Những Yêu Cầu Đối Với Hoàn Thiện Các Quy Phạm Trong Pháp Luật Hình Sự Việt Nam Về Tội Phạm Theo Định Hướng Tăng Cường Bảo Vệ Các Quyền Con Người

Tiếp đến, Nghị Quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ:

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp phù hợp với mục tiêu của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Coi trọng việc hoàn thiện việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội… Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.

Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội… [19].

Tại Đại hội đại biểu đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra năm 2011, Văn kiện Đại hội nêu rõ: "Đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình sự…" [20, tr. 250].

Từ những nhiệm vụ chính trị trên đây, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự nói riêng, trong đó việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm theo hướng tăng cường bảo vệ các quyền con người đòi hỏi phải được nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, nhận thức đúng đắn những quan điểm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nhân đạo được thừa nhận chung của nền văn minh pháp lý nhân loại và sự kế thừa của pháp luật truyền thống dân tộc, để tăng cường bảo vệ các quyền con người.

3.1.3. Về mặt thực tiễn

Sự cần thiết của việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm ngoài việc thể hiện ở mặt chính trị - xã hội, còn thể hiện ở mặt thực tiễn là: Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật hình sự phải được thể hiện là công cụ pháp lý hữu hiệu, và cơ bản. Với vai trò đó, từ khi được ban hành, qua những lần pháp điển và những lần sửa đổi, bổ sung, Bộ luật hình sự đã thể hiện rõ vai trò, cũng như phát huy cao độ vai trò đó, từ đó nhà nước đã duy trì, ngày một củng cố tình hình an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

Trên cơ sở Bộ luật hình sự, năm 1998 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 về phê duyệt chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Tiếp theo là Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/1998NQ-CP và chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1217/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015.

Việc ban hành các văn bản nêu trên, cũng như việc ghi nhận quyền con người là một trong những nội dung lớn của Hiến pháp là một hoạt động cụ thể hóa chính sách hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, và nhằm đến đích cuối cùng là bảo vệ quyền con người. Chính vì vậy, vấn đề tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự, trong đó có các quy phạm về tội phạm là một đòi hỏi mang tính thực tiễn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Từ các phương diện nêu trên, cho thấy: Việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm trong Bộ luật hình sự Việt Nam là nhiệm vụ cần thiết trong việc tăng cường bảo vệ các quyền con người.

3.2. NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI HOÀN THIỆN CÁC QUY PHẠM TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI PHẠM THEO ĐỊNH HƯỚNG TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ CÁC QUYỀN CON NGƯỜI

Bảo vệ các quyền con người bằng các quy phạm về tội phạm trong pháp luật hình sự Việt Nam - 11

Yêu cầu thứ nhất, việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm trong

pháp luật hình sự theo hướng tăng cường bảo vệ các quyền con người phải được ghi nhận đầy đủ, minh bạch, cụ thể và chính xác trong pháp luật hình sự. Các quy phạm phải bảo đảm tính chính xác về khoa học, phải logic về mặt kỹ thuật lập pháp, mà trước hết trong đạo luật hình sự, các chế định về tội phạm, đồng phạm, các giai đoạn thực hiện tội phạm, chế định lỗi.

Yêu cầu thứ hai, việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm trong pháp luật hình sự theo hướng tăng cường bảo vệ các quyền con người làm sao khi thực hiện phải được áp dụng một cách thống nhất trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án, bao gồm khởi tố, điều tra, truy tố và kể cả thi hành án hình sự. Không thể có trường hợp, một quy phạm mà, mỗi cơ quan áp dụng và thực hiện một cách khác nhau.

3.3. NỘI DUNG HOÀN THIỆN NHỮNG QUY PHẠM VỀ TỘI PHẠM TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM THEO HƯỚNG TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI

3.3.1. Nhận xét chung

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành đã thể hiện đúng vai trò là công cụ của nhà nước Việt Nam trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ cơ bản các quyền con người. Tuy nhiên, trước tình hình mới của trong nước và thế giới, pháp luật hình sự của nước ta đã và đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo vệ các quyền con người. Để đáp ứng đòi hỏi ấy, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, trong đó, có các quy phạm về tội phạm tại Phần chung của Bộ luật hình sự. Sự cần thiết của việc hoàn thiện những quy phạm về tội phạm theo hướng tăng cường bảo

vệ các quyền con người được thể hiện trên ba mặt (lập pháp hình sự; lý luận; thực tiễn) mà tác giả đã nêu ở mục 3.1 trên.

3.3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện

Kiến nghị thứ nhất: Trong chế định "Các giai đoạn thực hiện tội phạm" thì Điều 17Bộ luật hình sự quy định về "Giai đoạn chuẩn bị phạm tội". Theo quy định tại đoạn hai Điều 17 thì: người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tội định phạm là tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo người viết, để tăng cường bảo vệ quyền con người thì, quy định này nên được sửu đổi lại theo hướng sau: Người chuẩn bị phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự kể cả đối với bốn loại tội phạm là: Tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vì, người chuẩn bị phạm một tội cụ thể nào đó quy quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, chỉ là việc tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm mà thôi, còn trên thực tế người đó chưa thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đối với cấu thành tội phạm mà người đó định phạm - có nghĩa là thiếu một trong các dấu hiệu cơ bản của tội phạm mà người đó định phạm. Vì thế, người chuẩn bị phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, người chuẩn bị phạm tội chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi các hành vi như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác, đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác, thì người chuẩn bị phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó. Ví dụ: A có ý định thực hiện "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", nên A đã tìm kiếm, mua và tàng trữ trái phép một số lượng lớn thuốc nổ, vũ khí nguy hiểm và nhiều tài liệu có nội dung kích động nhân dân chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng A chưa thực hiện được tội này thì bị phát hiện và ngăn chặn. Có nghĩa, A chưa thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, như: Kích động nhân dân, cho nổ mìn, gây bạo động, để lật đổ

chính quyền nhân dân - dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Do vậy, A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Trường hợp này, nếu các hành vi như: mua, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ… đủ yếu tố cấu thành tội phạm về các tội như: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; hoặc Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ…thì A phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội đó. Như vậy, theo người viết đoạn 2 Điều 17 nên được sửa đổi lại như sau: "Người chuẩn bị phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện. Nếu việc chuẩn bị đã đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tội phạm này".

Kiến nghị thứ hai: Về giai đoạn "Phạm tội chưa đạt" (Điều 18, Bộ luật hình sự). Tại đoạn 2 quy định: "Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt" [36]. Tuy nhiên, theo người viết, để tăng cường bảo vệ các quyền con người, quy định này nên được sửa lại như sau: "Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt nếu tội đó là tội rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội phạm là tội ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hậu quả nguy hại cho xã hội của tội phạm đó đã xảy ra". Việc quy định như vậy, bởi vì: Bản chất của phạm tội chưa đạt là tội phạm không được thực hiện được đến cùng do nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Do vậy, tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như hậu quả nguy hại của hành vi phạm tội không thể lớn bằng trường hợp tội phạm hoàn thành. Mặc dù vậy, người phạm tội chưa đạt cũng đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội - dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm mà người đó thực hiện, nhưng việc thực hiện tội phạm đó chưa hoàn thành. Đây là lý do chủ yếu để luận chứng cho việc buộc người thực hiện tội phạm ở giai đoạn tội phạm chưa đạt chỉ phải chịu trách nhiệm

hình sự nếu đó là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng thì người phạm tội chưa đạt chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hậu quả nguy hại của tội phạm đã xảy ra đối với xã hội.

Kiến nghị thứ ba: Về tội "Che giấu tội phạm" (Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành) quy định:

Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định [36].

Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền con người, theo người viết nên bổ sung thêm đoạn 2 vào Điều 21 Bộ luật hình sự như sau:

Người tuy biết tội phạm được thực hiện nhưng không có khả năng, và không có điều kiện cần thiết để ngăn chặn tội phạm, tố giác tội phạm, hoặc tuy có, nhưng vì mục đích bảo vệ lợi ích lớn hơn hậu quả mà tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra cho xã hội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cơ sở của kiến nghị này là: Người tuy biết tội phạm được thực hiện nhưng không ngăn chặn tội phạm, tố giác tội phạm vì người đó không có khả năng, và không có điều kiện cần thiết. Hoặc tuy có, nhưng vì mục đích bảo vệ lợi ích lớn hơn hậu quả mà tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra cho xã hội, là người không có lỗi trong việc che giấu tội phạm - thiếu một trong các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Do vậy, người này không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trên đây, là một số kiến nghị để hoàn thiện các quy phạm về tội phạm theo hướng tăng cường bảo vệ con người. Mặc dù vậy, theo người viết, để bảo đảm và phát huy tối đa nội dung bảo vệ các quyền con người, cũng như không ngừng tăng cường bảo vệ các quyền con người bằng các quy phạm về

tội phạm trong pháp luật hình sự, thì ngoài việc hoàn thiện các quy phạm về tội phạm, còn phải hoàn thiện các chế định khác liên quan, trong đó có cả các chế của luật hình sự với vai trò của luật nội dung và các chế định của luật tố tụng hình sự, với vai trò của ngành luật hình thức trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các chế định, chủ yếu tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về cải cách cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là cơ quan nắm quyền tư pháp - nhánh quyền lực thứ ba - đó là hệ thống Tòa án. Mặc dù nước ta đang trong công cuộc cải cách tư pháp theo chủ trương, chính sách của Đảng thể hiện trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, như: Nghị quyết số: 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị "Về chiến lược cái cách công tác tư pháp đến năm 2020". Theo đó, để tăng cường tính độc lập trong xét xử, hệ thống được tổ chức theo thẩm quyền xét xử chứ không theo đơn vị hành chính như hiện nay. Tuy nhiên, công cuộc đó vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ, nhiều nội dung mà chúng ta chưa thực hiện được, trong đó có việc đổi mới và tổ chức lại hệ thống các cơ quan tư pháp, mà hệ thống Tòa án là trung tâm.

Ngoài việc tổ chức lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ qua tư pháp, các Nghị quyết của Đảng còn đề ra các đổi mới nhằm nâng cao vai trò của các cơ quan bổ trợ tư pháp khác, trong đó có tổ chức Luật sư. Vai trò của luật sư tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự vô cùng quan trọng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ các quyền con người nói chung và bảo vệ các quyền con người bằng các quy phạm về tội phạm nói riêng. Tuy nhiên, đội ngũ luật sư ở nước ta hiện nay thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách tư pháp đặt ra. Điều đó thể hiện về chất và về lượng, cũng như sự chuyên nghiệp trong quá trình tham gia giải quyết các vụ án. Số lượng luật sư chưa nhiều, hơn nữa trong số đã có, số luật sư bảo đảm về chất, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp còn ít.

Thứ hai, một trong những nhiệm vụ của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức - những người trực tiếp làm công tác bảo vệ pháp luật và xét xử phải có trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng, đủ tâm, đủ tầm, đề cao đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm cao trong quá trình giải quyết vụ án. Từ đó, mới đạt được nhiệm vụ Đảng, Nhà nước đề ra, và như vậy, các quyền con người mới được bảo đảm. Tuy nhiên, qua báo cáo của một số cơ quan trong hệ thống cơ quan tư pháp, cũng như các thông tin được một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, hiện nay vẫn có bộ phận không ít đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết vụ án trong tình trạng trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhiệm vụ, ý thức và trách nhiệm với công việc, với Nhà nước không cao, thậm chí có một số tha hóa, biến chất, làm mất niềm tin trước Đảng, trước nhân dân.

Để giải quyết một số vấn đề nêu trên, cần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp theo đường lối của Đảng, cụ thể:

1) Hệ thống cơ quan Tòa án là trung tâm của hệ thống cơ quan tư pháp, có Tòa án nhân dân tối cao - với vai trò chủ yếu là tổng kết và hướng dẫn các tòa cấp dưới trong chức năng xét xử tiếp tục tổng kết và ban hành những văn bản hướng dẫn, giải thích sao cho đáp ứng kịp thời đối với đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, và để bảo vệ tốt nhất các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung, và bảo vệ các quyền con người bằng các quy phạm về tội phạm nói riêng.

2) Tiếp tục và đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp theo nội dung của các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2002, và Nghị quyết 49-NQ/TW năm 2005. Đặc biệt đẩy mạnh cải cách cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp, mà trọng tâm là Tòa án để đạt được sự độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong công tác xét xử, bảo đảm sự công minh, khách quan, bảo vệ có hiệu quả cao trong việc bảo vệ các quyền con người. Cùng với đó là việc phát triển đội ngũ luật sư đủ cả về chất và về

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022