Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 18

tỏa tạo một không khí dịu mát, gần gũi. Tuy giọng điệu nhỏ nhẹ nhưng mang chứa trong đó là trữ lượng tình cảm khôn cùng của trái tim người con gái muốn gửi gắm và kiếm tìm sự đồng cảm từ phía người mình yêu. Bên cạnh những lời tâm tình du dương êm ái, ta còn bắt gặp cả những lời thỉnh cầu tình yêu vừa chân thành lại vừa nữ tính của người con gái “lần đầu rung động nỗi thương yêu” nhưng cũng là lần đầu phải nếm vị đắng của tình yêu: “Đừng bỏ em đi/ người yêu ơi/ Tôi khản giọng/ Tôi bóc vỏ mình tôi… Có lẽ nào anh không đủ yêu tin/ Khi em bóc vỏ mình đi/ Vì một tình yêu chân thật?” (Độc thoại, Bình Nguyên Trang)…

Bên cạnh tiếng gọi, người đọc còn cảm nhận được chất giọng buồn, ngậm ngùi nuối tiếc khi người phụ nữ nghĩ về cuộc tình đã qua. Những lời tâm tình nhòa trong dòng lệ xuất hiện nhiều và dường như là chủ âm chính trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên và Tuyết Nga. Điều đó cũng bắt nguồn từ những hoàn cảnh riêng tư cá nhân của nhà thơ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn và thể hiện giọng điệu. Người phụ nữ trong thơ Ngọc Liên luôn phải nếm trải thứ “hạnh phúc thừa”. Sau nhiều đổ vỡ nhưng số phận vẫn chẳng mỉm cười với người phụ nữ đa đoan mang cái tên của loài hoa tuyệt đẹp: Ngọc Liên. Để cuối cùng, người phụ nữ ấy phải một mình gánh vác cuộc mưu sinh, phải nuôi con một mình, luôn phải lo lắng cho ngày mai khi các con khôn lớn, người đàn bà lại thui thủi lối khuya đi về một mình, không đồng cảm và chẳng được sẻ chia (Gửi con gái ở xa). Thậm chí, trong lời tâm tình của Ngọc Liên còn chất chứa cả nỗi tuyệt vọng và hoài nghi về thứ gọi là hạnh phúc: “Xin lỗi hạnh phúc thừa/ làm sao có thể gọi ngươi là hạnh phúc?/ ngươi nhỏ vào đời ta những giọt cường toan/ yêu chết điếng/ và rồi ngươi dửng dưng đi” (Hạnh phúc thừa). Đôi khi người phụ nữ trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên còn gồng mình lên để kìm nén nỗi đau, để nuốt giọt nước mắt vào trong: “Đừng khóc Liên ơi/ ôm ta mà chịu/ đừng uống rượu say/ đừng làm chuyện dại” (Tự khúc 3).… Người phụ nữ trong thơ Tuyết Nga cũng thường xuyên than thân trách phận khi phải đặt mình vào cuộc tình ngang trái “lễ cưới không tình yêu/ tình yêu không lễ cưới”, nơi hạnh phúc chỉ là thứ “ảo giác”, là “đồng tiền giật tạm”. Người phụ nữ trong thơ Tuyết Nga không gay gắt oán hờn mà đơn giản chỉ là một lời tâm sự như một người

kể chuyện, nhưng người kể ở đây luôn ý thức trông người lại ngẫm đến ta: “Trong đám cưới của người bạn bị bạc tình/ hạnh phúc/ như tờ lịch được đóng đinh/ em là một thứ cây không lá” (Ảo giác 2). Người phụ nữ muôn đời vẫn là người phải gánh chịu thiệt thòi và dễ bị tổn thương khi cuộc hạnh phúc đổ vỡ. Song, dù ở hoàn cảnh nào và ngay cả khi nói đến nỗi đau thì đằng sau những giọt nước mắt vẫn là sự dịu dàng và đằm thắm của một trái tim muốn yêu và khát yêu của người phụ nữ.

4.2.2. Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ

Theo các nhà nghiên cứu thì, giọng điệu nồng nhiệt, mạnh mẽ vốn là bản hợp âm chủ đạo trong văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975. Thơ ca thời kỳ này đều chung một giọng cường tráng, khỏe khoắn ngợi ca mang âm hưởng cổ vũ cho sức mạnh của dân tộc trong công cuộc chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Thơ nữ Việt Nam từ sau 1986 đến nay cũng có sự xuất hiện trở lại của những tiếng nói nồng nhiệt và mạnh mẽ này. Nhưng tiếng nói ấy không phải đại diện cho sức mạnh cộng đồng mà thu mình trở thành tiếng nói cá nhân, thể hiện cho cá tính của người phụ nữ thời bình. Khi người phụ nữ ý thức được tiếng nói của mình thì cũng là lúc họ đòi quyền sống cho riêng mình, đòi giải phóng mình khỏi những thiết chế truyền thống đang kìm hãm người phụ nữ trong ngộ nhận về nó. Âm hưởng này xuất hiện nhiều trong thơ Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh.

Với Phạm Thị Ngọc Liên, sự mạnh mẽ trong giọng điệu thể hiện ở lời tỏ tình đầy quyết đoán và rất nữ tính: “Em muốn giăng tay giữa trời mà hét/ Yêu anh”. Người con gái dám chủ động ngỏ lời và nói to để bày tỏ tình cảm của mình với người mình yêu. Người phụ nữ ấy còn có mang ý thức phản tỉnh về nỗi buồn và sự tuyệt vọng mà người đàn bà phải nếm trải. Nói cách khác, đó là những lời tự an ủi mình đầy nghị lực của chị để vượt qua nghịch cảnh trái ngang: “Phải có đủ kiêu căng/ để dập tắt những ước mơ nhỏ bé/ những ước mơ bình thường của đàn bà/ phải dẫm lên và dìm hết nó” (Tâm cảnh); hay người phụ nữ ấy dám xưng tên mình trong thơ: “phải chăng ta là người hời hợt/ không/ Ngọc Liên/ mi chẳng hề như thế/ vì chính mi tự gặm nhấm mình/ bằng tiếng khóc của đêm” (Tự khúc 1)…

Nhưng với Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh, giọng điệu mạnh mẽ đã trở thành một yếu tố để khẳng định vị thế của cái tôi cá nhân đòi bình đẳng giới. Bình đẳng nữ quyền là một thông điệp tối thượng mà hai tác giả này muốn đề cập đến. Giọng điệu thơ Phan Huyền

Thư đầy tự tin thách thức: “Cái liếm môi quy hoạch/ tôi nhường đàn ông/ Cao cả nghĩa hiệp/ tôi nhường bạn bè/ truất yêu đương/ phế ghen tuông/ giáng thù hận/ Tôi nhường tôi cho anh” (Tự nguyện). Người phụ nữ trong thơ Thư không phải bị đàn ông chiếm đoạt mà họ chủ động nhường cho đàn ông chiếm đoạt. Giọng điệu mạnh mẽ, mãnh liệt bắt đầu từ tập “Nằm nghiêng” và trở thành chủ âm ở tập “Rỗng ngực”. Đó là tiếng nói của người đàn bà tràn đầy sức sống muốn được yêu, muốn được quẫy đạp, vùng vẫy để thoát khỏi hiện tại đơn điệu và nhàm chán: “Ngủ vùi trong anh/ nhịp tim càng lảnh lót/ đòi gỡ. Đòi buộc/ Đòi tỉnh dậy. Đòi/ do dự/ miên man” (Do dự). Hay giọng dồn dập, đầy hối thúc: “muốn làm cách mạng. Muốn/ lật đổ chính chuyên. Muốn/ tranh vợ cướp chồng. Muốn/ giật bồ thông dâm. Muốn/ đặt bom tượng đài. Muốn…” (Tháng tám). Giọng thơ quyết đoán thể hiện ý nghĩ táo bạo “muốn làm cách mạng” để giải phóng thân phận người phụ nữ mà trước hết là giải trung tâm những diễn ngôn quyền lực từ lâu đã mặc định trong tâm thức của người phụ nữ.

Vi Thùy Linh cũng không ngần ngại, do dự khi bày tỏ quan điểm của mình về tình yêu. Người phụ nữ trong thơ Linh bước vào câu chuyện yêu đương là bước vào thế giới của hoan ca. Những khúc tình ca được cất lên từ trái tim náo nức, rộn ràng của chủ thể trữ tình tràn đầy tự tin và nhiệt huyết của tuổi trẻ: “Phát điên nhớ cái hôn phát điên” (Chân dung), “Có yêu nhau thương nhau thì vượt đêm mà về/ Có nhớ nhau có khát nhau hãy cuộn tung thác nguồn/ Cuộn lửa tình mà cháy” (Gọi nguồn)… Thậm chí, người con gái ấy còn manh nha sự nổi loạn đàn bà với hàng loạt câu hỏi xoáy mạnh vào khát khao làm mẹ: “Con ơi! Con ơi!/ Con đang bay ở đâu? Con đang bay ở đâu” (Những mặt trời đang phôi thai). Hơn thế nữa, Linh còn vận dụng cả những từ mang tính khẩu ngữ nhằm tạo nên sự mạnh mẽ, cứng cáp để kêu gọi, hô hào cho phong trào giải phóng phụ nữ: “Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh

mịch đơn điệu” (Bản đồ tình yêu), “Em giải phóng em trong thế giới tâm hồn/ Hỡi những người phụ nữ, hãy yêu và sống đến cùng như mình muốn” (Yêu cùng George Sand)…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

Giọng nồng nhiệt, mạnh mẽ thể hiện nhu cầu bình đẳng về phát ngôn của người phụ nữ trong việc giãi bày tình cảm cá nhân riêng tư. Nó thể hiện tinh thần độc lập, tự chịu trách nhiệm của người phụ nữ về cuộc sống của mình. Và vì vậy, giải phóng phụ nữ không còn là những toan tính trong thế giới nội tâm của người phụ nữ, không còn là “chuyện của chúng mình” mà còn được đề cập một cách thẳng thắn trong thế đối thoại với phái mạnh.

4.2.3. Giọng giễu nhại

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 18

Giễu nhại là giọng điệu “thể hiện cách tiếp cận và quan điểm đánh giá những vấn đề của đời sống ở một phía khác, một góc độ khác so với tiền lệ. Kiểu giọng này được tạo nên bởi sự phóng đại, hài hước, sự nhại lời, cách nói ngược, nói lái, xuyên tạc… Tất cả mọi giá trị đều có thể trở thành đối tượng của sự giễu nhại trong thơ: tình yêu, gu thẩm mĩ, sự lãng mạn, thực dụng, sự đánh mất cá tính, sự “nổi loạn” nửa vời, đạo đức truyền thống, nghệ thuật thơ truyền thống, sự triết lí trong thơ…” [279; 145]. Các nhà thơ nữ thời kỳ này đã tạo ra chất giọng giễu nhại độc đáo. Kiểu giọng này thể hiện tương đối rò trong thơ Phan Huyền Thư với những câu thơ thể hiện sự “thất vọng tạm thời” của mình về cuộc đời, con người và nhân loại. Tinh thần giễu nhại được thể hiện qua cái nhìn về những lai căng, tiêu cực trong xã hội. Nhà thơ đã cất tiếng nói giễu nhại truyền thống, giễu nhại những chân lí cũ mòn và cả những bất cập của đời sống đương đại thông qua những cặp tương phản, kệch cỡm: “Những cô nàng chân cong váy ngắn/ Lóe xóe tiếng địa phương/ những nàng nhi văn chương/ khen nhau có hớp giọng thị thành” (Tôi đi trên đường đầy bụi, thành phố của tôi). Nhà thơ giễu nhại cả sự sống và tương lai loài người, “Người người đi tương lai” nhưng hành trình ấy dường như là con đường dẫn con người tới vực thẳm bởi sự trang sức “đói nghèo và ngu dốt”. Có khi Phan Huyền Thư giễu nhại những giá trị truyền thống vốn được xem là bất biến trong tâm thức cộng đồng: “Cá chép của em/ bơi theo dấu sông anh biền biệt/ vượt vũ môn hóa

rồng/ hóa lộn chồng/ lộn kiếp” (Hai mươi ba tháng chạp). Ngay cả những thứ vốn được xem là chuẩn mực đạo đức như “đức hạnh” cũng bị mang ra phanh phui: “Đức hạnh. Bao giờ cũng đói khát/ Ham muốn”. Có khi còn bị công kích, khai tử khi “Ngượng ngập dìm chết em/ Xác đức hạnh trôi sông/ đam mê/ tam đoạn luận”. Có khi nhà thơ lại nhại cả tục ngữ: “Em là con ngựa đau chẳng khiến tàu bỏ cỏ/ bờm rối tung vó ức căng đầy bóng đêm/ côn trùng rên rỉ ngất ngây/ ngựa non em cứ liếm mãi” (Ngựa đêm). Đôi lúc, nhà thơ còn nhại giọng hót của tiếng chim “bắt cô trói cột” để nói đến sự phụ thuộc nhau, làm khổ nhau khiến con người bị mất tự do: “bắt cô trói cột/… bắt nhau/ trói buộc/ bắt nhau/ cô độc…/ bắt mình/ bắt nhau” (Thực dụng hư vô). Thư còn nhập tâm vào vai Thị Mầu trên chiếu chèo để cợt nhả đầy khiêu khích và thách thức: “Này chị em ơi! Nhớ ai gầm gào trong cổ họng/ rồi cười nửa rúc mặt đám đông/ xanh thì đỏ/ tím thì vàng/ váy ngắn thì chân phải cong/ một mình: đạo đức cười thầm sang trong” (Thị Mầu 97)…

Các nhà thơ nữ còn thể hiện nhu cầu bình đẳng với nam giới trong việc nhìn thẳng vào những vấn đề lớn lao, mang tầm phổ quát toàn nhân loại trong thời đại ngày nay. Cảm hứng đối thoại là âm hưởng chủ đạo của những bài thơ thuộc chủ đề này. Bằng sự nhạy cảm của một nhà thơ và của một người đàn bà, Vi Thùy Linh đã giễu nhại những sự kiện mà thế giới cho đó là những bước tiến vĩ đại của con người về thành tựu khoa học kĩ thuật. Nhà thơ đã xưng “tôi” như một cá nhân đầy bản lĩnh để đứng ra phản biện lại số đông về chân lí: “tôi căm ghét ngày 15 tháng 7 năm 1996, cả loài người kinh ngạc khi cừu Dolly ra đời/ Gã Wilmut người Scotland chẳng có gì phải tự hào vì công trình của mình đến thế/ Không ai ngăn cản ý đồ nhân rộng kiểu sinh sản phản nhân văn?/ Thật nực cười những kẻ ngộ nhận sinh sản vô tính là thành tựu của tiến hóa (!)” và “Hàng triệu người điên lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft/ Những tâm hồn đang được mã hóa với nhịp điệu sống lập trình” (Thế giới hiện hữu). Những mệnh đề thường hay được nhắc đến như “phát triển”, “tiến hóa” cũng được mang ra tra vấn bằng những câu hỏi: “Phát triển ư? Khi nạn đói vẫn còn tiếp diễn/ Tiến hóa ư? Khi vẫn còn chiến tranh, chạy đua vũ trang, vẫn còn đầy những trẻ em tật nguyền chào đời” (Tảng băng trôi)…

Giễu nhại chính là một biểu hiện của sự hoài nghi và nhu cầu phản biện hiện thực. Nó thể hiện góc độ tiếp cận và quan điểm đánh giá những vấn đề của đời sống ở nhiều góc độ khác nhau. Không ngần ngại công khai bày tỏ sự giễu nhại xã hội, sự phản ứng trước cái cũ, cái không hợp thời và những vấn đề đang đặt ra trong thời hiện tại đòi hỏi con người phải nhìn nhận khách quan và tỉnh táo. Bằng tiếng nói phê phán, người phụ nữ đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình, một cái tôi giàu trực cảm với đời sống xã hội. Giải trung tâm những thiết chế nam quyền không còn tồn tại trong những khát khao thầm kín, trong ý nghĩ mà nó được phát ngôn một cách thẳng thắn và tự tin bằng lời nói cụ thể và cả những hành động cụ thể.

4.2.4. Giọng vô âm sắc (giọng trắng)

Bên cạnh những tiếng nói ồn ào, nồng nhiệt của cái tôi mạnh mẽ, thơ nữ đương đại còn xuất hiện những bài thơ mà ở đó, người viết giấu mình đi để người đọc tự thưởng thức. Tâm thế nhà thơ giờ đây cũng thay đổi. Từ chỗ nhà thơ “đứng ngang tầm chiến lũy” để định hướng cho bạn đọc, thuyết giảng về đạo đức cho bạn đọc trong văn học cách mạng thì ngày nay, thơ ca cũng được kéo lại gần với cuộc đời hơn. Nhà thơ đã ý thức được vai trò của bạn đọc, tôn trọng kinh nghiệm tiếp nhận mang tính cá nhân của bạn đọc hơn. Mỗi người sẽ đọc thơ và hiểu thơ theo kinh nghiệm và cách cảm cách nghĩ của cá nhân mình nên giọng thuyết giảng dần lạc lòng giữa thời bình. Hơn nữa, khi giọng điệu bị tẩy trắng, thơ sẽ có dáng dấp của thơ điệu nói hơn là điệu ngâm. Chính vì vậy, câu thơ, bài thơ sẽ mang chứa được những trạng thái cảm xúc tự do của con người ngày hôm nay. Những bài thơ dạng này thấm đẫm tư duy tự sự. Chủ thể trữ tình bị mờ hóa, yếu tố cảm xúc cá nhân bị tiết chế, thay vào đó là những miêu tả, liệt kê:

Mặt đất bắt đầu đưa vòng. Không địa chấn, không lũ bùn, không sóng thần, không đạn bom khủng bố, không tai nạn xe cộ, không sập cầu tắc đường… Nhưng tất thảy tất thảy đã không còn yên ả chảy trôi theo nhịp chảy bình thường.

Đã bắt đầu những chuyển động hỗn loạn chói gắt. Mặt trời không lên thẳng mà đi đường dích dắc. Những hàng cây chen ra giữa lòng đường.

Những ngọn đèn đường chuyển chỗ cho nhau và chuyển đổi sắc màu liên tục. Những hàng quán không còn bảng hiệu, sự dịch chuyển của ghế bàn ly tách thìa nĩa tạo ra vệt sáng long lánh…” (Cái gì đã xảy ra giữa chúng ta, Đinh Thị Như Thúy)

Trong đoạn thơ này, ta không xác định được chủ thể phát ngôn, không yếu tố cảm xúc. Ở đây chỉ đơn giản là hàng loạt hiện tượng được miêu tả liên tiếp. Có sự việc hợp lí và có cả những hiện tượng phi lí. Tác giả lược bỏ những “thông tin cá nhân” của bài thơ cùng với sự kéo dài câu thơ văn xuôi đã có tác dụng cụ thể hóa đời sống vô thức của con người. Trong vùng mờ vô thức là sự nhập nhòa giữa cái hợp lí và cái phi lí. Ẩn chứa sau đó là những dự cảm về một thế giới đang bị phân rã, thay đổi chóng mặt, nhiều khi ý thức con người khó kiểm soát và khó nắm bắt kịp. Những bài thơ có giọng điệu kiểu thế này xuất hiện khá nhiều trong thơ Đinh Thị Như Thúy.

Thơ Vi Thùy Linh cũng xuất hiện giọng khách quan, tỉnh táo bên cạnh giọng mạnh mẽ, say đắm trong tình yêu và khát vọng làm mẹ. Giọng điệu khách quan, bình tĩnh được Linh sử dụng vào miêu tả những vấn đề đang đặt ra từ đời sống đương đại: “Giữa Hà Nội, nhiều người vẫn mặc quần áo ngủ ra phố/ Thanh niên mới lớn chỉ trỏ các ma nơ canh nồng nỗng ở các cửa hàng mặt đường ngã năm…” (Bảo tàng và những giá trị). Không lên tiếng bình luận, nhà thơ đơn thuần chỉ là một người quan sát và miêu tả lạnh lùng, dửng dưng trước hiện thực, còn người đọc tự cảm nhận, tự tìm những vỉa tầng cảm xúc của nhà thơ sau lớp hình ảnh kia.

Trong một số trường hợp, nhà thơ còn tẩy trắng giọng điệu, mỗi bài thơ chỉ đơn giản là những mẩu hội thoại được cắt ra từ một câu chuyện hay một kịch bản nào đó. Điều này có thể gặp nhiều ở sáng tác của các nhà thơ nữ đương đại:

Năm người đàn bà ngồi trên xe ngựa Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con

Người thứ ba điềm đạm:

- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng Người thứ tư điềm đạm:

- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con Người thứ năm:

- Mô phật!

Lão xà ích giật giây cương Roi quất

Tung bụi đường

(Đi lễ chùa - Dư Thị Hoàn)

Hay như trong bài “Nhà thơ và những đối thoại” của Vi Thùy Linh, “Chọn”, của Trương Quế Chi cũng vậy. Không còn thấy sự xuất hiện của dòng chảy cảm xúc, những đánh giá mang tính chủ quan áp đặt của nhà thơ, thay vào đó là những dòng sự kiện được miêu tả khách quan, chân thực. Đây có thể là cách tiếp cận đời sống hoàn toàn mới mà thơ nữ đem đến cho thơ ca đương đại hoặc cũng có thể coi đó là khuynh hướng phản ánh hiện thực, nhìn thẳng vào hiện thực của thơ hôm nay. Nó phản ánh tình trạng xơ cứng, mất niềm tin và không còn mơ mộng của con người đương đại.

Giọng khách quan trong thơ Phan Huyền Thư lại nhuốm màu tang thương đến chua chát. Đó là sự hình dung về cái chết và đám tang của chính mình, của một người phụ nữ đã và đang sống với một tình yêu đơn phương trong bài “Giấc mơ”. Bài thơ mang kết cấu của một câu chuyện. Mở đầu, nhà thơ giới thiệu: “Tôi nằm mơ một đám ma người chết là tôi. Tôi người đã chết”. Tiếp đó, nhà thơ trần thuật một loạt người đến viếng mình. Tác giả đã tự tách mình ra thành hai vai trò, một là nhân vật trong câu chuyện - đã chết, một là người chứng kiến - vẫn tồn tại để quan sát một cách tỉnh táo. Mọi trạng thái cảm xúc được dồn nén đến cao độ. Cho đến kết thúc, vẫn là một giọng lạnh lùng: “Những nắm đất đầy lên nghi ngút khói hương tôi chết rồi chẳng ai nỡ vắng mặt chỉ duy nhất một người cả đời tôi thầm yêu trộm nhớ là đương nhiên

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022