Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của nam xương - nguyễn cát ngạc (ở hai thể loại: kịch bản văn học và truyện ngắn) - 9


Giao, mà vẫn một lòng son sắt với Nguyễn Trãi ở quê nhà. Cho đến khi đối mặt với cái chết bi thảm, nàng vẫn sẵn sàng hy sinh phẩm tiết của mình cho viên thẩm sát với một điều kiện duy nhất là y tha cho Nguyễn Trãi. Tấm lòng trung trinh của Nguyễn Thị Lộ cùng với nhan sắc và tài năng của bà làm nên một vẻ đẹp hoàn thiện, và đó là chân dung nhân vật phụ nữ đẹp nhất trong truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc.

Hai nhân vật lịch sử khác cũng được ông xây dựng với sự quý trọng, đó là công chúa Huyền Trân và thái tử - sau này là vua Chiêm - Chế Mân. Huyền Trân là hình ảnh đẹp đẽ của một công chúa Đại Việt xinh đẹp, đức hạnh, tài hoa, biết yêu thương nhưng cũng biết hi sinh vì danh dự dân tộc và quyền lợi của đất nước. Còn Chế Mân, tuy không xuất hiện nhiều trong truyện Huyền Trân công chúa, nhưng Chế Mân để lại ấn tượng tốt đẹp cho người đọc về hình ảnh một vị vua dũng cảm, tài giỏi, hào hoa phong nhã, trọng chữ tín…

Còn nhiều nhân vật khác nữa, được Nguyễn Cát Ngạc chăm chút, phục dựng lại chân dung, làm nổi bật vai trò trong lịch sử. Với một người thông thạo lịch sử như ông, việc xác định vị trí lịch sử của các nguyên mẫu không khó khăn lắm. Và đối với ông, vấn đề là ở chỗ từ những tư liệu lịch sử, từ những truyền thuyết từng tồn tại lâu dài trong dân gian, từ ấn tượng về nhân vật đã hình thành khá ổn định trong lịch sử… thì nhà văn phải khắc họa như thế nào. “Thẩm mỹ hóa” các nhân vật lịch sử ấy, một mặt là cách thức giúp Nguyễn Cát Ngạc tô điểm để “đẹp hóa” nhân vật, một mặt làm cho nhân vật đáng yêu hơn dưới con mắt của người đọc, và dễ đem lại rung cảm thẩm mỹ lành mạnh. Quá trình từ nguyên mẫu tới nhân vật văn học có tướng mạo, tính cách, tư duy, hành động… là một quá trình khá phức tạp. Và cũng không dễ dàng khi nhân vật đó lại đem tới xúc cảm thẩm mỹ cho độc giả. Với truyện dã sử của mình, Nguyễn Cát Ngạc đã làm được điều đó. Đó cũng là điều thú vị mà truyện ngắn hiện thực của ông ít “tới” được.


3.3.4. Nghệ thuật hư cấu tình huống, tạo tiền đề hài hước hoá nhân vật từ góc nhìn châm biếm, giễu nhại

Đây cũng là một nét độc đáo của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc. Tiếp nối bút pháp châm biếm giễu nhại từ hai vở kịch nối tiếng Ông Tây An Nam Chàng Ngốc, các truyện ngắn như Nước Trivitri, Một nhà cách mạng, Vẽ mặt văn khôi, Đánh ghen trong mồ, Hội đồng vĩ nhân... thể hiện sự tinh tế, khả năng hài hước trong tạo dựng tình huống, miêu tả ngoại hình và hành vi nhân vật. Như đoạn miêu tả dưới đây về “một nhà cách mạng”:

“Ông Văn Giang chừng năm mươi tuổi, béo phục phịch, da ngăm ngăm, trán thấp, mắt híp, lông mày rậm, một tý ria in bóng xuống bộ môi dày. Trời oi bức. Ông sai mở quạt trần vù vù, cởi áo tây tôbican vắt ghế, vén sơmi đến khuỷu tay để lộ hai cánh tay đen sì và to như bắp chuối, giơ bàn tay chổi cùn vuốt mái tóc rễ tre hoặc vẩy mồ hôi đang rỏ giọt quanh cái cổ bạnh to ngang mặt… Văn Giang vẫy một cái. Một tên bồi, quần áo trắng bốp, bưng một cái khay đặt trên bàn. Trên khay, một cốc càphê sữa, một chiếc bánh tây to, một đĩa bơ, một miếng phomát khổng lồ và mấy quả chuối. Sau khi xin phép bạn già, Văn Giang bắt đầu ăn lót dạ. Chỉ năm phút, Văn Giang nhồm nhoàm ăn hết bánh, uống hết càphê và bắt đầu ăn phomát với chuối" (Một nhà cách mạng).

Một nhà “cách mạng” hiện lên như một kẻ phàm phu tục tử, từ ngoại hình đến cử chỉ hành vi, một kẻ lấy hưởng thụ làm đầu, nhưng lại lên giọng dạy dỗ người khác về cách mạng! Cách gọi trân trọng “một nhà cách mạng” và lối miêu tả chi tiết về nhân vật để độc giả thấy rõ bản chất của y là cách mạng giả hiệu tạo ra sự tương phản làm tăng thêm tính châm biếm giễu nhại của hình tượng nhân vật.

Ở truyện ngắn Nước Trivitri, nhà văn hư cấu những câu chuyện xung quanh chế độ kiểm duyệt ở một nước có tên là Trivitri. Toà kiểm duyệt ở nước này do Bút Văn Soá làm giám đốc. Ông giám đốc dốt nát nhưng cậy quyền thế, hành hạ các báo, gây ra những tình huống dở khóc dở cười: “Báo nào chả có mục tiểu thuyết. Trước khi cho in, ông cho một đội đặc vụ của ông đi điều tra xem truyện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.


trong tiểu thuyết đó là thực hay hư. Đã gọi là tiểu thuyết thì thực làm sao được? Bởi thế, mục tiểu thuyết của hết thảy các báo đều bị xoá sổ”. Các báo bị kiểm duyệt nhiều quá, đấu tranh bằng nhiều cách không được, rủ nhau sang nước láng giềng Chung Nhạc Lạc viết báo bằng tiếng Tri vi tri công kích Bút Văn Soá và Thủ tướng. Hai nước mâu thuẫn nhau, dẫn đến hai phe báo chí trên thế giới mâu thuẫn với nhau rồi gây chiến, làm xảy ra… đại chiến thế giới! Rốt cuộc, nguyên nhân “chỉ vì sự khắc nghiệt thái quá của Toà kiểm duyệt nước Trivitri”. Thông qua câu chuyện hư cấu ấy, ông “chiếu” cái nhìn châm biếm sắc sảo vào chế độ kiểm duyệt đương thời.

Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của nam xương - nguyễn cát ngạc (ở hai thể loại: kịch bản văn học và truyện ngắn) - 9

Cũng như vậy, truyện ngắn Nước Tự do tiếp tục “công phá” chế độ kiểm duyệt. Nhà văn dựng lên một nước tên là nước Tự do, “ở dưới gầm trời Đông Nam Á, xuất hiện sau hiệp ước Genève”. Đại sứ của nước này thường khoe với thế giới rằng “nước họ có một chế độ tự do hoàn toàn”, khiến dân tứ xứ tìm đến. Và họ thấy quả là ở nước này được tự do hoàn toàn khi đánh bạc, hành lạc, bắt cóc… Khi biết đọc báo bằng tiếng Tự do, họ phát hiện ra rằng có những chân dung người chỉ có một bên râu mép, có nhiều bài báo chỉ có một nửa. Hỏi ra, mới biết nước này còn có “một quyền tự do thiêng liêng nữa, đó là tự do… kiểm duyệt!”.

Trong một truyện ngắn khác tên là Đánh ghen trong mồ, nhà văn cũng dựng lên một cảnh hài hước, nhằm chế giễu những ông chồng đa thê, những bà vợ hay ghen. Gia đình nhà giàu nọ có một ông hai bà, tiến hành xây lăng sẵn cho ba ông bà, phòng khi về bên kia thế giới. Mặc cho bà hai van xin, bà cả nhất định không cho vẽ chân dung bà hai với nhiều đồ trang sức, không cho vẽ tranh Phật ở lăng bà hai, mà chỉ cho vẽ hai cánh cửa đóng kín, để sau này linh hồn bà hai bị… cầm tù trong mồ!

Những tình huống hài hước, giễu nhại được tạo dựng một cách hợp lý, với nhiều chi tiết sắc sảo, tinh tế, làm phong phú thêm hệ thống phương tiện thẩm mỹ trong các truyện ngắn, nhất là truyện thế sự của nhà văn, và thể hiện cái nhìn giễu cợt, thái độ bất bình của ông với xã hội, thời cuộc.

100


3.3.5. Nghệ thuật sử dụng bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp kỳ ảo.

Một nét đáng lưu tâm về nghệ thuật nữa là, trong những truyện Nguyễn Cát Ngạc gọi là “kiến văn chí dị” như: Giống Waltrabar, Ma Hàng Giầy, Cái chết của ông lang Doanh, Ma Hàng Cỏ, Cây đèn Khổng Minh, ông đã sử dụng bút pháp hiện thực kết hợp với bút pháp kỳ ảo. Đó cũng là nét lạ ở văn ông, mà nếu chỉ đọc các tác phẩm khác người ta sẽ dễ coi đó không phải “tạng” của ông. Có lẽ, nó xuất phát từ quan niệm văn chương như ông từng viết: “Truyện giải trí cốt làm cho độc giả vui, chỉ có vui thôi, không cần bổ ích cho trí tuệ, không lo bổ dưỡng cho đạo đức chi hết” (Truyện giải trí). Những truyện ngắn, kể lại những câu chuyện về ma, về cái chết kỳ dị của một ông lang, những hình ảnh hư hư thực thực được kể bằng giọng điệu khá nghiêm túc, tạo nên vẻ hấp dẫn và độ tin cậy nhất định cho người đọc.

Truyện Ma Hàng Cỏ viết về một căn buồng có ma ở một hàng cơm ở gần ga Hàng Cỏ. Ai vào đó ngủ đêm cũng bị lật giường lật chiếu. Người chủ nhà treo giải: nếu ai vào đó ngủ một đêm sẽ được 100 đồng. Có hai anh nghiện rủ nhau vào. Nửa đêm có người đàn bà ma hiện về quấy nhiễu, khiến hai anh chết ngất. Truyện Ma Hàng Giầy, người kể chuyện đứng ở ngôi thứ nhất để trần thuật về việc đêm ngủ ở nhà mình trên phố Hàng Giầy, người nhà luôn nghe tiếng bước chân đi lại, đèn điện thì mỗi chốc lại tắt rồi lại bật, sợ quá phải ra hè phố ngủ. Bèn lập đàn tràng cúng cháo cho ma, cúng xong thì lấy roi quất tứ tung trong nhà, vừa quất vừa đuổi. Từ đó không thấy tiếng guốc lọc cọc hay đèn tự tắt tự bật nữa.

Truyện Cái chết của ông lang Doanh lại ly kỳ hơn. Ông lang Doanh - còn gọi là đồ Doanh - bị ốm nặng, nhân vật “tôi” đến thăm, được người nhà cho biết là ông bị ma làm, chưa chết được. “Tôi” liền ở lại qua đêm bên người bệnh. Đêm đến, thấy ma là một con chó trắng lớn đến bắt mạch cho bệnh nhân. Bèn thuật lại cho gia đình bệnh nhân biết. Ba hôm sau ông lang chết, hỏi ra thì vì gia đình đã giết con chó trắng để ông được siêu thoát. Truyện


khép lại bằng những câu hỏi: “Linh hồn nào đã nhập vào con chó, khiến nó biết đi, biết đội nón, cầm gạy, biết chẩn mạch? Tại sao nó lại cầm bệnh ông Đồ? Vì oán cừu hay vì muốn giữ ông Đồ sống nữa?”

Truyện Cây đèn Khổng Minh khai thác chủ đề là tài năng tiên tri của nhà quân sư tài ba Khổng Minh. Cây đèn do Khổng Minh làm ra sau 7 lần bắt rồi tha Mạnh Hoạch, hàng trăm năm vẫn cháy sáng trên một sườn đồi, bỗng một hôm bị tắt. Dân chúng rất lo lắng vì đèn tắt báo trước điềm xấu. Họ đào được một bia đá khắc 4 câu thơ “Tứ hải nội/ Hữu quần anh/Lộc thì đáo/ Đăng tái minh”. Một hôm có người khách du lịch tên là Lokes đi qua, thấy thế xin chữa hộ. Ông ta chữa được cho cây đèn sáng trở lại. Mọi người mới hiểu ra lời tiên tri của Khổng Minh đã ứng.

Điều thú vị là nguyên nhân cháy sáng hàng trăm năm của cây đèn thì nhà văn giải thích ngay được bằng khoa học, còn việc đèn tắt, rồi một người tên Lộc đến làm nó sáng trở lại, thì nhà văn để cho đọc giả tự ngẫm và thấy thích thú.

So với những truyện kinh dị của Thế Lữ, truyện ma của TCHYA (Đái Đức Tuấn) thì truyện của Nguyễn Cát Ngạc còn đơn giản cả về kết cấu và dung lượng (mỗi truyện chỉ dưới 1500 từ), bản thân ông cũng thừa nhận viết truyện giải trí không phải là sở trường của mình, nhưng trong sự nghiệp văn học của riêng ông, thì mảng “chí dị” cũng góp phần làm nên sự phong phú về nội dung và nghệ thuật thể hiện.

Những nghiên cứu về truyện ngắn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc được trình bày trên đây trong điều kiện những tác phẩm của ông ít được giới nghiên cứu và công chúng biết đến, việc khảo cứu tác phẩm của ông đến nay còn nhiều khó khăn, nên chắc chắn là chưa đầy đủ. Có thể thấy rằng, so với hai vở kịch ông đã đóng góp cho nền văn học và sân khấu nước nhà thì sự đóng góp về truyện ngắn của ông vẫn còn khiêm tốn. Nhưng chúng ta cũng thấy được một số nỗ lực cần ghi nhận của Nam Xương – Nguyễn Cát Ngạc ở thể loại truyện ngắn:


Một là, về mặt nội dung tư tưởng, các truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc đã đạt được giá trị cao trong việc thể hiện thành công tư tưởng yêu nước, niềm tự hào với truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cùng với đó, là tình yêu quê hương xứ sở, sự cổ vũ cho những giá trị truyền thống và tấm lòng nhân ái giữa người với người; là thái độ phê phán quyết liệt với cái xấu, cái Ác trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Đó là những biểu hiện sâu sắc của tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc trong văn chương Nguyễn Cát Ngạc nói chung, truyện ngắn của ông nói riêng.

Hai là, về mặt nghệ thuật, Nam Xương đã đạt được những thành công nhất định trong các thủ pháp nghệ thuật như: nghệ thuật kết cấu truyện theo kiểu truyền thống và xây dựng nhân vật theo lối “tỏ chí”, nghệ thuật “hư cấu lịch sử” để thẩm mỹ hoá hình tượng nhân vật lịch sử‟, nghệ thuật hư cấu tình huống, tạo tiền đề hài hước hoá nhân vật từ góc nhìn châm biếm, giễu nhại khi phơi bày các tình huống lố lăng của xã hội,…

Tuy nhiên, về mặt thi pháp truyện ngắn, so với nhiều nhà văn xuất sắc cùng thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Thạch Lam,… thì Nguyễn Cát Ngạc chậm thay đổi, còn chịu ảnh hưởng của lối viết cũ. Mặc dù vậy, như chúng tôi lý giải, Nam Xương là một nhà văn không chuyên nghiệp, lại hướng tới công chúng bình dân. Chủ trương dùng văn học để “tải đạo”, nên truyện ngắn của ông nói riêng, văn chương của ông nói chung thường giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với việc đăng báo để từ đó đến được với đông đảo công chúng rộng rãi. Việc hướng tới người đọc rộng rãi chịu ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng văn học mác xít “nghệ thuật vị nhân sinh”, nằm trong hệ tư tưởng cách mạng mà ông theo đuổi.


KẾT LUẬN


Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn học của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc, chúng tôi rút ra được những vấn đề sau:

1. Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã có nhiều cống hiến cho nền văn chương nước nhà thế kỷ XX. Với tư cách và tài năng của một nhà văn chiến sĩ, ông đã góp vào nền văn học Việt Nam hiện đại những tác phẩm, mang đậm tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tấm lòng nhân ái giữa người với người cùng thái độ không khoan nhượng với những gì đi ngược lại các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là tư tưởng nền tảng, quán triệt và chi phối cái nhìn nghệ thuật của ông, gắn liền với sự nghiệp cách mạng mà ông theo đuổi đến hơi thở cuối cùng. Những nội dung ấy là biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong văn chương Nam Xương -Nguyễn Cát Ngạc. Qua đó, chúng ta hiểu hơn về tài năng và nhân cách của nhà văn - chiến sĩ, về động lực khiến ông tham gia và cống hiến cuộc đời mình cho cách mạng và dân tộc.

2. Văn chương Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã bước đầu đạt được những thành công về nghệ thuật. Nổi trội nhất là về kịch bản văn học, trong đó việc vận dụng sáng tạo phương pháp sáng tác cổ điển và luật “ba duy nhất” của Châu Âu cùng những thủ pháp nghệ thuật xây dựng tình huống hài hước, nghệ thuật khai thác và biểu hiện diễn biến tâm lý của n hân vật, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình mà nhân vật “Ông Tây An Nam” là những đặc điểm nổi bật. Về nghệ thuật truyện ngắn, tuy về mặt thi pháp chủ yếu là ảnh hưởng thi pháp cổ điển, nhưng các thủ pháp nghệ thuật cụ thể, như nghệ thuật kết cấu truyện theo kiểu truyền thống và xây dựng nhân vật theo lối “tỏ chí”, nghệ thuật “hư cấu lịch sử” để thẩm mỹ hoá hình tượng nhân vật lịch sử‟…cũng góp phần tạo ra những thành công trong việc biểu đạt một cách sinh động những giá trị tư tưởng của tác phẩm.


3. Nhìn lại sự phát triển của kịch nói Việt Nam từ giai đoạn bắt đầu được du nhập và sau đó là từng bước phát triển (đầu thế kỷ hai mươi đến năm những năm ba mươi), có thể thấy rất rõ các cống hiến của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc trên phương diện văn hóa. Bởi trên cơ sở của sự tiếp biến văn hóa một cách chủ động, ông đã cùng với thế hệ các tác giả kịch bản đầu tiên tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây và gạn lọc những yếu tố phù hợp của sân khấu truyền thống Việt Nam. Từ đó có thể khẳng định rằng, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc là người thuộc thế hệ đầu tiên đưa kịch nói đến với sân khấu Việt Nam trong tư cách là một thể loại mới, chưa từng có trong lịch sử và từ đó, sân khấu Việt Nam hiện đại trở thành một hệ thống hoàn chỉnh như hôm nay chúng ta thường nói, bao gồm: kịch nói, kịch hát với tuồng, chèo, cải lương (có thể kể thêm thể loại kịch thơ?). Tuy không phải là người đầu tiên có kịch bản được dàn dựng trên sân khấu, nhưng nhắc đến thế hệ đầu tiên đóng vai trò mở đường để lập ra nền kịch nói Việt Nam, thì cùng với những cái Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc… người ta không thể không nhắc đến Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc một cách trân trọng vì những sáng tạo thành công của ông ngay khi vừa xuất hiện. Đương thời, sau khi vở kịch đầu tiên của ông - Chàng Ngốc - được công bố đã gây tiếng vang trong đời sống xã hội. Và khi Ông Tây An Nam xuất hiện, thì tên tuổi Nam Xương đã được khẳng định và phải nói rằng tên tuổi đó còn ở lại với lịch sử kịch nói Việt Nam, bởi tính “độc sáng” của hình tượng nhân vật và giá trị nhân văn của tác phẩm. Vở kịch trở thành một dấu ấn quan trọng, là lời cảnh báo, đồng thời phản ánh một phương diện của quá trình tiếp nhận - biến đổi các giá trị văn hóa - nghệ thuật trong giao lưu với văn hóa - văn minh thế giới đã vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp của quan hệ khu vực.

Từ góc độ văn hóa để xem xét, còn phải khẳng định rằng: với kịch bản Ông Tây An Nam, tác giả Nam Xương là người đã sớm đưa ra lời cảnh báo về sự hoành hành của thói “vong bản”, về khả năng mai một của một số giá trị


thuộc về bản sắc và truyền thống văn hóa nếu không được điều chỉnh kịp thời vào thời điểm giao lưu quốc tế đã rộng mở. Điều này càng cho thấy tầm nhìn của ông về thời đại, về những biến chuyển văn hóa - văn minh mới đã và đang diễn ra ở Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua; nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra. Quá trình “mở cửa” giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa với thế giới ngày càng rộng mở và sự xâm nhập của các nền văn hoá khác nhau - trong đó một lần nữa lại là sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hoá – văn minh phương Tây – làm đảo lộn một số quan niệm và hành vi xã hội - văn hóa của con người; bên cạnh những tác động tích cực, đã và đang có những tác động tiêu cực làm băng hoại nền văn hoá - đạo lý dân tộc. Ngược chiều thời gian để đánh giá sự nghiệp sáng tác kịch bản của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc, chúng ta càng thấy tác phẩm của ông - đặc biệt là Ông Tây An Nam - đã có ý nghĩa to lớn không chỉ về phương diện nghệ thuật mà còn cả về văn hóa - xã hội - con người.

4. Ở góc độ văn học sử, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đảm nhận vai trò của một trong những người tiếp nối cho văn học hiện đại trong vùng tạm chiếm. Theo những nghiên cứu của chúng tôi, bộ phận văn học Việt Nam phát triển trong vùng tạm chiếm (1945 – 1954), và văn chương ở miền Nam giai đoạn 1955 – 1960 còn lại đến nay là không nhiều và cũng chưa được nhiều người chú ý nghiên cứu. Trong hoàn cảnh vừa hoạt động bí mật vừa sáng tác văn học, thì những cố gắng của người chiến sĩ - nghệ sĩ Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc là rất đáng trân trọng. Và cũng phải nói thêm rằng, tuy cùng mang danh nghĩa là “trí thức di cư” vào miền Nam để hoạt động bí mật, nhưng nếu các tác phẩm của Vũ Bằng như Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội luôn là nỗi hoài nhớ xứ Bắc “ngàn năm văn vật” thì tác phẩm của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc lại tiếp tục cái lối đi mà ông đã chọn từ giai đoạn trước, đó là sử dụng chủ nghĩa hiện thực để tố cáo bản chất xấu xa của xã hội đương thời, đồng thời tố cáo và vạch mặt cái xấu, cái ác của xã hội, giúp


người đọc căm ghét nó mà có hành động phản kháng. Đó cũng chính là một biểu hiện của tâm thế tinh thần mà Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc đã có được từ ngày ông tự giác lựa chọn cho mình con đường đi theo lý tưởng cách mạng.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Nam Xương sẽ góp phần bổ sung vào bộ phận văn học vùng tạm chiếm (1945

– 1954) và văn chương miền Nam 1955 – 1960.

Chúng tôi mong muốn sẽ có một sự nghiên cứu đầy đủ hơn về tất cả các tác phẩm thuộc các thể loại mà Nam Xương đã sáng tác để có thể phục dựng một chân dung văn học của một nhà văn - chiến sĩ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nước nhà./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Lại Nguyên Ân, 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 1999.

2. Vũ Bằng, Truyện ngắn chọn lọc, NXB Văn hoá thông tin, H., 2005.

3. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao tập 1, NXB Văn học, H., 1997

4. Nam Cao, Tuyển tập Nam Cao tập 2, NXB Văn học, H., 1997

5. Nguyễn Huệ Chi - Trần Hữu Tá, Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, H.2005

6. Phan Cự Đệ (chủ biên) Văn học Việt Nam thế kỷ XX, NXB Giáo dục, H.,2004.

7. Vi Huyền Đắc, Cô đầu Yến, NXB Thái Dương Văn Khố, 1930.

8. Vi Huyền Đắc, Nghệ sĩ hồn, NXB Thái Dương Văn khố, 1930. 9 Vi Huyền Đắc, Giê – su, đấng cứu thế, NXB Đại La, 1945.

10. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, H., 2007.

11. Hoàng Ngọc Hiến, Tập bài giảng nghiên cứu văn học, NXB Giáo dục, 1997.

12. Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển văn học, tập 2, NXB Khoa học Xã hội, H.,1984.

13. Phan Kế Hoành - Huỳnh Lý, Bước đầu tìm hiểu Lịch sử kịch nói Việt Nam trước cách mạng tháng Tám - NXB Văn hoá, H.,1978

14. Nguyễn Hòa, Về tác giả vở kịch nói Ông Tây An Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7 - 2001.

15. Trần Đình Hượu – Lê Chí Dũng, Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, H., 1988.


16. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 23, NXB

Khoa học xã hội, H.,1997.

17. Phương Lựu (chủ biên), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, H., 1997.

18. Nguyễn Đăng Mạnh, Nhà văn – tư tưởng – phong cách, NXB Văn học, H., 1983.

19. Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, H., 2002.

20. Nguyễn Cát Ngạc, Bụi phồn hoa, NXB Quê hương, H.,1950.

21. Nguyễn Cát Ngạc, Bách Việt, NXB Quê hương, H., 1950.

22. Nhiều tác giả, Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Sân khấu, H., 1997.

23.Nhiều tác giả, Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Sân khấu, H.,1997

24. Nhiều tác giả, Kịch Việt Nam chọn lọc, NXB Sân khấu, H., 2000.

25. Trần Đình Sử, Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ Giáo viên, H., 1993.

26. Trần Thị Việt Trung, Lịch sử phê bình văn học Việt Nam (giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945), NXB Đại học quốc gia Hà Nội, H., 2004.

27. Nguyễn Trúc Thanh, Sử ký Việt Nam, NXB Liên hiệp, Sài Gòn, 1956.

28. Nam Xương, Chàng Ngốc, NXB Nam Định - Trường Phát,1930.

29. Nam Xương, Ông Tây An Nam, NXB Hà Nội - Nam Kỳ, 1931

Xem tất cả 89 trang.

Ngày đăng: 24/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí