Đạo đức của khách hàng: Một số doanh nghiệp cố ý thông báo số liệu tài chính của doanh nghiệp không chính xác, gây sai lệch trong việc thẩm định và cấp tín dụng đã dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ ngân hàng (rủi ro do sự lựa chọn đối nghịch).Hoặc bản thân doanh nghiệp thiếu ý thức trong vấn đề sử dụng vốn vay và trả nợ, không lo lắng, không quan tâm đến món nợ đối với ngân hàng mặc dù khả năng tài chính của doanh nghiệp có. Môt số doanh nghiệp thì lại có tư tưởng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tính toán, chụp giựt, lừa đảo, móc ngoặc, sử dụng vốn sai mục đích kiếm lời, vay không có ý định trả nợ ( rủi ro đạo đức).
Nguyên nhân chủ quan làm phát sinh nợ xấu
Chính sách tín dụng : Một chính sách tín dụng không đầy đủ, không đồng bộ và thống nhất sẽ dẫn tới việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho ngân hàng. Mặt khác để thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần, nhiều NHTM đã bỏ qua một số bước trong quy trình tín dụng, cơ chế cho vay được đơn giản hóa, tự ý hạ thấp tiêu chuẩn đánh giá khách hàng. Bài học vẫn còn đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xuất phát từ thị trường tài chính Hoa Kỳ có nguồn gốc sâu xa chính là những món cho vay dưới chuẩn. Đây là những khoản cho vay chất lượng thấp với mức rủi ro cao. Các khoản cho vay này không được xem xét kỹ lưỡng về khả năng thanh toán của khách hàng như: thu nhập hàng năm, tiểu sử nghề nghiệp, tài sản… và thường được bảo đảm bởi rất ít hoặc không có giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của người đi vay. Mặc dù các khoản cho vay này chỉ chiếm 16% tổng số món cho vay thế chấp nhưng nó lại chiếm tới hơn 50% các khoản vỡ nợ tại Hoa Kỳ
Công tác tổ chức kiểm tra,kiểm soát :cho vay sai mục đích, công tác kiểm tra giám sát trước trong và sau khi cho vay còn yếu kém, lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc phát hiện và xử lý không kịp thời những trường hợp vi phạm, lợi dụng trong hoạt động cho vay, và nợ xấu phát sinh là điều tất yếu. Ngoài ra các tổ chức tín dụng tăng trưởng quá nóng nhằm theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua những đánh giá cần thiết về khoản vay.
Chất lượng cán bộ ngân hàng : cán bộ tín dụng là người trực tiếp giao dịch với khách hàng, nắm bắt đặc điểm cũng như chất lượng khách hàng, khoản vay. Điều này đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có kiến thức, kinh nghiệm làm việc cũng như khả năng phân tích, dự báo… Một bộ phân cán bộ tín dụng trình độ yếu kém không đánh giá được hết các khả năng rủi ro liên quan đến khoản vay sẽ dần đến quyết định cho vay sai lầm và nguy cơ phát sinh nợ xấu rất cao.
Một số cán bộ của hệ thống NHTM sa sút về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, thiếu vững vàng do đó đã lợi dụng công việc được giao để móc ngoặc với con nợ, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để làm giàu bất hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản và tiền vốn.Đây là rủi ro về đạo đức của cán bộ ngân hàng.
Ngoài ra, năng lực quản trị điều hành của ban lãnh đạo ngân hàng không tốt như: (1) Buông lỏng quản lý, khoán trắng mọi việc cho cán bộ tín dụng, (2) Việc quản lý con người chưa đúng mức cũng như các hoạt động khác trong quản lý ngân hàng dẫn đến những sai lầm trong các quyết định cho vay, đưa đến chất lượng tín dụng kém kéo dài. Ngoài ra, vấn đề rủi ro đạo đức cũng xảy ra khi lãnh đạo ngân hàng có quan hệ lợi ích với khách hàng. Cơ chế trích lập dự phòng rủi ro chưa hợp lý dẫn đến những khó khăn khi phát sinh nợ xấu, gây mất lòng tin đối với nhà đầu tư.
2.1.3 Ảnh hưởng của nợ xấu
Khi có nợ xấu ngân hàng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến rất nhiều chủ thể. Đầu tiên là bản thân các ngân hàng và khách hàng đi vay, sau đó là tác động đến cả nền kinh tế.
Ảnh hưởng của nợ xấu ngân hàng đối với ngân hàng
Việc không thu hồi được nợ (gốc, lãi và các khoản phí) làm cho nguồn vốn của các NHTM bị thất thoát, trong khi đó, các ngân hàng này vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn hoạt động, làm cho lợi nhuận bị giảm sút. Nếu lợi nhuận không đủ thì ngân hàng còn phải dùng chính vốn tự có của mình để bù đắp thiệt hại. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của các NHTM.
Mặt khác, tỷ lệ nợ quá hạn cao làm cho uy tín, niềm tin vào tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến làm giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản, đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản và đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Ảnh hưởng của nợ xấu ngân hàng đối với nền kinh tế
Hệ thống ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế, là kênh thu hút và cung cấp tiền cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nền kinh tế. Do đó, rủi ro tín dụng có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.
Ở mức độ thấp, rủi ro tín dụng khiến cơ hội tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng của các khách hàng bị hạn chế, ảnh hưởng xấu đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Ở mức độ cao hơn, khi có một ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn dẫn đến phá sản, thì hiệu ứng dây chuyền rất dễ xảy ra trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, gây nên khủng hoảng đối với toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước.Mặt khác, khi nợ xấu càng kéo dài thì các chi phí bỏ ra về mặt hữu hình và vô hình đối với xử lý nợ xấu càng lớn.
Về mặt hữu hình là việc các tài sản cầm cố tại ngân hàng sẽ ngày càng bị hao mòn, hư hỏng, giá trị và giá trị sử dụng sẽ mất dần, nếu nợ xấu được xử lý nhanh thì các tài sản này sẽ được đem ra sử dụng nhanh chóng, tạo nên giá trị và giá trị thặng dư cho nền kinh tế.
Về mặt vô hình khi quá trình xử lý nợ xấu kéo dài, dẫn tới hệ số tín nhiệm của Việt Nam sẽ khó mà duy trì được mức tín nhiệm như hiện nay, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư.
Ảnh hưởng của nợ xấu ngân hàng đối với khách hàng
Đối với bản thân chủ thể không có khả năng hoàn trả vốn (lãi) cho ngân hàng thì họ gần như không có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng và thậm chí là cả những nguồn khác trong nền kinh tế do đã mất đi uy tín.
Cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng của các chủ thể đi vay khác cũng bị hạn chế hơn khi rủi ro tín dụng buộc các NHTM hoặc thắt cho vay hay thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động.
Các chủ thể gửi tiền vào ngân hàng có nguy cơ không thu hồi được khoản tiền gửi và lãi nếu như các ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản
Chính những ảnh hưởng nghiêm trọng của nợ xấu dẫn đến tầm quan trọng trong công tác quản lý nhằm hạn chế tổi thiếu việc phát sinh các khoản nợ xấu.
2.2 Các nhân tố tác động đến nợ xấu
Hiện nay trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có khá nhiều công trình nghiên cứu về các nhân tố tác động đến nợ xấu tại các ngân hàng.Một trong số các công trình nghiên cứu về nợ xấu tại các ngân hàng trên thế giới như công trình nghiên cứu của Boudriga (2009) “Problem loans in the MENA countries: bank specific determinants and the role of the business and the institutional environment” đưa ra các yếu tố đặc thù của ngân hàng như tăng trưởng tín dụng cao,dự phòng rủi ro tín dụng,sự góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước phát triển có tác động đến nợ xấu đồng thời môi trường thể chế,môi trường kinh doanh cũng tác động đến nợ xấu.
Ngoài ra nghiên cứu của Louzis (2011) “Macroeconomic and bank-specific determinants of non-performing loans in Greece: A comparative study of mortgage, business and consumer loan portfolios” đưa ra các nhân tố vĩ mô như GDP,tỷ lệ thất nghiệp,lãi suất và chất lượng quản lý của ngân hang đều có tác động đến nợ xấu.Tại Việt Nam thì có nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thi Minh Huệ (2015) “Non-Performing Loans: Affecting Factor for the Sustainability of Vietnam Commercial Banks” kiểm tra các yếu tố tác động đến nợ xấu tại các NHTM tại Việt Nam trong đó bao gồm 4 yếu tố: Tỷ lệ nợ xấu năm trước, Tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng tài sản, hình thức sở hữu có tác động đến nợ xấu tại các NHTM Việt Nam.
Thông qua việc khảo sát các nghiên cứu liên quan, luận văn sẽ khái quát lại các nhân tố tác động đến nợ xấu mà các nhà nghiên cứu thường hay đề cập và nhấn mạnh như tỷ lệ
tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của năm trước, dự phòng rủi ro tín dụng, khả năng sinh lợi của ngân hàng, quy mô ngân hàng, chất lượng quản lý của cấp lãnh đạo ngân hàng.Phần này luận văn sẽ lược khảo các lý thuyết liên quan đến các nhân tố nêu trên. Các nhân tố này sẽ được kiểm định chiều hướng và mức độ tác động của từng nhân tố lên nợ xấu của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam trong giai đoạn 2002-2016 trong mô hình nghiên cứu luận văn sẽ trình bày ở những phần sau. Đặc điểm các nhân tố sẽ được trình bày chi tiết dưới đây:
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong từng thời kỳ phụ thuộc vào chính sách tín dụng mà ngân hàng theo đuổi trong thời kỳ đó. Chính sách tín dụng là hệ thống các quan điểm, chủ trương, định hướng quy định chỉ đạo hoạt động tín dụng và đầu tư của ngân hàng, do Hội đồng quản trị đưa ra phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng và những quy định pháp lý hiện hành.Theo đó, chính sách tín dụng của ngân hàng phải đạt được mục tiêu cân bằng giữa tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo khả năng tăng trưởng tín dụng và đầu tư an toàn, hiệu quả, đúng định hướng và chiến lược phát triển của ngân hàng.Mô hình của Rajan(1994) “Why Bank Credit Policies Fluctuate: A Theory and Some Evidence” đã giải thích mối tương quan giữa những thay đổi trong chính sách tín dụng và điều kiện từ phía nhu cầu của ngân hang như ban quản lý cố gắng nâng cao thu nhập hiện tại bằng cách lợi dụng chính sách tín dụng tự do và giấu các khoản nợ xấu ở tương lai.
Chính sách tín dụng trong từng thời kỳ quyết định mức độ tăng trưởng cho vay khách hàng. Theo Keeton (1999) “Does faster loan growth lead to higher loan losses” phân tích ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng tín dụng đến nợ xấu của các NHTM Mỹ giai đoạn 1982-1996 và kết quả cho thấy mối quan hệ cùng chiều với nợ xấu.Khi các ngân hàng chạy theo chiến lược tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn, bằng mọi cách các ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vì đây là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho ngân hàng. Các thể chế tài chính này thực hiện tăng trưởng tín dụng nhanh bằng cách cho vay
lãi suất thấp, bỏ qua các đánh giá cần thiết về khách hàng vay dẫn đến cho vay dưới chuẩn và kết quả gia tăng các khoản nợ xấu trong tương lai theo Fernandez De Lis và các tác giả (2000)“Credit Growth, Problem Loans And Credit Risk Provisioning In Spain”có kết luận tương tự về mối quan hệ giữa nợ xấu và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng.
Ở Việt Nam trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng và phát triển thì tín dụng cũng được mở rộng để tạo cung tiền cho nền kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng có thể được sử dụng như một giải pháp cho tăng trưởng kinh tế nhưng phải được sử dụng thận trọng và hợp lý thì mới mang lại hiệu quả.
Dự phòng rủi ro tín dụng
Dự phòng rủi ro tín dụng: Là khoản tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với các khoản tín dụng (nợ) của ngân hàng. Trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, dự phòng rủi ro tín dụng là một khoản mục thuộc tài sản và làm giảm giá trị của tài sản Có, nhằm phản ánh sự suy giảm của tài sản trước những tổn thất có khả năng xảy ra. Trong khi đó, trong bảng kết quả kinh doanh, dự phòng là một khoản chi phí phi tiền mặt (non cash), được ghi nhận làm giảm lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của ngân hàng.Dự phòng rủi ro tín dụng gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Dự phòng chung (General provision) được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra, nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể. Dự phòng cụ thể (Specific provision) được trích lập để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể.
Theo cách hiểu như trên, dự phòng rủi ro tín dụng được xem như là cơ chế kiểm soát đối với rủi ro dự kiến. Dự phòng rủi ro được tính theo dư nợ gốc và được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng. Ngân hàng dự đoán khả năng mất vốn thông qua việc xếp khách hàng vay vào các nhóm nợ theo quy định, khả năng mất vốn càng cao thì tỷ lệ trích lập dự phòng càng lớn. Theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ trích lập dự phòng như sau:
Bảng 2.1 Tỷ lệ trích lập dự phòng
Dự phòng cụ thể (Specific provision) | Dự phòng chung (General provisi on) | |
1 – Nợ đủ tiêu chuẩn (Current) | 0% | 0,75% |
2 – Nợ cần chú ý (Special mentioned) | 5% | |
3 – Nợ dưới tiêu chuẩn (Sub- standard) | 20% | |
4 – Nợ nghi ngờ (Doubtful) | 50% | |
5 – Nợ có khả năng mất vốn (Bad) | 100% |
Có thể bạn quan tâm!
- Các nhân tố tác động đến nợ xấu tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - 1
- Các nhân tố tác động đến nợ xấu tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam - 2
- Sơ Lược Về Quá Trình Phát Triển Của Vietcombank.
- Thực Trạng Mối Quan Hệ Các Nhân Tố Và Tỷ Lệ Nợ Xấu
- Biểu Đồ Biểu Diễn Tỷ Suất Sinh Lợi Của Vietcombank Và Tỷ Lệ Nợ Xấu Qua Các Năm 2002-2016
Xem toàn bộ 92 trang tài liệu này.
Perez và ctg (2006 ) lưu ý rằng dự phòng chung thường tăng lên trong thời kỳ kinh tế phát triển, vì các ngân hàng cho vay nhiều hơn và nhu cầu tín dụng cao trong giai đoạn này. Trong thời kỳ suy thoái, các khoản vay của các công ty sẽ chịu rủi ro nhiều hơn do đó dự phòng cụ thể cũng tăng cao hơn. Số dư quỹ dự phòng cụ thể tăng cao đồng nghĩa với việc ngân hàng đang đối mặt với nhiều khoản vay có vấn đề. Việc trích lập dự phòng này sẽ làm giảm thu nhập tạm thời của ngân hàng và củng cố khả năng thanh toán của ngân hàng trong trung hạn. Các nhà quản lý có thể sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng để thể hiện sức mạnh tài chính của ngân hàng đó và qua đó thể hiện thái độ đối với việc kiểm soát rủi ro. Tỷ lệ trích lập dự phòng chung phản ánh thái độ của hệ thống ngân hàng đối với kiểm soát rủi ro
Khả năng sinh lợi của ngân hàng
Lợi nhuận là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh hiệu quả kinh doanh cũng như để đánh giá sự phát triển bền vững của một ngân hàng. Hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với khả năng thanh toán và chỉ ra triển vọng phát triển trong tương lai của ngân hàng đó. Những ngân hàng hoạt động không hiệu quả sẽ gây ra những thua lỗ và nắm giữ những tài sản không thanh khoản, cuối cùng sẽ trở nên mất khả năng thanh toán. Trong môi trường cạnh tranh quốc tế, tăng cường hiệu quả kinh doanh, nâng cao khả năng sinh lời của mỗi ngân hàng là cách tốt nhất để giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển một cách bền vững.Tuy nhiên, một ngân hàng có mức lợi nhuận cao chưa hẳn là tốt, để có mức lợi nhuận như vậy có thể ngân hàng này đã chấp nhận một cơ cấu tài sản có độ rủi ro cao. Khi xét đến chỉ tiêu lợi nhuận, cần phân tích lợi nhuận trong mối quan hệ với các chỉ tiêu quản lý khác, chẳng hạn như mức độ thanh khoản, mức chấp nhận rủi ro, cơ cấu tài sản cũng như triển vọng phát triển lâu dài của ngân hàng.
Trong phân tích đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng, có thể đo lường bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau, như:các chỉ tiêu quan trọng nhất đo lường khả năng sinh lời của ngân hàng được sử dụng hiện nay gồm:Tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu ( ROE), lệ thu nhập trên tổng tài sản tỷ (ROA), tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên … Dù đo lường cách nào thì vẫn chủ yếu là xem xét mức lợi nhuận của ngân hàng sau một thời kỳ hoạt động trong các mối tương quan với nguồn vốn, tài sản, khả năng bù đắp chi phí và những thất thoát xảy ra cũng như khả năng bảo toàn và phát triển vốn. Để có lãi, các ngân hàng phải tạo ra nguồn thu nhập ngày càng tăng cho mình, phải tiết kiệm chi phí hoạt động tới mức hợp lý,đồng thời phải hạn chế được những rủi ro, thất thoát thông qua các chính sách, biện pháp quản lý và phải tạo ra cơ cấu nguồn vốn và tài sản hợp lý.Một ngân hàng có khả năng sinh lời tương đối ổn định thể hiện ngân hàng có khả năng kiểm soát tốt những rủi ro hoạt động đặc biệt ít khả năng phát sinh nợ xấu.
Quy mô ngân hàng