khác nhau như làm nguyên vật liệu trong việc cải tạo nhà, thủy tinh nghệ thuật, gốm nghệ thuật, đẽo gỗ trang trí, làm quà lưu niệm,...
Hơn thế nữa, đảo Nami đã thành công khi xây dựng văn hóa tái chế trở thành biểu tượng của mình qua các sự kiện được tổ chức trên đảo như trưng bày các sản phẩm tại viện nghệ thuật đảo Nami, lễ hội văn hóa về tái chế,... Với những nỗ lực về tái chế như vậy, đảo được công nhận là thiên đường tái chế, hòn đảo tái sinh môi trường, những thành tích về tái chế của đảo được truyền thông các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Anh, Mỹ đưa tin trong các bản tin thời sự của nước họ.
- Phát triển về lĩnh vực văn hóa: đảo Nami đã tiến hành thử nghiệm để trở thành một không gian văn hóa - nơi mà văn hóa nghệ thuật được hòa mình cùng thiên nhiên của con sông Bắc Hàn. Thời kỳ còn là một công viên cây xanh đơn thuần, nhiều kiến trúc trên đảo được sử dụng như một khu vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thông thường nhưng sau đó đã có một chiến lược chuyển đổi mục đích sử dụng các không gian này. Một số tòa nhà trên đảo đã được tái kiến trúc trở thành khu trưng bày phức hợp với rất nhiều các loại hình nghệ thuật về văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật khác nhau được trưng bày.
Xác định những người làm nghệ thuật là đối tượng khách quan trọng của mình, đảo Nami tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những vị khách này trong việc nghỉ ngơi và sáng tạo. Ban quản lý sẽ sử dụng các tác phẩm của họ để trưng bày, cho ra sách ảnh để quảng bá hình ảnh của đảo nhằm thu hút khách du lịch. Cũng tương tự đối với các nghệ sĩ biểu diễn trong concert tại đảo, họ được hỗ trợ những điều kiện tốt nhất và để tham dự được những buổi biểu diễn này thì khách du lịch sẽ tới thăm đảo Nami. Đã có rất nhiều sự kiện lớn được tổ chức tại đảo để thu hút khách du lịch mang tên: “Giấc mộng đêm hè”, “Ngày hội sách thế giới”, “Ngày hội biểu diễn của thanh thiếu niên thế giới”,...
- Hợp tác với các Tổ chức quốc tế, hiệp hội và sự tham gia của cộng đồng: với chiến lược mở rộng hợp tác, liên kết, ban quản lý đã tạo không gian trên đảo để Hiệp hội Unicef Hàn Quốc, Trung tâm giáo dục môi trường Hàn Quốc và nhiều cơ quan khác sử dụng. Các cơ quan này tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như trại hè đào
tạo môi trường, sân chơi văn hóa,… và giờ đây, các hoạt động này đã trở nên nổi tiếng, thu hút được nhiều khách du lịch đến với đảo hơn.
Đảo cũng tổ chức sự kiện trồng cây với sự tham gia của cộng đồng. Năm 2006, với sự tham gia của đông đảo khách tham quan, công ty quản lý đã tiến hành trồng 400 cây thủy sam và gọi nơi đây là “Sequaia family garden - Rừng cây thủy sam”, năm 2007 trồng “Rừng cây Nami”, 2008 trồng “Rừng cây bách phong”. Trên mỗi cây sẽ gắn biển tên người tặng, và những người tham gia lễ trồng cây đều được giấy chứng nhận là công dân nước cộng hòa Nami cũng như được phát hộ chiếu trọn đời, lễ hội đã gây ấn tượng mạnh cho người dân trong việc nhận thức về bảo vệ môi trường và cũng đã góp phần tăng hiệu quả quảng bá nhằm thu hút khách du lịch tới thăm quan nhiều lần nữa.
- Du lịch phim ảnh (Film tourism) và hiệu quả của làn sóng văn hóa Hallyu Hàn Quốc: giai đoạn tái sinh của đảo Nami được rút ngắn đi rất nhiều nhờ thành công của bộ phim “Bản tình ca mùa đông”. Việc quay phim “Bản tình ca mùa đông” là hoạt động nằm trong kế hoạch tái phát triển của đảo Nami. Công ty cổ phần đảo Nami đã hỗ trợ hết mức cho Đoàn làm phim trong thời gian quay phim tại đây. Sự thành công của “Bản tình ca mùa đông” đã đưa hình ảnh đảo Nami đến với toàn thế giới. Số lượng khách châu Á ghé thăm đảo chỉ để được nhìn thấy tận mắt nơi quay bộ phim mà mình yêu thích tăng vọt và đảo Nami được coi là điểm du lịch tiêu biểu trong làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu. Ngoài ra, hình ảnh đảo Nami còn hiện diện trong bộ phim “Khách vãng lai mùa đông”, “Nam và nữ” và một số phim ngắn quảng cáo khác,...
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Đề Tài Luận Văn
- Ý Nghĩa Lý Luận Và Ý Nghĩa Thực Tiễn Của Đề Tài 6.1.về Mặt Lý Luận
- Vai Trò Của Chính Sách Phát Triển Du Lịch Biển Đối Với Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội
- Cơ Hội Và Thách Thức Đặt Ra Đối Với Phát Triển Du Lịch Biển Đà Nẵng
- Các Chương Trình Chính Sách Phát Triển Du Lịch Biển Đà Nẵng
- Chương Trình Đào Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Nguồn Nhân Lực Phục Vụ Du Lịch Biển
Xem toàn bộ 318 trang tài liệu này.
1.3.1.2. Chính sách phát triển du lịch của Singapore
Singapore là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Diện tích quốc đảo chỉ có 710 km2 nhưng có đến 5,2 triệu người đang sinh sống, làm việc ở đây, trong đó có gần 2 triệu người nước ngoài. Trong các thành công của Singapore thời gian qua phải kể đến sự thành công của chính sách phát triển du lịch.
Tháng 6 năm 2010, quốc đảo Singapore chạm mốc “1.000.000 khách du lịch trong một tháng”. Năm 2010 có 11,64 triệu khách quốc tế đến Singapore và năm 2011 là 13 triệu. Năm 2010, du lịch đóng góp cho nền kinh tế Singapore 18,8 tỷ đô la Singapore, năm 2012 là 22,2 tỷ đô la Singapore, chiếm 3% GDP. Singapore hiện có khoảng trên 50.000 phòng khách sạn, với giá dịch vụ trung bình khoảng 245 đô la Singapore/phòng/ngày (khoảng hơn 4 triệu đồng Việt Nam), tỷ lệ sử dụng phòng năm 2011 đạt đến 86%. Đây thực sự là những con số ấn tượng của ngành du lịch ở một đất nước nhỏ bé, ít tài nguyên và chưa hẳn đã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như Singapore.
Để có được kết quả này, phải nói đến sự thành công của việc hoạch định, xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn của Chính phủ Singapore. Từ năm 1965 đến nay, Singapore đã hoạch định chiến lược, xây dựng 6 kế hoạch phát triển du lịch khác nhau, đó là: “Kế hoạch Du lịch Singapore” (năm 1968), “Kế hoạch Phát triển du lịch” (năm 1986), “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), “Du lịch 21” (năm 1996), “Du lịch 2015” (năm 2005) và “Địa giới du lịch 2020” (năm 2012).
Với “Kế hoạch phát triển du lịch” (năm 1986), Singapore chủ trương bảo tồn và khôi phục các khu lịch sử - văn hóa như: Khu phố của người Hoa, Tanjong Tagar, Little India, Kampong Glam và sông Singapore. Với “Kế hoạch Phát triển chiến lược” (năm 1993), Singapore tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch,…
Năm 1996, Singapore triển khai “Du lịch 21”, chuẩn bị và thực hiện tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển của du lịch trong Thế kỷ 21, với các chiến lược thị trường du lịch mới nổi, chiến lược du lịch khu vực, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch mới, chiến lược nguồn vốn du lịch và chiến lược “Nhà vô địch du lịch Singapore”.
Trong “Du lịch 2015” (năm 2005), Singapore tập trung phát triển các thị trường chính với phương châm tạo sự hiểu biết tốt hơn về Singapore, phát triển Singapore thành một điểm du lịch “phải đến”, cải thiện tiêu chuẩn dịch vụ nhằm cung cấp các dịch vụ đáng nhớ cho khách du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, phát triển các sản phẩm trọng tâm của du lịch,… Năm 2012, Singapore chi 300 triệu đô la Singapore để tổ chức các sự kiện du lịch, 340 triệu đô la Singapore nhằm phát triển các sản phẩm du lịch và 265 triệu đô la Singapore giúp phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đến năm 2015, Singapore sẽ đầu tư cho Quỹ phát triển du lịch 2 tỷ đô la Singapore, dự kiến đón khoảng 17 triệu khách du lịch quốc tế và doanh thu từ du lịch khoảng 30 tỷ đô la Singapore.
1.3.2. Chính sách phát triển du lịch biển Nha Trang - Khánh Hòa
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển trải dài 385 km với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, môi truờng tự nhiên khá trọn vẹn, khí hậu ôn hòa đầy nắng gió quanh năm,... là điều kiện lý tuởng để vùng biển xinh đẹp này phát triển mạnh về du lịch biển, đảo.
Tại Nha Trang, tổ chức Quảng bá điểm đến Nha Trang (NTDMO) được thành lập và chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 2014, với mục đích chung tay với các cơ quan ban ngành và các công ty trên địa bàn phát triển ngành dịch vụ du lịch và các hoạt động quảng bá tiếp thị du lịch địa phương. Mục tiêu của tổ chức là mang tiêu chuẩn quốc tế đến cho nền du lịch Nha Trang, cũng như tăng cường các chương trình khuyến mãi của Nha Trang dành cho các du khách trong và ngoài nước, tập trung hướng tới nhiều sáng kiến tích cực cho cộng đồng và góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội. Ban đầu chỉ có 6 thành viên, nhưng đến nay, Visit Nha Trang đã có tới 15 thành viên, trong đó có 14 thành viên ở Khánh Hòa. Đây là tập hợp của những khách sạn, nhà hàng, quán bar, dịch vụ thể thao trên biển hàng đầu Nha Trang như InterContinental, Sheraton, Six Senses Ninh Vân Bay, An Lâm Ninh Vân Bay, Evason Ana Mandara, Mia Resort, Diamond Bay, Novotel; nhà hàng Lantems, Lunar; quầy bar Patrick Wine, Skylight, Sailing Club và Vietnam Sailing.
Ngay sau khi ra đời, Visit Nha Trang xác định rõ thị trường trọng điểm gồm các nước Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường khách nội địa, đi cùng đó là thị trường khách giàu tiềm năng chính là Nhật Bản, Úc, Hồng Kông, Singapore và một số nước ở khu vực Đông Nam Á khác. Để xúc tiến việc giới thiệu du lịch Nha Trang đến các quốc gia trên, Visit Nha Trang đã tiến hành soạn thảo nội dung quảng bá bằng 6 ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản và tiếng Hàn Quốc. Những nội dung này được thể hiện qua những bài viết, những clip về du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội cũng như các website du lịch hàng đầu thế giới.
Kết quả của sự hợp tác giữa các thành viên Visit Nha Trang trong nỗ lực quảng bá về du lịch Nha Trang không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho mỗi thành viên, mà nó còn góp phần nâng cao hình ảnh Nha Trang trong lòng du khách. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước sau khi tham khảo những thông tin do Visit Nha Trang giới thiệu, đã quyết định đến trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ cao cấp của các thành viên trong tổ chức này. Nhiều du khách đã có những phản hồi rất tốt sau thời gian đến Nha Trang. Minh chứng cho điều đó chính là việc Nha Trang được bình chọn là 1 trong 10 điểm đến đang phát triển hàng đầu châu Á trên website du lịch TripAdvisor. Cũng theo trang web này, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang được du khách bình chọn vào nhóm khách sạn, khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam, thậm chí là hàng đầu châu Á như: Six Senses Ninh Vân Bay, An Lâm Ninh Vân Bay, Evason Ana Mandara, Mia Resort và Inter Continental.
Những chính sách của tỉnh Khánh Hòa đã mang lại những hiệu quả rất lạc quan đối với sự phát triển du lịch của Khánh Hòa. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách du lịch đến Nha Trang – Khánh Hòa lưu trú đã đạt con số trên 3,2 triệu lượt. So với cùng kỳ năm 2014, lượng khách trên tăng 17,3% và đạt 80,8% so với kế hoạch năm. Trong đó, lượng khách quốc tế lưu trú cũng có chiều hướng tăng khi đạt hơn 674.000 lượt (tăng 10,8% so với cùng kỳ).
1.3.3. Một số bài học kinh nghiệm cho chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Từ kinh nghiệm về chính sách phát triển du lịch nói chung cũng như du lịch biển nói riêng của một số địa phương trong và ngoài nước có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, việc phát triển du lịch nói chung cũng như du lịch biển nói riêng cần gắn liền với hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch quá mức cũng như việc không chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nguyên chính dẫn đến tình trạng suy thoái của du lịch đảo Nami giai đoạn 1990 – 2002. Ngay sau khi có những biện pháp nhằm cải tạo, phục hồi hệ sinh thái, môi trường du lịch đã đưa du lịch đảo Nami trở lại vị trí vốn có của nó, là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Du lịch biển của Đà Nẵng phụ thuộc chủ yếu vào hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, cũng như các tài nguyên du lịch biển trong khi đây không phải là những tài nguyên vô tận. Cùng với đó vấn đề môi trường du lịch biển là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch biển. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch nói chung cũng như du lịch biển nói riêng cần gắn liền với hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch là bài học kinh nghiệm rất lớn cho việc xây dụng và thực thi chính sách phát triển du lịch biển của Đà Nẵng. Kinh nghiệm này có thể giúp du lịch biển Đà Nẵng tránh khỏi những hậu quả xấu đối với du lịch biển như đã diễn ra đối với du lịch đảo Nami, Hàn Quốc.
Thứ hai, cần nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế, các hiệp hội và sự tham gia của cộng đồng đối với hoạt động phát triển du lịch biển. Kinh nghiệm từ chính sách phát triển du lịch đảo Nami, Hàn Quốc cũng như chính sách phát triển du lịch biển Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đều cho thấy rằng việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội cũng như sự tham gia của cộng đồng có tác động rất tích cực đến việc phát triển du lịch của địa phương như tăng cường hiệu quả của công tác quảng bá,
xúc tiến thị trường du lịch, việc cải tạo, phát triển môi trường du lịch của địa phương cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Thứ ba, chủ động trong việc áp dụng biện pháp quảng bá du lịch phim ảnh nhằm tạo ra các làn sóng văn hóa. Thành công của du lịch đảo Nami có sự đóng góp rất lớn từ thành công của hoạt động quảng bá du lịch. Việc thực hợp tác, đầu tư trong việc sản xuất các bộ phim như “Bản tình ca mùa đông” hay “Khách vãng lai mùa đông”, “Nam và nữ”… đã tạo ra những làn sóng văn hóa trên khắp Hàn Quốc cũng như các quốc gia trên thế giới. Điều này đã nâng cao chất lượng quảng bá du lịch của đảo góp phần không nhỏ trong việc đưa hình ảnh của du lịch đảo Nami đến với khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó thu hút được lượng lớn khách du lịch đến đảo. Thành công của việc áp dụng biện pháp quảng bá du lịch phim ảnh nhằm tạo ra các làn sóng văn hóa trong nước cũng như trên thế giới là bài học kinh nghiệm dành cho việc xây dựng và thực hiện chương trình quảng bá và xúc tiến thị trường du lịch biển Đà Nẵng nói riêng cũng như chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng nói chung.
Thứ tư, cần xác định lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn trong việc phát triển du lịch. Từ quá trình phát triển cũng như những kết quả đạt được của du lịch Singapo cho thấy tầm quan trọng của việc xác định lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn trong việc phát triển du lịch. Kinh nghiệm từ chính sách phát triển du lịch của Singapo cho thấy để chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng thực sự chất lượng và hiệu quả, chính sách cần xây dựng, xác định rõ ràng xác định lộ trình, kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn trong việc phát triển du lịch. Tránh việc thực hiện quá nhiều mục tiêu, giải pháp trong cùng một giai đoạn cuẩ chính sách, cần xác định các mục tiêu, các giải pháp ưu tiên trong từng giai đoạn cho phù hợp với tiềm năng, nguồn lực. Từ đó nhằm nâng cao chất lượng cũng nhu hiệu quả của chính sách phát triển du lịch biển của mình.
TIỂU KẾT CHƯƠNG
Chính sách phát triển du lịch biển có vai trò to lớn trong việc phát triển ngành du lịch nói riêng cũng như kinh tế - xã hội quốc gia nói chung. Trong khuôn khổ nội dung của chương 1, luận văn đã trình bày những nội dung cần thiết về cơ sở lý luận của chính sách phát triển du lịch biển. Theo đó luận văn tập chung làm rõ một số vấn đề lý luận chính như khái niệm về du lịch biển, chính sách công, chính sách phát triển du lịch biển. Đồng thời, thông qua nội dung chương Luận văn cũng phân tích làm rõ những đặc điểm, nội dung chủ yếu của chính sách phát triển du lịch biển cũng như vai trò cũng như tác động của chính sách phát triển du lịch biển đối với kinh tế - xã hội.
Nhận thức rõ nét về tầm quan trọng của những kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng, thực thi chính sách du lịch nói chung cũng như du lịch biển nói riêng đối với việc hoàn thiện chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng. Luận văn đã lựa chọn, phân tích chính sách phát triển du lịch nói chung cũng như chính sách phát triển du lịch biển nói riêng của một số quốc gia trên thế giới như Singapo, Đảo Nami cũng như chính sách phát triển du lịch biển của một trong những địa điểm du lịch biển phát triển nhất của nước ta đó là Nha Trang. Những phân tích, đánh giá về chính sách phát triển du lịch của một số địa điểm du lịch nêu trên sẽ là những bài học kinh nghiệm đối với chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng.
Để có thể phân tích một cách chính xác, hiệu quả thực trạng của chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng cần có những phân tích, hệ thống các cơ sở lý luận liên quan đến chính sách phát triển du lịch biển nói chung. Chính vì vậy, những cơ sở lý luận được phân tích, tổng hợp ở chương 1 sẽ là cơ sở cho việc hệ thống, tiền đề quan trọng trong việc nghiên cứu thực trạng chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng. Từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định về ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của các hạn chế, các cơ hội và thách thức đối với phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. Từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp và những đề cuất cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách phát triển du lịch biển của thành phố Đà Nẵng.