Chế độ pháp lý về quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay - 2

trách nhiệm của Hội đồng quản trị để thu hút các nguồn lực vào quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của các chủ thể pháp lý.

Tiếp cận từ các quy phạm thực định, Ngân hàng thế giới (WB) định nghĩa, quản trị công ty là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của công ty. Nó cho phép công ty có thể thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, và nhờ đó tạo ra giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông, trong khi nó vẫn tôn trọng quyền lợi của những người có lợi ích liên quan và của xã hội. Theo đó, đặc điểm cơ bản nhất của quản trị công ty là: (i) tính minh bạch của các thông tin tài chính, kinh doanh và quá trình giám sát nội bộ đối với hoạt động quản lý, (ii) bảo đảm thực thi các quyền của tất cả các cổ đông, (iii) các thành viên của Hội đồng quản trị có thể hoàn toàn độc lập trong việc thông qua các quyết định, phê chuẩn kế hoạch kinh doanh, tuyển dụng người quản lý, giám sát tính trung thực và hiệu quả của hoạt động quản lý, miễn nhiệm người quản lý khi cần thiết [26, tr.363].

Tương tự cách tiếp cận của WB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xác định, quản trị công ty bao gồm một hệ thống các quy chế xác định rõ mối quan hệ giữa các cổ đông, các chức danh quản lý, các chủ nợ và những người có liên quan khác cũng như hệ thống các cơ chế đảm bảo thực hiện các quy định trên [26, tr.363].

Đối chiếu với thực tại pháp lý của một số nước phát triển trên thế giới, có thể thấy rằng, các quan điểm trên của WB, ADB và OECD gần như trở thành tiền đề lý luận chung cho hoạt động lập pháp của các nước. Chúng đã tác động sâu rộng và mạnh mẽ đến tư tưởng lập pháp của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước thành viên của OECD và các nước nhận sự hỗ trợ về kỹ thuật lập pháp của WB. Điển hình là Luật Quản trị Công ty của Vương quốc Bỉ năm 2004 (The Belgian Code on Corporate Governance 2004) xác định ngay trong lời nói đầu của mình rằng, quản trị công ty là một tập hợp các quy tắc và cách xử sự mà theo đó công ty được quản lý và kiểm soát. Theo đó, nội dung của

luật này không gì khác hơn là điều chỉnh pháp luật về các vấn đề mà OECD, WB, ADB đã nêu.

Ở Việt Nam, thuật ngữ “quản trị công ty” còn tương đối mới mẻ, chưa được sử dụng như một thuật ngữ pháp lý chính thức và thống nhất về nội dung. Khi nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Có quan điểm vì đồng nhất thuật ngữ “quản trị” với thuật ngữ “quản lý” nên cho rằng “quản trị công ty” bao gồm “quản trị nhà nước” đối với công ty (quan hệ quản lý nhà nước theo chiều dọc mang tính áp đặt, mệnh lệnh) và quản trị quan hệ nội bộ công ty (quản lý nội bộ công ty). Tuy nhiên cách sử dụng này không mang tính phổ biến. Trên thực tế, từ “quản trị” không được dùng như một thuật ngữ phổ dụng trong quan hệ hành chính giữa nhà nước và doanh nghiệp, mà chủ yếu dùng từ “quản lý”, hay chính xác hơn là cụm từ “quản lý nhà nước” để chỉ mối quan hệ này. Trái lại, thuật ngữ “quản trị” trở nên phổ dụng hơn khi xem xét mối quan hệ nội bộ công ty. Với cách dùng này thì “quản trị” được hiểu như là một hoạt động cần thiết phải được thực hiện khi con người kết hợp với nhau trong một tổ chức nhằm đạt được những mục tiêu chung [18, tr.11].

Theo luật gia Nguyễn Ngọc Bích, quản trị công ty (lèo lái công ty- corporate governance) là một tập hợp các cơ chế liên quan đến việc điều hành và kiểm soát công ty. Nó đề ra cách phân chia quyền hạn và nghĩa vụ giữa cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và những người có lợi ích liên quan khác như người lao động, nhà cung cấp [9, tr.225]. Cách tiếp cận này tương đồng với quan điểm của OECD.

Trong khi đó, Tiến sĩ Luật học Ngô Viễn Phú chỉ cho rằng, ở giác độ pháp lý, quản trị công ty là phương cách tổ chức các cơ quan quyền lực của công ty và mối quan hệ chế ước quyền lực giữa các cơ quan đó [29, tr.1]. Quan điểm này thể hiện sự phân chia quyền lực trong công ty giống như quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, do quá nhấn mạnh tính phân chia quyền lực giữa các cơ quan, định nghĩa trên đã bỏ quên trách nhiệm của Hội đồng quản trị trước chủ

đầu tư, vai trò và quyền lợi của những người có quyền lợi liên quan khác, đặc biệt là những chủ thể ít có khả năng tự bảo vệ lợi ích của mình (các cổ đông thiểu số, người lao động,...), cũng như thiếu vắng nhu cầu đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ đầu tư và cơ chế đảm bảo thực hiện nó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 103 trang tài liệu này.

Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng, quản trị công ty theo nghĩa hẹp là cơ chế quản lý - giám sát của chủ sở hữu đối với người quản lý công ty theo những mục tiêu và định hướng của chủ sở hữu [39]. Theo nghĩa rộng hơn, quản trị doanh nghiệp gắn chặt với quyền lợi của chủ sở hữu cũng như các chủ nợ, người cung cấp, người lao động, thậm chí khách hàng của công ty. Về mặt tổ chức, quản trị công ty là tập hợp các mối quan hệ giữa chủ sở hữu, Hội đồng quản trị và các bên có liên quan nhằm xác định mục tiêu, hình thành các công cụ để đạt được mục tiêu và giám sát việc thực hiện mục tiêu của công ty [39]. Điều này cũng có nghĩa là, nếu xem quản trị công ty là một loại quan hệ pháp luật (quan hệ quản trị công ty) thì đó chính là quan hệ pháp luật về tổ chức quản lý công ty. Khi đó, ở khía cạnh khác của khoa học pháp lý, quản trị công ty còn được hiểu như là loại chế định pháp lý, đó là chế định tổ chức quản lý công ty (còn được gọi là chế định quản trị công ty). Điều này đúng với các định nghĩa nêu trên của học giả nước ngoài. Do vậy, có thể nói, bản chất của quản trị công ty không gì khác hơn chính là cơ chế tổ chức quản lý công ty nhằm hướng tới bảo vệ hữu hiệu lợi ích của chủ sở hữu công ty và của xã hội.

Tóm lại, từ tất cả những định nghĩa và phân tích trên có thể cho phép khái quát rằng, dưới góc độ pháp lý, theo nghĩa rộng, quản trị công ty là tất cả các quy định, cơ chế nhằm tổ chức công ty một cách có hiệu quả, vì lợi ích của chủ sở hữu công ty và của xã hội. Theo đó, quản trị công ty (corporate governance) không liên quan đến hoạt động tác nghiệp điều hành các công việc hàng ngày của công ty, mà chủ yếu chỉ xác định quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, giám sát công ty, cũng như cơ chế đảm bảo thực hiện nó [9, tr.225]. Cụ thể là xác định rõ nội dung phân chia các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa chủ sở hữu công ty, Đại hội đồng cổ đông (công ty cổ

Chế độ pháp lý về quản trị công ty ở Việt Nam hiện nay - 2

phần), Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành, Ban kiểm soát và những chủ thể có liên quan khác của công ty (người lao động, chủ nợ,…); đồng thời lập ra các nguyên tắc và thủ tục để ra quyết định về những vấn đề của công ty. Các thiết chế pháp lý điều chỉnh các quan hệ này được cụ thể hóa trong các Luật công ty (Luật tổ chức công ty), Luật quản trị công ty ở một số nước, Luật thương mại, Luật phá sản và rải rác ở các luật có liên quan khác.

Ở phạm vi hẹp hơn, quản trị công ty được hiểu như là chế định về quản lý nội bộ công ty. Chúng điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể quản lý, giám sát trong công ty với nhau và với chủ sở hữu công ty, qua đó ngăn chặn sự lạm dụng quyền, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết cho công ty và chủ sở hữu công ty.

1.1.2. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với quan hệ quản trị công ty.

Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, sự tồn tại của pháp luật quản trị công ty bắt nguồn từ chính đời sống kinh doanh, từ thực tiễn tổ chức và vận hành các tổ chức kinh doanh. Tầm quan trọng của pháp luật quản trị công ty là cơ sở thực chứng cho sự tồn tại và phát triển của chúng. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, pháp luật quản trị công ty ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu hiện nay [13, tr.3], [23, tr.18], [42]. Pháp luật quản trị công ty không đơn giản chỉ ảnh hưởng đến tính sống còn của một công ty, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định xã hội. Bởi bản thân công ty không phải là một cá thể độc lập tuyệt đối, mà là một bộ phận xã hội thu nhỏ, một thực thể sống của nền kinh tế. Những khiếm khuyết của hệ thống quản trị công ty sẽ gây ra những hậu quả to lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội. Sự sụp đổ các công ty ở Đông Á trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998, sự phá sản của các tập đoàn Enron, Worldcom của Mỹ, Parmalat của Ý,… cùng hậu quả do nó gây ra là những ví dụ minh chứng về mối hiểm họa của sự khiếm khuyết đó [20, tr.103-124], [24, tr.21], [25, tr.80-84], [26, tr.368, 369]. Với hàng triệu người lao động bị mất việc làm, hàng vạn cổ đông ở hàng chục quốc gia phải lao đao, một số ngành

kinh tế thậm chí cả nền kinh tế quốc gia bị chao đảo, cùng với việc đẩy mạnh cải thiện quản trị công ty ở các quốc gia này, là câu trả lời về tầm quan trọng và sự cần thiết phải điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ quản trị công ty. Bởi, suy cho cùng pháp luật vẫn chỉ là công cụ để phục vụ và định hướng cho phát triển kinh tế xã hội. Pháp luật không thể không điều chỉnh các quan hệ cực kỳ quan trọng đó của đời sống kinh tế xã hội. Điều này cũng đã được Alan Greenspan, Chủ tịch Hội đồng dự trữ liên bang Mỹ, phân tích ngay trong lời kêu gọi về việc phải có luật cho vấn đề này [9, tr.227, 228].

Bên cạnh đó, một quy chế quản trị công ty hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư bỏ vốn vào công ty. Như chúng ta đã biết, để kinh tế tăng trưởng và phát triển đòi hỏi phải thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn, kể cả nguồn vốn nhàn rỗi trong nước lẫn nguồn vốn nước ngoài. Điều này chỉ được thực hiện khi có chế định quản trị công ty tốt, bảo vệ hữu hiệu quyền lợi của cổ đông, nhất là những cổ đông thiểu số, ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực quản lý để chiếm dụng tài sản công ty và gây hại cho cổ đông. Do vậy, sự tồn tại của chế định quản trị công ty là một nhu cầu không thể thiếu trong việc khai thông nguồn vốn xã hội, giúp giảm chi phí vốn vay, nâng cao hiệu quả kinh tế của công ty và quốc gia. Từ đó, góp phần hạn chế hiểm họa lãng phí nguồn lực quốc gia, giảm bớt nguy cơ khủng hoảng kinh tế, tạo tiền đề cho thị trường chứng khoán phát triển, cũng như đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Đặc biệt, ở các quốc gia có nền kinh tế mới chuyển đổi, pháp luật kinh doanh còn trong tình trạng “tranh tối tranh sáng”, các “quan hệ ngầm” còn bao phủ đời sống kinh doanh, thì sự xuất hiện và tồn tại chế định quản trị công ty còn tạo cơ sở pháp lý để chống lại sự can thiệp không cần thiết của công quyền vào công việc nội bộ của công ty, giúp minh bạch hóa môi trường kinh doanh, hạn chế các hành vi giao dịch nội gián và tham nhũng.

Từ góc độ của người kinh doanh, các nhà đầu tư hoàn toàn có quyền đồi hỏi nhà nước phải đảm bảo một khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các tiêu chuẩn về quản trị công ty tối thiểu. Ở Việt Nam, kết quả khảo sát của Tổ chức

tài chính quốc tế IFC và Chương trình phát triển kinh tế tư nhân MPDF năm 2004 cũng cho biết, 88% các công ty cho rằng Nhà nước nên dành ưu tiên cao cho việc cải thiện công tác quản trị công ty [12, tr.17]. Điều này cho thấy, sự can thiệp pháp luật vào quan hệ quản lý nội bộ công ty là cần thiết và hoàn toàn khách quan. Bởi nó xuất phát từ mong muốn của chính những đối tượng chịu sự điều chỉnh của nó.

Ngoài ra, ở khía cạnh pháp lý, sự điều chỉnh pháp luật về quản trị công ty còn xuất phát từ nhu cầu hiện thực hóa các quyền hiến định là quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh. Pháp luật quản trị công ty giúp giải quyết cơ bản các mâu thuẫn nội tại vốn luôn tiềm ẩn trong bản thân mỗi công ty. Đó là mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu công ty và người quản lý-người thừa hành, giữa chủ sở hữu nắm quyền lực kiểm soát công ty (cổ đông nhiều vốn) và chủ sở hữu không nắm quyền lực kiểm soát (cổ đông ít vốn), giữa chủ sở hữu và những người có quyền lợi liên quan khác. Bởi, người quản lí không phải bao giờ cũng hành động vì lợi ích của người chủ sở hữu công ty; cổ đông nắm quyền kiểm soát không phải luôn luôn sử dụng quyền lực kiểm soát để quyết định những vấn đề có lợi cho cổ đông thiểu số; người chủ sở hữu công ty cũng không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích của mình mà không xâm phạm lợi ích của người có quyền lợi liên quan. Do vậy, sự tồn tại của pháp luật quản trị công ty như là một công cụ để thực thi quyền giám sát của chủ sở hữu công ty, đảm bảo sự công bằng giữa các chủ sở hữu với nhau và sự tôn trọng lợi ích thỏa đáng của các chủ thể có liên quan. Việc tạo lập hành lang pháp lý an toàn này cho hoạt động của các nhà đầu tư, trong chừng mực nhất định, còn là giải pháp pháp lý để đảm bảo cơ hội kinh doanh cho người dân, hạn chế sự can thiệp trái pháp luật của cơ quan công quyền lên quyền tự do kinh doanh của họ.

Ở một giác độ khác của khoa học pháp lý, sự ra đời của Luật công ty nói chung, của chế định quản trị công ty riêng còn xuất phát từ tính không hoàn chỉnh của hợp đồng trong quan hệ quản lý nội bộ công ty. Như Holstrom từng nói: “Cho dù sự quản lý bằng hợp đồng là quan trọng, nhưng các hợp đồng ắt

không thể hoàn chỉnh theo ý nghĩa là người ta không thể đưa vào hợp đồng tất cả những vấn đề phát sinh trong tương lai”. Cùng với quan điểm này của Holstrom, E. Rock và M. Wachter cho rằng, những hợp đồng mô tả việc sử dụng nguồn vốn nhất thiết sẽ không hoàn chỉnh, và cách đối phó với những điểm không hoàn chỉnh không thể tránh khỏi trong hợp đồng này mang đến cơ sở cho lý thuyết thực chứng về Luật công ty [32, tr.1].

Với sự biến đổi quá nhanh của thị trường, các bên tham gia quan hệ hợp đồng không thể lường trước hết những vấn đề xảy ra trong dài hạn. Do vậy, việc ký kết hợp đồng mô tả việc sử dụng và quản lý nguồn vốn có thể không tránh khỏi tình trạng không hoàn chỉnh, quyền quyết định những vấn đề mới phát sinh có thể không được quy định trong hợp đồng. Khi đó, sự thiếu vắng chế định quản trị công ty nói riêng, Luật công ty nói chung sẽ là một khoảng trống pháp lý cho nhà đầu tư. Bởi, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh cũng như việc hoàn chỉnh các hợp đồng này sẽ tạo ra nhiều rủi ro và làm phát sinh thêm nhiều chi phí cho nhà đầu tư. Điều này tạo tâm lý e ngại đầu tư dài hạn, gây hiệu ứng không tốt cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tóm lại, từ những phân tích trên, có thể nói rằng việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ quản trị công ty là cần thiết và không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia.

1.2. Chế độ pháp lý về quản trị công ty và những đòi hỏi mang tính nguyên tắc khi xây dựng quy chế pháp lý về quản trị công ty

1.2.1. Chế độ pháp lý về quản trị công ty


Về mặt lý luận, Luật công ty (Luật doanh nghiệp) là loại pháp luật mang tính tổ chức [8, tr.35, 36], [11, tr.8], [17, tr.1], [28, tr.25]. Thực tại pháp lý của các nước trên thế giới cũng cho thấy, Luật công ty bao gồm chủ yếu các quy định về tổ chức các loại hình công ty [8, tr.40]. Do vậy Luật công ty được hiểu như là Luật về tổ chức công ty hay là Luật về quản trị công ty.

Ở giác độ quản trị công ty, Giáo sư Chiristoph Van Der Elst, Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ, cho rằng “Luật công ty chủ yếu quy định những vấn

đề nội bộ công ty (internal affairs)” [8, tr.41]. Nói như các Giáo sư Hoa Kỳ, R. Robert Rosenberg, William G. Ott, Edward E. Byers, Gordon W. Brown, thì đó là những quy định về tổ chức quản lý nội bộ công ty [8, tr.40]. Nghiên cứu vấn đề này, Reinier Kraakman, Giáo sư hàng đầu về Luật công ty, Đại học Luật Harvard, kết luận rằng “mô hình chuẩn” của Luật công ty là hướng đến lợi ích của các cổ đông trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các chủ thể có liên quan khác, mà cụ thể là tập trung điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể quản lý trong công ty với nhau và với chủ sở hữu công ty. Sự can thiệp của các chủ nợ và nhà cung cấp vào quá trình quản lý công ty (như các quan điểm ở phần khái niệm chung) chủ yếu được điều chỉnh bởi Luật phá sản và luật có liên quan khác, nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật công ty [21]. Phân tích này đã được chứng minh bởi nội dung thực tại của Luật công ty của Trung Quốc, Philippine, Thái Lan, Pháp, Hunggaria, Áo, bang Delaware (Hoa Kỳ), Luật Doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam,... [10], [11]. Do vậy, có thể nói trong giới hạn của Luật công ty (Luật doanh nghiệp), chế độ pháp lý về quản trị công ty là một hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ tổ chức quản lý nội bộ của công ty. Đây chính là những quan hệ cơ bản của quản trị công ty, là lý do làm cho Luật công ty trở thành luật cơ bản về quản trị công ty [42, tr.3, 4] và cũng là giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Với vai trò là một chế định quản trị công ty, Luật công ty thực hiện hai chức năng cơ bản:

Thứ nhất, ghi nhận quyền năng và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, chủ thể góp vốn trong tổ chức và vận hành công ty;

Thứ hai, quy định các điều kiện phải tuân thủ trong tổ chức vận hành công ty nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông (thành viên công ty), của các chủ nợ, của chủ thể có liên quan và của toàn xã hội trước những rủi ro luôn tiềm ẩn mà chủ thể quản lý có thể tạo ra.

Do vậy, về cơ bản chúng bao gồm những nội dung sau:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/10/2023