Bảo Vệ Quyền Con Người Bằng Chế Định Hoãn Chấp Hành Hình Phạt Tù

Bộ Luật hình sự Việt Nam 2015 cơ bản giữ nguyên các nội dung quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt như quy định tại Bộ Luật hình sự Việt Nam 1999, cụ thể như sau: "Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này".

Qua phân tích nội dung quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, tác giả cho rằng: Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt là việc rút ngắn thời gian phải chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn toàn bộ thời gian còn lại của hình phạt mà Toà án đã tuyên với người bị kết án khi người đó đã lập công, quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Từ định nghĩa khoa học nói trên cho thấy, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt là sự rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt còn lại hoặc miễn toàn bộ thời gian phải chấp hành hình phạt còn lại mà Tòa án đã tuyên đối với người phạm tội khi người đó đã lập công, quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.

Điều 8, Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC- VKSNDTC ngày 15/5/2013 quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt, theo đó phạm nhân đã chấp hành được ít nhất một phần tư mức hình phạt đã tuyên đối với án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười năm đối với tù chung thân và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù, có thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm nhân đã lập công, cụ thể như: có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra và xử lý tội phạm; cứu được tính

mạng của người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản có giá trị từ 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Mỗi lần lập công, phạm nhân chỉ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn một lần;

- Phạm nhân là người từ 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên bị bệnh, phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện nhiều lần trong thời gian dài (từ ba tháng trở lên) và không có khả năng tự phục vụ bản thân;

- Phạm nhân là người đang bị mắc một trong các bệnh như: Ung thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng.

Nội dung này thể hiện quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, tính mạng đã được quy định tại Điều 19, Điều 20, Hiếp pháp Việt Nam năm 2013.

Thông tư 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC cũng quy định mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp đặc biệt này là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án phạt tù ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân. Trong trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phạm nhân có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức giảm có thể lên tới trên 4 năm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 64 trang tài liệu này.

Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt là một chế định nhân đạo của pháp luật Việt Nam, tạo cơ hội cho những người phạm tội đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khi họ đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, sớm được tái hoà nhập cộng đồng.

1.2.4. Bảo vệ quyền con người bằng chế định hoãn chấp hành hình phạt tù

Bảo vệ quyền con người bằng các chế định về chấp hành hình phạt trong luật hình sự Việt Nam - 5

Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì các cá nhân, tổ chức có liên quan phải tôn trọng, người bị kết án phải chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng các quy định của pháp luật về hình phạt. Đây là một nguyên tắc đã được ghi nhận trong Hiến pháp, điều này thể hiện tầm quan trọng của việc thi hành án. Tuy nhiên, vì những lý do đặc biệt nhất định thuộc về nhân thân người bị kết án như hoàn cảnh, điều kiện gia đình hoặc nhu cầu công vụ mà người bị kết án phạt tù chưa thể đi thi hành án ngay được, khi đó người bị kết án phạt tù có thể được xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù.

Chấp hành hình phạt tù là việc người phạm tội phải chấp hành phán quyết của Tòa án dành cho họ, đây là hình thức tước bỏ hoặc hạn chế quyền tự do của người bị kết án với mục đích để giáo dục, cải tạo, cách li họ khỏi đời sống xã hội, hạn chế, ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà họ có thể gây ra. Tuy nhiên, pháp luật của nhà nước ta mang bản chất nhân đạo, vì vậy trong những trường hợp đặc biệt có liên quan đến nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh của người bị kết án, nhà nước ta có thể xem xét hoãn chấp hành hình phạt tù trong một khoảng thời gian nhất định để người phạm tội có thời gian, điều kiện khắc phục, giải quyết khó khăn, để sau đó toàn tâm, toàn ý cho việc chấp hành hình phạt, giúp cho việc cải tạo của người phạm tội được tốt hơn, thể hiện tính nhân đạo của nhà nước ta, nâng cao tính giáo dục, giúp người phạm tội thêm tin tưởng vào chính sách, pháp luật của nhà nước ta, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng và trở thành những công dân tốt sau khi chấp hành xong hình phạt.

Ngược lại, nếu trong điều kiện, hoàn cảnh nhân thân đặc biệt của người phạm tội như bị bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi,... nếu họ không được hoãn chấp hành hình phạt tù thì người phạm tội sẽ không thể chấp hành hình phạt hoặc không toàn tâm, toàn ý cho việc chấp hành hình phạt, dẫn đến hiệu quả chấp hành hình phạt sẽ không cao, mục đích cải tạo, giáo dục người phạm tội khó có thể đạt được. Vì vậy, việc hoãn chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định đối với những trường hợp có hoàn cảnh, điều kiện đặc biệt là hết sức cần thiết, giúp tạo điều kiện cho người phạm tội có điều kiện chấp hành hình phạt được tốt hơn, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội, thể hiện đúng chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự của Nhà nước ta.

Chế định hoãn chấp hành hình phạt tù là sự ghi nhận của pháp luật Việt Nam nhằm bảo vệ quyền con người, chế định này được thể hiện qua việc ngừng chấp hành hình phạt tù trong một thời gian nhất định (có điều kiện), chế định này chỉ có thể được áp dụng đối với người đã bị kết án và họ chưa chấp hành hình phạt tù. Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành chỉ quy định điều kiện được hoãn chấp hành hình phạt tù chứ không quy định cụ thể hình phạt tù đó là tù có thời hạn hay không có thời hạn, chế định này không những thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam mà còn cho thấy tính công bằng, khách quan trong việc bảo vệ quyền con người của pháp luật Việt Nam. Lần đầu tiên, vấn đề hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại

Điều 69 Bộ luật hình sự năm 1985, điều luật này đã quy định điều kiện để hoãn chấp hành hình phạt tù. Vấn đề hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định tại Điều 61 Bộ luật hình sự năm 1999 và tiếp tục được ghi nhận đầy đủ hơn tại Điều 67 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cũng giống như Bộ luật hình sự năm 1985 và Bộ luật hình sự năm 1999, Bộ luật hình sự năm 2015 cũng không đưa ra được khái niệm hoãn chấp hành hình phạt tù mà chỉ quy định về các điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Trước tiên, như đã nói ở trên, "Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó".

Đối với khái niệm "chấp hành", theo Từ điển Tiếng Việt thì chấp hành dùng để chỉ việc "thi hành, thực hiện những điều quy định trong chính sách, pháp luật, kế hoạch, mệnh lệnh, phán quyết" [60, Chấp_hành]. Tuy nhiên, dưới góc độ luật hình sự thì chấp hành là việc thi hành những quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền.

Khái niệm "hoãn" theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là "chuyển thời điểm định làm việc gì đó sang thời điểm khác, muộn hơn" [60, Hoãn]. Dưới góc độ luật hình sự thì "hoãn" là tạm dừng, chưa phải chấp hành một quyết định nào đó của cơ quan có thẩm quyền mà lẽ ra mình phải bị chấp hành.

Xoay quanh vấn đề khái niệm về miễn chấp hành hình phạt tù, các nhà khoa học cũng chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất, theo GS. TSKH Lê Văn Cảm,“Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng lại trong một thời hạn nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án nếu người này chưa chấp hành hình phạt tù đó” [11, tr.794]; GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: "Hoãn chấp hành hình phạt tù là chuyển việc thi hành hình phạt tù sang thời điểm muộn hơn" [28, tr.310]; còn với TS. Trịnh Tiến Việt: "Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc Tòa án cho phép người bị kết án chuyển việc thi hành án phạt tù sang thời điểm muộn hơn. Nói một cách khác, đó là việc cho phép người bị kết án tiếp tục sống và làm việc ngoài xã hội, chưa buộc người này phải vào trại giam để chấp hành hình phạt tù" [59, tr.435].

Qua nghiên cứu, phân tích, tác giả đưa ra khái niệm hoãn chấp hành hình phạt như sau: Hoãn chấp hành hình phạt tù là chuyển việc chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án nhưng chưa chấp hành hình phạt tù sang

thời điểm muộn hơn so với thời điểm được quy định tại bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án.

Từ khái niệm khoa học về hoãn chấp hành hình phạt tù nên trên, có thể khẳng định bản chất pháp lý của chế định này như sau: Hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam, được thể hiện thông qua việc Tòa án quyết định chuyển việc chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án (nhưng chưa chấp hành hình phạt đó) sang thời điểm muộn hơn so với thời điểm đã được quy định tại bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đối với người phạm tội, trong một thời gian nhất định khi có đầy đủ căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định.

Ví dụ: Tháng 6 năm 2015, Nguyễn Văn Hậu, 25 tuổi (có đủ năng lực trách nhiệm hình sự) thường trú tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên có mâu thuẫn với Dương Văn Hùng 27 tuổi, ở cùng xã với Hậu. Hai bên xô sát, Hậu dùng ống tuýp kẽm đánh Hùng gẫy xương bả vai và đa chấn thương nhiều vùng trên cơ thể. Kết quả giám định, Hùng bị thương tật 12%. Căn cứ hồ sơ vụ án và Điểm a, Khoản 1, Điều 104 Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu 24 tháng tù. Trước khi chấp hành hình phạt tù, Nguyễn Văn Hậu đã có Đơn đề nghị Tòa án cho hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do Hậu là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt. Sau khi xác minh, Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù đối với Nguyễn Văn Hậu, thời gian được hoãn chấp hành hình phạt là 12 tháng.

1.2.5. Bảo vệ quyền con người bằng chế định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù

Tương tự như hoãn chấp hành hình phạt tù, khái niệm tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cũng chưa được ghi nhận trong Luật hình sự Việt Nam. Nếu như chế định hoãn chấp hành hình phạt tù lần đầu tiên được pháp

luật ghi nhận tại Bộ luật hình sự 1985 thì tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988. Theo Từ điển Tiếng việt, "tạm" có nghĩa là "làm việc gì chỉ trong một thời gian nào đó, khi có điều kiện thì sẽ có thay đổi" [60, Tạm]; "Đình chỉ" có nghĩa là "ngừng lại hoặc làm cho phải ngừng lại trong một thời gian hay vĩnh viễn" [60, Đình_chỉ]. Dưới góc độ luật hình sự thì "tạm đình chỉ" là tạm dừng lại việc thực hiện một quyết định nào đó của cơ quan có thẩm quyền mà người đó đang phải chấp hành. Tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988, nhà làm luật sử dụng thuật ngữ là "tạm đình chỉ thi hành án hình phạt tù". Tuy nhiên, tại Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thuật ngữ này đã được sửa đổi thành "tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù". Việc sửa đổi thuật ngữ trên là có cơ sở bởi lẽ, đối với tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, người bị kết án đã có quyết định thi hành án và đang chấp hành hình phạt. Khi có đủ các điều kiện theo luật định thì có thể được tạm dừng việc chấp hành hình phạt đó, đây cũng là điểm khác biệt căn bản so với chế định hoãn chấp hành hình phạt tù.

Dưới góc độ khoa học, đã có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Theo TS. Phạm Văn Beo:

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng trong một thời gian nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án khi người này đang chấp hành hình phạt đó [3, tr.470];

Quan điểm của GS.TSKH Lê Văn Cảm:

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng trong một thời gian nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án đang chấp hành hình phạt đó [11, tr.796];

Theo quan điểm của TS. Trịnh Tiến Việt:

Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc Tòa án cho phép người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam được tạm

dừng việc ở lại trại giam để chấp hành hình phạt, đồng thời họ được trả tự do nếu không bị giam giữ về một tội phạm khác khi có những điều kiện cụ thể do Bộ luật hình sự quy định [59, tr.444].

Qua phân tích, tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý trong các khái niệm "tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù" của các tác giả đã nêu trên, tác giả đưa ra định nghĩa khoa học về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù như sau: Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là việc Toà án cho phép người đang chấp hành hình phạt tù được tạm dừng chấp hành hình phạt tù đó trong một thời gian nhất định, khi người đó đáp ứng những điều kiện do Bộ luật hình sự quy định.

Về bản chất pháp lý, có thể hiểu chế định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là một chế định nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam, được thể hiện qua việc Tòa án quyết định cho phép người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù được tạm dừng việc chấp hành hình phạt tù đó trong một thời hạn nhất định khi người đó có đầy đủ căn cứ và những điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự.

1.2.6. Bảo vệ quyền con người bằng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Tha tù trước kỳ hạn là một chế định nhân đạo đã được Nhà nước ta quan tâm, cụ thể hoá bằng văn bản pháp luật từ rất sớm. Năm 1958 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 566/TTg ngày 24 tháng 12 năm 1958 quy định về vấn đề này, cụ thể như sau: "...Khi xử xong thì phải tổ chức ngay cho phạm nhân lao động sản xuất một cách thiết thực. Kẻ nào lao động tốt, biểu hiện tốt về mặt cải tạo thì công an đề nghị công tố xét và đưa toà án xử tha tù cho họ trước kỳ hạn" [6, tr.1]. Để hướng dẫn thi hành quy định của Thủ tướng Chính phủ về nội dung tha tù trước kỳ hạn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Công tố Trung ương, Toàn án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên bộ số 73-TT/LB ngày 11 tháng 08 năm 1959 về việc quy định điều kiện và thủ tục xử tha tù trước kỳ hạn.

Xem tất cả 64 trang.

Ngày đăng: 28/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí