Bồi Thường Thiệt Hại Do Vi Phạm Quyền Lợi Của Người Tiêu Dùng

dùng thì sẽ không có sản xuất. Chính vì lẽ đó nên họ phải được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ khi mua và sử dụng hàng hoá của các nhà sản xuất hay kinh doanh, không những thế họ còn có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ trong trường hợp hàng hoá được họ mua gây thiệt hại đến tài sản của họ, đến môi trường sống xung quanh.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hình thành và phát triển đã khá lâu, nhưng những quyền của người tiêu dùng thì chưa được xác định rõ rệt. Ngày 15/03/1962, Tổng thống Mỹ John Kennedy, trong một cuộc họp của Thượng việc Mỹ đã phát biểu: “… Theo định nghĩa, người tiêu dùng là tất cả chúng ta. Họ là nhóm người đông đảo nhất, có tác động và chịu tác động của hầu hết các quyết định về kinh tế, dù là của nhà nước hay tư nhân. Thế nhưng họ lại là nhóm người quan trọng duy nhất mà quan điểm của họ lại thường không được lắng nghe…” [8]. Từ phát biểu của Tổng thống Mỹ những quyền của người tiêu dùng dần đần được hình thành và phát triển. Tuyên bố Kennedy lúc đầu chỉ đề cập bốn quyền cơ bản của người tiêu dùng, đó là: quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn và quyền được bày tỏ quan điểm. Bốn quyền này là cốt lõi của hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới trong giai đoạn đó.

Qua quá trình hoạt động thực tiễn của Quốc tế người tiêu dùng và các tổ chức người tiêu dùng các nước, bốn quyền của người tiêu dùng đã được bổ sung thêm. Theo đề xuất của Quốc tế người tiêu dùng (CI) ngày 09/05/1985, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 39/948 có tên gọi là “Các nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ người tiêu dùng”, trong đó công bố 08 quyền của người tiêu dùng [8,29], bao gồm:

1. Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản

2. Quyền được an toàn

3. Quyền được thông tin

4. Quyền được lựa chọn

5. Quyền được lắng nghe

6. Quyền được khiếu nại và bồi thường

7. Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

8. Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững.

Với sự phê chuẩn của Liên hợp quốc, những quyền của người tiêu dùng đã được đưa lên vị trí hợp pháp và được quốc tế công nhận, được tất cả các quốc gia dù là phát triển hay đang phát triển thừa nhận. Ngày nay, 08 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và các chính phủ thừa nhận. Chính phủ nhiều nước đã đưa nội dung 08 tám quyền của người tiêu dùng vào pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của nước mình. Tám quyền này được dùng làm cơ sở để các quốc gia hoạch định chính sách bảo vệ người tiêu dùng và cũng là cơ sở cho hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trên thế giới.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng theo Pháp luật Dân sự Việt Nam - 3

Ngày 09/04/1985, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã phê chuẩn bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng, vẫn dựa trên nguyên tắc của 08 quyền của người tiêu dùng. Bản hướng dẫn đưa ra các nguyên tắc dựa trên 08 quyền của người tiêu dùng và vạch ra những nguyên tắc khung để tăng cường các chính sách bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia. Lời phát biểu của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy ngày 15/03/1962 đã làm cho ngày đó sau này trở thành “Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới”, được gọi tắt theo tiếng Anh là WCRD (World Consumer Rights Day). Năm 1983, Liên hợp quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15 tháng 3 là ngày quyền của người tiêu dùng thế giới [8].

Trên cơ sở các quy định về quyền của người tiêu dùng tại Nghị quyết nêu trên của Liên Hợp quốc và nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng khi họ sử dụng các dịch vụ, hàng hoá, sản phẩm không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá cả, mục đích sử dụng … không phù hợp với thoả thuận của hợp đồng, Bộ luật Dân sự và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã quy định người tiêu dùng có các nhóm quyền cơ bản sau:

Thứ nhất, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; được cung cấp các thông tin trung thực về chất lượng, giá cả, phương pháp sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ và môi trường khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ; được hướng dẫn những hiểu biết cần thiết về tiêu dùng. Quyền được mua hàng hoá, dịch vụ của người tiêu dùng được thực hiện trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được ghi nhận tại các Điều 4, 5, 6 … của Bộ luật Dân sự 2005, như nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc thiện chí, trung thực … Cụ thể là:

- Trong quan hệ dân sự, quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ được pháp luật bảo đảm, nếu các cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

- Trong giao lưu dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Mọi cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên.

- Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.

- Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào …

Thứ hai, người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi giá cả hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết.

Quyền được bồi thường còn được gọi là quyền được khiếu nại và bồi thường của người tiêu dùng. Khi gặp những điều thiệt thòi, những điều không vừa ý trong quan hệ với các nhà sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng có quyền được khiếu nại. Khi những khiếu nại là chính xác và đúng đắn, người tiêu dùng có quyền được bồi thường. Nhà sản xuất, kinh doanh phải bồi thường cho người tiêu dùng nếu sản phẩm dịch vụ do họ cung ứng không đúng với nội dung đã giới thiệu, quảng cáo, giao kết hợp đồng. Các khiếu nại của người tiêu dùng có

thể được giải quyết bằng cách hoà giải giữa người cung ứng và người tiêu dùng thông qua các văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng, bằng cách trực tiếp giữa người cung ứng và người tiêu dùng hoặc thông qua các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, hoặc trong trường hợp không giải quyết được thì có thể thông qua hệ thống toà án dân sự. Bồi thường thoả đáng cho những khiếu nại chính đáng của người tiêu dùng sẽ nâng cao được tín nhiệm của doanh nghiệp, cải thiện được hình ảnh của doanh nghiệp trong con mắt người tiêu dùng.

Thứ ba, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật.

Thứ tư, người tiêu dùng có quyền đóng góp ý kiến trong việc xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ năm, người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá, dịch vụ thuộc nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường và các hàng hóa, dịch vụ khác đã đăng ký, công bố.

Thứ sáu, người tiêu dùng được thành lập tổ chức để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

Người tiêu dùng có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các quyền của người tiêu dùng không chỉ được Nhà nước bảo vệ mà còn nhận được sự bảo vệ từ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khi họ phải thực hiện các quy định của pháp luật. Các quyền của người tiêu dùng còn được các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân (trong đó có bản thân người tiêu dùng) đều có trách nhiệm tham gia bảo vệ. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận

trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

1.2. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Việc tham gia các quan hệ mua bán, dịch vụ hàng hoá nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là các quan hệ dân sự. Do vậy, mọi hoạt động mua, bán, trao đổi, dịch vụ hàng hoá … nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng được thực hiện trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là thuận mua, vừa bán phù hợp với ý chí của các bên, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Vi phạm pháp luật dân sự gây thiệt hại cho người khác là một hiện tượng khách quan. Để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bảo vệ mạnh mẽ hơn người bị thiệt hại và tăng cường trách nhiệm của người gây thiệt hại, từ đó đẩy mạnh việc phòng ngừa thiệt hại xảy ra, pháp luật buộc người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Và để bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người bị vi phạm, việc bồi thường kịp thời và đầy đủ là một trong các nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

1.2.1. Lý luận chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Về mặt lý luận, khi nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì tìm hiểu về khái niệm và những đặc điểm nổi bật của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một việc làm cần thiết phải được coi trọng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Bộ luật Dân sự 2005 quy định tại Điều 307 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và chương XXI về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong cả hai phần này đều không nêu rõ khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ nêu lên căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm, thời hạn hưởng bồi thường…. Dưới góc độ khoa học pháp lý, mỗi người sống trong xã hội đều phải

tôn trọng quy tắc chung của xã hội, không thể vì lợi ích của mình mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì chính người đó phải chịu bất lợi do hành vi của mình gây ra. Sự gánh chịu một hậu quả bất lợi bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác được hiểu là bồi thường thiệt hại (BTTH). Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra.

Là một loại trách nhiệm pháp lý nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước…. thì trách nhiệm BTTH còn có những đặc điểm riêng sau đây:

- Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong Bộ luật Dân sự ở Điều 307 và Chương XXI và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự.

- Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự (nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng), có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

- Về hậu quả: trách nhiệm BTTH luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường. Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại.

- Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…

Có nhiều căn cứ khác nhau để phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể như sau:

* Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được phân thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Đây là cách phân loại cơ bản nhất bởi lẽ xác định cơ sở giải quyết bồi thường theo hợp đồng và ngoài hợp đồng sẽ rất khác nhau. Chính vì vậy, xác định được rõ hai loại trách nhiệm này sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật dân sự một cách đúng đắn.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự mà theo đó người có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng gây ra thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất mà mình gây ra. Như vậy, cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng bao gồm:

- Trách nhiệm BTTH theo hợp đồng bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở một hợp đồng có trước tức là giữa người được hưởng bồi thường và người gây ra thiệt hại trước đó phải có một quan hệ hợp đồng.

Nếu giữa hai bên không tồn tại một hợp đồng nào thì nếu có thiệt hại xảy ra bao giờ cũng sẽ là những thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng và bên gây thiệt hại chỉ có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chính vì vậy, BTTH trong trường hợp hợp đồng vô hiệu, hủy bỏ hợp đồng và vi phạm đề nghị giao kết hợp đồng là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bởi lẽ hợp đồng chưa được giao kết giữa các bên hoặc được coi là chưa hề tồn tại.

- Trách nhiệm BTTH theo hợp đồng chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng tức là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng gây ra. Nếu giữa các bên tồn tại quan hệ hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không phải là do vi phạm hợp đồng thì trách nhiệm phát sinh cũng không phải là trách nhiệm theo hợp đồng.

- Chủ thể gây thiệt hại và người bị thiệt hại chính là các bên trong quan hệ hợp đồng đó. Bồi thường thiệt hại theo hợp đồng được áp dụng khi hành vi gây thiệt hại là hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng chỉ có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia trong hợp đồng đó. Do đó, nếu người thứ ba có lỗi để gây ra thiệt hại cho một bên trong hợp đồng hoặc một bên trong hợp đồng gây ra thiệt hại cho người thứ ba thì trách nhiệm dân sự phát sinh chỉ có thể là trách nhiệm ngoài hợp đồng. Trường hợp này không áp dụng đối với hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba bởi lẽ đây là trường hợp ngoại lệ vì người thứ ba cũng là người có quyền lợi liên quan và được đề cập đến trong hợp đồng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 14/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí