- Thông tin cá nhân của người được hỏi: gồm các thông tin về giới tính, tuổi, thâm niên công tác tại DN, vị trí quản lý, trình độ học vấn và kinh nghiệm quản lý.
Các kết quả khảo sát lãnh đạo DN được sử dụng để chạy mô hình hồi quy khi xem xét mối quan hệ tác động giữa thực hiện TNXH với người lao động và môi trường với hiệu quả tài chính của DN.
Bước 3: Thiết kế nghiên cứu chính thức
- Quy mô mẫu được chọn dựa trên kỳ vọng về độ tin cậy, phương pháp phân tích dữ liệu, phương pháp ước lượng tham số và các tham số cần ước lượng. Nghiên cứu định lượng của luận án chủ yếu dựa trên phân tích hồi quy do đó cần xác định quy mô mẫu hợp lý để tiến hành phân tích. Hair và các cộng sự (1998) cho rằng theo quy tắc thông thường kích thước mẫu phải bằng hoặc lớn hơn 100 và mẫu nhỏ nhất phải có tỷ lệ mong muốn là 5 quan sát cho mỗi biến (n>100 mẫu và n=5k, trong đó k là số lượng các biến quan sát tương đương với số câu hỏi nghiên cứu. Như vậy nghiên cứu có 45 biến quan sát do đó, cỡ mẫu tối thiểu là 55*5=225 quan sát.
Mặt khác, theo Roger (2006) cỡ mẫu tối thiểu áp dụng được trong các nghiên cứu thực hiện là 150 đến 200 quan sát. Bên cạnh đó Tabachnick và Fidell (1991) cho rằng kích thước cỡ mẫu phải lớn hơn hoặc bằng 8m+50 (trong đó m là số biến trong mô hình phân tích hồi quy bội, nghiên cứu này được thực hiện với 9 biến độc lập do đó kích thước mẫu là n=8*9+50=122 quan sát.
Nhằm đảm bảo tính đại diện cho nghiên cứu, tác giả cố gắng thu thập một số lượng lớn nhất phiếu khảo sát. Tuy nhiên, do hạn chế bởi khả năng tiếp cận nên với phiếu khảo sát lãnh đạo daonh nghiệp nghiên cứu sinh chỉ thực hiện được với 298 phiếu khảo sát phát ra và thu về được 253 phiếu trả lời hợp lệ, đạt 84,89% tổng số phiếu phát ra.
Dựa trên số liệu danh sách các DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017 do Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ cung cấp, NCS tiến hành chọn mẫu theo phương pháp tỷ lệ DN theo địa bàn chiếm trong tổng số, từ đó tiếp tục chọn theo loại hình DN trên địa bàn và cuối cùng là chọn ngẫu nhiên các DN theo danh sách đã phân loại địa bàn và loại hình DN. Sau khi chọn mẫu tác giả tiến hành gửi mail, gọi điện thoại để liên hệ phỏng vấn và phỏng vấn trực tiếp. Tương ứng với mỗi DN, NCS còn thực hiện khảo sát hai người
dân (cộng đồng) sinh sống gần khu vực sản xuất và một người lao động.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra phiếu trả lời thì phiếu trả lời của người lao động đạt yêu cầu 258 phiếu, đạt 86,6%, nhưng có 5 phiếu khác với phiếu trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp ở trên nên tác giả chỉ lựa chọn 253 phiếu cho phù hợp với đối tượng khảo sát lãnh đạo DN.
Với phiếu trả lời của cộng đồng tác giả phát ra 598 phiếu và thu về 524 phiếu đạt 87,9%, sau quá trình sàng lọc để phù hợp với 253 DN có phiếu khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp tác giả chỉ lựa chọn được 473 phiếu khảo sát đạt yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm!
- Lý Thuyết Lợi Tức Cổ Đông (Shareholder Enefit Theory)
- Các Tiêu Chuẩn Về Trách Nhiệm Xã Hội Với Môi Trường
- Thang Đo Các Biến Thực Hiện Tnxh Với Người Lao Động Trong Mô Hình Nghiên Cứu Định Lượng
- Tổng Số Doanh Nghiệp Đang Hoạt Động Tại Thời Điểm 31/12 Hàng Năm Phân Theo Ngành Kinh Tế
- Thực Hiện Tnxh Với Người Lao Động Theo Tình Trạng Niêm Yết
- Thực Hiện Tnxh Với Môi Trường Theo Ngành Nghề Kinh Doanh
Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.
- Đối tượng điều tra
Với phiếu khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp, đối tượng điều tra là các cán bộ quản lý cấp cao trong DN như Giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các phòng ban, các bộ phận trong DN công nghiệp. Đặc điểm đối tượng điều tra được thể hiện tại phụ lục 9.5. Theo đó, đối tượng khảo sát là nam giới chiếm tỷ trọng lớn hơn nữ giới cũng là điều dễ hiểu do sản xuất công nghiệp mang những tính chất đặc thù riêng có như công việc nặng nhọc, cần hy sinh nhiều thời gian nên số cán bộ nữ làm quản lý ít hơn nam giới là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế quan sát của tác giả.
Tuổi của đối tượng khảo sát chủ yếu nằm trong khoảng từ 30 đến dưới 59 chiếm 86,1% trong tổng số. Đây là độ tuổi lý tưởng cho các vị trí quản lý tại các doanh nghiệp.
Về thâm niên công tác dưới 10 năm chiếm 77,5%, trên 10 năm chiếm 22,5%, hoàn toàn phù hợp với thực tế quan sát của tác giả vì giới trẻ là những người tài năng, có trình độ, có kiến thức và đặc biệt nhạy bén với những công nghệ cũng như xu hướng mới trong nước và quốc tế, chính vì vậy trong các DN hiện nay người trẻ có vị trí quản lý chiếm tỷ lệ cao hơn những người lớn tuổi.
Về cấp quản lý, nghiên cứu đã tiếp cận được gần ½ số người ở vị trí giám đốc, phó giám đốc công ty (chiếm 45,9% tổng số), số còn lại là trưởng phó phòng hoặc ca sản xuất để đảm bảo thu được các thông tin từ người trả lời tốt nhất phục vụ nghiên cứu.
Về thâm niên quản lý, số lượng người trả lời có thâm niên trên 4 năm chiếm 71,2%, từ 1 đến 3 năm chiếm 26,1%, còn lại dưới 1 năm chiếm tỷ lệ nhỏ, không đáng kể 2,8%. Điều này chứng tỏ những người được hỏi là người có am hiểu về những chính sách, đặc điểm của công ty và cũng có những kinh nghiệm nhất định
trong công việc để đưa ra những câu trả lời chính xác nhất về tình hình hiện tại của DN. Đảm bảo cho tính tin cậy của những thông tin tác giả thu thập trong nghiên cứu.
Về trình độ học vấn của đối tượng khảo sát có 60,5% người được hỏi có trình độ đại học và trên đại học, số người có trình độ cao đẳng/trung cấp chiếm 33,2%, tỷ lệ người có bằng THPT ít chiếm 6,3% thể hiện những người được hỏi là những người có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản và những ý kiến nhận xét cũng như câu trả lời của người được hỏi đảm bảo tính tin cậy cho nghiên cứu.
Các đặc điểm của đối tượng điều tra được thể hiện trên đây chứng tỏ NCS đã lựa chọn đối tượng điều tra phù hợp, đảm bảo cung cấp các thông tin tin cậy cho nghiên cứu này.
Với phiếu khảo sát người lao động, đối tượng điều tra là người lao động đang làm việc trong DN công nghiệp. Đặc điểm đối tượng điều tra được thể hiện trong phụ lục 9.5.
Với phiếu khảo sát cộng đồng, đối tượng điều tra là người dân đang sinh sống gần khu vực sản xuất của các DN công nghiệp. Đặc điểm đối tượng điều tra được thể hiện trong phụ lục 9.5.
2.3.2.4. Phương pháp thu thập dữ liệu
Đối với dữ liệu thứ cấp: như các thông tin về đặc điểm tự nhiên, tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Phú Thọ, tình hình và đặc điểm DN công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ với người lao động (tiền lương, hợp đồng, sức khoẻ và an toàn tại nơi làm việc,…), tình hình thực hiện nghĩa vụ với môi trường (báo cáo quan trắc môi trường, báo cáo tác động môi trường…) được tác giả trích lược, tổng hợp từ các tài liệu đã được công bố chính thức qua Website, ấn phẩm như niên giám thống kê, báo cáo thường niên, đề án, công trình nghiên cứu của các sở, ban ngành, cơ quan tại địa phương như: UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thống kê, Ban quản lý các Khu công nghiệp, Sở Lao động Thương binh Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đối với dữ liệu sơ cấp bao gồm các thông tin được khảo sát từ quản lý các DN công nghiệp, thông tin sơ cấp được thu thập bằng phương pháp khảo sát thông qua bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Thời điểm thu thập thông tin từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2018.
Trước tiên, NCS thiết kế mẫu phiếu khảo sát và tiến hành khảo sát thử 30 đối tượng. Trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên gia, giáo viên hướng dẫn và đối tượng khảo sát, tác giả tiến hành điều chỉnh để có được phiếu khảo sát chính thức. Khảo sát chính thức được tiến hành với tổng số phiếu phát ra 298 phiếu, thu về 253 phiếu chiếm tỷ lệ 84,89%. Khảo sát này được tiến hành cho các DN công nghiệp trên địa bàn 13 huyện, thị tại tỉnh Phú Thọ được phân bổ theo quy mô DN và ngành nghề kinh doanh bao gồm: Thành phố Việt Trì; Thị xã Phú Thọ; các huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh Ba, Phù Ninh, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Lâm Thao, Tân Sơn, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn. Mục đích của phiếu khảo sát là lấy ý kiến lãnh đạo cấp cao của các DN công nghiệp nhằm thu thập các thông tin về đặc điểm DN, các chính sách và hoạt động của DN có liên quan đến các nội dung cốt lõi của TNXHDN, cũng như thực hiện TNXH với người lao động và môi trường của các DN này. Kết quả thu được từ khảo sát này bao gồm:
- Thông tin chung của DN
- Nhận thức của DN về khái niệm và nội hàm của TNXHDN
- Các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện TNXHDN và lợi ích mong muốn của DN khi thực hiện TNXH
- Thực hiện TNXHDN với người lao động
- Thực hiện TNXHDN với môi trường
Công cụ khảo sát là các câu hỏi lựa chọn, câu hỏi mở - đóng liên quan trực tiếp đến người được hỏi với các lựa chọn tương ứng và câu hỏi theo dạng cho điểm theo thang đo Likert 5 mức độ.
2.3.2.5. Phương pháp xử lý dữ liệu
Sau khi khảo sát các phiếu khảo sát sẽ được sàng lọc và xử lý bằng phần mềm SPSS 18.0, sau đó kết xuất ra các bảng dữ liệu dưới dạng exel để phục vụ quá trình phân tích. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tổ thống kê để thống kê kết quả khảo sát cho từng nhóm DN theo quy mô lao động và ngành nghề kinh doanh nhằm phân tích sự khác biệt giữa các nhóm này. Đối với dữ liệu thứ cấp, sau khi thu thập được từ các nguồn và hình thức khác nhau, tác giả tính toán và tổng hợp thành các bảng số liệu phù hợp với nội dung nghiên cứu.
Luận án sử dụng phương pháp kiểm định thang đo bằng hệ số Cronbach‟s Alpha để loại bỏ các biến không thoả mãn trước khi phân tích nhân tố. Kiểm định
độ tin cậy của các biến trong thang đo dựa vào hệ số kiểm định Cronbach‟s Alpha của các thành phần thang đo và hệ số Cronbach‟s Alpha của mỗi biến đo lường. Các biến có hệ số tương quan tổng – biến nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại, mỗi thang đo có độ tin cậy tốt khi nó biến thiên trong khoảng [0,7-0,8]. Nếu Cronbach‟s Alpha lớn hơn hoặc bằng 0,6 là thang đo có thể chấp nhận được về mặt tin cậy (Nunally & Berndstein, 1994).
Phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) thuộc nhóm phân tích đa biến phụ thuộc lẫn nhau, nghĩa là không có biến phụ thuộc vào biến độc lập mà nó dựa vào mối quan hệ tương quan giữa các biến với nhau. Phương pháp này dùng để rút gọn một tập biến K quan sát thành một tập biến F (F<K) các nhân tố ý nghĩa hơn. Cơ sở của việc rút trích này dựa vào mối quan hệ tuyến tính giữa các nhân tố với các biến quan sát. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu để đánh giá sơ bộ các thang đo lường. Khi phân tích cần xem xét các nhân tố được trích, hệ số tải nhân tố của các biến phải lớn hơn hoặc bằng 0,5 (Hair & các cộng sự
., 1998) và hệ số KMO phải nằm trong khoảng từ [0,5-1] cho biết phân tích EFA là thích hợp (Kaiser, 1974). Mặt khác, kiểm định Bartlett phải có hệ số Sig. nhỏ hơn 0,5 có nghĩa là các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể, tổng phương sai trích phải lớn hơn hoặc bằng 50% (Gerbing & Anderson, 1988).
Phương Pháp phân tích hồi quy tuyến tính (OLS) được sử dụng để xác định mối quan hệ tuyến tính giữa một hoặc nhiều biến giải thích với một biến phụ thuộc dạng liên tục thông qua việc đưa đồng loạt các biến vào mô hình rồi tiến hành phân tích, hàm hồi quy có ý nghĩa khi hệ số R2 đo tỷ lệ sự biến động của biến phụ thuộc được giải thích bởi biến độc lập trong mô hình thoả mãn 0 R2.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Trong chương 2 tác giả đã làm rõ nguồn gốc và khái niệm TNXH, tác giả đã lựa chọn khái niệm của Hội đồng kinh doanh thế giới vì sự Phát triển bền vững cho nghiên cứu này, bên cạnh đó chương 2 đã nêu nội dung TNXHDN theo trường phái cổ điển, trường phái hiện đại và theo hướng các bên liên quan tác giả đã lựa chọn nội dung TNXH theo hướng các bên liên quan để nghiên cứu đề tài luận án.
Chương 2 tác giả còn phân tích các vai trò TNXH với phát triển bền vững đứng trên góc độ của nhà nước và doanh nghiệp, nêu và phân tích một số quan điểm lý thuyết về TNXH như: lý thuyết các bên liên quan, lý thuyết phụ thuộc nguồn lực, lỹ thuyết bộ ba cốt lõi bền vững, lý thuyết đạo đức kinh doanh, lý thuyết lợi tức cổ đông. Tác giả đã lựa chọn lý thuyết các bên liên quan cho nghiên cứu đề tài luận án. Chương 2 tác giả cũng đã tổng hợp được các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện TNXH cả bên trong và bên ngoài DN. Nêu và phân tích các tiêu chuẩn quốc tế về TNXH với người lao động và môi trường, tác giả lựa chọn tiêu chuẩn ISO 26000 để
thực hiện nghiên cứu luận án.
Ngoài ra, chương 2 đã trình bày khung nghiên cứu luận án gồm ba nội dung lớn là các yếu tố ảnh hưởng đến thực hiện TNXH, thực trạng thực hiện TNXH với người lao động và môi trường, kết qủa thực hiện TNXH vào DN và thiết kế mô hình nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định mối quan hệ tác động giữa thực hiện TNXH với người lao động và môi trường tới hiệu quả tài chính của DN thông qua mô hình hồi quy. NCS đã đưa ra mô hình nghiên cứu và 9 giả thuyết nghiên cứu để thực hiện kiểm định.
CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
3.1. Khái quát về tỉnh Phú Thọ và các doanh nghiệp công nghiệp
3.1.1. Khái quát về tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 3.519,56 km2 và có 13 huyện, thành, thị gồm 277 xã, phường, thị trấn được chia thành 2.887 khu dân cư, trong đó có 313 khu dân cư ở đô thị và 2.574 khu dân cư ở nông thôn; quy mô dân số, tính đến 31/12/2020 là 1.481.884 người. Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh và tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã phát huy truyền thống đoàn kết,
khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, năng động, sáng tạo, vượt khó với quyết tâm cao để thực hiện hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra và tiếp tục giành được thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực.
Phú Thọ là tỉnh có vị trí trung tâm vùng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Phú Thọ nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc), phía Đông giáp với Vĩnh Phúc, phía Tây giáp thành phố Hà Nội, phía Nam giáp Hoà Bình, phía bắc giáp tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, là nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô. Chính những đặc điểm của vị trí điạ lý đã tạo cho Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng to lớn để sản xuất kinh doanh, giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, Phú Thọ đạt mức tăng trưởng khá, giai đoạn 2015- 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7,95%; trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 10,5%, nông lâm nghiệp thủy sản tăng 4,4%, dịch vụ tăng 7,1%. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 75,8 nghìn tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2015, đứng đầu trong các tỉnh vùng Tây Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt trên 52,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh tỷ trọng ngành dịch vụ 40,13%, công nghiệp – xây dựng 37,98%, nông- lâm nghiệp – thuỷ sản 19,89%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 20,8%/năm.
Những thành quả trên thể hiện sự quyết tâm và lãnh đạo đúng đắn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự cố gắng chung sức đồng lòng của người dân
trên địa bàn tỉnh trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ.
3.1.2. Khái quát về doanh nghiệp công nghiệp
Phú Thọ là nơi có nền công nghiệp phát triển khá sớm, là cái nôi của nền công nghiệp phía Bắc cũng như của Việt Nam. Từ thời pháp thuộc công nghiệp giấy đã hình thành và phát triển tại thành phố Việt Trì, đến những năm 60 của thế kỷ XX ngoài giấy các ngành công nghiệp Hoá chất, dệt, nhuộm, phân bón được hình thành và phát triển rất mạnh mẽ. Các DN công nghiệp đầu tiên của tỉnh Phú Thọ phải kể đến như: Giấy Việt Trì, Hoá chất Việt Trì, Dệt Vĩnh Phú, Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao,…vv; cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ nói riêng, từ năm 2002 các cụm và khu công nghiệp lần lượt được hình thành kéo theo đó là các ngành công nghiệp thêm đa dạng và phát triển. Tính đến nay, Phú Thọ có 7 khu công nghiệp và hai cụm công nghiệp với khoảng 2.300 DN đang hoạt động, cho đến nay công nghiệp Giấy và hoá chất vẫn là thế mạnh và niềm tự hào của Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung.
Trải qua quá trình lâu dài hình thành và phát triển, đến nay sản xuất công nghiệp vẫn được tỉnh Phú Thọ chú trọng và ưu tiên phát triển, tuy nhiên kết quả cho thấy còn chưa xứng với lịch sử lâu đời và tiềm năng vốn có của tỉnh. Theo các báo cáo gần đây của tỉnh Phú Thọ; “sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn: giá cả một số vật tư đầu vào biến động thường xuyên, lãi suất tiền vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh vẫn còn ở mức cao, sức mua thị trường giảm, lượng tồn kho lớn, tăng trưởng khu vực công nghiệp chủ yếu dựa trên đầu tư mới và đầu tư mở rộng, chưa có nhiều dự án đổi mới dây chuyền công nghệ,...vv”
Thống kê thường xuyên 19 ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có đến 15/19 ngành chỉ số tăng so với cùng kỳ, bao gồm: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 198,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 88,55%; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 70,61%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 55,45%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 26,72%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19,70%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 17,31%; Sản xuất xe có động cơ tăng 16,29%; Sản xuất đồ uống tăng 15,46%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,15%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 13,07%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng