Về mặt công nghệ: cần tận dụng ưu thế công nghệ cao về môi trường, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật sản xuất tiên tiến một cách nhanh nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí trong dài hạn và sản xuất ra những chiếc xe không gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới TMV nên nghiên cứu việc sử dụng máy đo toạ độ không gian ba chiều để đo kích thước của thân vỏ xe vì hiện nay ở Việt Nam chỉ có Ford là sử dụng thiết bị hiện đại này, giúp đo chính xác trong thời gian ngắn, tiết kiệm chi phí.
Về mặt tài chính: Công ty nên thực hiện một chế độ thanh toán giữa Công ty mẹ và đại lý linh hoạt hơn. Hiện nay Công ty đang thực hiện chính sách Thanh toán trước khi giao hàng hay còn gọi là chính sách mua bán đứt đoạn “ Cash on delivery”. Mặc dù đây là một chính sách an toàn cho nhà sản xuất song đôi khi lại gây khó khăn cho đại lý, đòi hỏi đại lý phải thực sự có tiềm lực về tài chính vì khách hàng chỉ trả hết tiền khi nhận xe còn đại lý phải đặt hàng và trả tiền cho Công ty từ trước đó.
Bên cạnh đó, Công ty cũng nên xem xét việc cắt giảm chi phí về nhân sự tại các mảng quan hệ công cộng, thiết kế, kỹ thuật, kiểm tra chất lượng, sản xuất và kể cả bộ phận quản lý để tăng hiệu quả.
Về chính sách phân phối: Tại thị trường Việt Nam hệ thống đại lý của Toyota hoạt động rất có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng phân phối sản phẩm. Có được kết quả trên là do hãng đã có chính sách xây dựng và phát triển đại lý rất bài bản. Trong tương lai TMV cần tiếp tục xây dựng mạng lưới bán hàng, hệ thống đại lý rộng hơn và đạt hiệu quả hơn. Để đảm bảo chất lượng hoạt động của các đại lý, TMV cần cung cấp nhiều hơn nữa các dịch vụ đào tạo như:
Đào tạo nhân viên bán hàng: Do nhân viên bán hàng là người khuyến khích hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp, vì vậy các nhân viên bán hàng phải có những hiểu biết rõ về ô tô nói chung, sản phẩm
của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh khác. Một số trường hợp, nhân viên bán hàng nên có khả năng sửa chữa các hỏng hóc thông thường của ô tô. Mặt khác nhân viên bán hàng thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, vì vậy Công ty phải chú trọng đào tạo hơn nữa kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ, phong cách lịch sự, mang đặc trưng của doanh nghiệp cho các đại lý và nhân viên.
Đào tạo kỹ thuật viên: Công ty cần đào tạo tay nghề và phong cách làm việc cho các kỹ thuật viên, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp và uy tín của Công ty.
Đồng thời tiến hành các cuộc họp đại lý và các trạm uỷ quyền định kỳ hàng tháng để thảo luận trực tiếp về tình hình thị trường. Cần phát triển thêm mạng lưới đại lý ở các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ… để khai thác tối đa thị trường vì hiện nay hầu hết các đại lý của TMV đã tập trung hầu hết ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để mang đến cho khách hàng sự thoả mãn cao nhất, các đại lý của TMV phải đảm bảo thực hiện tốt 4 chức năng: bán hàng (Sales), cung cấp dịch vụ sau bán hàng ( After- sales), cung cấp phụ tùng thay thế chính hãng (Spare Parts) và cung cấp các phụ kiện chính hãng ( Supplying genuine accessory). Việc thực hiện kết hợp các chức năng sẽ giúp các đại lý tạo niềm tin tưởng đối với khách hàng và qua đó gây dựng được hình ảnh tốt về các sản phẩm của hãng.
Trong chiến lược phát triển lâu dài, TMV cũng cần phải cân nhắc tới vần đề xây dựng nhà máy ở khu vực phía Nam để tiết kiệm chi phí vận chuyển cũng như là khai thác tốt hơn các cơ hội kinh doanh ở đó vì hiện nay Toyota đặt trụ sở ở Vĩnh Phúc trong khi đó thi trường tiêu thụ tốt nhất lại nằm ở phía Nam nơi có sức mua rất lớn.
Về chính sách xúc tiến, hỗ trợ kinh doanh: Nét nổi bật trong chiến lược xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh của Toyota là việc hãng chú trọng sử dụng quan hệ công chúng là để gây dựng hình ảnh và thu hút khách hàng. Nhận thức
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh Giá Việc Thực Hiện Chiến Lược Kinh Doanh Của Công Ty Toyota Việt Nam.
- Các Cam Kết Của Việt Nam Về Thuế Ô Tô Trong Tiến Trình Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
- Tổng Hợp Các Mặt Mạnh, Mặt Yếu, Cơ Hội Và Thách Thức Của Công Ty Toyota Việt Nam
- Chiến lược kinh doanh của công ty TOYOTA Việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế - 14
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
được tầm quan trọng của chính sách này, Công ty sẽ phải cố gắng hơn nữa trong việc phát huy sức mạnh của việc tuyên truyền, quảng bá, sử dụng quan hệ công chúng để gây dựng được hình ảnh đẹp cũng như sản phẩm và danh tiếng của Công ty trong lòng người tiêu dùng. Để thực hiện tốt điều đó Công ty cần phải:
- Đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ sau bán hàng, cung cấp sản phẩm dịch vụ đem lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng. Tăng cường chương trình khuyến mại, dịch vụ hậu mãi để thu hút khách hàng. Công ty nên có một đội ngũ sửa chữa lưu động xuyên Việt, đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp, kéo xe bị nạn, rửa xe miễn phí…
- Công ty cũng phải luôn chủ động giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường, vì đây là yêu cầu cấp bách và tất yếu đối với sự phát triển của Toyota cũng như cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến các hoạt động đóng góp cho xã hội, tài trợ các chương trình thể thao, văn hoá, giáo dục… nhằm củng cố hình ảnh của Công ty và thu hút khách hàng.
Hiện nay Toyota Việt Nam cũng như các liên doanh ô tô Việt Nam đang nỗ lực hết mình với mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách phát triển kinh tế của đất nước đó là hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nhiều năm qua, Việt Nam luôn cố gắng và trở thành thành viên của ASEAN và APEC, ngày 7/11/2006 đã đánh dấu một sự kiện trọng đại đó là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới WTO. Chính vì vậy, thương mại và môi trường luôn đóng vai trò hết sức quan trọng và tiêu chuẩn hoá chất lượng sản phẩm là một biện pháp hiệu quả nhất cho quá trình hội nhập. Khi đó không những chất lượng sản phẩm mà dịch vụ khách hàng, hệ thống quản lý và sự tham gia của nhân viên sẽ được nâng cao và các liên doanh ô tô Việt Nam sẽ có thể trở thành những người đi đầu với những sản phẩm tốt hơn, nhanh chân hơn các đối thủ cạnh tranh.
2. Một số kiến nghị về phía Chính phủ
Cũng giống như tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, sự thành công hay thất bại của TMV phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Chính phủ. Vì vậy Chính phủ cũng cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ cho sự phất triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo đó, một số đề xuất mà Chính phủ cần thực hiện đó là:
2.1. Các chính sách về đầu tư
Chính phủ cần hoàn thiện chính sách đầu tư nước ngoài để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô. Để xây dựng được thành công ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, chúng ta phải thừa nhận vai trò dẫn dắt của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do năng lực cạnh tranh cũng như trình độ công nghệ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là quá yếu trong việc đối mặt với xu thế cạnh tranh toàn cầu ở mức độ cao nên Việt Nam cần phải tăng mức FDI và sử dụng hoàn toàn lượng FDI cho sự phát triển. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần có các chính sách và giải pháp hữu hiệu như: xúc tiến hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước: Việt Nam điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài; thực hiện chế độ một giá, không phân biệt đối xử và cắt giảm chi phí kinh doanh…
Bên cạnh đó cần hướng các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện ô tô, đặc biệt là các dự án đầu tư với quy mô công suất lớn, sản xuất sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho chương trình nâng cao tỉ lệ sản xuất trong nước và xuất khẩu, được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Có thê nói chỉ khi ngành công nghiệp phụ trợ phát triển thì Toyota Việt Nam cũng như các liên doanh khác mới có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, giảm giá thành, nâng cao doanh số giúp cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
2.2. Các chính sách về thuế đối với ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô
Để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ như sau:
Không tính thuế nhập khẩu theo bộ linh kiện rời dạng CKD, IKD; tính thuế nhập khẩu theo biểu thuế đối với linh kiện và phụ tùng nhập khẩu và theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước.
Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với sản phẩm chế thử trong thời gian một năm kể từ khi sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường.
2.3. Các chính sách và giải pháp về thị trường.
Bảo vệ thị trường
áp dụng các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ô tô, phụ tùng ô tô để ngăn chặn việc lưu thông những hàng hoá kém chất lượng, không an toàn, gây ô nhiễm môi trường.
Xử lý nghiêm khắc hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại được đưa vào thị trường Việt Nam.
Mở rộng thị trường
Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ, cơ sở hạ tầng trong cả nước.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị và xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài.
Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ô tô sử dụng động cơ, phụ tùng ô tô chế tạo trong nước. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các linh phụ kiện có nhiều cơ hội phát triển.
2.3. Các chính sách và giải pháp về khoa học công nghệ
Khuyến khích chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ tiên tiến phục vụ chương trình sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, đặc biệt là động cơ, hộp số, cụm truyền động.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động nếu công nghệ được chuyển giao từ các hãng có danh tiếng trên thế giới.
Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho đầu tư hoạt động nghiên cứu- phát triển trong công nghiệp ô tô.
2.4. Các chính sách và giải pháp về nguồn lực
Tăng cường đầu tư cho hoạt động đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, cán bộ thiết kế, công nhân lành nghề phục vụ ngành công nghiệp ô tô, kể cả cử đi học nước ngoài từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra Chính phủ cần kiên quyết cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Hiện nay Nhà nước ta vẫn cho phép việc nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc vào trong nước kể cả những xe đã qua sử dụng. Điều này đã làm cho các loại xe lắp ráp trong nước bị cạnh tranh mạnh đặc biệt với những xe đã qua sử dụng có giá thành rất thấp. Việc xem xét chính sách cấm nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đã qua sử dụng không những tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường, tránh cho Việt Nam trở thành bãi thải ô tô của các nước phát triển.
KẾT LUẬN
Lý luận thực tiễn đã chứng minh chiến lược kinh doanh giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quyết định sự sống còn và phát triển của tổ chức, công ty trong thời gian dài. Để có được sự thành công, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Chính phủ, cần phải có sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp.
Qua những phân tích, đánh giá chiến lược kinh doanh của Công ty Toyota Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện chiến lược kinh doanh của Công ty đã trình bày ở trên, ta thấy rằng một công ty muốn hoạt động có hiệu quả phải thực hiện các quyết định chiến lược phù hợp với điều kiện của công ty và xu thế chung của thị trường.
Nhờ áp dụng đúng đắn chiến lược kinh doanh, Toyota Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể và giữ vững vị trí số một ở thị trường ô tô Việt Nam trong suốt thời gian qua. Thành công của Toyota Việt Nam cũng chính là một phần trong thành công chung của Toyota trên toàn thế giới. Toyota giờ đây đã trở thành nhà sản xuất ô tô thứ 2 trên thế giới sau General Motors nhờ vượt qua Ford và đang dẫn đầu về sản lượng xe bán ở thị trường nước ngoài.
Qua đề tài này, trước hết em mong muốn được tổng kết những kiến thức mình đã được học trong suốt quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường trường Đại Học Ngoại Thương, và em hi vọng những chuyên đề của mình sẽ đóng góp một phần nào đó trong việc hoàn thiện chiến lược kinh doanh của Công ty Toyota Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty.
Qua đây, em xin chân thành cảm ơn giảng viên Thạc sĩ Ngô Quý Nhâm, người đã tận tình giúp đỡ em trong suốt quá trình thực hiện đề tài này. Em xin chân thành cảm ơn tới Ban lãnh đạo, các anh chị nhân viên Công ty Toyota Việt Nam đã giúp đỡ em hoàn thành tốt đề tài này.