Thực Trạng Xây Dựng Thương Hiệu Du Lịch Tại Di Sản Thế Giới Thành Nhà Hồ

Chương 2: THỰC TRẠNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH TẠI DI SẢN THẾ GIỚI THÀNH NHÀ HỒ


2.1. Tổng quan về thành nhà Hồ

2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Thành nhà Hồ hiện nằm trên đất xã Vĩnh Tiến và đất xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, ¾ diện tích trong thành là đất thuộc xã Vĩnh Tiến quản lí. Thành nằm ở km 30 – km 31 trên tuyến đường Quốc lộ 217 từ Đò Lèn (Hà Trung) đi cửa khẩu Na Mèo (Quan Sơn). Phía Nam thành nhà Hồ giáp làng Xuân Giai, phía Tây giáp làng Tây Giai (Xã Vĩnh Tiến), phía Đông giáp làng Đông Môn (Xã Vĩnh Long), phía Bắc là đồng ruộng của xã Vĩnh Tiến (trên diện tích hào thành cũ) và cụm dân cư thuộc làng Cẩm Bào (Xã Vĩnh Long).

Thành nhà Hồ cách thị trấn Vĩnh Lộc 1km về phía Bắc, cách thành phố Thanh Hóa 46km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 45. Cách Quốc lộ 1A đoạn Đò Lèn (Hà Trung) 30km về phía Bắc theo quốc lộ 217. Từ thành nhà Hồ lên thị trấn Kim Tân (Huyện Thạch Thành), ra thị xã Bỉm Sơn rồi ra Hà Nội chỉ khoảng 145km.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư dịch theo bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) viết: “Đinh Sửu (Quang Thái) năm thứ 10 (1397), (Minh Hồng Vũ, năm thứ 30). Mùa Xuân, tháng giêng sai Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép là Mẫn) đi xem đất và đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, lập đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng 3 thì công việc hoàn tất”.

Các bộ sử thời sau như “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sĩ thời Tây Sơn và “Việt sử thông giám cương mục” thời Nguyễn đều chép về sự kiện này.

Tháng 3 năm 1398, Hồ Quý Ly đã cho chuyển đô từ Thăng Long vào kinh đô mới, trấn Thanh Hóa được đổi tên thành trấn Thanh Đô. Năm 1400, Hồ Quý Ly đăng ngôi, lập nên triều đại nhà Hồ. Thành nhà Hồ trở thành Quốc đô, đổi tên nước thành Đại Ngu. Cũng trong năm này, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con trai là Hồ Hán Thương, tự xưng là Thượng hoàng. Hồ Hán Thương tiếp tục các chính sách cải cách đất nước về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng củng cố kinh thành, mở mang đường xá,… Đến năm 1407, cùng với sự thất bại chống lại quân xâm lược nhà Minh, thành nhà Hồ thất thủ, cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng triều đình Đại Ngu bị quân nhà Minh bắt. Kể từ đó, thành nhà Hồ không còn vai trò là kinh đô nữa.

2.1.2. Giá trị văn hóa – lịch sử - kiến trúc của thành nhà Hồ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.

Với những dấu tích còn lại, thành nhà Hồ là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa phương Đông. Đó là việc lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu hướng thời đại, khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một thành quân chủ tập quyền kiểu Đông phương vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.

Thành nhà Hồ ra đời vào thời điểm hệ thống đế chế được xây dựng bởi các triều đại Lý – Trần đang đi đến chỗ suy vong, không chống đỡ nổi với các nguy cơ đe dọa từ bên trong và bên ngoài. Là một người từng bước dành được quyền lực dưới triều Trần Nghệ Tông và tin tưởng vào các nguyên tắc Tân Nho giáo (hay Nho giáo thực hành), Hồ Quý Ly với tư tưởng cải cách mạnh mẽ, đã đưa ra quyết định dời đô táo bạo. Vị trí của kinh đô mới không chỉ thể hiện sự lớn mạnh về quyền lực của các dòng họ ở Thanh Hóa, mà còn là biểu tượng của những cải cách mà Hồ Quý Ly và triều đại do ông sáng lập thực

Xây dựng thương hiệu du lịch cho Di sản thế giới thành nhà Hồ ở Thanh Hóa - 6

hiện trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.

Vị trí của tòa thành đặt trong bối cảnh tự nhiên được lựa chọn phù hợp với các yếu tố phong thủy chính là một biểu tượng nhằm đề cao vị trí duy nhất độc tôn của nhà vua. Quy hoạch của thành nhà Hồ được thiết kế theo mô hình xây dựng kinh đô mang tính chất kinh điển của Trung Hoa, từng được ghi trong “Khảo công ký” và cho là soạn vào thời nhà Chu. Tuy nhiên, có thể thấy các nguyên tắc xây dựng kinh thành truyền thống được kết hợp với các điều kiện thực tế, như yếu tố phòng thủ rất được quan tâm. Một yếu tố khác là, việc tận dụng nguồn đá vô tận của vùng Vĩnh Lộc để xây dựng trường thành nội to lớn, có thể đã khiến cho các nhà thiết kế thấy một vòng cấm thành thường thấy là không cần thiết. Cũng như vậy, mô hình Nam Giao của thành nhà Hồ (Nam Kinh – Trung Quốc) nhưng kiểu thiết kế lại phản ánh một đặc điểm chung của nhiều ngôi đền núi thờ thần ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ví dụ rõ nhất là di sản thế giới Vạt Phu (Lào). Như vậy, Thành nhà Hồ rõ ràng là sản phẩm văn hóa của thời đại, phản ánh sự kết tinh các tinh hoa văn hóa và sự giao lưu các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và nhiều quốc gia phương Đông khác.

Nhờ các giá trị văn hóa và lịch sử nổi bật, ngày 27/06/2011, thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đáp ứng tiêu chí ii và iv.

Thứ nhất, thành nhà Hồ “Bày tỏ sự trao đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay thiết kế phong cảnh” (Tiêu chí ii). Có thể thấy, thành nhà Hồ biểu hiện sự giao lưu quan trọng các giá trị ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa đối với một biểu tượng Vương quyền tập trung ở thời kì cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV. Thành thể hiện những bước phát triển mới trong phong cách kiến trúc trên phương diện kĩ thuật và quy hoạch đô thị trong môi trường Đông và

41

Nam Á, tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên xung quanh và đưa thêm vào các công trình, cảnh quan đô thị của mình những yếu tố riêng biệt của Việt Nam và Đông Nam Á.

Tuy được xây dựng trong giai đoạn lịch sử của đất nước có nhiều biến động và trong một thời gian ngắn, nhưng kinh thành Tây Đô vẫn hội tụ đầy đủ trong mình những công trình quan trọng để phục vụ cho sự hoạt động của bộ máy triều đình, quan lại. Hàng loạt các công trình trong nội thành được xây dựng, như: Cung Nhân Thọ, điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu,…

Bên cạnh đó, thành nhà Hồ “là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình xây dựng, một quần thể kiến trúc hoặc kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại” (Tiêu chí iv).

Trong lịch sử Việt Nam, trước và sau thành nhà Hồ có các kinh đô Cổ Loa (thế kỷ III trước CN), Hoa Lư (Thế kỉ X), Thăng Long (Thế kỉ XV – XVIII), thành Hoàng Đế (Cuối thế kỉ XVIII), kinh thành Huế (Thế kỉ XIX – XX). Tất cả các tòa thành này đều chủ yếu xây dựng bằng đất và gạch. Không có tòa đô thành nào được xây dựng bằng vật liệu đá. Nếu có thì đá chỉ được sử dụng ở một số vị trí xung yếu nhất như chân tường thành và cửa thành ở Đoan Môn (Thăng Long thời Lê), thành Hà Nội (Cửa Bắc thời Nguyễn). Cũng theo các tư liệu hiện biết, mặc dù đá là nguyên liệu khá phổ biến trong lịch sử kiến trúc thế giới, nhưng chưa có kinh đô nào ở Đông Nam Á có vòng Hoàng thành được xây bằng các khối đá lớn như thành nhà Hồ.

Trong khi đó, thành nhà Hồ nổi bật lên với tòa thành nội bằng đá lớn chắc chắn, uy nghiêm, cho thấy sức mạnh tổ chức, huy động nhân lực và khả năng sáng tạo đáng khâm phục trong quy trình khai thác, chế tác, vận chuyển, nâng và xếp các khối đá nặng từ 10 tấn đến 26 tấn từ mặt đất lên tới độ cao hàng chục mét. Ngoài ra, những công trình kiến trúc khác trong thành cũng được huy động đá vào các vị trí quan trọng nhất của kiến trúc kinh đô: Đá xây

42

bó nền, đá xây lan can thành bậc, đá chân tảng. Đồng thời, nhiều loại đá khác được sử dụng để xây dựng Nam Giao. Điều đó, cho thấy nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng đa dạng đã được phát huy ở thời kì này.

Các chuyên gia trong và ngoài nước, khi nghiên cứu các bức tường đá thành nhà Hồ, đều thống nhất việc đánh giá rất cao giá trị kiến trúc của thành nhà Hồ, xem đây là một kiến trúc đá hùng vĩ, một hiện tượng đột khởi “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử kiến trúc xây dựng thành lũy kinh đô ở Việt Nam và Đông Nam Á trong giai đoạn cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.

2.1.3. Tài nguyên du lịch thành nhà Hồ

Di sản thế giới Thành Nhà Hồ hiện nay bao gồm 155,5ha vùng lõi và 5078,5ha vùng đệm. Trong đó, bao gồm 3 khu vực chính là: Khu vực Hoàng thành, khu vực La Thành và khu vực Đàn Nam Giao. Đây cũng chính là những địa điểm tham quan nổi tiếng tại quần thể khu di sản thế giới thành nhà Hồ.

Hoàng Thành

Hoàng thành được khoanh vùng 142,2ha. Bao gồm tường, cổng thành, nội thành, hào thành. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quản lý phần kiến trúc cổng, tường thành, đường đi xung quanh thành. Còn phần diện tích nội thành, hào thành hiện đang được chính quyền địa phương hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến quản lý (giao nhân dân trồng cấy lúa và hoa màu).

Thành Nội hình vuông với bốn bức tường xây bằng những khối đá khổng lồ phía ngoài và một lũy đất kiên cố bên trong. Một hào nước rộng bao quanh bốn mặt thành, nay đã bị lấp đầy chỉ còn sót lại vài đoạn có nước và những cánh đồng trũng xung quanh. Bốn cửa thành hình vòm cuốn đồ sộ, được mở ra chính giữa bốn tường thành, với cửa thành phía Nam có ba lối vào. Một đường trục chính chạy từ cửa Bắc xuống cửa Nam và tiếp tục kéo dài bằng con đường Hoa Nhai, dài tới 3km, để nối với núi Đún, nơi có đàn Nam Giao (đàn tế Trời). Điểm thú vị là đường trục này nằm theo một hướng lệch về phía Tây gần 450. Theo đó, tòa thành cũng có các góc vuông quay theo các hướng

43

chính Bắc – Nam – Đông – Tây, chứ không phải là các mặt thành như thường thấy trong truyền thống kinh thành Đông phương. Người kiến trúc sư đã có một sự sáng tạo để có thể lựa chọn núi Thổ Tượng phía Bắc làm Hậu chẩm, núi Đún phía Nam làm Tiền án. Núi An Tôn phía Tây, núi Hắc Khuyển phía Đông cùng với sông Mã và sông Bưởi, tạo nên một hình thế che đỡ, vây bọc cho toàn thành ở vị trí trung tâm.

La Thành

Hiện nay, diện tích La Thành khoanh vùng bảo vệ 9,0ha thuộc địa phận xã Vĩnh Long được nhân dân sử dụng để trồng cây bạch đàn, thuộc quản lý của UBND xã Vĩnh Long.

La Thành là vòng thành phía ngoài, cách Hoàng thành khoảng 4 – 6km về các hướng. Đây là công trình phòng thủ quân sự - đồng thời có công năng trị thủy, ngăn lũ lụt từ sông Mã và sông Bưởi, bảo vệ trực tiếp cho khu trung tâm kinh thành, được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 1399. La Thành được xây dựng trên địa hình tự nhiên, Hồ Quý Ly cho đắp đất, trồng tre, nối liền các dãy núi sẵn có. La thành đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đồn quân sự của kinh thành, các đồn quân sự được nhà Hồ cho xây dựng dọc phía La thành để tăng cường khả năng phòng thủ trực tiếp cho kinh thành.

Người Việt Nam tích lũy nhiều kinh nghiệm đắp thành lũy. Từ Cổ Loa kinh đô đầu tiên, đắp lũy đất nối các gò đồi thành đất, và kinh đô Thăng Long với Đại La thành, đắp lũy đất dựa theo hình thế tự nhiên, vừa là công trình quân sự, lại là những đoạn đê ngăn dòng lũ sông Hồng. Kế thừa tất cả những kinh nghiệm đó, La Thành của Tây Đô được tạo nên bằng những lũy đất nối các đồi núi làm thành, mượn sông làm hào, lại cho trồng thêm tre gai để tăng cường khả năng phòng thủ. Một vòng La thành hùng vĩ dài tới 30km đã được xây dựng theo cách đó để ôm trọn cả kinh thành rộng lớn.

Tư tưởng của bậc quân vương và tài năng của nhà thiết kế đã tạo nên một bức tranh phong thủy tuyệt đẹp, kết hợp các yếu tố thiên nhiên của sông

44

và núi với trí tuệ và bàn tay khéo léo của con người, sáng tạo nên một toàn thành độc đáo có một không hai trong khu vực.

Đàn Nam Giao

Khu vực đàn Nam Giao được khoanh vùng bảo vệ 4,3ha, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản toàn diện.

Đàn Nam Giao được Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 trên núi Đốn Sơn (dân gian gọi là núi Đún). Lễ tế Giao đầu tiên được tổ chức cùng năm trên. Đến năm 1980, sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc phát hiện ra di tích này.

Từ năm 2004 đến năm 2010, Viện khảo cổ và Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã tiến hành 4 đợt khai quật với tổng diện tích hơn 18.000m2. Qua các đợt khai quật, đàn tế Nam giao thành nhà Hồ cũng đã phát lộ gần như nguyên vẹn, với nhiều di vật, dấu tích và mô phỏng kiến trúc độc đáo. Với tổng diện tích trên 43.000 m2, có thể nói đàn Nam Giao là một kiến trúc đàn tế khá hoành tráng trong tổng thể khu di tích thành nhà Hồ. Không những thế, qua những di vật còn lại, chúng ta cũng có thể thấy Nam Giao được trang trí khá độc đáo trên các kiến trúc có mái. Đó là thành bậc đá chạm sấu thần, tượng đầu chim phượng, uyên ương, hệ thống lá đề, hệ thống gạch trang trí chạm rồng, hoa cúc, sấu thần,…Điều này cho thấy, kiến trúc xây dựng đàn có ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo. Trong thời đại hạn chế Phật giáo thì đây cũng là điều hết sức đáng lưu ý của đàn tế Nam Giao nói riêng và nghệ thuật

kiến trúc thời Hồ nói chung.

Cấu trúc đàn tế Nam giao – Thành nhà Hồ vừa mang các đặc điểm chung của đàn tế Nam Giao phương Đông, vừa mang các đặc điểm riêng của Việt Nam. Điểm khác biệt đó là phần trung tâm và cao nhất của đàn tế không phải ở chính tâm của đàn mà dựa vào sườn núi. Mặc dù vòng ngoài của nó khá giống với vòng ngoài mô hình đàn Nam Giao ở Bắc Kinh, thời nhà

45

Nguyên (Trung Quốc).

Đặc biệt, riêng đàn Nam Giao thành nhà Hồ có trục linh đạo quay theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Nền đàn trung tâm dịch hẳn về phía Tây Bắc, lớp tường đàn trong cùng chạy vát chéo. Vị trí xây dựng và cách thức quy hoạch các công trình theo lối cao dần lên và dựa vào núi cho thấy sự gần gũi với di sản văn hóa Vat Phu (Lào). Nó thể hiện quan niệm về một ngọn “núi thiêng” nơi thần linh ngự trị. Quan niệm này phổ biến trong các cộng đồng cư dân Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, đàn Nam Giao thành nhà Hồ thực sự độc đáo, hiếm có trong lịch sử các đàn tế phương Đông.

Với tổng diện tích trên 43.000m2, với các đặc điểm riêng có, đàn tế

Nam Giao đã góp phần tăng thêm giá trị đặc sắc của thành nhà Hồ và góp phần đưa tổng thể di tích thành nhà Hồ trở thành Di sản thế giới.

Ngoài những điểm tham quan thuộc khu di tích thành nhà Hồ, danh thắng này còn được nâng tầm giá trị và hấp dẫn nhờ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch ở trong vùng đệm.

Đền thờ - Bi ký nàng Bình Khương

Đền thờ - Bi ký nàng Bình Khương hiện ở làng Đông Môn, xã Vĩnh Long. Đây là di tích liên quan đến lịch sử xây dựng thành An Tôn.

Truyện kể rằng: Chàng Cống sinh chồng nàng Bình Khương, là người đốc công xây dựng đoạn tường ở phía Đông Thành nhà Hồ. Do đoạn tường thành ở đây, dưới có mạch nước ngầm lớn và có cát đùn nên đoạn thành cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Hồ Quý Ly nghi ngờ Cống Sinh có ý mưu phản làm chậm trễ công việc xây thành, nên sai người vùi thân chàng vào tường thành (có thuyết khác lại nói rằng Cống Sinh bị chôn chân bên thành cho đến chết). Bình Khương ở quê nhà nghe tin chồng tử nạn, tức tốc đến động An Tôn. Nàng gạt nước mắt hỏi thăm phần mộ Cống Sinh. Người thợ xây trỏ tay xuống một chỗ ở chân thành cửa Đông, nơi Cống Sinh bị vùi lấp. Bình Khương uất hận vô cùng, lao tới nhằm xô đẩy bức tường đá nhằm thấy chồng.

46

Xem tất cả 122 trang.

Ngày đăng: 28/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí