Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 4

Tùy Liên – Chu Tá Nộ (Hà Nhì) nhuần nhị, kín đáo thì Nông Thị Ngọc Hòa lại trầm lắng, suy tư, giàu sức biểu hiện. Có được nét riêng đáng quý đó không phải là điều dễ dàng.

Xuất hiện từ khoảng những năm 80 với một số bài thơ được in trên báo, dần dần Nông Thị Ngọc Hòa đã khẳng định được phong cách riêng độc đáo của mình. Trong ngót 20 năm lao động nghệ thuật liên tục, đều đặn, bền bỉ, nghiêm túc và sáng tạo, Nông Thị Ngọc Hòa đã có một sự nghiệp đáng kể, người đọc biết đến chị đầu tiên qua tiên qua tập thơ Trước gương (1998). Tập thơ là hợp tuyển của những bài thơ chị viết hồi còn trẻ, nó nhẹ nhàng, xinh xắn như một hơi thở với những vần thơ giản dị, tha thiết. Tiếp sau đó, năm 1999, chị lại cho ra mắt bạn đọc tập Lời ru cho mình. Có thể thấy, thành công lớn nhất của hai tập thơ này là chất trong sáng, hồn nhiên, yêu đời của người thiếu nữ. Mặc dù những vấn đề của đời sống xã hội đi vào trong thơ còn ít, chủ yếu lấy chất liệu từ cuộc sống tâm tình của chính bản thân tác giả nhưng thơ chị đã có một sức cuốn hút với độc giả. Nông Thị Ngọc Hòa – người thiếu nữ ấy đã say sưa viết về tình yêu thuở ban đầu với những kiêu kì, hãnh diện của người con gái được yêu:Gió thỉnh thoảng đùa vui trong tán lá/ Thỉnh thoảng chim thảng thốt cất lời ca/ Hoa thỉnh thoảng đưa hương vào hoang vắng/ Còn một người thỉnh thoảng ngoái nhìn ta (Thỉnh thoảng). Người con gái ấy đã đón nhận cuộc sống bằng tất cả nhiệt tình say mê của tuổi trẻ. Và ở hai tập thơ này, tình yêu trong thơ chị mang nét gần với truyền thống phương Đông, tình yêu thường được bộc lộ một cách kín đáo, ý nhị, rụt rè. Nếu như Phan Thị Thanh Nhàn muốn nhờ hương bưởi trao gửi nỗi lòng: Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu (Hương thầm – Phan Thị Thanh Nhàn) thì Nông Thị Ngọc Hòa lại nhờ làn gió làm sứ giả của tình yêu: Mình uống hương trời nhụy đất/ Vơi đầy nghiêng rót sừng trâu/ Trái tim dường như thắp lửa/ Ánh nhìn nhờ gió trao nhau (Rượu cần).

Có lẽ, điều đáng quý ở hai tập thơ này không chỉ nằm ở tình cảm trong sáng trong tình yêu, sự hồn nhiên, tươi mới của một hồn thơ giàu sức sống mà qua đây, Nông Thị Ngọc Hòa đã bộc lộ một trái tim yêu thơ, say mê làm thơ đến tột cùng, chị coi thơ gắn với cuộc đời mình như là định mệnh: Thưa các chị, em là người đến muộn/ Nơi đầu nguồn đã uống, các chị đi/ Em khao khát đến đây như định mệnh/ Bến bờ đâu nỡ xua đuổi em về (Thưa các chị em là người đến muộn). Dù biết quy luật nghiệt ngã của văn chương và luôn mang trong lòng lời cảnh báo “Hầu hết những người đàn bà làm thơ đều bất hạnh” nhưng hơn một lần chị đã khẳng định đầy tự tin: Em mãi chỉ là em thôi/ Làm việc, yêu con và viết/ Vượt lên lời phán quyết/ Biết đâu... riêng có một con đường (Vượt lên lời phán quyết).

Tập thơ Trước gương Lời ru cho mình mới chỉ dừng lại trong phạm vi cuộc sống nhỏ hẹp của những tình cảm riêng tư của mình mà chưa có sức khái quát. Có lẽ do cuộc đời chị lúc này còn trẻ, kinh nghiệm và vốn sống chưa nhiều. Vì thế, trang viết của chị chưa thoát khỏi lối ghi chép hàng ngày, chất thơ của cuộc sống thường nhật chưa chuyển hóa để mang phẩm chất nghệ thuật. Trong bước đi đầu tiên, sự chập chững là điều khó tránh. Nhưng chúng ta nhận thấy ở nhà thơ nữ này một tâm hồn đẹp, giàu mộng mơ mà cũng rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật. Cùng với năm tháng và sự nỗ lực của bản thân, Nông Thị Ngọc Hòa cũng có được tấm giấy thông hành để bước vào làng thơ.

Với sự cố gắng không mệt mỏi, Nông Thị Ngọc Hòa lại cho ra mắt bạn đọc ba tập thơ Lời của lá (2000), Vườn duyên (2002), Con đường cho mây đi (2004). Ba tập thơ nhỏ xinh, thoáng đọc những bài đầu tưởng như không có sự đột phá so với các tâp thơ trước nhưng lật giở những trang tiếp theo, người đọc lập tức bị tò mò, bị lôi cuốn bởi cách viết linh hoạt, biến ảo, cách lập tứ bất ngờ, thú vị. Vẫn là đề tài tình yêu muôn thuở nhưng điểm chú ý ở ba tập thơ này xuất hiện đậm đặc những bài thơ viết về Bắc Kạn cùng những mảnh đất

thân thuộc nơi núi rừng Việt Bắc. Nông Thị Ngọc Hòa viết về quê hương – nơi chôn rau cắt rốn của mình với tất cả sự say mê, tình yêu mến, trân trọng: Quê hương hiện trong lời cha tôi kể/ Những hội xuân thuở ấy đã xa rồi/ Áo chàm mới long lanh vòng bạc trắng/ Câu lượn nào ngọt mãi ở đầu môi (Quê hương). Đối với chị, quê hương là những gì lớn lao, gắn bó, thiêng liêng. Chị không chỉ viết về Bó Bủn – mảnh đất quê nghèo nơi “tuổi thơ mình ở đó” mà còn đầy tự hào, ngợi ca trước vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đi đến vùng đất nào chị cũng cảm thấy mến yêu, gắn bó máu thịt như quê hương mình để rồi vỡ òa cảm xúc cất lên thành những vần thơ: Sừng sững đá nguyên sơ/ Thăm thẳm vực/ Cao ngất đỉnh trời bao nhiêu đá thức/ Nhà Trời nấu mèn mén xong rồi khói đá ngập lòng thung (Nói cùng đá

núi Hà Giang).

Là người con của dân tộc Tày, thơ chị luôn ngời lên niềm tự hào về một dân tộc có nền văn hóa văn minh lâu đời và giàu bản sắc. Niềm tự hào ấy thể hiện khi chị viết một cách đầy trân trọng về những phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Một dân tộc giàu có về đời sống văn hóa với những câu truyện cổ, những làn điệu lượn, điệu sli, điệu then... ngọt ngào da diết luôn là nỗi nhớ, niềm thương của nhà thơ. Nếu như nhà thơ Nông Quốc Chấn viết về lịch sử của cây đàn tính: Chiếc đàn tính vốn có mười ba dây/ Vì tiếng nó vang to, vang xa/ Nên vua ra lệnh cắt đi gần hết/ Nhưng chẳng vua nào cắt nổi âm thanh dân tộc/ Đàn ba dây vẫn thánh thót giữa cuộc đời (Đàn ba dây) thì Nông Thị Ngọc Hòa lại tự hào về nhạc cụ dân tộc mình, tuy nhỏ bé, đơn sơ nhưng chất chứa trong đó cả điệu hồn dân tộc: Hình như tiếng đàn trong gió/ Dồn lên vó ngựa kiêu hùng/ Róc rách lời khe, giọng suối/ Trăm nguồn về một dòng sông (Cây đàn tính).

Dễ nhận thấy ở Lời của lá, Vườn duyên, Lời ru cho mình, đề tài chính vẫn là đề tài tình yêu nhưng tình yêu lúc này không còn cái vẻ rạo rực, sôi nổi, hồn nhiên. Tình yêu trong thơ chị giờ đang đi vào chiều sâu và trầm lắng với

nhiều cung bậc tình cảm. Đó là sự trân trọng, nâng niu niềm hạnh phúc trong đời, nguyện sẻ chia cùng nhau mọi ngọt bùi cay đắng: Nếu ủ trong ngực mình trái tim Đankô/ Anh sẽ hiểu tình em vô hạn độ/ Chia sẻ cùng anh sướng vui, đau khổ/ Em nguyện là ngọn lửa nhỏ của anh (Giữ lửa....); Đó là niềm dự cảm lo âu đầy khắc khoải về sự mong manh của lòng người, của tình yêu: Sợ nơi nào kí ức xa xôi/ Không đủ để nuôi tình yêu lớn dậy/ Sẽ cỗi cằn biết mấy/ Những mảnh vườn đầy hoa cỏ ngày xưa (Có điều làm ta sợ). Tình cảm đó được tác giả khắc họa ở nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, khi đắm say hạnh phúc, khi day dứt suy tư nhưng xuyên suốt mảng thơ này của chị vẫn là một tình yêu sâu nặng không phai nhạt.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Bên cạnh đó, một đề tài nữa cũng rất thành công trong ba tập thơ này là đề tài viết về gia đình, về tổ ấm hạnh phúc của mình. Vẫn đằm sâu lòng hiếu thảo của một người con, chị viết về bà, về cha, về mẹ, về con gái. Ở mảng thơ này, bài nào của chị cũng rưng rưng nỗi nhớ thương vô hạn độ về người cha – người chiến sĩ cách mạng đã hi sinh máu xương để bảo vệ Tổ quốc: Con trở lại đây sau cả ngàn ngày/Quỳ lặng lẽ trước ngôi nhà” của bố/Gần gặn lắm mà sao cách trở/Đất hẹp hòi từ chối dấu chân nhang (Trước ngôi nhà” của bố ). Nỗi buồn khi bị mất đi người thân yêu nhất càng nhân lên gấp bội khi chị thấu hiểu sự đớn đau của mẹ trong những tháng ngày dài vắng cha. Chỉ có chị - người con gái mang trái tim nhạy cảm mới thấm thía sự cô đơn, chơ vơ của mẹ khi mất đi điểm tựa tinh thần: Ngoài mái gianh tí tách những giọt mưa/ Tiếng thổn thức chỉ tim là nghe thấy/ Bao đêm lạnh mẹ nằm ôm chiếc gối/ Tự dối mình đũa ngọc vẫn tròn đôi (Tình mẹ). Nhưng cũng có lúc giọng thơ Nông Thị Ngọc Hòa trở nên tươi vui, sôi nổi khi nhớ lại những kỉ niệm tình yêu giữa bố và mẹ - từ cái ngày họ còn là đồng chí, đồng đội. Những con người cùng mang trong mình một khát khao lí tưởng ấy đã hòa chung nhịp đập trái tim: Qua những mưa rừng, suối lũ, đạn bom/ Có phải tình yêu vượt qua tất cả/ Bố yêu mẹ bằng tình yêu tươi trẻ/ Của những người cầm súng giữ non sông (Hơn cả tình yêu).

Ở ba tập thơ này, Nông Thị Ngọc Hòa đã có một vài bài mang tính chất khái quát, triết lý về cuộc đời như Dối ai – ai dối, Những con đường, Pho tượng, Những chiếc ghế... Tuy nhiên, những tác phẩm này còn bị hạn chế vì vốn sống chưa dày. Mặc dầu người viết có tâm hồn tươi trẻ, hồn hậu, chứa đựng nhiều rung cảm với vấn đề của cuộc sống nhưng vẫn còn thiếu một chiều sâu bền vững, có nhiều bài không tránh khỏi những khiên cưỡng, tình cảm đối với các vấn đề trong cuộc sống nên chưa thực sự ấn tượng mạnh tới bạn đọc.

Đặc điểm thơ Nông Thị Ngọc Hòa - 4

So với hai tập thơ đầu tay, Lời của lá, Vườn duyên, Con đường cho mây đi đã tạo cho Nông Thị Ngọc Hòa một bản lĩnh thơ khá rắn rỏi. Chị đã có tiếng nói riêng của mình, mặc dù không còn vẻ tươi vui, hồn nhiên như trước nhưng những tác phẩm này đã vượt lên về mọi mặt. Tập thơ chứa đựng trong đó nét đằm sâu, thể hiện sự trải nghiệm cuộc sống của người cầm bút. Những vần thơ của chị vừa Tày lại vừa Kinh, vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Có thể nhận ra điều đó đã cho thấy một sự nỗ lực không ngừng của nhà thơ trên bước đường sáng tạo của mình.

Tiếp nối thành công của Lời của lá, Vườn duyên, Con đường cho mây đi... Nông Thị Ngọc Hòa cho ra đời cuốn trường ca Nước hồ mãi trong xanh năm 2006. Bằng niềm tự hào, ngợi ca, trường ca Nước hồ mãi trong xanh tạc lên hình ảnh một người chiến sĩ cách mạng trải qua cuộc đời đầy truân chuyên, gian khổ. Mỗi giai đoạn của cuộc đời người cách mạng Nông Văn Bằng là một ghi dấu cho từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Chương 1 là Bình yên, đó là những tháng ngày êm ấm bên ngôi nhà nhỏ xinh với người vợ ngoan hiền “gương mặt nàng như vầng trăng/ miệng cười hoa nở/ búp tay xinh gặt lúa” và đứa con gái nhỏ, “hạnh phúc đầy như trăng mười sáu”. Ấn tượng rất đậm của phần đầu tiên là hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của “Một bản nhỏ xinh xinh/ Có tên là Bó Bủn/ Chìm trong sương núi/Ẩn trong rừng già…” khi mùa xuân về: Mùa xuân là mùa vui nhất/ Mùa của trai xinh, gái đẹp/ Áo chàm thơm đi hội Lồng tồng/ Gửi niềm riêng theo những cánh còn/ Tiếng tính tẩu quyện vào câu

lượn/ Dập dìu người lách qua nhau… Chương 2 là Giông bão. Khi lời đồn đến tai quan châu rằng, anh Bằng ở Bó Bủn có người vợ đẹp như trăng, tóc dài như suối… cũng là lúc tai họa ập đến. Anh Bằng trải qua nỗi đau mất người vợ yêu, nàng đã quyên sinh không để quan châu làm nhục, anh đau đớn khôn nguôi nhưng gắng gượng vượt qua bởi còn phải gánh vác trách nhiệm nuôi cha mẹ già và đứa con thơ dại. Nông Thị Ngọc Hòa có những câu thơ rất cảm động khi đứa con gái của anh xanh xao run rẩy rồi chết vì thiếu đi bàn tay người mẹ khi còn quá nhỏ: Khi hoàng hôn buông xuống/Lũ chim rừng tìm về tổ ấm/ Thấy anh phục bên hai nấm mồ/ Nguồn nước bọt tung trắng xóa/ Như dải khăn tang bay bay/ Anh như con trâu húc đầu vào đá/ Chẳng biết mình còn là mình hay là ai.

Chương 3 là Cỏ thức, kể chuyện anh Bằng làm đội viên Tuyên truyền Giải phóng quân với bí danh là Tiến Thành. Từ đấy anh Bằng bắt đầu cuộc sống của một người kháng chiến, đi theo Cách mạng và Bác Hồ rồi lấy một người bạn gái cùng chiến đấu: Có đám cưới bình thường sau chiến tranh/ Quà tặng là nụ cười, tiếng hát/ Là sự hy sinh mất mát/ Của bao người để anh có hôm nay… Chương 4 là Nảy lộc. Cuộc sống gia đình đầm ấm với người vợ tần tảo và những đứa con, niềm vui tràn đầy đến nỗi “không dám tin là có thật”, và “những ngày ghé qua nhà như không đủ cho anh”. Qua đi những tháng ngày chiến đấu gian lao, “Anh Bằng ngày xưa, anh Bằng ngày cũ/ Thành ông Bằng đẹp lão của hôm nay/ Ngực rợp huân chương, mắt đỏ ánh cờ bay/ Râu bạc trắng như tiên trong ngày hội”. Chương cuối cùng, Về nguồn khi “ké Bằng nhớ quê/ Thèm về thăm bản/ Mong tìm lại những ngày đi hát lượn/ Tìm những lời gửi gió giữ ngày xưa”. Tác giả có những câu thơ thật đẹp về hình ảnh của những hồi ức, những niềm mơ tưởng quá khứ ngày xưa. Ông Bằng muốn về lại miền quê Bó Bủn ngày xưa nhưng không kịp, “ông trả hơi thở tàn cho một buổi chiều phai” như một vị tướng tự cho mình giây phút nghỉ ngơi trước giờ xuất trận.

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định về phương diện nghệ thuật nhưng tập trường ca thực sự là bức tranh đẹp về cuộc sống, tâm hồn của những con người miền núi kiên trung với Đảng, với Bác Hồ. Viết về cách mạng nhưng Nông Thị Ngọc Hòa có cách viết rất giản dị, chân thực, gần gũi. Có lẽ vì vậy mà tác phẩm dễ nhận đươc sự đồng cảm với trái tim người đọc.

Tập thơ gần đây nhất của chị, tập Men qua còi thiền in năm 2008 trở về với những đề tài đã có trong năm tập thơ trước đó. Vẫn là những mảng màu nhẹ nhàng, sáng trong của các bài thơ viết về quê hương; vẫn là cảm xúc dạt dào, mãnh liệt khi nói đến tình yêu nhưng ở Men qua còi thiền, người đọc như được thấy một cái tôi Nông Thị Ngọc Hòa đằm hơn, chín hơn cả về cảm xúc lẫn tư duy nghệ thuật. Nông Thị Ngọc Hòa với tiếng thơ trải nghiệm sâu sắc của một con người trưởng thành trong xã hội hiện đại đầy bon chen, toan tính, chị đã viết về những thói hư tật xấu, về sự suy thoái đạo đức, lối sống vô cảm của một số người. Thơ chị lúc này giàu màu sắc suy tưởng cùng những chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người: Nóc gần trời/ Chẳng biết tường nhiều rêu bám/ Chẳng biết đất dưới kia phì nhiêu hay khô hạn/ Đất chuyển, móng rời tường, nóc sẽ ra sao?(Móng – tường và nóc nhà).

Trong Men qua còi thiền, người đọc luôn thấy phảng phất màu sắc Phật giáo, tâm linh ẩn hiện trong từng câu chữ. Tiêu đề của tập thơ cũng đem đến cho người đọcnhững liên tưởng thú vị. Quả thật vậy, nhiều bài thơ trong tập này Nông Thị Ngọc Hòa viết về đề tài Phật giáo hoặc mượn giáo lí nhà Phật để răn dạy con người: Nặn lên pho tượng để thờ/ Tô son vẽ phấn mấy cho bằng lòng/ Tâm thành như đá ném sông/ Niềm tin như bấc phập phồng mặt ao/ Đất dày sánh với trời cao/ Khói hương biết có đấng nào chứng cho/ Lỡ mai sao nhạt trăng mờ/ Thân cô đâu dám nghĩ dò đáy sông/ Thấy mình nhỏ trước mênh mông/ Cửa Thiền bỏ ngỏ mà không dám vào (Pho tượng).

Như vậy, có thể thấy Nông Thị Ngọc Hòa là một tác giả nữ đam mê, tâm huyết với công việc sáng tác thơ. Cho đến nay, trải qua gần 20 năm cầm bút với

6 tập thơ đã xuất bản, các chặng đường thơ của Nông Thị Ngọc Hòa là một hành trình đi lên không bị đứt đoạn. Mỗi tập thơ mang một dấu ấn riêng, thể hiện những buồn vui trải nghiệm của một người phụ nữ khao khát sống, khao khát yêu và thành thật đến tận cùng với mọi cung bậc cảm xúc của mình. Chị thực sự xứng đáng là một cây bút, một nhà thơ nữ dân tộc thiểu số đầu đàn, tiêu biểu. Chị đã có những đóng góp đáng khẳng định, góp phần làm phong phú thêm cho vẻ đẹp của thơ nữ Việt Nam thời kì hiện đại. Hi vọng ở những chặng đường tiếp sau, Nông Thị Ngọc Hòa lại có những sáng tác mới thể hiện được phong cách riêng, độc đáo, đáp ứng được niềm tin và sự mong đợi của người đọc.

Xem tất cả 106 trang.

Ngày đăng: 04/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí