Các Tiêu Chí Đánh Giá Rủi Ro Tín Dụng Tại Ngân Hàng Thương Mại


2.2. Rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại

2.2.1. Khái niệm

Rủi ro trong kinh doanh ngân hàng được hiểu là những biến cố không mong đợi mà khi xảy ra sẽ dẫn đến sự tổn thất về tài sản của ngân hàng, giảm sút lợi nhuận thực tế so với dự kiến hoặc phải bỏ ra thêm một khoản chi phí để có thể hoàn thành được một nghiệp vụ tài chính nhất định. Rủi ro tín dụng được đề cập ở đây là rủi ro trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng của NHTMCP. Thực tế chưa có một định nghĩa chung thống nhất trên toàn cầu về rủi ro tín dụng.

Theo quan niệm của Heffenan (2005), rủi ro tín dụng là rủi ro mà một tài sản hoặc một khoản vay trở nên không thể thu hồi được trong trường hợp hoàn toàn không trả được nợ hoặc có rủi ro về sự chậm trễ bất ngờ trong việc trả nợ. Anthony Sauders (2007) thì định nghĩa: “Rủi ro tín dụng là khoản lỗ tiềm năng khi ngân hàng cấp tín dụng cho một khách hàng, nghĩa là luồng thu nhập dự tính mang lại từ khoản vay của ngân hàng không thể được thực hiện cả về số lượng và thời hạn”. Barbara Casu và cộng sự (2015) cho rằng “mỗi người đi vay đều mặc định có rủi ro tín dụng, đó là rủi ro họ không thể trả lại khoản tiền họ đã mượn”.

Theo Ủy ban Basel (2000) thì rủi ro tín dụng được định nghĩa là khả năng khách hàng vay hoặc bên đối tác của ngân hàng không thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận. Theo khái niệm này thì rủi ro tín dụng có phạm vi khá rộng, không chỉ trong quan hệ tín dụng giữa NH với khách hàng mà trong cả các hoạt động khác như đầu tư, phái sinh mà ngân hàng thực hiện.

Ở Việt Nam, khái niệm rủi ro tín dụng được phán ánh tại Điều 1, thông tư số: 40/2018/TT-NHNN của NHNN ban hàng ngày 28/12/2018: “Rủi ro tín dụng là rủi ro do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Trong đó, khách hàng (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) có quan hệ với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc nhận cấp tín dụng (bao gồm cả nhận cấp tín dụng thông qua ủy thác), nhận tiền gửi, phát hành trái phiếu doanh nghiệp”


Như vậy có thể hiểu đơn giản, bản chất của RRTD là dùng để xác định khả năng tổn thất tài sản của người cho vay có thể phát sinh khi người vay vi phạm nguyên tắc hoàn trả trong mối quan hệ tín dụng đã được xác lập. Hành vi vi phạm nguyên tắc hoàn trả có thể là hoặc người vay không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đã cam kết. Và hành vi này sẽ dẫn tới một nguy cơ chủ yếu đến người cho vay bao gồm khả năng mất vốn và lãi, gián đoạn lưu chuyển tiền tệ và làm gia tăng chi phí các khoản phải thu. Trong 3 đặc trưng của hoạt động tín dụng đã đề cập ở mục trên – sự tin tưởng, tính hoàn trả, và tính thời hạn, RRTD sẽ xảy ra nếu một trong 3 đặc điểm trên bị vi phạm.

2.2.2. Nguyên nhân RRTD

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Hoạt động tín dụng là hoạt động đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho ngân hàng nhưng đây cũng là nghiệp vụ phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó việc nghiên cứu các nguyên nhân dẫn đến RRTD là việc làm cần thiết để từ đó có các biện pháp hoàn thiện hệ thống quản trị RRTD cho các NHTMCP. RRTD có thể đến từ 3 nhóm nguyên nhân sau:

- Nguyên nhân khách quan từ môi trường

Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam - 4

- Nguyên nhân chủ quan từ ngân hàng

- Nguyên nhân từ khách hàng đi vay

Nguyên nhân khách quan từ môi trường

- Chu kỳ kinh tế

Trong một nền kinh tế tăng trưởng và ổn định, hoạt động tín dụng có xu hướng tăng trưởng theo và ít rủi ro hơn. Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái thì sản xuất kinh doanh của khách hàng bị thu hẹp hoặc đình trệ, dẫn tới thua lỗ hoặc thậm chí phá sản. Nếu ngân hàng vẫn mạo hiểm tăng trưởng tín dụng ở mức cao thì khả năng rủi ro không thu hồi được vốn vay tăng lên.

- Quá trình tự do hóa tài chính, hội nhập quốc tế

Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, khiến những khách hàng của ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ và quy luật đào thải khắc nghiệt của thị trường, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.


Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế kéo theo sự cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài, khiến cho các ngân hàng trong nước nếu không quản trị RRTD hiệu quả bị lép vế và mất dần các khách hàng có tiềm lực tài chính lớn.

- Môi trường pháp lý, thể chế

Ở Việt Nam, pháp luật vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ, còn nhiều khe hở, điển hình là việc quy định NHTMCP có quyền xử lý tài sản bảo đảm nợ vay khi khách hàng không trả được nợ. Thực tế, các NHTMCP không làm được điều này vì ngân hàng là một tổ chức kinh tế, không phải là cơ quan quyền lực Nhà nước nên không có chức năng cưỡng chế, mà phải đưa ra Toà án xử lý qua con đường tố tụng, dẫn đến thời gian thu hồi được nợ lâu, phức tạp, tốn nhiều chi phí và nhân lực.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước mang nặng tính hình thức. Mô hình tổ chức của thanh tra ngân hàng còn nhiều bất cập, chưa phát huy hết khả năng, hoạt động thanh tra giám sát thường chỉ tiến hành tại chỗ là chủ yếu, còn thụ động theo kiểu xử lý “khi sự đã rồi”, ít có khả năng ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro. Vì thế có những sai phạm của các NHTMCP không được thanh tra ngân hàng Nhà nước cảnh báo sớm, để đến khi hậu quả nặng nề xảy ra rồi mới can thiệp thì đã quá muộn.

- Môi trường tự nhiên

Những biến động lớn về thời tiết, khí hậu gây ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên là yếu tố khó dự đoán, nó thường xảy ra bất ngờ với thiệt hại lớn ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì vậy khi có thiên tai dịch hoạ xảy ra khách hàng cùng các ngân hàng cho vay sẽ có nguy cơ tổn thất lớn, phương án, dự án kinh doanh không có nguồn thu … Điều đó đồng nghĩa với các ngân hàng cho vay phải cùng chia sẻ rủi ro với khách hàng của mình

Nguyên nhân chủ quan từ ngân hàng

- Chính sách tín dụng của ngân hàng

Chính sách tín dụng gồm định hướng chung trong việc cho vay, chế độ tín dụng ngắn, trung và dài hạn, các quy định về tài sản bảo đảm, danh mục lựa chọn khách hàng trong từng giai đoạn... Chính sách tín dụng không rõ ràng làm cho hoạt động tín


dụng trở nên lệch lạc, dẫn đến việc cấp tín dụng sai lầm, tạo ra những kẽ hở cho người sử dụng vốn lách luật và cuối cùng thì ngân hàng lại phải chịu thiệt thòi.

- Đạo đức và trình độ của cán bộ tín dụng

Các cán bộ tín dụng không nắm vững nghiệp vụ có thể tính toán không chính xác hoặc bỏ lỡ các dự án đầu tư hiệu quả. Hoặc các cán bộ tín dụng do bị áp doanh số cho vay, cần hoàn thành chỉ tiêu nên đã bất chấp mà cấp vốn cho các dự án không có hiệu quả, điều này sẽ gây ra rủi ro lớn cho ngân hàng.

Nhiều vụ án kinh tế lớn trong thời gian vừa qua có liên quan đến cán bộ ngân hàng đã cho thấy sự xuống cấp đạo đức của họ. Một số cán bộ ngân hàng cùng với khách hàng làm giả hồ sơ vay, nâng giá tài sản tài chính, cầm cố để được cấp tín dụng nhiều hơn, gây thất thoát không nhỏ cho ngân hàng.

Đạo đức của cán bộ là một trong các yếu tố quyết định để hạn chế RRTD. Một cán bộ kém về năng lực thì có thể trau dồi thêm kinh nghiệm, nhưng một cán bộ “có tài mà không có đức” được bố trí trong công tác tín dụng thì vô cùng bất lợi đối với ngân hàng.

- Giám sát và quản lý sau cho vay

Việc theo dõi giám sát sau cho vay là nhiệm vụ rất cần thiết và quan trọng đối với cán bộ tín dụng. Thường xuyên thăm hỏi khách hàng sẽ giúp ngân hàng xác nhận khách hàng có tuân thủ của các điều khoản đề ra trong hợp đồng tín dụng hay không, đồng thời sớm phát hiện ra được vấn đề khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn của khách hàng để có những biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp.

Tuy nhiên do tâm lý sợ gây phiền hà cho khách hàng, cán bộ tín dụng phải di chuyển nhiều đến tận cơ sở khách hàng và thiếu thông tin quản lý nên công tác giám sát sau cho vay chưa hiệu quả.

- Công tác kiểm tra nội bộ tại các NHTMCP

Kiểm tra nội bộ có điểm mạnh hơn thanh tra NHNN ở tính thời gian vì nó nhanh chóng, kịp thời ngay khi vừa phát sinh vấn đề và tính sâu sát, do việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên cùng với công việc kinh doanh”. Nhưng trong thời gian trước đây, công việc kiểm tra nội bộ của các ngân hàng hầu như chỉ tồn tại trên hình thức.


- Sự hợp tác giữa các ngân hàng và Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC)

Ngày nay, tình hình cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt, do đó hiếm có sự hợp tác với nhau để nắm bắt kịp thời thông tin về khách hàng vay. Chính vì thiếu sự trao đổi thông tin giữa các ngân hàng mà một khách hàng mất uy tín do không trả được ở ngân hàng này lại chạy sang các ngân hàng khác vay, dẫn đến rủi ro chia đều cho tất cả chứ không chừa một ngân hàng nào.

Nhiệm vụ của CIC là cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để các ngân hàng có căn cứ để quyết định cho vay hợp lý. Nhưng hiện nay, ngân hàng dữ liệu của CIC chưa đầy đủ và thông tin còn quá sơ sài, chưa được cập nhật và xử lý thường xuyên nên đã lạc hậu.

Nguyên nhân từ khách hàng đi vay

- Sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trong việc trả nợ

Đối với các doanh nghiệp, khi hồ sơ vay vốn trình lên các các cán bộ tín dụng thì đều có mục đích rõ ràng, phương án kinh doanh cụ thể và khả thi; còn các cá nhân thì kê khai đầy đủ mục đích và khả năng tài chính có thể trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên không ít khách hàng sau khi vay lại sử dụng vốn sai mục đích, không có thiện chí trả nợ sẽ làm cho các ngân hàng bị tổn thất và rủi ro trong vấn đề thu hồi nợ.

- Tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, thiếu minh bạch

Hiện nay các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp cung cấp vẫn chưa phải là nguồn thông tin xác thực, bởi chúng có thể được “phù phép” cho đẹp, cho dễ tiếp cận vốn vay. Mặc dù báo cáo tốt, có lợi nhuận nhưng bên trong lại có thể tiềm ẩn, chứa đựng nhiều vấn đề, rủi ro. Do đó ngân hàng không có căn cứ chính xác đáng tin cậy dựa vào thông tin doanh nghiệp cung cấp mà phải dùng tài sản bảo đảm làm chỗ dựa để phòng chống RRTD.

- Khả năng quản lý hoạch định chiến lược kinh doanh kém

Nếu chiến lược kinh doanh không được quản lý hoạch định tốt sẽ ảnh hưởng đến nguồn trả nợ. Ngân hàng cho vay dựa trên kế hoạch, chiến lược kinh doanh vì đấy là nguồn trả nợ tốt nhất, tuy nhiên nếu sự quản lý hoạch định ấy yếu kém, sẽ


làm cho phương án kinh doanh có thể đi vào phá sản, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.

- Nhóm lợi ích

Tham nhũng thường ở những doanh nghiệp, tập đoàn cổ phần nhà nước chi phối hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước là chủ sở hữu như Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline), Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tơ sợi Đình Vũ... thậm chí doanh nghiệp còn câu kết, nhóm lợi ích với các NHTMCP để vay vốn.

2.2.3. Ảnh hưởng của RRTD

Rủi ro tín dụng xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến rất nhiều chủ thể.

- Đối với ngân hàng

Việc không thu hồi được nợ (gốc, lãi và các khoản phí) làm cho nguồn vốn của các NHTMCP bị thất thoát, trong khi đó, các ngân hàng này vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn hoạt động, làm cho lợi nhuận bị giảm sút. Nếu lợi nhuận không đủ thì ngân hàng còn phải dùng chính vốn tự có của mình để bù đắp thiệt hại. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của các NHTMCP.

Mặt khác, tỷ lệ nợ quá hạn cao làm cho uy tín, niềm tin vào tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến làm giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản, đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản và đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.

- Đối với khách hàng

Đối với bản thân chủ thể không có khả năng hoàn trả vốn (lãi) cho ngân hàng thì họ gần như không có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng và thậm chí là cả những nguồn khác trong nền kinh tế do đã mất đi uy tín.

Cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của các chủ thể đi vay khác cũng bị hạn chế hơn khi rủi ro tín dụng buộc các NHTMCP hoặc thắt cho vay hay thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Các chủ thể gửi tiền vào ngân hàng có nguy cơ không thu hồi được khoản tiền gửi và lãi nếu như các ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản.


- Đối với nền kinh tế

Hệ thống ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế, là kênh thu hút và cung cấp tiền cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế. Do đó, rủi ro tín dụng có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Ở mức độ thấp, rủi ro tín dụng khiến cơ hội tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng của các khách hàng bị hạn chế, ảnh hưởng xấu đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Ở mức độ cao hơn, khi có một ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn dẫn đến phá sản, thì hiệu ứng dây chuyền rất dễ xảy ra trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, gây nên khủng hoảng đối với toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước.

2.3. Các tiêu chí đánh giá rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Thương mại

2.3.1. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu

Thuật ngữ “nợ xấu” (viết tắt là NPL – Non-performing loans) còn được gọi là “nợ khó đòi”, hoặc “khoản vay có vấn đề”. Các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, nghi ngờ và tổn thất được coi là các khoản nợ xấu cho đến khi khoản vay được xóa bỏ hoặc các khoản thanh toán gốc và lãi được nhận (Barbara Casu và cộng sự, 2015). Cụ thể hơn, IMF (2019) khuyến nghị các khoản vay (và các tài sản khác) nên được phân loại là NPL khi (1) các khoản thanh toán gốc và lãi đã quá hạn 90 ngày trở lên, hoặc (2 ) các khoản thanh toán lãi suất bằng lãi suất 90 ngày trở lên đã được vốn hóa (tái đầu tư vào số tiền gốc), tái cấp vốn hoặc đảo nợ (thanh toán chậm theo thỏa thuận), hoặc (3) tồn tại bằng chứng để phân loại lại là nợ xấu ngay cả khi không có khoản thanh toán quá hạn 90 ngày, chẳng hạn như khi người đi vay nộp đơn xin phá sản

Có 2 tiêu chí để định nghĩa nợ xấu:

- Tiêu chí định lượng: khoản vay quá hạn 90 ngày được xem là nợ xấu.

- Tiêu chí định tính: khoản vay được xem là nợ xấu nếu có lý do để nghi ngờ về khả năng trả nợ của khách hàng (dựa vào thông tin về tình hình tài chính của khách hàng cũng như xếp hạng tín dụng bên trong các thể chế tín dụng)


Ở Việt Nam, nợ xấu là các khoản nợ thuộc nhóm 3, 4, 5 quy định trong Điều 1, Phụ lục của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội.

Tổng nợ xấu của ngân hàng bao gồm nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ quá hạn chuyển về nợ trong hạn, chính vì vậy chỉ tiêu này cho thấy thực chất tình hình chất lượng tín dụng tại ngân hàng, đồng thời phản ánh khả năng quản lý tín dụng của ngân hàng trong khâu cho vay, đôn đốc thu hồi nợ của ngân hàng đối với các khoản vay. Tại Việt Nam, ngân hàng chỉ xếp phần nợ không trả được vào nợ xấu, trong khi phần còn lại của khoản nợ vẫn được xếp là nợ đủ tiêu chuẩn

Hầu hết các nghiên cứu sử dụng Tỷ lệ Nợ xấu/Tổng dư nợ làm thước đo cho RRTD của các NHTMCP (Salas, V và J.Saurina (2002); Das, Abhiman & Ghosh, Saibal (2007); Boudriga và cộng sự (2009);…). Tỷ lệ nợ xấu càng cao thể hiện chất lượng tín dụng của ngân hàng càng kém , và ngược lại, vì đây là những khách hàng có dấu hiệu khó khăn về tài chính, khó trả nợ cho Ngân hàng. Đặc biệt, Một TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 5% được coi là nằm trong giới hạn cho phép, khi tỷ lệ nợ xấu vượt quá tỷ lệ 5% thì tổ chức đó cần phải xem xét, ra soát lại danh mục đầu tư của mình một cách đầy đủ, chi tiết và thận trọng hơn.

2.3.2. Mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng

Bên cạnh đó, Daniel Foos (2010) lại đo lường rủi ro tín dụng bằng tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng năm t so với cho dư nợ cho vay năm t-1. Cách đo này dựa trên quan điểm cho rằng dư nợ cho vay chiếm chủ yếu trong tổng tài sản nên có thể sử dụng trực tiếp giá trị tổng tài sản để tính rủi ro. Từng khoản nợ của NHTMCP thường được phân loại dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm hoặc thời gian quá hạn của khoản vay. Từ đó làm cơ sở để NHTMCP trích lập dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể. nếu một ngân hàng có tỷ lệ này càng cao chứng tỏ rủi ro tín dụng càng cao vì dự phòng trích lập nhiều. Do đó, có thể phản ánh đúng bản chất RRTD hơn so với việc so sánh chung chung giữa giá trị nợ xấu thuộc các nhóm nợ khác nhau.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/09/2022