như đã nêu trên cho nghề nghiệp mang tính đặc thù này thì sự phấn đấu, rèn luyện vươn lên của mỗi Thẩm phán mới là nhân tố cơ bản để quyết định kỹ năng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử nói chung và trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nói riêng. Để thực hiện việc nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho cán bộ, Thẩm phán, ngành Tòa án nhân dân trước mắt cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, cán bộ nhất là các cán bộ có chức danh tư pháp. Làm tốt công tác rà soát, quy hoạch, đánh giá cán bộ để có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt công tác luân chuyển điều động, biệt phái cán bộ theo yêu cầu công việc, làm tốt công tác tạo nguồn Thẩm phán, đổi mới cơ chế tuyển chọn Thẩm phán theo hướng mở rộng bổ nhiệm Thẩm phán không chỉ đối với các cán bộ đang công tác trong ngành mà còn cả những người là luật gia, luật sư nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
3.2.2.3. Bồi dưỡng, tổ chức lại lực lượng Hội thẩm nhân dân để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất
Thực tế công tác ngành Tòa án trong những năm qua cho thấy, bên cạnh việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án nhân dân, đội ngũ Hội thẩm nhân dân cũng không ngừng được củng cố. Các Tòa án đã tích cực phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các cơ quan có liên quan để lựa chọn những vị Hội thẩm nhân dân có trình độ pháp lý và phẩm chất đạo đức, chính trị để tham gia hoạt động xét xử. Ngành Tòa án nhân dân cũng rất quan tâm đến chế độ đối với Hội thẩm như trang phục, chế độ, chính sách, tài liệu và đặc biệt chú trọng tới công tác tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ. Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã bồi dưỡng kiến thức pháp luật và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho các Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử được giao. Nhìn
chung, đội ngũ Hội thẩm Tòa án nhân dân đang có những đóng góp tích cực vào công tác xét xử của các Tòa án địa phương.
Để tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân trong tình hình mới thì việc nghiên cứu và xây dựng một tổ chức để Hội thẩm nhân dân tập hợp thành một tổ chức nhất định để họ thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm xét xử, học tập nâng cao trình độ kỹ năng xét xử các vụ án. Tổ chức này thường xuyên được những người có kinh nghiệm xét xử ở các tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất; bồi dưỡng kiến thức pháp luật về việc áp dụng các văn bản pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp đó. Trong tình hình hiện nay, các văn bản pháp luật về đất đai tương đối nhiều, chồng chéo và có những văn bản mâu thuẫn nhau nếu người hội thẩm không am hiểu pháp luật, không được cập nhật các văn bản thì rất khó khăn cho việc lựa chọn và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết vụ án.
Mặt khác, các Hội thẩm nhân dân cần phải được tranh bị kiến thức pháp lý về trình tự tố tụng dân sự, kỹ năng thẩm vấn các đương sự tại phiên tòa. Vì vậy, để thực hiện việc nâng cao không ngừng chất lượng áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất cho Hội thẩm nhân dân cần có một tổ chức thích hợp để các Hội thẩm nhân dân được sinh hoạt, học tập. Cần quan tâm đến trình độ nhận thức pháp luật của Hội thẩm Tòa án nhân dân bên cạnh việc coi trọng các tiêu chuẩn khác giống như yêu cầu đối với Thẩm phán. Chỉ khi nào người Hội thẩm Tòa án nhân dân có trình độ nhận thức pháp lý cần thiết để chủ động trong việc xét hỏi, nghị án để cùng lựa chọn, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật vào giải quyết các vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất, cùng với Thẩm phán ban hành các bản án, quyết định thấu tình đạt lý, đúng pháp luật thì người Hội thẩm nhân dân mới thực sự "ngang quyền với Thẩm phán".
Với tư cách là một thành viên trong Hội đồng xét xử, người Hội thẩm nhân dân có đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết sẽ không lúng túng, bị động theo ý kiến Thẩm phán. Trong tình hình hiện nay, vấn đề áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử nói chung và trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất nói riêng đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân là hai chức danh giữ vai trò chủ thể tiến hành các quy trình áp dụng pháp luật lại càng được Nhà nước và xã hội quan tâm. Do đó, việc nâng cao và coi trọng trình độ pháp lý của Hội thẩm nhân dân là việc làm hết sức cần thiết và không thể thiếu được trong quá trình nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật.
3.2.2.4. Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất cho các Tòa án nhân dân, hoàn thiện chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân
Để nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân thì việc tăng cường điều kiện, cơ sở vật chất là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong những năm qua, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất điều kiện phương tiện làm việc của các Tòa án cũng đã được từng bước tăng cường. Từ chỗ điều kiện phương tiện làm việc của Tòa án còn hết sức khó khăn, nhiều Tòa án còn đi thuê, mượn trụ sở hoặc trụ sở không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì nay hầu hết các Tòa án đã có trụ sở ổn định. Trong phạm vi kinh phí được cấp, Tòa án nhân dân tối cao đã đảm bảo chi đúng, chi đủ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của ngành, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tập trung kinh phí để thanh quyết toán cho các công trình đã hoàn thành và cấp cho các công trình chuyển tiếp (đã khởi công xây dựng hoặc đang được cải tạo, mở rộng). Đối với việc đầu tư xây dựng trụ sở mới, chỉ ưu tiên cho các Tòa án nhân dân cấp huyện mới được thành lập hoặc
phải di dời trụ sở làm việc theo quy hoạch của địa phương. Tiếp tục thực hiện Đề án trang bị phương tiện làm việc cho ngành Tòa án nhân dân giai đoạn 2008 – 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2011, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục đầu tư 70 tỷ đồng để trang bị máy vi tính; máy photocoppy,… cho các Tòa án để phục vụ yêu cầu công tác [17].
Có thể bạn quan tâm!
- Quan Điểm Nâng Cao Chất Lượng Áp Dụng Pháp Luật Trong Việc Giải Quyết Tranh Chấp Quyền Sử Dụng Đất Tại Tòa Án Nhân Dân
- Tăng Cường Công Tác Thanh Tra, Giám Sát, Kiểm Tra Hoạt Động Của Các Tòa Án Nhân Dân
- Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Của Các Cơ Quan, Tổ Chức Bổ Trợ Tư Pháp Nhằm Nâng Cao Chất Lượng Áp Dụng Pháp Luật
- Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân - 14
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Thực tế cho thấy, với kinh phí được cấp như hiện nay, các Tòa án phải hết sức tiết kiệm mới có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Thiết nghĩ mặc dù đã được Nhà nước quan tâm nhưng ngành Tòa án nhân dân vẫn còn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất cũng như phương tiện làm việc. Vì vậy, hoạt động áp dụng pháp luật trong xét xử cũng bị ảnh hưởng nhất định. Việc trang bị máy tính và nối mạng internet cho các Thẩm phán phục vụ việc tra cứu vẫn còn hạn chế. Việc lập hồ sơ, thống kê và lưu trữ các tài liệu văn bản về đất đai theo phương pháp thủ công nên không đáp ứng yêu cầu cập thông tin ngày càng đa dạng, phức tạp như hiện nay. Vì vậy, trong việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cần làm tốt những việc sau:
- Hiện đại hóa các phương tiện làm việc và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác của cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án nhân dân. Nhà nước cần có quy định cụ thể việc cấp phát tài liệu, văn bản pháp luật cho từng Thẩm phán, tiến tới trang bị cho Thẩm phán đủ các điều kiện về công nghệ thông tin, nối mạng internet và phần mềm lưu trữ văn bản pháp luật để cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật và thực hiện việc lưu trữ, cập nhật thông tin để áp dụng pháp luật được chính xác.
- Tăng cường cấp phát tài liệu, sách báo tạp chí chuyên ngành về khoa học pháp lý cho cán bộ, Thẩm phán, nhất là các tài liệu chuyên sâu về đất đai để cho họ vận dụng trong thực tiễn xét xử.
- Đầu tư xây dựng và từng bước hiện đại hóa trang thiết bị làm việc như
cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Thẩm phán, tạo ra sự trang nghiêm, tin tưởng vào công lý cho nhân dân khi đến tiếp xúc, làm việc.
Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, Nhà nước cũng cần chú trọng đến việc hoàn thiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án nhân dân. Trong mấy năm gần đây, Thẩm tra viên, Thẩm phán ngành Tòa án nhân dân cũng đã được Nhà nước quan tâm. Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký đã có thang bậc lương riêng, được hưởng phụ cấp trách nhiệm, thâm niên ngành và các phụ cấp khác song nhìn chung chế độ đối với cán bộ, Thẩm phán ngành Tòa án, vẫn còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy có nhiều cán bộ, Thẩm phán có năng lực, trình độ, có tư cách phẩm chất tốt nhưng do điều kiện khó khăn khi chỉ sống bằng đồng lương nên đã chuyển sang công tác ở ngành khác. Vì vậy, cần xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng để cán bộ, Thẩm phán yên tâm công tác, tránh được cám dỗ của cơ chế thị trường.
Tiểu kết chương 3
Để nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử nói chung và trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất nói riêng, thì sự quan tâm lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng. Đảng lãnh đạo, đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng chiến lược soạn thảo và ban hành luật, pháp lệnh Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Sự lãnh đạo của Đảng cũng đảm bảo việc ban hành thống nhất các quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ Thẩm phán đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thẩm nhân dân, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan bổ trợ tư pháp, tăng cường sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
Trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, Nhà nước và xã hội đòi hỏi ngành Tòa án nhân dân phát huy những ưu điểm đã đạt được đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các Tòa án, kịp thời phát hiện những yếu kém tồn tại để có biện pháp khắc phục. Xử lý nghiêm minh rò ràng những cán bộ, Thẩm phán vi phạm kỷ luật công tác, vi phạm đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác. Việc thực hiện các giải pháp nêu trên phải được tiến hành đồng bộ trong một thời gian dài, liên tục. Tuy nhiên, trong những giải pháp khắc phục hạn chế trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất thì nhóm giải pháp liên quan đến chủ thể áp dụng pháp luật là những giải pháp quan trọng nhất. Đó là giải pháp nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án nhân dân và Hội thẩm Tòa án nhân dân. Bên cạnh đó, giải pháp về hoàn thiện pháp luật liên quan đến đất đai cũng không kém phần quan trọng để các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và thống nhất.
KẾT LUẬN
Áp dụng pháp luật là một trong các hình thức thực hiện pháp luật nhưng là hình thức có tính đặc thù, bởi vì bao giờ chủ thể áp dụng pháp luật cũng là cá nhân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân cũng là một hình thức thể hiện của áp dụng pháp luật nói chung, nhưng có đặc thù khác với việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước khác. Tính đặc thù của áp dụng pháp luật trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất do tính đặc thù của pháp luật về đất đai và tranh chấp về đất đai quyết định. Mặt khác, việc áp dụng pháp luật diễn ra tại phiên tòa xét xử công khai, dân chủ với các thủ tục tố tụng đặc biệt riêng có của hoạt động xét xử do Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tiến hành là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân.
Trong những năm qua, việc áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất đã góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và Nhà nước. Tuy nhiên, một số bản án, quyết định của Tòa án nhân dân còn có những sai lầm như: Nội dung phán quyết không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Phần lớn nguyên nhân là do áp dụng sai quy phạm pháp luật. Việc tìm, lựa chọn và áp dụng sai quy phạm pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất là do rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là tình trạng thiếu hụt Thẩm phán kéo dài trong nhiều năm, trình độ năng lực chuyên môn nghề nghiệp của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân còn nhiều bất cập trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai chưa hoàn chỉnh, chưa được hướng dẫn thi hành kịp thời. Pháp luật về đất đai của Nhà nước ta thay đổi qua từng thời kỳ, để phù hợp với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, vì vậy cần phải có
đường lối chung và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng pháp luật trong từng giai đoạn lịch sử này.
Trong hoạt động xét xử của Tòa án, thì lực lượng áp dụng pháp luật chủ yếu là Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Vì vậy, việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới đang là yêu cầu chung của Đảng và Nhà nước đối với bộ máy nhà nước trong đó có Tòa án nhân dân. Để nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật vào giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất thì ngoài các Nghị định của chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Tòa án nhân dân tối cao cần có nghị quyết của hội đồng Thẩm phán hoặc thông tư liên ngành hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết tranh chấp về sử dụng đất. Ngành Tòa án nhân dân cần thực thi những giải pháp có hiệu quả cao, coi trọng công tác tổng kết rút kinh nghiệm về đường lối xét xử tranh chấp quyền sử dụng đất, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tiến hành xử lý kịp thời nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, trước tình hình tranh chấp quyền sử dụng đất ngày càng nhiều, tính chất phức tạp ngày càng tăng thì việc nghiên cứu vấn đề áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, tìm ra những nguyên nhân của việc áp dụng sai pháp luật trong việc xét xử tranh chấp quyền sử dụng đất, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử phục vụ công cuộc cải cách tư pháp là vấn đề mang tính thời sự cả về lý luận và thực tiễn. Những giải pháp mà tác giả luận văn đưa ra có thể chưa được toàn diện, nhưng có ý nghĩa về lý luận cũng như thực tiễn. Thực hiện tốt những giải pháp cơ bản đó sẽ nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong xét xử tranh chấp quyền sử dụng đất ngày càng chính xác, càng đúng pháp luật thì càng giảm thiểu, tiến tới chấm dứt trình trạng án oan sai, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và mọi công dân.