Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 2

hộ sở hữu trí tuệ hoặc bảo hộ sáng chế nhưng cũng không đề cập toàn diện và trực tiếp đến vấn đề này. Có thể nói, chưa có đề tài độc lập nào nghiên cứu về vấn đề cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích của đề tài này là nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn thông qua các quy định pháp luật và thực tiễn của Việt Nam về bảo hộ sáng chế có liên quan đến cân bằng lợi ích, đặt trong mối tương quan với pháp luật và thực tiễn trên thế giới. Từ đó, đề tài dự kiến đề xuất những sửa đổi pháp luật cũng như những hoạt động thực tế cần phải tiến hành để vừa bảo đảm thoả đáng lợi ích của chủ sở hữu sáng chế đồng thời bảo vệ được lợi ích chính đáng của các bên thứ ba, đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và khả năng phát triển của nền khoa học, công nghệ trong nước.

Với mục đích trên, luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Khái quát hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trên thế giới;

- Phân tích các khía cạnh cân bằng lợi ích liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam;

- Phân tích thực tiễn áp dụng cơ chế và các quy định pháp luật mang tính cân bằng lợi ích trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật.

4. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với

sáng chế trên cơ sở các quy định pháp luật quốc tế (chủ yếu là Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ - Hiệp định TRIPS, một Hiệp định quy định các chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ sở hữu trí tuệ mà hiện nay trên 150 thành viên phải tuân thủ), luật pháp quốc gia của một số nước và của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Đồng thời, các phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành như: thu thập thông tin, thống kê, phân tích, so sánh v.v... cũng được sử dụng nhằm tổng hợp các tri thức khoa học và luận chứng các vấn đề tương ứng được nghiên cứu.

Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 2

6. Ý nghĩa của luận văn

Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận cho việc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể liên quan trong xã hội. Từ đó, kết quả nghiên cứu này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy, cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và thực tiễn áp dụng hệ thống này.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát về hệ thống bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế

Chương 2: Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế trong trong các quy định pháp luật của Việt Nam

Chương 3. Thực tiễn áp dụng các quy định về cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Chương 1

KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ VÀ CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ


1.1. KHÁI QUÁT VỀ HỆ THỐNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ

Sáng chế, một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, là một khái niệm đã tồn tại từ lâu. Năm 1474, nước Cộng hòa Venice đã ban hành văn bản thường được coi như đạo luật đầu tiên đối với việc bảo hộ sáng chế trên thế giới. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên trên thế giới quy định một loại độc quyền của một cá nhân mà độc quyền này lại hạn chế lợi ích của công chúng. Vào thế kỷ 16, dưới triều đại Tudor, nước Anh đã có hệ thống bằng độc quyền sáng chế, theo đó Đạo luật về đặc quyền năm 1642 là luật thành văn đầu tiên quy định việc cấp đặc quyền đối với sáng chế trong một thời hạn nhất định. Nửa sau thế kỷ 18 là thời hoàng kim của thương mại và công nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới và cũng là thời kỳ của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, đổi mới khoa học và cách mạng chính trị. Trong thời kỳ này, một số quốc gia đã thiết lập hệ thống bằng độc quyền sáng chế đầu tiên của họ. Ví dụ, luật về bằng độc quyền sáng chế đầu tiên của Pháp quy định về bảo hộ quyền của nhà sáng chế đã được ban hành năm 1791. Ở Hoa Kỳ, Hiến pháp năm 1787 đã có quy định về bằng độc quyền sáng chế.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, pháp luật về bảo hộ sáng chế trên thế giới đã có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, những nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống bảo hộ sáng chế dường như vẫn ổn định từ khi hệ thống này được thiết lập. Theo đó, độc quyền sáng chế là độc quyền được cấp cho nhà sáng chế đối với một sản phẩm hoặc quy trình nhất định. Bằng độc quyền sáng chế dành cho nhà sáng chế sự bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Theo

chuẩn mực hiện hành trên thế giới thì thời hạn này là 20 năm tính từ ngày nộp đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế. Đổi lại, nhà sáng chế phải bộc lộ đầy đủ sáng chế đó. Chủ sở hữu sáng chế có quyền quyết định ai sẽ là người được hoặc không được sử dụng sáng chế đã được cấp bằng của mình. Chủ sở hữu sáng chế cũng có thể chuyển nhượng quyền sở hữu đối với sáng chế của mình cho người khác. Khi kết thúc thời hạn bảo hộ đối với một sáng chế cụ thể nào đó, bất kỳ người nào cũng có thể sử dụng sáng chế đó.

Nguồn gốc lịch sử của luật sáng chế gợi ra một số thuyết giải thích cho việc bảo hộ sáng chế [5]. Những thuyết đó bao gồm:

- Thuyết phần thưởng, theo đó, các nhà sáng chế cần được thưởng cho việc tạo ra các sáng chế hữu ích và Nhà nước phải có hệ thống luật pháp để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của phần thưởng này;

- Thuyết khuyến khích, theo đó, một cơ chế trong đó nhà sáng chế được khen thưởng sẽ tạo ra sự khích lệ cho việc tạo ra các sáng chế mới và nghiên cứu và phát triển;

- Thuyết hợp đồng hoặc bộc lộ, theo đó, đổi lại việc được bảo hộ, các nhà sáng chế sẽ được khuyến khích bộc lộ sáng chế của họ để các sáng chế đó sẽ được sung công sau thời gian được bảo hộ độc quyền;

- Thuyết luật tự nhiên, theo đó, các cá nhân có quyền sở hữu đối với ý tưởng (đã trở thành giải pháp) của họ.

Gần đây, do ảnh hưởng của các cuộc đàm phán vượt ra ngoài khuôn khổ của hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại Thế giới, thuyết báo hiệu đã được đưa ra, theo đó, chế độ bảo hộ sáng chế báo hiệu một môi trường đầu tư có thể chấp nhận được, đặc biệt là đối với đầu tư nước ngoài.

Pháp luật quốc tế và quốc gia về sáng chế đều quy định để được cấp bằng độc quyền sáng chế, đơn yêu cầu cấp bằng phải được nộp cho cơ quan

sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc khu vực. Hầu hết các nước quy định nguyên tắc nộp đơn đầu tiên được áp dụng, theo đó đối với cùng một sáng chế, người nào nộp đơn đầu tiên sẽ được cấp bằng độc quyền nếu đối tượng liên quan đáp ứng điều kiện bảo hộ và đáp ứng các thủ tục liên quan. Một số ít nước áp dụng nguyên tắc "sáng chế đầu tiên" như một ngoại lệ, chủ yếu để giải quyết tranh chấp, trong khi đó vẫn áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên là cơ bản (ví dụ Hoa Kỳ). Để cấp bằng độc quyền, cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc khu vực sẽ thẩm định nội dung đơn để khẳng định sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ. Hầu hết luật của các nước quy định để được cấp bằng độc quyền, sáng chế phải có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo theo nghĩa sáng chế đó không hiển nhiên đối với người có kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng và sáng chế đó phải có khả năng áp dụng công nghiệp. Một điều kiện quan trọng khác là sáng chế đó không thuộc phạm vi các đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế.

Theo tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Hiệp định TRIPS và các thành viên (trên 150 nước) đều phải tuân thủ, thời hạn của bằng độc quyền sáng chế tối thiểu là 20 năm tính từ ngày nộp đơn. Pháp luật của các nước cũng đều quy định nghĩa vụ nộp phí duy trì hiệu lực hàng năm đối với bằng độc quyền sáng chế.

Trong thời gian sáng chế được bảo hộ, chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế của mình cũng như có quyền cho phép người khác sử dụng sáng chế theo hợp đồng, chuyển nhượng quyền sở hữu và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế của mình.

Để cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế và lợi ích chung của xã hội cũng như các chủ thể cùng tham gia vào hoạt động sáng tạo, đổi mới, pháp luật sáng chế của các nước đều quy định những ngoại lệ (hoặc gọi là hạn chế) đối với quyền của chủ sở hữu sáng chế. Theo đó, chủ sở hữu sáng chế không

có quyền ngăn cấm người thứ ba thực hiện một số hành vi như sử dụng sáng chế nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lưu thông sản phẩm được bảo hộ do chủ sở hữu sáng chế hoặc người được chủ sở hữu sáng chế cho phép đưa ra thị trường. Trong một số trường hợp nhất định, nhà nước có quyền nhân danh mình hoặc cho phép các bên thứ ba sử dụng sáng chế mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia, bảo vệ sức khoẻ nhân dân v.v...


1.2. VAI TRÕ CỦA HỆ THỐNG BẢO HỘ SÁNG CHẾ


Cố Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã có một câu nói nổi tiếng "Hệ thống bằng độc quyền sáng chế đổ thêm dầu lợi ích vào ngọn lửa thiên tài". Câu nói này đã thể hiện được gần như toàn bộ ý nghĩa, vai trò của hệ thống bảo hộ sáng chế. "Dầu lợi ích" - động cơ lợi nhuận - là chất xúc tác cho sự phát triển khoa học công nghệ và kinh tế. Hệ thống bảo hộ sáng chế có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội như thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy tạo ra các công nghệ mới, thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân vào hoạt động nghiên cứu triển khai v.v...

1.2.1. Thúc đẩy đổi mới

Vai trò hiển nhiên nhất của hệ thống bảo hộ sáng chế là thúc đẩy đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm mới. Doanh nghiệp sẽ không thành công nếu tập trung đầu tư cho phát triển công nghệ nhưng bất kể người nào cũng có thể tự do sử dụng công nghệ đó. Hệ thống bảo hộ sáng chế sẽ giảm bớt rủi ro đến từ những hành vi "ăn cắp" công nghệ đó và nhờ vậy khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa ra các quyết định đầu tư cho phát triển công nghệ mới.

Hệ thống bảo hộ sáng chế cũng thúc đẩy nhiều người cùng tham gia vào quá trình sáng tạo vì hệ thống này tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà sáng chế cá nhân và các doanh nghiệp lớn, kể cả các doanh nghiệp đa quốc

gia. Nếu không có sự bảo hộ sáng chế thì thị trường sẽ được quyết định bởi vị thế thị trường của doanh nghiệp và các rào cản về kinh tế. Các công ty đa quốc gia sẽ có lợi trong những trường hợp này do họ có nguồn lực lớn và có thể đầu tư đáng kể để đánh bóng tên tuổi, quảng cáo sản phẩm. Ngoài ra, vị thế thị trường (độc quyền) của họ cũng sẽ tạo ra những rào cản chống lại các thương nhân đơn lẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1.2.2. Thúc đẩy công bố các công nghệ mới

Một lợi ích to lớn của hệ thống bảo hộ sáng chế đối với xã hội là việc bộc lộ các công nghệ mới cho công chúng. Theo quy định của các hệ thống pháp luật sáng chế của các nước trên thế giới, đơn sáng chế hoặc bằng độc quyền sáng chế và toàn bộ các tài liệu liên quan sẽ được công bố sau những thời hạn nhất định (trừ sáng chế mật). Do vậy, tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ được đề cập trong các đơn hoặc bằng độc quyền sáng chế đó. Mặc dù trong thời hạn sáng chế được bảo hộ thì các bên thứ ba không được sử dụng sáng chế đó (nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế) thì việc có được thông tin về sáng chế đó cũng vô cùng hữu ích đối với những người khác, chẳng hạn đối với những nhà sáng chế trong cùng lĩnh vực (tránh nghiên cứu trùng lặp). Thông tin này sẽ là cơ sở cho các sáng tạo, cải tiến tiếp theo và những cải tiến như vậy có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế và do vậy đây là một động lực to lớn để thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

1.2.3. Hạn chế việc bảo hộ các giải pháp kỹ thuật dưới dạng bí mật

Nếu không có luật sáng chế thì xu hướng là các thành quả sáng tạo thường được giữ bí mật để tránh bị sao chép. Tuy nhiên, luật bảo hộ bí mật thương mại có những hạn chế nhất định, ví dụ không chống lại được các hành vi phân tích ngược để có được bí mật thương mại. Hơn nữa, bí mật thương mại cũng không được bảo hộ độc quyền vì nếu người thứ ba độc lập tạo ra thông tin giống như bí mật thương mại đang được bảo hộ và họ lại bộc lộ

công khai thông tin đó thì vô hình chung bí mật thương mại này đã trở thành công khai. Do vậy, hệ thống sáng chế mang lại hình thức bảo hộ ưa thích hơn cho các nhà sáng chế.

1.2.4. Thúc đẩy cạnh tranh

Thông tin sáng chế được bộc lộ tạo ra những bản đồ cho hoạt động sáng tạo xung quanh sáng chế được cấp bằng hoặc cho việc phát triển các công nghệ thay thế có hiệu quả như sáng chế được cấp bằng. Cuộc đua sáng chế sẽ tạo ra cho thị trường hàng loạt các sản phẩm thay thế để xã hội có thể lựa chọn. Cuộc đua này cũng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ sức ép giảm giá và giảm thiểu vị thế thị trường (độc quyền) của bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Ngoài ra, hệ thống sáng chế còn là động lực thúc đẩy các chủ sở hữu sáng chế tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các sản phẩm của họ và nhờ đó sản phẩm của họ luôn có được tính cạnh tranh trên thị trường. Tóm lại, hệ thống bảo hộ sáng chế mang lại lợi ích cho xã hội ở cả việc thúc đẩy giảm giá và thúc đẩy liên tục tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới.

1.2.5. Khuyến khích đầu tư của tư nhân vào hoạt động nghiên cứu và phát triển

Khả năng có được phần thưởng là độc quyền được cấp cho các sáng tạo mới có ý nghĩa như một cục nam châm để thu hút đầu tư vốn từ khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư luôn tìm kiếm sự đầu tư vào các doanh nghiệp có khả năng mang lại lợi nhuận trên khoản đầu tư đó. Tiềm năng kinh tế mang lại từ độc quyền sáng chế khuyến khích việc đầu tư vốn cho cả lĩnh vực nghiên cứu triển khai và sản xuất và thương mại các công nghệ mới. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì các nhà sáng chế cá nhân thường không có đủ các nguồn lực để đưa các công nghệ có tiềm năng của họ ra thị trường. Do đó, mối liên kết điển hình của các nhà sáng tạo với các nhà cung cấp vốn có thể tạo điều kiện để biến các công nghệ từ phòng thí nghiệm trở thành những sản phẩm có thể bán trên thị trường.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 23/12/2022