Thực thi chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - 2


DANH MỤC BẢNG, SƠ ĐỒ



Sơ đồ 2.1

Mô hình tổ chức của NHCSXH

Bảng 2.1

Nguồn vốn và cơ cấu của NHCSXH

Bảng 2.2

Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của

NHCSXH từ năm 2012 - 2015

Bảng 2.3

Tình hình cho vay HSSV từ năm 2012 - 2015

Bảng 2.4

Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân một HSSV

Bảng 2.5

Số HSSV vay vốn tại NHCSXH

Bảng 2.6

Dư nợ quá hạn một số chương trình tín dụng tại

NHCSXH

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

Thực thi chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - 2

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trong những năm qua, với đường lối và chiến lược phát triển nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định: Giáo dục đào tạo là Quốc sách hàng đầu, là động lực, là nhân tố quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế và phát triển xã hội. Trong đó, Nhà nước ta xác định đào tạo bậc đại học, cao đẳng và đào tạo nghề với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội đang là vấn đề có tính quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với quan điểm trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục, đặc biệt là các chính sách nhằm khuyến khích việc học tập của HSSV như chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên các ngành đào tạo an ninh, quân sự, sư phạm..; chính sách học bổng, khen thưởng cho học sinh, sinh viên...trong đó không thể không kể đến chính sách ưu đãi tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế ở nước ta, một tỷ lệ không nhỏ HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì không có đủ tiền lo các khoản chi phí cho việc đi học cho đến khi kết thúc khóa học, nhất là sinh viên ở tỉnh lẻ, sinh viên vùng sâu, vùng xa, con em người dân tộc thiểu số lên thành phố học... Để hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ đã ban hành chính sách ưu đãi tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Chính sách này đã và đang được thực hiện với sự nỗ lực của các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) - đơn vị trực tiếp thực hiện chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách tín dụng đối với HSSV đã mang lại hiệu quả xã hội thiết thực, giúp cho trên 3,3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi với hơn 55.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng trên

24.000 tỷ đồng. Đây là một trong những chính sách được đánh giá là thành công nhất của Chính phủ; Chính sách đã phát huy hiệu quả, giúp con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được học tập, đào tạo nghề và ổn định cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ngoài những kết quả đã đạt được thì trong quá trình tổ chức thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV, NHCSXH cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu giải quyết để góp phần hoàn thiện chính sách và phát huy hiệu quả chính sách tốt hơn. Vấn đề chủ yếu còn gặp phải trong quá trình thực thi chính sách là quy mô tín dụng chưa tương xứng với nhu cầu vay; tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, khó khăn trong thu hồi nợ; một số trường hợp sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích; mức vay còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu của HSSV; cơ chế phối hợp giữa các chủ thể thực thi chính sách là: Nhà trường, ngân hàng, chính quyền địa phương và gia đình còn nhiều bất cập; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách còn hạn chế.

Xuất phát từ tình hình đó, tác giả chọn đề tài “Thực thi chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu, hy vọng có đóng góp nhất định vào việc cải thiện tình hình thực thi chính sách của NHCSXH, góp phần vào sự bền vững của chương trình tín dụng ưu đãi cho học sinh sinh viên, đây là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Mô hình NHCSXH là một mô hình Ngân hàng mới ở Việt Nam, hoạt động tín dụng của NHCSXH mang tính đặc thù nên vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục xem xét giải quyết. Chính vì vậy đã có nhiều công trình, bài viết, nghiên cứu về tín dụng và mô hình, cơ chế hoạt động của NHCSXH, điển hình như:

- Trần Hữu Ý (2010), Xây dựng chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội, Luận án Tiến sĩ. Luận án đã phân tích và đánh giá thực trạng tiến hành chiến lược bền vững của NHCSXH Việt Nam, từ đó

đề xuất chiến lược phát triển bền vững phù hợp với tình hình hiện nay.

- Hà Thị Hạnh ( 2010), Giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, Luận án tiến sỹ. Đề tài đã khái quát hóa những vấn đề cơ bản về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của NHCSXH, đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế tổ chức và hoạt động của NHCSXH.

- Phạm Thị Thành An (2013), Giải pháp phát triển tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Luận văn thạc sỹ kinh tế. Luận văn đã hệ thống hóa những vấn đề chung về tín dụng HSSV, phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH Việt Nam từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp, kiến nghị góp phần phát triển tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH Việt Nam.

- Trần Thị Minh Trâm (2016), Tín dụng cho học sinh, sinh viên của Thành phố Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Kinh tế. Tác giả đã tiếp cận từ tổng quan tình hình nghiên cứu, hệ thống hóa lý luận cơ bản, nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước, phân tích và đánh giá thực trạng tín dụng HSSV diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015, từ đó đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Các đề tài tập trung vào nghiên cứu lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra quan điểm và giải pháp nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao chất lượng tín dụng trong hoạt động của NHCSXH, nhưng chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề tín dụng đối với học sinh, sinh viên tại NHCSXH Việt Nam trên phương diện Khoa học chính sách.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Hệ thống hóa và làm rõ các lý luận cơ bản trong việc thực thi chính sách, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn trong thực hiện chính sách để phân tích, đánh giá thực trạng thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại

NHCSXH giai đoạn 2012 - 2015, đề xuất quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung chính sách và hoàn thiện việc tổ chức thực thi chính sách với HSSV tại NHCSXH đến năm 2020.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để giải quyết các mục đích trên, luận văn thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, thu thập, hệ thống hóa và bổ sung mới để làm rõ cơ sở lý luận về chính sách tín dụng đối với HSSV, cụ thể liên quan tới các nội dung như: khái niệm, đặc điểm, sự cần thiết của chính sách, nội dung, tiêu chí đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV. Trong đó có khảo cứu kinh nghiệm của một số nước về việc giải quyết quan hệ tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn, rút ra bài học thực tiễn mà NHCSXH có thể tham khảo;

Hai là, khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH giai đoạn 2012 - 2015, làm rõ những thành tựu đạt được, hạn chế và nguyên nhân của thực trạng đó;

Ba là, đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung chính sách và công tác tổ chức thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH đến năm 2020.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài

- Đối tượng nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu về tình hình thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH dưới góc độ khoa học chính sách, cụ thể là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Về nội dung: Thực hiện chính sách cho vay của NHCSXH cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

+ Về không gian: Hoạt động cho vay HSSV của hệ thống NHCSXH trong cả nước.

+Về thời gian: Khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015 và đề xuất

giải pháp thực hiện đến năm 2020.

5. Câu hỏi nghiên cứu

- Quy trình thực thi chính sách gồm những nội dung nào? Tiêu chí đo lường kết quả của việc thực thi chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên là gì?

- Thực trạng thực thi chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên tại NHCSXH như thế nào? Đánh giá kết quả, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế là gì?

- Đề xuất giải pháp gì để hoàn thiện chính sách và hoàn thiện công tác tổ chức thực thi chính sách tại NHCSXH?

6. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

6.1. Cơ sở lý luận, phương pháp tiếp cận nghiên cứu

- Cơ sở lý luận

Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin để xem xét quan hệ tín dụng trong kinh tế thị trường và vai trò của tín dụng đối với sự phát triển. Các nghiên cứu thực tiễn còn dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luận văn cũng kế thừa các thành tựu khoa học, các công trình nghiên cứu đã được công bố liên quan đến đề tài tín dụng đối với học sinh sinh viên.

- Phương pháp tiếp cận nghiên cứu

Luận văn tiếp cận các vấn đề nghiên cứu từ các góc độ sau:

+ Tiếp cận từ cơ sở lý luận về tín dụng đối với HSSV theo góc độ khoa học chính sách.

+ Tiếp cận từ thực tiễn, khảo sát thực tiễn, khảo cứu tài liệu, đánh giá thực trạng việc thực thi tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH trong điều kiện thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

+ Tiếp cận từ những định hướng, mục tiêu phát triển tín dụng đối với HSSV nói riêng và mục tiêu phát triển tín dụng nói chung của NHCSXH.

6.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chính được tác giả sử dụng trong quá trình nghiên cứu là:

- Phân tích, tổng hợp dựa trên các dữ liệu chính thức như Điều lệ, quy chế hoạt động của NHCSXH, chính sách của Nhà nước đối với Học sinh, sinh viên, hệ thống các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, các báo cáo, đánh giá, tổng kết.

- Phương pháp thống kê, so sánh, tổng hợp, phương pháp tiếp cận thu thập thông tin, đối chiếu... để làm sáng tỏ vấn đề cần nghiên cứu.

7.Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

7.1. Ý nghĩa lý luận

- Luận văn hệ thống hoá những vấn đề lý luận cơ bản về chính sách và yêu cầu trong việc thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV, góp phần vào việc bổ sung lý luận nhằm hoàn thiện chính sách.

- Luận văn là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên chuyên ngành chính sách công và những nhà nghiên cứu muốn chuyên sâu tìm hiểu về hoạt động cho vay HSSV tại NHCSXH.

7.2. Ý nghĩa thực tiễn

Về thực tiễn, luận văn giúp các nhà lãnh đạo NHCSXH hiểu rõ thực trạng cũng như những vấn đề còn tồn tại trong việc thực thi chính sách đối với HSSV tại ngân hàng, từ đó đề ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác tổ chức thực thi chính sách, từng bước thực hiện được các mục tiêu của chính sách, tạo được niềm tin trong đảng, trong dân.

8. Kết cấu luận văn:

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm những nội dung chính sau:

Chương 1: Cơ sở khoa học về việc thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH.

Chương 2: Thực trạng thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH.

Chương 3: Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng thực thi chính sách tín dụng đối với HSSV tại NHCSXH.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/12/2022