Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam - 2

Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng các quy định liên quan đến BMKD còn rất ít, hầu như không xảy ra trên thực tế, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có tranh chấp nào xảy ra về BMKD. Điều đó chứng tỏ người dân của chúng ta nói chung cũng như các nhà kinh doanh nói riêng còn chưa quan tâm nhiều đến đối tượng này.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn “Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam” làm đề tài cho luận văn cao học của mình với mong muốn có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu những quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn áp dụng, từ đó đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật trong nước về bảo hộ bí mật kinh doanh. Hy vọng rằng luận văn hoàn thành sẽ góp phần nhỏ cho việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh ở Việt Nam.

2. Tình hình nghiên cứu

Đề tài được nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO được hơn 4 năm (Việt Nam gia nhập WTO chính thức từ ngày 11/1/2007), Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực được 5 năm ( luật này được Quốc Hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006). Luật Sở hữu trí tuệ đã có những quy định mới mẻ, cập nhật những quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, quyền tự bảo vệ khi có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bí mật kinh doanh…

Là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh cũng đã được quan tâm đề cập nghiên cứu nhiều nhưng có thể do tính mới mẻ của chúng so với các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp nên những nghiên cứu đó có thể chỉ là các khóa luận tốt nghiệp đại học hoặc là các nghiên cứu mang tính riêng lẻ, ở một vài khía cạnh trong các bài viết trên các tạp chí trong nước hoặc

được đề cập đến trong hội thảo khoa học về bí mật kinh doanh … Ví dụ như bài viết “Một số vấn đề về bảo hộ bí mật kinh doanh và hoàn thiện pháp luật bảo hộ bí mật kinh doanh ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Quế Anh đăng trên tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế – Luật số 3 năm 2004, hoặc trong cuốn sách “Quyền sở hữu trí tuệ” của TS. Lê Nết nhà xuất bản Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006 có dành chương 7 để nói về bí mật kinh doanh… Trong bài viết nói trên của mình, TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng “BMKD với tư cách là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là một trong những phạm trù còn ít được nghiên cứu”. Trong mấy năm trở lại đây hầu như không có nghiên cứu nào đáng kể về đối tượng sở hữu công nghiệp này. Do đó các khía cạnh của đối tượng vẫn chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, hoàn chỉnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh.

3. Đối tượng và mục đích nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận và thực tiễn của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời có sự tham khảo việc bảo hộ đối với đối tượng này của một số nước trên thế giới.

Về mục đích nghiên cứu của luận văn, trên cơ sở kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước, luận văn tập trung làm rõ những vấn đề lý luận, bản chất, nội dung của bí mật kinh doanh, vai trò, ý nghĩa của việc bảo hộ. Muốn vậy, chúng tôi đã có sự nghiên cứu về sự hình thành pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh trên thế giới và ở Việt Nam. Với mục đích nghiên cứu như trên, nhiệm vụ cụ thể của luận văn là:

Tiếp cận một cách có hệ thống những vấn đề lý luận về quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, so sánh với các quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, từ đó chỉ ra những định hướng hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh.

4. Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam - 2

Cơ sở lý luận: Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận: chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa duy vật biện chứng, phép biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền sở hữu công nghiệp; thành tựu của triết học, các chuyên ngành khoa học pháp lý như lịch sử pháp luật, lý luận nhà nước và pháp luật, luật dân sự, luật sở hữu trí tuệ … và những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo và các bài viết trên các tạp chí khoa học về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng kết hợp các phương pháp sau: Phương pháp duy vật biện chứng, Phương pháp duy vật lịch sử, Phương pháp lịch sử cụ thể, Phương pháp thống kê, Phương pháp luật học so sánh, Phương pháp phân tích - tổng hợp, Phương pháp điều tra xã hội học …

5. Phạm vi nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu của một luận văn thạc sỹ, tác giả tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận liên quan đến bí mật kinh doanh cùng với việc đánh giá thực trạng bảo hộ bí mật kinh doanh ở Việt Nam từ đó đưa ra những kiến giải nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao kết quả của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng này.

6. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận văn

Đây là luận văn đầu tiên nghiên cứu một cách tổng hợp về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.

Nghiên cứu một cách hệ thống về bí mật kinh doanh với tư cách là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Dựa vào việc phân tích thực trạng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh trong thời gian qua, luận văn chỉ ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục những từ viết tắt, Danh mục các tài liệu tham khảo và Mục lục, nội dung luận văn được trình bày trong 3 chương với kết cấu như sau:


Chương I: Khái quát chung về bí mật kinh doanh và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh


Chương II: Những quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh


Chương III: Thực trạng hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh ở Việt Nam và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

CHƯƠNG 1‌‌

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ BÍ MẬT KINH DOANH VÀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI BÍ MẬT KINH DOANH

1.1. Khái niệm bí mật kinh doanh và quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh

1.1.1. Khái niệm bí mật kinh doanh

1.1.1.1. Khái niệm


Từ xa xưa con người đã biết giữ gìn các bí quyết nghề nghiệp của mình. Các bí quyết này chính là thế mạnh, là lợi thế để họ cạnh tranh với các đối thủ của mình. Là người kinh doanh ai cũng có bí mật thương mại hay bí quyết sản xuất riêng. Những bí mật hay bí quyết riêng đó đem lại lợi ích cho chủ sở hữu của nó nên chúng không thể chia sẻ cho người khác, chúng tồn tại dưới dạng thông tin và được bảo vệ để không bị lộ ra bên ngoài. Đơn giản là vì nếu người khác biết được nội dung của bí quyết đó thì có nghĩa là thông tin đó không còn bí mật, giá trị của nó hay khả năng cạnh tranh đã mất, lợi thế trong kinh doanh đã không còn. Việc tạo ra hay có được thông tin bí mật là rất quan trọng nhưng việc bảo mật chúng cũng quan trọng không kém. Lúc đầu các bí quyết đó là bí mật riêng của cá nhân và được giữ gìn bởi cá nhân, được tích lũy, phát triển từ đời này sang đời khác hoặc chỉ truyền cho những người thân thuộc nhất của họ. Sau này khi trình độ sản xuất phát triển cao hơn, chủ sở hữu các bí mật kinh doanh bên cạnh các biện pháp bảo mật của mình còn được nhà nước thông qua hệ thống pháp luật góp phần đắc lực vào việc giữ gìn các bí mật đó. Chính các quy định của pháp luật trong việc chống lại những hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh của các chủ thể sản xuất kinh doanh được thiết lập một cách có hệ thống ở các nước hiện nay đã tạo nên sự bảo hộ của nhà nước đối với các bí mật kinh doanh, bảo hộ kết quả của một

loại hoạt động trí tuệ của con người – đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo của con người trong sản xuất, kinh doanh.


Bí mật kinh doanh là một đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp thuộc nhóm các đối tượng có tính thương mại. Thông thường bí mật kinh doanh được hiểu như một thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, được giữ bí mật và có một giá trị kinh tế nhất định bởi nó tạo cho người nắm giữ thông tin một lợi thế trước những đối thủ cạnh tranh.


Trên thế giới, vấn đề bảo hộ BMKD đã được quy định đầu tiên trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, ra đời năm 1994 (TRIPS). Theo Hiệp định này thì một thông tin bí mật phải có tính chất bí mật với nghĩa là những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó; có giá trị thương mại vì có tính chất bí mật; và được người kiểm soát hợp pháp thông tin đó giữ bí mật bằng những biện pháp phù hợp thực tế (Điều 39).


Có một số thuật ngữ khác nhau có liên quan đến bí mật kinh doanh như: thông tin bí mật, thông tin không được tiết lộ.


Thông tin bí mật gồm bí mật kinh doanh, thông tin đặc quyền và thông tin không bị tiết lộ khác chưa trở thành đối tượng phải bị tiết lộ công khai không hạn chế theo pháp luật (khoản 1 Điều 2 Chương 2 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ).

Thông tin không được tiết lộ khác như những thử nghiệm hoặc dữ liệu không được tiết lộ nhất định được đệ trình như là điều kiện để phê duyệt việc

tiếp thị dược phẩm hoặc các sản phẩm hóa nông có sử dụng các thành phần hóa học mới ( Điều 39.3 Hiệp định TRIPs).


Như vậy bí mật kinh doanh là một dạng của thông tin bí mật. Phần lớn các nước hiện nay đều có quy định về bảo hộ BMKD, phù hợp với Điều 10bis của Công ước Paris. BMKD có vai trò quyết định trong việc tạo ưu thế cạnh tranh giữa người nắm thông tin và những người khác. Để được bảo hộ, người sở hữu BMKD phải có ý định giữ BMKD và thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để giữ bí mật chúng trên thực tế.


Tại Việt Nam, Nghị định 54/2000/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3-10- 2000 cũng đã quy định về bảo hộ BMKD. Theo quy định của pháp luật Việt nam hiện hành, Khái niệm bí mật kinh doanh được quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”.


Trên thực tế kinh doanh ngày nay, các thương nhân có thể coi nhiều loại thông tin khác nhau là bí mật kinh doanh. Đó có thể là các thông tin khoa học như hướng nghiên cứu phát triển khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học…Hoặc đó có thể là thông tin công nghệ, kỹ thuật như các công thức pha chế, quy trình sản xuất, cấu trúc của sản phẩm, mã nguồn của các chương trình máy tính, sơ đồ kiến trúc…Hay đó có thể là các thông tin thương mại như danh sách khách hàng, nhu cầu, thái độ, cơ cấu tiêu dùng của khách hàng, phương án cung ứng, lưu trữ, chăm sóc khách hàng, kế hoạch, chiến lược kinh doanh tiếp thị, quảng cáo, ý tưởng kinh doanh, kết quả nghiên cứu, khảo sát thị trường… Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các thông tin bí mật không được bảo hộ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh gồm các loại thông tin sau:

các bí mật nhân thân, về quản lý nhà nước, về an ninh, quốc phòng, các thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.


1.1.1.2. Đặc điểm


Bí mật kinh doanh là một đối tượng đặc biệt của quyền sở hữu công nghiệp, ngoài những tính chất chung của các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp như mang tính chất vô hình và là sản phẩm của hoạt động sáng tạo, trí tuệ của con người nó có các đặc điểm riêng cơ bản sau:


Thứ nhất, bí mật kinh doanh là thông tin nên nó có chức năng thông tin. Chức năng này đem đến cho người có khả năng tiếp cận nó những hiểu biết, những nhận thức, kiến thức nhất định mà không phải ai cũng dễ dàng có được nó. Những thông tin này có thể được biểu hiện ở những dạng khác nhau như các ký tự, các ký hiệu, hình vẽ, công thức… và có thể được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định như tài liệu, giấy tờ chứa đựng thông tin, mô hình, mẫu vật hay dưới dạng dữ liệu trong máy tính hoặc có khi còn tồn tại dưới dạng phi vật thể như kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của con người… và nó là kết quả của hoạt động sáng tạo của con người. Thông tin trong bí mật kinh doanh là những tri thức của con người nên con người muốn nhận thức được nó thì phải thông qua hoạt động nhận thức. Điều đó còn có nghĩa là thông tin đó phải là những kiến thức mà con người có thể nhận thức được.


Thứ hai, bí mật kinh doanh là thông tin bí mật. BMKD là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Yếu tố bí mật trong BMKD có vai trò tạo ưu thế cạnh tranh giữa người nắm thông tin và những người khác. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của BMKD. BMKD một khi đã bị bộc lộ công khai sẽ mất hết giá trị, tính bí mật không còn thì thông tin đó không còn là ưu thế cạnh

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 22/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí