3.1.3.3. Đối với chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế
Bảo đảm tăng nhanh tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn bộ nền kinh tế của vùng; thu hẹp dần và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chi phối các thành phần kinh tế còn lại trong một số lĩnh vực và một số ngành kinh tế công cộng.
Đẩy nhanh quá trình xã hội hoá các dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục, thể thao và khoa học - công nghệ; tăng cường các hình thức kinh tế hợp tác giữa các thành phần kinh tế.
Tạo bước đột phá trong cải cách các doanh nghiệp nhà nước; xoá bỏ các trở ngại đối việc sản xuất, kinh doanh của tư nhân Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi hơn so với các nước làng giếng và trong khu vực để thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
3.2. PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO VỀ SỰ BỀN VỮNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO KỊCH BẢN PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020
3.2.1. Khái quát về các kịch bản phát triển
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng trong thời gian tới chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố nội lực như các cơ chế, chính sách, pháp luật, khả năng phát huy các tiềm năng, thế mạnh; phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị thế giới, trong nước và khu vực,.... Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư [9], có hai kịch bản chủ yếu về nội lực và trên cơ sở đó dự báo khả năng phát triển của vùng như sau (Bảng 3.4):
(i) Kịch bản I (nội lực mạnh): Các cơ chế, chính sách, pháp luật được tích cực đổi mới và có chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước; Kết cấu hạ tầng được tích cực nâng cấp, xây dựng mới và phát huy tác dụng; các công trình trọng điểm như cảng biển, đường cao tốc, sân bay quốc tế, hạ tầng khu công nghiệp được hoàn thành; hiệu quả đầu tư được tiếp tục nâng lên, tỷ suất lợi nhuận đầu tư trong nhiều ngành sản xuất được giữ ngang bằng và thấp hơn mức bình quân chung của khu vực; chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện nhanh chóng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng trên 55% kể từ năm 2010 trở đi; hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại và đầu
tư, quan hệ hợp tác liên doanh liên kết, chuyển giao công nghệ được mở rộng ra nhiều khu vực trên thế giới; tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định.
(ii) Kịch bản II (nội lực trung bình): Các cơ chế, chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, nhưng không tạo ra những bước chuyển biến rõ so với giai đoạn trước; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, xây dựng mới, nhưng tiến độ chậm, nhất là các công trình trọng điểm như đường cao tốc, bến cảng nước sâu, hệ thống cấp điện, cấp nước; nguồn nhân lực bảo đảm về số lượng nhưng chất lượng được cải thiện chậm và chưa đáp ứng đủ theo cơ cấu ngành nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt thấp hơn so với mức của nội lực mạnh; hoạt động kinh tế đối ngoại chưa tạo được quan hệ đối tác với một số nhà đầu tư lớn, công ty xuyên quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn ở Nhật Bản, Châu Âu và Bắc Mỹ; các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2001- 2005.
Bảng 3.4. Dự báo tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐBB đến năm 2020
Giai đoạn | Nhịp tăng GDP | Đầu tư so với GDP | |
NỘI LỰC MẠNH | 2006 - 2010 | 12 - 13% | 48 - 49% |
2011 - 2015 | 11 - 12% | 44 - 45% | |
2015 - 2020 | 10 - 11% | 36 - 37% | |
NỘI LỰC TRUNG BÌNH | 2006 - 2010 | 11 - 11,5% | 43 - 44% |
2011 - 2015 | 9,5 - 10,5% | 39 - 40% | |
2015 - 2020 | 9 - 9,5% | 33 - 34% |
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 17
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 18
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 19
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 21
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 22
- Cơ cấu kinh tế của vùng trọng điểm Bắc Bộ trên quan điểm phát triển bền vững - 23
Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2006 [9]
Khi xem xét hai kịch bản phát triển nêu trên, căn cứ vào khả năng phát huy nội lực và dự báo bối cảnh tác động bên ngoài, mức độ thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế của vùng từ nay đến 2020, tác giả đồng tình với các chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển và cho rằng xu hướng phát triển của Vùng KTTĐBB sẽ diễn biến theo kịch bản I chứ không phải là kịch bản II. Với kịch bản II - nội lực trung bình sẽ không phát huy được vai trò động lực của vùng là đầu tầu để lôi kéo, thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đủ để GDP bình
quân đầu người của vùng vượt cao hơn mức bình quân của cả nước trong các giai đoạn. Như thế sẽ không phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển hiện có và không phù hợp với xu thế, bối cảnh phát triển hiện nay; nhất là khi nước ta đang đẩy nhanh quá trình cải cách và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Với kịch bản I - nội lực mạnh sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm, tốc độ kinh tế đáp ứng được yêu cầu thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong các giai đoạn, khả năng thu hút vốn đầu tư nếu phấn đấu cao có thể đạt được. Đây cũng chính là quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, nhất là của các địa phương trong vùng. Vì vậy, kịch bản I sẽ được lựa chọn để phân tích và dự báo về sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
3.2.2. Phân tích và dự báo sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo kịch bản I
3.2.2.1. Sự bền vững của bản thân cơ cấu kinh tế
(i) Về tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP trên đầu người
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như trên mới bảo đảm tính ổn định, hiệu quả của nền kinh tế của vùng trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của vùng, đáp ứng các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra đối với vùng, tạo được bước phát triển đột biến, thể hiện đúng vai trò là vùng kinh tế trọng điểm đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đối với khu vực phía Bắc cũng như đối với cả nước. Như vậy sẽ khắc phục được các hạn chế của sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng trong các giai đoạn trước đây 1995 - 2000 và 2001 - 2005.
Tam giác kinh tế, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tăng trưởng nhanh hơn và lan toả mạnh mẽ, lôi kéo các địa phương và các khu vực lãnh thổ chậm phát triển, có điểm xuất phát thấp cùng phát triển như Hà Tây, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, khu vực nông thôn, miền núi, ven biển... Trên cơ sở đó mới bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hoà giữa các địa phương, các khu vực lãnh thổ trong vùng.
Với việc dự báo GDP bình quân đầu người của vùng khoảng 1.300 - 1.400 USD vào năm 2010 mới chỉ xấp xỉ bằng GDP bình quân đầu người của Vùng KTTĐPN năm 2005. Tuy vậy, với mức tăng nhanh trong các giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 -
2020 sẽ giúp cải thiện nhanh hơn mức sống của nhân dân trong vùng; đồng thời tỷ lệ lao động có năng suất lao động cao, có hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế sẽ được tăng lên gấp bội; cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ làm tăng khả năng tích luỹ để tiếp tục đầu tư phát triển.
(ii) Cơ cấu thu nhập quốc dân theo ngành, lãnh thổ và thành phần kinh tế
1600000
1400000
1200000
1000000
800000
600000
400000
200000
0
Năm 2005 Năm 2010 Năm 2015 Năm 2020
Thời gian
Hình 3.1. Dự báo tăng trưởng kinh tế đến năm 2020 của Vùng KTTĐBB (tính theo giá trị tuyệt đối)
Toàn vùng Công nghiệp Nông nghiệp
Dịch vụ
Giá trị (tỷ đồng), giá năm 2005
Trong các giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 - 2020, tỷ lệ tăng giảm giữa khối sản xuất vật chất và khối sản xuất sản phẩm dịch vụ có sự dao động khác nhau. Tỷ trọng ngành sản xuất vật chất trong GDP có xu hướng giảm, giảm mạnh nhất trong giai đoạn 2011 - 2015 so với các giai đoạn 2006 - 2010, 2016 - 2020. Trong khi đó tỷ trọng ngành sản xuất sản phẩm dịch vụ có xu hướng tăng lên, tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2011 - 2015 so với các giai đoạn 2006 - 2010, 2016 - 2020. Như vậy chứng tỏ các ngành dịch vụ then chốt, dịch vụ chất lượng cao sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ 2011 - 2015. Tỷ trọng nông nghiệp giảm mạnh trong giai đoạn 2006- 2010 cho thấy trong giai đoạn này, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá sẽ diễn ra mạnh mẽ nhất. Tỷ trọng phi nông nghiệp lại tăng nhanh trong giai đoạn 2011- 1015. So với mức đầu tư vào ngành phi nông nghiệp thì trong giai đoạn này mới bắt đầu phát huy tác dụng và đi sâu vào thực chất. (Bảng 3.5, Phụ lục; Hình 3.1; Bản đồ 3.1).
Nguồn: Xử lý của tác giả từ tài liệu [9]
Tốc độ tăng trưởng của các khối ngành như trên về cơ bản là hợp lý, phù hợp với lý thuyết về các giai đoạn phát triển; bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các khối ngành và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển và sẽ tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tác giả đã lập Bảng I/O (Bảng 3.6) để tính tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế theo hai kịch bản nêu trên. Kết quả cho thấy mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo các phân ngành cụ thể như Bảng 3.7:
(i) Nếu phát triển theo kịch bản I (GDP tăng bình quân 12,5% trong thời kỳ 2006 - 2010; nhưng nếu trong thời kỳ 2011 - 2020 tốc độ tăng trưởng bị giảm xuống khoảng 11%) thì cơ cấu theo ba khối ngành có khác so với kết quả dự báo của Viện Chiến lược phát triển, cụ thể là ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 12,6 % năm 2005 xuống còn 9,3% vào năm 2010 và 4,8% vào năm 2020; ngành công nghiệp sẽ giảm từ 42,2% năm 2005 xuống 39,5% năm 2010 và tăng lên 43,8% vào năm 2020; trong khi đó ngành dịch vụ sẽ tăng từ 45,2% năm 2005 và giữ mức 51,2% vào năm 2010 và 51,4% vào năm 2020.
(ii) Nếu phát triển theo kịch bản II (GDP tăng bình quân khoảng 11% trong thời kỳ 2006- 2010; giảm xuống khoảng 9,5% trong thời kỳ 2011 - 2020) thì cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng ngành nông nghiệp sẽ giảm từ 12,6 % năm 2005 xuống còn 9,7% vào năm 2010 và 4,9% vào năm 2020; ngành công nghiệp sẽ tăng từ 42,2% vào năm 2005 lên 43,3% vào năm 2010 và 46,1% vào năm 2020; ngành dịch vụ sẽ tăng từ 45,2% vào năm 2005 lên 47,0% vào năm 2010 và 49,0% vào năm 2020.
Bảng 3.7. Cơ cấu kinh tế trong GDP theo các khối ngành của Vùng KTTĐBB (theo hai kịch bản I, II)
Đơn vị: %
Kịch bản I | Kịch bản II | |||
2010 | 2020 | 2010 | 2020 | |
Nông nghiệp | 9,3 | 4,8 | 9,7 | 4,9 |
Công nghiệp | 39,5 | 43,8 | 43,3 | 46,1 |
Dịch vụ | 51,2 | 51,4 | 47,0 | 49,0 |
Nguồn: Tính toán của tác giả trên cơ sở mô hình I/O
Những kết quả tính toán nêu trên về cơ bản tương đối phù hợp với kết quả dự báo của Viện Chiến lược phát triển đã tạo thêm cơ sở khẳng định sự đúng đắn khi lựa chọn kịch bản I để phân tích, dự báo sự bền vững của chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Xét cụ thể đến mức tăng trưởng của các phân ngành kinh tế (Bảng 3.8) cho thấy, cơ cấu các ngành nông, lâm, thuỷ sản theo kịch bản I hầu như không có sự chuyển dịch (thậm chí phân ngành thuỷ sản còn tăng trưởng âm trong thời kỳ 2011 - 2020); các ngành công nghiệp như khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, nước và khí đốt, xây dựng; các ngành dịch vụ như thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ; khách sạn, nhà hàng, vận tải, kho bãi, bưu điện và du lịch, tài chính tín dụng và bảo hiểm, hoạt động khoa học và công nghệ, kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc, giáo dục đào tạo, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, hoạt động văn hoá thể thao, hiệp hội theo kịch bản I đều có mức tăng trưởng cao trong thời kỳ 2006 - 2010 (đa số các phân ngành đều có mức tăng gần gấp đôi so với năm 2005); mức tăng trưởng còn cao hơn so với thời kỳ 2006 - 2010 (đa số các phân ngành đều có mức tăng gần gấp 4 lần so với năm 2005).
Bảng 3.8. Mức tăng GDP theo các phân ngành kinh tế của Vùng KTTĐBB thời kỳ 2005- 2010 và 2005 -2020 (tính theo giá so sánh 2005 )
Đơn vị: %
Kịch bản I | Kịch bản II | |||
2010/2005 | 2020/2005 | 2010/2005 | 2020/2005 | |
I | 2 | 3 | 4 | 5 |
1. Nông nghiệp | 102,20 | 155,00 | 101,82 | 150,00 |
2. Lâm nghiệp | 87,00 | 104,00 | 82,45 | 170,00 |
3. Thuỷ sản | 164,19 | 107,00 | 154,00 | 180,00 |
4.Công nghiệp khai thác mỏ | 88,00 | 261,36 | 88,00 | 285,71 |
5. Công nghiệp chế biến | 246,00 | 750,00 | 199,82 | 648,76 |
6. Sản xuất và phân phối điện, nước và khí đốt | 171,00 | 507,86 | 167,10 | 542,52 |
7. Xây dựng | 178,50 | 530,14 | 175,00 | 568,17 |
8. Thương nghiệp, sử chữa xe có động cơ | 174,86 | 519,32 | 185,92 | 603,63 |
9. Khách sạn , nhà hàng | 180,34 | 470,00 | 170,89 | 554,83 |
10. Vận tải, kho bãi, bưu điện và du lịch | 175,83 | 480,00 | 182,81 | 593,53 |
11. Tài chính tín dụng và bảo hiểm | 182,56 | 460,00 | 180,60 | 586,35 |
12. Hoạt động khoa học và công nghệ | 178,40 | 529,84 | 181,40 | 588,95 |
13. Kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn | 168,88 | 430,00 | 160,03 | 519,58 |
2 | 3 | 4 | 5 | |
14. QLNN và ANQP, bảo đảm xã hội bắt buộc | 180,80 | 450,00 | 200,00 | 649,34 |
15. Giáo dục đào tạo | 185,10 | 415,00 | 185,10 | 600,96 |
16. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội | 168,62 | 450,00 | 186,20 | 604,54 |
17. Hoạt động văn hoá thể thao | 155,00 | 460,34 | 155,00 | 503,24 |
18. Hiệp hội | 170,74 | 507,07 | 235,47 | 519,72 |
Tổng số | 102,20 | 155,00 | 101,82 | 150,00 |
Nguồn: Tính toán của tác giả theo Bảng I/O
Theo kịch bản II, mức tăng trưởng của các phân ngành nông, lâm, ngư nghiệp và một số phân ngành dịch vụ cao hơn so với kịch bản I; nhưng mức tăng trưởng của các phân ngành công nghiệp, xây dựng lại thấp hơn so với kịch bản I. Như vậy, rõ ràng nếu lựa chọn kịch bản I thì phải có các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm gia tăng nhanh các hoạt động dịch vụ quản lý nhà nước, giáo dục, đào tạo, y tế và các hoạt động cứu trợ khác; nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ, nhất là đối với các ngành công nghiệp cơ khí và sản xuất kim loại, điện tử - công nghệ thông tin, hoá chất, khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may và da dày, chế biến nông, lâm, hải sản...
Cơ cấu kinh tế tiếp tục hướng về xuất khẩu vững chắc. Độ mở của nền kinh tế (XK/GDP) tăng từ 49,6% năm 2005 lên 63% năm 2010, 76% năm 2015 và 90% năm 2020. (Bảng 3.9, Phụ lục). Như vậy mức độ hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới của vùng sẽ rất mạnh mẽ sau năm 2010, khi đó việc gia nhập WTO thực sự phát huy tác dụng.
Với việc phân bố các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và tính liên kết, phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn giữa các địa phương; giữa khu vực thành thị và nông thôn; giữa khu vực phát triển và khu vực chậm phát triển sẽ bảo đảm sự thay đổi toàn diện bộ mặt của vùng, thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển dịch nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường chính sách thuận lợi hay không thuận lợi (Bảng 3.10, Phụ lục).
Cho dù phát triển theo kịch bản I hay kịch bản II thì tỷ trọng kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong toàn bộ nền kinh tế của vùng sẽ tiếp tục tăng lên, kinh tế nhà nước sẽ bị thu hẹp dần. Theo kịch bản I, trong giai đoạn 2016-
2020, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng cao nhất (thể hiện qua cơ cấu đầu tư theo các nguồn vốn (Bảng 3.11, Phụ lục)).
(iii) Về tỷ trọng giá trị hàng hoá và các ngành chế biến sâu trong GDP
Chủ trương phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, sinh học, hoá phẩm trở thành ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn tiến đến sản phẩm chủ lực của vùng vào giai đoạn sau năm 2010; nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp lên 15% và 30% vào các năm 2010 và 2020 [9] sẽ khắc phục những hạn chế về trình độ của cơ cấu kinh tế thời kỳ trước đây; nâng cao khả năng bổ trợ lẫn nhau và tính hiệu quả của bản thân và giữa các ngành kinh tế, như sự phát triển các ngành chăn nuôi và trồng trọt sẽ cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến; phát triển các ngành dịch vụ vận tải sẽ hỗ trợ phát triển các ngành thương mại, sản xuất các loại hàng hoá... Như vậy sẽ bảo đảm sự bền vững của các sản phẩm chủ lực trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ nói riêng và của cơ cấu kinh tế nói chung. (các Bảng 3.12, 3.13, 3.14, Phụ lục).
Việc củng cố, nâng cao sức cạnh tranh cho công nghiệp Trung ương và địa phương trên địa bàn, phát triển mạnh công nghiệp bổ trợ trong nước để giảm nhập khẩu, hạ giá thành và nâng dần giá trị nội địa của sản phẩm; phấn đấu tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt trên 90% vào giai đoạn 2015 - 2020 [9] sẽ làm tăng tỷ lệ giá trị quốc gia trong đa số sản phẩm hàng hoá, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu nhiều lợi nhuận cho bản thân người dân trong vùng, tăng khả năng tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế; giảm nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Việc chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cao và hiện đại, đồng thời chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt là chủ yếu sang chăn nuôi là chủ yếu để nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp/ha đất đạt mức bình quân 50 triệu đồng/ha, 70 triệu đồng/ha và 100 triệu đồng/ha vào các năm 2010, 2015 và 2020 (Bảng 3.13, Phụ lục) sẽ khắc phục cơ bản những tồn tại về cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi trước đây (năng suất, chất lượng thấp); những hạn chế về thị trường và diện tích đất nông nghiệp.