Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 5

- Thử nghiệm thương mại đối với sáng chế để kiểm tra hoặc hoàn thiện sáng chế;

- Thử nghiệm nhằm có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý đối với việc tiếp thị sản phẩm trên thị trường sau khi bằng độc quyền sáng chế hết hạn;

- Pha chế thuốc chữa bệnh theo các đơn thuốc riêng lẻ;

- Bên thứ ba sử dụng sáng chế một cách ngay tình trước thời điểm nộp đơn cấp bằng sáng chế ("sử dụng trước");

- Lưu thông hoặc nhập khẩu một sản phẩm đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và đã được lưu thông hợp pháp trên thị trường trong nước hoặc nước khác ("nhập khẩu song song").

- Li-xăng cưỡng bức đối với sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hoặc trong trường hợp không đàm phán được với chủ sở hữu sáng chế với các điều kiện thương mại thỏa đáng và trong những thời hạn hợp lý.

Trước khi có Hiệp định TRIPS, đã tồn tại Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp là khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc bảo hộ sáng chế (hiện nay có gần 200 nước là thành viên của Công ước này). Rất nhiều hạn chế và ngoại lệ đối với việc bảo hộ sáng chế trong quy định pháp luật của các nước bắt nguồn từ các điều khoản của Công ước này.

Về phạm vi quyền của chủ sở hữu sáng chế, Hiệp định TRIPS thể hiện một cách rõ ràng sự cân bằng lợi ích chung của xã hội và lợi ích của các chủ thể sáng tạo với lợi ích của chủ sở hữu sáng chế. Hiệp định quy định các Thành viên có thể quy định một số ngoại lệ nhất định (có giới hạn) đối với các độc quyền được cấp trên cơ sở bằng độc quyền sáng chế với điều kiện là các ngoại lệ này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường bằng độc quyền sáng chế đó và không làm tổn hại một cách bất hợp lý tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.

Hiệp định TRIPS không quy định cụ thể tất cả các hạn chế và ngoại lệ mà dành cho pháp luật quốc gia quy định những ngoại lệ này. Tuy nhiên, điều quan trọng là các ngoại lệ trong pháp luật quốc gia phải đáp ứng những điều kiện được quy định trong Hiệp định, đó là:

- Các ngoại lệ này phải có giới hạn, tức là bị hạn chế trong những khuôn khổ xác định, giới hạn về phạm vi, quy mô, khối lượng v.v... Giới hạn có thể liên quan đến các mục đích sử dụng như mục đích cá nhân hay giáo dục, lĩnh vực sản phẩm được bảo hộ sáng chế, hành vi liên quan như nhập khẩu, xuất khẩu, đánh giá sáng chế v.v...;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

- Các ngoại lệ này không được mâu thuẫn một cách bất hợp lý đến việc khai thác bình thường sáng chế. Thực tế, việc xác định các yếu tố trong ngoại lệ này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, về nguyên tắc, người ta có thể giải nghĩa các cụm từ theo hướng: "bất hợp lý" có nghĩa là những hành vi vượt ra ngoài giới hạn của những thứ được coi là hợp lý; "mâu thuẫn" có nghĩa là đấu tranh, đụng chạm, không tương thích; "bình thường" có nghĩa là tuân theo những chuẩn mực, thường xảy ra, thông thường và điển hình và "khai thác" có nghĩa là "tận dụng";

- Các ngoại lệ này không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế. Làm tổn tại được giải thích là việc làm mất hiệu lực hoặc làm giảm sức mạnh của quyền.

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 5

Bên cạnh đó, Hiệp định TRIPS cũng quy định một số hạn chế (ngoại lệ) quyền của chủ sở hữu sáng chế đối với những hành vi mà chủ sở hữu sáng chế không được ngăn cấm bên thứ ba thực hiện. Một trong số đó được gọi là li-xăng cưỡng bức hoặc bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng. Theo đó, các Thành viên có quyền quy định về việc cấp phép sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với sáng chế. Tuy nhiên, để tránh sự lạm dụng quyền lực của nhà nước, hạn chế bất hợp lý phạm vi quyền của chủ sở hữu sáng chế, Hiệp định TRIPS đưa ra hàng loạt các điều kiện phải được tuân thủ nghiêm ngặt khi cấp li-xăng cưỡng bức.

Có thể nói rằng, việc cân bằng lợi ích của các chủ thể khác nhau liên quan đến việc bảo hộ sáng chế được thể hiện rõ nhất trong các quy định về phạm vi quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sáng chế. Những hạn chế quyền của chủ sở hữu sáng chế được nhằm vào việc bảo vệ lợi ích chính đáng của hai nhóm chủ thể: thứ nhất là xã hội nói chung và thứ hai là các nhà sáng tạo trong cùng lĩnh vực. Trong Hiệp định TRIPS và pháp luật của các nước về bảo hộ sáng chế, những hạn chế phạm vi quyền của chủ sở hữu sáng chế được quy định thông thường bao gồm những trường hợp sau:

Thứ nhất, chủ sở hữu sáng chế không được ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế vì mục đích cá nhân, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc mục đích thử nghiệm nhằm đưa sản phẩm ra thị trường (sau khi bằng độc quyền sáng chế hết hiệu lực).

Mục đích của những hạn chế nêu trên là nâng cao hiệu suất tĩnh bằng cách thúc đẩy cạnh tranh (ví dụ như ngoại lệ đối với việc ứng dụng sáng chế ngay sau khi hết thời hạn bảo hộ); còn trong những trường hợp khác, mối quan tâm chính là tăng hiệu suất động (là việc đưa ra nhiều nhất có thể những sản phẩm mới hoặc những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, cách thức tổ chức và các quy trình sản xuất hiệu quả hơn và với chi phí thấp hơn) bằng cách tránh những rào cản đối với hoạt động nghiên cứu tiếp theo (ví dụ như hạn chế đối với việc thí nghiệm).

Các hạn chế quyền có thể được áp dụng đối với nghiên cứu khoa học, tức là những hành vi không nhằm mục đích thương mại mà chỉ thực hiện với mục đích rút ra tri thức mới. Ngoại lệ này dựa trên quan điểm cho rằng, mục tiêu chính sách công có tính then chốt trong luật về sáng chế là nhằm khuyến khích sự phổ biến và nâng cao tri thức kỹ thuật. Ngoài ra nó còn dựa trên quan điểm là nếu cho phép chủ sở hữu sáng chế ngăn cản việc sử dụng có tính thí nghiệm trong thời hạn bảo hộ đối với sáng chế sẽ phần nào ảnh hưởng đến mục đích của của yêu cầu công bố sáng chế cho công chúng biết. Có thể nói các sáng tạo công nghệ mới hầu hết phải dựa trên những nền tảng của những

công nghệ đã có, hay nói cách khác những công nghệ hiện có chính là cơ sở cho các sáng tạo tiếp theo. Việc cho phép sử dụng tự do các sáng chế vì mục đích nghiên cứu khoa học sẽ đáp ứng được triết lý của Isaac Newton, đó là "Nếu tôi nhìn được xa hơn đó là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ" (If I have seen further it is by standing on the shoulders of giants.)

Chủ sở hữu sáng chế cũng không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện các hành vi thử nghiệm trên sáng chế cho dù hành vi thử nghiệm đó nhằm mục đích thương mại, chẳng hạn như để "tìm ra sáng chế", hoàn thiện sáng chế đã được bảo hộ, đánh giá một sáng chế để yêu cầu cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, hoặc vì những mục đích chính đáng khác như kiểm tra xem sáng chế đó có sử dụng được không (sản xuất thử).

Trong số các hành vi thuộc ngoại lệ nêu trên, có một ngoại lệ được gọi là "ứng dụng sớm" hoặc "ngoại lệ Bolar", theo đó các bên thứ ba có quyền sử dụng sáng chế dưới dạng thử nghiệm trong giai đoạn sáng chế đang được bảo hộ độc quyền nhằm mục đích xin phép tiếp thị sản phẩm sau khi bằng độc quyền sáng chế hết hạn. Ngoại lệ này nhằm cho phép các nhà sản xuất dược phẩm cùng loại đưa sản phẩm của họ ra thị trường ngay sau khi bằng độc quyền sáng chế hết hạn, từ đó cho phép người tiêu dùng mua thuốc với giá thấp nhất ngay khi thời hạn bảo hộ đã kết thúc. Nếu không có ngoại lệ này, việc lưu thông các sản phẩm cùng loại có thể bị trì hoãn nhiều tháng hoặc nhiều năm trong khi đó chủ sở hữu sáng chế có thể vẫn giữ giá thành của sản phẩm ở mức cao mặc dù đã bằng độc quyền sáng chế đã hết hiệu lực. Ngoại lệ này làm tăng hiệu suất tĩnh bởi vì người nắm giữ sáng chế vẫn giữ độc quyền cho đến khi bằng độc quyền sáng chế hết hiệu lực cho nên dường như ngoại lệ này không làm giảm hiệu suất động.

Pháp luật của các nước có các quy định không hoàn toàn giống nhau về vấn đề này. Chẳng hạn, ở Mông Cổ, việc sử dụng sáng chế "cho các mục đích nghiên cứu khoa học hoặc thử nghiệm" không bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế. Ở Đài Loan, bên thứ ba chỉ được phép tự do sử

dụng sáng chế vì "mục đích nghiên cứu hoặc thử nghiệm với những hành vi hoặc ý định phi thương mại".

Luật của nhiều nước khác lại có quy định ngoại lệ cho "các mục đích thử nghiệm", nhưng không giới hạn trong các hành vi phi thương mại, như luật của Botswana, Thổ Nhĩ Kỳ, Trinidad và Tobago, Bhutan, El Salvador, Singapore.

Ác-hen-tina đã quy định "ngoại lệ Bolar" trong Luật số 24.766 năm 1996 cho phép thử nghiệm và nộp đơn xin phép lưu hành sản phẩm cùng loại trước khi hết hạn bằng độc quyền sáng chế tương ứng (Điều 8).

Vào năm 1998, luật sáng chế của Israel đã quy định cho phép bên thứ ba sử dụng sáng chế dược phẩm của người khác đang được bảo hộ để tiến hành thử nghiệm để đăng ký lưu hành loại dược phẩm này trên thị trường ở Israel hoặc ở nước khác khi thời hạn hiệu lực của sáng chế kết thúc. Luật này không chỉ cho phép sử dụng sáng chế để tiến hành các thử nghiệm trong nước, mà còn cho phép xuất khẩu số lượng nhỏ để thực hiện các thủ tục xin phép lưu hành dược phẩm trước khi hết hạn bảo hộ sáng chế ở những nước liên quan. Ôxtrâylia cũng có quy định tương tự. "Ngoại lệ Bolar" cũng được đưa vào Điều 43 của Bộ luật sở hữu công nghiệp Brazil bằng Luật số 10.196 ngày 14/2/2001.

Ở châu Âu, Nghị viện châu Âu đã thể hiện quan điểm ủng hộ ngoại lệ Bolar. Tại đoạn 17, Nghị quyết ngày 16/4/1996, cơ quan này đã tuyên bố: Cần phải có những biện pháp cho phép các công ty dược tiến hành thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và pha chế theo yêu cầu của cơ quan quản lý để đăng ký các dược phẩm cùng loại đã được sản xuất ở EU trước khi thời hạn bảo hộ theo giấy chứng nhận bảo hộ bổ sung hết hiệu lực để dược phẩm đó được lưu thông ngay sau khi hết hạn bằng độc quyền sáng chế hoặc chứng nhận bảo hộ bổ sung đối với sản phẩm đã đăng ký trước.

Thứ hai, chủ sở hữu sáng chế không được ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế dưới hình thức lưu thông sản phẩm được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu sáng chế đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài.

Liên quan đến hạn chế quyền của chủ sở hữu sáng chế đối với các hành vi sử dụng sáng chế trong trường hợp này, xuất hiện các khái niệm "khai thác hết quyền" (hoặc "cạn quyền") và "nhập khẩu song song". Khái niệm trạng thái đã khai thác hết quyền sở hữu trí tuệ (trong đó có sáng chế) có vai trò rất quan trọng quyết định sự ảnh hưởng của các quy định về sở hữu trí tuệ đến sự lưu thông hàng hoá và dịch vụ trong thương mại quốc tế và gắn chặt với khái niệm "nhập khẩu song song" (trong luận văn này chỉ đề cập đến khai thác hết quyền hoặc nhập khẩu song song đối với đối tượng được bảo hộ là sáng chế).

Quyền đối với sáng chế thường được định nghĩa bằng những quyền được cấp cho chủ thể nhằm ngăn ngừa người khác sử dụng đối tượng này. Cụ thể, bằng độc quyền sáng chế trao cho chủ sáng chế quyền ngăn cấm người khác sử dụng, bán, chào bán hoặc nhập khẩu sáng chế mà không được sự đồng ý của họ.

Học thuyết về trạng thái đã khai thác hết quyền xác định thời điểm chủ thể quyền sáng chế hết quyền kiểm soát đối với hàng hoá mang đối tượng được bảo hộ. Việc chấm dứt quyền kiểm soát này có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bất kỳ nền kinh tế nào vì nó cho phép tự do lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ. Nếu không có học thuyết về trạng thái đã khai thác hết quyền, chủ thể quyền đối với sáng chế sẽ kiểm soát hết việc mua bán, chuyển giao hoặc sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ có chứa đựng quyền đối với sáng chế và sẽ kiểm soát được các hoạt động kinh tế.

Quyền đối với sáng chế sẽ chấm dứt khi hàng hoá chứa đựng quyền này được "bán lần đầu" hoặc "đưa ra thị trường". Ý tưởng này xuất phát từ việc một khi chủ thể quyền có được lợi ích kinh tế từ việc bán hàng hoá lần đầu hoặc đưa hàng hoá ra thị trường thì người mua hoặc người được chuyển giao hàng hoá có quyền sử dụng hoặc xử lý đối với hàng hoá đó mà không bị cản trở gì.

Chúng ta xem xét trường hợp một chiếc ôtô của hãng Honda được sản xuất với sáng chế là một loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Vì công ty Honda

nắm các quyền đối với sáng chế này, cho nên họ có thể ngăn cản người khác bán ôtô mang động cơ (hoặc bản thân động cơ) đó lần đầu ra thị trường mà không có sự đồng ý của công ty Honda. Nếu người nào đó mua động cơ hoặc chiếc ôtô có gắn động cơ đó từ một đại lý cấp một được Công ty Honda cho phép, quyền của công ty Honda đối với sáng chế bị chấm dứt và công ty này không thể cản trở người này sử dụng động cơ (hoặc ôtô) này hay cho hoặc bán động cơ (hoặc ôtô) đó cho người khác. Người nắm giữ quyền đối với sáng chế đó đã mất quyền kiểm soát của mình đối với việc xử lý sản phẩm. Tuy nhiên, việc mua động cơ (hoặc ôtô) không đồng nghĩa với việc người mua được phép sản xuất động cơ (hoặc ôtô) mang sáng chế đó hay cho phép người khác sử dụng sáng chế này. Nói cách khác, việc bán hàng hoá ra thị trường lần đầu không làm chuyển giao quyền đối với sáng chế cho người mua mà chỉ chấm dứt quyền của Công ty Honda đối với việc kiểm soát sự lưu thông của chiếc động cơ (hoặc ôtô) cụ thể mà thôi.

Từ góc nhìn của hệ thống thương mại quốc tế, vấn đề quan tâm nhất của trạng thái đã khai thác hết quyền là nó hoạt động trong khuôn khổ quốc gia, khu vực hay quốc tế. Quyền đối với sáng chế thường được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia cấp. Với việc được cấp bằng độc quyền sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có các độc quyền mà họ có thể thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của cơ quan đã cấp quyền. Khi hàng hoá được bán lần đầu hoặc đưa ra thị trường ở một nước thì nó làm chấm dứt quyền đối với sáng chế chứa đựng trong các sản phẩm này. Một người có thể có các quyền đối với cùng một sáng chế "song song" ở nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ như trường hợp của công ty Honda, công ty này có thể đăng ký sáng chế động cơ ô tô tiết kiệm nhiên liệu và được bảo hộ ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Một nước có thể lựa chọn quy định rằng tình trạng đã khai thác hết quyền đối với sáng chế xảy ra khi một hàng hoá được khai thác thương mại lần đầu hoặc đưa ra thị trường ngoài phạm vi lãnh thổ của mình. Khi đó, việc khai thác thương mại lần đầu tại thị trường ở nước ngoài có sáng chế được bảo hộ "song

song" sẽ làm chấm dứt quyền của chủ thể quyền đối với sáng chế tại nước sản xuất. Nếu tình trạng đã khai thác hết quyền xảy ra khi hàng hoá được khai thác thương mại lần đầu ở nước khác, chủ thể quyền đối với sáng chế ở trong nước không thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình để phản đối việc nhập khẩu hàng hóa đó. Việc nhập khẩu hàng hoá ở trong trạng thái đã khai thác hết quyền ở nước ngoài thường được gọi là hình thức "nhập khẩu song song", và hàng hoá được nhập khẩu thường được gọi là "hàng hoá nhập khẩu song song".

Nếu một nước quy định rằng trạng thái đã khai thác hết quyền chỉ áp dụng trong phạm vi quốc gia thì quyền của chủ thể quyền đối với sáng chế trong việc kiểm soát quá trình lưu thông của hàng hoá chỉ chấm dứt khi hàng hoá được khai thác thương mại lần đầu trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Nếu một nước quy định rằng tình trạng đã khai thác hết "mang tính khu vực" thì quyền của chủ thể quyền đối với sáng chế trong việc kiểm soát quá trình lưu thông hàng hoá chấm dứt khi hàng hoá được khai thác lần đầu ở bất kỳ nước nào trong khu vực. Nếu một nước quy định rằng trạng thái đã khai thác hết "mang tính quốc tế" thì quyền của chủ thể quyền đối với sáng chế trong việc kiểm soát quá trình lưu thông hàng hoá sẽ chấm dứt khi hàng hoá được khai thác thương mại ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Việc lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ qua biên giới bị ảnh hưởng bởi học thuyết về tình trạng đã khai thác hết quyền mà các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới áp dụng. Theo học thuyết về tình trạng đã khai thác hết mang tính quốc tế, hàng hóa và dịch vụ được luân chuyển tự do qua biên giới sau khi nó được khai thác thương mại lần đầu theo những điều kiện nhất định tại bất kỳ nơi nào trên thế giới (do chủ sở hữu trí tuệ hoặc người được phép của chủ sở hữu trí tuệ đưa ra thị trường). Theo học thuyết về tình trạng đã khai thác hết mang tính quốc gia thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể cản trở đối với việc lưu thông hàng hoá, dịch vụ qua biên giới. Như vậy với việc áp dụng tình trạng khai thác hết quyền mang tính quốc gia, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tạo ra sự phân biệt đối xử trên thị trường.

Xem tất cả 100 trang.

Ngày đăng: 23/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí