nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán, cưới xin, ma chay, săn bắn, lễ hội...của các dân tộc. Một mảng hiện thực nữa được tái hiện trong văn xuôi là cuộc sống của nhân dân miền núi trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm tiêu biểu cho đề tài này là cuốn tiểu thuyết Muối lên rừng của Nông Minh Châu và Vãi Đàng của Vi Hồng. Muối lên rừng - tác phẩm có ý nghĩa mở đường cho thể loại tiểu thuyết của văn học thiểu số hiện đại, phản ánh hiện thực cuộc sống cay cực và nạn thiếu muối trầm trọng do chính sách hà khắc của thực dân Pháp ở miền núi Việt Bắc trước cách mạng. Thông qua nhân vật trung tâm là Pảo, một thanh niên dân tộc Tày, tác giả kể lại quá trình giác ngộ cách mạng của người dân miền núi, đồng thời ca ngợi tình bạn, tình yêu chung thuỷ của họ. Ngoài giá trị nội dung thì đóng góp nổi bật nhất của Muối lên rừng chính là ở phương diện ngôn ngữ và cách diễn đạt đầy màu sắc dân tộc. Ngôn ngữ trong tác phẩm rất trong sáng, giàu hình ảnh với những hình thức ví von sinh động. Tuy nhiên, là một cuốn tiểu thuyết đầu tay, tác phẩm không tránh khỏi những hạn chế như: tính điển hình của nhân vật chưa cao, tâm lí nhân vật còn sơ sài, đơn giản thậm chí là mờ nhạt và hầu như không có. Đến Vãi Đàng của Vi Hồng thì số phận của người dân miền núi được
khắc hoạ một cách rất rò nét, sinh động. Qua cuộc đời của Đàng, một cô gái Tày xinh đẹp và giàu nghị lực sống nhưng gặp không ít nỗi bất hạnh, đắng cay, lần đầu tiên số phận của người phụ nữ dân tộc trước Cách mạng tháng Tám đã đi vào văn học Việt Nam hiện đại.
Trong giai đoạn này, cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước cũng là một chủ đề được quan tâm khai thác với khá nhiều tác phẩm: Mẹ con chị Nải, Những cô gái đảm đường cầu, Trận địa giữa ruộng bậc thang của Nông Minh Châu, Sông gọi của Hoàng Hạc và đặc biệt là Hơ Giang của Y Điêng. Hơ Giang là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của Y Điêng và là cuốn tiểu thuyết thứ hai của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời người con gái Êđê mang tên Hơ Giang, là câu chuyện của bà con buôn Chư Pông đoàn kết đứng lên phá ấp, giải phóng buôn làng. Nhưng đấy không phải là câu chuyện của một làng, một vùng phía Tây Phú Khánh mà còn có sức khái quát cho cả Tây Nguyên đồng khởi, không chỉ tập trung khắc hoạ chân dung của một Hơ Giang kiên trinh mà còn chỉ ra con đường đến với cách mạng của cả một thế hệ thanh niên như Hơ Đông, Hơ Tang, Hơ Lam, Y Thao, Y Mao...Hơ Giang của Y Điêng đã hoàn chỉnh thêm gương mặt của người dân Tây Nguyên bất khuất, góp phần làm phong phú hơn diện mạo của văn xuôi các dân tộc thiểu số ở thể loại tiểu thuyết. Tuy nhiên, trong cuốn tiểu thuyết này, Y Điêng cũng không tránh khỏi những hạn chế như cây bút tiểu thuyết đàn anh. Ông vẫn sử dụng lối cấu trúc đơn giản theo mạch thời gian, không có sự xen cài, va chạm phức tạp của các cảnh ngộ, sự biểu hiện tâm lí còn đơn thuần, sơ lược ...
Bước sang thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90, với sự xuất hiện của cây bút tiểu thuyết rất “sung sức” Vi Hồng, đề tài được phản ánh trong văn xuôi nói chung và nhất là trong thể lọai tiểu thuyết nói riêng được mở rộng hơn rất nhiều. Vi Hồng không chỉ làm phong phú thêm những vấn đề vốn quen thuộc của văn xuôi dân tộc thiểu số như vấn đề chống mê tín dị đoan, khẳng định cái lỗi thời, lạc hậu phải nhường chỗ cho cái tiên tiến, phơi bày những cái xấu xa cần được xoá bỏ trong xã hội miền núi...mà ông còn đưa vào những cuốn tiểu thuyết của mình những đề tài
hoàn toàn mới như: đề tài công nghiệp ( Thung lũng đá rơi), đề tài người trí thức dân tộc ở các trường đại học (Người trong ống, Gã ngược đời). Các tiểu thuyết Người trong ống, Gã ngược đời, Vào hang, Chồng thật vợ giả đã đề cập đến những vấn đề có tính thời sự như sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự ấu trĩ của việc ngăn cấm làm giàu cá nhân và gióng hồi chuông cảnh báo về sự hoành hành của cái ác. Những tiểu thuyết của Vi Hồng dù vẫn tồn tại không ít những hạn chế nhưng cũng đã đạt được một bước tiến khá dài so với hai cây bút tiểu thuyết trước đó là Nông Minh Châu và Y Điêng. Vi Hồng đã phần nào khắc phục được kiểu kết cấu đơn giản theo mạch thời gian ngay từ tác phẩm Vãi Đàng, ông cũng đã chú ý hơn trong việc phân tích, thể hiện tâm lí của nhân vật, đặt nhân vật trong những mâu thuẫn xung đột gay gắt hơn, thiên nhiên trong tác phẩm của Vi Hồng cũng trở thành một đối tượng nghệ thuật có vẻ đẹp riêng của nó chứ không phải là thiên nhiên được miêu tả khá mờ nhạt trong sự hoà nhập chia sẻ với vui buồn của con người như trong tác phẩm của Nông Minh Châu. Đặc biệt, qua các tiểu thuyết của mình Vi Hồng đã thể hiện một ngòi bút tài hoa, điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ.
Những năm cuối thập niên 90 và thập niên đầu của thế kỉ XXI với sự xuất hiện của rất nhiều cây bút văn xuôi trẻ, tài năng, văn xuôi (nhất là tiểu thuyết) các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển đạt đến trình độ hiện đại. Không những đề tài được mở rộng mà những hạn chế trước đây của lớp nhà văn đi trước đều được lớp nhà văn trẻ chú ý khắc phục. Sự thành công của văn xuôi các dân tộc thiểu số Việt Nam đã phần nào được ghi nhận và phản ánh thông qua rất nhiều giải thưởng trong nước và khu vực mà lớp nhà văn trẻ đã đạt được. Điều này được minh chứng bằng sự thành công đáng trân trọng của nhà văn dân tộc Tày- Cao Duy Sơn. Với một hành trình từ Người lang thang (1992), Cực lạc (1995), Những chuyện ở thung lũng Cô Sầu (1996), Hoa mận đỏ (1999), Những đám mây hình người (2002), Đàn trời (2006) đến Ngôi nhà xưa bên suối (tập truyện đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009), Chòm ba nhà (2009) Cao Duy Sơn xứng đáng được coi là gương mặt tiêu biểu nhất trong đội ngũ văn xuôi các dân tộc thiểu số.