Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 19

chẳng thấy đâu”. Bài thơ khép lại nhưng bạn đọc vẫn không hề thấy nhân vật trữ tình bày tỏ một thái độ, cảm xúc nào.

Có thể khẳng định rằng, thơ nữ đương đại đã thoát khỏi sự cũ mòn và tạo được cho mình những giọng điệu riêng biệt của thế hệ mình. Đó là những hợp âm đa thanh được cất lên từ những rung động của trái tim người phụ nữ trong hoàn cảnh mới, giai đoạn mới. Đó là giai đoạn người phụ nữ muốn khẳng định cái tôi riêng, chất giọng riêng đầy bản lĩnh của họ. Những tiếng nói riêng ấy chính là sự ý thức sâu sắc về bản thân, về phái giới. Bằng “giọng điệu đa thanh”, người phụ nữ muốn được chứng minh, được tạo lập một vị trí mới cho thơ nữ và cho bản thân giới nữ.

4.3. NGÔN NGỮ

Ngôn ngữ trong văn học là công cụ, chất liệu cơ bản của văn học. Goorki đã khẳng định: “Ngôn từ văn học là ngôn từ của tác phẩm văn học, của thế giới nghệ thuật, là kết quả sáng tạo của nhà văn. Đó là ngôn ngữ giàu tính hình tượng và giàu sức biểu hiện nhất, được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mĩ đến người đọc” [123; 185]. Ngôn từ muốn trở thành ngôn từ nghệ thuật phải cần đến sự tác động của tác giả qua cá tính sáng tạo của người viết.

4.3.1. Ngôn ngữ mang đậm thiên tính nữ

Bakhtin cho rằng, người nghệ sĩ không chỉ sử dụng ngôn ngữ mà còn “khắc phục ngôn ngữ như là ngôn ngữ để biến nó thành phương tiện biểu hiện nghệ thuật” [170; 368]. Các nhà thơ nữ đương đại cũng từng bước chối bỏ “sự bắt chước hiện thực nhân danh những quy luật tự trị của nghệ thuật” (M.Kundera) bằng xu hướng “nữ tính hóa” ngôn ngữ. Từ sự trỗi dậy của ý thức nữ quyền có thể thấy, thế giới được miêu tả qua ngôn ngữ của người phụ nữ trong thơ nữ giai đoạn này cũng thấm đẫm tư duy nữ giới.

Theo tinh thần của chủ nghĩa giải cấu trúc, những gì ngoài văn bản như tác giả, hoàn cảnh, thời điểm ra đời của tác phẩm đều bị tách bỏ, chỉ có văn bản tác phẩm là trung tâm. Mọi phân tích và cắt nghĩa đều xuất phát từ văn bản tác phẩm. Nếu áp dụng phương pháp phân tích của chủ nghĩa giải cấu trúc vào thơ nữ giai

đoạn từ sau 1986 đến nay, bạn đọc vẫn dễ chứng tỏ tác giả là nữ giới qua những dấu hiệu nhận biết từ văn bản thơ. Đó là việc sử dụng đại từ nhân xưng chủ yếu trong thơ là “em”, “người đàn bà”, “cô gái”, xưng tên... Ngoài ra, có thể xác định chủ thể trữ tình là người đàn bà thông qua những từ ngữ mà nhà thơ thường nhắc đến là phòng ngủ, giường, chiếu, đệm, bình hoa, nước hoa… và những hoạt động của người phụ nữ như thoa kem, cuốn tóc, soi gương… trong những căn phòng vừa chật hẹp vừa gợi những khát khao của đời sống bản năng giới.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ, hình ảnh thơ còn được “nữ hóa” bằng cách so sánh sự vật, hiện tượng với thân thể người phụ nữ, với những gì thân thuộc với đời sống của người phụ nữ. Người phụ nữ trở thành mẫu số để quy chiếu, đối sánh: “- Biển hững hờ như trái tim em/ Môi ngon sẵn lời từ chối…/ Biển tham vọng như trái tim em/ Soi hoài không thấy đáy” (Trăm ngò biển, Phạm Thị Ngọc Liên)…

Phan Huyền Thư lại phát hiện ra những phẩm chất thuộc về nữ tính của mảnh đất cố đô Huế. Nhà thơ hình dung thuộc tính nữ bao phủ Huế từ văn hóa qua điệu Nam Ai: “Khúc Nam Ai những cung phi góa bụa/ chèo thuyền vớt xác mình trên sông”; qua nhịp sống của con người: “Huế như nàng tiên câm/ khóc thầm không nói” và qua vị trí địa lí: “Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ/ lại sợ chạm vào nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt Nam” (Huế). Tương tự, Vi Thùy Linh cũng hình dung chiều dài đất nước như: “Tiếng đàn một dây/ ngả dọc Việt Nam/ - đất nước mang hình người đàn bà hơi khuỵu chân, ngửa mặt” (Mùa đông cuối cùng). Từ những từ ngữ quen thuộc, giản dị được sắp xếp qua bàn tay người phụ nữ đã trở thành những hình ảnh độc đáo, mang đậm dấu vết sáng tạo của bản thể nữ: “Buổi chiều như con bê vàng/ Cặm cụi em đan áo cỏ/ Áo suốt đời dang dở. Mà cỏ úa tay người/ Nếu chúng mình có thể yêu nhau giản dị và lãng mạn như hai hòn cuội trong lòng suối thì…” (Mùa linh hồn, Vi Thùy Linh). Những so sánh như trên xuất hiện khá nhiều trong thơ Vi Thùy Linh, ví như: Những chiếc lá xác xơ gân như lông mày quả phụ; Những cành cây chỉ vướng chút lá xanh vẫn vươn ra như cánh tay thiếu phụ mỏi mòn; Lũ bướm bay qua ao hồ bãi đầm sông suối hóa thân tố nữ; Lá bứt tung, bay như con mắt mỏi…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

Những so sánh với những vật gắn liền với đời sống người phụ nữ và những tính từ chỉ vẻ đẹp của người phụ nữ cũng được triển khai: “Quà tặng của Thượng đế cho những người yêu nhau - là những phút đôi đầu, vai kề vai quấn quýt như giây tơ lụa nòn - như mây trải bềnh bồng - như con sông dòng suối” (Quà tặng của Thượng đế, Phạm Thị Ngọc Liên). Kiểu cấu trúc so sánh này xuất hiện nhiều nhất trong thơ Vi Thùy Linh: Trái đất - cái cối xay rất cũ; Trăng tước mình rơi như chiếc móng tay; Ta chỉ kịp nhìn thấy vầng trăng co vào góc gương như con thằn lằn trắng; Em làm sao có thể thanh thản khi mỗi hạt nước bung ra từ nhát quét kia cũng mang ánh mắt anh; Vụng về làm sao/ Tôi không thể đẩy ánh trăng u ám kia đính chặt lên trời như đơm lại chiếc khuy đen sắp rơi khỏi áo… Những hình ảnh của thế giới khách quan cũng được vận dụng linh hoạt. Hành động viết được so sánh liên tưởng đến sự sinh nở của người phụ nữ: “Viết chỉ như ý nghĩ/ lách qua khe cửa hẹp trong đầu/ vội vã ùa về với biển sâu/ âm u lòng mẹ” (Viết, Phan Huyền Thư). Hoặc là những câu tả cảnh cũng giàu trí tưởng tượng: “rãnh nước cạn rúc rích khe cửa/ mảnh ván hoèn niêm ướt gỉ đinh” (Nhớ bão, Phan Huyền Thư).

Những hình ảnh thơ mang tính nữ vọng về từ tiềm thức và trở thành những ám gợi nghệ thuật cũng là thành tựu về ngôn ngữ đáng ghi nhận ở thơ nữ Việt Nam từ 1986 đến nay. Có thể kể đến như khi miêu tả vẻ đẹp thân thể người phụ nữ thì “Vòng hông loang ánh bạc/ Như thủy thần rung chuông” (Phạm Thị Ngọc Liên); hay những hình ảnh tưởng như phi lí, lập dị: “Ngực vỡ ra tổ ong vò vẽ/ bay vụt đi trăm ngả/ đốt sưng trời đêm” (Phan Huyền Thư)…

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 19

Bên cạnh đó, thơ nữ cũng xuất hiện những hình ảnh gợi sự liên hệ mật thiết hoặc gần gũi với đời sống của người phụ nữ như: “Khi đứa con gái thoa son lần đầu, Thèm cơm mẹ nấu, Chỉ sợ bữa cơm hàng này lạnh lẽo” (Phạm Thị Ngọc Liên); “Mẹ ngồi lại với cái mạng nhện mới được con nhện chửa chăng lên chờ ngày ở cữ” (Vi Thùy Linh); “Giăng mắc niềm tin con nhện cái/ ôm bọc trứng bão hòa, Đỉnh màn sót lại/ Mẩu chân chuồn chuồn buộc sợi chỉ dài” (Phan Huyền Thư); “Chiếc gương đen kịt” (Lê Ngân Hằng); “Chiếc thìa nhôm đầy vết nứt, Mặt trời nằm ốp la trên trái đất, Chiếc Ham pơ gơ, Lòng trắng lây nhây lòng đỏ cháy rực ly thủy tinh cáu bẩn/ Mặt trời

vỡ khi ông ta nuốt lòng đỏ vào bụng” (Ly Hoàng Ly)... là những thực phẩm, vật dụng trong nhà bếp cũng được chuyển hóa thành thi liệu. Đó là nét khác biệt hẳn là các nhà thơ nam không thể có được.

4.3.2. Ngôn ngữ mang tính “phồn thực”

Trong quá trình khảo sát các sáng tác thơ nữ giai đoạn từ sau 1986 đến nay, chúng tôi nhận thấy, các tác giả đã chủ động đưa vào sáng tác của mình những trường từ vựng mang tính “phồn thực”. Lớp ngôn ngữ này nhấn mạnh đến yếu tố nữ tính, gợi đến sự liên hệ những gì gần gũi và liên quan đến thân thể, đời sống của người phụ nữ như một sự xác lập chủ quyền của người phụ nữ trong thơ. Đó là những “văn tự phụ nữ” trong thơ nữ giai đoạn này.

Thoạt đầu, một số nhà thơ đã định danh mình như một cái tôi độc đáo, không lặp lại bằng cách xưng tên mình trong thơ như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã làm. Chẳng hạn như Phạm Thị Ngọc Liên đã nhiều lần gọi tên mình “Ngọc Liên Ngọc Liên/ đi giữa trời sao đêm đỏ cháy” (Kinh buồn, Phạm Thị Ngoc Liên). Vi Thùy Linh cũng khẳng định sự độc đáo, duy nhất của mình bằng nhiều lần Linh đề cập đến danh tính và ngày sinh của mình trong thơ như một thứ căn cước cá nhân có tác dụng để đối phương (người yêu) dễ xác nhận như: sinh ngày 4 tháng 4; mật mã 4041980; đêm từ Linh; đóa Linh mẫu đơn; những con chim xòe cánh chữ “V”; nàng họ Vi, linh giác… Tuy nhiên, như muốn đi xa hơn nữa để thoát khỏi ý thức cá nhân, để hướng đến ý thức về giới phái, các nhà thơ nữ còn tiến hành thao tác tư duy chuyển hóa ngôn ngữ thân thể người phụ nữ thành đối tượng phản ánh như một sự định danh người phụ nữ trong thơ. Nó vừa là sự nhân hóa sự vật ở tên gọi, vừa tạo chất thơ, vừa là sự định danh, hữu thể hóa “cái được biểu đạt” của đối tượng hoặc gắn những nét đặc thù của người phụ nữ lên đối tượng để gây hiệu quả thẩm mĩ mới. Hay nói cách khác, việc dùng những tính chất và đặc điểm của người phụ nữ để định danh hiện tượng, sự vật đã làm thay đổi hệ hình tư duy của thơ nữ đương đại. Dưới đây, chúng tôi thống kê một số kiểu từ ngữ được chọn lựa từ cái nhìn phái giới.

Thứ nhất là lớp từ ngữ chỉ bộ phận thân thể, tâm trạng, tính chất có tính chất trung tính, không gợi sự liên tưởng mạnh mẽ như: “lồng ngực sẽ tràn” (Phạm Thị

Ngọc Liên); “những bước chân thu”, “mồ hôi chân”, “xác nỗi buồn”, “toàn thân xứ sở”, “mùa tình”, “mùa em”, “khu vườn trinh”, “nhịp mông”, “nhịp cầu”, “nhịp cô đơn”, “hàng khuy áo cảng”, “lưỡi mưa”... (Vi Thùy Linh); “gáy đêm”, “mặt cày”, “xác đức hạnh”, “ngực hoàng hôn”… (Phan Huyền Thư);

Thứ hai là những từ ngữ đi liền với những liên hệ, ẩn dụ mang dấu ấn của người phụ nữ:

- Dùng những từ liên quan đến các bộ phận thân thể người phụ nữ để gọi sự vật hiện tượng như vú, sữa, ngực tròn... (Phạm Thị Ngọc Liên); bầu đêm, núi vú, bầu vú cô đơn, bầu nước mắt, bầu vú mùa xuân, bầu sinh sôi, biển sữa... (Vi Thùy Linh); bầu tinh khiết, nhũ thiên nhiên, mưa sữa... (Phan Huyền Thư); sữa đen (Ly Hoàng Ly)...

- Dùng từ ngữ liên quan đến sự sinh nở của người phụ nữ để gợi liên tưởng như: cửa yêu lá, cuống vé, cuống chiều, mùa sinh nở, cơn lốc sinh nở... (Vi Thùy Linh); mùa trở dạ (Phan Huyền Thư); cơn đau phù sa (Lê Ngân Hằng); mùa trở dạ, nước ối bầu trời đêm, những ổ trứng của cuộc đời (Ly Hoàng Ly)...

Phát triển trường từ vựng gợi những liên hệ đến vẻ đẹp thân thể và thiên chức của người phụ nữ, các nhà thơ nữ muốn khẳng định cái Tôi thân xác như là khát vọng giải phóng tính dục, khẳng định vai trò của Mẫu tính ở người phụ nữ như là những giá trị vĩnh hằng, bất biến.

Bên cạnh đó, thơ nữ đương đại cũng xuất hiện hàng loạt động từ mạnh để chỉ trạng thái sinh sôi, gợi sự chuyển động trong hành động tính giao và hàng loạt động từ bộc lộ khát vọng bung phá, giải tỏa, thậm chí “nổi loạn” của bản thể nữ. Đó là những động từ chỉ sự sinh sôi gợi sự liên tưởng đến sự gặp gỡ của hai thuộc tính âm - dương, đực - cái, nam - nữ như: làm kén, thụ mầm, thụ tinh, thụ tạo, thụ phấn, thụ trứng, ở cữ, bung ra, sinh sôi, sinh, mãn khai, nở bung, đầu thai, phục sinh, nở… xuất hiện hầu khắp trong sáng tác của các tác giả trong phạm vi đề tài khảo sát. Những động từ chỉ sự tương giao nam nữ như: cởi, mở, bừng mở, vén, tụt, khỏa thân, hôn, vần vũ, cuống quýt, nhập, đan, hòa, trườn, thoát y, cong, rướn, truy hoan, dậy mùi, khóa chặt, khép, nâng… cũng xuất hiện với tần số cao. Ở một số trường hợp, những động từ mạnh được dùng với dụng ý chỉ khát khao mãnh liệt,

đỉnh điểm của sự bung phá: phóng vọt, hút, nổi loạn, ham muốn, truy phong, cuốn, xiết, cào, phá, xé toang, đạp toang, cắn dập, bừng vỡ… Việc sử dụng những động từ mạnh với tần số cao như vậy thể hiện một nội lực bất tận tiềm ẩn trong người phụ nữ đang được các nhà thơ nữ khai phá. Nó thể hiện khát vọng yêu và dâng hiến của người phụ nữ. Người phụ nữ đến đây đã được chứng minh: họ chỉ yếu hơn người đàn ông về mặt cơ bắp còn về tình yêu thì chân lí này cần phải xem lại khi đặt nó vào sinh quyển thơ nữ đương đại.

Việc chọn lựa và sử dụng ngôn ngữ mang tính “phồn thực” nhằm xác lập chủ quyền nữ và “nữ hóa” hình ảnh ngôn ngữ vừa là tiếng vọng về từ tiềm thức, vô thức sáng tạo của người phụ nữ, vừa là kết quả của sự tự ý thức và lựa chọn có định hướng của các nhà thơ nữ về giới mình và đề cao đặc tính của giới mình. Những liên tưởng, so sánh được triển khai theo hướng này có khả năng mở ra một dòng thơ nữ giàu hình ảnh và đậm chất biểu cảm. Nói theo tinh thần của các nhà nữ quyền luận thì người phụ nữ đến đây đã có ý thức chủ động thoát ra khỏi hệ ngôn ngữ vốn chịu sự chi phối của nam giới để tạo dựng hệ ngôn ngữ của riêng phái mình.


Tiểu kết Chương 4

Trở lên, chúng tôi cho rằng, mặc dù không thừa nhận hay tuyên ngôn chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của phong trào Nữ quyền luận và văn học nữ quyền nhưng qua thực tiễn, thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến nay đã dần hình thành và phát triển một lối viết nữ khá độc đáo. Việc người phụ nữ viết về chính bản thân mình là một thực tế không thể phủ nhận. Điều đó được cụ thể hóa trên ba phương diện biểu tượng, giọng điệu và ngôn ngữ. Tất cả đã cho thấy cái Tôi - trữ tình trong thơ nữ giai đoạn này luôn ý thức và hãnh diện về sự tồn tại của mình trong thế bình đẳng và khác biệt với nam giới. Những cách tân về hình thức nghệ thuật của thơ nữ ở một mức độ nào đó là sự tự làm mới mình để giành lại vị trí cho thơ trong đời sống đương đại song đó hẳn nhiên là những bước thể nghiệm đáng ghi nhận của đội ngũ tác giả thơ nữ trong đời sống văn học hôm nay.

KẾT LUẬN


1. Với cách quan niệm Ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực, trong Chương 1 của luận án, một mặt, chúng tôi đã đi từ việc bao quát tương đối đầy đủ về tình hình nghiên cứu của đề tài đến việc chỉ ra được những điểm thừa kế và những hướng đi tiếp theo của luận án như một cách xác định, cụ thể hóa những đóng góp mới của chúng tôi trong nghiên cứu này. Mặt khác, trên cơ sở tham chiếu những nghiên cứu lý thuyết, những quan niệm về diễn ngôn nữ quyền và ý thức nữ quyền trong văn học Việt Nam của một số người đi trước, tác giả luận án đã đưa ra được cách hiểu về các phạm trù giới tính, phái tính, nữ quyền ý thức nữ quyền. Đó là cơ sở lý thuyết quan trọng để giúp chúng tôi trong việc triển khai các chương tiếp theo của đề tài luận án.

2. Với cái nhìn lịch sử và nhãn quan triết học của phép biện chứng, ý thức nữ quyền từng xuất hiện ít nhiều trong thơ nữ Việt Nam từ truyền thống đến trước năm 1985. Trong thơ ca cổ điển, một số cây bút nữ hướng đến việc thể hiện ý thức về vẻ đẹp và quyền sống của người phụ nữ, tiêu biểu nhất phải kể tới sáng tác của Hồ Xuân Hương. Trong thời kỳ Thơ mới (1932-1945), một số cây bút nữ như Hằng Phương, Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Sơn… hướng nội dung trữ tình tới việc đề cao cái tôi và nhu cầu giải phóng cá nhân. Thơ nữ giai đoạn 1945-1975, do hoàn cảnh đặc thù của dân tộc lại chủ yếu thể hiện ý thức công dân và khát vọng nhập cuộc của người nữ vào những công việc chung của quốc gia (một cách họ thể hiện vai trò của mình trong xã hội cùng với nam giới). Ý thức nữ quyền trong thơ nữ từ những năm 1975 đến 1985 bắt đầu có những bứt phá khi nhiều cây bút hướng nội dung cảm xúc đến những vấn đề của thế sự đời tư và thể hiện đậm nét một cái tôi trữ tình mang ý thức cá nhân giàu nữ tính (Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Ý Nhi…). Đây là nội dung chính được chúng tôi bàn đến trong Chương 2.

3. Thế hệ các nhà thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay đã mang đến cho nền văn học nước nhà một tiếng nói mới mẻ, nhiều đột phá trên cả hai phương diện nội dung và phương thức nghệ thuật. Từ sự thể hiện của ý thức nữ quyền, đội ngũ các tác giả tiêu biểu có thể kể tới là Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Bình Nguyên Trang, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi… Các tác giả này đã nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình sáng tạo và xác lập được một lối viết nữ độc đáo, có những đóng góp to lớn vào bức tranh chung của văn học nước nhà thời kỳ đổi mới. Đây là nội dung chính được chúng tôi triển khai trong Chương 3 và Chương 4 của luận án.

4. Trong Chương 3 - Các cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay, trên cơ sở khảo sát 982 đơn vị tác phẩm thơ của 10 tác giả nữ tiêu biểu, luận án đề cập tới 3 nội dung chính: (1) Hành trình xác lập bản thể nữ; (2) Thiết tạo quan niệm mới về người phụ nữ và (3) Bi kịch của sự nhận thức và ý thức phản tỉnh.

- Về hành trình xác lập bản thể nữ: Hành trình xác lập bản thể nữ là nấc thang đầu tiên nhằm khẳng định đặc thù giới, xác tín cá biệt nữ. Hành trình này được các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại diễn ngôn bằng việc tự ý thức về thân thể nữ như một ưu thế thiên tạo, khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu bản năng nữ (bản năng tính dục và bản năng làm Mẹ) như một đích đến trong hành trình tìm kiếm bản thể nữ. Ở cấp độ nào, các tác giả nữ đương đại cũng cho thấy một cái nhìn chân thật, một cách thể hiện trung thực và một nội hàm mang giá trị nhân văn.

- Về thiết tạo quan niệm mới về người phụ nữ: Lâu nay, những giá trị nữ đều do xã hội nam quyền kiến tạo. Xã hội nam quyền đã trùm lên phụ nữ những chuẩn mực và khuôn mẫu về giới một hệ thống giá trị có lợi cho người đàn ông. Những phạm trù được xã hội nam quyền tung hô và ngợi ca như là những vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ như giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, tiết hạnh… đã trở thành những xiềng xích ngọt ngào giam hãm người phụ nữ bao thời đại. Đến thời hiện đại, người phụ nữ với những nhận thức tỉnh táo và lý tính đã nhận thấy những chuẩn mực ấy thực ra chỉ là những “gánh nặng”, là những “vòng kim cô”, nó làm cho người phụ nữ bị “cầm tù” và „kiệt sức”, và nó làm cho người phụ nữ mất đi sự tự do, làm mòn

Xem tất cả 181 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí