Cơ Sở Pháp Lý Về Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Quyền Lợi Người Tiêu Dùng

dùng so với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đó là sự khác nhau về chủ thể tham gia quan hệ pháp luật.

Cũng như các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, chủ thể của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng cũng gồm hai bên: bên bị thiệt hại và bên gây ra thiệt hại. Nhưng sự khác biệt là ở chỗ, trong quan hệ pháp luật này bên gây thiệt hại là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất kinh doanh; bên bị thiệt hại là người tiêu dùng.

Bên gây ra thiệt hại trong trường hợp này có thể là cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác sản xuất, kinh doanh (khái niệm này khá rộng có thể bao gồm cả các chủ thể kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và trong trường hợp đặc biệt các cơ quan Nhà nước cũng trở thành chủ thể trong quan hệ này nếu có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ: Trung tâm y tế dự phòng cung cấp vắcxin cho thị trường… Ngoài ra còn có thể là những người buôn bán nhỏ lẻ như gánh rau, gánh chè… đến những công ty kinh doanh chiếm thị phần lớn trên thị trường như Công ty sữa Việt Nam Vinamilk).

Như đã phân tích, người tiêu dùng có thể là cá nhân, tổ chức (theo nghĩa rộng) nhưng người tiêu dùng ở đây đã bị giới hạn bởi “mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức.” Như vậy, nếu tiêu dùng vì mục đích khác ngoài mục đích trên, ví dụ: tiêu dùng cho sản xuất, kinh doanh hay mua để bán lại… thì chủ thể đó không phải là “người tiêu dùng” và như vậy sẽ không trở thành “bên bị thiệt hại” trong quan hệ pháp luật này. Tuy nhiên, trong giới nghiên cứu khoa học cũng có quan điểm cho rằng “tiêu dùng” phải hiểu theo nghĩa rộng nhất nghĩa là tiêu dùng ở đây bao gồm cả tiêu dùng cho sinh hoạt và tiêu dùng cho sản xuất, kinh doanh và vì vậy trong trường hợp này nếu được cung ứng hàng hóa không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại, họ cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại [15. Điều 630]. Có lẽ chỉ nên coi “bên bị thiệt hại” là người tiêu dùng như quy định tại Luật

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 bởi lẽ các chủ thể “tiêu dùng” vì mục đích sản xuất, kinh doanh sẽ được bảo vệ bởi một “khung” pháp lý khác và chắc hẳn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp vì sẽ có sự đan xen của nhiều ngành luật khác nhau. Cũng không phải ngẫu nhiên mà pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nhiều nước cũng có cùng quan điểm với Việt Nam trong vấn đề này. Vì trong phạm vi sản xuất và tiêu dùng cho sản xuất kinh doanh các nước đều đã có nhiều quy định chi tiết, chặt chẽ trong nhiều đạo luật và quy định dưới luật cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhìn chung, trong quan hệ pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trong quan hệ bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng nói riêng thì điều mà các chủ thể hướng đến (hay nói cách khác là khách thể của quan hệ này) chính là hành vi bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (người tiêu dùng) vì vậy luôn được thể hiện dưới dạng hành động và thông qua đó thì các quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện.

Tóm lại, trong Chương 1 chúng ta đã tìm hiểu những vấn đề khái quát nhất về người tiêu dùng, đồng thời cũng phân tích và làm sáng rõ một số vấn đề căn bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Từ đây, ta thấy được tầm quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong việc góp phần bảo vệ người tiêu dùng trong xã hội tiêu dùng hiện nay và là cơ sở lý luận định hướng cho việc nghiên cứu những vấn đề thực tiễn về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Chương 2‌

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

2.1 Cơ sở pháp lý về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Quyền được bồi thường của người tiêu dùng được Quốc tế người tiêu dùng (CI) đề cập đến và ghi nhận lần đầu tiên trong Bản hướng dẫn của Liên hợp Quốc ngày 09 tháng 04 năm 1985 - là một trong 8 quyền căn bản của người tiêu dùng. Ngay sau đó các nước đã triển khai và quy định quyền được bồi thường trong pháp luật nước mình dưới những hình thức khác nhau, có thể là một điều luật trong luật bảo vệ người tiêu dùng, cũng có thể được quy định đồng thời trong nhiều văn bản luật... Mặc dù được quy định dưới nhiều hình thức nhưng các nước vẫn có cơ chế hữu hiệu để quyền này được thực thi trên thực tế.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn - 7

Trong pháp luật Việt Nam, vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng xuất phát từ nguyên tắc Hiến định: Công dân... được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm...” [14. Điều 71] và “... Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.” [14. Điều 28].

Trên tinh thần đó, Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân, pháp luật và các chủ thể khác sản xuất, kinh doanh do không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các hàng hóa khác mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng, thì phải bồi thường”[16. Điều 632]. Sau này đã sửa đổi bổ sung như sau: Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không đảm bao chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.” [15. Điều 630].

Với quy định như trên thì các quyền cơ bản của người tiêu dùng nói chung và quyền được bồi thường của người tiêu dùng bước đầu được đảm bảo. Người tiêu dùng có cơ sở pháp lý vững chắc để tự bảo vệ mình, được hưởng những lợi ích từ việc tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ được cung ứng và được bồi thường khi có sự vi phạm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại cho mình.

Bên cạnh đó một văn bản pháp luật quan trọng đó là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 ra đời đánh dấu một bước tiến, là thành tựu, đặt nền móng cho công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta. Luật đã ghi nhận quyền được bồi thường của người tiêu dùng ở nhiều điều luật khác nhau quy định trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo quyền bồi thường của người tiêu dùng và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo cho quyền này được thực thi trên thực tế. Để Luật có thể đi vào cuộc sống thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27- 10-2011 quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định không chỉ đem lại cơ sở pháp lý cho người tiêu dùng khi thực hiện quyền yêu cầu bồi thường mà còn thúc đẩy quyền này được thi hành một cách nhanh nhất, thỏa mãn nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự là "thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời". Rõ ràng các nhà làm luật đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại đối với vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Điều này thật sự có ý nghĩa bởi lẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông hàng hóa cho đến khi người tiêu dùng tiếp nhận đều có thể tiềm ẩn những mối nguy hại, những sai sót... nếu không có cơ chế bồi thường thì người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi vì không được cung ứng sản phẩm có chất như mong muốn, đồng thời điều này cũng giúp cho nhà sản xuất kịp thời khắc phục được sai sót được hoàn thiện sản phẩm của mình, tạo được uy tín trên thị trường, từ đó góp phần tạo đà phát triển kinh tế cho đất nước.

"Tiêu dùng" là một vấn đề rộng được quy định ở nhiều ngành luật khác nhau, chính vì vậy mà từng ngành luật cũng có những quy định tương ứng để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Luật Thương mại năm 2005 quy định về vấn đề này ngay trong mục những nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại tại Điều 14 “nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”; đồng thời cũng quy định việc xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại Điều 320. Cũng trong thời gian này, Luật Cạnh tranh năm 2005 được ban hành không những đáp ứng nhu cầu điều chỉnh những hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh vốn đã vô cùng phức tạp trong xu thế hội nhập với nền kinh tế toàn cầu mà còn một công cụ bảo vệ người tiêu dùng. Pháp luật cạnh tranh và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có một sự giao thoa bằng các quy định cấm đoán và xử lý các vi phạm trong cạnh tranh ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng qua đó tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng trên tinh thần tôn trọng lợi ích chính đáng và hợp pháp của người tiêu dùng. Luật Cạnh tranh cũng quy định việc bồi thường thiệt hại và trách nhiệm cải chính công khai khi xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng. Có thể nói, những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định trong Luật Cạnh tranh và Bộ luật Dân sự là nền tảng quan trọng để các chủ thể bị thiệt hại trong cạnh tranh bất chính có cơ sở để yêu cầu bồi thường, khôi phục lại lợi ích bị xâm phạm.

Hơn ai hết người tiêu dùng chính là những người phải chịu những thiệt thòi từ việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên không phải hàng hóa, dịch vụ nào cũng dễ dàng dễ nhận ra những khiếm khuyết, đôi khi nó là những khuyết tật ẩn dấu phải có trình độ khoa học kỹ thuật nhất định và sự am hiểu về lĩnh vực đó thì mới có thể phát hiện ra. Đó là chưa kể những sản phẩm được làm giả, làm nhái rất tinh vi. Vậy làm sao để nhận biết và quy định nào bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp

này? Pháp luật đã dự trù được điều này bằng cách ban hành một loạt các văn bản liên quan đến chất lượng hàng hóa với tính chất hỗ trợ công tác bảo vệ người tiêu dùng được hiệu quả như: Luật Chất lượng hàng hóa năm 2007, Luật Đo lường năm 2011, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Pháp lệnh giá năm 2002... Phải nói rằng với các văn bản pháp luật này, người tiêu dùng được bảo vệ bởi những văn bản mới có giá trị pháp lý cao, quy định chặt chẽ, đầy đủ và tiến bộ.

Song song với đó là trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, hầu hết đầu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, cũng có những quy định riêng về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng như: Luật Hàng không dân dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Bưu chính 2010...

Ngay trong pháp luật hình sự ta cũng bắt gặp những quy định bảo vệ người tiêu dùng mang tính chất răn đe rất nghiêm khắc như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156 BLHS), Tội lừa dối khách hàng (Điều 162 BLHS), Tội quảng cáo gian dối (Điều 168 BLHS)... tuy vậy, trong thực tiễn xét xử hình sự thì những vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại sẽ được chuyển sang giải quyết về dân sự.

Ngoài ra Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 với những quy định góp phần ngăn chặn những sản phẩm hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng và quyền được sống trong một môi trường trong lành của họ. Nếu vi phạm điều này người gây ô nhiễm sẽ phải bồi thường. Trước đó, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định: “người nào có hành vi vi phạm... nếu gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.” Và đến nay luật này vẫn còn nguyên giá trị hiệu lực.

Nhìn một cách tổng quan thì những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như vậy

là khá đầy đủ, tương đối toàn diện. Trong hầu hết các ngành luật có liên quan đến vấn đề tiêu dùng đều có những quy định thể hiện sự quan tâm nhất định đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được bồi hoàn, bồi thường của người tiêu dùng. Một mặt đảm bảo cho những quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm hại, mặt khác có những chế tài đủ mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức vi phạm đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tạo tiềm lực phát triển kinh tế đất nước.

2.2 Thực trạng pháp luật và thực thi pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

2.2.1 Sơ lược lịch sử chế định bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Trong pháp luật dân sự, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định lịch sử lâu đời nhất. Trong Luật dân sự La mã, chế định này được thể hiện ở hình thức nộp phạt cho người bị thiệt hại, có thể là do người bị thiệt hại quy định hay phạt tiền bồi thường thiệt hại do các pháp quan thay mặt Nhà nước quy định được áp dụng theo trình tự tố tụng. Hình thức và mức độ bồi thường cũng rất khác nhau, có thể là phạt tiền hay là “máu trả máu”. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng được hình thành khá sớm.

Vấn đề bồi thường thiệt hại lần đầu tiên được đặt ra ở ngoài triều đại Nhà Lý (1011 - 1225) và trong suốt thời kỳ phong kiến chế định bồi thường thiệt hại hầu như không có sự tách bạch rõ ràng giữa Dân luật và Hình luật. Tuy vậy cũng đã có đề cập đến trách nhiệm của người thứ ba (ngoài ra cũng manh nha hình thành khái niệm “lỗi cố ý” và “lỗi vô ý” nhưng được sử dụng với thuật ngữ khác). Ở thời kỳ này, vấn đề bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần cũng đã được đặt ra (thường dưới hình thức là tiền tạ).

Ví dụ: Lăng mạ quan chức thì phải nộp một khoản tiền tạ (đối với dân thường thì khoản tiền tạ không được nói đến).

Ví dụ: bồi thường thiệt hại trong hôn nhân. Nếu nhận sính lễ mà trả lại hoặc đã dạm hỏi rồi mà thay đổi ý kiến thì cũng phải bồi thường thiệt hại về danh dự.

Chế định bồi thường thiệt hại trong thời kì phong kiến mang nặng ý chí giai cấp thống trị và bất bình đẳng (mức bồi thường còn phụ thuộc vào nhân thân người bị thiệt hại).

Ví dụ: Theo Điều 29 Bộ luật Hồng Đức thì tiền đền mạng được ấn định tùy theo phẩm trật của kẻ bị chết như sau: Nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15000 quan, nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9000 quan, tam phẩm, tòng tam phẩm 7000 quan...

Vì không có sự tách bạch giữa Dân luật và Hình luật nên việc bồi thường thường mang tính chất hình phạt, số tiền bồi thường được ấn định cao gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần thiệt hại thực tế xảy ra. Bởi vậy nó mang tính chất trừng phạt nhiều hơn là việc khắc phục những thiệt hại của người bị hại. “Pháp luật phong kiến không bắt buộc người bị thiệt hại chứng minh về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra mà điều này hoàn toàn dựa trên sự suy đoán của nhà làm luật. Khi có thiệt hại xảy ra, người bị thiệt hại chỉ cần đưa ra dẫn chứng về thiệt hại và hành vi vi phạm của người gây thiệt hại là đủ để người đó phải bồi thường. Tuy nhiên, sự suy đoán ủa nhà làm luật không có tính tuyệt đối, người gây thiệt hại có thể đưa ra chứng cứ để chứng tỏ rằng sự suy đoán đó là không phù hợp với thực tế thiệt hại xảy ra.” [12].

Vào thời Pháp thuộc, do sự chia cắt đất nước nên có sự tồn tại đồng thời của ba Bộ luật cùng điều chỉnh trong lĩnh vực dân sự là: Bộ Dân luật Nam Kỳ (ban hành ngày 10/03/1883), Bộ Dân luật Bắc Kỳ (ban hành ngày 30/03/1931), Bộ Dân luật Trung Kỳ (ban hành năm 1936). Một bước tiến là

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/11/2023