Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam - 2

đối với các NHTM trong nước, bởi lẽ, với một thị trường tài chính còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm thích ứng và xử lý với những biến động của kinh tế thị trường, nhưng lại có quá nhiều chủ thể cung ứng dịch vụ ngân hàng, bởi vậy, việc bảo đảm cho các NHTM trong nước có vị trí xứng đáng trên thị trường quả là công việc khó khăn, nhất là tiềm lực tài chính và kinh nghiệm kinh doanh. Thực thi các cam kết quốc tế, các NHTM trong nước buộc phải thay đổi các phương thức kinh doanh, đặc biệt là cần phải có các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khi có sự hiện diện của các NHTM nước ngoài tại Việt Nam.

Mặc dù thời gian qua, các NHTM trong nước cũng đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô, tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh giữa các NHTM tại thị trường Việt Nam cũng đang trở nên nóng bỏng và khốc liệt. Là một lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm trong nền kinh tế, ngành Ngân hàng cần phải có những quy định pháp lý hết sức chặt chẽ và hiện đại để điều chỉnh kịp thời các hành vi cạnh tranh đa dạng và thay đổi liên tục để duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các TCTD.

Xuất phát từ mục tiêu duy trì và bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM, tăng cường nhận thức về pháp luật cạnh tranh, chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các NHTM ở Việt Nam, tác giả đã mạnh dạn lựa chọn vấn đề: “Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam” để làm đề tài Luận văn Thạc sĩ Luật học. Đây cũng là một đề tài có ý nghĩa quan trọng cấp bách cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn.

2. Tình hình nghiên cứu

Cạnh tranh giữa các NHTM là một trong những vấn đề quan trọng, phong phú và phức tạp trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, nên từ trước đến

nay, nó cũng được một số nhà luật học đề cập đến trong các nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được chú trọng quan tâm đúng mức.

Điều chỉnh bằng pháp luật đối với các hành vi cạnh tranh giữa các NHTM đã được đề cập chính thức tại Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997, nhưng chỉ là những quy định chung chung, không rõ ràng. Đến năm 2004, cùng với sự sửa đổi, bổ sung hai luật trên, vấn đề này đã được quy định cụ thể hơn trong Luật Cạnh tranh, tuy nhiên, chưa có sự phân biệt rõ giữa cạnh tranh nói chung và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng - một lĩnh vực kinh doanh đặc biệt. Sau thời điểm này, đã có thêm những bài viết nghiên cứu, song ở khía cạnh kinh doanh hơn là pháp luật. Cụ thể như: “Áp dụng Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng” của TS. Nguyễn Văn Tuyến đăng trên Tạp chí Luật học số 06/2006; “Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng – Nhìn từ góc độ pháp lý” của TS. Nguyễn Kiều Giang đăng trên Tạp chí Luật học số 12/2007; “Hoàn thiện pháp luật cạnh tranh của các tổ chức có hoạt động ngân hàng nhìn từ bất cập và các yêu cầu” của ThS. Viên Thế Giang đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2008; “Hành lang pháp lý liên quan đến sáp nhập và thâu tóm ngân hàng ở Việt Nam” của ThS. Bùi Thanh Lâm đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11/2010; “Hoàn thiện pháp luật cạnh tranh ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm học 2009 – 2010, Học viện Ngân hàng (Chủ nhiệm Viên Thế Giang)... Một số công trình luận văn thạc sỹ như: “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam thông qua hoạt động sáp nhập và mua lại”, Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Phạm Thị Tuyết Vân, Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, 2008; “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đến 2015”, Luận văn Thạc sỹ Kinh tế, Đặng Hoàng An Dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2010... Các

công trình nghiên cứu khoa học trên đã đưa ra những bàn luận và giải quyết được một số vấn đề về lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật, song đều nghiên cứu ở khía cạnh nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các công trình này cũng cho thấy, vấn đề cạnh tranh giữa các NHTM mặc dù là một trong những chế định cơ bản nhưng cũng là một trong những chế định còn nhiều nội dung chưa đạt đến sự đồng thuận và gây tranh luận sôi nổi trong giới khoa học và kinh doanh từ trước đến nay.

Trên cơ sở kế thừa những giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu trước đây, Luận văn này tiếp tục đi sâu, phát triển nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam hiện nay.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 133 trang tài liệu này.

* Mục đích nghiên cứu:

- Nghiên cứu các vấn đề lý luận về cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh nói chung và cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại theo pháp luật Việt Nam - 2

- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam; chỉ ra những bất cập, tồn tại trong cơ chế thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

- Đưa ra định hướng và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam.

* Nhiệm vụ nghiên cứu:

- Làm rõ những vấn đề về lý luận, phân tích khái niệm, đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đặc thù của cạnh tranh không lành mạnh được thể hiện trong lĩnh vực ngân hàng, vai trò của pháp luật cạnh tranh trong điều chỉnh lĩnh vực ngân hàng;

- Nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng, tính hiệu quả của cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam;

- Đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam hiện nay.

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn được tiếp cận nghiên cứu dựa trên phương pháp luận, quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Bên cạnh đó, để đạt được mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, tác giả còn sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản như: phương pháp tổng hợp, phân tích, khái quát hóa trong khi tìm hiểu các quy phạm pháp luật về cạnh tranh, về hoạt động ngân hàng từ trước đến nay; phương pháp so sánh, khảo sát, đánh giá khi nghiên cứu thực trạng thực thi các quy phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam trên thực tiễn để đối chiếu, tìm ra những hạn chế và đề xuất hướng hoàn thiện phù hợp. Các phương pháp nghiên cứu này còn dựa trên sự tiếp thu quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là đổi mới cơ chế kinh tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

* Đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu chủ yếu về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các NHTM theo pháp luật Việt Nam.

* Phạm vi nghiên cứu: Kể từ những năm 90 trở đi, đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn đến các TCTD bắt đầu có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, phải đến khi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng ra đời năm 1997, thì pháp luật về cạnh tranh giữa các ngân hàng mới chính thức được ghi nhận. Do đó, luận văn sẽ đi sâu

nghiên cứu từ giai đoạn năm 1997 đến nay, trong đó, đặc biệt ưu tiên trong phạm vi 5 năm gần đây với sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng mới (được sửa đổi năm 2010). Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và xu thế cạnh tranh hiện nay của các NHTM để có những kiến nghị, đề xuất hợp lý nhất. Đồng thời, luận văn cũng có sự so sánh pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng của một số nước như: Mỹ, Hunggari, Ba Lan, Anh, Pháp… để tham khảo trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam.

6. Những đóng góp mới của Luận văn

- Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần đáng kể về mặt lý luận của pháp luật cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng.

-Về thực tiễn, Luận văn chỉ ra xu thế cạnh tranh của các NHTM ở Việt Nam trong thời gian sắp tới; đánh giá được những điểm mạnh, điểm yếu của pháp luật cạnh tranh giữa các NHTM hiện nay và đưa ra những giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực ngân hàng. Ngoài ra, luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, học tập tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành luật ở nước ta.

7. Kết cấu Luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, bố cục Luận văn được kết cấu với ba chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại.

Chương 2: Thực trạng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay.

Chương 3: Một số kiến nghị nhằm chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI


1.1. KHÁI QUÁT VỀ CẠNH TRANH VÀ HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

1.1.1. Khái niệm và đặc điểm của cạnh tranh

1.1.1.1. Khái niệm cạnh tranh

Trong nền kinh tế thị trường – hình thức phát triển cao của nền kinh tế hàng hóa - cạnh tranh đã trở thành quy luật then chốt và là một thuộc tính quan trọng. Với tư cách là một trong những đặc trưng cơ bản, đồng thời là động lực phát triển của kinh tế thị trường, khái niệm cạnh tranh đã được hiểu từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Với tư cách là hiện tượng xã hội, P.A Samuelson & W.D.Nordhaus – hai nhà kinh tế học Mỹ đã viết trong cuốn “Kinh tế học” (tái bản lần thứ 12) rằng: “Cạnh tranh là sự kình địch giữa các doanh nghiệp nhằm cạnh tranh với nhau để giành giật một đối tượng khách hàng hay một thị trường trong lĩnh vực nào đó...”. Với tư cách là động lực nội tại trong mỗi một chủ thể kinh doanh, cuốn “Black’Law Dictionary” diễn tả cạnh tranh là “sự nỗ lực hoặc hành vi của hai hay nhiều thương nhân nhằm tranh giành những lợi ích giống nhau từ chủ thể thứ ba” [42, tr. 278]. Từ điển Kinh doanh của Anh xuất bản năm 1992 cũng định nghĩa: “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình” [15, tr.19]. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa cạnh tranh là tranh đua giữa những cá nhân, tập thể có chức năng như nhau, nhằm giành phần hơn, phần thắng về phía mình [41, tr. 258]. Cạnh tranh cũng có thể được hiểu là hành vi của doanh nghiệp độc lập với nhau và là đối

thủ của nhau cung ứng hàng hóa, dịch vụ nhằm làm thỏa mãn nhu cầu giống nhau với sự may rủi của mỗi bên, thể hiện qua việc lôi kéo được hoặc để bị mất đi một lượng khách hàng thường xuyên [16, tr. 11].

Theo các cách giải thích trên, nếu nhìn từ phía các chủ thể của hành vi thì cạnh tranh được coi là phương thức giải quyết mâu thuẫn về lợi ích tiềm năng giữa các nhà kinh doanh với vai trò quyết định của người tiêu dùng. Nếu nhìn khái quát trên quy mô toàn xã hội thì cạnh tranh là phương thức phân bổ các nguồn lực, tài nguyên một cách tối ưu, do đó là động lực bên trong của nền kinh tế phát triển. Với những ý nghĩa quan trọng đó, thông qua việc đáp ứng các nhu cầu và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, cạnh tranh có vai trò điều tiết, phân phối thu nhập, đào thải tự nhiên đối với những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, dành lại chỗ đứng cho những doanh nghiệp giỏi, có tiềm năng. Cạnh tranh thúc đẩy phát triển các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và sáng tạo, đồng thời đảm bảo cho việc sử dụng các nguồn lực kinh tế một cách hiệu quả nhất, góp phần tạo nên năng lực cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp trên thị trường.

1.1.1.2. Đặc điểm của cạnh tranh

Được nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau, với tính chất đa dạng và phức tạp của quá trình cạnh tranh trong nền kinh tế hiện đại, các định nghĩa về cạnh tranh nêu trên đều được mô tả bởi 3 đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, với tư cách là hiện tượng xã hội diễn ra giữa các chủ thể kinh doanh, cạnh tranh chỉ xuất hiện khi tồn tại những tiền đề nhất định sau đây:

- Có sự tồn tại của quan hệ thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và các hình thức sở hữu khác nhau. Bởi lẽ khi trong một thị trường nhất định nào đó chỉ có một doanh nghiệp tồn tại thì chắc chắn nơi đó sẽ không có đất cho cạnh tranh nảy sinh và phát triển. Mặt khác, khi có sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, song chúng chỉ thuộc về một

thành phần kinh tế duy nhất thì sự cạnh tranh chẳng còn ý nghĩa gì [22]. Cạnh tranh chỉ thực sự trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn nếu các doanh nghiệp thuộc về các thành phần kinh tế khác nhau với những lợi ích và tính toán khác nhau.

- Cạnh tranh chỉ có thể tồn tại nếu như các chủ thể có quyền tự do hành xử trên thị trường. Doanh nghiệp muốn chủ động tìm kiếm khả năng sinh tồn và phát triển trên thị trường cần có sự tự do, sự độc lập và tự chủ. Mọi kế hoạch để sắp đặt các hành vi ứng xử, cho dù được thực hiện với mục đích gì đi nữa, đều hạn chế khả năng sáng tạo trong kinh doanh.

Thứ hai, về mặt hình thức, cạnh tranh là sự ganh đua, sự kình địch giữa các doanh nghiệp. Mức lợi nhuận của mỗi nhà kinh doanh sẽ tỷ lệ thuận với năng lực của bản thân họ trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người tiêu dùng trong xã hội, do đó các doanh nghiệp sẽ đua nhau lấy lòng khách hàng. Từng thủ đoạn được sử dụng để ganh đua được gọi là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp. Kết quả của cuộc cạnh tranh trên thị trường làm cho người chiến thắng mở rộng được thị phần và tăng lợi nhuận, làm cho kẻ thua cuộc chịu mất khách hàng và phải rời khỏi thị trường.

Thứ ba, mục đích của các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh là cùng tranh giành thị trường mua hoặc bán sản phẩm. Trong kinh doanh, lợi nhuận là động lực cho sự gia nhập thị trường, là thước đo sự thành đạt và là mục đích hướng đến của các doanh nghiệp. Do đó, khi tham gia vào thị trường, doanh nghiệp luôn ganh đua để có thể tranh giành các cơ hội tốt nhất nhằm mở rộng thị trường. Trên thị trường, cạnh tranh chỉ xảy ra giữa các doanh nghiệp có chung lợi ích tiềm năng về nguồn nguyên liệu đầu vào (cạnh tranh mua); hoặc về thị trường đầu ra của sản phẩm (cạnh tranh bán) của quá trình sản xuất. Việc có chung khách hàng hoặc đối tác để tranh giành, có chung một nguồn lợi ích để hướng đến làm cho các doanh nghiệp có cùng mục đích và trở thành đối thủ cạnh tranh của nhau.

Xem tất cả 133 trang.

Ngày đăng: 12/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí