Mối Quan Hệ Giữa Các Hình Thức Chế Tài

tính chất và mức độ nguy hiểm của loại tội phạm để quy định chế tài tương ứng.

Chế tài hình sự có hai loại, đó là chế tài xác định tương đối và chế tài lựa chọn. Chế tài xác định tương đối là loại chế tài có quy định mức tối thiểu và tối đa của hình phạt tương ứng hoặc chỉ quy định mức tối đa của hình phạt. Chế tài xác định tương đối tạo ra khả năng để Toà án trên cơ sở đánh giá toàn diện các tình tiết của tội phạm và người phạm tội, quyết định hình phạt sát hợp và công bằng với từng truờng hợp cụ thể. Chế tài lựa chọn là loại chế tài có từ hai loại hình phạt trở lên với một tội phạm. Toà án trên cơ sở đánh giá từng trường hợp cụ thể để lựa chọn một trong số các hình phạt đó và quyết định áp dụng với người phạm tội.

Sự kiện pháp lý làm xuất hiện trách nhiệm hình sự là việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật quy định là tội phạm. Trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải gánh chịu là trách nhiệm trước Nhà nước, chứ không phải trước người bị hại; người phạm tội do có lỗi khi thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nên Nhà nước áp dụng biện pháp có tính cưỡng chế được quy định trong Luật Hình sự với họ.

Bản chất của các chế tài hình sự là sự lên án của Nhà nước đối với người đã có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mục đích của các hình phạt là trừng phạt người phạm tội, phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật.

Trách nhiệm hình sự và chế tài hình sự là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Trách nhiệm hình sự xuất hiện trước khi có quyết định hình phạt, nó có thể đặt ra đối với người đã thực hiện tội phạm nhưng Toà án không quyết định và áp dụng hình phạt với họ. Tuy nhiên, không thể quyết định và áp dụng hình phạt nếu không có trách nhiệm hình sự. Đối với trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự thì không thể áp dụng chế tài được quy định trong Luật Hình sự với họ. Khi một người phải chịu trách nhiệm hình sự

nhưng được miễn hình phạt thì trách nhiệm hình sự trong trường hợp đó là trách nhiệm một phần.

Trách nhiệm hình sự là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt. Quy định các chế tài hình sự thực chất là để cấm đoán việc thực hiện tội phạm, khi sự cấm đoán này bị vi phạm tức là đã có tội phạm được thực hiện. Khi đó, sẽ xuất hiện quan hệ giữa Nhà nước với người đã thực hiện tội phạm đó, Nhà nước có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự với người phạm tội và người phạm tội phải gánh chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Quan hệ này tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào việc các cơ quan có trách nhiệm biết hay chưa biết việc thực hiện tội phạm đó. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của các bên trong mối quan hệ này xuất hiện từ khi tội phạm được thực hiện và nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hình sự của người phạm tội kéo dài trong suốt thời gian còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm hình sự chấm dứt khi người phạm tội chấp hành xong bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ sở của trách nhiệm hình sự là cấu thành tội phạm. Điều 2 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định: "Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự" [47]. Như vậy, việc xem một hành vi nào là tội phạm tuỳ thuộc vào điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hoá của mỗi nước, tuỳ thuộc vào chính sách hình sự của mỗi chế độ xã hội.

Mặc dù các quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm được quy định trong Luật Cạnh tranh Việt Nam năm 2004 không có chế tài hình sự. Tuy nhiên, như luận giải trên, nếu hành vi cạnh tranh không lành mạnh có cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương XVI "Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế" của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009. Các hành vi cạnh

tranh không lành mạnh được biểu hiện dưới các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 158); tội lừa dối khách hàng (Điều 162); tội quảng cáo gian dối (Điều 168); tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171); tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b); tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Hình phạt áp dụng đối với các tội danh trên thường là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn. Một số trường hợp bị áp dụng hình phạt rất nặng như tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, còn có thể áp dụng các biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Qua đó cho thấy, pháp luật cạnh tranh Việt Nam được sự hỗ trợ của các quy phạm pháp luật thuộc một số ngành liên quan đến việc áp dụng chế tài như pháp luật hành chính, dân sự, hình sự và các quy phạm về tố tụng. Trong khi đó, pháp luật cạnh tranh của các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới lại xây dựng thành một đạo luật riêng, do đó các biện pháp chế tài được cụ thể hoá cho từng hành vi vi phạm. Một hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị áp dụng một hoặc đồng thời nhiều chế tài.

Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 5

Có thể thấy được điều đó ở pháp luật cạnh tranh liên quan đến chế tài áp dụng cho các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của một số nước sau:

Luật Cạnh tranh thương mại của Thái Lan quy định:

Người nào tiến hành các hoạt động cạnh tranh không tự do và không bình đẳng, tiến hành các hoạt động gây thiệt hại, cản trở hoặc hạn chế đối với hoạt động của thương nhân khác, ngăn chặn những thương nhân khác hoạt động kinh doanh hoặc buộc thương

nhân khác phải kết thúc hoạt động kinh doanh của mình thì bị phạt tù thời hạn không quá 3 năm hoặc bị phạt tiền không quá 6 triệu baht hoặc cả hai [7. Điều 51].

Tại một điều luật khác, lại quy định:

Người nào tiết lộ những thông tin số liệu liên quan đến thương nhân hoặc hoạt động của thương nhân, mà những thông tin này thường không được phép lộ ra hoặc biết được do thực hiện nhiệm vụ theo bộ luật này thì bị phạt tù thời hạn không quá 1 năm hoặc phạt tiền không quá 100.000 baht, hoặc cả hai hình thức, trừ trường hợp là khai báo cho công chức để thực hiện nhiệm vụ điều tra và xem xét [7. Điều 53]…

Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà Liên bang Đức năm 1909 cũng quy định rất rõ các chế tài cho mỗi hành vi vi phạm cụ thể. Đối với tội "làm lộ bí mật trong kinh doanh", quy định:

Người nào là nhân viên, người lao động, người học nghề của một cơ sở kinh doanh trong thời gian tồn tại của quan hệ lao động vì mục đích cạnh tranh, vì lợi ích riêng hoặc lợi ích của người thứ ba hoặc có chủ ý gây thiệt hại cho chủ cơ sở kinh doanh mà thông tin trái phép cho một người thứ ba về các bí mật sản xuất kinh doanh mà mình do được tin cẩn nên được thông báo hoặc được tiếp cận trên cơ sở quan hệ công việc, thì có thể bị phạt tù giam đến 3 năm hoặc bị phạt tiền [8. Khoản 1, Điều 17];

Hoặc:


Người nào vì mục đích cạnh tranh hay vì lợi ích cá nhân mà sử dụng trái phép hoặc thông tin trái phép cho bất kỳ người nào những hồ sơ quy tắc kỹ thuật, đặc biệt là các bản vẽ, mẫu mã, khuôn, đường nét hoặc công thức mà mình được tín cẩn giao trong kinh doanh thì có thể bị phạt tù giam đến 2 năm hoặc bị phạt tiền [8. Điều 18].

Luật cạnh tranh của một số nước còn quy định cả những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điển hình có Luật Cạnh tranh Canada về "chào hàng gian dối qua điện thoại" quy định: "Khi tuyên án một người vi phạm Điều này, Toà án phải xem xét các tình tiết tăng nặng sau:

(a). Việc sử dụng danh sách những người trước đó đã bị lừa dối bởi hành vi chào hàng qua điện thoại;

(b). Đặc điểm của người chào hàng qua điện thoại, bao gồm những loại người đặc biệt dễ bị lừa gạt;

(c). Số tiền mà người này thu được từ việc chào hàng qua điện thoại;

(d). Trước đó người này đã bị kết án là vi phạm theo Điều này hoặc Điều đối với các hành vi bị cấm bởi điều này;

(e). Cách thức để thông tin được truyền đạt, bao gồm cả việc sử dụng thủ đoạn lừa gạt quá mức.

Pháp luật của các nước đều có sự tương đồng ở chỗ hầu hết các hành vi vi phạm đều áp dụng chế tài phạt tiền. Pháp luật của nhiều nước lại có thể áp dụng đồng thời nhiều chế tài của cùng một loại trách nhiệm pháp lý (Luật cạnh tranh của Thái Lan, Canada, Hàn Quốc..).

1.3.3. Chế tài dân sự

Pháp luật dân sự là luật chung điều chỉnh các quan hệ giao dịch và giải quyết các tranh chấp trên thị trường. Quan hệ kinh doanh, thương mại cũng chỉ là một dạng cụ thể của quan hệ dân sự theo nghĩa rộng. Vì vậy, một trong những nguồn quan trọng của pháp luật cạnh tranh là pháp luật dân sự. Những quy định của pháp luật dân sự đã hỗ trợ cho Luật Cạnh tranh trong việc điều chỉnh các quan hệ cạnh tranh và kiểm soát những hành vi phản cạnh tranh. Chế định bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự cũng là một trong những nguồn quan trọng của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó,

các doanh nghiệp bị thiệt hại từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể sử dụng các quy định của pháp luật dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự về tự do, tự nguyện, trung thực, thiện chí… trong các giao dịch cũng là cơ sở để đánh giá tính lành mạnh hay không lành mạnh của các hành vi cạnh tranh. Các bộ phận khác nhau của pháp luật dân sự như pháp luật thương mại, pháp luật về sở hữu trí tuệ hay pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đều là cơ sở để phát triển các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Một số nước đã sử dụng các quy định của pháp luật dân sự để điều chỉnh trực tiếp về cạnh tranh không lành mạnh và Toà án đóng vai trò là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề liên quan đến luật công, vì nó ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, xâm hại trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Do đó, trong nhiều trường hợp, Nhà nước đã nhân danh lợi ích của cộng đồng xã hội để can thiệp, nhằm duy trì trật tự kinh doanh, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng. Vì vậy, các biện pháp quản lý nhà nước đã được sử dụng và chế tài hành chính xuất hiện nhiều trong các quy phạm pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh trước hết là vấn đề thuộc luật tư, bởi nó trực tiếp xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh doanh, liên quan trực tiếp đến tranh chấp giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Lúc đó, các chế tài dân sự lại đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là chế tài bồi thường thiệt hại.

Các chủ thể kinh doanh tham gia vào thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận và trong cuộc đua tranh đó, tất nhiên doanh nghiệp nào cũng muốn mình giữ ưu thế. Bất cứ lý do nào làm cho doanh thu bị giảm sút, lợi nhuận mất đi, uy tín và vị thế trên thương trường không giữ vững… cũng làm cho doanh nghiệp không đạt được mục đích hoạt động. Những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu luôn là vấn đề cần có sự tác động điều chỉnh của

pháp luật. Có những thiệt hại xảy ra buộc doanh nghiệp phải hoàn toàn gánh chịu, nhưng cũng có những thiệt hại do chủ thể khác gây ra bởi hành vi vi phạm pháp luật của họ thì pháp luật cần bảo vệ doanh nghiệp để đảm bảo sự công bằng, ổn định các quan hệ kinh tế, dân sự.

Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong các biện pháp chế tài dân sự áp dụng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chức năng chủ yếu của bồi thường thiệt hại là khôi phục, đền bù, nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần mà bên mang quyền phải gánh chịu do hành vi vi phạm các quy tắc trong kinh doanh của bên kia gây ra. Vì vậy, pháp luật cạnh tranh của nước nào cũng quy định chế tài này.

Luật Cạnh tranh Việt Nam có quy định việc xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh, bao gồm cả xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại Mục 8, Chương V. Nhưng các quy định đó chủ yếu được điều chỉnh bằng mệnh lệnh hành chính. Vấn đề bồi thường dân sự không được quy định cụ thể mà chỉ viện dẫn: "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" [42, Điều 117]. Như vậy, khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, phải dẫn chiếu đến pháp luật dân sự.

Vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được áp dụng theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tại Chương XXI của Bộ luật Dân sự năm 2005 và pháp luật có liên quan.

Tại Điều 307 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý

để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Một số quan niệm cho rằng, thiệt hại mà bên bị vi phạm phải gánh chịu có thể là thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra trong thực tế một cách khách quan, xác định được (các chi phí thực tế và hợp lý để khắc phục và hạn chế thiệt hại…). Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự tính toán khoa học mới xác định được (thu nhập thực tế bị mất mát hoặc giảm sút do mất đi một lượng khách hàng thường xuyên…).

Một trong những đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh là luôn gây thiệt hại nhất định cho đối thủ cạnh tranh. Do đó, bên bị thiệt hại luôn có quyền được đòi bồi thường nếu có đủ căn cứ để chứng minh lỗi của bên kia và thiệt hại do họ gây ra. Căn cứ của việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại cũng chính là các căn cứ áp dụng chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã phân tích ở Mục 1.2, nhưng lưu ý việc xác định thiệt hại.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại là một quyền mặc định được pháp luật thừa nhận, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh. Vì vậy, chế tài bồi thường thiệt hại có thể áp dụng đồng thời với các chế tài khác.

1.3.4. Mối quan hệ giữa các hình thức chế tài

Các chế tài có bản chất, nội dung, hậu quả trái ngược nhau thì không thể áp dụng đồng thời. Các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh có tính độc lập nhất định, trừ một số biện pháp bổ sung, khắc phục hậu quả trong các chế tài hành chính. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài này mà không phải là chế tài khác, phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi và các quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể.

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí