Bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tập trung theo quy định của pháp luật chứng khoán ở Việt Nam - 12

trường. Vậy điều này cần được ghi nhận rõ ràng trong Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3.1.2. Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Chế tài hành chính cần được quy định nghiêm khắc và chặt chẽ hơn. Như trên đã phân tích, thực trạng các quy định về bảo vệ nhà đầu tư nói riêng và bảo vệ sự vận hành minh bạch, sự phát triển lành mạnh của thị trường nói chung bị vi phạm tràn lan, thường xuyên, ngày càng nhiều có một lý do quan trọng là chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm còn quá nương nhẹ. Theo mức xử phạt quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK là 70.000.000 đồng. Theo ý kiến của đa số nhà đầu tư, đây là con số quá nhỏ bé đối với số lớn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Đặc biệt đối với các định chế tài chính lớn, các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... thì mức phạt này không thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà họ thu được từ việc vi phạm. Bởi vậy, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK nói chung, đối với hành vi cản trở, xâm phạm quyền của nhà đầu tư trên TTCK nói riêng cần được đưa lên một mức hợp lý hơn, có tính chất răn đe nghiêm khắc hơn.

Trong Nghị định số 36/2007/NĐ-CP đã quy định ngoài biện pháp phạt tiền còn có các hành vi xử phạt bổ sung như tịch thu các khoản thu trái pháp luật do hành vi vi phạm mà có, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi trường hợp UBCKNN xử lý cho đến nay mới chỉ dừng ở hình thức phạt tiền, chưa có trường hợp nào UBCKNN tịch thu các khoản thu trái pháp luật (kể cả đối với các trường hợp xử phạt hành vi thao túng thị trường, hay công ty chứng khoán chèn lệnh khách hàng, cho khách hàng bán khống chứng khoán...), chưa yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc

phục hậu quả. Điều này cho thấy để các hình thức xử phạt bổ sung này được thực thi trên thực tế thì cần được quy định chi tiết, hợp lý hơn, ít nhất là phải quy định rõ các khoản lợi nhuận thu được từ hành vi vi phạm là khoản nào (toàn bộ các khoản thu do giao dịch nội gián, giao dịch lũng đoạn thị trường, hay khoản chênh lệch giá, các khoản phí môi giới, các khoản lãi do sử dụng tiền của nhà đầu tư không đúng mục đích....), cơ chế xác nhận các khoản lợi nhuận có được từ hành vi vi phạm như thế nào... Có như vậy, quy định này mới có tính khả thi, mới triển khai được trên thực tế và mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

3.1.3. Bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán

Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật về chứng khoán và TTCK, trong việc quy định về bảo vệ quyền của nhà đầu tư, cần có quy định rõ về việc khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp quyền của nhà đầu tư bị xâm phạm. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào nhà đầu tư sử dụng phương thức kiện dân sự để bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm phạm. Điều này có hai nguyên nhân. Thứ nhất là thường các nhà đầu tư thực hiện phương pháp tự bảo vệ, khiếu nại đến nơi phát sinh hành vi vi phạm (công ty chứng khoán, Sở GDCK, TTGDCK...) và sau đó các bên thương lượng, hòa giải với nhau, hoặc nhà đầu tư sử dụng phương tiện truyền thông, báo chí để gây sức ép với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để ngăn chặn, khắc phục hành vi vi phạm. Các cách thức này đã trở thành thói quen của các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam hiện nay trong việc bảo vệ quyền của nhà đầu tư. Nhưng cũng có nguyên nhân thứ hai trong việc nhà đầu tư không sử dụng phương thức kiện dân sự, là trong Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán không có một quy định nào nhắc đến vấn đề này. Đành rằng Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự là bộ luật gốc đã quy định đầy đủ về việc khởi kiện vụ án dân sự, và khi nhà đầu

tư nhận thấy các quyền và lợi ích dân sự của mình bị xâm phạm thì có thể tiến hành khởi kiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng ít ra trong Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành phải có dẫn chiếu đến điều này, vừa là phục vụ mục đích tạo tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiểu về các quyền và việc bảo vệ quyền của mình theo quy định của pháp luật chứng khoán.

3.1.4. Bổ sung các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Một vấn đề khác mà nhà đầu tư trên thị trường hiện nay rất quan tâm là việc bổ sung các chế tài hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK. Luật pháp của các quốc gia có TTCK phát triển đều quy định chế tài hình sự cho các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK. Điều này có ý nghĩa ngăn chặn, răn đe các hành vi vi phạm tốt hơn là các chế tài hành chính vốn nặng về tính hình thức (cảnh cáo) hoặc kinh tế (phạt tiền). Đặc biệt, các hành vi như thao túng thị trường, giao dịch nội gián, làm giả thông tin... vốn là các hành vi gây thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư, không những thế còn làm cho thị trường bị rối loạn, làm mất đi tính minh bạch của thị trường. Với những hành vi này, cần thiết phải áp dụng chế tài hình sự khi gây ra hậu quả nhất định. Hiện nay, theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, Ban soạn thảo đã đề nghị áp dụng chế tài hình sự đối với một số tội. Theo đó, các hành vi trong giao dịch chứng khoán sẽ bị xử lý hình sự bao gồm: Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán; Gian lận và lừa đảo trong giao dịch chứng khoán; Thao túng giá chứng khoán. Cần phải sớm đưa các quy định này vào thực tế, để giảm bớt tình trạng "hỗn loạn", mạnh ai nấy làm trong giao dịch chứng khoán trên thị trường như hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

3.2. CÁC GIẢI PHÁP KHÁC‌


Bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tập trung theo quy định của pháp luật chứng khoán ở Việt Nam - 12

3.2.1. Các giải pháp kỹ thuật

Hiện trạng công nghệ thông tin của TTCK Việt Nam hiện nay rất kém. HOSE sử dụng hệ thống giao dịch do Thái Lan tặng từ khi Sở mới đi vào hoạt động, mà đây cũng là phần mềm đã qua sử dụng bởi SGDCK Thái Lan. SGDCK thì vậy, các công ty chứng khoán còn khó khăn hơn. Phần mềm giao dịch của các công ty chứng khoán thực ra mới được chú ý đến trong vòng một năm trở lại đây vì hai lý do, thứ nhất là nhiều công ty mới ra đời, dẫn đến sự cạnh tranh mà yếu tố cạnh tranh quan trọng bậc nhất của mỗi công ty chứng khoán là nền tảng công nghệ thông tin, thứ hai là do yêu cầu của HOSE và HASTC về việc đồng loạt nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm tạo tính đồng bộ của toàn thị trường.

Hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán hiện nay đa phần là được cung cấp bởi Công ty FPT, ngoài ra có một số công ty được trang bị phần mềm của Hungari, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc. Tức là, phần mềm giao dịch được sử dụng tại TTCK Việt Nam hoặc là được phát triển trong nước, hoặc xuất phát từ các quốc gia có TTCK phát triển vừa phải. Bởi vậy, hiện trạng công nghệ thông tin trên thị trường gặp một số vấn đề như sau:

- Tính bảo mật không cao, thông tin khách hàng dễ bị mất, việc quản lý tiền và chứng khoán của khách hàng còn lỏng lẻo.

- Khả năng xử lý khối lượng lệnh giao dịch không lớn, dẫn đến tình trạng hay bị lỗi hệ thống, khiến khả năng thực hiện các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong những phiên giao dịch nóng là không cao.

- Chưa tạo điều kiện cho khách hàng được thuận lợi trong khả năng giao dịch trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho việc giao dịch.

- Tính liên thông về công nghệ thông tin giữa khách hàng, các công ty trung gian thị trường và các tổ chức cung ứng dịch vụ thị trường vô cùng

kém, dẫn đến việc công bố thông tin thường phải làm thủ công, qua nhiều công đoạn trung gian, mất thời gian và khiến cho công tác công bố thông tin không đạt kết quả như ý muốn, góp phần làm cho giao dịch nội gián phát triển.

- Nền tảng công nghệ thông tin thấp còn làm giảm hiệu quả công tác giám sát thị trường của UBCKNN. Việc giám sát diễn ra không được liên tục, cập nhật, trực tuyến và có tính hệ thống, mà hầu như mang tính chất thủ công, xác suất, nên hiệu quả không cao.

- Bên cạnh đó, hệ thống thông tin của các tổ chức niêm yết đa phần cũng rất yếu kém, nên việc tiếp cận và xử lý thông tin của nhà đầu tư bị hạn chế nhiều.

Để đảm bảo quyền của nhà đầu tư được thực hiện và bảo vệ có hiệu quả, hệ thống công nghệ thông tin của UBCKNN, của Trung tâm Lưu ký, SGDKC, TTGDCK, các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết... phải được đầu tư, nâng cấp, phát triển nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, nâng cao tính bảo mật, giảm tải các công đoạn trung gian trong quá trình thực hiện dịch vụ, có tính chất "thân thiện" và dễ kiểm soát, tạo điều kiện cho công tác quản lý thị trường, dễ dàng phát hiện và phòng ngừa các hành vi gian lận và thao túng thị trường.

Cũng nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt để bảo vệ quyền tham gia thị trường và thực hiện các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư, HOSE và HASTC cần nhanh chóng triển khai hình thức giao dịch không sàn, tức là lệnh của nhà đầu tư được truyền thẳng từ hệ thống của công ty chứng khoán vào hệ thống của SGDCK/ TTGDCK, mà không phải qua một thao tác trung gian được coi là "nút cổ chai" hiện nay là đại diện giao dịch của các công ty chứng khoán ngồi tại sàn của SGDCK/ TTGDCK có nhiệm vụ đưa lệnh từ hệ thống của công ty chứng khoán vào hệ thống của

SGDCK/ TTGDCK. Việc sử dụng đại diện giao dịch để nhập lệnh vào sàn như hiện nay là nguyên nhân dẫn đến hai bức xúc của nhà đầu tư, thứ nhất là việc chèn lệnh của nhà đầu tư, ưu tiên nhập lệnh tự doanh, lệnh của các tổ chức lớn, lệnh của người quen, lệnh của chính nhân viên đại diện giao dịch trước lệnh của các nhà đầu tư khác, thứ hai là số lượng đại diện giao dịch quá ít dẫn đến việc lệnh của nhà đầu tư dù đã đảm bảo được nhập tại công ty chứng khoán nhưng lại không kịp thời gian để được nhập vào sàn. Đó là lý do khiến cho cơ hội tham gia thị trường và thực hiện các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, giảm đi đáng kể. Hiện nay, các trung tâm giao dịch, đặc biệt là HOSE đang khẩn trương thực hiện các công tác chuẩn bị để tiến tới giao dịch không sàn, cụ thể là: thay thế phần mềm giao dịch, yêu cầu đồng bộ hóa từ các công ty chứng khoán, xây dựng quy chế giao dịch không sàn để lấy ý kiến từ các chủ thể của thị trường, tập huấn các công ty chứng khoán... Hy vọng tiến độ chuẩn bị sẽ được thúc đẩy để việc giao dịch không sàn nhanh chóng đi vào hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần hoàn tất việc chuyển tiền đầu tư chứng khoán về Ngân hàng thương mại quản lý nhằm hạn chế việc công ty chứng khoán sử dụng trái phép tiền gửi đầu tư chứng khoán của khách hàng. Nội dung này đã được nêu ra từ tháng 4/2007 tại Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện thành công. Việc này có liên quan đến hệ thống công nghệ đã được phân tích ở trên. Do hệ thống công nghệ của các công ty chứng khoán phần lớn là lạc hậu và nhiều công đoạn phải làm thủ công, nên chưa thể kết nối ngay với hệ thống giao dịch của các ngân hàng. UBCKNN cần quyết liệt triển khai công tác này, vừa để nhanh chóng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, đồng thời vừa coi đây như một biện pháp kỹ thuật để hạn chế và đào thải các công ty chứng khoán không đủ năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.

3.2.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát và quản lý thị trường

* Tăng cường công tác giám sát của UBCKNN:


UBCKNN là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. UBCKNN có trách nhiệm giám sát hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, đảm bảo cho các hoạt động kinh doanh chứng khoán và các hoạt động hỗ trợ được thực hiện tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay UBCKNN đang gặp khó khăn trong việc triển khai công tác quản lý và giám sát. Điều này xuất phát từ hiện trạng nguồn nhân lực của UBCKNN không đủ cả về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ, nền tảng công nghệ phục vụ cho hoạt động kiểm tra giám sát không có. Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát của UBCKNN thì cần phải chú trọng đầu tư hai vấn đề nêu trên: nguồn nhân lực và công nghệ.

* Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức, các hội nghề nghiệp:


Hiện nay, đã có một số các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực chứng khoán đã được thành lập như Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Các hiệp hội này hoạt động chưa thực sự hiệu quả. VAFI tích cực hơn VASB trong việc gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính, UBCKNN, các Sở và Trung tâm giao dịch chứng khoán về các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. VASB thì hầu như không có bất kỳ động thái nào nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như nhằm tăng cường khả năng gây ảnh hưởng tốt đến thị trường. Bên cạnh việc gửi công văn kiến nghị như VAFI hiện đang làm, các hiệp hội nghề nghiệp này, đặc biệt là VASB có thể đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của mình bằng cách gián tiếp kiểm tra việc thực hiện nghiệp vụ của các hội viên (là các công ty chứng khoán) thông qua việc gửi báo cáo định kỳ.

3.2.3. Nâng cao chất lượng tin tức báo chí

Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo viết, hiện đang là một kênh truyền tải rất nhiều thông tin cho nhà đầu tư, kể cả thông tin chính thống lẫn tin không chính thống. Theo thống kê của một nhà báo Thái Lan, ở TTCK Thái Lan, trong số hơn 7.000 thông tin báo chí về chứng khoán mà nhà báo này phân tích, thì có 7% là vi phạm luật chống thao túng TTCK [25]. Ở Việt Nam, chắc chắn tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. Một thời gian dài vừa qua, thông tin báo chí về chứng khoán bùng nổ theo cách không được kiểm soát. Nhà báo vừa yếu về kiến thức chứng khoán, vừa thiếu hiểu biết về thị trường, lại có người cố tình đưa thông tin nhiễu, cốt để kích giá của một số loại chứng khoán được o bế, hoặc làm ảnh hưởng không tốt đến giá của một số loại chứng khoán khác. Nhà đầu tư bị vây hãm bởi muôn hình vạn trạng thông tin báo chí không được kiểm soát, khiến cho quyết định đầu tư không được đảm bảo đầy đủ thông tin chính xác. Sau một thời gian bị báo chí làm cho mất phương hướng, chính các nhà đầu tư đã phải lên tiếng về trình độ và đạo đức của báo chí trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Hội nhà báo Thành phố. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo "Truyền thông và báo chí", trong đó có đặt ra vấn đề "Nhà báo có nên chơi chứng khoán hay không" được rất nhiều nhà báo, cũng như nhà đầu tư quan tâm. Luật pháp Việt Nam không cấm nhà báo đầu tư chứng khoán, thêm nữa, cũng có quan điểm cho rằng nhà báo cần tham gia đầu tư chứng khoán để hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về thị trường, từ đó mới có thể phân tích sâu sắc và viết bài hay hơn. Tuy nhiên, cần có một hành lang pháp lý cho vấn đề này. Ví dụ, luật của Đức quy định nhà báo viết về chứng khoán chỉ được đầu tư vào một số loại chứng khoán nhất định. Luật của Hoa Kỳ nghiêm cấm nhà báo đầu tư loại chứng khoán mà họ được phân công viết về nó. Các nước châu Á như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có các quy định tương tự. Cũng đã đến lúc Việt Nam phải đưa ra những quy định pháp lý chặt chẽ để kiểm soát việc đưa tin của các phóng viên viết về chứng khoán nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, lành mạnh của thị trường.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 29/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí