Nguyên Tắc Luật Chung - Luật Riêng Liên Quan Đến Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Hợp Đồng


được, hoặc người gây ra thiệt hại tuy không thấy hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước thiệt hại đó15.

Cho dù lỗi được hiểu ở góc độ này hay góc độ khác thì yếu tố lỗi là một trong những căn cứ quan trọng để áp dụng trách nhiệm pháp lý trong mọi trường hợp. Lỗi để áp dụng trách nhiệm vật chất khi có hành vi vi phạm hợp đồng là lỗi suy đoán, nghĩa là khi một bên không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết tại hợp đồng trong khi có điều kiện để thực hiện, thì đương nhiên bị coi là có lỗi. Như vậy, phía bên bị thiệt hại không cần phải chứng minh lỗi mà chỉ cần chứng minh là bên vi phạm đã không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ hợp đồng (tức là đã có hành vi vi phạm xảy ra).

Trong khi đó thì yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được pháp luật quy định cả về cơ sở xác định lỗi và hình thức lỗi, cụ thể khoản 1 Điều 308 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Từ những cơ sở pháp lý trên có thể nhận định lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải là do suy đoán mà do pháp luật quy định trước16. Tuy nhiên, đối với trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - một dạng của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì bên vi phạm phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi17.

Khi có đầy đủ các căn cứ nêu trên, bên vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm vật chất trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên,



15 Đinh Văn Qúê - Bài đã dẫn, tr. 14.

16 TS. Phùng Trung Tập, Trường Đại học Luật Hà Nội - Bài đã dẫn, tr. 5.

17 Xem: Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 - Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 77 trang tài liệu này.


trường hợp các bên ký hợp đồng chưa cần có thiệt hại thực tế xảy ra, thì bên vi phạm đã phải gánh chịu trách nhiệm dưới hình thức phạt hợp đồng. Như vậy, không phải bất cứ hình thức trách nhiệm tài sản nào cũng cần có đủ 4 điều kiện nêu trên.

Chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại - 3

Mặt khác, khi nói đến yếu tố lỗi làm căn cứ để bồi thường thiệt hại, không thể không đề cập đến trường hợp bên bị thiệt hại cũng có lỗi, đây chính là trường hợp lỗi hỗn hợp, trong trường hợp này cần áp dụng các quy định về lỗi tại Điều 617 của Bộ luật Dân sự 2005 để xác định, cụ thể: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì người gây ra thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”. Chính vì vậy, mức độ lỗi chính là cơ sở quan trọng để xác định mức độ bồi thường và các trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại thì bên bị thiệt hại đương nhiên sẽ không được bồi thường.

Lỗi của bên bị thiệt hại có thể là lỗi do vô ý hoặc lỗi do cố ý nhưng phải xác định được lỗi đó hoàn toàn thuộc về bên bị thiệt hại, theo đó bên gây thiệt hại phải là bên hoàn toàn không có lỗi thuộc hình thức này hay hình thức khác, ở mức độ này hay mức độ khác thì bên gây thiệt hại mới không phải bồi thường. Bên gây thiệt hại phải chứng minh được là mình hoàn toàn không có lỗi và lỗi hoàn toàn thuộc về phía bên bị thiệt hại.

Trong một số trường hợp, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách toàn bộ trách nhiệm tài sản, đó là các trường hợp do luật định như:

- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.

- Xảy ra sự kiện bất khả kháng.

- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.


- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.‌


3. ý nghĩa của chế tài bồi thường thiệt hại

3.1. Đối với bên vi phạm

Đối với bên gây ra thiệt hại thì chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cũng như bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được coi là một biện pháp tác động theo hướng bất lợi đối với lợi ích kinh tế và uy tín của họ. Chính vì vậy, hiệu quả của biện pháp này là ở chỗ nó vừa có tác dụng răn đe, vừa làm thiệt hại đến khả năng kinh tế của bên gây ra thiệt hại, qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, cách ứng xử của các bên khi tham gia các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật về hợp đồng nói riêng.

Mặc dù ý nghĩa của nó là như vậy, nhưng trên thực tế để thực hiện tốt được mục tiêu này, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra là bên gây ra thiệt hại cần có trách nhiệm, thiện chí và ý thức bồi thường thiệt hại một cách kịp thời, thoả đáng, có như vậy thì việc thương lượng, đàm phán giữa các bên mới có thể diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và vì vậy chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mới phát huy được ý nghĩa đích thực của nó trong việc thực thi quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ dân sự, quan hệ thương mại.

3.2. Đối với bên bị vi phạm

Chế tài bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng góp phần đảm bảo cho mọi thoả thuận, cam kết phải được thực hiện cũng như khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị xâm phạm đồng thời bù đắp những tổn thất vật chất mà bên bị vi phạm đã phải gánh chịu do hành vi gây thiệt hại của bên vi phạm gây ra, qua đó tạo điều kiện để bên bị vi phạm ổn định hoạt động


sản xuất, kinh doanh. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại đã rơi vào tình trạng làm ăn rất khó khăn, thậm trí đứng bên bờ vực phá sản, mà hoàn cảnh này là do chính hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra, hành vi vi phạm dẫn tới việc hoạt động kinh doanh bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì hoạt động bình thường của mình cũng như thiếu đi nguồn vốn đầu tư vào việc mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.

Tuy nhiên thì chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải là các quy tắc nhằm khôi phục thiệt hại bởi thiệt hại đã xảy ra thì không còn cơ hội để khắc phục, bù đắp được nữa18. Chính vì vậy, chế tài bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm mục đích chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm, phân bổ lại thiệt hại trong xã hội giữa các chủ thể liên quan cũng như thể hiện chức năng ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong tương lai.

3.3. Đối với xã hội

Xét về mặt lý luận cũng như thực tiễn, nếu như việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết một cách thoả đáng và triệt để thì có thể xem đây là một trong những biện pháp hữu hiệu đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng xã hội, thể hiện mọi cam kết trong hợp đồng phải được thực hiện, ổn định trật tự trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ hợp đồng và các quan hệ dân sự nói chung.

Tóm lại, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận chung về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, so sánh giữa bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp



18 Nguyễn Văn Cương, Chu Thị Hoa - Viện khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 4/2005, tr. 61.


đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa quan trọng. Qua đó nhận thấy bên cạnh những điểm tương đồng thì cũng có sự khác biệt giữa bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Những vấn đề lý luận chung về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ cung cấp cho bên vi phạm, bên bị vi phạm cũng như cơ quan tài phán những cơ sở lý luận cơ bản, chính xác soi rọi, tạo tiền đề cho việc áp dụng chuẩn xác các quy phạm pháp luật cũng như căn cứ vào thực tiễn vụ việc đưa ra những nhận định và quyết định đúng đắn nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan đến bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.


Chương 2

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BỒI

THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG

1. Nguyên tắc luật chung - luật riêng liên quan đến bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng

Hiện nay các quy định pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hợp đồng

nói

chung và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói riêng được quy định trong 2 văn bản là Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005, dẫn đến hệ quả tất yếu là các vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh doanh, thương mại được điều chỉnh bởi cả Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại, điều này vô hình chung tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn do đó gây ra không ít khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Bộ luật Dân sự với tính chất là Bộ luật gốc điều chỉnh chung (lex general) lại sử dụng khái niệm “hợp đồng dân sự” nên dẫn tới có quan niệm


không áp dụng Bộ luật Dân sự trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế. Ở các nước có Bộ luật Dân sự đều không sử dụng khái niệm hợp đồng dân sự mà chỉ sử dụng khái niệm hợp đồng19. Đây là một cách tiếp cận mà chúng ta nên áp dụng bởi trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không nhất thiết duy trì khái niệm hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế20. Mọi hợp đồng được giao kết giữa ai và nhằm mục đích nào cũng được coi là hợp đồng và chịu sự điều chỉnh chung của Bộ luật Dân sự21.

Vấn đề luật chung và luật riêng (lex general - lex special) đã được rất nhiều nhà nghiên cứu đặt ra. Luật chung, luật riêng là một nguyên tắc rất cơ bản để giải thích pháp luật có từ thời La mã nhằm hạn chế hậu quả xuất phát từ sự chồng chéo của pháp luật. Còn ở Việt Nam vấn đề mối quan hệ luật chung - luật riêng thì gần đây mới được biết đến trong thực tiễn. Điều đó có nguyên nhân trước hết là để giải quyết sự chồng chéo pháp luật Việt Nam trước tiên lấy nguyên tắc thứ bậc của văn bản pháp luật để giải thích (bộ luật - luật - pháp lệnh - nghị định..), sau là nguyên tắc thời điểm ban hành22.

Chính vì các quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định cả trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 đã nảy sinh vấn đề nếu như các quy định về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại không đầy đủ thì áp dụng luật nào để giải quyết?. Về cơ bản Điều 4 của Luật Thương mại 2005 đã giải quyết được vấn




19 TS. Nguyễn Am Hiểu, Bộ Tư pháp “Một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi pháp luật Việt Nam về hợp đồng” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2004, tr. 33, 34.

20 Luật kinh tế, nay được gọi là luật thương mại. Việc đổi tên luật kinh tế thành luật thương mại được thực hiện vào năm 2003, theo yêu cầu của Hội đồng chương trình khung, Bộ giáo dục và đào tạo. Trong luận văn, các cặp khái niệm: Hợp đồng kinh tế, hợp đồng thương mại, hợp đồng kinh doanh, thương mại được tác giả quan niệm như những khái niệm có cùng nội hàm.

21 TS. Bùi Ngọc Cường “Một số vấn đề hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 5/2005, tr. 52.


đề trên khi sử dụng nguyên tắc luật chung, luật riêng để giải quyết xung đột pháp luật không chỉ trên phương diện hoạt động thương mại theo nghĩa rộng mà còn giải quyết về vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Quan điểm áp dụng pháp luật tại Điều 4 là phù hợp với nguyên tắc giải quyết cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù (Bộ luật Dân sự điều chỉnh và áp dụng phổ biến trong quan hệ dân sự; hoạt động thương mại là hoạt động dân sự có tính đặc thù thì áp dụng luật Thương mại…)23.

Về vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa luật chung - luật riêng, Bộ luật Thương mại Nhật Bản (Luật số 48, ngày 9 tháng 3 năm 1899) có những điểm tương đồng với Luật Thương mại Việt Nam 2005 thể hiện ở việc quy định các quan hệ thương mại nói chung và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thương mại nói riêng được điều chỉnh bởi Luật Thương mại và những vấn đề không được quy định tại Luật Thương mại sẽ được Bộ luật Dân sự điều chỉnh. Cụ thể, tại Điều 1 Bộ luật Thương mại Nhật Bản quy định về quan hệ thương mại và luật áp dụng cho quan hệ thương mại, theo đó: "Đối với một quan hệ thương mại, nếu không quy định trong Bộ luật này thì áp dụng theo tập quán pháp luật thương mại; và nếu không có tập quán nào như vậy thì áp dụng Bộ luật dân sự”.

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn là quan niệm về hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế tồn tại từ trước tới nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam dẫn đến hệ quả là các vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng được quy định trong cả Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại và điều này đã tạo ra một số bất cập nhất là nguyên tắc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Thương mại 2005 ra đời thì về cơ bản đã giải quyết được vấn đề



22 TS. Nguyễn Am Hiểu, Bộ Tư pháp - Bài đã dẫn, tr. 34, 35.

23Trần Thị Bạch Dương “Sự cần thiết sửa đổi luật thương mại và những điểm mới của luật thương mại 2005” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2005, tr. 23.


nguyên tắc áp dụng pháp luật về hợp đồng nói chung và về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng nói riêng.

2. Các chế tài vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng kinh doanh, thương mại đã phát sinh khá nhiều tranh chấp. Chính vì vậy, việc quy định cụ thể và chi tiết các chế tài làm cơ sở để giải quyết tranh chấp do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại đã được đặt ra. Các chế tài để giải quyết tranh chấp về hợp đồng kinh doanh, thương mại hiện nay được luật định tại Điều 292 Luật Thương mại 2005, bao gồm sáu biện pháp sau: “1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng; 2. Phạt vi phạm; 3. Buộc bồi thường thiệt hại; 4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; 5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng; 6. Huỷ bỏ hợp đồng”.

Có thể thấy rằng, so với Luật Thương mại 1997 thì Luật Thương mại 2005 đã bổ sung thêm hai chế tài để giải quyết tranh chấp do vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại đó là chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng và chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng. Ngoài ra, Luật Thương mại 2005 còn mở rộng theo hướng tôn trọng sự thoả thuận, lựa chọn chế tài của các bên tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng kinh doanh, thương mại, cụ thể khoản 7 Điều 292 quy định: “Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế”. Tinh thần điều luật đã dẫn cho thấy các chế tài để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại không chỉ thuần túy dừng lại ở sáu loại chế tài đã được pháp luật quy định. Đây chính là điểm tiến bộ của Luật Thương mại 2005 so với Luật Thương mại 1997 bởi việc quy định như vậy thể hiện sự tôn trọng quyền tự do hợp đồng, quyền tự định đoạt trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và việc giải quyết các tranh chấp do vi phạm hợp đồng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/12/2022