Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam - 2


được triển khai, làm rõ, đáp ứng những yêu cầu nghiên cứu lý luận từ góc độ Văn hóa học về VHGĐ, phát hiện những ý tưởng khoa học mới, gợi mở những sáng tạo cho các chủ thể VHGĐ nơi đây tiếp nhận truyền hình đa nền tảng VTV một cách hợp lý, hiệu quả, góp phần xây dựng, phát triển VHGĐ của Thủ đô và VHGĐ trên phạm vi cả nước, hướng tới phát triển văn hóa, con người Việt Nam - sức mạnh nội sinh quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước hiện nay.

1.3. Hiện nay, văn hóa ở thủ đô Hà Nội nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung, đã và đang tiếp nhận sự tác động nhiều mặt của truyền hình đa nền tảng VTV với việc cung cấp một lượng thông tin lớn, nhanh chóng, có độ tin cậy cao, có khả năng chuyển tải kiến thức và thông điệp cuộc sống tích cực một cách tự nhiên và dễ đi vào lòng người, mọi người dễ tiếp cận, giúp chuyển biến nhận thức của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hoá, con người Việt Nam, trong đó tác động trực tiếp đến VHGĐ.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã xuất hiện khoảng gần 800 khu đô thị mới, riêng Thủ đô Hà Nội có trên 30 KĐTM, đó là một trong những thành tựu trong quá trình đô thị hóa, CNH, HĐH trên phạm vi cả nước. Nếu GĐ truyền thống thường có nhiều thế hệ chung sống, thì GĐ ở các chung cư KĐTM thông thường đều là GĐ hạt nhân hai thế hệ cha mẹ và con cái.

Đặc biệt là gần đây, trong bối cảnh đại dịch COVID - 19, các chủ thể VHGĐ tại các KĐTM (cả người lớn và trẻ em) thường sống chủ yếu ở trong các căn hộ khép kín và hàng ngày khai thác, truy cập các chương trình liên quan đến VHGĐ trên hệ thống internet VTV Go, từ đó tiếp nhận nhiều tác động của truyền hình đa nền tảng đa dạng, phong phú về VHGĐ trong nước và quốc tế, truyền thống và hiện đại.

Thực tế cho thấy, VHGĐ tại các KĐTM của Hà Nội đã được hình thành và định vị với những đặc điểm rất riêng từ việc tiếp nhận truyền hình. Tình hình này đòi hỏi cần phải nghiên cứu và luận giải về VHGĐ ở các KĐTM tại Hà Nội với việc tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng của VTV.

1.4. Hiện nay, hệ thống lý thuyết nghiên cứu về mối quan hệ giữa truyền thông, truyền hình với GĐ và VHGĐ đã và đang được nhiều học giả trên thế giới và


trong nước đề cập tới. Tuy nhiên, dường như giới chuyên môn mới chỉ nghiên cứu nhiều về GĐ và VHGĐ dưới góc độ tiếp cận Triết học, Nhân học, Xã hội học và Tâm lý học. Trên thực tế, vẫn còn thưa vắng những công trình nghiên cứu chuyên sâu về VHGĐ với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng dưới góc độ Văn hóa học. Chính vì vậy, nghiên cứu về VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội với việc tiếp nhận các chương trình đa nền tảng của VTV là một yêu cầu cấp thiết đặt ra với mong muốn đóng góp thêm các căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn để phát triển VHGĐ nơi đây.

Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết về lý luận và thực tiễn nói trên, chúng tôi lựa chọn vấn đề: Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam - 2

Trên cơ sở hệ thống lý luận về văn hoá gia đình, truyền hình đa nền tảng, về quá trình tiếp nhận thông tin trên các phương tiện truyền thông và thực trạng việc tiếp nhận thông tin liên quan đến văn hóa gia đình từ các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV của các chủ thể văn hoá gia đình tại một số KĐTM ở thủ đô Hà Nội (KĐTM Mỹ Đình, Green Star và Handi Resco), luận án nhận diện những kết quả, khả năng tác động thay đổi nhận thức, hệ thống hành vi qua quá trình tiếp thu thông tin từ truyền hình đa nền tảng VTV giúp xây dựng, điều chỉnh, phát triển văn hoá gia đình nơi đây theo hướng tích cực trong bối cảnh hiện nay.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, luận án tập trung thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản như sau:

- Thứ nhất, tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến vấn đề văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam, nhận diện và đánh giá về kết quả nghiên cứu của giới chuyên môn, tìm ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu của luận án, đồng thời nghiên cứu khái quát về địa bàn khảo sát tiêu biểu cho các KĐTM ở Hà Nội là khu đô thị Mỹ Đình, Green


Star và Handi Resco.

- Thứ hai, trên cơ sở tiếp thu thành tựu của những người đi trước, luận án hệ thống hóa, phân tích những vấn đề lý luận có liên quan đến truyền thông đại chúng và truyền hình đa nền tảng VTV ở Việt Nam tác động đến VHGĐ; Tiếp tục nghiên cứu những khái niệm công cụ thuộc phạm vi đề tài; Nghiên cứu cơ chế tác động của truyền thông nói chung, truyền hình đa nền tảng, nói riêng đến văn hóa, trong đó có VHGĐ, cùng với sự tiếp nhận truyền hình đa nền tảng của các chủ thể VHGĐ, qua đó đề xuất những ý tưởng về định hướng phát triển, sử dụng các chương trình truyền hình đa nền tảng phù hợp với VHGĐ, có tác động tích cực đến sự phát triển VHGĐ trong xã hội ngày nay.

- Thứ ba, từ khung phân tích về cơ chế tác động của truyền hình, truyền hình đa nền tảng VTV đến văn hóa nói chung, VHGĐ nói riêng và việc tiếp nhận của các chương trình ấy của các chủ thể VHGĐ, luận án khảo sát thực trạng tiếp nhận truyền hình đa nền tảng VTV của chủ thể VHGĐ ở KĐTM tại Hà Nội hiện nay qua các trường hợp tiêu biểu là KĐTM Mỹ Đình, Handi Resco và Green Star. Nội dung khảo sát là nhận diện và đánh giá về VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội với việc tiếp nhận chương trình truyền hình đa nền tảng VTV có nội dung hướng tới VHGĐ.

- Thứ tư, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, luận án đi sâu bàn luận những vấn đề đặt ra từ thực trạng tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng đối với VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội; nghiên cứu dự báo về xu thế vận động, phát triển tương tác giữa truyền hình đa nền tảng VTV với VHGĐ trong tương lai, khuyến nghị một số giải pháp phát huy tác động tích cực của truyền hình đa nền tảng VTV trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự hiện diện dày đặc của các không gian truyền thông mới đang tác động nhiều mặt đến sự phát triển VHGĐ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận án tập trung nghiên cứu về VHGĐ tại KĐTM ở Hà Nội với việc tiếp nhận của một số chương trình truyền hình đa nền tảng VTV có nội dung về VHGĐ


trong bối cảnh hiện nay.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian nghiên cứu: nghiên cứu VHGĐ tại các KĐTM của Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng VTV (cụ thể là khảo sát tại 3 địa điểm KĐTM tiêu biểu là: Mỹ Đình, Green Star và Handi Resco).

- Phạm vi thời gian nghiên cứu: nghiên cứu VHGĐ ở các KĐTM của Hà Nội với việc tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV Go từ khi hệ thống này xuất hiện năm 2015 trên internet đến nay.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận

Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thời kỳ đổi mới, các thành tựu nghiên cứu trong nước và quốc tế hiện nay về lý thuyết truyền thông, về truyền hình hiện đại, về mối quan hệ tương tác giữa truyền thông và VHGĐ.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

4.2.1. Phương pháp phân tích và tổng hợp

“Phân tích” (chữ Hy Lạp: annalysis) có nghĩa là phân giải, tháo dỡ hợp lý sự vật ra theo cấu trúc vốn có của nó. “Tổng hợp” (chữ Hy Lạp: synthesis) có nghĩa là tổ hợp những yếu tố của một vật hay một hiện tượng thành tổng thể, nghiên cứu sự vật trong sự thống nhất của nó [72, tr. 27]. Luận án sẽ tập trung nghiên cứu, phân tích các tài liệu, số liệu, kết quả điều tra, kết quả nghiên cứu đã có để khái quát, tổng hợp đưa ra những đánh giá, nhận định mang tính khoa học về VHGĐ tại các KĐTM của Hà Nội trước tác động của truyền hình. Phương pháp phân tích và tổng hợp sẽ được vận dụng linh hoạt trong khai thác, khảo sát trực tuyến các chương trình VTV trên mạng internet, nhằm mổ xẻ các vấn đề đã được xác định trên cơ sở các nguồn tư liệu đã thu thập, theo đó đánh giá tổng hợp, khái quát được để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của luận án; Phương pháp phân tích và tổng hợp còn được vận dụng để tìm hiểu, đánh giá tình hình nghiên cứu liên quan đến nội dung luận án, tìm ra các vấn đề cần


tiếp tục nghiên cứu.

4.2.2. Phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu

Phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu là phương pháp sử dụng bảng hỏi hoặc đối thoại trực tiếp giữa người nghiên cứu và đối tượng được nghiên cứu, nhằm thăm dò ý kiến, trao đổi để có dữ liệu thực tiễn làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu. Phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu nhằm mục đích thu thập được hệ thống số liệu cần thiết để đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu (định lượng và định tính). Để thu thập các thông tin sơ cấp, định lượng liên quan đến các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV có nội dung tác động đến VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội, những buổi làm việc, phỏng vấn tìm hiểu về nhu cầu xem truyền hình, sở thích xem truyền hình, thời gian xem truyền hình đa nền tảng VTV của các cư dân tại các KĐTM của Hà Nội đã được thực hiện.

Luận án sẽ tiến hành điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu đối với cộng đồng cư dân Hà Nội ở các KĐTM (cụ thể là KĐTM Mỹ Đình, GreenStar và HandiResco), sử dụng khoảng 600 phiếu điều tra cho các đối tượng là các hộ GĐ có hộ khẩu tại các khu vực trên, số phiếu thu về và đưa vào xử lý, khai thác; đồng thời thực hiện phỏng vấn sâu với một số cư dân tiêu biểu tại các KĐTM khác ở Hà Nội.

4.2.3. Phương pháp so sánh

Phương pháp so sánh là trên cơ sở đối chiếu những vấn đề nghiên cứu để làm nổi bật kết quả nghiên cứu về truyền hình, truyền hình đa nền tảng về VHGĐ, về VHGĐ ở các KĐTM tại Hà Nội trước tác động của truyền hình. Việc so sánh đối chiếu sẽ làm rõ kết quả nghiên cứu về sự khác biệt của tác động truyền hình truyền thống và tác động truyền hình đa nền tảng đến VHGĐ. Thao tác so sánh sẽ làm nổi bật sự thay đổi của VHGĐ trước và sau khi có sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng trên internet. Trên cơ sở đó, luận án sẽ có căn cứ khoa học để bàn luận về sự tiếp nhận truyền hình đa nền tảng VTV, đưa ra những dự báo về xu hướng vận động, phát triển của các chương trình truyền hình đa nền tảng hướng tới VHGĐ, sự vận động phát triển của VHGĐ ở KĐTM tại Hà Nội; đề xuất những giải pháp khuyến nghị đổi mới các chương trình VTV phù hợp với nhu cầu phát triển VHGĐ hiện đại, nâng cao


khả năng tiếp nhận thông tin cho các chủ thể VHGĐ để phát triển VHGĐ tại KĐTM tại Hà Nội hiện nay.

4.2.4. Phương pháp logic và lịch sử

Phương pháp logic là tìm ra các mối liên hệ logic của sự vật hiện tượng để suy luận đánh giá vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp lịch sử là nghiên cứu sự vật, hiện tượng và sự kiện bằng cách liên hệ với các điều kiện lịch sử cụ thể làm nảy sinh ra nó để tìm ra bản chất và tính quy luật của sự kiện hiện tượng. Trên thực tế, mọi hiện tượng và sự vật đều có mối liên hệ phổ biến. Chỉ có thể dùng quan điểm lịch sử cụ thể để nhìn nhận, xem xét, phân tích hoàn cảnh lịch sử cụ thể liên hệ với hiện tượng đó thì mới có thể đánh giá đúng bản chất của hiện tượng đang nghiên cứu.

Phương pháp logic và lịch sử là sự tổng hợp của các thao tác nghiên cứu cơ bản trên tinh thần duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để xem xét, nghiên cứu, suy luận, lý giải, khái quát và đánh giá đối tượng nghiên cứu, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, hợp lý, thuyết phục của kết quả nghiên cứu về VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội với việc tiếp nhận chương trình truyền hình đa nền tảng VTV hiện nay.

4.2.5. Phương pháp nghiên cứu trường hợp

Nghiên cứu trường hợp còn gọi là nghiên cứu điển hình (Case study ). Đây là phương pháp được sử dụng rất phổ biến trong nhiểu ngành khoa học như Giáo dục học, Xã hội học, Quản trị học, Luật học, Y học và Văn hóa học. Mục tiêu cơ bản của phương pháp này là tìm hiểu rõ về trường hợp nghiên cứu bằng cách theo dõi sát sao và toàn diện trường hợp đã chọn trong một thời gian đủ dài và ngay tại môi trường tự nhiên của nó. Kết quả nghiên cứu trường hợp (tức là nghiên cứu một trường hợp tiêu biểu, điển hình) cho phép người nghiên cứu đưa ra lời giải thích tại sao mọi việc xảy ra như đã xảy ra, và thông qua đó xác định các vấn đề quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu rộng rãi hơn trong tương lai. Theo đó, thông qua nghiên cứu một trường hợp tiêu biểu, điển hình, người nghiên cứu có thể khái quát rộng hơn về vấn đề nghiên cứu. Trong luận án này, NCS chủ yếu nghiên cứu về VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội hiện nay trước tác động của truyền hình chủ yếu qua một số trường hợp tiêu biểu tại KĐTM Mỹ Đình, Greenstar


và Handi Resco.

4.2.6. Phương pháp quan sát tham dự

Phương pháp quan sát tham dự là hình thức tiếp cận trực tiếp đối tượng nghiên cứu, đảm bảo tính chân thực, khách quan.

Phương pháp quan sát tham dự có ưu thế tiếp cận đời sống của GĐ các cư dân KĐTM ở Hà Nội, kết hợp khảo sát thực tế để nhìn nhận, phân tích, đánh giá, khái quát, từ đó có thể nhận diện thực trạng VHGĐ các KĐTM ở Hà Nội với việc tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV, thu thập thông tin, đánh giá tình hình, góp phần làm sáng tỏ được nội dung nghiên cứu.

5. Câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu

* Câu hỏi nghiên cứu 1: VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội có đặc điểm gì ?

+ Giả thuyết nghiên cứu 1:

VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội có đặc điểm sau đây:

- Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội là sự tổng hòa văn hóa gia đình ở đô thị Thăng Long - Đông Đô truyền thống với VHGĐ đô thị hiện đại

- Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội là sự tổng hợp của văn hóa gia đình Thủ đô và văn hóa gia đình các vùng miền khác trong nước và quốc tế

- Văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội chủ yếu là văn hóa gia đình hạt nhân hai thế hệ (bố mẹ và con cái) cư trú ở đô thị

- Văn hóa gia đình các khu đô thị mới ở Hà Nội mang dấu ấn đa văn hóa, liên văn hóa vùng miền, đan xen với yếu tố nước ngoài

- Văn hóa gia đình ở các khu đô thị mới Hà Nội gắn với xã hội dịch vụ công cộng

* Câu hỏi nghiên cứu 2: Quá trình tiếp nhận chương trình của truyền hình đa nền tảng gắn với VHGĐ của các chủ thể VHGĐ tại KĐTM của Hà Nội đã diễn ra như thế nào ?

+ Giả thuyết nghiên cứu 2: VHGĐ các KĐTM của Hà Nội đã tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV ở các nội dung của VHGĐ như văn hóa ứng xử, văn hóa giáo dục, văn hóa tiêu dùng, văn hóa thẩm mỹ.

* Câu hỏi nghiên cứu 3: Hiệu quả phát triển VHGĐ sau khi tiếp nhận các thông


tin từ nội dung các chương trình truyền hình đa nền tảng của VTV ra sao?

+ Giả thuyết nghiên cứu 3: VHGĐ tại các KĐTM ở Hà Nội đã được bổ sung, gợi dẫn và phát triển từ việc tiếp nhận các yếu tố hiện đại và yếu tố truyền thống của VHGĐ Việt Nam được chuyển tải trong các chương trình của truyền hình đa nền tảng VTV.

6. Những đóng góp khoa học mới của luận án

- Về mặt lý luận: Luận án tổng hợp và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về VHGĐ, về truyền thông và đặc biệt là truyền hình đa nền tảng VTV và việc tiếp nhận các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV của các chủ thể sáng tạo VHGĐ tại các KĐTM. Luận án làm rõ những đặc trưng và ưu thế của truyền hình, truyền hình đa nền tảng

VTV chi phối đến VHGĐ ở các KĐTM của Hà Nội hiện nay.

- Về mặt thực tiễn: Luận án khảo sát và đánh giá thực trạng VHGĐ các KĐTM của Hà Nội với việc tiếp nhận nội dung các chương trình truyền hình đa nền tảng VTV trong thời gian vừa qua, phát hiện những vấn đề đang đặt ra trong xu thế phát triển của các chương trình truyền hình hiện đại. Luận án làm rõ thêm mối quan hệ của VHGĐ các KĐTM của Hà Nội với truyền hình đa nền tảng VTV, đồng thời đề xuất những ý tưởng phát triển VHGĐ tại các KĐTM của Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng VTV.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của luận án gồm 04 chương:

Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và khái quát về địa bàn khảo sát

Chương 2: Cơ sở lý luận nghiên cứu văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam

Chương 3: Thực trạng văn hóa gia đình ở các khu đô thị mới của Hà Nội với việc tiếp nhận truyền hình đa nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam từ 2015 đến 2021 (qua khảo sát tại khu đô thị Mỹ Đình, Greenstar và Handi Resco)

Chương 4: Bàn luận về văn hóa gia đình tại các khu đô thị mới ở Hà Nội với việc tiếp nhận một số chương trình truyền hình đa nền tảng của Đài Truyền hình Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/05/2022