Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của nam xương - nguyễn cát ngạc (ở hai thể loại: kịch bản văn học và truyện ngắn) - 2


hóa Việt với văn hóa phương Tây. Có thể xem chữ việc sử dụng chữ quốc ngữ là thành tựu quan trọng của việc dân chủ hoá nền văn học. Sự phát triển của chữ quốc ngữ gắn liền với sự thay đổi tư duy của xã hội mới, kéo theo những kiểu công cụ chuyển tải mới như báo chí, và cả cách thức truyền bá mới như in ấn với số lượng lớn và hàng loạt, cập nhật và phổ cập trong mọi thành phần xã hội của hệ thống thông tin đại chúng - những phương tiện ngay đến thời cận đại ở Việt Nam vẫn còn kém cỏi. Ngoài việc thông báo tin tức, luận bàn các vấn đề xã hội, giới thiệu những thành tựu văn hoá - văn minh phương Tây..., một hệ quả của sự phát triển hệ thống thông tin đại chúng là đưa tới việc xuất hiện và đăng tải các tác phẩm văn chương “viết theo lối mới”, khác hẳn với hình thức - nội dung những tác phẩm văn chương vẫn được sáng tác và phổ biến theo “lối truyền thống”. Sự lên ngôi của chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, và quan trọng nhất là sự thay đổi về tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội, nhất là nhân sĩ trí thức, đã dẫn đến sự phát triển có tính bước ngoặt của nền văn học nước nhà.

Một nền văn học hiện đại vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của sự thay đổi lực lượng tác giả và công chúng của nó. Nếu như trong cả ngàn năm trước, văn học trung đại là sự biểu hiện thành văn của chính trị - đạo đức, là sản phẩm của các bậc nho sĩ, vua quan, mà mục đích chủ yếu họ khi cầm bút là để bày tỏ chí hướng, bộc lộ khí phách người quân tử, văn chương là “thi dĩ ngôn chí”, là “văn dĩ tải đạo”, thì vào đầu thế kỷ XX văn chương hiện đại đã làm thay đổi vị trí và tâm thế người cầm bút. Và quan trọng hơn cả là các quan niệm về đặc trưng và chức năng của văn học cũng thay đổi. Khi mà những quan niệm về mỹ học phương Đông về sự ước lệ, tượng trưng, quy phạm… đã hầu như không còn phù hợp nữa. Đặc biệt là một quan niệm mới về đời sống tinh thần cho thấy văn chương không chỉ là chính trị, là luân lý, mà nó còn mang tải những đặc trưng nghệ thuật riêng khác để phản ánh xã


hội, để bộc lộ cảm xúc, thái độ cá nhân của người cầm bút. Đó là cơ sở để hình thành một thế hệ nhà văn mới, có tư tưởng mới mà lõi cốt là tư tưởng dân chủ và ý thức cá nhân; có phương pháp sáng tác mới mà cơ bản là các phương pháp sáng tác từ phương Tây du nhập vào. Họ có thể là bất cứ ai, thuộc bất cứ tầng lớp nào trong xã hội: nhà nho, trí thức Tây học, viên chức nhà nước, nhà báo, thầy giáo trường huyện, học sinh, sinh viên…và nhiều người trong số họ dần dần trở thành nhà văn chuyên nghiệp, khai sinh một loại hình nghề nghiệp mới cho xã hội.

Gắn với người viết văn, công chúng người đọc cũng thay đổi. Với sự phổ biến của chữ quốc ngữ, và sự phát triển của các phương tiện truyền thông, người đọc trong xã hội hiện đại không còn ở trong tình trạng có sự phân biệt (dù tương đối) như trong xã hội trung đại - chỉ có người đọc dân gian và người đọc bác học, tức tầng lớp trí thức phong kiến. Người đọc trở nên đông đảo và phong phú, với đủ các tầng lớp xã hội. Họ có thể là tầng lớp tiểu tư sản và tư sản mới, là những trí thức Tây học, viên chức nhà nước, sinh viên, cũng có thể là những học trò trường huyện, hay các bà, các cô nội trợ...Sự tiếp nhận tác phẩm văn chương hiện đại của họ đã diễn ra dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn nhờ những vốn liếng tri thức họ tiếp nhận từ cuộc tiếp biến văn hoá Đông

- Tây, giúp cho họ trở thành những thế hệ độc giả đầu tiên của văn học hiện đại Việt Nam.

Và một tiến trình hiện đại hoá văn học đã diễn ra, với những giá trị nội dung và nghệ thuật mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử văn học nước nhà. Văn học Việt Nam vượt qua lối xướng hoạ ngâm vịnh truyền thống, bước đầu thoát ra khỏi những chế định văn học thời Trung đại để đặt chân vào một lãnh địa hoàn toàn mới, đặt văn chương vào cõi đời thế tục, đi tìm sinh khí cho văn chương từ cuộc sống, qua tác phẩm chuyển tải ý chí và suy tư về thời cuộc. Các tác giả Nguyễn Trọng Quản, Hồ Biểu Chánh, Phạm Duy Tốn, Lê Hoằng Mưu, Đặng Trần Phất, Tản Đà …được xem là dấu nối giữa văn học cận đại và


văn học hiện đại ở Việt Nam, trong đó Tản Đà đã tiến một bước khá dài trên hành trình đi tìm một diện mạo mới của văn học. Cùng với ông, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm - cuốn tiểu thuyết được coi như là sự khởi đầu của nền tiểu thuyết, vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long mở đầu cho nền kịch nói Việt Nam…, là những người đã đặt những viên gạch móng thành công cho sự ra đời của nền văn học Việt Nam hiện đại. Thời kỳ này đã diễn ra các “cuộc cách mạng” về thể loại. Trong khi các thể loại truyền thống của văn học dân tộc như các thể thơ dân gian (ca, vè, hát dặm), các thể thơ cảm hoài, ngôn chí, thể văn tế cổ điển… vẫn tiếp tục được sử dụng, thì lại có sự xuất hiện ồ ạt rồi dần dần hoàn chỉnh và đạt đến đỉnh cao của các thể loại văn học du nhập từ phương Tây. Về văn xuôi, xuất hiện tiểu thuyết, phóng sự, ký sự, tuỳ bút, truyện ngắn,… Về thơ, có thơ trữ tình, thơ trào phúng. Về kịch, lần đầu tiên thể loại kịch nói từ phương Tây đã du nhập vào Việt Nam, và trên cơ sở sự tiếp nhận những yếu tố tương hợp của kịch hát truyền thống (đặc biệt là phong cách hài hước của chèo cổ), nó nhanh chóng được công chúng tiếp nhận; sau đó là kịch thơ. Những thể loại mới không chỉ đóng vai trò cấu tạo nên diện mạo văn học hiện đại mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển thể loại của văn học Việt Nam các thời kỳ sau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.

Sau giai đoạn văn học giao thời, văn học Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các phương diện của tiến trình hiện đại hoá. Theo các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, đây là thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại trên tất cả mọi phương diện của đời sống văn chương - học thuật Việt Nam. Trên phương diện tư tưởng - nghệ thuật, là sự phát triển rực rỡ của ba dòng văn học hiện thực, lãng mạn và cách mạng. Trên phương diện thể loại, phải nói rằng đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, kết tinh những đỉnh cao về tác gia, tác phẩm trên tất cả các thể loại văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, nghiên cứu lý luận phê bình, dịch thuật…Về phương diện đội ngũ, một đội ngũ đông đảo chưa từng có, với tên tuổi của Nhất Linh, Thạch


Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của nam xương - nguyễn cát ngạc (ở hai thể loại: kịch bản văn học và truyện ngắn) - 2

Lam, Khái Hưng, Thế Lữ, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nam Cao, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính,Chế Lan Viên…cùng những Hai đứa trẻ,Chí Phèo, Bỉ vỏ,Dế mèn phiêu lưu ký, Bước đường cùng, Số đỏ, Lửa thiêng, Thơ thơ, Điêu tàn,Vang bóng một thời, Chân quê,… đã in đậm dấu ấn, trở thành những “cột mốc” trong văn học Việt Nam suốt một thời đại.

Thành công của cách mạng tháng Tám 1945, và sau đó là cuộc chiến đấu gian khổ trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã tác động rất lớn tới tâm thế xã hội - công dân của trí thức, nghệ sĩ Việt Nam nói chung và nhà văn Việt Nam nói riêng. Xu thế của lịch sử, ý thức về lòng tự hào, tự trọng dân tộc, cùng sự giác ngộ về lý tưởng đã thôi thúc đa số nhà văn nhà thơ thành danh từ trước cách mạng đứng vào đội ngũ của nhân dân, dùng ngòi bút như một công cụ phụng sự nhân dân. Một nền văn học cách mạng và kháng chiến đã ra đời theo bước chân của những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trên các nẻo đường trường kỳ kháng chiến. Thực tế cho thấy, sự lựa chọn của các nhà thơ đã làm nên Thơ mới (như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên…), hoặc các nhà văn từng là “chủ soái” của văn chương hiện thực phê phán (như Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao…) đã trực tiếp góp phần quan trọng để tạo dựng nền văn học Việt Nam kiểu mới còn non trẻ. Đứng vào hàng ngũ cách mạng, họ trực tiếp tham gia để làm nên một cao trào sáng tác văn học hướng về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần dân tộc, về sự hy sinh của mọi người cho sự nghiệp lớn… Khi nhà văn xác định phải gắn bó sự nghiệp sáng tác với sự nghiệp dân tộc thì không có cách nào khác, họ phải tham gia vào với sự nghiệp đó thông qua hoạt động nghề nghiệp.

Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc cũng là một nhà văn - chiến sĩ, một người cầm bút xuất phát từ lập trường yêu nước để đến với lý tưởng cách mạng của giai cấp vô sản. Gia nhập làng văn nghệ từ những năm hai mươi, khi còn là một sinh viên trường Cao đẳng Công chính, ông là người đã có mặt


ngay từ giai đoạn nền văn học dân tộc chuyển mình hoà nhập cùng thời đại, và gắn bó với nó theo cách riêng của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Ông còn là một trong những người xây dựng nền kịch nói Việt Nam, góp phần vào tiến trình hiện đại hoá văn học nước nhà. Có thể nói, ngòi bút văn chương Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc vừa là kết quả của tiến trình hiện đại hoá văn học, vừa là một trong những nhân tố tích cực góp phần kiến tạo nên tiến trình này. Qua việc tìm hiểu đời sống kinh tế - xã hội - văn hoá Việt Nam và tiến trình hiện đại hoá văn học nửa đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn khai thác những tác động, ảnh hưởng của chúng đến quá trình vận động về tư tưởng và sáng tác văn học của nhà văn Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc.

Một điều đáng chú ý là: ông xuất hiện khá sớm, có tác phẩm nổi tiếng ngay từ giai đoạn văn học giao thời. Tuy nhiên, trong thời kỳ rực rỡ nhất của quá trình hiện đại hoá văn học, cũng như sau khi Cách mạng tháng Tám thành công thì ông lại đồng hành cùng những bước đi của dân tộc trong tâm thế của một chiến sĩ cách mạng hơn là một nhà văn. Những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ góp phần lý giải điều này.

1.2. Cuộc đời và sự nghiệp văn học của tác giả Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc

1.2.1.Vài nét về tiểu sử tác giả Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc

Cho đến nay, thông tin về Nam Xương trên các tài liệu chúng tôi khảo cứu được rất hạn chế. Ngoài các tư liệu đã dẫn ở phần mở đầu, chúng tôi tìm trên trang web tìm kiếm Google, chỉ có 4 trang web giới thiệu về Nam Xương, đó là các trang web: dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn của Bách khoa toàn thư Việt Nam; nghethuatsankhau.com.vn của Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam (sử dụng lại thông tin của Bách khoa toàn thư Việt Nam, không có bổ sung gì thêm); một trang web của người Việt ở nước ngoài, là vietnamlit.org, và trên một diễn đàn của trang web Olympia Việt Nam ở địa chỉ .olympiavn.org/forum. Những nội dung được giới thiệu


cũng rất sơ sài, về thân thế, sự nghiệp và 2 tác phẩm nổi tiếng của ông là Ông Tây An Nam và Chàng Ngốc, bài giới thiệu dài nhất không quá 300 chữ.

Chúng tôi dẫn ra như vậy để minh chứng rằng, thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc còn được rất ít người biết tới và có đôi chỗ không thống nhất. Theo khảo cứu của chúng tôi, tiểu sử Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc có thể tóm tắt như sau:

Nam Xương tên thật là Nguyễn Cát Ngạc, sinh năm 1905 tại quê hương ông ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn - Bắc Ninh. Trong gia tộc, ông là anh em ruột với ông thân s inh nhà sử học Nguyễn Lương Bích, và là chú họ đồng chí Nguyễn Văn Cừ - một trong những Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta. Học hết tiểu học ở quê nhà, Nguyễn Cát Ngạc ra Hà Nội học tiếp trung học tại Trường Bưởi. Ở Hà Nội trong thời kỳ các tư tưởng và phong trào yêu nước nở rộ, chàng thanh niên Nguyễn Cát Ngạc nhanh chóng tiếp thu và hăng hái tham gia các hoạt động để bộc lộ lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của mình. Năm 1926, tại lễ tang Phan Chu Trinh, Nguyễn Cát Ngạc tham gia rất tích cực, vì vậy ông bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian. Ra tù, ông tiếp tục đi học và học xong Cao đẳng với bằng Tham tá công chính.Vừa làm nghề công chính, vừa sáng tác, vừa tham gia các phong trào yêu nước, ông là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm Nam Đồng Thư xã - tổ chức tiền thân của Việt Nam Quốc dân đảng, cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Thái Học…

Sau khi Quốc dân đảng thất bại trong khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930, nhận thấy con đường của Quốc dân đảng là không có tương lai, Nguyễn Cát Ngạc tìm đến với Việt Minh và tham gia hoạt động cách mạng. Vì vậy khi phát xít Nhật vào Đông Dương, chúng đã bắt giam và tuyên án tử hình ông. Nhưng ngay khi đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cứu thoát và về hoạt động tại Nam Định. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946) ông lên chiến khu. Năm 1948 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng năm này, thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao, dưới danh nghĩa ''trí


thức dinh tê'', Nguyễn Cát Ngạc trở về Hà Nội, vừa hoạt động công khai bằng nghề công chính, vừa hoạt động tình báo. Đầu năm 1954, Nguyễn Cát Ngạc bị lộ, thực dân Pháp bắt và giam ông tại nhà giam Thanh Liệt và sau đó là nhà giam Hỏa Lò. Khi Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1954, ông được quân đội đón về Hà Nam, vài tháng sau, dưới danh nghĩa ''trí thức di cư'', ông vào miền Nam tiếp tục hoạt động và mất ngày 15 tháng 1 năm 1958. Về cái chết của Nguyễn Cát Ngạc, theo nguồn tin chính thức thì ông bị ốm rồi qua đời, nhưng dư luận Sài Gòn những năm đó lại cho rằng ông bị kẻ thù đầu độc. Bức thư vĩnh biệt ông viết cho người con trai là Nguyễn Mạnh Đàm chính vào ngày ông mất, cho thấy dư luận có cơ sở, vì dường như ông đã biết trước được sự ra đi của mình:

"Đàm con! Tiếc là lúc vĩnh biệt Ba không gặp con. Ba hy vọng lá thư này con đọc được. Ba không thể tiếp tục cùng con chung việc lớn. Vậy con ở lại cố làm nốt những việc Ba thường nhắn nhủ. Kín đáo và thận trọng, càng lên cao càng tốt. Trí lớn nuôi 20 năm nhưng chỉ cần làm trong một buổi. Đừng hoang toàng mà hỏng việc, đừng bất nhân mà hỏng nghĩa, đừng thất ý thượng cấp mà hỏng cơ đồ. Chúc con khoẻ, nghe lời Ba nuôi dạy các cháu nên người hữu dụng của đất nước. 23 giờ đêm ngày 15.1.1958, Ba - Nguyễn Cát Ngạc".

Năm 1976, khi nước nhà thống nhất, tổ chức mới có thể gửi Giấy báo tử của ông tới gia đình, Giấy báo tử ghi rõ mức lương của ông tương đương với cấp bậc đại uý của quân đội. Trong bản xác nhận của đơn vị do đồng chí Nguyễn Mạnh Khoát - Trung tá thuộc Cục nghiên cứu thuộc Bộ Tổng Tham mưu (nay là Đại tá Nguyễn Mạnh Khoát, đã nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh) viết, Nguyễn Cát Ngạc là: “Cơ sở nội thành từ 1954 đến 1958, hòa bình lập lại do yêu cầu công tác chúng tôi phái ông vào Nam tiếp tục công tác đến 1958 thì ốm và mất” và ông: “ là người tích cực công tác và hoàn thành nhiệm vụ tốt”.


Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Bằng Tổ quốc ghi công của ông mang số 546 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 7.12.1976. Lễ truy điệu Nguyễn Cát Ngạc được Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, bên cạnh có mặt của đại diện đơn vị và gia quyến, còn có các văn nghệ sĩ cùng thời với ông như Văn Cao, Nguyễn Xuân Sanh… Phần mộ ông hiện ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP Hồ Chí Minh.

1.2.2. Quá trình sáng tác của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc


Theo những nghiên cứu (có thể còn chưa đầy đủ) của chúng tôi, quá trình sáng tác của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc có thể chia ra thành 2 giai đoạn: trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

1.2.2.1 Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Tắm mình trong không khí duy tân và xu hướng đổi mới, hiện đại hoá nền văn học nước nhà thời kỳ văn học giao thời, Nguyễn Cát Ngạc khi ấy là sinh viên trường Cao đẳng Công chính, đã có điều kiện tiếp xúc với những tinh hoa của văn học thế giới được truyền bá bởi hội đoàn, nhà xuất bản, tạp chí canh tân lúc bấy giờ, như hội Khai trí tiến đức, An Nam tạp chí, Nam Phong tạp chí,... Ra trường, vừa làm nghề công chính trong bộ máy hành chính của Nhà nước Pháp thuôc, vừa tham gia cách mạng, ông vừa viết báo và say mê nghiên cứu văn chương, đặc biệt là nghiên cứu về kịch phương Tây. Ở vào giai đoạn sân khấu kịch nói Việt Nam đã nỗ lực hiện đại hoá sân khấu truyền thống, đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc sâu sắc vào kịch bản dịch và hoạt động của sân khấu phương Tây, Nam Xương là một trong những tác giả đầu tiên viết kịch bản văn học Việt Nam, tiếp theo Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Tương Huyền... Ông đã viết các vở kịch Ông Tây An Nam Chàng Ngốc, là những vở kịch thành công đầu tiên của kịch nói hiện đại Việt Nam. Hai vở kịch Ông Tây An Nam (hài kịch 3 hồi

- viết xong tháng 8 năm 1930, Nam ký xuất bản năm 1931) và Chàng Ngốc


(hài kịch 5 hồi - 1930) của Nam Xương được báo chí bình luận và khen ngợi. Năm 1934, 1935, ban kịch Bắc kỳ (La cène Tonkinoise - ban kịch nổi tiếng ở Hà Nội, hoạt động trong 2 năm 1934-1934; không phải là tên một vở kịch của Nam Xương như vietnamlit.org nêu) của Tạ Quang Cát dựng, gây được tiếng vang lớn trên sân khấu kịch lúc bấy giờ, nhất là trong số đông khán giả có tinh thần dân tộc sâu sắc.

Có thể nói, sáng tác kịch là say mê của ông. Theo ông Nguyễn Hải Thoại, con trai của Nam Xương kể lại thì : “Có hai điều cuốn hút cha tôi từ khi còn học ở trường Bưởi, đó là say mê kịch nói và nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Có một câu nói của Henri Bergson mà ba tôi rất thích, ông ghi lên ô kính của cái tủ sách đầy ắp những Racine, Corneille, Molière…, câu ấy là: “Một dân tộc càng trí tuệ, càng biết yêu sân khấu” (Plus un peuple est spirituel, plus il aime le théâtre). Ba nói với tôi, lúc tôi độ 14 - 15 tuổi:

- Ba rất mong về hưu, sống trong thanh thản và viết kịch.

- Ba ơi, lúc ấy con sẽ chép lại kịch cho ba (tôi nói với ba như vậy)”.

Tiếp theo 2 vở kịch nổi tiếng này, Nam Xương còn viết một số vở hài kịch khác nhưng chưa dựng, như Thuốc tê Ô Cấp, Tội ăn cắp, Nói khoác, Đại gia văn sĩ... Sau đó, có lẽ việc tham gia hoạt động ở Việt Nam Quốc dân đảng, và sau này tham gia Việt Minh, cùng nhiều lần bị bắt bớ, tù đày, nên hoạt động văn chương của ông bị gián đoạn.

1.2.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (1946), ông đ ưa gia đình lên chiến khu. Nhưng rồi thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc cùng gia đình trở về Hà Nội. Ông đưa vợ con về Nam Định sinh sống, còn mình thì ở Hà Nội, dưới danh nghĩa “trí thức dinh tê”, vừa hoạt động công khai bằng nghề công chính, vừa hoạt động tình báo. Trong thời kỳ này, ông có điều kiện hợp pháp để tiếp nối công việc viết văn, vì thế đã cho xuất bản nhiều truyện ngắn và truyện dã sử. Với Nhà xuất bản Quê Hương


do ông trực tiếp làm giám đốc, ông đã cho xuất bản 2 tiểu thuyết lịch sử Bách Việt, Hùng Vương (bản còn lại không ghi rõ thời gian xuất bản) và tập truyện ngắn Bụi phồn hoa xuất bản tháng 7 năm 1950, gồm 7 truyện ngắn.

Đầu năm 1954, Nguyễn Cát Ngạc bị lộ, thực dân Pháp bắt và giam ông. Khi Hiệp định đình chiến được ký kết năm 1954, ông được quân đội đón về Hà Nam, vài tháng sau, dưới danh nghĩa “trí thức di cư”, ông vào miền Nam tiếp tục hoạt động. Trong khoảng 4 năm cho đến khi ông mất (1958), ông vừa hoạt động công khai vừa viết văn, làm báo, viết sử (bộ sách Sử ký Việt Nam, bút danh Nguyễn Trúc Thanh, gồm ba quyển, trình bày lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến năm 1765, in tại NXB Liên hiệp ở Sài Gòn vào năm 1956). Theo di cảo, thời gian này ông sống ở nhiều nơi, cộng tác với khá nhiều báo chí, hưởng ứng các phong trào ái hữu, như Hội truyền bá quốc ngữ. Nhưng phần tác phẩm còn lưu trữ được lại không nhiều. Đáng chú ý là hầu hết di cảo đều ghi thời gian sáng tác là năm 1955, kèm theo các địa danh Bạc Liêu, Phú Quốc, Cần Thơ. Theo những gì còn lại, cho thấy khoảng thời gian này ông viết rất khoẻ, rất nhiều, không chỉ truyện ngắn mà còn sáng tác kịch, viết sách giáo khoa lịch sử. Với sức viết ấy và tâm huyết của ông với văn chương, chúng tôi nghi ngờ rằng, những gì còn lại chưa hẳn đã là tất cả sáng tác của ông, mà có lẽ vì hoàn cảnh phức tạp và việc hoạt động bí mật trong lòng địch, nên các sáng tác của ông trong khoảng hai mươi năm kể từ khi Ông Tây An Nam ra đời năm 1931, đã không được lưu giữ đầy đủ.

Một minh chứng cho sự nghi ngờ của chúng tôi là: Ở cuốn Bụi phồn hoa do NXB Quê hương xuất bản tại Hà Nội năm 1950 có trang giới thiệu sách “cùng một tác giả” (Nguyễn Cát Ngạc), ghi: “ Đã xuất bản: Bách Việt - chuyện dài lịch sử, 14$00; Bụi phồn hoa - Tập chuyện ngắn, 6$00. Sắp xuất bản: Hùng Vương - Chuyện dài lịch sử; Tây Thi – Bi kịch năm hồi; Hai người đàn bà - Tập chuyện ngắn. Phát hành tại Nhà xuất bản Quê hương, 38C phố Trưng Vương (Rollandes) – Hà Nội”. Chúng tôi đã sưu tầm được bản in hoặc


bản thảo của các tác phẩm Bách Việt, Bụi phồn hoa, Hùng Vương,Tây Thi, nhưng bản thảo tập Hai người đàn bà thì chưa tìm được. Trong số di cảo của ông mà chúng tôi đang nghiên cứu cũng không có truyện ngắn nào tên là Hai người đàn bà. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tập bản thảo hoặc truyện ngắn này đã bị thất lạc.

1.2.3. Các tác phẩm đã xuất bản và di cảo

Tác phẩm của Nguyễn Cát Ngạc để lại khá phong phú về thể loại như kịch bản sân khấu, truyện ngắn, truyện dã sử, tiểu luận văn hóa, đoạn văn ngắn. Điểm lại chưa đầy đủ, Nguyễn Cát Ngạc có những tác phẩm sau:

1.2.3.1. Về kịch bản văn học:

Hai tác phẩm được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, là: Chàng Ngốc (hài kịch năm hồi, NXB Nam Định - Trường Phát in năm 1930) mã số

P. 12381 (17) Nam Xương; Ông Tây An Nam (hài kịch ba hồi, NXB Hà Nội - Nam Kỳ in năm 1931) mã số M.6368 (19) Nam Xương.

Trong di cảo ông còn các kịch bản:

- Tây Thi (bi kịch năm hồi tám cảnh),

- Văn Chủng (bi kịch năm hồi),

- Tội ăn cắp (kịch vui),

- Thuốc tê Ô Cấp (kịch vui).

Theo gia đình cho biết, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc còn có hai kịch bản Nói khoác (hài kịch một hồi) và Đại gia văn sĩ (hài kịch năm hồi) hiện chưa tìm thấy.

1.2.3.2. Về truyện ngắn:

Về truyện ngắn đã xuất bản, Nguyễn Cát Ngạc có tập Bụi phồn hoa do NXB Quê hương xuất bản tại Hà Nội năm 1950, gồm 7 truyện ngắn: Bụi phồn hoa, Một nhà cách mạng, Chữ Quý, Một nạn nhân, Vàng, Ngôi đất công khanh, Tái hợp.


Trong di cảo còn có 19 truyện ngắn ở dạng bản thảo, chưa xác định được là đã công bố hay chưa (nói như vậy bởi trong một số bản thảo, ông còn để lại bút tích trên đầu trang: “để đăng Sài Gòn Mới”, “Truyện dự thi tại Hội Truyền bá quốc ngũ Cần Thơ”), được ký với các bút danh Nguyễn Tác Cang, Nguyễn Trúc Thanh, Nguyễn Cát Ngạc, bao gồm: Hội đồng vĩ nhân, Khách quan, Vô sỉ, Tình chia đôi ngả, Vẽ mặt văn khôi, Vô liêm sỉ, Có chí thì nên, Giao Lương Sơn, Một tấm lòng vàng, Nước Trivitri, Truyện giải trí, Đánh ghen trong mồ, Tình trong biên giới, Kiếp bình bồng, Hai lần ly biệt, Tình quê, Yêu nghệ thuật, Hai nhân vật tỉnh Bắc Giang, Lưu Bình - Dương Lễ.

Cũng về thể loại truyện ngắn, nhưng viết về đề tài lịch sử, ông ghi là “truyện dã sử", trong di cảo của ông còn có các tác phẩm: Hoàng Trừu, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Thị Lộ, Trên chòi Khâm Thiên , Tráng sĩ Phù Đổng.

Ngoài 19 truyện trên được ông ghi là “truyện ngắn”, Nguyễn Cát Ngạc còn viết một số tiểu phẩm ngắn cho một chuyên mục riêng được ông đặt tên là Kiến văn chí dị, gồm các bài: Giống Waltrabar, Nước tự do, Ma Hàng Giầy, Cái chết của ông lang Doanh, Ma Hàng Cỏ, Cây đèn Khổng Minh. Những tiểu phẩm này cũng được ông viết theo kết cấu của truyện ngắn.

1.2.3.3. Về tiểu thuyết:

Nguyễn Cát Ngạc đã cho in hai cuốn tiểu thuyết viết theo lối chương hồi là Bách Việt Hùng Vương tại NXB Quê hương (Hà Nội năm 1950). Hiện nay chưa tìm thấy bản in của cuốn Hùng Vương, chỉ còn lại bản thảo.

1.2.3.4. Về sử ký:

Ông có bộ sách Sử ký Việt Nam (bút danh Nguyễn Trúc Thanh) gồm ba quyển, trình bày lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến năm 1765, bộ sách này được “soạn theo chương trình Ban Trung học của Bộ Quốc gia Giáo dục” (chính quyền miền Nam cũ) đã được in tại NXB Liên hiệp ở Sài Gòn vào năm 1956.

Xem tất cả 89 trang.

Ngày đăng: 24/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí