Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 18

ngoại tại và nội tâm thể hiện lý tưởng thẩm mỹ trong văn du ký”. Văn du ký không chỉ kể chuyện mà điều quan trọng là tác giả tự phân tích tâm lý bản thân, trong chừng mực nào đó, văn du ký có nét của một cuốn tự truyện. Cuộc du lịch của nội tâm tác giả hay bức tranh tình cảm của người viết du ký hấp dẫn và quan trọng ít ra là ngang hàng với các sự kiện của thế giới bên ngoài. Các sự kiện thuộc thế giới bên ngoài được tác giả du ký ghi chép thì chúng tôi đã trình bày trong chương 3. Ở đây, chúng tôi sẽ nói về “cuộc du lịch nội tâm” của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và cách thể hiện con người cá nhân của tác giả-người kể chuyện.

Trong văn du ký trung đại, việc bộc lộ cái tôi chủ quan thường thông qua hình thức thơ ca. Người xưa thể hiện cảm xúc bằng cách làm thơ. Thượng kinh ký sự rất tiêu biểu về mặt này. Tác giả có thể làm một bài thơ hay mượn một bài thơ, một câu thơ cổ để biểu đạt nội tâm khi có nhu cầu. Lê Hữu Trác kể khi đi qua đèo Ba Dội (Tam Điệp), nhìn cảnh mây mù, ông xúc động nghĩ đến câu thơ của Hàn Dũ: “tôi mời quan Văn thư cùng uống rượu rồi lên cao nhìn xa, trong lòng man mác, tôi định đọc lại mấy câu thơ của người xưa để khuây khỏa, bất giác tiện miệng ngâm luôn câu thơ Đường: Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại/ Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền (Mây giăng Tần Lĩnh nhà đâu nhỉ/Tuyết đọng Lam Quan vó ngựa chùn) [222, 30]. Đây là đặc điểm chung cho văn xuôi tự sự chữ Hán trung đại chứ không phải là đặc điểm riêng chỉ của văn du ký trung đại. Trong Truyền kỳ mạn lục, ở nhiều truyện, nhân vật thường bộc lộ cảm xúc bằng việc sáng tác thơ hoặc từ khúc.

Khi vào thành Thăng Long, qua cửa Vũ Thành, ông xúc động và lại làm thơ. “Số là, trước kia tôi đã từng trọ học ở nơi này, nhân lúc nghỉ, tôi bèn chống gậy dạo quanh đây đó, ngắm lại cảnh xưa. Tuy rằng núi hồ vẫn như cũ, nhưng chùa Phật, đình đài, dinh quan, trại lính, hết thảy đã khác trước. Người qua kẻ lại đông như mắc cửi, xe ngựa ồn ào. Tôi càng thêm cảm khái, bèn làm một bài thơ giải tỏ nỗi niềm:

Ba mươi năm lưu lạc sông hồ, Chiếu chỉ ai ngờ đến đế đô.

Áo mũ hào hoa phường phố đẹp, Đình đài lầu quán nối trời xa.

Vụng khờ quen tính người quê núi, Thù tạc e dè bậc gấm hoa.

Những chốn rong chơi thời trẻ bé

Nay nhìn quá nửa khác ngày xưa” [222, 35-36], (chúng tôi lược phiên âm chữ Hán).

Chưa nói khuôn hình cảm xúc có phần công thức (đối lập xưa/nay, cuộc đời dâu bể…), thay vì dùng ngôn ngữ để tự phân tích tâm lý, việc người xưa làm thơ để phô bày cảm xúc tất nhiên có những hạn chế dễ thấy đối với tính chân thực và cụ thể cá biệt của cảm xúc như: bài thơ thường lược bỏ chủ ngữ, bị qui định ngặt nghèo bởi thể thơ với niêm luật, bằng trắc, đối xứng, những ước lệ không gian -thời gian v.v…Hình thức làm thơ khi đi du lịch thì ngay trong du ký hiện đại nửa đầu thế kỷ XX vẫn đây đó bắt gặp ở một số tác giả chứ không nhất thiết chỉ tồn tại thời trung đại. Ai Lao hành trình của Trần Quang Huyến [Nam phong số 57-năm 1922] được viết khá giống văn du ký chữ Hán trung đại: kể sự việc và thường kèm theo không ít bài thơ bày tỏ cảm xúc, mà thơ theo thể Đường luật thất ngôn bát cú. Huỳnh Thị Bảo Hòa trong Bà Nà du ký cũng có làm một số câu thơ tuy không nhiều như bài du ký của Trần Quang Huyến.

Văn du ký viết bằng quốc ngữ đã giải phóng khả năng tự phân tích tâm lý tác giả, tạo điều kiện cho tác giả thể hiện sự phong phú đa dạng của thế giới nội tâm. Sự bộc lộ con người cá nhân, thể hiện cái chủ quan của tác giả vẫn theo một trình tự là sự việc diễn ra trước và các cảm xúc được kích hoạt bởi các sự kiện ngoại quan đó. Có tác giả bộc lộ con người cá nhân đều khắp, nhưng có những tác giả cũng hạn chế sự bộc lộ này. Không phải tất cả mọi tác phẩm văn du ký đồng đều nhau về sự khám phá bản thân. Cũng vậy, nhiều sự kiện được kể và việc con người cá nhân bộc lộ có thể ít có gắn bó logich với nhau. Điều này, trong văn xuôi hư cấu cũng có thể gặp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 184 trang tài liệu này.

Người phụ nữ Huỳnh Thị Bảo Hòa tỏ ra là một phụ nữ hiện đại, quan tâm đến nhiều vấn đề của cuộc sống. Trong gần nửa tháng lên nghỉ ở Bà Nà (năm 1931), bà suy tư, nghĩ ngợi, xúc cảm về nhiều chuyện, cho thấy đây là một tâm hồn phong phú chứ không đơn giản chỉ là một người phụ nữ chỉ biết tề gia nội trợ. Về điều lạ lùng của đá Ông Phơi, bà viết “Nhớ khi tôi còn ở quê nhà thấy bọn nông phu, mỗi

khi cày cấy thường hay trông lên núi Chúa xem sắc đá mà chiêm nghiệm nắng mưa, nhiều khi cũng ứng nghiệm lắm. Lấy lý mà đoán lẽ hòn đá ấy sinh trưởng hàng ngàn vạn năm, trải qua sương tuyết, lâu ngày thành ra chuyển theo thời tiết mà thay đổi sắc màu, vì như người thường nói: đá đổ mồ hôi, cũng có lẽ vậy. Duy có điều khác nhau, nhà khoa học thì xét về cách trí, còn bình dân thì tin tưởng về thần quyền, song cũng có lý cả” [32, 54]. Người phụ nữ này tỏ ra có hiểu biết nhất định về cách trí-khoa học. Người kể chuyện đã kết hợp cả ngôn ngữ tự sự và ngôn ngữ trữ tình, biểu cảm, đây là một nét đặc trưng dễ thấy của văn du ký hiện đại.

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học - 18

Khi lên đến đỉnh núi, những suy tư đầy tính triết lý về lẽ đời lại cho thấy bà dường như đọc và ảnh hưởng khá nhiều thi văn truyền thống. Những nét cảm xúc ẩn dật lánh đời của ẩn sĩ trung đại cộng hưởng với thái độ phê phán thực tại xô bồ trong tâm hồn lãng mạn. Đây là cảm xúc điếu cổ thương kim và cũng có hàm tâm sự thời thế: “Chính chỗ ta đứng viếng đây, xưa vua Gia Long đồn binh lập trại, ngày nay người Đại Pháp nối gót dựng lên biệt thự thừa lương, một góc giang sơn, tang thương mấy độ! Điếu cổ hoài kim, mình ta với núi!” [32, 64]. Còn đây là tâm hồn của các nhà nho ẩn dật: “Lạ sao vừa mới ở chốn nồng nàn bực bội vì thán khí ô trọc, tiếp xúc những cảnh phồn hoa bỉ ổi, thốt nhiên một chốc tiêu dao trên khoảng trời xanh, nhìn lại đám hồng trần khói bụi, thì sao khỏi ngạc nhiên, tưởng mình đã lên một quả địa cầu nào khác, trông lại còi trần mà chán!” [32, 57]. Tư tưởng này tiếp tục khi nữ sĩ quan sát cuộc sống cư dân tộc người thiểu số trên dãy Trường Sơn: “biệt lập trong khoảng rừng xanh, sinh nhai về nghề trồng tỉa, an cư lạc nghiệp, vui nước thẳm non cao, tính tình chất phác, phong tục đơn sơ, chưa nhiễm mùi phù hoa đen bạc, chưa tiếp thụ cái đời cạnh tranh kinh tế, thật là riêng hẳn một bầu trời, mà trong ba phần núi một phần đất, dân tộc Mường Mọi ở khắp mọi nơi, nhưng chưa chắc đã hèn đã thua ai” [32, 59]. Dường như nữ sĩ có cả cái nhìn phủ định đối với xã hội đương thời đang lao vào cuộc cạnh tranh kinh tế. “Mình ở non tiên, thương ai trần thế, cùng một buổi này lửa hạ nấu nung, lò cừ hun đúc, những ai ai còn mài miệt trong đám lợi danh, đắm đuối vào trường vinh nhục, thì giọt nước cam lộ cành dương sao tưới khắp” [32, 61]. Ngôn ngữ phân tích, tự sự ở đoạn văn này kết hợp uyển chuyển với ngôn ngữ biểu cảm. Tính chất kế thừa mạch cảm xúc truyền thống

của nhà nho về lẽ hưng vong kim cổ là rò ràng, song cũng cần ghi nhận chất thế sự của suy tư khi xuất hiện chữ Đại Pháp hoặc khái niệm Chánh phủ ở đoạn văn sau.

Quan sát các công trình trên Bà Nà bà thấy toàn của người Pháp, người Nam chỉ phục dịch, bà suy tư: “Không rò vì khó xin đất, hay là sợ tốn tiền và hủ bại, không biết thưởng thức phong cảnh thiên nhiên và di dưỡng thân thể tinh thần, thì thật là đáng lấy làm thương tiếc cho họ lắm”. Người phụ nữ này suy tư về đồng bào, về người Pháp, vừa tiếc cho người Việt, mà ngầm phê phán chính sách bất công của Pháp. Giá cả đắt đỏ chỉ tiện cho người Pháp hưởng thụ nơi nghỉ mát lý tưởng thế này. “Thiết tưởng Chánh phủ mà muốn ra ơn cho được tiện lợi cả hai đàng (ý nói cả người Việt và người Pháp), thì trong các sở chỗ nào còn dư đất, Chánh phủ cho làm thêm một sở nhà riêng tùng tiệm cho các viên chức tòng sự liêu thuộc người An Nam, ai đau ốm mệt nhọc được lên đấy có chỗ nghỉ ngơi điều dưỡng, thì ơn của Chánh phủ ai mà chẳng cảm bội” [32, 58]. Vấn đề mở rộng sang địa hạt chính trị rồi. Đất đai sông núi của người Nam mà lại phải mong mỏi người Pháp chia sẻ cho những nơi nghỉ mát thì quả là mỉa mai, cay đắng.

Là một phụ nữ, nữ sĩ còn quan tâm đến giới nữ của mình. Ngắm trăng trên đỉnh núi, giữa không gian tịch mịch, vắng vẻ, nữ sĩ liên tưởng: “Lẽ trong thanh khí, chị Hằng Nga soi thấu cũng chau mày cho nhân loại, vì nam nữ bất bình, mà vấn đề giải phóng phụ nữ biết bao giờ giải quyết cho xong?” [32, 63]. Trong chiều sâu tâm lý, bà thấy một phụ nữ như mình được lên nghỉ ngơi ở chốn chỉ dành cho nam giới, ngay cả việc ngắm trăng xưa nay cũng là độc quyền của đàn ông nên có liên tưởng về bất bình đẳng nam nữ và vấn đề giải phóng phụ nữ.

Trong một cuộc du lịch Bà Nà, đúng là nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đã làm một cuộc du lịch nội tâm, phát lộ sự phong phú của cảm xúc và tư tưởng mà bình thường nhìn một phụ nữ đầu thế kỷ ít khi người ta hình dung được. Người phụ nữ này không chấp nhận mẫu hình phụ nữ “nội tướng” quen tề gia nội trợ mà tỏ ra bình đẳng với nam giới, ít nhất là bình đẳng về tư tưởng, về suy nghĩ, về những vấn đề mà một người phụ nữ mới-tân thời- có thể, cần phải quan tâm. Ngôn ngữ tự sự và ngôn ngữ trữ tình hòa quyện, kho từ vựng hiện đại đã không còn xa lạ trong văn du ký của bà: thần quyền, khoa học cách trí, cạnh tranh kinh tế, giải phóng phụ nữ.

Văn du ký của nữ sĩ Mộng Tuyết thì giống như một bài thơ, tràn đầy cảm xúc. Lòng người con gái trẻ rung cảm mãnh liệt trước thiên nhiên trời biển hùng vĩ của đảo Phú Quốc. “Tiếng sóng vỗ vào be tàu nghe như một khúc nhạc hùng hồn oanh liệt. Chúng tôi cảm thấy lòng sung sướng mạnh mẽ. Tựa vào be tàu, đăm đăm tôi ngó về phía trước” [31, 382]. Khi đã lên bờ, cô thổ lộ: “Nhớ lại những chuyện nguy hiểm khó khăn của người đi biển bằng thuyền buồm nói lại mà chúng tôi lấy làm sung sướng quá. Trong sáu tiếng đồng hồ đi một cách bình yên mà đã được trải qua cái cảnh bềnh bồng trên mặt biển, hít thở cái không khí thanh tân man mác chốn biển khơi, và được trông thấy bao nhiêu cảnh vật thanh kỳ ở chốn trời nước gió mây thần tiên xa lạ, đối với cái đời êm lặng kín đáo của người con gái ở chốn buồng khuê, thật là một dịp may đặc biệt”. Trong những dòng văn biểu cảm này, chúng ta bắt gặp không chỉ cảm xúc mà còn cả chân dung tự họa của người kể chuyện: Tựa vào be tàu, tôi đăm đăm ngó về phía trước. Xu hướng tự khắc họa chân dung trong du ký Mộng Tuyết rất rò ràng. Chúng ta bắt gặp nhân vật người kể chuyện trẻ trung, hồn nhiên, giàu cảm xúc trong nhiều đoạn của thiên du ký thăm Phú Quốc. Nữ sĩ đã kết hợp kể, tả, bộc bạch tâm sự, tự thể hiện và tự phân tích tâm lý bản thân.

Đối với cô nữ sinh này, đảo Phú Quốc mở ra bao điều mới lạ khiến cho cô háo hức, xúc cảm. Được biết sẽ đi qua rừng sim, sẽ được hái sim, cô tưởng tượng một cảnh lãng mạn “cái thú vui vẻ nên thơ lắm, trên cành nặng trĩu trái chín, điểm có mấy chùm hoa nở muộn trăng trắng hồng hồng. Đây một cô bé xinh tay mang giỏ thay hái trái, nét mặt ngây thơ hớn hở; kia một người thiếu phụ lẩn quẩn dưới gốc cây, nét mặt vô tư lự ở giữa chốn bông trái đầy rẫy nhẹ nhàng uốn éo, rồi cất tiếng hát ca véo von êm ái…Nghe nói mà thích quá, những ước ao được một dịp đi hái sim. Nhưng nay đến đây, mùa này, thì chỉ có cành không trơ trọi thổi qua một ngọn gió vô tình. Chúng tôi bồi hồi đứng tiếc” [31, 385]. Khác với nhiều áng văn du ký nặng về kể, tả ngoại cảnh và sự việc, du ký Chơi Phú Quốc của Mộng Tuyết thường diễn tả các cảm xúc mạnh mẽ, sâu xa, đầy chất lãng mạn trước mỗi sự kiện, cảnh vật, thể hiện một tâm hồn đa cảm, giàu yêu thương, khát vọng.

Đi chân trần trên cát mịn, cô liên tưởng đến sự chăm sóc của cha mẹ: “Cái chân được cha mẹ “cưng” không mấy khi để dấn trên đường cát bụi. Nghĩ cái lòng

thương con của cha mẹ thật là vô cùng, không nói cái lòng thương đó nên như thế hay không nên như thế” [31, 385]. Ý cô là có lẽ cha mẹ nên để cho con cái xông pha “bụi bặm” trong cuộc đời hơn là bao bọc chúng trong nhung lụa để rồi chúng mất đi khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh không mấy thuận lợi.

Giữa thiên nhiên mênh mông và hoang sơ trên đảo, Mộng Tuyết thể hiện sự hồn nhiên trong trẻo của một thiếu nữ. “Trong những “cù lao nhỏ” ấy là chỗ trú của giống chim cúc. Tiếng người bước xột xạt, vài con ở gần giật mình cất cánh bay vù ra rồi xao xác tìm bụi khác chui vào. Thích quá, chúng tôi chạy đến mấy bụi khác đuổi phá. Chim lại bay vù rồi xao xác tìm bụi khác chúi vào. Mải đùa giỡn như thế mà khi đến bãi biển mặt trời đã xuống kề mặt nước” [31, 387].

Với tâm hồn trẻ trung lãng mạn, đêm trăng đẹp lại càng quyến rũ. “Đêm nay trăng tốt quá, giờ phút thần tiên dễ bỏ hoài, chúng tôi liền dở cuộc thưởng trăng chơi phiếm trên sông. Cơm tối xong chúng tôi xuống chiếc thuyền con…Chúng tôi sung sướng ở giữa khoảng đêm thanh tĩnh trăng soi gió thoảng như vậy. Chúng tôi mơ màng phảng phất như đang phiếm du trên Hương Giang mà trong mộng tưởng đã vẽ vời theo kỷ thuật của các nhà du lịch đất Trường An…Đêm đã khuya quá rồi mà chúng tôi còn tiếc mãi, chưa đành dứt về được…Thật không còn gì thú bằng ở chỗ mênh mông trời nước vài người tri kỷ bàn câu chuyện văn chương buông tầm mắt ở chỗ tuyệt vời trong khoảng bóng trăng làn sóng, nào có biết đâu trong đời còn có chuyện đáng bực mình” [31, 387- 389]. Những cụm từ diễn tả cảm xúc như “chúng tôi sung sướng”, “chúng tôi mơ màng”, “thích quá”, “chúng tôi cùng vui cười”, những câu văn vừa kể vừa tả cảm xúc rất phong phú trong bài du ký này “chúng tôi chạy giỡn nô đùa, nhởn nhơ như đàn bướm lượn, sung sướng như trẻ con được phát quà”, “tôi, trong lòng phấp phới, có cái cảm giác nóng nảy mừng vui như muốn vụt một cái nhảy lên bờ”… Các hành động được tác giả kể, tả để biểu đạt cảm xúc.

Từ chiều sâu của vô thức, một cô gái ở tuổi học trò sống trong xã hội đang chuyển mình từ xã hội phong kiến Phương Đông sang xã hội hiện đại, tiếp nhận ảnh hưởng của văn chương và lối sống Phương Tây, chúng ta cảm nhận được sự bung phá của khát khao tự do, khát khao được là chính mình. Những tín điều công, dung,

ngôn, hạnh bao đời ràng buộc người phụ nữ Việt Nam cũng như Phương Đông nay phải nhường bước-cứ cho là tạm thời trong khi Mộng Tuyết đi du lịch Phú Quốc- cho sự hồn nhiên, tươi tắn, thành thực, lãng mạn, trẻ trung. Cuộc du lịch đảo Phú Quốc của Mộng Tuyết song hành với cuộc du lịch nội tâm, sự tự khám phá, bộc lộ bản thân, điều mà nếu cứ ngồi trong bốn bức tường nhà hẳn cô không thể tưởng tượng nổi. Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là các bộc lộ của nhân vật người kể chuyện đều hợp lý chứ không gượng gạo: mỗi cảm xúc, suy tư được khơi gợi từ các sự việc, cảnh quan có thực, một cách ngẫu nhiên, không sắp đặt. Các cảnh huống và sự kiện được đưa vào du ký là rất đa dạng, không đơn giản chỉ là những cảnh huống và sự kiện chỉ có quan hệ với thế thái nhân tình như trong du ký trung đại. Trái lại, trong văn du ký hiện đại, đó là các cảnh và sự kiện do tác giả-người du khách -chứng kiến trên đường đi.

Đinh Gia Trinh vào năm 1941 trên Thanh nghị từng viết: “Ở văn chương Việt Nam không có những bệnh não khó chữa của trái tim, mà cũng không có những cuộc chạy rông của trí tưởng tượng. Đông phương là rất ưa yên tĩnh, ít sôi nổi, bồng bột. A. France thực là người Tây phương khi ông ta viết: "Tôi thích sự điên dại của lòng ham thiết tha hơn là thái độ lãnh đạm hiền triết." (Je préfére la folie des passions à la sagesse de l'indifférence)” [225, s. 2, tr. 16]. Chúng ta hiểu rằng nhà phê bình đang nói về văn học trung đại chứ không phải nói về văn chương Việt Nam đương thời. Văn du ký với xu hướng tự phân tích tâm lý, tự khám phá, bộc lộ bản thân của Mộng Tuyết đã báo hiệu sự khắc phục những hạn chế của văn chương truyền thống đó.

Nhật Nham-một công chức tòa sứ nhiều tỉnh19- đi du lịch hồ Ba Bể lại bộc lộ

một con người trí thức quan tâm nhiều đến văn hóa ứng xử (hay là bản sắc) của con người, có lẽ với tâm nguyện muốn người Việt thay đổi. Các sự việc diễn ra trong mắt ông gây cho ông những cảm xúc, suy tư về văn hóa. Không phải ông suy tư mông lung mà chính các sự việc ông chứng kiến đã gây nên các trạng thái nội tâm. Cảnh xe khách dồn ép khách để chở được nhiều, thu lắm lợi: “Người làm ô tô vì


19 http://www.vanhoabacgiang.vn/node/268. cho biết Nhật Nham Trịnh Như Tấu quê ở Bắc Giang, từng làm Tham tán tòa sứ Bắc Giang, rồi Hà Nam, Lao Cai, Hưng Yên.

quá ham lợi, không hề bỏ lại người nào cho những xe chạy các giờ sau, cứ luôn luôn cho xe dừng lại rồi lèn hành khách như nêm cối! Họ coi thường cả nhân mệnh những kẻ đã nuôi sống họ” [126, s. 58, tr. 709]. Ông ngán ngẩm than thở về sự thản nhiên đến mức lạnh lùng của nhà xe khi thùng dầu đặt trên nóc xe nhỏ giọt vào đầu một nữ hành khách: “Ấy đấy, cách cư xử của người mình có đáng ngán không! Phần đông chỉ nghĩ đến lợi riêng, “sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi”, có mấy ai đã biết trọng cái quyền lợi của người khác. Vị kỷ mà chẳng vị tha, xưa nay vốn là bệnh chung của người đời”. Hình như vào thời điểm năm 1942, chiến tranh thế giới lần thứ II đang diễn ra quyết liệt nên tầng lớp trí thức công chức như Nhật Nham bàn luận nhiều về chiến tranh thế giới nên những cảm xúc đó bỗng bật dậy khi ông đi xe khách nhìn thấy những cảnh chướng tai gai mắt. “Ngày nào loài người còn say đắm trong cái bể tham không đáy, ngày nào con người còn luẩn quẩn trong vòng “tam độc” tham, sân, si thì trên sân khấu doanh hoàn còn diễn nhiều tấn tuồng bi đát” [126, s. 58, tr. 709].

Nhìn những người phụ nữ cưỡi ngựa đi chợ mua thực phẩm trở về, vị công chức tòa sứ này suy tư về sự thay đổi thích ứng của phụ nữ theo hoàn cảnh sống hiện đại: “Được nửa đường, chúng tôi gặp mấy người đàn bà ta 20 cưỡi ngựa đương trèo dốc, trên lưng ngựa có đeo nhiều thực phẩm. Hỏi ra mới biết thường nhật các bà vợ các ông Ký mỏ trên Plateau (cao nguyên) xuống chợ điền để mua các thứ nhật dụng. Nhân thấy vậy, tôi nảy ra một quan niệm: Nghĩ như đàn bà con gái nước ta khi xưa, những ai hỏi vào bậc phong lưu khuê các, đâu có biết rừng xanh suối bạc, mà ngồi trên lưng ngựa thâu ngày! Chẳng qua đó cũng là cảnh ngộ có thể làm cho người ta biến hóa khí chất vậy. Phải chăng là “thiên nhiên học hiệu” của cuộc sinh nhai buổi mới…” [126, s. 67, tr. 928]. Những suy nghĩ có vẻ thoáng qua đã nêu một

vấn đề có tính lý luận quan trọng về nữ tính: cái gọi là nữ tính thực ra chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh sống. Phong lưu khuê các là lối sống chốn thị thành của phụ nữ thuộc tầng lớp trên. Vẫn chính những người phụ nữ đó nếu gặp hoàn cảnh sống ở vùng núi thì họ sẽ thay đổi.


20 Ý nói phụ nữ người Kinh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022