Khái Niệm Và Đặc Điểm Của Hành Vi Cạnh Tranh Không Lành Mạnh

1.1.2. Khái niệm và đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

1.1.2.1. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Trước hết, cạnh tranh không lành mạnh là một khái niệm bắt nguồn từ những quy định mang tính nguyên tắc trong pháp luật dân sự, theo đó, các chủ thể trong giao dịch (dân sự hay thương mại) phải đảm bảo tôn trọng thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội ở mỗi quốc gia. Với những quy định như vậy, giao dịch thương mại trên thị trường cũng phải đảm bảo tôn trọng những quy tắc trong xã hội về đạo đức kinh doanh. Sự phát triển đa dạng của các quan hệ thương mại trong điều kiện tự do cạnh tranh ở các nền kinh tế theo cơ chế thị trường đã kéo theo những hành vi cạnh tranh đa dạng, phức tạp nhằm giành được lợi thế nhất định cho mình, thậm chí gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh khác, trong đó, có hành vi CTKLM.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Hiểu theo nghĩa rộng, hành vi CTKLM bao gồm tất cả hành vi xâm hại tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, xâm hại tới quyền tự do cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp. Theo cách quan niệm này, lượng hành vi bị coi là hành vi CTKLM sẽ rộng lớn nhất bởi các hành vi hạn chế cạnh tranh cũng thuộc vào phạm trù “cạnh tranh không lành mạnh" [32]. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong cơ chế xử lý giữa hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi CTKLM, bởi lẽ, hai loại hành vi trên có những đặc điểm khác biệt về bản chất rất khó trộn lẫn với nhau.

Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp quy định về “cạnh tranh không lành mạnh” (Điều 10bis – bổ sung vào Công ước từ năm 1900), theo đó bất cứ hành vi nào trái với tập quán trung thực trong hoạt động thương mại và công nghiệp đều bị coi là hành vi CTKLM [10, tr. 22]. Như vậy, quan niệm như trong Công ước Paris có phần hẹp hơn, chủ yếu hướng tới

các hành vi mang tính chất gian dối trong hoạt động thương mại, không bao hàm một số hành vi thường cũng được coi là các hành vi CTKLM trong pháp luật của nhiều quốc gia như hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của đối thủ cạnh tranh, xâm phạm bí mật kinh doanh.

Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 đưa ra khái niệm hành vi CTKLM như sau: “Hành vi CTKLM là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”. Theo đó, nguyên tắc để xác định một hành vi được coi là CTKLM cụ thể như sau: (i) Hành vi trái với chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, và

(ii) Gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại tới lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Theo các quan niệm trên, khi đề cập đến hành vi CTKLM người ta thường nhấn mạnh đến tính “không lành mạnh” của hành vi cạnh tranh, tức là những hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong quan hệ thương mại, mà hệ quả của những hành vi này có thể sẽ dẫn đến gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng, làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.

Như vậy, các dấu hiệu để nhận biết hành vi CTKLM đó là: (i) Hành vi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhằm tới những đối thủ cạnh tranh cụ thể, xác định được trên cùng một phân khúc thị trường; (ii) Hành vi trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh; và (iii) hành vi gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

1.1.2.2. Đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam - 3

Xuất phát từ khái niệm hành vi CTKLM nêu trên, có thể xác định một số đặc điểm cơ bản của hành vi CTKLM như sau:

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi CTKLM là các chủ thể kinh doanh trong cùng một lĩnh vực nhất định trên thị trường. Trên thị trường cạnh tranh, mỗi hành vi kinh doanh của một doanh nghiệp cũng có thể là hành vi cạnh tranh trong tương quan với các doanh nghiệp khác, do đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có thể bị xem xét về tính chính đáng, phù hợp với thông lệ hay đạo đức kinh doanh và pháp luật về CTKLM có thể can thiệp vào nhiều hoạt động khác nhau của đời sống kinh tế.

Thứ hai, hành vi CTKLM phải nhằm mục đích cạnh tranh . Có thể thấy cạnh tranh là một vấn đề sống c ̣ òn của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Quy luật cạnh tranh cũng giống như những quy luật tồn tại và đào thải của tự nhiên, luôn khẳng định chiến thắng thuộc về kẻ mạnh. Do đó, để thu được nhiều lợi nhuận, các doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh với nhau và đôi khi họ sử dụng cả những cách thức, phương pháp mà pháp luật không cho phép, xâm phạm đến lợi ích của các đối thủ khác. Mục đích cạnh tranh là yếu tố bắt buộc để xác định một hành vi là cạnh tranh lành mạnh hay không lành mạnh. Nếu hành vi của doanh nghiệp, hiệp hội không nhằm mục đích cạnh tranh thì đó không phải là hành vi CTKLM.

Thứ ba, hành vi CTKLM mang tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ kinh doanh tốt đẹp, các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung đã được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường. Đặc điểm này phần nào thể hiện nguồn gốc tập quán pháp của pháp luật về CTKLM, các quy định về CTKLM được hình thành và hoàn thiện qua bề dày thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, không thể một sớm một chiều mà có được. Mặt khác, đặc điểm này cũng đòi

hỏi cơ quan xử lý về hành vi CTKLM phải có những hiểu biết và đánh giá sâu sắc về thực tiễn thị trường để phán định một hành vi có đi ngược lại những quy tắc xử sự chung trong kinh doanh tại một thời điểm nhất định hay không.

Thứ tư, hành vi CTKLM có đối tượng xâm hại cụ thể là các đối thủ cạnh tranh, người tiêu dùng, lợi ích Nhà nước hoặc các lợi ích xã hội khác. Bên cạnh đó, thiệt hại mà hành vi gây ra có thể là hiện thực (đã xảy ra) nhưng cũng có thể chỉ là tiềm năng (có căn cứ để xác định rằng hậu quả chắc chắn sẽ xảy ra nếu không ngăn chặn hành vi). Do đó, một số hành vi CTKLM có cấu thành vật chất (thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc) như gièm pha doanh nghiệp khác; một số hành vi có cấu thành hình thức (thiệt hại không là dấu hiệu bắt buộc mà có thể chỉ là sự suy đoán nếu hành vi tiếp tục được thực hiện), ví dụ hành vi quảng cáo không trung thực….

Đặc điểm về hậu quả của hành vi giúp cho chúng ta phân biệt dưới góc độ lý thuyết hành vi CTKLM và hành vi hạn chế cạnh tranh. Hành vi hạn chế cạnh tranh là những xử sự của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có một vị thế nhất định, có khả năng chi phối, lũng đoạn thị trường, tác động làm thay đổi một cách tiêu cực tình trạng cạnh tranh hoặc làm giảm tác dụng của cạnh tranh đối với thị trường. Hành vi hạn chế cạnh tranh có thể gây thiệt hại cho một, một số đội tượng cụ thể, song nghiêm trọng hơn là làm cản trở, làm suy giảm hoặc sai lệch cạnh tranh [40, tr. 244]. Trong khi đó, hành vi CTKLM chỉ gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác hoặc cho người tiêu dùng, xâm hại đến trật tự quản lý cạnh tranh của nhà nước mà không cản trở, sai lệch hay làm giảm tình trạng cạnh tranh của thị trường. Vì vậy, cách thức và mức độ xử lý đối với hai loại hành vi này khác nhau.

Như vậy, để xác định một hành vi là hành vi CTKLM phải có đủ bốn đặc điểm trên. Nếu thiếu một trong bốn đặc điểm này thì hành vi đó không được coi là hành vi CTKLM và không chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2004.

1.2. HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2.1. Khái quát chung về hoạt động của ngân hàng thương mại

1.2.1.1. Sơ lược về sự ra đời và phát triển các ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Theo Sắc lệnh số 15/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 05/05/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được ra đời. Giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1987, ở Việt Nam đã tạo lập hệ thống ngân hàng một cấp, phù hợp với cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung.

Quá trình chuyển đổi của hệ thống các ngân hàng Việt Nam theo định hướng kinh tế thị trường được chính thức ghi nhận kể từ thời điểm Chính phủ ban hành hai Pháp lệnh về ngân hàng vào tháng 5/1990. Trong đó, lần đầu tiên quy định hệ thống các ngân hàng Việt Nam được tổ chức làm hai cấp có chức năng, nhiệm vụ phân biệt rõ ràng: Ngân hàng Trung ương là cơ quan phát hành tiền tệ và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ - tín dụng và các NHTM thực hiện chức năng kinh doanh, trung gian tài chính.

Hệ thống ngân hàng hai cấp tiếp tục được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng 1997, tạo ra khung pháp lý cho quá trình phát triển lâu dài của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân loại dựa trên tiêu chí cấu trúc vốn, bao gồm hai loại hình ngân hàng là ngân hàng trong nước và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng trong nước bao gồm các NHTM nhà nước, NHTM cổ phần. Ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo thống kê về Hệ thống tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên website sbv.gov.vn [45], tính đến ngày 30/6/2015, ngoài hệ thống NHNN

gồm Hội Sở chính và 63 chi nhánh ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn có hệ thống TCTD gồm: 03 NHTM nhà nước; 34 NHTM cổ phần; 02 ngân hàng chính sách; 01 ngân hàng hợp tác xã (trước là Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương); 17 công ty tài chính; 11 công ty cho thuê tài chính; 03 tổ chức tài chính vi mô; 04 ngân hàng liên doanh; 05 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 51 văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài tại Việt Nam. Với hệ thống các TCTD và NHTM nói trên, thị trường tín dụng ở Việt Nam đang ngày càng sôi nổi và tính chất cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn bao giờ hết.

Tại Luật các Tổ chức tín dụng 1997, lần đầu tiên hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng được thể chế hóa, Điều 16 quy định về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng, theo đó các tổ chức hoạt động ngân hàng được hợp tác và cạnh tranh hợp pháp, nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và lợi ích hợp pháp của các bên. Đến Luật các TCTD 2010 đã cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm tính phù hợp giữa luật chung và luật chuyên ngành, bảo đảm hoạt động kiểm soát, quản lý các hành vi cạnh tranh trên thị trường một cách tốt nhất.

1.2.1.2. Khái niệm ngân hàng thương mại

Ngân hàng là một trong các tổ chức tài chính quan trọng nhất của nền kinh tế. Ngân hàng bao gồm nhiều loại tuỳ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng, trong đó, NHTM thường chiếm tỷ trọng lớn nhất về quy mô tài sản, thị phần và số lượng các ngân hàng.

Khoản 3 Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng 2010 đã định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này

nhằm mục tiêu lợi nhuận”. Nói cách khác, NHTM là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, là một TCTD thực hiện huy động vốn nhàn rỗi từ các chủ thể trong nền kinh tế để tạo lập nguồn vốn tín dụng và cho vay phát triển kinh tế, tiêu dùng… cho xã hội.

Đa số các nhà kinh tế học đều cho rằng, NHTM là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt hoạt động và kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ. NHTM có những đặc điểm sau:

- NHTM là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt vì đối tượng kinh doanh là tiền tệ, hoạt động tín dụng là đặc trưng cơ bản được thực hiện chủ yếu bằng cách thu hút vốn tiền tệ trong xã hội để cho vay. Sản phẩm NHTM kinh doanh và làm dịch vụ là tiền và các chứng từ có giá như cổ phiếu, thương phiếu, hối phiếu, trái phiếu và tín phiếu. Đây là những sản phẩm cao cấp của nền kinh tế thị trường, được điều hành bởi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nhất định và được vận hành theo một quy trình chặt chẽ do pháp luật quy định.

- Nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh: Nguồn vốn phần lớn là tiền gửi của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong nền kinh tế. Đặc điểm nổi bật của NHTM là không sử dụng nguồn vốn sở hữu vào trong các hoạt động kinh doanh của mình, nguồn vốn phần lớn là tiền gửi của các cá nhân, tổ chức kinh tế trong nền kinh tế. Trong khi các loại hình kinh tế khác lại sử dụng chủ yếu nguồn vốn sở hữu vào các hoạt động kinh doanh. Điều này dẫn đến tính tự chủ trong hoạt động kinh doanh của NHTM kém hơn và mức độ rủi ro cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Sự khác biệt của NHTM với các định chế tài chính khác là NHTM có quyền huy động tiền gửi trong nền kinh tế mỗi khi cần vốn để tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình. Không có một định chế tài chính nào ngoài NHTM có thể nhận tiền gửi từ các cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế.

- Khách hàng là những người đóng vai trò hai mặt đối với NHTM. Thứ nhất, họ là những người cung cấp các điều kiện để NHTM hoạt động, họ là những người tạo nguồn vốn cho NHTM. Thứ hai, họ là những khách hàng sử dụng các sản phẩm của NHTM, như đi vay, sử dụng các dịch vụ thanh toán của NHTM. Vì vậy, khách hàng chính là những người cung cấp đầu vào cho NHTM và cũng chính là người sử dụng sản phẩm đầu ra của NHTM đó.

1.2.1.3. Về các hoạt động ngân hàng thương mại

a. Hoạt động huy động vốn: Hoạt động huy động vốn là hoạt động thường xuyên của NHTM. Bất kì một NHTM nào cũng bắt đầu hoạt động của mình bằng việc huy động nguồn vốn. Đối tượng huy động của NHTM là nguồn tiền nhàn rỗi trong các tổ chức kinh tế, dân cư, trong đó nguồn vốn quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn của NHTM là tiền gửi của khách hàng. Điều này có nghĩa là khách hàng đóng vai trò rất quan trọng đối với các NHTM bởi họ vừa là đầu vào vừa là đầu ra trong hoạt động của các ngân hàng. Do đó, các NHTM cần cung cấp các dịch vụ nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, bảo mật và đặc biệt quan trọng là có tính an toàn nhằm thu hút, làm hài lòng các “thượng đế” của mình.

b. Hoạt động sử dụng vốn: Khi đã huy động được một số tiền nhất định, các NHTM sẽ tìm cách để những khoản tiền đó được đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, có hiệu quả, an toàn, đem lại nhiều lợi nhuận cho Ngân hàng. NHTM sử dụng vốn bằng những cách như: tài trợ lại cho nền kinh tế dưới dạng cho các thành phần kinh tế vay; hoặc đầu tư trực tiếp, tham gia góp vốn cùng kinh doanh hay cho thuê tài sản; gửi tiền tại các ngân hàng khác (tại NHNN, những TCTD khác); đầu tư trên thị trường chứng khoán... Trong đó, sự phát triển của hoạt động cho vay, đã giúp NHTM có vị trí ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Hơn nữa thông qua hoạt động cho vay, NHTM có khả năng “tạo tiền” hay mở rộng lượng tiền cung ứng. Điều

Xem tất cả 133 trang.

Ngày đăng: 12/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí