dang rộng vòng tay chào đón. Chưa kể ba mẹ ruột thường có mong muốn được bù đắp nên họ thương tôi hơn bao giờ hết!”. (www.thegioigiadinh.com.vn).
Một thực tế cho thấy rằng hầu hết cha mẹ nuôi trong nước thường che dấu thông tin đối với con nuôi, không bao giờ hé lộ bí mật về nguồn gốc của con nuôi và không muốn ai biết mối quan hệ trong gia đình họ là quan hệ quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi. Do đó, việc thực hiện báo cáo tình hình phát triển của trẻ làm con nuôi theo định kỳ ít được cha mẹ nuôi trong nước thực hiện, chỉ những cha mẹ nuôi người nước ngoài mới quan tâm và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Chính vì vậy hiện nay các cơ quan chức năng khó có thể theo dõi được chính xác tình hình của trẻ sau khi được nhận làm con nuôi trong nước.
2.4.2 Quan hệ giữa cha mẹ đẻ, gia đình cha mẹ đẻ với con đã cho làm con nuôi
Khác với quy định của một số nước trên thế giới là việc nuôi con nuôi theo hình thức trọn vẹn, sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với cha mẹ đẻ. Pháp luật Việt Nam quy định việc nuôi con nuôi không làm chấm dứt hoàn toàn quan hệ với cha mẹ đẻ, con đã cho làm con nuôi người khác vẫn có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, cho đến nay, việc nuôi con nuôi ở Việt Nam về mặt pháp lý chỉ thực hiện dưới hình thức nuôi con nuôi đơn giản theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi. Nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác thì kể từ ngày quyết định cho trẻ làm con nuôi, họ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Với quy định này, về nguyên tắc quyền và nghĩa vụ làm cha mẹ được chuyển từ cha mẹ đẻ sang cha mẹ nuôi kể từ ngày việc nuôi con nuôi được
pháp luật công nhận. Cha mẹ đẻ không còn quyền làm cha, mẹ đối với con đã cho làm con nuôi. Quy định này là cần thiết để tránh sự tranh chấp về quyền, nghĩa vụ làm cha, mẹ giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi đối với con nuôi và khắc phục được điểm hạn chế của các quy định về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi trong các văn bản trước đây. Mặt khác, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có quyền thỏa thuận về việc cha mẹ đẻ sẽ giữ lại một số quyền, nghĩa vụ đối với con đã cho làm con nuôi và cách thức thực hiện các quyền này sau khi đã cho con làm con nuôi. Việc thỏa thuận này phải được thực hiện bằng văn bản và trong khuôn khổ luật định trước khi đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để tránh những tranh chấp có thể xảy ra giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi.
Các quyền và nghĩa vụ được liệt kê tại Khoản 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi sẽ chấm dứt giữa cha mẹ đẻ và con nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận khác, trong đó không đề cập đến quyền thừa kế, do đó, quyền thừa kế không đương nhiên chấm dứt mà vẫn tồn tại giữa cha mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi. Tuy nhiên điều này chưa được phù hợp với bản chất và thực tế trong quan hệ nuôi con nuôi trong nước cũng như quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Vì khi xác lập quan hệ cha mẹ con thì cha mẹ nuôi mong muốn con nuôi gắn bó với gia đình cha mẹ nuôi, có cuộc sống ổn định trong đình cha mẹ nuôi và không muốn con nuôi duy trì bất cứ mối quan hệ nào với gia đình cha mẹ đẻ, kể cả quan hệ thừa kế. Đặc biệt trong quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, khi trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận nuôi với hình thức nuôi con nuôi đầy đủ, phù hợp với pháp luật của nước nhận thì mọi quyền và nghĩa vụ giữa người con đó với gia đình gốc là chấm dứt. Do đó, quan hệ thừa kế giữa người con đã cho làm con nuôi nước ngoài với gia đình gốc cũng không thể tồn tại. Vì vậy, quy định về việc quan hệ thừa kế giữa con đã cho làm con nuôi với cha
mẹ đẻ và gia đình huyết thống không đương nhiên chấm dứt như các quyền và nghĩa vụ khác là không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi và cũng không có tính khả thi [23]. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa pháp luật Việt Nam và quy định của Công ước Lahay 1993.
Hầu hết các trẻ em tại tỉnh Thừa Thiên Huế được người nước ngoài nhận làm con nuôi gần như cắt đứt mọi quan hệ với cha mẹ đẻ. Không có trường hợp nào trẻ đã cho làm con nuôi người nước ngoài về lại Việt Nam để nhận thừa kế của cha mẹ đẻ.
2.5 Chấm dứt việc nuôi con nuôi
Có thể bạn quan tâm!
- Ý Chí Của Các Chủ Thể Có Liên Quan Trong Việc Cho Nhận Con Nuôi
- Thẩm Quyền Đăng Ký Việc Nuôi Con Nuôi Trong Nước
- Trong Quan Hệ Giữa Cha Mẹ Nuôi, Gia Đình Cha Mẹ Nuôi Với Con Nuôi
- Khái Quát Một Vài Nét Về Tình Hình Nuôi Con Nuôi Tại Thừa Thiên Huế Từ Năm 2001 Đến 2011
- Tình Hình Nuôi Con Nuôi Có Yếu Tố Nước Ngoài Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế Từ Năm 2001 Đến Năm 2011
- Vấn Đề Nuôi Con Nuôi Thực Tế Mà Chưa Đăng Ký
Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.
Chấm dứt việc nuôi con nuôi chỉ đặt ra trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, xuất phát từ yêu cầu của các bên chủ thể và phải được Toà án quyết định. Việc nhận nuôi con nuôi hay chấm dứt nuôi con nuôi có ảnh hưởng sâu sắc đến quyền và lợi ích của cả hai phía: người nhận nuôi và người được nhận nuôi; đồng thời ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội. Chấm dứt việc nuôi con nuôi được áp dụng trong trường hợp việc nuôi con nuôi đã được thực hiện, quan hệ cha mẹ và con đã được thiết lập, nhưng việc nuôi con nuôi không đạt được mục đích, quan hệ nuôi con nuôi không thể duy trì, do đó cần được chấm dứt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Tham khảo pháp luật nuôi con nuôi ở một số nước cho thấy có những quy định khác nhau về vấn đề này, như: Bộ luật dân sự Pháp quy định việc nuôi con nuôi không thể hủy được nếu là con nuôi trọn vẹn. Việc hủy việc nuôi con nuôi đơn giản chỉ được thực hiện khi con nuôi vẫn còn là vị thành niên. Yêu cầu hủy bỏ do người xin nhận con nuôi đưa ra chỉ có thể được xem xét khi con nuôi trên 15 tuổi [9];
Luật Nuôi con nuôi không đưa ra khái niệm về chấm dứt việc nuôi con nuôi, tuy nhiên ta có thể hiểu: Chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc cơ quan có
thẩm quyền ra quyết định chấm dứt quan hệ giữa cha mẹ và con theo yêu cầu của các bên hoặc do luật định.
2.5.1 Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi
Cơ sở hình thành quan hệ cha, mẹ con giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi là thông qua việc nhận nuôi và xác lập theo ý chí của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi. Việc chấm dứt việc nuôi con nuôi nằm ngoài sự mong đợi của cha mẹ nuôi và con nuôi, nhưng để nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên nên pháp luật quy định cho phép chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Tuy nhiên do tính chất thiêng liêng của quan hệ cha, mẹ con nên việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi cũng chỉ được thực hiện trong các trường hợp nhất định được quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi như sau:
- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi. Trường hợp này đòi hỏi sự tự nguyện chấm dứt của cả hai bên cha mẹ nuôi và con nuôi. Hành vi tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi của cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên phải đảm bảo sự thống nhất từ hai bên chủ thể hay nói một cách khác là cần có sự thoả thuận của cha mẹ nuôi và con nuôi. Tuy nhiên nếu một bên cha nuôi hoặc mẹ nuôi muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi còn bên kia không đồng ý thì Tòa án có thể ra Quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi không? Vấn đề này chưa được rõ ràng, gây lúng túng cho Tòa án khi tiếp nhận yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi từ phía cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà không có ý kiến của người còn lại.
Theo quy định trên thì, nếu chỉ một bên cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người con nuôi muốn tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể giải quyết. Thực tế cho thấy trên báo chí đã đưa ra những trường hợp con nuôi đã trưởng thành, không còn tôn trọng cha mẹ nuôi nhưng vẫn sống bám vào cha mẹ nuôi và phá tán tài sản của cha mẹ nuôi, trong khi cha mẹ nuôi đã già, không thể tiếp tục nuôi dưỡng dạy dỗ,
giáo dục được nữa nên cha mẹ nuôi muốn chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Thế nhưng Tòa án không thể thụ lý giải quyết bởi trường hợp này không có sự tự nguyện chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi từ phía người con nuôi, cho dù tình cảm giữa cha mẹ và con nuôi đã hết. Để bảo vệ quyền lợi của cha mẹ nuôi trong những trường hợp như trên, pháp luật cần có quy định để quan hệ nuôi con nuôi được chấm dứt khi một trong hai bên nhận thấy không thể đạt được mục đích của việc nuôi con nuôi.
- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.
Trong thực tế chúng ta có thể gặp một số trường hợp người con nuôi có hành vi ngược đãi, hành hạ cha, mẹ nuôi như đối xử tệ bạc với cha mẹ nuôi về thể xác và tinh thần hay phá tán tài sản của cha mẹ nuôi. Nhưng cũng cần lưu ý là con nuôi phải là đã bị kết án về một trong các tội này và trong trường hợp người con nuôi có hành vi trên đối với cha mẹ nuôi thì mới được coi là căn cứ để chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Nếu hành vi vi phạm đối với người khác thì không được coi là căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi. Do các hành vi này của con nuôi đã phá vỡ mục đích của việc nuôi con nuôi, dẫn đến tình cảm của cha mẹ nuôi và con nuôi không còn nữa. Do đó, chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là hoàn toàn phù hợp.
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi.
Đây là những hành vi có lỗi của cha mẹ nuôi, xâm phạm một cách nghiêm trọng đến lợi ích của người con nuôi và đã bị kết án về hành vi đó. Có thể nói đây là sự vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của cha mẹ nuôi. Việc pháp luật quy định đây là một căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người con nuôi, tách người con nuôi khỏi môi trường
có nguy cơ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách, thể chất, cuộc sống của người con nuôi.
- Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi.
Luật Nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi cũng chấm dứt khi vi phạm các điều cấm được quy định tại Điều 13. Bởi khi quan hệ nuôi con nuôi được thiết lập trên cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật thì không được công nhận và phải chấm dứt, thậm chí phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật Nuôi con nuôi đã đưa ra các căn cứ chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, Luật Nuôi con nuôi không phân định rõ “chấm dứt nuôi con nuôi” và “huỷ nuôi con nuôi”. Chúng ta cũng thấy rằng hai thuật ngữ pháp lý này khác nhau và hậu quả pháp lý của chúng cũng khác nhau.
Chấm dứt nuôi con nuôi khi việc nuôi con nuôi là hợp pháp (đảm bảo đúng mục đích, các bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện nuôi con nuôi, trình tự thủ tục luật định) nhưng trong quá trình nuôi con nuôi các bên có các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Có đơn yêu cầu của những người có quyền yêu cầu thì toà án sẽ ra quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Hủy việc nuôi con nuôi trong trường hợp việc nuôi con nuôi là trái pháp luật (tức là tại thời điểm xác lập quan hệ nuôi con nuôi các bên hoặc một trong hai bên đã vi phạm các điều kiện luật định). Trong trường hợp này Tòa án buộc phải ra quyết định huỷ việc nuôi con nuôi trái pháp luật, coi như chưa bao giờ tồn tại quan hệ pháp lý giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.
Như vậy, có thể hiểu chấm dứt nuôi con nuôi không mang ý nghĩa là một chế tài, còn huỷ việc nuôi con nuôi trái pháp luật mang tính chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, các văn bản hướng dẫn cần phân biệt rõ hai thuật ngữ này để việc giải quyết các tranh chấp được chính xác, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên chủ thể cũng như đảm bảo đúng ý nghĩa xã hội của việc nuôi con nuôi.
Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cũng đã từng phát hiện một trường hợp có hành vi sửa chữa, làm lại giấy khai sinh cho trẻ để thực hiện việc cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài. Sở Tư pháp đã xử lý và kiến nghị xử lý các đối tượng có liên quan. Do việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không nhiều, việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, các trường hợp cho nhận con nuôi diễn ra đơn giản, đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích cho nhận con nuôi, nên trong 11 năm qua (từ 2001 đến 2011) không có trường hợp nào yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
2.5.2 Thủ tục giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi
Khác với quan hệ pháp luật giữa cha mẹ đẻ và con đẻ không thể từ bỏ, chấm dứt về mặt pháp lý, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có thể chấm dứt trong một số trường hợp nhất định. Cách thức xác lập nuôi con nuôi ảnh hưởng đến cách thức chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi, quan hệ nuôi con nuôi được xác lập trên cơ sở công nhận của cơ quan có thẩm quyền thì khi chấm dứt cũng bằng một quyết định của cơ quan có thẩm quyền và theo một trình tự, thủ tục nhất định. Vì vậy, Điều 10 Luật Nuôi con nuôi đã quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Việc xác lập quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi xuất phát từ lợi ích chính của người con nuôi và bảo đảm quyền lợi của cha mẹ nuôi và việc nuôi con nuôi phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi mục đích của việc nuôi con nuôi không đạt được thì các chủ thể có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm: cha mẹ nuôi, con nuôi đã thành niên, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi; ngoài ra cơ quan lao động, thương binh và xã hội hoặc hội liên hiệp phụ nữ cũng có quyền yêu cầu Tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi [9, Đ.26].
Chấm dứt nuôi con nuôi là vấn đề hệ trọng do đó phải được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi, nếu các bên thỏa thuận được về tài sản thì Tòa án công nhận thỏa thuận đó. Nếu có tranh chấp về tài sản thì các đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Nếu người con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động hoặc không có khả năng để tự nuôi mình thì trong quyết định về việc chấm dứt việc nuôi con nuôi, Tòa án phải xác định rõ cha mẹ đẻ, cá nhân, cơ quan tổ chức trông nom, nuôi dưỡng người con đó.
Qua khảo sát thực tế tại Tòa án nhân dân các cấp tại Thừa Thiên Huế từ năm 2001 đến 2011 không tiếp nhận, thụ lý trường hợp nào yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
2.5.3 Hệ quả pháp lý của chấm dứt việc nuôi con nuôi
Khi việc nuôi con nuôi bị chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi và cha mẹ nuôi bị chấm dứt. Các quyền và nghĩa vụ giữa trẻ em và cha mẹ đẻ đươc khôi phục. Trẻ em sẽ được trao trả về gia đình gốc hoặc giao cho cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giám hộ, con nuôi có quyền lấy lại họ, tên gốc của mình trước đây khi việc nuôi con nuôi được chấm dứt hoặc hủy bỏ.
Kế thừa Điều 78 Luật HN&GĐ năm 2000, Luật Nuôi con nuôi quy định rõ hệ quả của việc chấm dứt con nuôi tại Điều 27. Hậu quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi có mối liên hệ chặt chẽ với hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi, theo đó khi việc nuôi con nuôi được xác lập thì những quyền nào của cha mẹ đẻ đối với người con đó bị chấm dứt, thì khi chấm dứt việc nuôi con nuôi thì những quyền nào bị chấm dứt trước đây giữa cha mẹ đẻ và con sẽ được khôi phục lại. Có thể hiểu khi việc nuôi con nuôi chấm dứt sẽ phát sinh hậu quả pháp lý theo hướng: