Bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định - 2

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu

Bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm và coi trọng. Vấn đề này đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 (UHDR), Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR),…. Nước ta đang trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp, việc bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và thể hiện trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã khẳng định:

Đòi hỏi của công dân và xã hội đối với cơ quan tư pháp ngày càng cao, các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm [4];

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã đặt ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” [9]…

Hoạt động tố tụng hình sự là một trong những hoạt động của Nhà nước có liên quan chặt chẽ đến quyền con người. Hoạt động này là quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo luật định để điều tra, truy tố, xét xử đối

với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS. Cùng với việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để giải quyết vụ án thì các cơ quan và người tiến hành tố tụng theo thẩm quyền còn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử nhằm ngăn chặn việc họ tiếp tục thực hiện tội phạm, bỏ trốn cản trở đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đã góp phần làm cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử có nhiều thuận lợi, đảm bảo về thời gian, ngăn chặn việc các đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho xã hội và công dân. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do (bao gồm các biện pháp: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú) theo quy định của BLTTHS có liên quan chặt chẽ đến quyền con người và đây cũng là hoạt động mà quyền con người dễ bị xâm hại nhất. Qua thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy còn có sự lạm dụng việc áp dụng các biện pháp này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cá biệt còn có trường hợp áp dụng không đúng quy định (bắt oan người không có tội, bắt người một cách tùy tiện, tạm giữ, tạm giam quá hạn luật định…) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đồng thời gây dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xảy ra tình trạng nêu trên là do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, song sự hạn chế, thiếu đồng bộ của pháp luật và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do cũng có tác động đáng kể.

Câu hỏi đặt ra là việc bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam được thực hiện như thế nào, những yếu tố nào ảnh hưởng đến thực trạng bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự

do và cần phải có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 114 trang tài liệu này.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Vấn đề bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự đã được nhiều tác giả nghiên cứu như:

Bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định - 2

- Luận án Tiến sĩ luật học“Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Huy Hoàn.

- Luận án tiến sĩ luật học “Bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Quang Hiền.

- Luận án tiến sĩ luật học “Bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam” của tác giả Lại Văn Trình.

- Các bài báo của GS.TSKH Lê Văn Cảm “Những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền con người bằng pháp luật trong lĩnh vực tư pháp hình sự”.

- Đề tài khoa học cấp Đại học quốc gia Hà Nội - Khoa Luật năm 2006 “Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam” do GS.TSKH. Lê Văn Cảm, TS. Nguyễn Ngọc Chí, Ths. Trịnh Quốc Toản đồng chủ biên.

- Chuyên khảo “Bảo vệ quyền con người trong luật hình sự, luật tố tụng hình sự Việt Nam” của TS. Trần Quang Tiệp.

- “Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự” của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 23 (2007))….

Các công trình này, các tác giả đã nghiên cứu bảo vệ quyền con người từ góc độ tư pháp hình sự, phạm vi nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ phân tích quyền và nghĩa vụ tố tụng của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên các tác giả chưa đi sâu nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền con người thông qua BPNC hạn chế quyền tự do cũng như chưa đi sâu nghiên cứu các chế định BPNC hạn chế quyền

tự do theo quy định của BLTTHS liên quan đến việc bảo vệ quyền con người từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS Việt Nam.

Trong thực tiễn điều tra, xử lý các vụ án hình sự vẫn còn những vi phạm nhân quyền khi áp dụng các BPNC. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của BLTTHS từ góc độ lập pháp và thực tiễn áp dụng pháp luật có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế cũng như công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Đây là lý do tôi quyết định chọn đề tài: “Bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Namlàm luận văn thạc sĩ luật học của mình.

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS đồng thời nghiên cứu thực trạng quy định pháp luật về các biện pháp này và thực tiễn áp dụng các biện pháp này để làm rõ những vấn đề còn bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến quyền con người, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền con người khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn này.

- Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu thì nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra là:

+ Làm rõ vấn đề bảo vệ quyền con người và bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS.

+ Phân tích các quy định của luật TTHS về các BPNC hạn chế quyền tự do, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế của các biện pháp này liên quan đến việc bảo vệ quyền con người.

+ Xây dựng các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của pháp luật TTHS. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do được tiến hành trên phạm vi toàn quốc trong thời điểm từ năm 2009 đến năm 2013.

- Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là vấn đề bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS. Cụ thể:

- Nghiên cứu các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan đến quyền con người và chế định các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS Việt Nam.

- Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của luật TTHS trong thời điểm từ năm 2009 đến năm 2013 liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người.

- Nghiên cứu kinh nghiệm bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do ở một số quốc gia trên thế giới.

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về chính sách hình sự, về vấn đề cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng VIII, IX, X, XI và các Nghị quyết

số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng để thực hiện đề tài là: phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, đối chiếu, phương pháp thống kê, phương pháp chuyên gia,…

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

- Kết quả nghiên cứu của luận văn có ý nghĩa quan trọng về phương diện lý luận và thực tiễn, góp phần làm rõ thêm những vấn đề về bảo vệ quyền con người thông qua các BPNC hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự.

- Đề tài là một tài liệu tham khảo trong hoạt động lập pháp về TTHS, tài liệu tham khảo trong các trường chuyên ngành Luật và trong hoạt động thực tiễn giải quyết vụ án hình sự.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

- Chương 1. Lý luận về bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam.

- Chương 2. Thực trạng bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam.

- Chương 3. Một số giải pháp bảo vệ quyền con người thông qua các biện pháp ngăn chặn hạn chế quyền tự do theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam.

Chương 1

LÝ LUẬN VỀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI THÔNG QUA CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN HẠN CHẾ QUYỀN TỰ DO THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM


1.1. Khái niệm, nội dung quyền con người

1.1.1. Khái niệm quyền con người

Quyền con người là một giá trị nhân loại, đồng thời có tính lịch sử hình thành trong cuộc đấu tranh giai cấp và được bổ sung mới qua các thời đại khác nhau. Hiện nay, có nhiều định nghĩa về quyền con người, theo Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc thì: “Quyền con người là những bảo đảm pháp lý phổ quát có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép hoặc tự do cơ bản của con người” [17, tr.21]. Hay quyền con người còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người [17, tr.21].

Ở Việt Nam, quyền con người (hay nhân quyền) đã được đề cập từ Bộ luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình Luật, 1470 - 1497) và hiện nay cũng đã có nhiều tác giả nghiên cứu về quyền con người đưa ra các khái niệm, nhận xét về quyền con người. Về mặt luật học, GS.TS Trần Ngọc Đường đã viết: “Quan niệm quyền con người vừa khẳng định cơ sở tự nhiên và giá trị nhân loại của quyền, đồng thời cũng thừa nhận thuộc tính xã hội - chính trị và lịch sử cụ thể của quyền con người thuộc một quốc gia, một dân tộc” [12, tr.21]. PGS.TS Nguyễn Văn Động đã đưa ra một số nhận xét chung về quyền con người như sau:

a/ Là những giá trị quý báu được thừa nhận chung bởi toàn thế giới, đồng thời gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và cộng đồng quốc tế; b/

Trực tiếp liên quan đến các lĩnh vực sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người (từ ăn, ở, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí,…) và góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển nhân cách, tính nhân đạo và nhân văn của con người; c/ Các quyền con người tạo thành hệ thống thống nhất, quan hệ tác động lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau, đồng thời vừa là tiền đề, điều kiện của nhau, vừa là hệ quả của nhau [11, tr. 52-53].

Hay theo TS Trần Quang Tiệp thì: “Quyền con người là những đặc lợi vốn có tự nhiên mà chỉ con người mới được hưởng trong những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định” [33, tr. 14].

Với những định nghĩa, nhận xét về quyền con người như trên, cho thấy: Quyền con người được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. [20, tr.41].

1.1.2. Nội dung quyền con người

Quyền con người vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính xã hội nên nó vừa mang tính phổ biến lại vừa có tính đặc thù gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước.

Trong số các quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được hưởng tự do và độc lập là quyền cơ bản, quan trọng nhất. Tại Bản tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới đã thể hiện: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [13, tr.4]. Đó cũng chính là tuyên ngôn nhân quyền của người Việt Nam [1, tr.90]. Trong Hiến pháp năm 1946, những quyền con người cơ bản nhất với tính chất là quyền công dân đã

Xem tất cả 114 trang.

Ngày đăng: 21/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí