Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam - 2

(Nguyễn Phương Lan, 2002, Tạp chí Luật học, số 6); Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành (Nguyễn Hồng Hải, 2003, Tạp chí Luật học, số 5); Chế độ tài sản theo thoả thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật Việt Nam (Bùi Minh Hồng, 2009, Tạp chí Luật học, số 11);…. Các bài viết này thường phân tích rất sâu một vấn đề trong chế độ tài sản của vợ chồng, nhưng do tính chất của một bài viết nghiên cứu, các tác giả chỉ đề cập đến một khía cạnh hoặc một trường hợp cụ thể liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng mà không thể phân tích toàn diện các khía cạnh của chế định này.

Một điểm chung của cả ba nhóm công trình nghiên cứu kể trên, đó là phần lớn các tác giả thường thiên về việc phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật quy định về chế độ tài sản của vợ chồng. Một số công trình nghiên cứu, cũng đã có dẫn chiếu, liên hệ thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật, tuy nhiên, sự liên hệ, phân tích đó chỉ có tính chất minh hoạ cho một số trường hợp cụ thể mà chưa có sự soi chiếu một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của việc áp dụng quy định về chế độ tài sản của vợ chồng vào thực tiễn.

Trong các nhóm trên, có công trình đã nghiên cứu về chế độ tài sản của vợ chồng, nhưng đứng trước sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chuyển biến, chịu sự ảnh hưởng của tập quán của đất nước tất yếu có sự tác động lớn trong tâm lý của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng. Vấn đề tài sản là một trong những vấn đề quan trọng đảm bảo cho cuộc sống gia đình ổn định, phát triển phù hợp với tình hình mới, điều kiện mới, vì vậy luận văn đi vào nghiên cứu chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam với hy vọng thể hiện một số ý kiến nhỏ của bản thân trước nhu cầu sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình trong thời gian tới.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn

Trên cơ sở tìm hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam về chế độ tài sản của vợ chồng, luận văn phân tích, đánh giá việc áp dụng pháp luật, nhận dạng những thuận lợi cũng như những bất cập, hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng, trên cơ sở đó chỉ ra những điểm còn thiếu sót, chưa phù hợp của luật thực định và của quá trình áp dụng luật vào thực tiễn. Từ đó, luận văn đưa ra một số kiến nghị, giải pháp có tính chất khả thi nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đời sống đang ngày càng phát triển đa dạng, phong phú.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, luận văn xác định những nhiệm vụ cơ bản sau đây:

Thứ nhất: Nghiên cứu những vấn đề lý luận về chế độ tài sản của vợ chồng.

Thứ hai: Nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng.

Thứ ba: Tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng qua hoạt động xét xử của ngành Toà án giải quyết các tranh chấp từ quan hệ HN&GĐ liên quan trực tiếp về vấn đề tài sản giữa vợ và chồng; Tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng tại các Văn phòng công chứng thông qua hoạt động công chứng các Hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng. Qua đó, đánh giá về những thành công và hạn chế của việc áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng.

Thứ tư: Trên cơ sở phân tích nội dung và thực tiễn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật thực định, luận văn kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng dưới góc độ pháp luật và áp dụng pháp luật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 130 trang tài liệu này.

4. Phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, luận văn tập trung vào một số vấn đề sau:

Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam - 2

- Quy định của pháp luật Việt Nam về chế độ tài sản của vợ chồng. Trong đó tập trung chủ yếu vào chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, khi mà Luật HN&GĐ năm 2014 đã được ban hành nhưng chưa có hiệu lực thi hành, luận văn so sánh các quy định của Luật HN&GĐ hiện hành (Luật HN&GĐ năm 2000) với Luật HN&GĐ năm 2014 để đưa ra những nội dung còn thiếu sót của luật hiện hành nhưng đã được giải quyết hay chưa được giải quyết trong Luật HN&GĐ năm 2014.

- Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, điển hình,… tìm hiểu và nghiên cứu những ví dụ cụ thể, những bản án thực tế từ đó bình luận và phân tích những nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng trong thực tế.

- Nghiên cứu một số quy định của pháp luật các nước trên thế giới về chế độ tài sản của vợ chồng, có sự so sánh và đối chiếu với pháp luật Việt Nam, qua đó tiếp thu những điểm tiến bộ và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, tác giả Luận văn sử dụng phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như:

- Phương pháp lịch sử được sử dụng khi nghiên cứu, tìm hiểu chế độ tài sản của vợ chồng qua các thời kỳ ở Việt Nam.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng khi phân tích các vấn đề liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng và khái quát những nội dung cơ bản được nghiên cứu trong luận văn.

- Phương pháp so sánh được thực hiện nhằm tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành với hệ thống pháp luật trước đây của Việt Nam cũng như pháp luật của một số nước khác quy định về chế độ tài sản của vợ chồng.

- Phương pháp thống kê được thực hiện trong quá trình khảo sát thực tiễn.

6. Những điểm mới của luận văn

- Luận văn hệ thống hoá và phân tích khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng.

- Luận văn khái quát và phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của các quy định pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng.

- Từ những ví dụ cụ thể về thực tiễn áp dụng pháp luật, luận văn nhận dạng những quy định chưa phù hợp, những điểm còn khiếm khuyết của pháp luật hiện hành về chế độ tài sản của vợ chồng cả dưới góc độ pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật. Đồng thời, luận văn đưa ra và phân tích một số yếu tố khác tác động vào và làm giảm hiệu quả áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng. Trên cơ sở đó, luận văn kiến nghị một số giải pháp có tính chất khả thi nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật và tiến tới hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng.

- Luận văn nêu và phân tích điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014, trong đó có nội dung chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận, phân tích ưu và nhược điểm của việc quy định chế độ tài sản này trước tình hình kinh tế

- xã hội Việt Nam hiện nay.

7. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn

Ý nghĩa khoa học:

- Trước hết, luận văn góp phần nêu lên những thành tựu đã đạt được trong quá trình áp dụng pháp luật quy định về chế độ tài sản của vợ chồng.

- Luận văn là cơ sở tham khảo cho các công trình nghiên cứu sau này về chế độ tài sản của vợ chồng.

- Hoàn thành luận văn này, tác giả hy vọng luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật quy định về chế độ tài sản của vợ chồng; Luận văn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và học tập các môn học như Luật dân sự, Luật HN&GĐ … tại các cơ sở đào tạo pháp luật.

Ý nghĩa thực tiễn:

Nội dung của luận văn có ý nghĩa thiết thực cho mọi cá nhân, đặc biệt là cho các cặp vợ chồng tìm hiểu các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng; biết được cơ sở pháp lý tạo lập các loại tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ cụ thể của vợ, chồng đối với những loại tài sản này; các trường hợp và nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng …. Từ đó, góp phần thực hiện pháp luật, xây dựng gia đình dân chủ, hoà thuận, hạnh phúc, bền vững.

8. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và danh mục tài liệu Tham khảo, nội dung của luận văn gồm ba chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về chế độ tài sản của vợ chồng.

Chương 2: Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành.

Chương 3: Thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị hoàn thiện chế độ tài sản của vợ chồng.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG


1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, Ý NGHĨA CỦA CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

1.1.1. Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng

Gia đình là tế bào của xã hội, thể hiện tính chất và kết cấu của xã hội. Gia đình có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Để xây dựng gia đình tốt thì nền tảng hôn nhân phải bền vững, ngoài việc được hình thành trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ thì việc tạo lập tài sản là một trong những điều kiện tất yếu để nuôi sống gia đình, là điều kiện vật chất, cơ sở kinh tế cho hôn nhân tồn tại bền vững. Vì vậy, các nhà làm luật đã quan tâm xây dựng các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng là một trong những chế định quan trọng, cơ bản nhất của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trước khi kết hôn và sau khi hôn nhân chấm dứt, vợ, chồng là những người độc thân có tài sản riêng, còn gọi là tài sản cá nhân. Tài sản theo nghĩa từ điển Luật học là “của cải, vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng” [75], còn theo Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” [57, Điều 163]. Trước khi kết hôn, tài sản của vợ, chồng thuộc phạm trù tài sản riêng của cá nhân. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Chỉ sau khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân, vấn đề tài sản giữa vợ chồng mới bị ràng buộc, tài sản chung được hình thành, các lợi ích và các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản này cũng được hình thành, do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân - tính cộng đồng, hai vợ

chồng cùng đóng góp công sức trong việc tạo dựng tài sản, xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc.

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ràng buộc lẫn nhau bởi nhiều bổn phận, trong đó có những bổn phận có ảnh hưởng nhất định đối với quyền hạn của vợ, chồng trong việc xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản, thậm chí có những bổn phận có tác dụng đặt cơ sở cho việc xác định tính chất chung hay riêng của một tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra. Tất cả các tài sản của vợ, chồng, dù là của riêng mỗi người hay của chung hai người, đều phải được khai thác, sử dụng trước hết nhằm bảo đảm sự duy trì và phát triển của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con,… sau đó mới phục vụ cho cá nhân chủ sở hữu. Nhân danh lợi ích của gia đình, vợ hoặc chồng có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch trên tài sản chung và trong một số trường hợp, nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch ấy có thể ràng buộc cả vợ và chồng một cách liên đới, nghĩa là khiến cho chồng hoặc vợ, dù không trực tiếp đứng ra giao dịch, phải có trách nhiệm cùng với vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản chung, thậm chí bằng tài sản riêng của mình. Do vậy, tài sản không chỉ gắn liền với những lợi ích thiết thực của hai bên mà còn liên quan đến người thứ ba, đặc biệt là khi vợ chồng tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại. Đây là một trong những lý do mà các nhà lập pháp phải dự liệu về chế độ tài sản của vợ chồng. Nhờ có chế độ tài sản của vợ chồng được quy định, tạo điều kiện cho vợ, chồng và người thứ ba tự do tham gia các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng trong khuôn khổ luật định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Mặt khác, dựa vào các quy định của pháp luật mà quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mới được bảo đảm, “vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung” [54, Điều 28]. Vợ

chồng có quyền ngang nhau trong việc sở hữu tài sản chung nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống chung của gia đình, có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung nhưng phải có nghĩa vụ sử dụng tài sản đúng mục đích luật định, vì lợi ích của vợ chồng và các thành viên trong gia đình. Mọi giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh, hoặc tài sản chung là nguồn sống duy nhất của gia đình thì về nguyên tắc phải có sự thoả thuận của hai vợ chồng.

Hơn nữa, để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba khi tham gia vào các giao dịch có liên quan đến tài sản của vợ chồng, pháp luật cần phải quy định người thứ ba có quyền biết rằng giao dịch đó được bảo đảm thực hiện từ tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của vợ, chồng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Lý do cuối cùng khiến nhà làm luật dự liệu về chế độ tài sản của vợ chồng thể hiện ở chỗ: việc quy định chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật là cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng với nhau và với người khác.

Ví dụ: Việc giải quyết những món nợ mà vợ chồng vay chung vì lợi ích chung của gia đình hoặc mỗi bên vợ, chồng vay riêng, sử dụng vào mục đích riêng. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng quy kết theo nghĩa vụ chung của vợ chồng hay nghĩa vụ riêng của vợ, chồng phải thanh toán trả món nợ đó.

Như vậy, điều kiện hình thành và duy trì chế độ tài sản của vợ chồng là có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng được nhà làm luật dự liệu do tính chất, mục đích của quan hệ hôn nhân được xác lập, thể hiện như là yếu tố khách quan; phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá để Nhà nước quy định trong pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng.

Xem tất cả 130 trang.

Ngày đăng: 18/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí