Tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang - 2



DLST‌

Du lịch sinh thái

VQG

Vườn quốc gia

UMT

U Minh Thượng

ĐHQGHN

Đại học quốc gia Hà Nội

KH & CN

Khoa học và công nghệ

KBTTN

Khu bảo tồn thiên nhiên

SĐVN

Sách đỏ Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia U Minh Thượng - tỉnh Kiên Giang - 2


MỞ ĐẦU‌


1. Tính cấp thiết của đề tài

Ngày nay, khi cuộc sống của người dân đang ngày càng được nâng cao thì du lịch trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội. Về mặt kinh tế, du lịch đã trở thành một ngành quan trọng, một ngành kinh tế tổng hợp năng động và được coi là phương sách hiệu quả để mỗi vùng, mỗi quốc gia phát triển nền kinh tế của mình.

Tuy nhiên, những nước có du lịch phát triển đều đã nhận ra cái giá phải trả cho các hoạt động du lịch là không nhỏ, bởi những tác động tiêu cực của nó đến kinh tế - xã hội và môi trường. Yêu cầu đặt ra cho hoạt động du lịch là phải hạn chế được những tác động tiêu cực mà nó gây nên, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

Du lịch sinh thái (DLST) là mô hình du lịch có trách nhiệm cao với môi trường và cộng đồng. Nó đang là xu thế phát triển nhanh chóng và thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Năm 2002, Tổ chức Du lịch Thế giới xác định là “năm DLST” với chủ đề: “DLST: Bí quyết phát triển bền vững”. Điều này, phản ánh sự quan tâm và công nhận ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với DLST trong việc góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nhân loại.

Ở Việt Nam, du lịch mới chỉ phát triển rộng rãi trong vài thập niên gần đây, nên những tác động tiêu cực của nó đến Kinh tế - Xã hội và môi trường còn chưa bộc lộ hết. Vì thế, DLST cũng ít được quan tâm và chưa phát triển đúng với bản chất của nó, mặc dù ở Việt Nam có tiềm năng to lớn cho loại hình du lịch này.

Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng là một Vườn Quốc Gia của Việt Nam, được nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng lên thành vườn quốc gia theo Quyết định số 11/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vườn quốc gia U Minh Thượng là một khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao nhất khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long với 387 loài thực vật, 172 loại côn trùng, 66 loại cá, 7 loại ếch nhái,


31 loại bò sát và 172 loài chim, 32 loài thú. Đến U Minh Thượng, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành cùng với không gian khoáng đãng, tha hồ nhìn ngắm chim muông, thú rừng, và các loài động thực vật. Nhiều địa chỉ để tham quan như mảng chim, mảng dơi quạ, tràm nguyên sinh, quần thể heo rừng, rái cá, kỳ đà, và đặc biệt là khu giải trí câu cá Hồ Hoa Mai... Chính vì vậy mà du khách đến với U Minh Thượng ngày càng đông hơn, tuy nhiên VQG U Minh Thượng chưa có một quy hoach thật sự hợp lý để phát triển ngành du lịch nơi đây đặc biệt là du lịch sinh thái nhằm phát triển bền vững quần thể sinh vật nơi đây.

Vấn đề đặt ra cho VQG U Minh Thượng hiện nay là sớm xây dựng một mô hình DLST phù hợp để vừa phát triển được du lịch lại vừa bảo tồn được các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa - nhân văn bản địa, đồng thời góp phần cải thiện đời sống nhân dân địa phương.

Chính vì vậy mà tác giả đã lựa chọn đề tài: “Tiềm năng và hiện trạng phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng – Tỉnh Kiên Giang” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

2.1. Trên thế giới

Trong vài thập niên gần đây, du lịch trên thế giới phát triển rộng rãi, bộc lộ ngày càng rõ các tác động của nó đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của các lãnh thổ du lịch. Vì thế, các nhà nghiên cứu du lịch đã rất quan tâm nghiên cứu đến những tác động này và cố gắng tìm ra những mô hình phát triển du lịch hiệu quả nhất (hạn chế được ít nhất những tác hại và gia tăng tối đa những lợi ích mà du lịch mang lại) nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Một trong những mô hình được quan tâm nhiều nhất là mô hình DLST.

DLST mới chỉ bắt đầu được bàn đến trên thế giới từ những năm đầu của thập kỷ 80. Những nhà nghiên cứu tiên phong và điển hình về lĩnh vực này là Ceballos – Lascurain, Buckley…cùng rất nhiều các nghiên cứu lý luận và thực tiễn về DLST của các nhà khoa học, các tổ chức quan tâm đến lĩnh vực này như: Cater, Chalker, Dowling,... Hiệp hội DLST, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã (WWF), Tổ chức bảo


tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), … đã có nhiều công trình nghiên cứu và công bố những quan điểm, khái niệm về DLST, các bài học thực tiễn cũng như những hướng dẫn cho các nhà quản lý, tham gia hoạt động DLST như: Hiệp hội DLST đã xuất bản cuốn “DLST: Hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch – Chẩn đoán DLST và hướng dẫn quy hoạch”, George N.Walace (1998): Quản lý khách tham quan, bài học từ VQG Galapagos; Karrtrina Brandon (1998): Những bước cơ bản nhằm khuyến khích sự tham gia của dân địa phương vào dự án DLST.

2.2. Ở Việt Nam.

Ở Việt Nam DLST là loại hình du lịch tương đối mới mẻ, nhiều vấn đề đang tiếp tục được nghiên cứu quy hoạch và quản lý, điều hành du lịch. DLST nổi lên ở Việt Nam từ khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, song đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học du lịch và môi trường. Có nhiều các hội nghị, hội thảo về DLST được tổ chức ở Việt Nam, như: “Hội nghị Quốc tế về du lịch bền vững ở Việt Nam” do Tổng cục du lịch Việt Nam kết hợp với Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) được tổ chức tại Huế, tháng 5/1997; Hội thảo “DLST với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nôi, tháng 4/1998; Hội thảo “Xây dựng chiến lược Quốc gia về phát triển DLST tại Việt Nam” được tổ chức vào tháng 9/1999, tại Hà Nội, do Tổng cục du lịch phối hợp với IUCN và ESCAP. Trong đó, rất nhiều tham luận được trình bày và đã đóng góp nhiều giá trị quý báu về cơ sở lý luận và cả những kinh nghiệm thực tiễn phát triển DLST của các nhà nghiên cứu du lịch và môi trường đến từ nhiều nước trên trế giới và Việt Nam.

Nhiều công trình nghiên cứu, luận án Tiến sĩ, giáo trình… đã đề cập vấn đề DLST, bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, tiêu biểu như của các tác giả: Lê Văn Lanh, Phạm Trung Lương, Đặng Duy Lợi, Nguyễn Thị Sơn…

Ngoài ra, những vấn đề DLST cũng có thể tìm thấy trên các trang Web của các báo điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng, trong các ấn phẩm chuyên ngành.

Tại VQG U Minh Thượng đã có một số công trình nghiên cứu tổng thể sinh thái tự nhiên đề cập các giá trị tài nguyên du lịch của vườn như về thú ăn thịt


(Carnivora) ở vườn quốc gia U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang được đăng ở tạp chí khoa học ĐHQGHN, Khoa học tự nhiên và công nghệ 25(2009). Nguyễn Kiêm Sơn, Đỗ Thanh Hải, Đa dạng về thành phần loài cá Vườn Quốc Gia U Minh Thượng, những vấn đề cơ bản trong khoa học sự sống, NXB Khoa học & Kinh tế, Hà Nội, 2005. Ngày 20.4, Sở KH&CN Kiên Giang đã tổ chức Hội đồng KH&CN đánh giá, nghiệm thu đề tài “Biên hội, đánh giá tổng quan sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Thượng và đề xuất giải pháp bảo tồn” do Viện Kỹ thuật Biển chủ trì thực hiện, PGS.TS Lương Văn Thanh làm chủ nhiệm. Đề tài được thực hiện từ năm 2008 đến nay. Với mục tiêu đặt ra ban đầu, đề tài đã tổng hợp, biên hội lại được những kết quả đã nghiên cứu về VQG U Minh Thượng, kết hợp với khảo sát thực tế để đưa ra những đánh giá tổng quan về hiện trạng sinh thái rừng.

Ngoài ra, cũng đã có nhiều bài viết mang tính khảo cứu và giới thiệu về tài nguyên DLST trong VQG U Minh Thượng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu tổng thể về DLST ở đây vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Đề tài này hy vọng sẽ là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, quy hoạch DLST sau này ở VQG U Minh Thượng.

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đề tài

3.1. Mục tiêu

Trên cơ sở vận dụng lí luận và thực tiễn phát triển DLST trên thế giới và Việt Nam, đề tài phân tích tiềm năng và hiện trạng phát triển DLST ở VQG U Minh Thượng để từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển DLST ở địa bàn nghiên cứu.

3.2. Nhiệm vụ

Dưới góc độ địa lí học (địa lí du lịch), khoá luận tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Tổng quan những vấn đề lí luận, thực tiễn phát triển DLST trên thế giới và ở Việt Nam.

- Kiểm kê, đánh giá các tiềm năng DLST chủ yếu, hiện trạng phát triển DLST ở VQG U Minh Thượng.

- Đề xuất các định hướng và giải pháp phù hợp cho phát triển DLST ở VQG


U Minh Thượng, đảm bảo các mục tiêu kinh tế - xã hội và bảo tồn, nhằm khai thác bền vững nguồn tài nguyên du lịch.

4. Giới hạn nghiên cứu

Đề tài được giới hạn trong phạm vi lãnh thổ VQG U Minh Thượng, bao gồm cả vùng đệm và những mối liên hệ du lịch với các lãnh thổ du lịch Kiên Giang.

Các phân tích, đánh giá về tiềm năng, thực trạng chủ yếu là định tính do khả năng và thời gian làm khoá luận còn hạn chế

5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu

5.1. Quan điểm chủ yếu

5.1.1.Quan điểm hệ thống

Quan điểm này đã được vận dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài. Đề tài đã nghiên cứu các mặt tự nhiên, kinh tế và xã hội của VQG U Minh Thượng trong một hệ thống có mối liên hệ chặt chẽ với nhau để đảm bảo tính khoa học và thực tiễn.

5.1.2.Quan điểm lãnh thổ

Bất kì đối tượng nghiên cứu nào của địa lí đều phải gắn liền với một lãnh thổ nhất định, du lịch cũng vậy. Lãnh thổ du lịch là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch trên cơ sở các nguồn tài nguyên và các dịch vụ cho du lịch. Quan điểm này được vận dụng vào đề tài thông qua việc phân tích, đánh giá các tiềm năng cho phát triển DLST trong mối quan hệ tổng hợp của các yếu tố ở VQG U Minh Thượng.

5.1.3. Quan điểm phát triển bền vững

Vận dụng quan điểm này, các giải pháp nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của môi trường cần phải được coi trọng, các tác động của DLST trong VQG U Minh Thượng đến khả năng chịu đựng của môi trường cần phải được tính đến sao cho không để phá vỡ cân bằng sinh thái, tạo ra môi trường phát triển du lịch bền vững.

5.1.4. Quan điểm hỗ trợ cộng đồng địa phương

Đối với DLST, mục tiêu cơ bản là ủng hộ bảo tồn và đóng góp cho lợi ích cộng đồng địa phương, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Do đó, những lợi ích


kinh tế có được từ hoạt động du lịch phải được quay trở lại phục vụ công tác bảo tồn và hỗ trợ kinh tế cộng đồng dân cư khu vực VQG U Minh Thượng.

Vai trò của cộng đồng dân cư địa phương là hết sức quan trọng vì cộng đồng đồng bào dân tộc mới là người chủ đích thực của những giá trị nhân văn, là người bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch và tham gia các hoạt động du lịch tại VQG.

5.1.5. Quan điểm lịch sử - viễn cảnh

Mọi sự vật, hiện tượng đều có sự vận động, biến đổi hay phát triển theo quá trình của nó. Quan điểm này được vận dụng khi nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của VQG U Minh Thượng và đặt nó trong hoàn cảnh cụ thể để có được những đánh giá đúng hiện tại, từ đó có cơ cở để đưa ra các dự báo, định hướng về xu hướng phát triển của VQG U Minh Thượng trong tương lai.

5.2. Các phương pháp nghiên cứu

5.2.1. Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu

Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu đề tài, bắt đầu từ việc thu thập các số liệu, tranh ảnh, bài viết, báo cáo…có liên quan đến VQG U Minh Thượng, sau đó phân tích, tổng hợp, so sánh và lựa chọn ra những tài liệu cần thiết phục vụ cho đề tài nghiên cứu. Tác giả đã tham khảo các nguồn như Hồ sơ đăng kí di sản thiên nhiên thế giới, báo cáo thường niên của Ban quản lí VQG và Sở Du lịch Thương mại tỉnh Kiên Giang.

5.2.2. Phương pháp thực địa

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phương pháp này, tác giả đã thực hiện nhiều chuyến thực địa với các hoạt động chủ yếu là:

- Quan sát, mô tả, điều tra, ghi chép, chụp ảnh.

- Gặp gỡ và trao đổi với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý tài nguyên (Trạm kiểm lâm), các cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương (Ban quản lý VQG U Minh Thượng và Sở Du lịch Thương mại Kiên Giang) và cộng đồng địa phương.

5.2.3. Phương pháp bản đồ

Đây là phương pháp đặc thù của nghiên cứu Địa lý. Bản đồ vừa được coi là


tư liệu, phương tiện nghiên cứu, vừa là phương tiện minh họa kết quả nghiên cứu trong địa lý học nói chung và địa lý du lịch nói riêng.

Quá trình thực hiện khoá luận được bắt đầu bằng việc tìm hiểu địa bàn nghiên cứu thông qua các bản đồ: Bản đồ địa hình VQG U Minh Thượng, bản đồ dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đệm và VQG U Minh Thượng, bản đồ phân bố động, thực vật quý hiếm VQG U Minh Thượng, bản đồ quy hoạch VQG U Minh Thượng, bản đồ thảm thực vật VQG U Minh Thượng, bản đồ phân khu chức năng VQG U Minh Thượng, bản đồ tổ chức không gian và tuyến điểm du lịch Kiên Giang. Kết quả nghiên cứu luận văn lại được thể hiện thông qua các bản đồ mới là bản đồ hành chính VQG U Minh Thượng, bản đồ hiện trạng sử dụng rừng VQG U Minh Thượng và bản đồ du lịch VQG U Minh Thượng.

5.2.4. Phương pháp ứng dụng công nghệ tin học

Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả phải sử dụng đến các phần mềm ứng dụng MapInfo, khai thác các thông tin từ Internet.

Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các phương pháp khác như: So sánh lãnh thổ (so sánh với các VQG khác để thấy được những được điểm khác biệt, giá trị đặc trưng riêng của VQG U Minh Thượng)

6. Những đóng góp chính của đề tài

- Xây dựng được cơ sở lí luận, thực tiễn liên quan đến đề tài và vận dụng vào nghiên cứu ở VQG U Minh Thượng.

- Phân tích được những thế mạnh cũng như hạn chế và hiện trạng phát triển DLST ở VQG U Minh Thượng.

- Đề xuất được định hướng và 6 nhóm giải pháp cụ thể.

7. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, Nội dung chính của luận văn được trình bày trong 03 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về DLST.

Chương 2: Tiềm năng và hiện trạng phát triển DLST VQG U Minh Thượng.

Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển DLST VQG U Minh Thượng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/12/2023