Điều kiện thứ nhất trên đây trả lời cho câu hỏi khi nào thì người dân được phép thực hiện quyền phòng vệ. Người dân được phép thực hiện quyền phòng vệ khi hành vi xâm hại đang xảy ra hoặc đe doạ xảy ra ngay tức khắc.
- Hành vi xâm hại ở đây trước hết phải là hành vi có tính gây thiệt hại đáng kể cho xã hội, hành vi này có thể thoả mãn các dấu hiệu của tội phạm nhưng cũng có thể không phải là tội phạm. Việc cho phép PVCĐ đối với cả hành vi không CTTP là do những hành vi như vậy vẫn cần phải được ngăn chặn kịp thời để tránh những thiệt hại cho xã hội (như hành vi đâm, chém người của người không có năng lực TNHS do mắc bệnh tâm thần). “…Hơn nữa, khi đứng trước sự xâm hại, mỗi cá nhân khó có thể luôn khẳng định được ngay hành vi xâm hại đó có phải là tội phạm hay không” [15, tr.42]. Do vậy, BLHS không đặt vấn đề hành vi xâm hại phải CTTP cũng như người phòng vệ phải nhận thức được hành vi xâm hại là tội phạm. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ, hành vi xâm hại nhất thiết phải là hành vi có tính gây thiệt hại đáng kể cho xã hội. Nếu hành vi xâm hại có tính gây thiệt hại không đáng kể mà một người đã phòng vệ bằng cách gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người xâm hại thì hành vi này không được coi là PVCĐ.
Ví dụ: Chiều 21.1.2009, bà Phạm Thị Ng cùng một số phụ nữ có trèo vào trang trại của Cty TNHH TN thuộc thành phố Buôn Ma Thuột để nhặt cà phê rụng (cà phê của trang trại đã được thu hoạch chỉ còn sót lại cà phê rụng trên mặt đất). Khi vừa trèo vào, thấy một con chó becgiê cao to xông ra, một số người nhanh chân trèo lên những cây sầu riêng gần đó. Riêng bà Phạm Thị Ng (nhà ở đối diện trang trại) chưa kịp trèo lên cây thì bị Nguyễn Đình S xuỵt con chó này tấn công bà Ng làm bà Ng ngã. Mặc cho bà Ng và những phụ nữ khác van xin, S. vẫn lạnh lùng nhìn và nói “Cho cắn chết. Ai bảo trèo vào?”. Ngay sau đó, 5 con chó khác xuất hiện và cùng với con chó lúc đầu cắn bà Ng. Khoảng 25 phút sau, khi bà Ng bị đàn chó cắn chết thì S mới huýt sáo gọi chúng về”…[62]. Trong trường hợp này, hành vi xâm hại – trèo vào trang trại nhặt cà phê rụng của bà Ng tuy có xâm hại lợi ích của trang trại, nhưng không
phải là có tính gây thiệt hại đáng kể. Do vậy, Nguyễn Đình S không thể dựa vào đó để thực hiện quyền xuỵt đàn chó cắn bà Ng đến chết. Hành vi của S không phải là PVCĐ mà là hành vi giết người.
- Hành vi xâm hại của con người là cơ sở của quyền PVCĐ nhưng chỉ là cơ sở chừng nào hành vi xâm hại phải đang xảy ra hoặc đe doạ xảy ra ngay tức khắc.
Hành vi xâm hại đang xảy ra được hiểu là hành vi xâm hại đang diễn ra và chưa kết thúc như người xâm hại đang đâm, chém nạn nhân hoặc người xâm hại đang vật ngã nạn nhân và xé quần áo của nạn nhân để hiếp dâm nạn nhân… Trường hợp hành vi xâm hại tuy chưa diễn ra nhưng có biểu hiện là đe dọa xảy ra ngay tức khắc cũng được coi là cơ sở cho phép PVCĐ. Việc gây thiệt hại là khả năng hiện thực sẽ xảy ra chỉ trong vài khoảnh khắc. Ví dụ: A thù hằn B và có ý định đốt nhà B. A đã tưới xăng quanh nhà chủ tài sản, khi A lấy bao diêm ra định châm lửa đốt thì đã có người kịp thời lao tới ngăn chặn. Trong trường hợp này, hành vi xâm hại của A (hành vi đốt) tuy chưa xảy ra nhưng đã có biểu hiện rất rõ là hành vi đốt sẽ xảy ra ngay tức khắc (tưới xăng; lấy bao diêm ra). Như vậy, hành vi xâm hại trong trường hợp này thuộc trường hợp đe doạ xảy ra ngay tức khắc. BLHS cho phép được thực hiện quyền PVCĐ ngay khi hành vi xâm hại mới đe dọa xảy ra ngay tức khắc là cần thiết vì cũng đã có cơ sở thực tế và để đảm bảo cho người PVCĐ chủ động thực hiện quyền và kịp thời ngăn chặn hành vi xâm hại.
Nếu chưa có biểu hiện là có sự xâm hại xảy ra ngay tức khắc mà một người đã có hành vi phòng vệ thì hành vi đó không được coi là PVCĐ. BLHS không quy định trực tiếp cũng như đặt tên cho trường hợp này. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là phòng vệ quá sớm. Trái lại, nếu hành vi xâm hại đã kết thúc, không còn xảy ra nữa do người xâm hại đã đạt được mục đích, đã tự dừng lại hoặc đã bị ngăn chặn mà vẫn có hành vi phòng vệ thì hành vi này không được coi là PVCĐ vì lúc này hành vi không thể đạt được mục đích của PVCĐ. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là phòng vệ
quá muộn. Phòng vệ quá sớm và phòng vệ quá muộn đều không được coi là những tình tiết loại trừ TNHS, người phòng vệ trong trường hợp này phải chịu TNHS về những thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Ví dụ: Sau khi uống rượu, Hứa Văn Y đến nhà chị H để chơi bi-a, nhưng không có ai chơi với Y, nên Y bực tức, vứt gậy bi-a ra đường. Thấy vậy, chị H chạy ra nhặt gậy và nói không cho Y chơi nữa. Y lại tiếp tục ném quả bi-a ra đường, rồi quay lại dùng tay đập vào vai chị H, tiếp đến Y hất đổ bàn bi-a và dẫm chân lên mặt bàn làm mặt bàn bị vỡ, rồi Y tiếp tục dùng tay đánh mạnh vào đầu chị H. Anh V vào can ngăn cũng bị Y đánh. Nông Văn L đang bế con cách nhà khoảng 20m nghe tin vợ bị đánh, nên đã về nhà lấy súng AK (L là dân quân nên được trang bị súng) chĩa vào người Y (khi Y đang đứng chống nạnh thách thức) bắn ba phát, làm Y bị chết. Sau đó, L cầm súng chạy đến đồn biên phòng tự thú [39]. Trong vụ án này, hành vi của Y tuy là hành vi xâm phạm sức khỏe và xâm phạm sở hữu của người khác là những khách thể được luật hình sự bảo vệ nhưng hành vi này đã không còn xảy ra khi anh L dùng súng bắn vào Y. Điều này có nghĩa anh L không còn cơ sở cho việc thực hiện quyền phòng vệ. Hành vi của anh L là hành vi phòng vệ quá muộn. Anh L không được coi là có hành vi PVCĐ mà bị coi là phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Trường hợp ngoại lệ vẫn được coi là PVCĐ mặc dù hành vi phòng vệ xảy ra sau khi hành vi xâm hại vừa kết thúc là trường hợp hành vi phòng vệ đó đi liền ngay sau hành vi xâm hại và nhằm khắc phục thiệt hại đã xảy. Ví dụ: trường hợp người bị cướp giật đã đuổi theo người đã cướp giật được túi xách tay của mình và đã quật ngã người này để lấy lại túi xách của mình. Do bị quật ngã mà người phạm tội cướp giật đã bị thương tích. Trong trường hợp này, hành vi gây thương tích tuy xảy ra sau khi hành vi cướp giật đã kết thúc nhưng vẫn được coi là PVCĐ vì hành vi này xảy ra ngay sau hành vi xâm hại và nhằm khắc phục thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm!
- Định Nghĩa Và Các Đặc Điểm Của Các Tình Tiết Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự
- Phạm Vi Các Tình Tiết Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự
- Giai Đoạn Từ Khi Ban Hành Bộ Luật Hình Sự Năm 1985 Đến Nay
- Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự Do Tình Thế Cấp Thiết
- Đánh Giá Các Tình Tiết Loại Trừ Tnhs Trong Blhs Việt Nam
- Bổ Sung Quy Định Về Các Tình Tiết Loại Trừ Trách Nhiệm Hình Sự Khác
Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.
Trong thực tế, có thể có trường hợp một người đã phòng vệ do lầm tưởng có hành vi xâm hại. Ở đây hoàn toàn không có hành vi xâm hại trên thực tế nhưng một người lại lầm tưởng có hành vi xâm hại. Trường hợp này cũng không có cơ sở của quyền PVCĐ. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp này là trường hợp phòng vệ tưởng tượng. Người phòng vệ tưởng tượng vẫn phải chịu TNHS về thiệt hại đã gây ra. Ví dụ: A đang ngồi trên ghế đá trong công viên hóng mát, A nhìn thấy có ba thanh niên đang đi về hướng mình, A tưởng những người này định cướp tài sản của mình. Do vậy, khi nhóm thanh niên kia đi đến gần, A rút dao nhíp trong túi quần ra chủ động đâm vào ngực một thanh niên trong nhóm đó rồi bỏ chạy. Kết quả là người thanh niên bị đâm đã chết trên đường được đưa đến bệnh viện.
Vấn đề TNHS trong những trường hợp phòng vệ tưởng tượng được giải quyết như các trường hợp sai lầm. Do vậy, có thể có trường hợp phòng vệ tưởng tượng không phải chịu TNHS nếu sai lầm của họ hoàn toàn do khách quan. Trên thực tế khách quan có những tình tiết về mặt không gian, thời gian, hoàn cảnh..., bề ngoài giống như hành vi xâm hại các lợi ích hợp pháp. Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng có sự nhận định sai lầm do hoàn cảnh khách quan đưa lại (sự lầm tưởng có cơ sở) về sự xâm hại đang xảy ra thì vấn đề TNHS cũng được loại trừ trong trường hợp này [9, tr.298]. Ví dụ: ông A đang ngủ say thì nghe thấy tiếng động lạ trong phòng. Qua ánh đèn ngủ, ông A nhìn thấy một người lạ đang rón rén đi vào phòng trong, tưởng kẻ trộm đột nhập, ông A cầm chiếc ghế đẩu lao tới đập vào người lạ mặt. Khi người này kêu lên và con gái ông từ phòng trong lao ra can ngăn, ông mới biết đó là bạn trai của con gái. Thực ra con gái ông đã giao chìa khoá cho bạn trai để vào quan hệ… Trường hợp này, hành vi gây thương tích của ông A đối với kẻ đột nhập bất hợp pháp xuất phát từ sự lầm tưởng đó là kẻ trộm. Sự lầm tưởng này là có cơ sở. Do vậy, ông A không phải chịu TNHS do sai lầm.
2.1.2.2. Điều kiện thuộc về nội dung và phạm vi của phòng vệ chính đáng
- Nội dung của quyền phòng vệ chính đáng
Xuất phát từ mục đích của PVCĐ là ngăn chặn hành vi xâm hại, đẩy lùi hành vi xâm hại, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại do hành vi xâm hại gây ra nên hành vi phòng vệ phải nhằm vào người xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại. Sự chống trả của người phòng vệ có thể “trực tiếp nhằm vào người xâm hại (tính mạng, sức khỏe, tự do) hoặc có thể chỉ nhằm vào công cụ, phương tiện mà người đó đang sử dụng. Nhưng dù bằng hình thức nào thì sự chống trả đều có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người có hành vi xâm hại” [15, tr.44].
Ví dụ: “… Giàng Thị D (SN 1979 ở xã Mường Bằng huyện Mương La) thường xuyên bị chồng là Lý A X chửi bới, đánh đập. Khoảng 21h ngày 29/5/2007, khi D đang ngủ thì chồng … đi chơi về, gọi D dậy dọn cơm ăn. X vừa ăn, vừa uống rượu, vừa chửi D… D không nói gì và vào giường nằm. Thấy D không nói gì, X đã cầm một đoạn củi đến giường ngủ vụt liên tiếp vào người D, vừa vụt vừa chửi: “mày câm thì ông đánh chết”. D vùng dậy, mở cửa chạy ra ngoài, X. đuổi theo. Chạy được một đoạn, D bị X túm được áo, cầm thanh củi vụt liên tiếp vào người, vào đầu, vào mặt làm máu chảy ra ướt hết cả mặt, vừa vụt, X vừa nói: “Hôm nay, ông đánh mày chết”. Thấy vậy, D cúi xuống cầm hòn đá gần đó đập mạnh một cái vào đầu X làm X ngã xuống bờ ruộng. D bỏ chạy về nhà nói với vài người hàng xóm. Sau đó, D đã cùng hàng xóm quay lại đưa X đi bệnh viện. Tuy nhiên, X đã chết do bị chấn thương sọ não…” [1]. Trường hợp này, có thể thấy rất rõ hành vi của D là hành vi phòng vệ chính đáng. Xét về nội dung phòng vệ, hành vi của D đã nhằm vào người tấn công, do vậy, đã ngăn cản được hành vi tấn công và đã bảo vệ được tính mạng của mình.
Như vậy, nội dung của quyền PVCĐ là gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại. Nếu người phòng vệ gây thiệt hại cho người thứ ba thì hành vi này không được coi là PVCĐ. Ví dụ: “Vào khoảng 10h ngày 31/7/2006, Võ Văn M. (SN 1979, …) đến nhà mẹ vợ chơi. Tại đây, M có xô xát với anh Vũ Ngọc N. là anh vợ. Bị anh N xô ngã, tức mình, M đã cầm
thanh củi chạy ra sân vụt chết cháu Nguyễn Ngọc Tr (4 tuổi là con anh N) đang chơi ở gần đó…” [2]. Trường hợp này, có thể thấy M có hành vi “phòng vệ” nhằm vào người thứ ba, không phải người tấn công, do vậy hành vi của M không phải là PVCĐ vì không thỏa mãn dấu hiệu về nội dung của quyền phòng vệ. Hành vi của M cấu thành tội giết người (Điều 93 BLHS).
- Phạm vi của phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng có mục đích là ngăn chặn sự xâm hại nên việc phòng vệ cũng phải được giới hạn bởi mục đích đó. Với việc xác định PVCĐ là “chống trả lại một cách cần thiết”, BLHS đã giới hạn hành vi phòng vệ phải “cần thiết” so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại (hay còn gọi là hành vi tấn công) để ngăn chặn sự tấn công.
Đây là một vấn đề phức tạp cả trong lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật. Việc xác định chính xác thế nào là “cần thiết” giữa hành vi phòng vệ với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại có ý nghĩa quan trọng. Nếu hành vi của người phòng vệ là “cần thiết” so với hành vi xâm hại thì hành vi đó được coi là PVCĐ và được loại trừ TNHS. Ngược lại, nếu hành vi phòng vệ vượt quá giới hạn thì bị coi là tội phạm và phải chịu TNHS về sự vượt quá.
“Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội” [24, tr.64]. “Cần thiết” ở đây được hiểu là thiệt hại gây ra trong hoàn cảnh cụ thể là cần thiết nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xâm hại, là cần thiết so với tính chất và mức độ của sự xâm hại. Tuy nhiên, “cần thiết” không có nghĩa kẻ xâm hại dùng phương pháp, vũ khí gì thì người phòng vệ cũng phải đối phó bằng phương pháp, vũ khí ấy; không phải kẻ xâm hại gây ra thiệt hại thế nào thì người phòng vệ cũng chống trả lại ngang thế đó. Bởi PVCĐ không phải là sự trả thù ngang bằng và hơn thế nữa, trong thực tế có những trường hợp không thể so sánh hai thiệt đó với nhau được, có thể do tính chất của hai loại thiệt hại (thiệt hại do người có hành vi xâm hại đe dọa gây ra và thiệt hại do người phòng vệ
gây ra cho người xâm hại) hoàn toàn khác nhau. Đây chính là lý do mà BLHS năm 1999 đã dùng thuật ngữ “cần thiết” để thay cho thuật ngữ “tương xứng” trong BLHS năm 1985. “Cần thiết” và “tương xứng” là hai thuật ngữ có nội hàm ý nghĩa khác nhau. “Khi nói đến sự tương xứng là nói đến sự cân đối, nhưng trên thực tế, có nhiều trường hợp rõ ràng là hành vi phòng vệ không tương xứng với hành vi xâm phạm nhưng vẫn được coi là phòng vệ chính đáng” [63]. Vì vậy, BLHS năm 1999 đã quy định hành vi PVCĐ là hành vi có tính “cần thiết” nhằm bảo vệ các lợi ích chung. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là cho phép người phòng vệ được gây thiệt hại bất kì theo ý muốn. Thiệt hại gây ra cho người xâm hại là một “yếu tố thể hiện tính chất và mức độ của sự chống trả, cho nên cũng chỉ được phép ở mức độ nhất định để có thể đảm bảo cho sự chống trả là cần thiết” [47, tr.208]. Để đánh giá mức độ cần thiết trong PVCĐ, cần phải dựa vào các căn cứ sau:
- Tầm quan trọng của khách thể cần được bảo vệ;
- Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra;
- Sức mạnh và sự mãnh liệt của sự xâm hại;
- Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người xâm hại sử dụng;
- Sức mạnh và khả năng của người phòng vệ trong hoàn cảnh cụ thể...
Ngoài ra, khi đánh giá hành vi phòng vệ là cần thiết hay không cũng cần chú ý xem xét đến thái độ tâm lí của người phòng vệ. Bởi người phòng vệ ở trong điều kiện cấp bách để bảo vệ lợi ích hợp pháp có khi không thể bình tĩnh lựa chọn được chính xác cách thức, công cụ và mức độ gây thiệt hại cho người xâm hại. Vì vậy, tính “cần thiết” trong PVCĐ chỉ đòi hỏi ở mức độ tương đối. Điều đó có nghĩa, “sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính
đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là cần thiết thì đó là phòng vệ chính đáng” [37, các tr.14, tr.15]. Trường hợp không cần thiết nhưng sự không cần thiết đó không rõ ràng thì vẫn được coi là cần thiết và người phòng vệ trong trường hợp này cũng được loại trừ TNHS do PVCĐ.
Nếu sự không cần thiết là rõ ràng thì hành vi phòng vệ không được coi là PVCĐ và vấn đề TNHS sẽ luôn được đặt ra. Điều 15 khoản 2 BLHS năm 1999 quy định: “... hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu TNHS”. Điều đó có nghĩa, hành vi bị coi là vượt quá giới hạn PVCĐ khi hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Sự quá mức cần thiết ở đây thể hiện như: lợi ích bảo vệ không lớn nhưng thiệt hại gây ra cho kẻ có hành vi xâm hại quá lớn… Luật hình sự quy định hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ là tội phạm và phải chịu TNHS. Tuy nhiên, trong trường hợp này điều luật chưa giải thích một cách cụ thể vấn đề lỗi của người có hành vi vượt quá giới hạn PVCĐ. Có ý kiến cho rằng: xét về phương diện chủ quan, “lỗi của người thực hiện hành vi chống trả với sự vượt quá trong trường hợp vượt quá giới hạn PVCĐ phải là lỗi cố ý mới phải chịu TNHS, ngược lại, nếu là lỗi vô ý thì TNHS được loại trừ [8, tr.548]. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này và cho rằng người phòng vệ gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại vượt quá mức cần thiết nhưng do lỗi vô ý thì cũng nên được loại trừ TNHS theo nguyên tắc nhân đạo của PLHS.
“Ở một chừng mực nhất định, vượt quá giới hạn PVCĐ cũng chính là sự bảo vệ, ngăn chặn sự xâm hại vào một trong các lợi ích cần được bảo vệ do người có hành vi xâm hại gây nên, tuy vậy, hành vi phòng vệ là quá mức cần thiết so với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại” [14, tr.150]. Do đó, người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn PVCĐ phải chịu TNHS nhưng bởi tính chất của động cơ hành động ở đây là vì muốn bảo vệ