Căn Cứ Áp Dụng Chế Tài Đối Với Hành Vi Cạnh Tranh Không Lành Mạnh

Thông qua việc loại trừ các hành vi phản đạo đức kinh doanh, giành giật lợi nhuận một cách bất hợp pháp của các doanh nghiệp, chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã góp phần vào việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trên thị trường, bảo vệ môi trường cạnh tranh và các quan hệ thị trường và đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.‌


1.2. CĂN CỨ ÁP DỤNG CHẾ TÀI ĐỐI VỚI HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

Căn cứ áp dụng chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng như căn cứ áp dụng trách nhiệm pháp lý nói chung, bao gồm: hành vi vi phạm (hành vi cạnh tranh không lành mạnh), thiệt hại do hành vi gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại, lỗi thực hiện hành vi.

1.2.1. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Như đã phân tích và luận giải ở trên, hành vi cạnh tranh có bản chất là hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh, huỷ hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp hoặc là hành vi tạo ra ưu thế cạnh tranh giả tạo.

Biểu hiện của các hành vi chiếm đoạt ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác một cách bất hợp pháp bao gồm: Chiếm đoạt các bí mật thương mại mà doanh nghiệp khác đã phải đầu tư nhiều công sức mới có được và nó đã trở thành tài sản của doanh nghiệp đó; hành vi nhái lại nhãn mác, bao bì, kiểu dáng, khẩu hiệu kinh doanh, thương hiệu, tạo sự nhầm lẫn trong khách hàng và gây thiệt hại trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh… Ví dụ: Trong lĩnh vực nước giải khát, nhãn hiệu nước khoáng Lavie đã bị một số tên gọi thương mại khác giả mạo như: Laville, Leville, Lavier… Trong lĩnh vực xe máy, nhãn hiệu Wave của hãng Honda được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng đã bị đánh lừa bởi các loại xe với kiểu dáng tương tự của Trung Quốc như Waver, Wake up…

Việc huỷ hoại ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác được biểu hiện thành các hành vi như: Gièm pha đối thủ cạnh tranh, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác,… khiến đối thủ kinh doanh bị mất uy tín, mất thời gian và tiền của để phục hồi danh tính, khắc phục hậu quả.

Hành vi tạo ưu thế cạnh tranh giả tạo thông qua việc quảng cáo gian dối, nhái thương hiệu, kiểu dáng sản phẩm của doanh nghiệp khác,… gây thiệt hại trực tiếp cho đối thủ cạnh tranh và cho cả người tiêu dùng.

Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó được các doanh nghiệp thực hiện để tiếp cận với thị trường khách hàng và thu lợi nhuận nhanh nhất. Kiểu làm này không có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp chân chính nỗ lực phát triển, mà ngược lại sẽ triệt tiêu mất động lực cạnh tranh lành mạnh và một sân chơi công bằng giữa các nhà kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

1.2.2. Thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh

Thiệt hại là một đặc điểm cơ bản của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và là điểm phân biệt giữa cạnh tranh không lành mạnh với thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại để phân biệt thiệt hại do hành vi cạnh tranh hợp pháp gây ra và thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra không phải là đơn giản. Vì các doanh nghiệp có quyền thực hiện tất cả các biện pháp mà pháp luật không cấm để cạnh tranh, lôi cuốn khách hàng về phía mình, khi đó đối thủ bị mất đi một lượng khách hàng nhất định (tức là có thiệt hại) không thể có căn cứ để khởi kiện. Nhưng nếu thiệt hại đó là do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đối thủ cạnh tranh thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 4

Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh không nhằm đến mục đích đầu tiên là trừng phạt người có hành vi vi phạm, mà chủ yếu là bồi thường cho bên bị thiệt hại những tổn thất do hành vi vi phạm gây ra. Vì vậy, việc xác định thiệt hại là một yêu cầu bắt buộc và cần thiết để bên bị hại có

căn cứ đòi bồi thường và cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại.

Án lệ Toà Tư pháp tối cao của Pháp ngày 19-7-1976 đã khẳng định: "Cạnh tranh không lành mạnh không những đòi hỏi phải chứng minh lỗi của bị đơn mà còn phải chứng minh thiệt hại do nguyên đơn phải gánh chịu".

Thiệt hại trong cạnh tranh không lành mạnh cũng giống thiệt hại trong dân sự, có thể là thiệt hại vật chất (cụ thể và xác định bằng tài sản), cũng có thể là thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại đó phải được chứng minh là có thật, đã xảy ra trên thực tế. Nếu là thiệt hại về vật chất, chứng cứ sẽ được thể hiện qua việc doanh thu bị giảm sút do mất đi một lượng khách hàng thường xuyên; các chi phí để khắc phục và hạn chế thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại thương mại (như mất đi thương hiệu). Thiệt hại về tinh thần biểu hiện thông qua việc uy tín của doanh nghiệp bị giảm sút, doanh nghiệp bị ức chế trong sự kiềm toả của các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của bên vi phạm. Mức bồi thường trong trường hợp đó sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định.

Đánh giá được thiệt hại là vấn đề rất phức tạp. Bên bị thiệt hại phải đưa ra đầy đủ chứng cứ để chứng minh về những tác động tiêu cực của hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà đối thủ đã thực hiện và gây ra bất lợi cho mình trong việc thu lợi nhuận, giảm sút năng lực cạnh tranh, thu hút khách hàng…

Chứng cứ được quy định trong Luật Cạnh tranh Việt Nam phải là "những gì có thật". Điều đó đòi hỏi chứng cứ phải có tính khách quan, không giả mạo; phải có tính hợp pháp, được thu thập theo trình tự mà pháp luật quy định; phải có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ cạnh tranh.

1.2.3. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thiệt hại

Trong các ngành khoa học nói chung và khoa học pháp lý nói riêng, quan hệ nhân quả là mối quan hệ tất yếu, tự nhiên của một số sự vật, hiện

tượng, trong đó những sự vật, hiện tượng này là nguyên nhân và những sự vật, hiện tượng kia là kết quả.

Quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại là mối quan hệ trực tiếp, nội tại, không phải là sự suy diễn chủ quan. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi diễn ra trước, thiệt hại trực tiếp do hành vi đó gây ra xảy ra sau. Bên thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh chỉ phải thực hiện trách nhiệm pháp lý và các chế tài tương ứng khi gây ra thiệt hại nhất định cho đối thủ cạnh tranh, mà nguyên nhân trực tiếp là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của mình.

Không phải tất cả mọi hành vi cạnh tranh gây ra thiệt hại cho đối thủ đều phải chịu chế tài xử phạt. Mặt khác, cũng có những thiệt hại xảy ra lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, khi xác định thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra, phải đặt nó trong mối quan hệ nhân quả với hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó.

1.2.4. Lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh

Mục đích của Luật Cạnh tranh là bảo vệ các tác nhân cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh còn có mục đích bảo vệ người lao động trong các doanh nghiệp, đảm bảo sự vận hành bình thường của thị trường và lợi ích xã hội.

Lỗi được xác định là trạng thái tâm lý của người có hành vi vi phạm, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Việc xác định lỗi trong cạnh tranh thường phải dựa vào các tập quán nghề nghiệp. Hành vi cạnh tranh bị coi là có lỗi và không lành mạnh là hành vi vi phạm các tập quán nghề nghiệp, phá vỡ quan hệ bình đẳng, công bằng trong quan hệ cạnh tranh trên thị trường.

Luật Thương mại lành mạnh của Hàn Quốc cũng quy định: "Không một doanh nghiệp hay hiệp hội thương mại nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại có thể tự miễn cho mình một trách nhiệm như vậy bằng cách

chứng tỏ mình không cố tình hay chỉ do sao nhãng mà gây nên hành vi làm người khác bị tổn hại" [6. Điều 56]. Điều đó có nghĩa là tất cả các chứng cứ phải được chứng minh, kể cả bên khởi kiện và bên có hành vi vi phạm. Nếu không, vụ kiện sẽ thiếu căn cứ xác thực để ra quyết định. Lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý.

Theo pháp luật Việt Nam: "Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp nhận thức rõ hành vi của mình gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại ở đây là không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được" [43. Điều 309]. Thông thường, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện do lỗi cố ý.

Trách nhiệm pháp lý và chế tài được áp dụng đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm một cách có lỗi thì mới có tác dụng răn đe, ngăn ngừa và giáo dục. Khác với lỗi trong trách nhiệm hợp đồng (được xác định là lỗi suy đoán), lỗi trong cạnh tranh không lành mạnh lại không dựa vào nguyên tắc suy đoán trách nhiệm để xử lý. Trong cạnh tranh, thiệt hại có thể xảy ra với một doanh nghiệp do hành vi cạnh tranh của một hoặc nhiều doanh nghiệp khác gây ra, nhưng nếu thiệt hại đó hoàn toàn được thực hiện bởi hành vi cạnh tranh hợp pháp thì không có căn cứ để khởi kiện. Nếu chỉ dựa vào việc mất đi một lượng khách hàng thường xuyên và doanh thu của doanh nghiệp bị giảm sút do hành vi cạnh tranh của đối thủ thì không thể kết luận được đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, để áp dụng chế tài đối với một chủ thể cạnh tranh thì hành vi cạnh tranh của chủ thể đó phải có lỗi và thoả mãn các điều kiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

1.3. CÁC HÌNH THỨC CHẾ TÀI ĐỐI VỚI HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù thực hiện dưới hình thức nào cũng đều gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ và các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Hành vi cạnh tranh được thực hiện trong hoạt động kinh doanh, thương mại, do vậy, thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh cũng được xem là vi phạm pháp luật về thương mại. Điều 321 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam đã quy định các hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại. Theo đó, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, tổ chức, cá nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây:

- Xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

- Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, một hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể bị áp dụng chế tài hành chính, chế tài hình sự hoặc chế tài dân sự tùy theo từng trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định.

1.3.1. Chế tài hành chính

Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm pháp lý được hiểu là phản ứng của Nhà nước đối với vi phạm pháp luật và vi phạm pháp luật chính là cơ sở của trách nhiệm pháp lý. Khái niệm trách nhiệm hành chính được xem xét theo nghĩa hẹp của trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm hành chính là hậu quả của vi phạm hành chính, thể hiện ở sự áp dụng bởi các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền những chế tài hành chính đối với chủ thể vi phạm hành

chính theo thủ tục do Luật Hành chính quy định. Đó là sự phản ứng tiêu cực của Nhà nước đối với người thực hiện vi phạm hành chính, kết quả là chủ thể vi phạm hành chính phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, thiệt hại về vật chất và tinh thần so với tình trạng ban đầu của họ.

Chế tài hành chính không đồng nhất với trách nhiệm hành chính. Chế tài hành chính chỉ là một bộ phận của quy phạm pháp luật hành chính. Trong đó, biểu hiện về hình thức là các biện pháp trách nhiệm hành chính mang tính cưỡng chế áp dụng với chủ thể vi phạm; về mặt nội dung, đó là sự đánh giá tiêu cực của Nhà nước và xã hội đối với hành vi vi phạm và người thực hiện hành vi đó.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, các hình thức chế tài xử lý vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu là các chế tài hành chính, được quy định trong các quy phạm pháp luật mang tính xử phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra (Điều 117). Các hình thức xử lý đó đã được Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết, bao gồm:

- Hình thức xử phạt chính: Phạt tiền đến 100 triệu đồng.

- Các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai.

Đối với pháp luật của một số nước, việc xử lý các hành vi vi phạm về cạnh tranh, chủ yếu quy định hình thức phạt tiền. Có thể thấy những quy định đó trong pháp luật cạnh tranh của một số nước như: Luật Thương mại lành mạnh và những quy định về độc quyền của Hàn Quốc năm 1980 (phạt tiền với mức không quá 2% mức doanh thu của doanh nghiệp; trong trường hợp doanh thu không tồn tại thì mức tiền phạt không quá 500 triệu won); Luật Cạnh tranh thương mại của Thái Lan năm 1999 (phạt tiền không quá 6 triệu baht

đối với thương nhân có hành vi cạnh tranh không tự do và không bình đẳng, gây thiệt hại, cản trở hoặc hạn chế hoạt động của những thương nhân khác, ngăn chặn thương nhân khác hoạt động kinh doanh hoặc buộc thương nhân khác phải kết thúc hoạt động kinh doanh; các trường hợp vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt gấp đôi; phạt tiền không quá 100.000 baht đối với người thực hiện hành vi tiết lộ thông tin số liệu liên quan đến thương nhân hoặc hoạt động của thương nhân). Quy định phạt tiền còn tìm thấy ở nhiều quy phạm pháp luật của Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà liên bang Đức.

Ngoài hình thức phạt tiền, một số biện pháp chế tài khác cũng được áp dụng với người vi phạm như: phải tạm hoãn, đình chỉ hoặc điều chỉnh lại các hoạt động (trong Luật Cạnh tranh thương mại của Thái Lan); chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục lại tình trạng như khi chưa có hành vi vi phạm (trong Luật Cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ); đình chỉ hành vi, bỏ những điều khoản có liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh khỏi hợp đồng, đưa ra thông báo điều chỉnh hoạt về hoạt động quảng cáo vi phạm, công bố công khai đã có hành vi vi phạm (trong Luật Thương mại lành mạnh và những quy định về độc quyền của Hàn Quốc)…

Có thể thấy rằng, các biện pháp chế tài hành chính xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của pháp luật Việt Nam cũng có những nét tương đồng với pháp luật cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới. Các biện pháp chế tài đó đã tác động trực tiếp vào lợi ích và uy tín của các doanh nghiệp, góp phần răn đe, phòng ngừa các chủ thể kinh doanh có ý định thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh để thu lợi bất chính. Tuy nhiên, hình thức, mức độ áp dụng cụ thể đối với từng hành vi vi phạm là có sự khác nhau trong các pháp luật của mỗi nước.

1.3.2. Chế tài hình sự

Chế tài hình sự là một bộ phận của quy phạm pháp luật hình sự, quy định loại hình phạt và mức hình phạt đối với tội phạm. Trên cơ sở đánh giá

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí