Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 3

thời việc phế con trưởng lập con thứ của ông còn tạo ra cơ hội để một số quyền thần gây dựng thế lực, gây ra họa lớn về sau.

Năm 1442, Lê Thái Tông mất, Thái Tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi (vua Lê Nhân Tông). Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Cảnh lục đục, rối loạn, sát hại công thần, tham ô, hối lộ… không những không được cải thiện mà còn có dấu hiệu trầm trọng hơn.

Năm 1453, khi vua Lê Nhân Tông thực sự nắm được quyền kiểm soát triều chính và cố gắng vãn hồi tình hình thì lại xảy ra cuộc chính biến năm 1459 do Lê Nghi Dân thực hiện. Sau khi Vua Lê Nhân Tông và Thái hậu Lê Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân tự lập mình làm vua nhưng không lâu sau đó Nguyễn Xí, Đinh Liệt và các công thần, tướng lĩnh thời Lam Sơn nổi binh phế truất Nghi Dân, đưa hoàng tử Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) lên ngôi.

Lê Thánh Tông: (1460 – 1497) Được lịch sử nhắc đến như là một vị minh quân nổi tiếng, ông là một vị vua quyết đoán, tài năng cũng là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Được sinh ra, lớn lên và lên ngôi giữa những biến cố lớn về tranh giành quyền lực trong triều đình nên ngay từ khi mới lên ngôi ông đã liên tục tiến hành hàng loạt công việc cải tổ, thực hiện thành công nhiều biện pháp, chính sách quan trọng để củng cố bộ máy hành chính quốc gia, chấn chỉnh hoạt động của triều đình, và đội ngũ quan lại. Đặc biệt ông đã xây dựng thành công một thiết chế quân chủ tập quyền mạnh, hoàn thiện bộ máy quyền lực nhà nước với quyền lực tối cao nằm trong tay nhà vua, hạn chế sự tham dự vào triều chính của tầng lớp quý tộc, trọng dụng được nhân tài, phát huy cao vai trò của hệ thống quan lại từ trung ương tới địa phương nhưng cũng kiểm soát được ở một mức độ nào đó quyền lực của họ để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng quyền hành, tham nhũng, hối lộ, tùy tiện, lười biếng, trốn tránh trách nhiệm…Với 38 năm trị vì dưới hai niên hiệu là Quang Thuận, Hồng Đức ông đã thực hiện được rất nhiều những công việc quan trọng được tiến hành được ghi dấu vào lịch sử. Đặc biệt là việc xây dựng và ban hành bộ Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) với kỹ thuật lập pháp cao, chặt chẽ, nhiều nội dung tiến bộ, nhân bản, có tính vượt trước thời đại.

Giai đoạn trị vì của Lê Thánh Tông được coi là thời kỳ thịnh trị nhất không chỉ của thời Lê sơ mà còn trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Sau

khi Lê Thánh Tông mất, các thời vua sau việc chính sự hầu hết đều theo phép tắc cũ. Sau cái chết của vua Lê Túc Tông, triều Hậu Lê từng bước suy yếu. Đất nước rơi vào thời kỳ hỗn loạn, kinh tế đình đốn, các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Bộ máy nhà nước Lê sơ không được cải tổ kịp thời trước những biến cố liên tục đó nên càng ngày càng sa sút, bất lực.

Thời Lý, Trần mô hình nhà nước được tổ chức gần giống với mô hình nhà nước thời Đường, Tống. Nho giáo cũng chưa phải là hệ tư tưởng chính thống được nhà nước thừa nhận; tầng lớp địa chủ phong kiến chưa phát triển, sự phân hóa đẳng cấp trong xã hội và nhất là trong làng xã chưa thực sự gay gắt. Một xã hội phong kiến đích thực chưa tồn tại, quan hệ sản xuất phong kiến mới chỉ ở dạng sơ khai, chưa thực sự hoàn thiện và trở thành quan hệ sản xuất thống trị trong đời sống kinh tế xã hội. Đến khi triều Lê sơ được thành lập, hệ tư tưởng Nho giáo từng bước trở thành hệ tư tưởng chính thống, độc tôn. Nhà nước từng bước được xây dựng theo hướng trung ương tập quyền và đạt đến đỉnh cao thời vua Lê Thánh Tông. Cuộc cải tổ bộ máy nhà nước của Lê Thánh Tông được tiến hành trong suốt thời gian ông trị vì một cách toàn diện cả ở trung ương và địa phương, cả dân sự và quân sự, cả quan chế và thiết chế nhà nước. Cuộc cải tổ này đã xây dựng thành công một mô hình nhà nước trung ương tập quyền mẫu mực cho các đời vua và cả các triều đại sau. Quyền lực được tập trung vào tay nhà vua, hoạt động của các cấp chính quyền địa phương được kiểm soát một cách tương đối chặt chẽ. Một số chức quan, cơ quan và cấp chính quyền trung gian bị loại bỏ. Các cơ quan trong bộ máy nhà nước giám sát và kiểm soát lẫn nhau để loại trừ sự lạm quyền và nâng cao trách nhiệm của mỗi cơ quan trong thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực cũng không được tập trung quá nhiều vào một cơ quan nhằm ngăn chặn hiệu quả sự tiếm quyền[13, tr.135]. Đồng thời mối quan hệ của nhà nước và người dân cũng được củng cố và chặt chẽ hơn thông qua nhiều chính sách quản lý hiệu quả như quản lý dân cư bằng sổ hộ tịch, sổ điền của nhà nước, qua nghĩa vụ nộp tô, thuế, lao dịch, binh dịch… Chế độ tư hữu cũng được củng cố sâu sắc thêm, người nông dân được sở hữu ruộng đất, được tự do mua bán, trao đổi vì vậy nó tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, là nguyên nhân xuất hiện mối quan hệ giữa hai giai cấp: địa chủ - tá điền. Mối quan hệ này dần trở nên phổ biến trong xã hội và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện ngày một

nhiều thêm của tầng lớp địa chủ vừa và nhỏ. Sự phân hóa giai cấp dần trở nên sâu sắc. Những yếu tố phong kiến trong thiết chế nhà nước, trong hệ tư tưởng và trong đời sống kinh tế - xã hội đã dần dần được định hình. Tuy mô hình tổ chức nhà nước và xã hội có nhiều điểm tương đồng với nhà nước, xã hội Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác cùng thời kỳ nhưng cũng có rất nhiều nét đặc thù.

1.1.2. Về kinh tế

*Chính sách ruộng đất

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Đại Việt là nước nông nghiệp, ruộng đất là phương tiện sinh sống chủ yếu của người dân và là ngành kinh tế chính, nguồn thu chính của các nhà nước. Vì vậy, chính sách ruộng đất là chính sách kinh tế quan trọng nhất của triều đình Lê sơ. Hồng Đức năm thứ 3, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu lập ra 42 Sở đồn điền, đặt thêm hai chức quan Hà đê và quan Khuyến nông để coi việc cấy cày trong cả nước. Ở tất cả các địa phương, các quan Bộ Hộ và quan Thừa Chính chịu trách nhiệm thống kê ruộng đất bị bỏ hoang để bắt phủ huyện đốc dân phu khai khẩn làm ruộng[17, tr.243]. 42 sở đồn điền được đặt ở những nơi hoang vu, lập theo kiểu trại lính vừa có tác dụng phòng ngừa giặc cướp vừa chịu trách nhiệm khai khẩn đất hoang[33, tr.70]. Sau này đưa cả những người bị tội lưu, tội đồ, nông dân phiêu bạt đến để phát hoang, cầy cấy[26, tr.55].

Triều Lê sơ rất quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển ruộng đất và nông nghiệp. Ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã hạ lệnh cho con em các nhà đầu mục và các tướng hiệu trở về nhận ruộng đất ở quê cha đất tổ, chấm dứt nạn tranh chiếm ruộng đất [15, tr.361]. Để nhanh chóng ổn định sản xuất nông nghiệp, nhà nước yêu cầu kê khai các loại lâm thổ sản, ruộng đất trên cả nước. Những ruộng đất vô chủ được cấp cho các quan lại, quân lính và dân thường. Vua sắc chỉ cho các đại thần bàn định việc quân điền, từ đại thần trở xuống, người già yếu, mồ côi, góa chồng, nam nữ các loại đều được hưởng phần chia.

Bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội yếu thế trong Bộ luật Hồng Đức và giá trị kế thừa - 3

Nhà nước đã thi hành nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, trị tội những kẻ có ruộng mà không chịu cày cấy. Đặc biệt quan tâm tới việc đắp đê, nạo vét kênh mương, sông ngòi, khai phá đất hoang. Có nhiều công trình làm từ đời Lê sơ mà đến ngày nay vẫn còn dấu ấn như đê Hồng Đức, kênh nhà Lê…Đồng thời

nghiêm cấm việc giết hại trâu bò để bảo đảm sức kéo. Tội trộm cắp trâu bò cũng bị pháp luật xử lý rất nặng.

Nhà Lê sơ thực hiện rất hiệu quả chính sách “ngụ binh ư nông” cho quân đội thay phiên về làm ruộng theo tinh thần “tĩnh vi nông, động vi binh”. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Thái Tổ cho 15 vạn lính giải ngũ về làm ruộng, chỉ lưu lại 10 vạn lính tại ngũ. 10 vạn quân thường trực đó lại được phân làm 5 phiên, tuần tự thay nhau, 4 phiên về sản xuất, 1 phiên tại ngũ[13, tr.132]. Vì vậy đối với quân dịch người dân không phải trốn tránh, sợ hãi quá mức mà nhân công làm ruộng cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Đây không phải chính sách mới bắt đầu từ nhà Lê sơ mà từ những triều đại trước như Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đã có chính sách này nhưng đến thời Lê sơ nó mới được thực hiện một cách triệt để, bài bản, thậm chí đối với cả cấm vệ quân cũng không phải ngoại lệ.

Chế độ ruộng đất về cơ bản có 2 loại lộc điền và quân điền. Chế độ lộc điền được thực hiện từ thời Lê Thái Tổ, là loại ruộng được cấp cho hoàng thân quốc thích, các vị công thần và các quan lại hàm tứ phẩm trở lên. Còn quân điền là ruộng đất công của làng xã, tạm thời và định kỳ 6 năm một lần cấp cho quan lại và nhân dân trong xã. Có sự điều chỉnh và phân bổ lại với những xã lân cận để tránh chuyện bỏ ruộng hoang trong khi nơi khác có người thì lại không có ruộng cày cấy. Đây là biện pháp rất khôn khéo, hiệu quả để hạn chế việc bỏ ruộng hoang, người dân vừa có thêm ruộng mà nhà nước cũng thu được thuế. Hơn thế nữa ruộng này không phải cho hẳn, vẫn thuộc sở hữu của nhà vua, người được cấp ruộng chỉ được cày cấy theo kỳ hạn dài hay ngắn, là cách tổ chức ít tốn kém, có lợi cho cả đôi bên mà lại rất hiệu quả. Bên cạnh ruộng lộc điền và quân điền còn có ruộng tư thuộc sở hữu của các cá nhân, hộ gia đình. Nền văn minh nông nghiệp đạt đến trình độ tổ chức cao, ruộng được chia làm nhiều loại, có loại ruộng thực tế nhưng cũng có khi chỉ là ruộng hoa lợi, thậm chí có loại ruộng trong các làng xã chỉ chuyên được dùng để lấy hoa lợi sử dụng vào các mục đích khuyến học, từ thiện, giúp cô nhi quả phụ hay lấy gạo thổi xôi, nuôi lợn, nuôi gà, hương nến…dùng trong tế tự. Từ người nghèo đến người không có tài sản gì ai cũng đều có phần ruộng để làm ăn sinh sống và lo trách nhiệm đóng thuế. Vì vậy người dân vô cùng phấn khởi, cảm thấy rõ ràng ân huệ của vua ban [33, tr.81]. Nhà nước còn công nhận, bảo vệ việc mua bán, đổi chác ruộng đất,

bán độ (bán có thể chuộc lại), cấy rẽ, thừa kế… Ruộng tư không phải nộp tô cho nhà nước và được thừa kế từ đời này sang đời khác, tuy không được khuyến khích nhưng vẫn được thừa nhận. Sự tích tụ ruộng đất trở nên phổ biến hơn, là cơ sở cho sự xuất hiện của nhiều quan hệ dân sự liên quan đến việc mua bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế ruộng đất. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nở rộ của những quy phạm pháp luật dân sự liên quan đến vấn đề này.

* Chính sách thương mại

Giống với các triều đại trước, chính sách “trọng nông ức thương” vẫn được thực hiện. Nhà nước không khuyến khích thương mại, vì vậy thương mại không được phát triển mạnh mẽ nhất là ngoại thương. Việc giao thương buôn bán với người nước ngoài bị hạn chế, quan lại và dân chúng không được mua bán vụng trộm hàng hóa nước ngoài[15, tr.382]. Trên các cửa ải dọc biên giới miền duyên hải, triều đình lập cơ quan kiểm soát ngoại thương rất khắt khe. Những nhà buôn ngoại quốc người Hoa, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp …đến Đại Việt buôn bán phải vào những nơi quy định như Vân Đồn, Càn Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thông Lãnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trúc Hoa, mà không được tự ý vào các trấn. Nhân dân và quan lại vùng duyên hải tự ý mua hàng hoá của người nước ngoài hoặc đón tiếp các thuyền buôn thì sẽ bị nghiêm trị, phạt tiền rất nặng, thậm chí cả đối với các quan đi sứ sang nước ngoài khi về cũng không được mang theo hàng hóa nước ngoài về để buôn bán hoặc tiêu dùng[33, tr.105]. Sự ngăn cấm và những biện pháp kìm hãm thương nghiệp đó làm cho nền kinh tế hàng hóa phát triển chậm chạp. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp mà chủ yếu là sản xuất nhỏ dựa vào kinh nghiệm truyền đời là chính. Tuy nhiên căn cứ vào sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có thể thấy là nước ta thời ấy khá giàu có, đa dạng về tài nguyên khoáng sản, nông, lâm, ngư, hải sản và các sản phẩm về thủ công như: long nhãn ở làng Thịnh Quang, cam ngọt ở hạt Đồng Lại, Hải Dương, vải quả ở Quang Việt thuộc Sơn Nam, mía ngọt Hữu Lũng, hồ tiêu Nghệ An, sâm quế ở Trấn Ninh, sừng tê, ngà voi ở hạt Mỹ Lương, Sơn Tây và Thanh Hóa, đồng, chì, vàng, bạc ở châu Định Hóa thuộc Thái Nguyên, giấy An Thái, the Nghi Tàm, vải thưa ở Mao Điền, vải lụa Sơn Nam, vải thâm Huê Cầu, rượu sen, rượu cúc ở Hoàng Mai, Bình Vọng… Đây chưa phải là tất cả tài nguyên quốc gia nhưng qua đó có thể thấy là đã khá nhiều xa xỉ phẩm, khá nhiều làng nghề nổi tiếng trong lĩnh

vực thủ công nghiệp với các sản phẩm nổi danh trong nước và nhiều những mặt hàng mà thương lái nước ngoài rất ưa thích.

*Về chế độ thuế khóa.

Nhà Lê sơ cũng rất quan tâm đến việc định thuế khóa và quản lý dân đinh nên thời nào cũng chú ý đến việc làm sổ hộ tịch “Về chính sách này từ thời Lý Trần về trước còn sơ lược đến thời Lê mới thật chu đáo, thuế má có mực, có thể sửa đổi mà không đến nỗi làm khốn khó cho nhân dân, chi dùng có độ đã được ấn định trước nên lúc nào cũng vẫn dồi dào về tài chính”[4, tr.367]. Sổ hộ tịch được cập nhật thường xuyên 3 năm làm sổ một lần gọi là tiêu điểm, 6 năm làm sổ một lần gọi là đại điểm. Đây cũng là căn cứ để bộ Hộ thu thuế, bộ Binh bắt lính, sau này còn dùng để ghi tên các viên quan theo chức phẩm cao thấp và số tư cấp nên có tác dụng để bộ Lại dùng để kiểm soát quan chức…[33, tr.94].

Qua nhận định của Phan Huy Chú có thể thấy thời Lê sơ, thuế khóa cũng khá nhẹ nhàng. Năm đầu niên hiệu Thuận Thiên (1428) vua Lê Thái Tổ xuống chiếu tha tô thuế các loại cho nhân dân trong 2 năm. Những người già cả từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch. Năm thứ hai niên hiệu Đại Bảo (1441) vua Lê Thái Tông định ngạch thuế: Ai không có ruộng mà là quân lính thì cho 5 sào ruộng dâu để làm của riêng không phải đóng thuế. Nếu không có ruộng mà là dân thì cho 4 sào ruộng dâu, cũng không phải đóng thuế. Những người góa vợ góa chồng thì cho 3 sào, cũng miễn thuế[33, tr.95].

Đối với thuế đinh, không giống như thời nhà Trần, nhà Hồ xác định thuế đinh được tính dựa theo số ruộng mà người đó sở hữu. Thời Lê sơ, năm đầu niên hiệu Hồng Đức vua định lệ thuế đinh, mỗi người 8 tiền, “chỉ bằng một tháng rưỡi lương nha lại hạng bét”[33, tr.96] thấp hơn nhiều so với thời Trần, Hồ trước đó và cả thời Lê trung hưng, thời Nguyễn sau này.

Qua những nhận định trên có thể thấy trong thời Lê sơ, đặc biệt là dưới thời vua Lê Thánh Tông, đời sống người dân tương đối nhẹ nhàng thoải mái, kinh tế phát triển, thuế khóa không nặng nề. Những trường hợp có khó khăn cũng được nhà nước quan tâm chăm lo đời sống, được cấp ruộng để làm ăn, được xem xét để giảm thuế. Điều kiện kinh tế đó là cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ, rực rỡ của nền văn hóa, tư tưởng thời Lê sơ.

1.1.3. Về văn hóa - tư tưởng

Hệ tư tưởng Nho giáo theo chân những người Hán du nhập vào nước ta từ đầu công nguyên. Trước thời Lê sơ, hệ tư tưởng Nho giáo chưa có ảnh hưởng nhiều đến nền văn hóa, chính trị, xã hội nước ta. Thời Lý, Trần hệ tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống chính trị và văn hóa nước ta. Tầng lớp trí thức được triều đình trọng dụng không phải các Nho sĩ mà là các cao tăng với nhiều cao tăng nổi tiếng như Thiền sư Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu….Thậm chí ở thời nhà Lý trong đời sống xã hội có những thời điểm chùa chiền được dựng lên khắp nơi, cả nước có gần nửa số dân đi làm sư sãi. Dù có ảnh hưởng lớn nhưng Phật giáo không đáp ứng được nhu cầu xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế và nhà nước trung ương tập quyền mạnh nên dần dần không được giai cấp thống trị sử dụng. Lúc này Nho giáo, với hệ thống lý luận hoàn chỉnh với tư tưởng “mệnh trời”, thuyết “Tam cương”, “Ngũ thường”, “chính danh”, đường lối “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, củng cố chế độ quân chủ chuyên chế của giai cấp cầm quyền đã giành được vị trí thống lĩnh. Cuối thời Trần, Nho giáo đã từng bước thiết lập được vị trí của mình và ảnh hưởng đến đời sống văn hóa nước ta. Nhiều nhà Nho, đặc biệt là một số nho sĩ danh tiếng thời Trần như: Lê Văn Hưu, Lê Quát, Trương Hán Siêu đã công khai công kích, phê phán Phật giáo và giới cầm quyền không theo đạo cương thường Nho giáo. Dưới thời Hồ Quý Ly, ông đã ra sức khuyến khích Nho học, nhà nước có chính sách cấp ruộng nuôi thầy, cấp tiền để mua sách[7]…Bằng nhiều chính sách khuyến khích hiệu quả như vậy nên đến thời Lê sơ, Nho giáo đã được thừa nhận và nhanh chóng giữ vai trò quyết định, nền tảng đối với nền văn hóa – chính trị nước ta

Các nhà Nho đều cho rằng xã hội sẽ tốt đẹp khi tất cả mọi người đều được giáo dục, giáo hóa và có đạo đức. Đó cũng chính là nền tảng để xây dựng một xã hội ổn định, thái bình, thịnh trị, có trật tự, kỷ cương. Chính vì vậy các vua nhà Lê sơ đều độc tôn Nho giáo, coi Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, là công cụ thống trị về mặt tư tưởng của nhà nước. Tư tưởng “trọng Nho” đó được thể hiện ngay trên văn bia ở Văn Miếu được lập năm 1442 với khẳng định: "Sùng Nho trọng Đạo là việc hàng đầu”. Lê Thánh Tông còn cho ban bố trong nhân dân 24 điều “Huấn dân đại cáo" để củng cố những nguyên tắc cơ bản về đạo đức và lễ giáo Nho giáo trong nhân dân. Việc đề cao Nho giáo còn xuất phát từ nhu cầu xây dựng một nhà nước quân

chủ chuyên chế mạnh, với quyền lực tập trung chủ yếu trong tay hoàng đế và đội ngũ quan lại có trình độ học vấn cao, đáp ứng được yêu cầu của quản lý nhà nước mà hệ tư tưởng Phật giáo dưới thời Lý, Trần chưa thực hiện được.

Đề cao Nho giáo, các vua thời Lê sơ đã hạn chế, kiểm soát Phật giáo và Đạo giáo. Lê Thái Tổ quy định sư tăng phải trên 50 tuổi, phải qua kỳ thi khảo hạch, ai đỗ cho làm tăng đạo, ai không đỗ phải hoàn tục, cấm quý tộc quan lại xây chùa mới, hạn chế việc đi lại của sư tăng, đạo sĩ, cấm quan lại trong triều kết giao với tăng, đạo[41]. Tuy không được Nhà nước khuyến khích nhưng Phật giáo, Đạo giáo thời Lê sơ vẫn tồn tại trong xã hội, được mọi giới thừa nhận nhất là trong quần chúng nhân dân. Chùa chiền vẫn được sửa sang, xây mới, nhân dân vẫn tin tưởng đi theo giáo lý nhà Phật. Như vậy, dù Nho giáo được nhà nước thừa nhận, khuyến khích, có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa nhưng trên thực tế, chính sách "độc tôn Nho học" của nhà nước Lê sơ đã không được thi hành một cách có hiệu quả. Trong đời sống dân gian cho đến cung đình các yếu tố văn hóa khác biệt nhau như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, văn hóa chính thống và văn hóa dân gian vẫn cùng tồn tại, dung hòa lẫn nhau và chung sống hòa bình. Tuy nhiên, Nho giáo cũng đã phát huy được ưu thế của mình. Nhiều luận điểm của Nho giáo được vận dụng và khai thác như: cách thức tổ chức triều đình, vai trò và trách nhiệm của quan lại, giáo dục đào tạo… đặc biệt là nó đã tạo ra được một đội ngũ quan lại có trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu của công việc.

1.1.4. Về giáo dục đào tạo

Thời Lê sơ, giáo dục và khoa cử cực kỳ phát triển. Ngay sau khi lên ngôi Lê Thái Tổ đã tổ chức khoa thi Hoành từ, Minh kinh để tìm người tài ra giúp nước. Năm 1442 (Nhâm Tuất, Đại Bảo năm thứ 3 đời Lê Thái Tông), tổ chức thi Hội lần đầu tiên lấy 33 tiến sĩ. Thời Lê sơ đã tổ chức được 29 khoa thi Hội, lấy 988 tiến sĩ. Riêng thời Lê Thánh Tông, khoa cử đạt tới đỉnh cao. Trong 39 năm, đã tổ chức 12 khoa thi Hội lấy 501 tiến sĩ. Chưa bao giờ trong thời phong kiến giáo dục và khoa cử lại được quan tâm và phát triển rực rỡ như vậy[27, tr.116-130]. Phan Huy Chú đã có nhận xét: "Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp".

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 29/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí