Khái Niệm, Vai Trò Của Chế Tài Đối Với Hành Vi Cạnh Tranh Không Lành Mạnh

doanh. Điều 4 Luật Cạnh tranh quy định: "Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh". Tất nhiên, để được Nhà nước bảo hộ, việc cạnh tranh đó phải thực hiện trên nguyên tắc trung thực, không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và phải tuân theo các quy định của Luật Cạnh tranh.

Như vậy, khi một hành vi cạnh tranh được thực hiện nhưng không theo nguyên tắc nói trên, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng, thì hành vi cạnh tranh đó được coi là không lành mạnh. Thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là đã có thực và xác định được nhưng cũng có thể là thiệt hại có nguy cơ xảy ra (tiềm năng) nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Pháp luật cạnh tranh của Đức cấm "các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng đáng kể về cạnh tranh làm tổn hại đến đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng và các chủ thể tham gia thị trường khác" [8]. Pháp luật của Thái Lan cũng có quy định tương tự: "thương nhân không được tiến hành các hoạt động cạnh tranh không tự do và không bình đẳng, không được tiến hành các hoạt động gây thiệt hại, cản trở hoặc hạn chế đối với những hoạt động của những thương nhân khác…" [7].

Đặc điểm này giúp chúng ta phân biệt giữa hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh là sự thống nhất hành động của nhóm doanh nghiệp nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ đối thủ cạnh tranh, hạn chế khả năng hành động độc lập của đối thủ cạnh tranh, làm thay đổi tình trạng và quy luật cạnh tranh trên thị trường. Theo pháp luật cạnh tranh của Cộng hoà Pháp, "các dạng thoả thuận minh bạch hoặc thoả thuận ngầm có nội dung gây hậu quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường đều bị nghiêm cấm" [2]. Luật Cạnh tranh của Liên minh Châu Âu cũng có quy định:

Mọi thoả thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định liên kết giữa các doanh nghiệp và mọi loại thoả thuận khác có khả năng điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các quốc gia thành viên và có đối tượng hoặc hệ quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường chung của liên minh, thì đều bị nghiêm cấm [1].

Đối với hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, không cần phải xác định chính xác đối tượng và mức độ thiệt hại vật chất cụ thể, chỉ cần phân tích bản chất và diễn biến của hành vi để kết luận về những tác động của nó đến tình hình cạnh tranh trên thị trường liên quan.

1.1.2. Khái niệm, vai trò của chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh là một trong những quy luật kinh tế cơ bản, khách quan của nền kinh tế thị trường. Những điều kiện đảm bảo cho cạnh tranh tự do, công bằng chính là những giải pháp quan trọng đảm bảo cho môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, trật tự kỷ cương quản lý kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn là chiến lược gây nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trên thương trường. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sử dụng các biện pháp công bằng, bình đẳng và lành mạnh để chống lại đối thủ cạnh tranh, thu hút hệ thống khách hàng, chiếm lĩnh thị trường, thu nhiều lợi nhuận, duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Trong thực tế kinh doanh, đã không ít doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn cạnh tranh bị coi là "chơi xấu", gây phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khác và tác động xấu đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.

Trong những trường hợp đó, nếu các doanh nghiệp bị thiệt hại chứng minh được tổn thất của mình là do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ gây ra thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với bên vi phạm.

Luật Thương mại lành mạnh và những quy định về độc quyền của Hàn Quốc quy định cụ thể các chế tài áp dụng đối với từng hành vi vi phạm nhất định liên quan đến cạnh tranh, bao gồm: đình chỉ hành vi, công bố công khai về hành vi vi phạm, phạt tiền, bồi thường thiệt hại hoặc phạt tù.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

Theo Luật Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ, mọi thoả thuận, hành vi cấu kết của các doanh nghiệp, các quyết định và hành vi của các hiệp hội doanh nghiệp có tác động hoặc ảnh hưởng gây kìm hãm, bóp méo hoặc hạn chế cạnh tranh trên thị trường hàng hoá hoặc dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp, đều là bất hợp pháp và bị nghiêm cấm. Khi xảy ra hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu doanh nghiệp hoặc hiệp hội doanh nghiệp chấm dứt hành vi vi phạm, thông báo về các biện pháp tiến hành hay không tiến hành để duy trì cạnh tranh và khôi phục lại tình trạng như trước khi có hành vi vi phạm; buộc nộp phạt, bồi thường thiệt hại.

Về vấn đề chống độc quyền và cạnh tranh tự do, Luật Cạnh tranh thương mại của Vương quốc Thái Lan quy định: Trong trường hợp thương nhân vi phạm các quy định của Luật này, cơ quan có thẩm quyền quản lý cạnh tranh có quyền ra lệnh bằng văn bản hướng dẫn thương nhân tạm hoãn, đình chỉ hoặc điều chỉnh lại các hoạt động; bị phạt tù không quá 3 năm và bị phạt tiền không quá 6 triệu baht hoặc cả hai, đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần thì hình phạt nặng gấp đôi; người bị thiệt hại cũng có quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Đối với các trường hợp tiết lộ thông tin số liệu liên quan đến thương nhân hoặc hoạt động của thương nhân bất hợp pháp, thì bị phạt tù không quá một năm hoặc phạt tiền không quá 100.000 baht, hoặc áp dụng cả hai hình thức chế tài đó.

Chế tài đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam - 3

Liên quan đến trách nhiệm pháp lý, pháp luật của nhiều quốc gia còn mở rộng đối tượng áp dụng là các cá nhân có trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp và không loại trừ trách nhiệm hình sự. Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản quy định hình phạt tối đa đối với các cá nhân vi phạm có thể lên đến 10 năm tù và 10 triệu yªn tiền phạt.

Dù là áp dụng biện pháp gì để phản ứng trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì các biện pháp đó cũng đều có đặc điểm chung, đó là sự đánh giá tiêu cực của Nhà nước và xã hội về hành vi và chủ thể thực hiện hành vi đó, buộc chủ thể vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do đã thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo khoa học pháp lý, chế tài là một bộ phận cấu thành của quy phạm pháp luật, xác định các hình thức trách nhiệm pháp lý khi có hành vi trái ngược với những quy tắc xử sự đã được ghi trong phần quy định và giả định.

Hiện nay, khoa học pháp lý không đưa ra khái niệm chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng căn cứ vào khái niệm chế tài nói chung, có thể hiểu:

Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là những hình thức trách nhiệm pháp lý được Nhà nước áp dụng đối với các chủ thể kinh doanh, buộc các chủ thể đó phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho các chủ thể kinh doanh và các chủ thể khác.

Căn cứ vào tính chất của các nhóm quan hệ xã hội được pháp luật cạnh tranh điều chỉnh, chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được chia thành nhiều loại: chế tài hành chính, chế tài hình sự và chế tài dân sự. Việc áp dụng chế tài phụ thuộc vào những đặc điểm của lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ, tính chất của hành vi phạm pháp, thiệt hại do các hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.

Ngoài đặc điểm chung của chế tài, như: chỉ áp dụng khi có vi phạm pháp luật xảy ra; là hình thức cưỡng chế của Nhà nước đối với chủ thể vi phạm; chủ thể vi phạm phải gánh chịu một hậu quả bất lợi nhất định, chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật Việt Nam còn có những đặc điểm riêng:

- Chủ thể bị áp dụng chế tài là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam.

Như đã xác định ở trên, đối tượng chủ thể của quan hệ cạnh tranh được quy định tại Điều 2 Luật Cạnh tranh bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hiệp hội ngành nghề hoạt động ở Việt Nam, trong tất cả các ngành nghề kinh tế, các khâu, các công đoạn của quá trình đầu tư. Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, nếu các chủ thể đó vi phạm các quy định về cạnh tranh lành mạnh thì sẽ bị áp dụng chế tài xử lý.

- Bên bị áp dụng chế tài phải gây ra thiệt hại cho bên kia khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Bản thân hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã mang đặc điểm là luôn gây ra một thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại (thiệt hại ở dạng tiềm năng) cho chủ thể kinh doanh khác, tác động xấu đến môi trường kinh doanh và trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước. Như vậy, thiệt hại là một dấu hiệu để nhận diện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, thiệt hại đó phải do hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh gây ra, khi đó chủ thể thực hiện hành vi mới phải chịu một hình thức trách nhiệm pháp lý trương ứng.

- Chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, thuộc các ngành luật khác nhau.

Pháp luật cạnh tranh của các nước có nền kinh tế phát triển được quy định thành một đạo luật riêng, chế tài đối với mỗi hành vi vi phạm được quy định cụ thể và được pháp điển hoá trong một văn bản pháp luật. Đối với pháp luật cạnh tranh Việt Nam, để hỗ trợ cho các quy định về cạnh tranh là hệ thống các chế tài hành chính, chế tài hình sự và chế tài dân sự nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại…

Mục đích cơ bản của pháp luật cạnh tranh là nhằm tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Song pháp luật cạnh tranh không tự thân đi vào cuộc sống nếu không có sự hỗ trợ của các biện pháp và cơ chế đảm bảo thực hiện. Trong hệ thống các cơ chế đảm bảo thực hiện đó, có vai trò của các chế tài xử lý vi phạm. Vai trò của các chế tài đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh biểu hiện ở những khía cạnh cơ bản sau đây:

(i) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp đối thủ.

Pháp luật cạnh tranh có mục đích đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tự do trên thương trường. Những thủ pháp bất chính và những biến tướng của cạnh tranh đều tác động tiêu cực đến thị trường, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các đối thủ kinh doanh khác. Lúc đó, cần thiết phải có sự tồn tại của các chế tài để lập lại trật tự thị trường, giải phóng các doanh nghiệp ra khỏi sự kiềm toả và tác động không lành mạnh của hành vi cạnh tranh.

Pháp luật của Hàn Quốc quy định: "Uỷ ban thương mại lành mạnh có thể áp đặt một khoản tiền phạt đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia vào các hành vi kinh doanh không bình đẳng vi phạm những quy định về kinh doanh không lành mạnh" [6. Điều 24-2]. Luật Cạnh tranh thương mại của Thái Lan cho phép "người bị hại do những hành vi vi phạm quy định về độc quyền có quyền đệ trình đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại từ người vi phạm" [7. Điều 40]. Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Cộng hoà Liên bang Đức quy định: "Người nào trong giao dịch kinh doanh vì mục đích cạnh tranh mà thực hiện các hành vi trái với thuần phong mỹ tục, thì có thể bị yêu cầu chấm dứt hành vi và bồi thường thiệt hại" [8].

Luật Cạnh tranh của Việt Nam cũng có quy định đảm bảo cho các doanh nghiệp quyền được khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh về hành vi vi phạm của đối thủ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, các quy phạm pháp luật cạnh tranh cùng với những chế tài của nó được các quốc gia xây dựng đã tạo điều kiện và cơ chế đảm bảo cho các chủ thể kinh doanh tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trừng phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp và trật tự thị trường.

Các chế tài còn có vai trò ngăn chặn các doanh nghiệp thu lợi bất chính bằng việc thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, kiềm chế các chủ thể kinh doanh thực hiện hành vi trái pháp luật, nâng cao nhận thức của họ về "đạo đức trong kinh doanh", đảm bảo chữ "tín", khích lệ sự năng động, tự chủ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

(ii) Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (khách hàng).

Sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp luôn gắn liền với thị trường khách hàng, buộc các doanh nghiệp phải luôn xác định: sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất như thế nào. Khách hàng thường có xu hướng lựa chọn các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phù hợp với nhu cầu, sở thích và túi tiền của mình. Điều đó sẽ định hướng cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ. Nói cách khác, khách hàng là đối tượng được các doanh nghiệp hướng tới để phục vụ và khai thác.

Để tồn tại bền vững và phát triển, doanh nghiệp luôn tìm mọi cách lôi kéo khách hàng về phía mình, tranh giành thị trường với các đối thủ khác. Tuy người tiêu dùng là mục tiêu hướng tới của các doanh nghiệp và quan hệ thị trường, là định hướng cơ bản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng nhu cầu đó lại bị khống chế bởi khả năng đáp ứng và kiểm soát từ phía doanh nghiệp. Vì tất yếu, doanh nghiệp bao giờ cũng hiểu rõ về sản phẩm và dịch vụ mà mình cung ứng hơn người tiêu dùng. Nhiều trường hợp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, các doanh nghiệp đã cung cấp hàng hoá và dịch vụ kém chất lượng; gian dối, che lấp những khiếm khuyết của sản phẩm và dịch vụ hoặc cố tình đưa ra những chỉ dẫn gây

nhầm lẫn… Trong khi người tiêu dùng lại không có đủ cơ sở để khiếu kiện vì giao dịch hoàn toàn thiết lập một cách tự nguyện. Vì thế, nguyên tắc "trung thực", "thiện chí" trong giao kết hợp đồng dường như rất khó kiểm soát. Lúc đó, đạo đức trong cạnh tranh cùng với những quy phạm mang tính cấm đoán của nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự trung thực của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng.

Như vậy, các chế tài của các quy phạm pháp luật cạnh tranh được thiết lập đã góp phần can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi không trung thực và không công bằng của các doanh nghiệp; đặt ra những yêu cầu về việc đảm bảo những thông tin chính xác về sản phẩm và dịch vụ, kiểm soát hoạt động quảng cáo, khuyến mại và trừng phạt các biểu hiện không lành mạnh trong lĩnh vực này; nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất và cung ứng dịch vụ trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

(iii) Là công cụ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng.

Cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, công bằng là nội hàm của quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh nói chung và những thiết chế chế tài của nó đã bảo vệ thị trường và quan hệ cạnh tranh bằng cách chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong thị trường tự do, các doanh nghiệp không chịu sự chi phối nào từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp khác. Các quy luật kinh tế khách quan, trong đó có quy luật cạnh tranh, sẽ tự thân tác động và quyết định các quan hệ kinh tế, quyết định đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vì thế, trên thị trường thực tế đã nảy sinh rất nhiều tiêu cực phát sinh từ cạnh tranh. Bằng các thủ đoạn bất chính, những toan tính không phù hợp với truyền thống kinh doanh lành mạnh, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các hành vi xâm hại đến trật tự kinh doanh, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/11/2023