Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn - 5

- Có lỗi của người gây ra thiệt hại.

Tuy nhiên, khi phân tích từng điều kiện ta sẽ thấy được nét khác biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng so với các trường hợp khác của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

* Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra trên thực tế:

Có thể nói đây là điều kiện tiền đề của trách nhiệm bồi thường bởi có “thiệt hại” thì mới cần “bồi thường”. Thiệt hại là điều kiện xác định trách nhiệm dân sự và cũng là điều kiện cần thiết để ấn định mức bồi thường cho bên gây ra thiệt hại. Mục đích của việc bồi thường là nhằm khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra thiệt hại nên trách nhiệm gắn với việc bồi thường những thiệt hại đã xảy ra. Vì vậy, thiệt hại là một điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Vậy “thiệt hại” là gì và ảnh hưởng của thiệt hại đến trách nhiệm như thế nào.

Thiệt hại là tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ”. [29]

Từ định nghĩa trên và căn cứ vào cách phân chia của Bộ luật Dân sự 2005 thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

- Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm;

-Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm;

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm;

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Ta cũng có thể phân chia theo cách thiệt hại bao gồm: thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần. [10]

Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, những vấn đề lý luận và thực tiễn - 5

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.

Ngoài ra, nếu căn cứ vào diện được bồi thường thì ta có thể phân ra thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp.

Mặc dù ta có thể phân chia thiệt hại theo cách này hay cách khác nhưng để được bồi thường thì thiệt hại đó phải là thiệt hại thực tế (đã xảy ra hoặc chắc chắn sẽ xảy ra) phải là cái khách quan và có thật. Người có hành vi trái pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi của họ gây ra. Vì vậy, nếu là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thì mức bồi thường có thể bằng hoặc cao hơn thiệt hại thực tế vì trong hợp đồng các bên có thể thỏa thuận và quy định phạt vi phạm… nhưng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật trên nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Nghĩa là việc bồi thường phải ngang giá theo đúng quy luật hàng – tiền của nền sản xuất hàng hóa, để đảm bảo rằng không ai được lợi không có căn cứ pháp luật từ việc bồi thường. Mặt khác, ý nghĩa của việc bồi thường là nhằm khôi phục lại tình trạng trước khi có thiệt hại, không nhằm mục đích trừng phạt, đảm bảo sự công bằng cho các bên. Do vậy, BLDS cũng quy định người gây thiệt hại có

thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Tuy nhiên, một số nước phương tây lại có cách nhìn nhận khác. Pháp luật của họ cho phép bồi thường thiệt hại cao hơn nhiều lần so với thiệt hại thực tế. Tại sao lại có quy định như vậy? Điều này có lẽ xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do truyền thống lập pháp, do điều kiện hoàn cảnh lịch sử từng nước nhưng sự lý giải của họ ở đây cũng có những điểm hợp lý. Họ cho rằng quy định như vậy sẽ khuyến khích người tiêu dùng khiếu kiện càng nhiều và như vậy không chỉ quyền lợi của họ được bảo đảm mà những người tiêu dùng khác gặp trường hợp tương tự cũng có thể yêu cầu bồi thường từ đó sẽ tạo hiệu ứng lan truyền bảo vệ được cả cộng đồng và cũng có tác dụng thúc đẩy nhà sản xuất kinh doanh cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn, việc phục vụ người tiêu dùng cũng tốt hơn. Đó cũng là một cách thiết thực để bảo vệ người tiêu dùng, tuy nhiên việc có áp dụng được ở Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu áp dụng không tốt có thể sẽ dẫn đến việc trái với nguyên tắc luật định và điều cần chú ý đó chính là sự phù hợp.

Trở lại với những quy định trong pháp luật Việt Nam, hầu hết các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trước thời điểm phát sinh trách nhiệm bồi thường các bên không có mối quan hệ với nhau về quyền và nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thì trách nhiệm lại thường phát sinh từ một hợp đồng trước đó (có thể là hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ…). Bởi vậy việc bồi thường cho người tiêu dùng thường có sự đan xen giữa trách nhiệm trong và ngoài hợp đồng. Vì vậy cần xác định cụ thể thiệt hại nào thuộc về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Theo tác giả thì thiệt hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể là những thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được ghi nhận ở Điều 609, Bộ luật Dân sự:

Theo đó, thiệt hại về vật chất khi sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Và thiệt hại về tinh thần khi sức khỏe bị xâm phạm thì tinh thần là cái trừu tượng thuộc về bên trong con người, rất khó nắm bắt và xác định. Để xác định thiệt hại về tinh thần sẽ không có một công thức chung vì tùy từng đối tượng, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh mà ta có thể xem xét có thiệt hại về tinh thần hay không. Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm, khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Trước đây, trong Bộ luật Dân sự năm 1995 có quy định: “tùy từng trường hợp” mà Tòa án quyết định cho người bị thiệt hại về sức khỏe được hưởng khoản tiền bù đắp về tinh thần. Như vậy ta có thể hiểu rằng khoản tiền bồi thường này là không đương nhiên và nó phụ thuộc khá nhiều vào ý chí của Thẩm phán khi xét xử. Điều này có thể linh hoạt nhưng trong nhiều trường hợp lại không tạo được sự công bằng vì sẽ không có một “chuẩn” để đánh giá.

Bộ luật Dân sự 2005 đã bỏ đi cụm từ “tùy từng trường hợp” thay vào đó là “phải bồi thường” và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 cũng khẳng định “trong mọi trường hợp” khi sức khỏe bị xâm phạm thì sẽ được bồi thường khoản tiền bù đắp về tinh thần. Tuy nhiên việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần thì phải căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 03 như đã nêu ở trên. Ngoài ra còn cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân… Vậy theo Bộ luật Dân sự 2005 ta có thể hiểu khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần là đương nhiên, nhưng các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì sẽ căn cứ vào quy định tương ứng tại Bộ luật Dân sự. Việc quy định mức trần trong Bộ luật Dân sự sẽ tạo điều kiện thực thi bản án trên thực tế.

Nhìn chung những quy định trong Bộ luật Dân sự là khá đầy đủ và hợp lý. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn rất chi tiết về việc xác định, tính toán những khoản thiệt hại kể trên nên ở đây tác giả chỉ bàn thêm một số vấn đề sau:

Để đảm bảo cho nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời thì những chi phí được nêu ở trên phải là những “chi phí hợp lý”. Nghĩa là bên cạnh việc đảm bảo yếu tố cần kíp và nhanh chóng (để giảm thiểu thiệt hại) thì những chi phí đó phải “là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí” (Nghị quyết 03). Ví dụ: người bị thiệt hại do có điều kiện kinh tế nên đã sử dụng thuốc đắt tiền trong khi sử dụng loại thuốc khác ít tốn kém hơn mà vẫn có hiệu quả chữa trị thì chỉ có thể chấp nhận bồi thường ở mức đó và chi phí phụ trội sẽ không được coi là hợp lý.

Điều 612, Bộ luật Dân sự chỉ quy định thời hạn hưởng bồi thường thiệt

hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết nhưng chưa đề cập đến thời hạn được hưởng bồi thường thiệt hại khi sức khỏe bị giảm sút, nghĩa là suy giảm khả năng lao động. Việc suy giảm khả năng lao động cũng có 02 trường hợp: một là tuy bị suy giảm nhưng khả năng này có thể khôi phục dần dần sau một thời gian chữa trị (ví dụ bị chấn thương); hai là một phần khả năng lao động bị mất đi vĩnh viễn không có khả năng hồi phục (ví dụ bị gãy một chi). Nghị quyết 03 cũng không có hướng dẫn về vấn đề này. Theo tác giả nếu pháp luật không có quy định cụ thể thì các bên có quyền tự do thỏa thuận. Có thể khoản tiền này sẽ được tính toán và bồi thường một lần, sau đó nghĩa vụ bồi thường sẽ chấm dứt. Cũng có thể việc bồi thường sẽ chấm dứt khi sức khỏe được hồi phục.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được ghi nhận ở Điều 610, Bộ luật Dân sự:

Thiệt hại về vật chất khi tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Và thiệt hại về tinh thần khi tính mạng bị xâm phạm là trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường cũng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi thánh lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Cũng như trường hợp thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, trong trường hợp này khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cũng là đương nhiên. Tuy nhiên, cần

căn cứ vào hướng dẫn tại Điểm b, tiểu mục 1.1, mục 1, Phần 1, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của những người thân thích của người bị thiệt hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại…

Tính mạng, sức khỏe của con người là vốn quý, nó chứa đựng những thuộc tính mà các loại “tài sản” khác không có. Vì vậy, một khi tính mạng, sức khỏe con người đã bị xâm phạm thì việc “khôi phục lại tình trạng ban đầu” là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Tuy thuộc về mặt vật chất nhưng tính mạng và sức khỏe không thể quy ra một “lượng” cụ thể để định giá bởi vậy việc bồi thường chỉ mang tính chất khắc phục, nhằm bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát mà người bị thiệt hại và gia đình của họ phải gánh chịu. Người tiêu dùng là những người phải chịu những hậu quả trực tiếp từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng. Những sản phẩm này đã có tác động không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng muốn được bồi thường thì phải chứng minh có thiệt hại và có những khoản chi phí để khắc phục. Điều cần thiết là phải căn cứ vào những hóa đơn, chứng từ hợp lệ làm cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

* Thứ hai, có hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật:

“Hành vi trái pháp luật là hành vi được thực hiện trái với những quy định của pháp luật như không làm những việc mà pháp luật yêu cầu, làm những việc mà pháp luật cấm, hoạt động vượt quá phạm vi cho phép của pháp luật…”[8].

Theo đó cũng có thể hiểu hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định chung của pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm. Vì vậy, người có hành vi xâm phạm đến những quyền tuyệt đối này đều bị coi là có hành vi trái pháp luật cho dù họ có lỗi cố ý hay vô ý thậm chí trong những trường hợp cá biệt không có lỗi. “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. [14. Điều 50]. “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…”[14. Điều 71]. Hay “Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.” [15. Điều 9]. “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” [15. Điều 10]. “Người nào… xâm phạm… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” [15. Điều 604].

Khi pháp luật đã có những quy định chặt chẽ như trên mà chủ thể nào xâm phạm thì sẽ bị coi là có hành vi trái pháp luật và phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Bởi lẽ pháp luật ghi nhận và cho phép các chủ thể có quyền chọn lựa cách xử sự phù hợp nhưng nếu đi trái lại nghĩa là trái pháp luật.

Xét về khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng thì hành vi trái pháp luật ở đây chính là hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đó chính là sự vi phạm những quyền căn bản của người tiêu dùng đã được pháp luật ghi nhận và được xã hội tôn trọng. Tiếp cận một bước gần hơn thì sự vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng xuất phát chính từ hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vậy hàng hóa như thế nào là không đảm bảo chất lượng?

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chất lượng hàng hóa có ảnh hưởng

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 03/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí