nhiên và xã hội mang đậm vẻ đẹp miền núi. Có lẽ, bởi họ đã được sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi cao xanh thẳm, hoang dã và chính nơi đây đã khơi nguồn cảm hứng cho các sáng tác, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của họ. Vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa hoang sơ; vừa dữ dội vừa lãng mạn; vừa khắc nghiệt vừa hào phóng ấy của thiên nhiên miền núi đã được phản ánh sinh động và rò nét trong nhiều tác phẩm. Có thể nói, thiên nhiên miền núi đã trở thành nguồn cảm hứng và là nguồn mạch bất tận trong tâm hồn và trái tim của mỗi nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số khiến họ dù đi đâu vẫn ấp ủ nỗi nhớ quê nhà. Ví dụ như những câu thơ: Cành mận bung trắng muốt/ Nhà trình tường ủ hương xôi nếp/ Giục lửa hồng nở hoa trong bếp/ Cho người đi xa nhớ lối trở về (Mùa hoa mận – Chu Thùy Liên); Con về…/ Bập bùng bên bếp lửa dáng mế yêu/ Dấu hỏi oằn in lên vách nứa/ Mùi cá nướng cơm lam vừa chín/ Vị quê hương òa mặn/ Hay giọt nước mắt con lăn trên vách núi quê mình (Vị quê – Phùng Hải Yến).
Bên cạnh hình ảnh thiên nhiên là hình ảnh con người miền núi với lối sống giản dị, tự nhiên, thật thà nhưng cũng rất sôi nổi, mãnh liệt. Họ là những con người lao động cần cù, vất vả, suốt đời khó nhọc để chăm lo cho những đứa con: Bóng mế còng lưng trảy ngô/ Cỗi cằn dốc đá/ Gùi lúa chín trên lưng/ Chở bao nhiêu mồ hôi nước mắt(Vị quê – Phùng Hải Yến); Vết chai tay dày thêm/ Lưng cha thì còng xuống/ Đường cày thì phẳng/ Đời cha gập ghềnh (Lời cha – Bàn Kim Quy); là những cô gái xinh đẹp đảm đang, dịu hiền, mang vẻ đẹp phồn thực: Lũ con gái ngực như quả núi (Bụng ta đỏ lửa – Sầm Nga Di); Bàn tay ngày ngày/ Vun vén chồng con/ Đệm ấm chăn êm/ Rau mềm cơm dẻo/ Mặn mà như suối (Thuổi chéo – Tòng Thị Hân).
Không chỉ đi vào ca ngợi thiên nhiên và con người miền núi mà các cây bút nữ dân tộc thiểu số đã đưa vào trong trang thơ của mình tình cảm yêu mến, tự hào với những nét đẹp chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, đồng thời cất lên tiếng
nói về những nghĩ suy, khát vọng, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của dân tộc mình. Khi đọc những tác phẩm của họ, chúng ta rất dễ nhận ra chất dân tộc luôn thấm đẫm trên từng trang viết, dạt dào trong cả nội dung phản ánh cũng như trong nghệ thuật thể hiện. Ta có thể thấy được điều đó ở nhiều bài thơ đặc sắc như: Xa nhà ca, Lửa sàn hoa, Chiều Nậm Rốm (Chu Thùy Liên); Hoa hạ, Dặn con ngày đi làm dâu, Chợ tình của Hoàng Thanh Hương; Chiếc khèn tình, Lá bùa yêu của Phùng Hải Yến; Tiếng mẹ (Thu Bình); Hoàng Kim Dung với Thêu áo, Khèn lá; Con trai bản Sài, Nơi ấy sắc chàm (Mã Thị Hà); Bụng ta đỏ lửa (Sầm Nga Di); Có một miền quê; Tìm lại tuổi thơ (Nông Thị Ngọc Hòa); Choong Lim, Mường ống (Trương Thị Mầu); Con iêng, xang éo, Thương lắm nhớ nhiều (Hơ vê); Mường Trong, Những người đàn bà (Bùi Thị Tuyết Mai); Chàng trai đa tình (Nông Thị Tô Hường); Tiếng bọng, Phiên chợ rẻo cao (Đoàn Ngọc Minh)…
Một đặc điểm nữa cũng được nhắc đến nhiều trong sáng tác của các cây bút nữ đó là đề tài tình yêu. Tình yêu trong thơ nữ dân tộc thiểu số được thể hiện ở tất cả các cung bậc khác nhau song họ đều gặp nhau ở trái tim khao khát yêu, khao khát được yêu đến nồng nàn, cháy bỏng. Khi yêu, họ sống hết mình với tình yêu và khao khát được vượt qua cái hữu hạn của lòng người để đi đến tận cùng của hạnh phúc. Cũng như thơ tình yêu của các nhà thơ nữ nói chung khác, hiện hữu trong những sáng tác của các cây bút nữ dân tộc thiểu số là những mối tình đẹp nhưng dang dở, chia lìa; mặc dù trong cuộc sống vẫn yêu thương và muốn đem lại hạnh phúc cho nhau, là những hoài niệm và ước mơ về một tình yêu, hạnh phúc, những ám ảnh ảnh về sự tàn phá của thời gian, sự đổi thay của lòng người và sự mong manh của tình yêu…Tuy nhiên, điểm làm nên sự khác biệt trong mảng thơ tình yêu của các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số chính là tính chất chủ động, bạo dạn, dâng hiến, thể hiện một bản năng yêu dữ dội. Từ những cảm xúc yêu đương không hề che giấu đến những xúc cảm mãnh liệt trong đời sống vợ chồng, các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số đã thú nhận tình
yêu của mình một cách chân thành, thẳng thắn: Có phải em giận anh?/ Tim cồn cào im lặng/ Anh có hay trong mắt/ Ngon lửa khát khao tình (Tự tình với hoa – Bế Phương Mai). Với họ, yêu là trao gửi cho nhau những nồng nàn bỏng cháy, là sự chủ động dâng hiến: Ta sẽ dâng hiến cho mình sự căm thù/ Bằng vị ngọt ấm mềm/ Dịu dàng bóng tối và trinh trắng ban mai/ Ta sẽ trao mình thuốc độc và gai/ Trọn đôi bầu ngọc (Khi nỗi đau nằm xuống – Bùi Thị Tuyết Mai). Nỗi nhớ trong tình yêu của họ cũng mang những sắc thái riêng: rất hồn nhiên, mộc mạc. Đó không phải là nỗi nhớ thường trực được gửi vào những cảm nhận đời thường trong thơ Xuân Quỳnh, không phải là nỗi nhớ in trên muôn lá khi Lâm Thị Mĩ Dạ đứng dưới vòm cây nơi xưa hò hẹn mà là nỗi nhớ như đong, đo đếm được – một kiểu tư duy đậm chất miền núi: Em nhớ đầy cả đêm/ Em thương sáng cả ngày/ Nhiều như cái sao, cái lá/ Cao như cái núi, cái đồi (Thương lắm nhớ nhiều – Nga Rivê). Đặc biêt, thơ của các nhà thơ nữ trẻ dân tộc thiểu số thời gian gần đây có rất nhiều những sáng tạo và cảm nhận đầy táo bạo, mới mẻ về tình yêu như thơ của Bùi Thị Dáng Hương, Hoàng Thanh Hương, Đinh Thị Mai Lan, Bế Phương Mai, Hà Thị Hải Yến, Đàm Thị Hải Yến, Mã Thị Hà, Đoàn Ngọc Minh… Có thể kể ra một số câu thơ như: Em/ Người đàn bà hỏa diệm sơn/ Yêu và sống nhiệt cuồng như mai là tận thế (Em – Hoàng Thanh Hương); Đã áo trùm áo, đã hơi bén hơi/ Mình đi đâu ta theo đấy/ Mình làm núi, ta làm hang/ Mình làm tơ, ta làm kén/ Mình làm trăng sao, ta làm mây quấn (Người đứng trông – Bùi Thị Giáng Hương); Đêm của riêng trai gái/ Tìm nhau mắt bỏng như than/ Bị phụ tình con gái tìm lá ngón/ Có tiếc chăng mùa xuân (Xa – Mã Thị Hà).
Bên cạnh đó, các nhà thơ còn luôn có ý thức khẳng định quá trình hội nhập của dân tộc mình trong cuộc sống thời hiện đại hôm nay. Đó là tinh thần nhập cuộc với cộng đồng dân tộc Việt Nam, với xã hội Việt Nam thời hiện đại, các cây bút nữ dân tộc thiểu số không sống tách rời với cuộc sống của người miền xuôi, kể cả cuộc sống nơi đô thị thời mở cửa. Điều này được thể hiện một
cách rò nét trong thơ. Nếu Bùi Thị Tuyết Mai xuống phố nhẹ nhàng mùi hoa sữa, bóng chim xanh, bóng chú mèo yểu điệu cổ điển của một thời xa lắc thì đến Niê Phương đã rất khác, chị thôi thúc người cùng thế hệ dũng cảm bước tới mà cũng là tự thôi thúc mình: Đi đi em/ Đi đi/ Mang hình em vào phố/ Tỏa hơi em vào phố/ Chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố/ Và lớn lên cùng phố/ Phố không nuốt chửng em đâu/ Bởi phố trú dưới vòm trời rộng lắm/ Mà ở đâu dưới vòm trời cũng có mái nhà cho cả em, anh (Phố). Các nhà thơ nữ dân tộc thiểu số phải nhập cuộc nếu không muốn bị bỏ lại. Nhập cuộc trọn vẹn vào cuộc sống sôi động hôm nay. Thơ họ từ đó ít còn quanh quẩn ở đề tài làng bản mà đã rất phố.
Ngoài những đặc điểm về nội dung như trên, chúng ta nhận thấy thơ của các cây bút nữ dân tộc thiểu số hiện đại còn đặc sắc về phương diện nghệ thuật. Thơ của họ vừa mang tính hiện đại (trong cách tư duy, trong cách diễn dạt) mà vẫn giữ được nét đẹp riêng đậm đà bản sắc dân tộc, nó vừa lạ vừa quen, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa mộc mạc, giản dị nhưng cũng rất mới mẻ, sâu sắc. Không chỉ có vậy, các nhà thơ nữ còn có sự sáng tạo đặc biệt trong ngôn ngữ thơ với tính tạo hình cao để tạo nên một nét đẹp riêng hấp dẫn người đọc. Bằng việc sử dụng khéo léo các từ giàu giá trị biểu cảm như từ tượng thanh, từ tượng hình, từ láy…;vận dụng tối đa hiệu quả của các biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ… các nhà thơ đã xây dựng nên những hình ảnh thơ mới mẻ, bất ngờ, giản dị mà tinh tế. Có thể kể ra một số câu thơ như: Nội tôi/ Cổ thụ cao nguyên/ Rễ cây xòe nếp trán (Nụ cười của đá – Phùng Hải Yến); Em nhớ anh/ Cứ nhấp nha nhấp nhổm/ Như có kiến cắn tim/ Như có lửa đốt bụng (Thương lắm nhớ nhiều – Hơ vê); Ơ này con gái Mường Bi/ Da trắng của bông tóc dài của suối/ Dáng thon mềm chuốt tiếng chuông ngân (Nhớ Mường – Tạ Thu Yên); Hoa mận trắng hay mây bay xuống chợ/ Mùa mưa dầm thấp thỏm bước chân trâu (Có một miền quê – Nông Thị Ngọc Hòa)…
Qua khảo sát bước đầu về những đặc điểm của thơ nữ dân tộc thiểu số thời kì hiện đại, chúng tôi nhận thấy thơ của họ cũng mang những đặc điểm của thơ ca dân tộc thiểu số nói chung nhưng do xuất phát từ đặc điểm giới tính nên các nhà thơ nữ tiêu biểu cho lối nghĩ, lối diễn đạt của phái yếu. Rất thiết tha, ý nhị, kín đáo, không ham tả nhiều, không nói đến những chuyện vĩ mô mà đôi khi chỉ gợi đến những gì rất nhỏ bé trong thế giới vi mô nhưng đã chạm được vào tâm khảm người đọc. Mặt khác, sáng tác của các cây bút nữ dân tộc thiểu số cũng có những điểm khác biệt nhất định so với thơ của các tác giả người Kinh. Nếu các tác giả người miền xuôi có thế mạnh trong việc sáng tác những bài thơ tình ngọt ngào, sâu lắng bằng cách nói bóng bẩy, giàu hình ảnh thì đọc thơ của các nữ thi sĩ miền núi, ta thấy có cái chất sống khỏe khoắn, mạnh mẽ mà mộc mạc, hồn nhiên lan tỏa trong từng câu thơ. Với lối nói mang cách cảm, cách nghĩ của con người miền núi, các nhà thơ đã gây thích thú cho người đọc bởi sự thô mộc nhưng rất đỗi thẳng thắn, chân thành.
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 1
- Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 2
- Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 4
- Hình Ảnh Quê Hương Miền Núi Thân Thương, Chứa Đựng Đầy Kỉ Niệm Trong Nỗi Nhớ Khôn Nguôi Của Người Phụ Nữ Dân Tộc Thiểu Số Xa Quê
- Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 6
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Trong thời kì hội nhập văn hóa, văn học, thơ nữ dân tộc thiểu số đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền thơ dân tộc thiểu số nói riêng, thơ Việt Nam thời kì hiện đại nói chung. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc mình cũng như khẳng định được tầm vóc của chính mình trong cuộc sống hôm nay.
1.2 Nông Thị Ngọc Hòa – Nhà thơ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu thời kì hiện đại
Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa sinh ngày 2/12/1955 tại xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Là người con của dân tộc Tày Bắc Kạn, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền núi cao hùng vĩ, hoang sơ mà thơ mộng – mảnh đất đã nuôi dưỡng bao tâm hồn người con dân tộc thiểu số trở thành các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam như: Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Nông Minh Châu, Bàn Tài Đoàn, Triệu Kim Văn, Triệu Sinh, Dương Thuấn, Dương
Khâu Luông, Bế Sĩ Nông, Ma Phương Tân, Nông Thị Tô Hường... Từ nhỏ, chị đã được sống trong bầu không khí văn hóa của dân tộc mình: từ những làn điệu dân tộc Tày, những trang truyện thơ Tày trữ tình đặc sắc, trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng nơi núi non hùng vĩ tươi đẹp, nên đã bồi đắp cho chị một tâm hồn thơ phóng khoáng với những nguồn mạch cảm xúc không bao giờ cạn Vì thế, cả cuộc đời cùng với sự nghiệp sáng tác của chị luôn gắn bó sâu nặng với dân tộc Tày và quê hương Bắc Kạn.
Không chỉ có vậy, Bắc Kạn còn là một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là thủ đô kháng chiến – nơi diễn ra các cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số. Bản thân gia đình nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa cũng là gia đình cách mạng, sớm được giác ngộ nên một lòng tin Đảng, theo Đảng và Bác Hồ. Trong thời bình, chị và gia đình cũng không ngừng phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương cách mạng đẹp giầu. Là một nữ trí thức dân tộc thiểu số, một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc Tày, hơn ai hết, Nông Thị Ngọc Hòa là người thấu hiểu những giá trị lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã dành cho quê và dân tộc mình để có được cuộc sống yên bình, ấm no như hôm nay. Vì vậy, tác phẩm của chị còn là tiếng hát ngợi ca, tin tưởng và Đảng, vào Bác Hồ và chế độ xã hội mới.
Tốt nghiệp cử nhân Kinh tế của trường Đại Học Lâm nghiệp, chị làm giảng viên của trường Trung cấp Kế toán Phú Thọ, sau đó về công tác tại trường Dự bị đại học Trung ương I. Hơn bốn mươi năm công tác ở nhiều vị trí nhưng dường như tình yêu thơ với Nông Thị Ngọc Hòa chưa bao giờ vơi cạn. Thơ ca không phải nghề của Nông Thị Ngọc Hòa nhưng đó lại trở thành nghiệp của chị. Vương nhiều duyên nợ với thơ ca, vì thế chị viết rất nhiều, viết đều tay và có chất lượng nghệ thuật. Công việc bộn bề không hề mâu thuẫn với niềm đam mê sáng tác, mà ngược lại, đó chính là nhân tố làm sáng lên vẻ đẹp triết lí, trí tuệ, làm giàu thêm chất nghĩ cho thơ Nông Thị Ngọc Hòa. Chị từng tâm sự: Công việc của người quản lí nhiều khi bận rộn, hối thúc nhưng những khi được
trải lòng mình trước trang giấy trắng lại thấy thanh thản vì được gửi gắm những điều khát khao, trăn trở về con người và cuộc sống. Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa kể rằng: Hồi nhỏ chị chỉ biết hát chứ không biết làm thơ cho nên sau khi tốt nghiệp phổ thông chị đã quyết định thi vào đại học Kinh tế, và không hiểu chị đã yêu thơ từ bao giờ. Mới đầu chỉ làm chơi rồi thành làm thật. Những bài thơ của chị viết ngày một nhiều thêm và dần dần gom lại thành tập.
Ngoài làm thơ, Nông Thị Ngọc Hòa còn sáng tác nhạc, nhiều bài hát của chị viết về quê hương mang đậm chất dân ca như: Tắm suối, Anh ơi hãy là…, Áo chàm, Nỗi nhớ Điện Biên, Mơ về Điện Biên, Bắc Kạn yêu thương… được bà con dân tộc rất yêu thích. Ghi dấu cho những thành công đó là đã không ít lần chị mang bài hát của mình đi biểu diễn toàn quốc, khu vực miền núi phía Bắc hay tại nơi chị công tác là tỉnh Phú Thọ đều đạt Huy chương vàng. Không chỉ có vậy, Nông Thị Ngọc Hòa còn có giọng hát truyền cảm, ngọt ngào, lắng sâu như chính những vần thơ của chị vậy. Chị đã nhiều lần tham gia tiếng hát không chuyên toàn quốc và đều được giải nhất, nhì. Là người phụ nữ đa tài nhưng Nông Thị Ngọc Hòa luôn biết quân bình giữa cái tôi nghệ sĩ và trách nhiệm của một người mẹ, người vợ. Dường như cuộc sống thật ưu ái khi dành tặng cho chị một người chồng cũng say mê văn chương nghệ thuật (chồng chị là giáo viên Văn của trường Dự bị Đại học TW I). Các con của chị đều thành đạt, giỏi giang, giữ địa vị cao trong xã hội. Cuộc sống riêng không giống số phận bất hạnh, đa đoan của những người đàn bà làm thơ khác, Nông Thị Ngọc Hòa luôn hi vọng sẽ tìm được con đường riêng cho mình:
Em đem theo hành trang lời cảnh báo của anh Hầu hết những người đàn bà làm thơ đều bất hạnh Cùng niềm đam mê khó tả
Trên đầu đầy nắng gió
Dưới chân là những con đường…
… Em mãi chỉ là em thôi Làm việc, yêu con và viết Vượt lên lời phán quyết Biết đâu…
Riêng có một con đường.
Nông Thị Ngọc Hòa là một nhà thơ nữ dân tộc thiểu số có một quá trình sáng tạo đầy say mê. Được đánh giá là người phụ nữ tài hoa, Nông Thị Ngọc Hòa đã chứng minh bản lĩnh của mình để khẳng định tài năng không đơn thuần chỉ là năng khiếu mà còn là kết quả của quá trình rèn luyện, sáng tạo nghệ thuật miệt mài. Kết quả của hành trình sáng tạo bền bỉ đó là hàng loạt những tác phẩm được ra mắt bạn đọc với chất lượng nghệ thuật cao. Đó là các giải thưởng: Giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, giải A của Hội VHNT Phú Thọ năm 1995-2000 cho tập thơ Trước gương; tập thơ Lời của lá được giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 2001, Giải A của Hội VHNT Phú Thọ năm 2000-2005; Tập Vườn duyên với giải C của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2000; Giải khuyến khích của Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2006 cho tập trường ca Nước hồ mãi trong xanh. Hiện nay, chị là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam.
Có thể thấy, Nông Thị Ngọc Hòa làm thơ như một nhu cầu tự thân nhằm giải tỏa mọi ẩn ức và gửi gắm mọi nỗi niềm, nỗi suy tư về cuộc đời, về thế sự, về con người, về cuộc sống… thời kì hiện đại. Qua thơ chị, người đọc luôn thấy rò một cái tôi vừa mang nét chung là sự mộc mạc, giản dị, chân thành của các nhà thơ dân tộc thiểu số; vừa có nét riêng của con người cá nhân chị - một người phụ nữ trí thức thời kì hiện đại bản lĩnh, sắc sảo mà dịu dàng, đôn hậu. Trong số không nhiều cây bút nữ dân tộc thiểu số có đóng góp vào nền thơ Việt Nam hiện đại, Nông Thị Ngọc Hòa là cây bút có bản sắc riêng. Nếu Bùi Thị Tuyết Mai (Thái) nổi sôi, mạnh mẽ; Dư Thị Hoàn (Hoa) tinh tế, đằm thắm; Chu