Những Hạn Chế Trong Nghiên Cứu Vấn Đề Con Người Của Trần Đức Thảo

hỏi phải có con người đáp ứng bản chất, trình độ đặc biệt của nó. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi con người với phẩm chất, trình độ, năng lực lao động rất cao, tư duy và hoạt động sống rất mới. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi cấp bách phải có con người của cách mạng 4.0. Quan điểm về con người tiềm năng, con người chứa đựng sức mạnh bản chất do lịch sử 3 triệu năm tạo dựng nên có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển con người đáp ứng thời đại cách mạng 4.0 hiện nay. Quan điểm đó đã được Trần Đức Thảo đưa ra 30 năm trước thực sự là có ý nghĩa đối với việc xây dựng và phát triển những phẩm chất, năng lực con người thời đại 4.0. Cần nắm lấy bản chất con người với các phẩm chất, năng lực, các tiềm năng vốn có để xây dựng và phát triển con người của thời đại 4.0, đáp ứng đòi hỏi con người sống và hoạt động của con người 4.0.

4.2. Những hạn chế trong nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo

Thành tựu nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo, như đã phân tích trên, cần được đánh giá cao cả về giá trị khoa học và đóng góp triết học, cả về trí tuệ, tài năng và ý chí của một triết gia bản lĩnh và tâm huyết. Tuy nhiên, con người là đối tượng hết sức phức tạp, lịch sử nghiên cứu về nó cho thấy, ở đó chứa đầy bí ẩn, chỉ có thể tiếp cận, bóc tách từng lớp để đi dần vào chiều sâu, khám phá dần những bí ẩn của nó. Vì vậy, lịch sử nghiên cứu con người, từ xưa đến nay, đã không khỏi gặp những khó khăn, hạn chế, bất cập, thậm chí không ít sai lầm. Trần Đức Thảo cũng không thể vượt ra ngoài thực tế khó khăn đó.

Chúng ta đều biết, triết học Mác lấy con người làm đối tượng trung tâm, và có thể nói, các nội dung căn bản của vấn đề con người – từ nguồn gốc, bản chất, cho đến con người chung, con người cụ thể, con người giai cấp, sự tha hóa con người và giải tha hóa con người, v.v.. đều đã được nghiên cứu. Các nhà triết học mácxít sau Mác, khi nghiên cứu về con người, cũng chỉ có thể đi sâu khía cạnh này hay khía cạnh khác, thành quả cũng chỉ là dựa vào khoa học hiện đại để khám phá và nắm bắt sâu sắc thêm những khía cạnh, những nội dung cơ bản của vấn đề. Cái mới, giá trị khoa học mới của Trần Đức Thảo trong nghiên cứu vấn đề con người, dù được giới triết học trong và ngoài nước đánh giá cao, thì cũng là cái mới, giá trị khoa học mới trong tầm

mức đó. Sẽ chưa thật sự thuyết phục về mặt khoa học nếu đánh giá rằng, Trần Đức Thảo đã phát hiện ra những cái mới và phát triển triết học Mác trong vấn đề con người. Cái mới, giá trị khoa học mới của Trần Đức Thảo là ở chỗ, ông đã phân tích sâu, lý giải rõ, mở rộng thêm một số khía cạnh, nội dung của vấn đề con người; đặc biệt là sự phân tích sâu, lý giải rõ, mở rộng đó bằng cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu độc đáo; ông chưa có những phát hiện mới; chưa đưa ra được quan điểm mới vượt ra ngoài hệ thống quan điểm triết học của Mác về vấn đề con người.

Thành công trong nghiên cứu con người của Trần Đức Thảo là đã sử dụng cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu tổng hợp và liên ngành: triết học (duy vật biện chứng - duy vật lịch sử, phân tích - tổng hợp, trừu tượng hóa

– khái quát hóa…), sinh - tâm lý học, tiến hóa luận, ngôn ngữ học - ký hiệu học,…; luận giải một cách cụ thể, thực chứng trên cơ sở các cứ liệu của: khảo cổ học, cổ sử học, cổ nhân học, dân tộc học, tâm lý học, v.v…; chứng minh một cách có căn cứ những ý tưởng, những khía cạnh trong các nội dung cơ bản mà triết học Mác đã nghiên cứu. Với tất cả những kết quả đã trình bày ở các chương trên, có thể khẳng định thành tựu nghiên cứu của Trần Đức Thảo là rất lớn. Tuy nhiên, về hạn chế thì, thành tựu của ông chưa phải là phát triển triết học Mác, mà là khám phá, tìm kiếm, luận giải, chú giải cho rõ thêm, làm sâu sắc và thuyết phục thêm các luận điểm của triết học Mác về vấn đề con người.

Tư tưởng triết học Mác về con người, đã được nhiều thế hệ triết học sau Mác tiếp tục đào sâu và làm phong phú nhờ thành tựu của các khoa học hiện đại, Nghiên cứu con người của Trần Đức Thảo đã gặp không ít khó khăn trong việc luận chứng và chứng minh một số nội dung, khía cạnh của nó bởi hạn chế lớn về tư liệu khoa học hiện đại. Chúng ta đều biết, sau biến cố “Nhân văn giai phẩm”, Trần Đức Thảo bị cách ly khỏi các nguồn tư liệu khoa học mới và quan trọng. Những dữ liệu mà ông có được phần nhiều là lạc hậu. Các nội dung của vấn đề con người như: các tầng bản chất con người, sự biến đổi hệ thần kinh tạo ra sự chuyển biến từ con vật thành con người…, mặc dù được ông luận giải là có tính logic, hợp lý và bằng các cứ liệu cụ thể, nhưng chúng vẫn mang tính tư biện của tư duy triết học - hiện tượng học; nhiều cứ liệu của di truyền học hiện đại hầu như thiếu vắng trong sự lập luận, chứng minh các cơ chế, diễn

biến hết sức phức tạp của quá trình chuyển hóa từ con vật thành con người, về sự phát triển của hệ thần kinh, hệ tâm thần, về tâm lý, ý thức và nhân cách, v.v.. Tất nhiên, xét một cách công bằng thì, cho đến thời điểm hiện nay, những nội dung, những khía cạnh của vấn đề con người mà Trần Đức Thảo nghiên cứu vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá và các nhà chuyên môn vẫn tiếp tục tìm kiếm, khám phá, phát triển, thậm chí vẫn còn rất nhiều tranh cãi về mặt khoa học. Ở góc độ nào đó, có thể đánh giá những kết quả nghiên cứu của Trần Đức Thảo vào thời điểm của ông là rất đáng khâm phục và trân trọng, mặc dù những đề xuất của ông vẫn chỉ dừng ở dạng giả thuyết, chúng có giá trị ở dạng gợi mở, đặt viên gạch, những mắt xích cho việc tiếp tục nghiên cứu vấn đề con người và các khoa học khác về con người.

Trong Lời nói đầu cuốn Sự hình thành con người, bản thân Trần Đức Thảo cũng đã đề cập đến những hạn chế của mình trong quá trình nghiên cứu công trình này. Với thành tựu khoa học hiện đại, chúng ta đều thấy, việc lý giải về bước chuyển hóa từ con vật sang con người mà chỉ dựa trên Thuyết tiến hóa Darwin, nghiên cứu của Michurin, Pavlov, v.v.. (thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX) là thiếu cập nhật, là còn đơn giản, thiếu nhiều cứ liệu khoa học tự nhiên, nhất là sinh học và di truyền học hiện đại. Lý giải về di truyền và sự hình thành tính cách là sự nghiên cứu đặc sắc của ông, song kết quả nghiên cứu sẽ thuyết phục hơn, nếu như dựa vào những phát hiện của khoa học thần kinh hiện đại, di truyền học hiện đại để làm sáng tỏ vai trò của yếu tố di truyền đối với sự hình thành, sự phát triển thế giới tinh thần của con người.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Về bản chất con người, mặc dù Trần Đức Thảo có sự khám phá sâu sắc về nhận thức cũng như phân tích chiều sâu lịch sử với 4 tầng bản chất của nó, nhưng một vài chỗ phân tích trong đó còn mang nhiều tính tư biện. Cho đến nay, việc nghiên cứu cơ chế của sự tác động qua lại giữa mặt sinh học và mặt xã hội trong con người đang gặp khó khăn và chưa có những cứ liệu đủ thuyết phục, nhưng “hoàn toàn có thể tin rằng, thông tin di truyền và cơ cấu sinh học, tự thân chúng, không thể bảo đảm cho con người đạt đến đời sống văn hóa, tinh thần và xã hội phát triển cao được và càng không thể là mặt quyết định bản chất của con người. Mặt quyết định, mặt đảm bảo cho sự phát triển toàn diện ấy chính là xã hội, các quan hệ xã hội” [9, tr.408-409].

Nghiên cứu sự hình thành con người cũng như sự hình thành ngôn ngữ và ý thức, Trần Đức Thảo có cách thức tiếp cận độc đáo, đi sâu phân tích, làm rõ nhiều khía cạnh mới. Tuy nhiên, bản thân Trần Đức Thảo cũng đã nhận thấy ở đó ông đã “…dựa vào sự lộn xộn giữa các cử chỉ của động vật chưa hình thành con người với con người nguyên thủy nhất, khiến cho tôi xóa bỏ trên phương diện ký hiệu học sự khác nhau về bản chất giữa động vật tiến hóa nhất với con người cổ xưa nhất bằng cách thu gọn tính đặc thù của ngôn ngữ con người vào sự phát triển đơn giản kết hợp các ký hiệu cử chỉ - cảm xúc – điều này hiển nhiên cho thấy một thái độ siêu hình máy móc” [110, tr.13]. Sự tự đánh giá trên của Trần Đức Thảo cho thấy tính nghiêm túc, con người luôn coi trọng chân lý khoa học, sẵn sàng kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nhận ra hạn chế để có thể tiếp tục đạt kết quả cao hơn, phát triển theo hướng đúng đắn nhất.

Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 19

Về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức, học giả Jacinthe Baribeau đã đánh giá cao rằng, Trần Đức Thảo có cách tiếp cận độc đáo và mới mẻ ở chỗ, ông đã kết hợp một cách khéo léo ưu thế của ngôn ngữ tâm lý học và nhân chủng học với hiện tượng luận, làm rõ vai trò của âm hiệu và chỉ hiệu (ký hiệu học) trong sự trỗi dậy của người khôn từ người Vượn. Tuy nhiên, cũng chính học giả này đã phê phán Trần Đức Thảo rằng, ở một số định nghĩa, chẳng hạn như khái niệm “vô thức”, Trần Đức Thảo luận giải chưa thật rõ ràng, chủ yếu theo hướng quy chụp chủ quan theo ý mình.

Mặc dù sử dụng phương pháp duy vật biện chứng trong nghiên cứu, nhưng bản thân Trần Đức Thảo cũng tự nhận thấy hạn chế và tính mập mờ trong phương pháp nghiên cứu của mình, ông vẫn rơi vào duy thức luận giữa C.Mác và Husserl trong việc luận giải quá trình nảy sinh tâm thức qua hình thái vận động có hướng. Ông nhận thấy, nếu như ngày ông nghiên cứu về vấn đề đó mà hệ tư tưởng của ông rõ ràng hơn, không bị “những điều kiện của tệ sùng bái cá nhân đưa tới việc sa lầy của cuốn sách, thì có lẽ ông không rơi vào “bế tắc của sự đặt kề bên nhau trong hiện thực siêu hình giữa nội dung hiện tượng học với một nội dung vật chất, điều này mở ra con đường quay trở về với nhị nguyên luận ít hay nhiều mang tính duy tâm” [110, tr.19].

Một số nội dung, một số khía cạnh trong vấn đề con người, mặc dù có sự phân tích cụ thể và thực sự đã được Trần Đức Thảo làm sâu sắc thêm,

nhưng theo đánh giá của nghiên cứu sinh, ở đó không có những phát hiện hay bổ sung hoàn toàn mới. Thí dụ: Trần Đức Thảo đưa ra 2 giai đoạn với 6 bước chuyển hóa từ con vật sang con người, cách phân chia này thực chất không phải là quan điểm hoàn toàn của ông. Về quá trình hình thành con người trong nghiên cứu của Trần Đức Thảo, mặc dù dựa trên thuyết tiến hóa khoa học và có sự lý giải thực chứng bằng các cứ liệu khoa học cụ thể, nhưng chủ yếu vẫn là lý giải rõ thêm quan điểm lịch sử hình thành con người của C.Mác. Về lao động và sự hình thành ngôn ngữ cũng như sự phân cấp 4 tầng bản chất con người, cùng với những đóng góp quan trọng về cách luận chứng có giá trị khoa học thì ở đó Trần Đức Thảo cũng chủ yếu là dựa vào quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Về con người tha hóa – chủ yếu ông giải thích, minh họa cho rõ thêm, là sự chi tiết hóa, lý giải kỹ hơn quan điểm của C.Mác về bản chất con người và về tha hóa (trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844); v.v..

Về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo là mới và độc đáo ở tình tổng hợp, liên ngành, kết hợp lý thuyết với cứ liệu nhiều khoa học cụ thể, song ở đây cùng có chỗ thể hiện sự thiếu rạch ròi, vẫn có sự mập mờ giữa các phương pháp: “Chúng ta có thể thấy trong Logic của cái hiện tại sống động thấp thoáng học thuyết về dòng chảy của Héraclite, quan niệm thời gian của Aristoteles, quan niệm về thời gian luôn dịch chuyển của Husserl, và quan niệm về “Logic với toàn bộ tầm vóc phát triển” của Hêghen, và thấp thoáng hình ảnh thời gian của phép biện chứng mácxít” [2, tr.181]. Mặc dù còn những hạn chế nêu trên, nghiên cứu vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo xứng đáng được ghi nhận như là đóng góp quan trọng cho việc làm phong phú và sâu sắc thêm nhiều quan điểm của triết học Mác về con người.

Tất nhiên khoa học nào cũng có những thiếu sót, nghiên cứu nào cũng có những hạn chế. Hạn chế của Trần Đức Thảo là hạn chế nằm trong thành tựu lớn lao của chính ông. Nhìn tổng quát, thành công trong nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo là có đóng góp to lớn đối với sự làm phong phú, sâu sắc và phát triển tư tưởng về con người trong triết học Mác.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 4


1. Việc lựa chọn vấn đề con người làm đối tượng nghiên cứu triết học của Trần Đức Thảo là thành công cần được đánh giá cao: a/ Thể hiện một tư duy triết học đúng đắn – triết học dù nghiên cứu cái gì thì cuối cùng phải trở về với con người; b/ Sự từ bỏ hào quang - sớm sáng danh từ hiện tượng học - để trở về với nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, phát triển con người.

2. Nghiên cứu vấn đề con người, Trần Đức Thảo từ bỏ phương pháp hiện tượng học, vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của triết học Mác, đồng thời kết hợp một số phương pháp hiện đại của các khoa học thực chứng, do đó đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học.

3. Trên nền tảng triết học Mác về con người, Trần Đức Thảo phân tích, lý giải một cách cụ thể, thực chứng khá thuyết phục những nội dung, khía cạnh cốt lõi của vấn đề con người như: nguồn gốc con người, sự hình thành những phẩm chất người, con người xã hội, con người giai cấp, bản chất con người, con người tha hóa, giải tha hóa con người.

4. Những kết quả nghiên cứu của Trần Đức Thảo đã góp phần bảo vệ vấn đề con người trong triết học Mác trước sự phủ nhận vấn đề con người trong triết học Mác và chủ nghĩa Mác; đề xuất được một số quan điểm có giá trị về giải tha hóa con người và phát triển con người ngay từ thời kỳ đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa.

5. Tuy nhiên, trong nghiên cứu vấn đề con người, cả nội dung và phương pháp nghiên cứu của ông có một số hạn chế:

- Sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, như bản thân ông thừa nhận và thực tế vận dụng, chưa thật nhuần nhuyễn, nhiều chỗ còn cứng nhắc và máy móc.

- Vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử trong lý giải những nội dung của vấn đề con người có chỗ còn lẫn lộn với các phương pháp hiện tượng học, siêu hình học và tư biện.

KẾT LUẬN


Việc lấy vấn đề con người làm đối tượng nghiên cứu cho thấy ở triết gia Trần Đức Thảo một tầm nhìn khoa học và tư duy triết học đúng đắn - triết học, dù nghiên cứu cái gì, góc độ nào, thì cuối cùng cũng phải trở về với con người - lý giải, trả lời những câu hỏi về con người, phục vụ cuộc sống con người.

Nghiên cứu vấn đề con người ở Trần Đức Thảo không phải là tình thế ép buộc, đó là sự lựa chọn của trí tuệ, của trách nhiệm và cả sự dấn thân. Tỏa sáng trong hiện tượng học, Trần Đức Thảo không thỏa mãn, đắm mình trong đó, mà trái lại, ông phát hiện ra cái hạn chế của triết học đó, nhất là hạn chế về khả năng nhận thức và khám phá thế giới, khám phá xã hội và con người.

Hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa cấu trúc, ở các góc độ khác nhau, đã trang bị cho Trần Đức Thảo tri thức triết học phong phú, gợi mở cho ông tư duy mới về con người. Đặc biệt, triết học Mác, với bản chất khoa học, cách mạng đã thức tỉnh và chắp nối mạch nguồn phát triển tư duy triết học về con người ở Trần Đức Thảo, nhất là khi vấn đề con người của triết học Mác bị phủ nhận, trách nhiệm triết học đã thôi thúc ông nghiên cứu con người để bảo vệ triết học Mác. Hướng chọn vấn đề con người của ông còn do một động lực mạnh mẽ thôi thúc, đó là tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do và phát triển xã hội của nhân dân tiến bộ trên thế giới và ở Việt Nam.

Nghiên cứu vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo, qua các công trình ông đã công bố, chúng ta thấy, chúng không được tiến hành theo một trật tự thời gian, song nội dung của chúng lại nằm trong một hệ thống có tính logic chặt chẽ, đó là tất cả những gì của con người và liên quan đến con người.

Thành công trong nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo là đã luận giải, chứng minh theo cách mới có sức thuyết phục về: nguồn gốc con người; sự hình thành những tố chất người – tâm thần, tính cách, tâm lý, ngôn ngữ và ý thức, nhân cách, con người xã hội (người chung của loài) và con người riêng (cụ thể); cá nhân nhân cách và cá nhân lệ thuộc; bản chất con người với toàn bộ năng lượng và tài năng; con người tha hóa và giải tha hóa - giải phóng, phát triển con người; v.v..

Thành công nổi bật của Trần Đức Thảo không chỉ ở việc đi sâu phân tích rõ, khái quát các nội dung các nội dung, các khía cạnh phong phú có tính hệ thống; ông còn trả lời những câu hỏi mà vấn đề con người đặt ra bằng cách tiếp cận và phương

pháp nghiên cứu mới – liên ngành và tổng hợp. Ông cũng giải quyết vấn đề bằng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, các phương pháp cụ thể như lịch sử và logic, phân tích và tổng hợp, khái quát hóa, nhưng cái độc đáo của ông là kết hợp các phương pháp cổ sinh học, nhân chủng học, tâm ký học, ký hiệu học, v.v.. do đó đã lý giải, chứng minh một cách thực chứng, có sức thuyết phục các đối tượng; có thể nói, ông là người tiên phong nghiên cứu con người theo phương pháp này.

Thành công nghiên cứu của Trần Đức Thảo, một mặt đã bảo vệ thuyết phục vấn đề con người của triết học Mác trước sự phủ nhận vấn đề con người trong triết học đó. Quan trọng hơn, ông đã làm phong phú và sâu sắc thêm nhiều quan điểm, khía cạnh trong nội dung vấn đề con người của triết học Mác: quan điểm “bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” đã được ông mở rộng cả bề rộng lẫn chiều sâu, luận giải thực chứng sự xuất hiện con người bằng sự xuất hiện cái tâm thần, cơ cấu tâm lý, ý thức, nhân cách, bản chất con người là nơi chứa đựng tiềm năng và sức mạnh con người.

Đóng góp quan trọng của Trần Đức Thảo còn là quan điểm về tha hóa và giải tha hóa con người trong thời đại ngày nay. Từ chứng minh bản chất con người là toàn bộ tiềm năng sức mạnh con người, ông lý giải sự tha hóa con người là sự bị tước đoạt cái bản chất đó, và giải tha hóa là giải phóng và phát huy tiềm năng con người, phát triển con người bằng phát huy mọi sức mạnh vốn có của con người.

Cùng với những thành công và đóng góp mới, trong nghiên cứu của Trần Đức Thảo, cả phương pháp lẫn nội dung có một số hạn chế. Nội dung vấn đề con người mà Trần Đức Thảo nghiên cứu, về cơ bản đã được triết học Mác giải quyết về lý luận. Trần Đức Thảo chủ yếu đã lý giải, luận chứng rõ và sâu thêm, khó có thể đưa ra phát hiện mới vượt ra ngoài hệ thống vấn đề con người của triết học Mác. Sự vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nhiều chỗ chưa thật nhuần nhuyễn, cứng nhắc, mang tính tư biện, thậm chí có chỗ lẫn với phương pháp hiện tượng học và siêu hình học.

Đánh giá chung, vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo là một vấn đề triết học cơ bản; thành tựu nghiên cứu của ông về đối tượng đó đã thu được nhiều giá trị lý luận và thực tiễn lớn; đóng góp khoa học, cả nội dung lẫn phương pháp là hết sức quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu triết học nói chung, nghiên cứu con người nói riêng ở nước ta hiện nay.

Thành công và hạn chế trong nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo gợi mở cho triết học tiếp tục nghiên cứu vấn con người hiện nay: Tiếp cận vấn đề con

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/12/2022