Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa - 2


Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Luận văn nghiên cứu một số đặc điểm văn hóa truyền thống và tác động của văn hóa truyền thống của đồng bào Hmông, Dao ở hai địa bàn thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Đây là hai địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen và cộng đồng người Dao đỏ, cũng là các điểm du lịch đã được khai thác sớm ở Sa Pa.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.

Trên cơ sở câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết đã được đưa ra, chúng tôi chọn phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học với các nghiên cứu trường hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận văn. Để thu thập thông tin chúng tôi kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính và phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp (thao tác) cùng với các cuộc quan sát tham dự vào hoạt động của người dân tại thị trấn Sa Pa và hai địa bàn nghiên cứu chính là thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn. Trong các hoạt động nghiên cứu trên, điền dã dân tộc học, quan sát tham dự là phương pháp nghiên cứu đặc trưng của ngành Dân tộc học/Nhân học, có tầm quan trọng hàng đầu trong việc khảo sát thu thập dữ liệu cho luận văn này.

Để chọn điểm nghiên cứu cho đề tài, chúng tôi đã tiến hành các cuộc khảo sát địa bàn. Đợt khảo sát thứ nhất từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 8 năm 2015, chúng tôi khảo sát thôn Cát Cát, một trong những điểm du lịch rất sôi động ở tuyến bản và là địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen. Cự ly từ thị trấn xuống Cát Cát khoảng 2,5 km, du khách có thể đi bộ tham quan trong thời gian là hai giờ đồng hồ, nhưng việc lưu trú của du khách hầu như không diễn ra. Vì thế chúng tôi không chọn Cát Cát là điểm nghiên cứu của đề tài. Đợt khảo sát thứ hai bắt đầu từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm 2015, chúng tôi khảo sát thôn Lý, xã Lao Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 6 km, bởi Lao Chải là địa bàn nằm trên tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van khá


phát triển của huyện Sa Pa. Đây cũng là địa bàn sinh sống của người Hmông đen, xa thị trấn, du khách có lưu trú tại bản qua đêm. Điểm này đã đáp ứng được yêu cầu đối với nhóm cộng đồng thứ nhất của luận văn. Nhóm thứ hai chúng tôi muốn nghiên cứu là cộng đồng người Dao đỏ. Ban đầu, xã Tả Van là điểm mà chúng tôi quan tâm, vì Tả Van cách thị trấn Sa Pa 10 km và cũng nằm trong tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van. Tả Van cũng là nơi có cộng đồng người Dao đỏ sinh sống. Nhưng qua cuộc khảo sát của chúng tôi thì ở Tả Van hoạt động du lịch khá phát triển nhưng chủ yếu là do đồng bào người Giáy đảm nhận. Cũng trong thời gian này chúng tôi khảo sát tuyến du lịch Sa Pa - Tả Phìn. Tả Phìn là địa bàn sinh sống của nhiều nhóm dân tộc, trong đó người Hmông và người Dao chiếm đa số, là địa bàn du lịch rất phát triển, cách thị trấn Sa Pa 12 km về phía Lào Cai. Tại đây, hoạt động du lịch diễn ra gắn với đa số người Dao đỏ. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại thôn Sả Xéng, một thôn nằm ở vị trí trung tâm của xã và cũng là địa bàn thứ hai chúng tôi chọn điểm nghiên cứu.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

Luận văn cung cấp một miêu tả dân tộc học chi tiết có tính phân tích về các tác động từ hoạt động du lịch tới văn hóa truyền thống qua các khía cạnh như kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và nhận thức… của cộng đồng tộc người Hmông, Dao và tâm thế ứng xử của cộng đồng tộc người Hmông, Dao trước những tác động của hoạt động du lịch mang lại.

Luận văn còn có ý nghĩa làm cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý và quy hoạch du lịch của Sa Pa trong chiến lược bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người thiểu số mà ở đây là hai nhóm cộng đồng tộc người Hmông, Dao; đồng thời cũng là tài liệu hữu ích cho các công ty du lịch tham khảo trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch của mình mà không làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa tộc người ở Sa Pa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.


7. Cơ cấu của luận văn

Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa - 2

Ngoài phần dẫn nhập, luận văn gồm có ba chương với nội dung cụ thể như sau:

Chương 1. Một số vấn đề lí luận và vài nét về hai tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tại Sa Pa. Chương này bàn luận về một số khái niệm liên quan có tính cơ sở cho việc nghiên cứu. Đồng thời, chúng tôi phân tích những tác động của du lịch trên các bình diện văn hóa truyền thống như văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần.

Chương 2. Thực trạng khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Chương này phân tích một số phương thức khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Hmông, Dao trong chu trình tạo sản phẩm du lịch, thực trạng khai thác văn hóa hai tộc người này trong khai thác du lịch cùng những trải nghiệm của du khách. Mục tiêu của chương này là từng bước tìm hiểu văn hóa truyền thống của hai tộc người tại điểm nghiên cứu biến đổi do những nguyên nhân nào, từ đó xác định được tác động của văn hóa truyền thống tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa.

Chương 3. Bàn luận về hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa trên hai địa bàn nghiên cứu. Chương này phân tích những ý kiến của các chuyên gia, các nhà tổ chức du lịch để tìm hiểu ứng xử của các nhà tổ chức và chuyên gia tư vấn về du lịch với văn hóa truyền thống. Mặt khác, chúng tôi tìm hiểu thế ứng xử của hai cộng đồng cư dân tại điểm nghiên cứu về những thay đổi do hoạt động du lịch.


CHƯƠNG 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ VÀI NÉT VỀ TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI SA PA

1.1. Các khái niệm

Với mục đích tập trung nghiên cứu hoạt động du lịch có những tác động nào tới văn hóa truyền thống của cộng đồng Hmông, Dao và cộng đồng tộc người Hmông, Dao ứng xử với hoạt động du lịch ra sao khi hoạt động này ngày càng phát triển ở Sa Pa; chúng tôi đề cập đến những khái niệm liên quan đến nội dung luận văn làm cơ sở phân tích của luận văn.

- Văn hóa tộc người:

Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nhà dân tộc học, văn hóa học thì: văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc thù tộc người, nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người này với tộc người kia. Trong văn hóa tộc người, các yếu tố đầu tiên được nhận diện là ngôn ngữ, trang phục, các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn học dân gian, tri thức dân gian về tự nhiên xã hội, về bản thân con người và tri thức sản xuất, khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc…[38].

Theo định nghĩa này thì văn hóa tộc người được hiểu bao gồm các giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần.

- Du lịch:

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định [22, tr.9]. Trong luận văn này, chúng tôi tìm hiểu chuyến đi của khách du lịch thông qua chương trình du lịch Hà Nội - Sa Pa.

- Kinh doanh du lịch:

Là kinh doanh dịch vụ, bao gồm các ngành, nghề sau đây [22, tr37]:


1. Kinh doanh lữ hành;

2. Kinh doanh lưu trú du lịch;

3. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch;

4. Kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch;

5. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác.

Ở trong luận văn này, chúng tôi khai thác khía cạnh kinh doanh lữ hành để làm cơ sở nghiên cứu của luận văn.

- Lữ hành:

Lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch [22, tr10].

- Doanh nghiệp lữ hành:

Doanh nghiệp lữ hành là một loại hình doanh nghiệp du lịch, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất, bán và thực hiện các chương trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Ngoài ra doanh nghiệp lữ hành còn có thể tiến hành các hoạt động trung gian bán sản phẩm của các nhà cung cấp du lịch hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác phục vụ các nhu cầu du lịch của khách từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng [13, tr.45]. Doanh nghiệp lữ hành có hai hình thức kinh doanh: Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa (doanh nghiệp này không được phép kinh doanh lữ hành quốc tế được qui định tại điểm 2, khoản 3, điều 43, Luật Du lịch 2005). Và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được phép kinh doanh lữ hành nội địa, được quy định tại khoản 3, điều 43, Luật Du lịch, 2005) [22,tr.40].

- Hoạt động kinh doanh lữ hành:

Hoạt động kinh doanh lữ hành được hiểu theo nghĩa rộng: Hoạt động kinh doanh lữ hành được hiểu là doanh nghiệp đầu tư để thực hiện một hoặc một số hoặc tất cả các công việc trong quá trình tạo ra và chuyển giao sản


phẩm từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng du lịch với mục đích hưởng hoa hồng hoặc lợi nhuận. Kinh doanh lữ hành có thể hiểu là kinh doanh một hoặc nhiều hơn một hay tất cả các dịch vụ và hàng hóa thỏa mãn hầu hết các nhu cầu thiết yếu, đặc trưng và các nhu cầu khác của khách du lịch.

Theo nghĩa hẹp của lữ hành: kinh doanh lữ hành là hoạt động tổ chức các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi [13,tr.30].

- Nhân học du lịch:

Trên thế giới cho đến năm 1970, một số nhà nhân học đã có quan tâm tới hoạt động du lịch. Du lịch gắn liền với nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong ngành nhân học. Về mặt nhận thức, các chủ đề chính mà các nhà nhân học đã thực hiện trong nghiên cứu du lịch được chia làm hai hướng nghiên cứu: một hướng tìm hiểu về nguồn gốc của du lịch và một hướng tiếp cận những tác động của du lịch (khách du lịch và cộng đồng địa phương).

Nhu cầu đi du lịch của con người là một nhu cầu thiết yếu. Con người biết tổ chức các chuyến đi với những hình thức khác nhau, đến với những nơi có cảnh đẹp cùng với các địa danh di tích lịch sử văn hóa khác với nơi mình sinh sống. Du lịch được coi là một hiện tượng văn hóa - xã hội và kinh tế. Du lịch lúc đầu là một chuyến đi công tác của các nhà lãnh đạo đến làm việc, sau đó nó phát triển gắn liền với các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca của các tín đồ Hồi giáo… dần dần nảy sinh nhu cầu nghiên cứu hành vi của khách du lịch thông qua những chuyến đi của họ.

Theo tác giả Theron Nunez, 1963 khi ông nghiên cứu “du lịch, truyền thống và tiếp biến văn hóa tại một ngôi làng ở Mexico” ông nghiên cứu mối tiếp xúc nông thôn, thành thị và tiếp biến văn hóa và ông cho rằng các du khách thành thị có thể được cho là đại diện cho một nền văn hóa “cho đi” trong khi cộng đồng địa phương lại có thể coi là nền văn hóa “tiếp nhận”. [17, tr.1].


Từ những phân tích trên, trong khuôn khổ luận văn này nhân học du lịch là nghiên cứu về con người trong hoạt động du lịch, đối tượng nghiên cứu của nhân học du lịch là khách du lịch (đại diện cho nền văn hóa mới) và cộng đồng địa phương (văn hóa truyền thống ) nơi diễn ra hoạt động du lịch.

1.2. Tộc người Hmông, Dao từ góc nhìn nhân học du lịch

1.2.1. Tổng quan về Sa Pa và địa bàn nghiên cứu

Sa Pa là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 38 km về phía Tây Nam, cách Hà Nội gần 300 km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội lên Sa Pa, nếu đi đường bộ, du khách có thể đi ôtô theo tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mất khoảng 4 giờ đồng hồ, sau đó tiếp tục đi thêm khoảng một giờ đồng hồ nữa là tới thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa. Nếu đi bằng đường sắt, du khách đi từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) tới ga Lào Cai khoảng 10 giờ đồng hồ, sau đó đi xe ôtô thêm khoảng một giờ đồng hồ thì tới Sa Pa.

Tổng dân số của huyện Sa Pa là 52.899 người (năm 2009). Huyện Sa Pa có 7 tộc người sinh sống, trong đó người Hmông 51.65%, Dao 23.04%, Kinh 17.91%, Tày 4.74%, Giáy 1.36%, Xá Phó (Phù Lá) 1.06%, Hoa và các tộc người khác 0,23%[ 6]; người Kinh chủ yếu sống ở thị trấn và làm dịch vụ kinh doanh du lịch và thương mại. Các nhóm tộc người thiểu số như Hmông, Dao chủ yếu làm nghề nông nghiệp và sống ở những xã nghèo của huyện Sa Pa, kể từ khi có hoạt động du lịch ở Sa Pa thì một số nhóm người tham gia hoạt động bán hàng và làm các dịch khác phục vụ khách du lịch tại thị trấn và các tuyến du lịch...

Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m. Thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1500 đến 1800 m so với mực nước biển, nên khí hậu ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình từ 150 C đến 180 C. Từ tháng 5 đến tháng 8 mưa nhiều.


Đơn vị hành chính của huyện Sa Pa có 17 xã, một thị trấn, đa phần các xã hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, một số xã phát triển về du lịch như: San Sả Hồ, Thanh Kim, Thanh Phú, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn. Hiện nay huyện Sa Pa đang triển khai kế hoạch xây dựng và nâng cấp tuyến du lịch liên xã để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Xã Tả Phìn là một xã thuộc khu vực III miền núi của huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn huyện 12 km. Xã có 6 thôn, tổng diện tích đất tự nhiên là 2178 ha, với 601 hộ gia đình và 3043 nhân khẩu, trong đó nam giới 1507 khẩu (chiếm 49,52%), nữ 1536 khẩu (chiếm 50,48%). Số người Hmông có 332 hộ (55,2%);

Dao có 219 hộ (35,44%); Giáy 01 hộ (0,17%); Tày 02 hộ (0,33%); Kinh 47 hộ (7,82%)[36]. Trong 06 thôn thì có 03 thôn của người Dao (Thôn Sả Xéng, Tả Chải và Lủ Khấu), thôn Sả Xéng là thôn trung tâm của xã và cũng là nơi diễn ra hoạt động du lịch chính của xã Tả Phìn.

Xã Lao Chải là xã nằm ở phía Đông Nam và cách huyện lỵ Sa Pa khoảng 7km, với số dân đa số là người Hmông, phân bố ở các thôn Lý, thôn Hàng, thôn San 1, San 2, thôn Lồ. Tên gọi của các thôn ở đây gắn với tên của dòng họ có vai trò trong việc lập thôn. Toàn xã có 631 hộ và 3919 nhân khẩu. Thôn Lý có 175 hộ (người Hmông có 158 hộ chiếm 90,3%; người Kinh 17 hộ chiếm 9,7%), thôn Lý dòng họ chiếm số đông là họ Lý, ngoài ra còn có một số người dòng họ khác. Nguồn thu nhập chủ yếu của thôn là làm nông nghiệp và tham gia hoạt động du lịch.[34]

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/08/2023