Tuy thế, giáo dục thời kỳ này theo quan điểm của Nho giáo cũng không nằm ngoài Tứ thư, Ngũ kinh, Tam cương, Ngũ thường, đạo trị nước, văn chương thơ phú…đó là những tri thức thuần túy sách vở, nhiều nội dung mang tính cổ hủ, bảo thủ, thụ động trước thời cuộc. Những tri thức về tự nhiên, khoa học, sản xuất… không được quan tâm đúng mức. Đây cũng là điểm yếu của những nước theo hệ tư tưởng Nho giáo như Việt Nam và Trung Quốc. Nó là rào cản làm cho kinh tế, xã hội chậm phát triển hơn rất nhiều so với các quốc gia phương Tây.
Tư tưởng "trọng Nho" của các nhà vua thời Lê sơ một phần cũng xuất phát từ nhu cầu về nhân tài cho chế độ. Sau khi nhà Lê sơ được thành lập, phần lớn quan lại đều là tướng sĩ, chinh chiến đã quen mà học hành thì cũng không nhiều dẫn đến tình trạng lúng túng về quản lý mà không có cách nào giải quyết. Các vị công thần cũng dần mất đi theo thời gian vì vậy rất cần phải tuyển chọn nhân tài để bổ sung, thay thế. Do đó, thi cử rất được coi trọng với 2 cấp thi: thi địa phương (thi Hương) và thi quốc gia (thi Hội, thi Đình). Học vị thi Hương là Hương cống, học vị thi Hội và thi Đình là Tiến sĩ với 3 cấp: Tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), Tiến sĩ xuất thân và đồng Tiến sĩ xuất thân. Những người thi đỗ được vinh danh trong các lễ xướng danh, được vua ban mũ áo, tiền thưởng, được thiết yến tiệc, vinh quy bái tổ. Mọi tiến sĩ đều được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu. Đây là con đường để những người bình dân có thể cải biến được vận mệnh của mình, đem sức mình ra giúp nước, rạng danh tổ tông, giúp đỡ họ hàng. Vì vậy, ở thời kỳ đó việc học hành rất được coi trọng từ trong tầng lớp quý tộc cho đến dân thường. Chính sách coi trọng học hành và thi cử đó đã làm xuất hiện nhiều nhà trí thức lớn, nhiều vị quan tài giỏi và đáp ứng được yêu cầu xây dựng hệ thống quan lại mạnh góp phần đưa thời Lê sơ đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông trở thành thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử các nhà nước phong kiến Việt Nam. Không những chế độ giáo dục, khoa cử thời Lê sơ đã đào tạo ra nhiều vị quan có trình độ, đảm bảo yêu cầu của công việc mà còn góp phần tạo ra rất nhiều những thành tựu về văn học. Đây là thời kỳ văn học phát triển rực rỡ với hàng loạt các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí độc lâp tự cường, vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người với các tác phẩm nổi bật như Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Chí Linh sơn phú, Xương Giang phú của Lý Tử Tấn;
Lam Sơn phú, Hậu Bạch Đằng giang phú của Nguyễn Mộng Tuân; Hồng Đức Quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông; tập Quỳnh uyển cửu ca của hội Tao đàn nhị thập bát tú do Lê Thánh Tông là người đứng đầu. Văn chương thời kỳ này chủ yếu theo quan điểm “Văn dĩ tải đạo” chứ ít có những bài đề cập đến yếu tố trữ tình, cá nhân. Không những thơ văn bằng chữ Hán mà còn có nhiều tác phẩm bằng chữ Nôm rất có giá trị. Thời kỳ này cũng đã xuất hiện truyện bằng văn xuôi như Lĩnh Nam chích quái. Những truyện bằng văn vần không có tên tác giả nhưng được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng xuất hiện vào thời kỳ này như: Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Trê Cóc, Trinh Thử…[33, tr.132].
Thời Lê sơ cũng có nhiều tác phẩm có gía trị về địa lý và lịch sử như: Lam Sơn thực lục, Dư địa chí hay còn gọi là An Nam Vũ Cống của Nguyễn Trãi trong đó vẽ cả Hồng Đức bản đồ; Thiên Nam dư hạ tập 100 quyển; Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên viết năm 1445; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên năm 1479; Đại Việt thông giám, thông khảo của Vũ Quỳnh năm 1511; Việt Sử tổng luận của Lê Trung Lang, Dương Bang Bản năm 1514. Đặc biệt đã xuất hiện các tác phẩm trong lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Bản thảo thực vật toản yếu của Phan Phu Tiên; Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh; Lập thành toán pháp của Vũ Hữu…
Ngoài ra nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điệu múa Bình Ngô phá trận ca ngợi các chiến tích của nghĩa quân Lam Sơn cũng rất phổ biến, thậm chí có cả tác phẩm Hý phường phả Iục nói về nghệ thuật ca múa do Lương Thế Vinh biên soạn.
Tóm lại, qua những đặc trưng quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tư tưởng…có thể thấy thời Lê sơ là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử các nhà nước phong kiến ở Việt Nam bởi vì thời kỳ đó trước hết do vị vua khởi nghiệp là Lê Thái Tổ lãnh đạo quân dân đập tan ách đô hộ của nhà Minh, giải phóng đất nước lập nên vương triều độc lập tự chủ cho đất nước ta, mở ra trang sử mới độc lập, thống nhất cho nước nhà vì vậy triều đại này được hình thành một các chính danh. Hơn thế nữa, triều đại đó còn có một vị minh quân là Lê Thánh Tông với thời gian trị vì tương đối dài (38 năm) đã thực hiện rất nhiều cải cách hiệu quả, xây dựng được một nhà nước trung ương tập quyền hoàn chỉnh, mạnh về quân sự và tương đối giàu có về kinh tế. Trong thời Lê sơ, Đại Việt là quốc gia cường thịnh, nhân dân được hưởng một thời kỳ thái bình thịnh trị tương đối dài cũng không có chiến tranh loạn lạc. Đời
sống nhân dân phong phú cả về vật chất và tinh thần. Với việc thực hiện đồng bộ và rất hiệu quả nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích nông nghiệp, nền sản xuất đã được phục hồi và ngày càng phát triển. Mặc dù vẫn chỉ là một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ của lực lượng sản xuất tuy có tăng lên nhưng vẫn là kiểu sản xuất dựa trên sức lao động với công cụ thô sơ, lạc hậu và kinh nghiệm truyền đời là chính. Tuy vậy, trong thời gian 100 năm của triều Lê sơ, đời sống nhân dân tương đối thoải mái cả về vật chất và tinh thần. Họ được sở hữu tài sản, ruộng đất, được tự do trao đổi, mua bán, thừa kế….đời sống văn hóa, tinh thần phong phú.
Bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, được tổ chức hoàn thiện từ trung ương đến địa phương. Hơn thế nữa chủ trương lựa chọn người hiền tài thông qua thi cử và sắp xếp và kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống quan lại nên đã xây dựng được một hệ thống quan lại có tài có đức, đáp ứng được yêu cầu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Hệ thống pháp luật chặt chẽ, hoàn thiện... Chế độ phong kiến đã đạt tới sự thịnh trị, kỷ cương và hoàn thiện nhất trong lịch sử các nhà nước phong kiến Việt Nam. Đó cũng là những tiền đề dẫn tới sự ra đời của bộ Quốc triều hình luật (Bộ Luật Hồng Đức) – bộ luật tiêu biểu cho hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam, một di sản pháp luật đặc sắc, có giá trị lịch sử rất lớn của dân tộc ta.
1.2. Hoạt động xây dựng pháp luật thời Lê Sơ; Tư tưởng và sự thể hiện các tư tưởng về bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức
1.2.1. Khái quát hoạt động xây dựng pháp luật thời Lê Sơ
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 1
- Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 2
- Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 3
- Tư Tưởng Và Sự Thể Hiện Các Tư Tưởng Về Bảo Vệ Quyền Lợi Các Nhóm Xã Hội Yếu Thế Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Phụ Nữ Trong Bộ Luật Hồng Đức
- Bảo Vệ Quyền Lợi Của Người Già, Trẻ Em, Người Khuyết Tật Trong Bộ Luật Hồng Đức
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Trong 360 năm tồn tại, triều Hậu Lê đã để lại những thành tựu rất lớn trên lĩnh vực pháp luật và điển chế với nhiều văn bản pháp luật đến ngày nay vẫn còn có giá trị lớn lao. Đó là: Quốc triều hình luật (Lê triều hình luật, Bộ luật Hồng Đức) gồm có 6 quyển; Luật Thư gồm 6 quyển do Nguyễn Trãi soạn (1440 – 1442); Quốc triều luật, lệnh gồm 6 quyển do Phan Phu Tiên soạn (1440 – 1442); Quốc triều thư khế thể thức (1468 – 1471); Lê triều quan chế (1471); Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển nay chỉ còn sót lại vài quyển; Hồng Đức thiện chính thư (1470 – 1497); Sĩ hoạn châm quy (1470 – 1497); Quốc triều chiếu lệnh thiện chính (1619 – 1705); Quốc triều điều luật, Cảnh hưng điều luật (1740 – 1786). Trong đó Quốc triều hình luật được coi là Bộ luật chính thống và quan trọng nhất của nhà Lê. Đây đồng thời cũng là Bộ luật xưa nhất còn lưu giữ lại được đầy đủ[41, tr.11].
Ngay từ khi mới lên ngôi (1428), ý thức được tầm quan trọng của pháp luật nên Lê Thái Tổ đã “hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều luật thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ đến nỗi phạm pháp”. Bốn tháng sau sự kiện trên, ngày 12 tháng 5 năm 1428 lại thấy ghi việc “định luật lệ kiện tụng, các điều lệ về phong tước và phẩm trật cho các quan”[11, tr.296]. Do đó nhiều nhà nghiên cứu của Viện sử học có quan điểm rằng Bộ luật Hồng Đức được ban hành vào khoảng thời gian này[41, tr.16].
Dưới triều Lê Thái Tông các quy định của pháp luật tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Tháng 7 Thiệu Bình năm thứ nhất quy định thể lệ về kiện tụng; tháng 8 Thiệu Bình năm thứ tư ra chỉ dụ cho quan lại xử án phải theo chính luật.
Tháng 11 Thái Hòa năm thứ 7 bổ sung mới vào Hình luật chương Điền sản gồm 14 điều. Trước kia Thái Tổ định thực hiện phép quân điền, cho nên lược bỏ chương Điền sản. Đến đây lại bổ sung vào[42]. Do nhiều chính sách ruộng đất được thực hiện một cách tích cực nên nông nghiệp đã phát triển nhanh chóng với sự mở rộng của các hình thức sở hữu vừa và nhỏ nên việc mua bán, chuyển nhượng diễn ra rất phổ biến. Để điều chỉnh các quan hệ mới phát sinh và hạn chế những tranh chấp, ổn định sản xuất nông nghiệp nên Lê Thái Tông đã bổ sung thêm nội dung trên.
Phép quân điền được ban hành năm 1429 do đó có thể suy ra Bộ luật Hồng Đức phải được ban hành trước thời điểm 1429, ngay sau khi Lê Thái Tổ lên ngôi như đã khẳng định ở trên và tiếp tục hoàn thiện dưới các triều vua sau này. Đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông luật pháp ngày càng trở nên chặt chẽ, chi tiết, điều chỉnh đến hầu hết các nối quan hệ xã hội, một số nội dung được chỉnh sửa lại cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và ngày càng hoàn thiện, điều đó thể hiện “Triều Lê đã từng bước đi đến pháp điển hóa tối đa mọi quan hệ kinh tế – chính trị – xã hội”[16].
Tháng giêng năm Đinh Tỵ (1497) vua Lê Thánh Tông băng hà. Sau thời gian đó pháp luật không có quá nhiều thay đổi đáng kể. Các triều vua sau cứ theo phép tắc thời vua Lê Thánh Tông mà tiến hành. Ở thời vua Lê Thánh Tông hệ thống pháp luật dần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và tập hợp lại một cách tương đối hoàn chỉnh. Không những số lượng văn bản pháp luật thời kỳ này rất nhiều mà
phạm vi điều chỉnh của nó cũng tương đối rộng, thuộc nhiều lĩnh vực từ các quan hệ cơ bản liên quan đến bảo vệ chế độ phong kiến, các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đến cả các quan hệ bảo vệ lễ giáo, thuần phong mỹ tục như trình tự, thủ tục cưới hỏi.
Pháp luật thời Lê sơ chủ yếu tập trung ở 3 quyển chính yếu là : Bộ luật Hồng Đức, bộ Thiên Nam dư hạ tập và Bộ Hồng Đức thiện chính thư. Sang thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1527 – 1788) mới xuất hiện các văn bản như: Quốc triều thư khế thể thức; Quốc triều khám tụng điều lệ; Quốc triều chiếu lệnh thiện chính; Cảnh Hưng điều luật và Chúc thư văn khế cựu chỉ[24, tr.190 - 197].
Thời Lê sơ pháp luật chưa được chia ra thành các ngành luật như hiện nay nhưng nếu chúng ta chia theo quan điểm hiện nay thì cũng có thể nói là tương đối đầy đủ. Có cả luật nội dung và luật hình thức, pháp luật quy định cả thủ tục giải quyết các vụ án, trình tự, thời hạn…thậm chí lần đầu tiên chúng ta có pháp luật tố tụng quy định trình tự, thủ tục giám định pháp y trong bộ Quốc triều khám tụng điều lệ. Về luật nội dung, tuy chịu ảnh hưởng của pháp luật Trung Hoa nhưng pháp luật Việt Nam vẫn có tính độc lập tương đối thể hiện ở những quy định rất tiến bộ ở lĩnh vực dân sự trong bối cảnh hầu hết pháp luật Phương Đông thời kỳ này chưa quan tâm đến. Pháp luật thời Lê Thánh Tông thậm chí còn giải quyết khá hiệu quả những vấn đề mà đến nay pháp luật hiện đại vẫn còn loay hoay như vấn đề tổ chức, chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống quan lại; vấn đề tham nhũng, lạm quyền trong bộ máy nhà nước. Tất nhiên điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi thời mỗi khác nhưng vẫn có nhiều nội dung có giá trị mà pháp luật hiện đại có thể học tập.
Sau khi vua Lê Thánh Tông băng hà, các triều vua sau vẫn tiếp tục truyền thống pháp luật của thời trước. Số lượng các văn bản pháp luật các triều vua sau triều Lê Thánh Tông không nhiều, hầu hết các vua đều theo lệ cũ mà làm, cũng không có những cải cách lớn nào về luật pháp. Thậm chí có những triều vua không có chút đóng góp nào về mặt lập pháp.
Như vậy, có thể thấy thời Lê sơ tuy chỉ kéo dài 100 năm là một khoảng thời gian không dài nhưng hoạt động pháp điển hóa các quan hệ xã hội thành luật chỉ tập trung trong thời kỳ đầu và chủ yếu dưới thời Lê Thánh Tông. Đây là thời kỳ diễn ra
các cải cách toàn diện về nhiều mặt trong xã hội nhất là về pháp luật. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện và đạt được những giá trị lớn lao. Cho đến tận ngày nay những thành tựu mà nó để lại vẫn còn có giá trị nghiên cứu về lịch sử, pháp lý, văn hóa…
1.2.2. Ảnh hưởng của pháp luật Trung Quốc đến pháp luật Việt Nam thời Lê sơ và Bộ luật Hồng Đức
Việt Nam và Trung Quốc là những nước láng giềng, hơn nữa trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc không ngừng tìm cách mở rộng lãnh thổ, thôn tính, xâm lược nước ta. Từ năm 179 trước Công nguyên, Triệu Đà xâm lược Âu Lạc, biến nước ta thành một phần của nước Nam Việt, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1000 năm. Trong thời kỳ đó, các triều đại Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp để đồng hóa nhân dân ta cả về nòi giống, văn hóa và tư tưởng. Những biện pháp đó tạo ra ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa Việt Nam nói chung và truyền thống pháp lý nói riêng. Năm 938, sau khi đánh bại quân Nam Hán trong trận chiến trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất cho đất nước ta. Tuy đã có nhà nước độc lập nhưng Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê trong sử sách không có nhiều ghi chép nên không thể biết chắc chắn về hệ thống pháp luật thời này. Qua những ghi chép tản mạn mà sử sách để lại thì thời kỳ này đã có pháp luật nhưng pháp luật tương đối tùy tiện, chỉ dựa chủ yếu vào ý muốn của nhà vua. Hơn thế nữa lại còn mang tính trừng phạt rất nghiêm khắc, tàn bạo. Người phạm tội có thể bị bỏ vạc dầu hoặc ném cho hổ ăn như dưới thời vua Đinh, có thể bị giết, bị hành hạ một cách tùy tiện như dưới thời vua Lê Long Đĩnh… Dưới thời Tiền Lê, năm 1002 vua Lê Đại Hành có "đặt luật lệnh", nhưng luật lệnh gì thì chưa thể khảo cứu được. Cũng “chưa có một công trình nào có đủ căn cứ khoa học để khẳng định rằng thời kì này đã có luật pháp thành văn, mặc dù trong sử sách đôi chỗ cũng chép lại những hiện tượng như vua "định luật lệ", "xuống chiếu", "chế định triều nghi phẩm phục"...Đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ thì việc quan trọng của các vương triều Ngô - Đinh - Tiền Lê phải tập trung bảo vệ chủ quyền, vì vậy việc chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc xây dựng pháp luật cũng là điều dễ hiểu”[40].
Tuy nhiên, những văn bản lẻ tẻ đó cũng có thể hợp thành một nền pháp luật thành văn chưa hoàn chỉnh. Trong xã hội nước ta thời ấy cũng vẫn tồn tại luật tục, tập quán truyền thống được lưu lại qua nhiều đời trong nhân dân, ăn sâu trong đời sống
hàng ngày về hôn nhân, gia đình và các quan hệ dân sự khác...Như vậy, hệ thống pháp luật thành văn đã bước đầu xuất hiện nhưng chưa điều chỉnh được hết các quan hệ trong xã hội cũng như chưa được hệ thống hóa một cách đầy đủ, hoàn chỉnh.
Thời Lý, Trần, tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật đã hình thành nhưng phần lớn nội dung của pháp luật đều mang dấu ấn và chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp luật nhà Đường mà cụ thể là từ bộ Đường luật sớ nghị. Đây là bộ luật được đánh giá là đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật lập pháp Trung Hoa phong kiến, chứa đựng tinh hoa của các triều đại trước từ đó trở thành Bộ luật nổi tiếng “được các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này đều lấy làm căn cứ từ đó tùy tình hình mà thêm bớt”[25, tr.75].
Đến thời Lê sơ, mặc dù cùng khoảng thời gian đó nhà Minh vừa thông qua Bộ luật mới và trong tổ chức bộ máy nhà nước từ thời Lê Thái Tổ đã học tập cách thức tổ chức bộ máy nhà nước theo thể chế dưới triều hoàng đế Vĩnh Lạc thời nhà Minh nhưng pháp luật thời Lê sơ lại không hoàn toàn kế thừa pháp luật nhà Minh. Pháp luật thời Lê sơ là sự kế thừa pháp luật từ thời Lý, Trần, có học hỏi kinh nghiệm lập pháp và nhiều nội dung từ pháp luật triều Đường, Tống, Minh. Theo tác giả Insun Yu trong Bộ luật Hồng Đức ngoài việc phỏng theo cấu trúc về số chương của luật nhà Đường còn có 261 điều vay mượn từ luật nhà Đường và 53 điều vay mượn từ luật nhà Minh[43, tr.72]. Ngoài ra, trong Bộ luật Hồng Đức còn có một số nội dung chịu ảnh hưởng của pháp luật nhà Tống ví dụ như áp dụng những hình phạt thích chữ vào mặt hay lăng trì.
Pháp luật các triều đại trước và sau thời Lê sơ đều bị ảnh hưởng bởi pháp luật Trung Quốc ví dụ như pháp luật thời Lý, Trần bị ảnh hưởng bởi pháp luật thời Đường, Tống; pháp luật thời Lê bị ảnh hưởng bởi pháp luật thời Đường, Tống, Minh; pháp luật thời Nguyễn bị ảnh hưởng bởi pháp luật thời Thanh….Đó là điều khó tránh khỏi khi nước ta phải trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, hệ tư tưởng của Trung Quốc đã ảnh hưởng quá sâu đậm tới nước ta. Tuy ý thức độc lập dân tộc vẫn rất mạnh mẽ nhưng hệ tư tưởng vốn thuộc kiến trúc thượng tầng, không phải triều đại thay đổi là có thể làm thay đổi ngay một hệ tư tưởng vốn đã ăn sâu bám rễ hàng ngàn năm. Tuy nhiên hệ tư tưởng đó, khi tác động vào Việt Nam cũng bị biến đổi đi ít nhiều. Riêng đối với Bộ luật Hồng Đức, tuy có nhiều nội dung chịu ảnh hưởng từ
pháp luật Trung Quốc nhưng nó vẫn có tính độc lập tương đối. Điều đó thể hiện ở những nội dung mang tính đặc thù, riêng có mà người ta không thấy ở bất cứ đâu như những điều khoản nằm ở các chương nói về điền sản, hương hỏa, thừa kế. Nội dung của các chương này là sự ghi nhận bằng pháp luật đối với những giá trị văn hóa, tư tưởng độc đáo của người Việt thông qua những phong tục, tập quán, thói quen hình thành trong suốt hàng ngàn năm của lịch sử. Những chương này được nhiều học giả đánh giá là “một sự tân kỳ, mới mẻ”, chưa từng thấy trong trong pháp luật Trung Hoa. Như Vũ Văn Mẫu đã nhận xét: những điều tân kỳ mới mẻ ấy nằm rải rác ở khắp trong Bộ luật Hồng Đức nhưng tập trung nhiều nhất trong 2 chương Hộ hôn, Điền sản. “Theo quan niệm cổ điển, các điều thuộc về dân luật thường không được các nhà làm luật Đông phương quy định, cũng không nói rõ ràng về cách thức thảo các văn tự, chứng thư, chúc thư, không định rõ về chế độ tài sản của vợ chồng trong lúc sinh thời cũng như trong khi góa bụa, không ấn định minh bạch các việc thừa kế”[22, tr.247-248]. Nhưng Bộ luật Hồng Đức thì lại quy định rất rõ về điều này. Không những vậy, có những nội dung trong Bộ luật Hồng Đức mang giá trị tiến bộ, nhân đạo vượt xa pháp luật nhà Đường và nhà Minh như những quy định về bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế là người già, trẻ em, phụ nữ, người phạm tội….So sánh về số lượng thì Bộ luật Hồng Đức có 722 điều trong khi Bộ luật nhà Đường có 502 điều và Bộ luật nhà Minh có 460 điều. Bố cục các chương trong Bộ luật Hồng Đức cũng khác. Không những số lượng điều trong Bộ luật Hồng Đức nhiều hơn luật nhà Đường, luật nhà Minh 220 điều[43, tr.79] mà còn một số điều tuy có nội dung là vay mượn nhưng đã được thay đổi để phù hợp với nhân sinh quan, tập quán, phong tục, văn hóa của người Việt Nam.
1.2.3. Quá trình xây dựng và ban hành Bộ luật Hồng Đức
1.2.3.1. Thời điểm ban hành của Bộ luật Hồng Đức
Có nhiều công trình nghiên cứu khá công phu về Bộ luật Hồng Đức với nhiều khía cạnh khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất về thời điểm ban hành của Bộ Luật Hồng Đức bởi vì “Việc xác định thời điểm khởi thảo Bộ Luật này cũng như thời điểm tiêu biểu nhất cho sự hoàn chỉnh của Bộ Luật vẫn đang là một vấn đề chưa được khẳng định”[41]. Trong cả ba bản in ván khắc của Bộ Luật này còn giữ lại Viện nghiên cứu Hán Nôm đều không có đề tựa, lời bạt, dấu hiệu niên đại soạn thảo
26