Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX - 4


tinh tế và sâu sắc, có quan điểm và phương pháp phê bình riêng”; “Sự nghiệp phê bình văn học của Trương Tửu đã để lại cho thế hệ độc giả đời sau những bài học quý”; “Với lối phê bình này, người đọc có thể tiếp nhận ở đấy một lối trình bày logic, rò ràng, mạch lạc, gợi cho người đọc sự độc lập trong tư duy và trong cách tiếp cận các văn phẩm. Đồng thời, cũng qua đó, người đọc cũng rút ra cho mình những bài học bổ ích từ những cái còn thiếu sót của Trương Tửu” [50, tr. 29]. Tác giả Trần Thị Hoa đi đến kết luận: “Trương Tửu là một trong những nhà phê bình tiên phong của thế kỷ XX”; “ông là một trong những nhân vật tiên phong trên con đường đưa phê bình văn học trở thành một khoa học văn học” [50, tr. 29].

Trong tháng 11 năm 2013, đã diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Trương Tửu tại Hội Nhà văn Việt Nam. Buổi lễ kỷ niệm diễn ra ấm cúng và có nhiều bài phát biểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Trương Tửu. Trong bài phát biểu của nhà nghiên cứu Phong Lê, ông đã nhắc lại một số ý kiến đánh giá về Trương Tửu trước đó như Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Đinh Gia Trinh, Thanh Bình… Tác giả bài viết đi vào phân tích một số công trình của Trương Tửu và đi đến nhận định “không có may mắn được học với giáo sư Trương Tửu”; “Thiếu đi những kỷ niệm sống động về người, thế nhưng ấn tượng về những gì đã được đọc là rất sâu. Đọc những gì ông viết và những gì người khác viết về ông. Rồi nhớ mãi. Bởi cách viết và phương pháp viết của ông, gồm cách nghĩ, cách lập luận, cách kết luận trong từng công trình; và cách điều chỉnh, bổ sung hoặc tước bỏ trong cả một hệ thống công trình, để cuối cùng vẫn là trung thành, là nhất quán với bản thân”[79]. Không chỉ có vậy, nhà nghiên cứu còn tỏ ra nuối tiếc về sự nghiệp cầm bút của Trương Tửu “Tiếc là với sức nghĩ ấy, ông dừng lại hơi sớm và ngừng là ngừng hẳn”, để rồi kết luận không chỉ đối với riêng Trương Tửu mà với bất cứ ai chọn văn làm nghiệp “Nhưng đối với một người viết, đời nghề nghiệp ngắn hay dài không phải là điều quan trọng nhất”, Phong Lê khẳng định rất rò ràng: “Với người đọc là chúng ta, và hậu thế, Giáo sư Trương Tửu vẫn đủ để lại một gương mặt trí thức rất ấn tượng trong hành trình của những tìm kiếm không ngừng nghỉ, và thực sự là không dễ dàng trong thế kỷ XX” [79].


Trong bài phát biểu Thầy Trương Tửu của chúng tôi: một trí thức sáng danh của đất nước của Nguyễn Đình Chú đã chỉ ra những lý do mang đầy ý nghĩa trân trọng của một người để có buổi lễ kỷ niệm đang được tổ chức: “Kỷ niệm một tuổi trẻ khát khao sôi động dân chủ, ghét bất công và hô hào bãi khóa”; “Kỷ niệm một thanh niên con nhà nghèo nhưng giàu trí lực và quyết tâm, bằng con đường tự học là chính, vươn lên chiếm lĩnh kho tàng văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại”; “Kỷ niệm một nhà văn mang tên Trương Tửu, Nguyễn Bách Khoa, ròng rã 28 năm trời, tính từ năm 1931, dọc ngang bút mặc trên văn đàn Việt Nam, để lại một văn nghiệp không dễ có nhiều”; “Kỷ niệm một nhà văn Trương Tửu sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã có nhiều năm tháng kết duyên thắm thiết với cách mạng, với kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược”; “Kỷ niệm một vị giáo sư sáng danh trong giảng đường đại học dưới chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Bản thân là một học trò của Trương Tửu, Nguyễn Đình Chú không chỉ bày tỏ quan điểm trong bài phát biểu mà còn rất xúc động khi nói về người thầy của mình.

Nguyễn Văn Hoàn với bài phát biểu Thử nhận định về quan điểm và phương pháp nghiên cứu Truyện Kiều của Trương Tửu. Trong bài này, tác giả đưa ra quan điểm và phương pháp nghiên cứu của Trương Tửu trong một diễn tiến thời gian trước và sau Cách mạng tháng Tám về Truyện Kiều, đồng thời cũng tập hợp một số ý kiến xoay quanh vấn đề Truyện Kiều của Trương Tửu.

Nguyễn Hữu Sơn phát biểu ngắn gọn, súc tích về Nhà văn Trương Tửu và những trang khảo cứu văn hóa trước 1945, bài viết này đã được tác giả đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 837 ra ngày 10/11/2013. Nội dung bài viết, tác giả trình bày về quan điểm khảo cứu văn hóa của Trương Tửu trong một số công trình, đồng thời nhà nghiên cứu nói rằng: “Trên phương diện tư tưởng chính trị, về cơ bản Trương Tửu thuộc về thế hệ phái Mác-xít, vừa khẳng định cổ vũ nhiệt tình cho phái Kinh tế quyết định, vừa trực tiếp lên tiếng tuyên truyền, đấu tranh cho các quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và sự thắng thế của thuyết Kinh tế quyết định” [122, tr. 21]. Chưa vội đi đến kết luận, Nguyễn Hữu Sơn tiếp tục chứng minh “Vào giai đoạn gần Cách mạng tháng Tám, Trương Tửu còn có một số tiểu luận quan trọng trực diện khảo sát, bàn luận, phỏng vấn, nhận diện, tổng kết và đề xuất


các phương hướng xây dựng liên quan đến văn hóa - văn nghệ Việt Nam đương thời trên các báo Quốc gia, Văn mới”. Cuối cùng nhà nghiên cứu đi đến nhận định “Độc giả ngày nay đọc các công trình nghiên cứu, phê bình văn hóa của Trương Tửu trước Cách Mạng tháng Tám cần đặt tác phẩm của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rò hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt cho đời sống văn hóa - văn học nước nhà” [122, tr. 21]. Tham dự lễ kỷ niệm có bài Trương Tửu và Kinh thi Việt Nam của Phan Mạnh Hùng, bài viết đã được đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 835, ra ngày 20/10/2013. Tác giả bài viết giới thiệu đôi nét về tiểu sử Trương Tửu, đã khẳng định “Trương Tửu được biết đến như một trong những người viết phê bình theo tinh thần mác xít đầu tiên ở Việt Nam” [56, tr. 24], trên tinh thần đồng nhất quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu đang nhìn nhận và đánh giá Trương Tửu ở nhiều khía cạnh tích cực, tiếp tục khẳng định “Trương Tửu là nhà trí thức có tầm hiểu biết sâu rộng, đặc biệt là các lý thuyết mác xít, hăm hở vận dụng lý thuyết ấy vào nghiên cứu văn học, sử học”; “Và quan trọng, qua hoạt động văn hóa, ông đã cho thấy một tinh thần trung thực và dấn thân của người trí thức Việt Nam hiện đại trong việc khởi động tiến trình dân chủ hóa xã hội” [56, tr. 25], tác giả còn chỉ ra vị trí quan trọng của Trương Tửu trong nhóm Hàn Thuyên “Trương Tửu chính là linh hồn kết nối các thành viên của nhóm Hàn Thuyên” [56, tr. 26], tác giả tiếp tục đi vào phân tích những vấn đề trong Kinh thi Việt Nam của Trương Tửu và chỉ ra điểm mấu chốt của công trình “Trương Tửu đã đề xuất và thảo luận hai vấn đề lớn mang tính khoa học và thực tiễn: mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; văn nghệ là sản phẩm của xã hội phản ánh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc” [56, tr. 99].

Nhà văn Trương Tửu trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, nhưng đến thế hệ hôm nay đã tôn vinh ông. Ông xứng đáng được yêu mến, được nhìn nhận một cách khách quan, được đánh giá đúng đắn với những gì ông đã có, đã làm. Các lễ Kỷ niệm, Hội thảo được tổ chức rầm rộ nhằm khẳng định về một nhân cách, một con người với những đóng góp cho cuộc đời, cho xã hội dù ở bất cứ vị trí nào.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Tháng 12 năm 2013, Hội thảo “Những thí nghiệm của ngòi bút tôi” Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn - Nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa


Văn xuôi Trương Tửu trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX - 4

(1913 - 1999) đã được tổ chức tại Thư viện Hà Nội. Hội thảo thu hút nhiều sự tham gia của các nhà khoa học đã và đang làm công tác nghiên cứu, thu hút nhiều sự quan tâm của báo giới truyền thông...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có bài Trương Tửu là bách khoa. Dẫn dắt vào vấn đề tác giả bài viết xác định: “Tôi không được gặp ông sinh thời. Ngày ông mất tôi đã viết một bài tưởng vọng đặt tên là “Một người ấy” mà hôm nay tôi xin phép được nhắc lại để mở màn cho cuộc hội thảo” [102]. Nhà phê bình nói rằng “Trương Tửu đã thí nghiệm ngòi bút của mình”; “Trương Tửu đã thí nghiệm cả đời mình cho điều ông tin là đúng, là phải, là có ích cho học thuật và đời sống” [102]. Vừa ở vai trò nhà phê bình nhìn nhận, đánh giá đồng thời giữ cương vị điều hành buổi hội thảo, tác giả bài viết mong muốn “một hội thảo như thế này về ông (Trương Tửu) là cần thiết cho nền văn chương và học thuật nước nhà trong quá trình kiểm kê và tổng kết cái vốn văn hóa tinh thần có được từ thế kỷ XX”; “Hội thảo sẽ góp tiếng nói để lịch sử chứng minh Trương Tửu suốt đời là vì chân lý và lẽ phải” [102].

Trần Đình Sử với tham luận Nghĩ về phương pháp phê bình văn học của nhà văn Trương Tửu đã khẳng định về Trương Tửu ngay ở phần mở đầu: Qua “Tuyển tập nghiên cứu phê bình cùng Tuyển tập nghiên cứu văn hóa dày dặn của nhà nghiên cứu văn học Trương Tửu, tuy chưa phản ánh đầy đủ hết trước tác của ông, vẫn đem lại cho người ta một gương mặt phê bình sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học có tài mà sự đánh giá không hề đơn giản” [131]. Ông không ngần ngại bộc bạch “Trước hết, tôi nghĩ đến Trương Tửu như một nhà phê bình văn học có chủ trương, hoài bão” tác giả đưa ra những minh chứng cụ thể cho nhận định của mình, đồng thời cũng chỉ ra hạn chế của Trương Tửu “Điều đáng tiếc là khi vận dụng phương pháp xã hội học thì ông chỉ khám phá nội dung xã hội, mà không khám phá văn chương”, đi đến luận điểm cuối cùng khi nhận định Trương Tửu là nhà phê bình Trần Đình Sử đưa ra tiểu kết nhỏ trong bài viết: “Theo tôi nghĩ, ta nên xem Trương Tửu là nhà phê bình táo bạo, xông xáo vận dụng các phương pháp mới, người có nhiều công khai phá, đề ra những giả thiết khác thường” [131]. Bài tham luận còn chỉ ra “Trương tửu là nhà hoạt động văn hóa, nhà chính luận nồng nhiệt, có nhãn


quan rộng và giàu tính chiến đấu”, không chỉ có vậy Trần Đình Sử khẳng định: “Trương Tửu là nhà nghiên cứu có cá tính mạnh mẽ, ông luôn có ý thức nêu vấn đề mới, đặt lại vấn đề một cách độc lập, táo bạo, cho nên các tác phẩm của ông luôn luôn có tính thách thức, đối thoại và tranh luận với người cùng thời để nêu kiến giải riêng của mình”; kết thúc vấn đề nhà nghiên cứu nhấn mạnh “chúng tôi không thể không biểu hiện niềm cảm phục ông như một nhà nghiên cứu có nhân cách cao thượng”, đồng thời bày tỏ sự xúc động cùng với quan điểm riêng “tưởng nhớ đến ông chúng tôi tưởng nhớ đến một nhà phê bình có hoài bão, có tư chất, nhân cách, tuy không nhiều may mắn trong khoa học, nhưng luôn luôn táo bạo trong việc vận dụng phương pháp mới và đặt ra những vấn đề mới cho nghiên cứu văn học” [131].

Nguyễn Hữu Sơn tham gia hội thảo với bài tham luận Nhà văn Trương Tửu với nền văn nghệ cách mạng. Nội dung bài tham luận chia vấn đề tham luận thành hai giai đoạn đó là Trương Tửu với nền văn nghệ trước Cách mạng tháng Tám 1945; Trương Tửu với nền văn nghệ sau Cách mạng tháng Tám 1945. Và dù ở thời điểm lịch sử nào Trương Tửu vẫn không hề thay đổi, cuối cùng tác giả đưa đến ý kiến “Độc giả ngày nay đọc các công trình nghiên cứu, phê bình văn hóa của Trương Tửu cần đặt cá tính và tác phẩm của ông trong bối cảnh đương thời mới có thể nhận thức rò hơn dấu ấn một phong cách riêng cũng như những đóng góp nhiều mặt với đời sống văn hóa - văn học nước nhà” [123].

Tham dự hội thảo, Lại Nguyên Ân với mong muốn tác phẩm của Trương Tửu ngày càng đến gần hơn với đọc giả, ông có bài “Trương Tửu viết về tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên” [6] và công bố hai bài viết của Trương Tửu đăng trên báo Ích hữu năm 1938 mới sưu tầm được (“Một thi sĩ của Điêu Tàn” và “Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên”). Qua bài viết của Lại Nguyên Ân, người nghiên cứu về Trương Tửu có thêm tư liệu mới: “Khi Lê Văn Trương nắm tòa soạn thì Trương Tửu cũng trở thành cây viết thường xuyên cho tờ này. Ông vừa đăng đều kỳ ở đây truyện dài “Khi người ta đói” vừa giữ mục phê bình văn nghệ dưới một tiêu đề chung: “Phải xây dựng tư tưởng và văn chương Việt Nam trên những nền tảng mới”; “nhà văn chủ bút vào phần bình luận văn nghệ của tờ báo, hướng độc giả tới


ý tưởng về việc khai mở một thứ sẽ được chính Trương Tửu gọi là “văn chương tranh đấu” [6]. Theo tài liệu của Lại Nguyên Ân, người ta còn được tiếp cận với quan niệm văn chương của Trương Tửu đã đăng tải trên tuần báo Ích hữu:

“Từ năm 1932 đến bây giờ, chúng ta thường được nghe những tiếng “văn học phục hưng”, “văn nghệ phồn thịnh” dùng để mệnh danh cái đà phát triển của văn chương hiện đại. Những danh từ ấy, một vài người nông nổi ném ra, rồi một vài người nông nổi a dua nhắc lại, om sòm trên báo chí. Sự ồn ào trống rỗng này đã làm nhiều người cạn nghĩ tin rằng văn chương Việt Nam hiện thời là mẫu mực tuyệt mỹ tuyệt hảo rồi. Người ta nhắm mắt vỗ tay hoan nghênh những văn phẩm chỉ có độc một đặc điểm là làm điếm nhục nghệ thuật và bại hoại đạo lý. Người ta ca tụng một cách mù quáng những văn sĩ thi sĩ mà đáng lẽ người ta phải cảnh cáo để họ đi vào con đường thuận tiến bộ.

Phải phá đổ sự tin nhầm ấy. Phải đem các tác phẩm được hoan nghênh sàng lại theo phương pháp phê bình khách quan và quan niệm tranh đấu về văn chương. Phải soát lại ngôi thứ các nhà văn. Phải chỉnh đốn dư luận.

Chúng tôi, vì tương lai của văn chương Việt Nam, tình nguyện lĩnh cái nhiệm vụ gai góc ấy…” [6].

Một bài tham luận khác của Nguyễn Thành tham gia hội thảo với tiêu đề Đặc điểm phê bình văn học của Trương Tửu đã chỉ ra những lý do lý giải hiện tượng khi Trương Tửu sử dụng lý thuyết xã hội học mác xít đưa vào các công trình phê bình nghiên cứu của mình nhưng lại bị các nhà phê bình mác xít phê bình chỉ trích, theo tác giả có ba lý do cơ bản đó là “Thứ nhất, tiếp nhận một lý thuyết mới mẻ, mà trước đó chưa có một thành tựu ứng dụng, cụ thể như phê bình xã hội học mác xít và vận dụng nó vào thời điểm mà cuộc đấu tranh ý thức hệ đang diễn ra gay gắt, chắc chắn, bất cứ nhà phê bình nào cũng khó tránh khỏi chủ quan, phiến diện; Thứ hai, trước Cách mạng tháng Tám có thể Trương Tửu tiếp nhận tư duy về chủ nghĩa Marx theo tinh thần của giới học giả phương Tây, chứ không phải là chủ nghĩa Marx như sau này phổ biến ở các nước xã hội chủ nghĩa; Thứ ba, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trương Tửu đã tìm đến với chủ nghĩa Marx gắn với thực tiễn công nông hơn…” [158]. Những lý do nêu trên là nguyên nhân đưa đến các công trình phê


bình của Trương Tửu vừa khả năng phát hiện cái mới nhưng đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế nhất định về mặt tư duy suy diễn chủ quan. Cụ thể trong công trình nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong Truyện Kiều và Thời đại Nguyễn Du, trong Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, trong Văn nghệ bình dân Việt Nam. Mỗi công trình sau khi được phân tích, diễn giải, tác giả đều có lời kết luận.

Tham gia hội thảo còn có những tham luận khác của Lê Hoài Nguyên với Trương Tửu trong những năm 1955 - 1958, của Lê Gia Linh với bài phát biểu xúc động Nhớ lại “Lớp vỡ lòng văn học” với thầy Trương Tửu, Kiều Mai Sơn với bài Nhà xuất bản Hàn Thuyên - Một hiện tượng độc đáo, của Nguyễn Cảnh Tuấn với Lần đầu gặp gỡ Giáo sư Nhà văn Trương Tửu. Mỗi nội dung bài viết có hướng tiếp cận ở những góc độ, khía cạnh khác nhau, tựu chung lại hội thảo đã diễn ra theo đúng mong muốn của chủ tọa hội thảo như đã nêu ở trên.

Trước nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét, chúng tôi đi đến nhận định Trương Tửu luôn là Trương Tửu với một cá tính riêng. Ông là cây bút phê bình có phương pháp độc đáo, có phong cách đặc trưng của nhà nghiên cứu khoa học, Sức hấp dẫn của ngoài bút phê bình này được bắt nguồn bằng sự tìm tòi giá trị trong các sáng tác Triết lý Truyện Kiều (1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943), Văn chương Truyện Kiều (1944), Văn nghệ bình dân Việt Nam (1951)… để mang lại đóng góp đấy trân trọng được khẳng định “Một trong những cây bút phê bình khoa học đầu tiên có nhiều thành tựu” [119, tr. 17].

Sự nghiệp phê bình của Trương Tửu, là một phần khá quan trọng trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam. Từ đó thấy được ở ông quan niệm về văn chương cho đến phương pháp, phong cách phê bình. Qúa trình tham gia vào hoạt động phê bình văn học của Trương Tửu gồm trước Cách mạng tháng Tám và sau Cách mạng tháng Tám. Ở mỗi giai đoạn này, tư duy của nhà lý luận phê bình có sự thay đổi trong việc lựu chọn phương pháp sáng tác. Sau cách mạng, Trương Tửu luôn giữ thái độ đề cao tinh thần khách quan và khoa học trong sáng tạo, chú trọng việc nhà lý luận tự ý thức về lịch sử tiến trình lịch sử văn học dân tộc để thể hiện nét riêng của ngòi bút trước những sản phẩm có chất lượng.


Như vậy, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, quá trình nghiên cứu về nhà văn Trương Tửu không diễn tiến một chiều theo một đường thẳng thuận chiều, nhìn chung kết quả nghiên cứu ngày càng sâu rộng, toàn diện, khách quan, khoa học. Nếu như giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, những bài viết về Trương Tửu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực phê bình văn học của ông thì sang giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám, nhất là khoảng thời gian từ thập niên đầu thế kỷ XXI trở lại đây, giới nghiên cứu văn học quan tâm “giải mã” nhiều vấn đề liên quan đến cuộc đời và sáng tác của ông. Theo hành trình nghiên cứu, có những tư liệu quý hiếm về Trương Tửu được sưu tầm, tập hợp; có nhận định chưa thấu đáo dần được điều chỉnh; có những đánh giá chưa toàn diện được bổ sung. Đến nay, vị trí và đóng góp (và cả phần hạn chế) của nhà văn Trương Tửu trong nghiên cứu - phê bình văn học đã được xác định.‌‌

1.2. Tiếp nhận văn xuôi của Trương Tửu

Văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn 1930 – 1945 đã nở rộ nhiều thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ca, kịch, lý luận phê bình chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà. Trương Tửu là một trong số nhà văn xuất hiện ở giai đoạn này. Mặc dù phần nghiên cứu về mảng sáng tác văn xuôi của nhà văn tuy còn mỏng nhưng cũng đã có được kết quả bước đầu. Điều này cho thấy sẽ giúp chúng ta có sự đánh giá chuẩn xác hơn về nhà văn TrươngTửu, đồng thời góp phần khẳng định vị trí của nhà văn trong giai đoạn nở rộ trào lưu văn học hiện thực.

Khảo sát những đánh giá nhận xét mang tính hệ thống về nhà văn Trương Tửu qua thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể loại tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác văn xuôi của ông sẽ làm sáng tỏ vị trí nhà văn trong tiến trình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

1.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945

Tự xác định vị trí trong hàng ngũ những “nhà văn tranh đấu”, với 13 tác phẩm văn xuôi bao gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết xuất hiện trên văn đàn trong khoảng thời gian 1937 - 1942, Trương Tửu đã đóng góp vào sự phát triển của trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam.

Xem tất cả 177 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí