Ý thức phái tính trong thơ nữ Việt Nam đương đại - 6

“Em giải phóng em trong thế giới tâm hồn

Hỡi những người phụ nữ, hãy yêu và sống đến cùng như mình muốn”

(Yêu cùng George Sand – Vi Thùy Linh)

Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Hạnh phúc là đấu tranh. Những dòng thơ trên như khẩu hiệu mạnh mẽ báo hiệu những cuộc cách mạng sắp bùng nổ:

“Thay đổi thời đại với những cuộc tình đảo lộn xã hội

Bạo liệt bước vào lịch sử với nữ tính tột cùng, nàng quyết liệt cất lên giọng nữ mạnh mẽ, thoát khỏi thế giới phụ nữ lặng thinh

Làm cách mạng bằng sự đa tình táo bạo, người nghệ sĩ dũng cảm phản kháng lại thời đại của mình tạo trào lưu, dấu ấn”

(Yêu cùng George Sand – Vi Thùy Linh)

Những người phụ nữ đã và đang dùng chính “nữ tính tột cùng”, “giọng nữ mạnh mẽ” của mình để thoát khỏi “thế giới phụ nữ lặng thinh”, thoát khỏi cuộc sống bị kìm kẹp bấy lâu. Chính họ sẽ “thay đổi thời đại”. Phụ nữ sẽ:

“Cự tuyệt vai trò phái yếu…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 71 trang tài liệu này.

Khăng khăng cực đoan sống cho hết sống”

(Hồng hồng tuyết tuyết – Vi Thùy Linh)

Ý thức phái tính trong thơ nữ Việt Nam đương đại - 6

Phụ nữ quyết tâm vùng lên, không tiếp tục chấp nhận số phận “phái yếu”, mạnh mẽ đưa cuộc đời bước sang trang mới. Ở trang sử mới, phụ nữ sẽ được sống là chính mình, mạnh mẽ, hăng say tận hiến và tận hưởng.

Khát khao bình quyền hiện lên ở mong muốn vợ chồng bình đẳng, người chồng sẻ chia những vất vả với vợ, cùng vợ chăm sóc gia đình:

“Đàn bà sinh ra không phải chỉ để nấu cơm

Không phải chỉ để quét nhà và giặt đồ giống như cái máy Đàn bà không phải chỉ biết cắm mặt làm mọi việc

Để cho đàn ông thảnh thơi bay nhảy

Không cần biết đàn bà một ngày vất vả ra sao”

(Đàn bà là để yêu thương – Phạm Thị Ngọc Thanh)

Đàn bà đâu phải sinh ra để nấu cơm, rửa bát, quét nhà… Những công việc đó là việc chung của mọi người. Phụ nữ cũng có cuộc đời riêng với bao công việc, mơ ước

cần thực hiện nhưng rồi vì gia đình, chồng con họ đã phải gác lại những thú vui riêng, tạm quên đi ước mơ. Nhiều người đàn ông quan niệm lấy vợ để sinh con, làm việc nhà. Tất nhiên vợ sẽ làm những việc ấy, nhưng quan niệm như thế là sai lầm. Lấy vợ là để yêu thương, hai người cùng chung sống, quan tâm, san sẻ, cùng nhau đắp xây hạnh phúc. Đó mới là hôn nhân đúng nghĩa, là điều mà phụ nữ luôn khát khao:

“Thế nên đàn bà sinh ra không phải để thực hiện chức năng gây mê Mà để cùng đàn ông xây ngôi nhà hạnh phúc

Không phải chỉ đàn ông mới có thể làm những công việc lớn Cũng không phải chỉ đàn ông mới biết kiếm tiền

Thế nên các quý ông hãy yêu thương người đàn bà của mình trước tiên”

(Đàn bà là để yêu thương – Phạm Thị Ngọc Thanh)

Thật sự, đàn ông cần biết yêu phụ nữ hơn, người chồng hãy “yêu thương người đàn bà của mình trước tiên”. Yêu thương phải được thể hiện bằng hành động, người chồng có thể giúp vợ bằng cách san sẻ việc nhà:

“Anh rảnh thì giúp em nhặt rau

Quần áo em phơi

Nếu em không có nhà mà trời đổ mưa bay Anh hãy cất đi ngay

Anh tắt tivi đi giúp em dẹp gọn gàng”

(Chồng nhé – Lai Ka)

Việc nhà thực ra rất đơn giản. Nhưng nếu người vợ phải một mình lo toan tất cả thì những công việc tưởng như nhỏ bé ấy bỗng biến thành nỗi vất vả, nhọc nhằn. Những người vợ nhiều khi chẳng ước mong chồng giành cho mình điều gì to lớn, chỉ mong các quý ông giành chút thời gian cho gia đình, giúp vợ làm vài việc vặt: nhặt rau, cất quần áo… Hạnh phúc được tạo nên từ những điều rất nhỏ. Các ông chồng hãy quan tâm đến vợ nhiều hơn. Đặc biệt, khi vợ mang thai – thời điểm cơ thể và tâm lí người phụ nữ biến đổi rất nhiều: Ốm nghén, mất ngủ, đau lưng, hay cáu giận…là

những biểu hiện thường xuyên của các bà bầu. Đây là lúc người phụ nữ cần được yêu thương, chăm sóc hơn bao giờ hết:

“Anh không mang thai được Khiến em cực một mình

Nên từ giờ anh quyết Mang bầu cùng vợ anh”

(Anh bầu cùng vợ anh – Lai Ka)

Có nhiều người vợ lúc mang thai vì áp lực, căng thẳng quá mà dẫn đến trầm cảm, vậy nên sự quan tâm chăm sóc từ những người xung quanh và nhất là người chồng là vô cùng quan trọng. Mỗi lần mang bầu, sinh con là mỗi lần cơ thể người phụ nữ bị tàn phá, sức khỏe suy giảm. Người chồng cần ở bên, giúp vợ vượt qua những khó khăn.

Khát khao bình đẳng bình quyền về giới là khát khao chính đáng, xuất phát từ hiện thực đời sống của phụ nữ. Ngày nay nam nữ đã bình đẳng hơn, nhưng đâu đó vẫn còn những người đàn ông vô tâm, vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Các nữ sĩ đã và đang góp sức vào cuộc đấu tranh đầy cam go để mang lại quyền bình đẳng cho giới nữ.

Chương 3

Ý THỨC PHÁI TÍNH TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGHỆ THUẬT‌

3.1. Thể thơ

Thể thơ là yếu tố đầu tiên về mặt hình thức mà cả người đọc và người viết đều quan tâm khi tìm đến một bài thơ. Trong loại hình thơ ca nói chung có nhiều thể thơ khác nhau được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau. Ở mỗi một thời đại lại có một thể thơ được ưa chuộng riêng. Có thể nói rằng, thơ nữ đương đại là mảnh đất cho sự tung hoành của thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Các nữ sĩ đã thể hiện ý thức phái tính của mình chủ yếu ở hai thể thơ này.

Thơ tự do không tuân theo bất cứ một quy tắc nào về vần, nhịp, số câu, số chữ. “Thơ tự do không đóng cửa, giam mình trong những luật tắc an toàn giam giữ ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, tư duy thơ, hành động thơ, mà không ngớt mở rộng, đào sâu bởi điều nó bắt gặp có thể chỉ là cái tạm thời, bởi điều nó tìm kiếm có thể hãy còn hứa hẹn… Dường như thơ tự do đã có từ lâu mà không được gọi tên, ngày nay nó đã là tiếng thơ toàn cầu và không ai buồn gọi tên nó nữa: đơn giản thơ tự do là thơ” [12, 8]. Từ Vi Thùy Linh, Ngô Thị Hạnh, Phạm Thị Ngọc Thanh, Bình Nguyên Trang, cho đến tác giả trẻ tuổi nhất là Lai Ka, các tập thơ của họ mà chúng tôi khảo sát có phần nhiều các bài thơ được viết bằng thể thơ tự do. Thơ tự do có đặc trưng là không hạn định về số câu số chữ nên các nhà thơ thoải mái để cảm xúc của mình tuôn trào, bao khát khao cứ theo câu từ mà lan tỏa. Có thể bắt gặp một khát khao yêu hiện lên qua những câu thơ dài ngắn sau đây:

“Về đi anh!

Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh

Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng

Ngày nối ngày bằng hy vọng Em là người dệt tầm gai…”

(Người dệt tầm gai – Vi Thùy Linh)

Chẳng có một giới hạn nào trong câu chữ bởi lẽ đâu có giới hạn nào trong tình yêu. Tình yêu có sức mạnh vượt qua giới hạn của không gian, thời gian. Khi yêu, phụ nữ có thể vượt qua chính mình để được yêu, được hiến dâng mãi mãi. Thể thơ tự do đã góp phần thể hiện điều đó.

Các nữ sĩ dùng thể thơ tự do để diễn tả cả những vấn đề tế nhị nhất:

“Khu vườn ắng lại, chỉ còn Anh và em Khởi đầu phận sự thiêng liêng

Những cặp chân khóa chặt nhau khước từ chân lý!”

(Anh sẽ ru em ngủ - Vi Thùy Linh)

Hai người đang yêu ở bên nhau sẽ nảy sinh mong muốn giao hòa. Những câu thơ tự do tạo nên một không gian tình tự riêng tư, khiến cặp đôi như đang bay theo dòng cảm xúc. Câu thơ vắt dòng gợi liên tưởng về sự quấn quýt, yêu đương. “Anh và em” đang cùng nhau hưởng thụ ái tình.

Ngay việc thể hiện khát khao làm vợ, làm mẹ, thể thơ tự do cũng thật là phù

hợp:


“Trong trái tim mẹ từng ngày Mầm cây run rẩy lớn

Những cú đạp của con Như lời thì thầm sông suối Mẹ đã nghe

Và mẹ lo âu”

(Viết ngày con chưa chào đời – Bình Nguyên Trang)

Những câu thơ tràn ra, diễn tả trọn vẹn cảm xúc tuôn trào của người mẹ, mừng

vui khi cảm nhận kết quả tình yêu ngọt ngào đang từng ngày lớn lên trong cơ thể mình. Đoạn thơ trên có sáu dòng thơ nhưng chỉ có ba câu thơ. Đó là lối vắt dòng được sử dụng nhiều trong cách viết của các nữ sĩ, góp phần thể hiện dòng chảy của cảm xúc.

Đối với khát khao bình đẳng, bình quyền, khát khao người phụ nữ có được tự do, tôn trọng; thể thơ tự do một lần nữa phát huy được giá trị tiềm tàng. Hình thức hòa cùng với nội dung tạo nên tiếng nói lớn, tiếng nói nữ quyền:

“Cự tuyệt vai trò thứ yếu

Không thỏa hiệp sống tẻ nhạt

Khăng khăng cực đoan sống cho hết sống”

(Hồng hồng tuyết tuyết – Vi Thùy Linh)

Cùng với thể thơ tự do góp phần vào việc thể hiện những khao khao đầy nữ tính là thể thơ văn xuôi. “Đó là một thuật ngữ du nhập từ phương Tây, nó bắt nguồn từ những câu thơ như thác nước tuôn dài mãnh liệt, những câu thơ như những con sóng biển từ đại dương cuộn xô vào bờ biển, những câu thơ đồ sộ kiểu Whitman hay những câu thơ tuôn trào cảm xúc triết học kiểu Tagor, và thường nó được trình bày dưới hình thức văn xuôi, chỉ xuống dòng sau khi đã tạo ra chiết đoạn, chứ không xuống dòng theo hình thức thơ có vần hoặc không vần” (Nguyễn Trọng Tạo). Các nữ sĩ đôi khi sử dụng kết hợp giữa thơ tự do và thơ văn xuôi giúp thể hiện sâu sắc hơn những tư tưởng, khát vọng. Thơ văn xuôi ít khoảng trống hơn thơ tự do, thể hiện nhiều điều một cách cụ thể trên bề mặt câu chữ hơn so với những thể thơ khác. Điều này xuất hiện nhiều trong thơ Vi Thùy Linh:

“… Giấc mơ ngọt ngào của mùi choàng lên đôi ta Lys trắng như ngực nàng mềm mại lá mùi mềm mại mùi hổ phách khi Anh đổ xuống xạ hương ấm áp muôn mùi tươi mát quý phái bao bọc đại tiệc nắng của đêm kiêu sa rung thớ thớ gỗ đàn hương quyến rũ thịt da ngái ngủ những cánh tay chuyển động bất ngờ theo vòng đua thân thể và đôi mắt Anh đã kịp thắp trong mắt em ánh sáng diệu kì thoát thai nhẹ bẫng”

(Valentine – Vi Thùy Linh)

Đọc đoạn thơ trên ta có cảm giác nghẹn thở bởi cả đoạn chỉ là một câu không chấm phẩy, không xuống dòng. Vi Thùy Linh sáng tạo khi viết ra những dòng thơ như thế. Hình thức thơ ấy như vượt ra ngoài phạm vi của thơ văn xuôi, thuộc một

phạm trù mới mà chúng ta chưa phát hiện ra. Với cách viết đó, tác giả muốn thể hiện một hơi dài cảm xúc, một mạch tình cảm mãnh liệt mà không có bất cứ điều gì cản trở, ngay cả việc xuống dòng.

Như vậy, với việc sử dụng thể thơ tự do và thơ văn xuôi (nhất là thơ tự do), các nữ sĩ đã khiến những khát khao được thể hiện rò ràng, cụ thể hơn. Hai thể thơ này rất phù hợp để các thi sĩ thể hiện được sự sáng tạo không giới hạn của bản thân. Đây là một hình thức lí tưởng cho những cảm xúc dạt dào, những khát khao không bến bờ, ham muốn không biên giới.

3.2. Hình ảnh

Hình ảnh thơ, theo khái niệm của lí luận văn học là hình hài, hình dáng của đối tượng nào đó được phản chiếu vào trong trí tưởng tượng của bạn đọc thông qua hình thức ngôn từ, là sản phẩm của việc lựa chọn, sáng tạo của nhà thơ. Hình ảnh thơ mang nhiều ý nghĩa, tạo không gian cho nhân vật trữ tình xuất hiện, chứa đựng cả không khí và tinh thần thời đại, thể hiện sự sáng tạo của tác giả… Mỗi thời đại lại có sự xuất hiện của những hình ảnh đặc sắc riêng, mỗi nhà thơ cũng có sự sáng tạo riêng.

Qua khảo sát, chúng tôi thấy gắn với những khát khao trong thơ là hệ thống hình ảnh về tình yêu, hình ảnh thân thể, hình ảnh về gia đình. Những hình ảnh ấy bao gồm hình ảnh chân thực và hình ảnh được sáng tạo bởi các tác giả. Trong cuốn album những hình ảnh ấy, hiện lên trước hết là những hình ảnh chân thực nhưng cũng đầy lãng mạn về tình yêu. Trong đó, những hình ảnh được sử dụng nhiều hơn cả là hình ảnh của “bàn tay”, “trái tim”, “đôi mắt”. Hình ảnh về tình yêu được tạo nên với nhiều sắc thái, góc độ khác nhau. Tất cả đều hướng đến những cảm xúc nồng nàn, khao khát nồng cháy của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Trong thơ Vi Thùy Linh có “Bàn tay em buông như khuôn nhạc câm” [10, 37], “Em yên trong tay anh gối đầu lên ngực” [11, 116]. Phạm Thị Ngọc Thanh đưa vào thơ mình hình ảnh “trái tim khô”, “hai nửa trái tim buồn”, “trái tim yêu”. Bình Nguyên Trang khao khát một “vòng tay ôm níu tháng năm trở về” [16, 30]. Lai Ka “khao khát nhường nào một vòng tay ấm áp” [5, 27].

Một tình yêu chân thành phải xuất phát từ những rung động của trái tim. Chính vì thế mà hình ảnh “trái tim” với nhiều sắc thái đã xuất hiện trong thơ tình. “Trái tim yêu” mà chẳng được yêu sẽ trở thành “trái tim khô” (Phạm Thị Ngọc Thanh), “trái tim hẽo rũ” (Lai Ka). Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, con người thường thể hiện tình cảm của mình qua ánh mắt. Các thi sĩ rất tinh tế khi dùng hình ảnh đôi mắt để thể hiện tình yêu. Nếu đôi mắt ngầm thể hiện những cảm xúc thuộc về con tim thì đôi tay thể hiện hành động, là hiện thân của lí trí, của những việc làm cụ thể minh chứng cho tình yêu. Một sự kết hợp thật hài hòa. Tình yêu có sự kết hợp giữa con tim và lí trí, rung động và hành động là một tình yêu chân thật, đáng mơ ước.

Lật dở từng trang thơ, album ảnh không chịu nằm im trên câu chữ, cựa mình bật tung trong gió ngàn, bay lên là những hình ảnh về thân thể. Hình ảnh về thân thể gắn với những hành động yêu đương, khát khao thân xác xuất hiện nhiều trong thơ Vi Thùy Linh. Đó là hình ảnh của “đôi môi”:

“Những đôi môi cuống quýt vội vã nồng nàn đau đớn

Những đôi môi ngậm tiếng thở gấp gáp, dặt dìu mộng du trong đêm”

(Song mã – Vi Thùy Linh) Hình ảnh của “cái lưỡi”:

“Cái lưỡi mềm của anh nơi gan bàn chân em”

(Sinh ngày 4 tháng 4 – Vi Thùy Linh)

“Hai cái lưỡi hồng thơm (như vừa được sinh ra) vươn trong khoang miệng

(Song mã – Vi Thùy Linh)

Hình ảnh “đôi môi” “cái lưỡi” khiến ta liên tưởng đến những nụ hôn. Đó thực sự là sự giao hòa về mặt thể xác, thể hiện khát khao tính dục mãnh liệt của nữ sĩ.

Hình ảnh của “ngực trắng khép nép”, “bầu vú cô đơn”, của “da thịt dậy tình làm rơi xiêm áo”… gợi lên những tưởng tượng về hành vi tính dục, sự giao hòa thân xác. Hình ảnh thơ rất thực nhưng tạo ra những ảo giác trong tâm trí bất kì ai đặt hồn mình vào đó. Những tính từ “khép nép”, “cô đơn”, “dậy tình” đi cùng với những danh

Xem tất cả 71 trang.

Ngày đăng: 07/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí