Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Nghệ An là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Tỉnh có bờ biển dài, phẳng với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn, có diện tích rừng rộng lớn, danh lam thắng cảnh phong phú, khu dự trữ sinh quyển phía Tây Nghệ An với nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều hang động, khe suối, thác nước đẹp và hùng vĩ. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử trong đó có các di tích Quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt. Tỉnh còn có hàng chục lễ hội đặc trưng gắn liền với sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, Nghệ An còn có nhiều sản phẩm và làng nghề thủ công lâu đời, nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, đặc biệt là dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Nghệ An còn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân, trí thức có tiếng và nhiều địa danh ghi dấu ấn trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay tiềm năng đó phần lớn chưa được khai thác, trong khi Nghệ An vẫn đang là tỉnh nghèo. Để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó cho phát triển du lịch cần phải có nguồn lực đầu tư lớn.

Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành công nhất định trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch. Điều này được thể hiện qua số lượng doanh nghiệp kinh doanh du lịch ngày càng tăng, vốn, dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng nhiều hơn. Một số dự án du lịch lớn đã, đang và sẽ triển khai như khu du lịch biển Cửa Lò, khu du lịch Bãi Lữ, khu du lịch Cửa Hội, khu du lịch sinh thái Mường Thanh Safari Diễn Lâm, Dự án tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội.., một số khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí lớn đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch ngày càng tăng…

Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 04/1/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030 đã đề ra mục tiêu từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Trong khi nhu cầu về các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế nói chung, đầu tư phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An nói riêng ngày càng tăng nhưng khả năng đáp ứng từ ngân sách nhà nước của tỉnh lại hạn chế. Vì vậy, để đạt được mục tiêu mà chương trình hành động đã đề ra, đòi hỏi cần có sự đầu tư nhiều hơn của các loại hình doanh nghiệp. Mặt khác, đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng ngày càng hiệu quả với xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, bất cập, số lượng vốn đầu tư hạn chế, số dự án du lịch chưa nhiều, số doanh nghiệp kinh doanh du lịch vẫn còn ít, nhất là các doanh nghiệp lớn…

Thực tế đó đòi hỏi tỉnh Nghệ An cần có những đột phá trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch, thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, có hệ thống để xác định rõ những thành tựu, những hạn chế và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào du lịch tỉnh Nghệ An, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thành công mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025, trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 đã được đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định [67]. Đó cũng là lý do tác giả lựa chọn chủ đề: “Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An” làm đề tài nghiên cứu cho Luận án tiến sĩ.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

Trên cơ sở một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh, luận án phân tích, đánh giá thực trạng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

- Nhiệm vụ nghiên cứu

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An - 2

+ Góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận, kinh nghiệm của một số tỉnh ở Việt Nam trong việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh.

+ Đánh giá thực trạng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An trong thời gian từ 2015 - 2019.

+ Đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận án nghiên cứu những vấn đề về thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về không gian:

Luận án nghiên cứu việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Về thời gian:

Luận án nghiên cứu thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch tỉnh Nghệ An từ năm 2015 đến năm 2019 và các giải pháp được đề xuất đến năm 2030.

- Về nội dung:

+ Chủ thể thu hút đầu tư: Luận án tập trung vào chính quyền tỉnh Nghệ An (cấp tỉnh).

+ Đối tượng thu hút đầu tư là các loại hình doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Lĩnh vực thu hút đầu tư của doanh nghiệp: là lĩnh vực du lịch. Cụ thể là: đầu tư của doanh nghiệp vào kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh ăn uống, kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí…

+ Hình thức đầu tư: Luận án này nghiên cứu thu hút đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp vào phát triển du lịch.

4. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và đặc biệt sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học để nghiên cứu từ chương 1 đến chương 4.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh từ các số liệu, tư liệu thu thập được ngoài nước, trong nước, trong tỉnh Nghệ An, trên cơ sở đó xây dựng các nội dung của luận án.

- Phương pháp phỏng vấn được thực hiện với một số đối tượng là các chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, UBND tỉnh. Trong phương pháp này, các câu hỏi theo mục đích khảo sát đã được chuẩn bị trước, sau đó thông qua phỏng vấn trực tiếp các cá nhân để thu thập thông tin (xem phụ lục 3). Kết quả của phương pháp này làm cơ sở để góp phần đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp cho vấn đề nghiên cứu.

- Phương pháp điều tra xã hội học:

+ Thiết kế phiếu: Gồm những câu hỏi liên quan đến công tác thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An để người được điều tra có thể đánh dấu X vào một hoặc nhiều các phương án trả lời đã cho sẵn hoặc trả lời câu hỏi ngắn gọn (xem mẫu phiếu điều tra ở phụ lục 1 và phụ lục 2).

+ Đối tượng điều tra: Chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch (kinh doanh lưu trú, kinh doanh lữ hành, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh ăn uống và kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí) và cán bộ thực hiện công tác thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh gồm: Sở Du lịch, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Tài chính, Sở giao thông vận tải Nghệ An, Cục thuế, UBND tỉnh, trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư tỉnh.

+ Tổng số phiếu điều tra: Đã gửi 220 phiếu điều tra, trong đó 170 phiếu điều tra đối với chủ doanh nghiệp và 50 phiếu điều tra cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện công tác thu hút đầu tư. Chúng tôi thu về được 218 phiếu điều tra, trong đó 168 phiếu điều tra đối với chủ doanh nghiệp (2 phiếu không gửi lại do doanh nghiệp quá bận công việc nên không thực hiện) và thu về đủ 50 phiếu điều tra cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện công tác thu hút đầu tư.

+ Địa phương điều tra: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thực hiện công tác thu hút đầu tư ở các sở, ban, ngành, UBND tỉnh đều đóng tại địa bàn thành phố Vinh vì vậy chúng tôi chỉ điều tra trên địa bàn thành phố Vinh. Đối với chủ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, chúng tôi tập trung chủ yếu vào những địa phương cấp huyện có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư gồm: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, huyện Nam Đàn.

+ Phương pháp xử lý dữ liệu: dữ liệu thu thập được xử lý bằng phần mềm Excel để có được các kết quả phân tích nhằm phản ánh thực trạng vấn đề nghiên cứu.

5. Những đóng góp mới về khoa học của luận án

- Luận giải và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận về thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển du lịch. Đưa ra và phân tích khái niệm thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào du lịch cấp tỉnh, xác định các đặc điểm của thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào du lịch, vai trò của thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch. Xây dựng các tiêu chí đánh giá và xác định nội dung thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh.

- Phân tích, đánh giá thực trạng việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, luận án chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An vào du lịch còn ít về số lượng doanh nghiệp và dự án, nhỏ về quy mô vốn đầu tư… là do các biện pháp, chính sách và hoạt động thu hút đầu tư chưa được chú trọng, chưa phù hợp.

- Đề xuất một số giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

6. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung luận án được kết cấu thành 4 chương với 11 tiết.

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.

Chương 2. Cơ sở lý luận và kinh nghiệm thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch cấp tỉnh.

Chương 3. Thực trạng thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch tỉnh Nghệ An.

Chương 4. Quan điểm và giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ Ở NƯỚC NGOÀI LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.1.1. Nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới đầu tư vào du lịch

- Bài viết “Key factors influencing foreign direct investment in the tourism industry in South Africa” (Các yếu tố chính ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch Nam Phi) của tác giả J.A. Snyman and M. Syman [104]. Theo tác giả, đầu tư vào ngành du lịch mất rất nhiều vốn vì chi phí kết cấu hạ tầng cao (khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi, giải trí và đầu tư thiết bị cho các cơ sở này). Do đó, nhà đầu tư sẽ lo lắng việc đầu tư của mình sẽ mang lại một khoản lỗ thay vì lợi nhuận. Các yếu tố có thể ngăn cản các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư đó là: hỗ trợ chính phủ không đầy đủ; ưu đãi đầu tư thấp; thiếu kết cấu hạ tầng hỗ trợ; khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai; phải làm việc với nhiều cơ quan với nhiều chức năng chồng chéo; mất nhiều thời gian cần thiết để có được quyết định đầu tư, thiếu lao động có chuyên môn ở địa phương có thể sử dụng cho dự án…

Từ sự phân tích trên, tác giả chỉ ra 5 nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành du lịch đó là: Thứ nhất, kết cấu hạ tầng và sự ổn định chính trị xã hội. Kết cấu hạ tầng như đường sá, sân bay, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt… như một yếu tố hết sức quan trọng đối với việc thu hút các nhà đầu tư. Sự ổn định chính trị và an ninh ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư vì sự lo lắng về việc bảo toàn vốn đầu tư. Thứ hai, là chính phủ và chính sách của chính phủ. Thực tế cho thấy bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các chính sách của chính phủ nhằm tạo ra một nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho FDI vào ngành du lịch như: chính sách hỗ trợ của chính phủ, chính sách đào tạo lao động, chính sách sử dụng lao động, đảm bảo quyền tự chủ về kinh tế cho các doanh nghiệp…Thứ ba, tình hình nền kinh tế của đất nước. Nhân tố này bao gồm tình hình lạm phát, triển vọng kinh tế, lợi nhuận kỳ vọng, quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng của thị trường dịch vụ du lịch được đầu tư. Thứ tư, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. Khía cạnh này liên quan đến các chương trình khuyến khích, thu hút đầu tư, quy mô thị trường và sự phát triển của du lịch quốc

tế. Nhân tố này tác động rất lớn đến quyết định của nhà đầu tư, đặc biệt là trong ngành du lịch. Thứ năm, tài nguyên thiên nhiên. Nhân tố này hết sức quan trọng vì phần lớn đầu tư vào du lịch là hướng đến khám phá tài nguyên thiên nhiên.

- Công trình “Attracting Investment in Tourism” (thu hút đầu tư vào du lịch) của Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA), Ngân hàng thế giới [105]. Công trình này đưa ra những nhân tố để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch ở Tanzania. Các nhân tố được đưa ra ở đây bao gồm những thuận lợi mà các nhà đầu tư vào du lịch mong muốn khi tiến hành bỏ vốn đầu tư. Cụ thể là: (1) Tài sản và kết cấu hạ tầng. Về tài sản du lịch, đó là các tài sản về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và khảo cổ bao gồm các nơi nổi tiếng như: Khu bảo tồn, công viên quốc gia, công viên biển, di tích lịch sử… Về kết cấu hạ tầng phục vụ du lich đó là các khách sạn, nhà nghỉ và các công trình giao thông. (2) Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Theo các tác giả của công trình này, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sẽ định hướng cho các nhà đầu tư tìm nơi đầu tư phù hợp với dịch vụ du lịch mà mình cung cấp, qua đó, nhà nước cũng xây dựng được kế hoạch đầu tư của mình để thu hút các nhà đầu tư, đảm bảo cho phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững. (3) Xây dựng lợi thế cạnh tranh. Mục đích của việc chính phủ xây dựng lợi thế cạnh tranh là để tăng sức hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư. Lợi thế cạnh tranh đó là: (a) bằng cách gia tăng giá trị sản phẩm dịch vụ; (b) thông qua phân khúc thị trường; và (c) thông qua sự khác biệt hóa sản phẩm. (4) Chính phủ. Theo công trình nghiên cứu này, để thu hút đầu tư, chính phủ cần ban hành các chính sách về thuế, hỗ trợ đầu tư, công nhận đầu tư của khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng du lịch, chính phủ phải cải cách bộ máy để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính. (5) Hoạt động xúc tiến đầu tư. Nhân tố này bao gồm các hoạt động như cung cấp các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư, giới thiệu cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho đầu tư vào du lịch.

- Công trình “Tourism investment and finance” (đầu tư du lịch và tài chính) của Jim Phillips và Jamie Faulkner [96]. Công trình này đề cập đến một nhân tố quan trọng trong thu hút đầu tư vào du lịch đó là xu hướng của khách du lịch. Theo các tác giả, khi internet, truyền thông xã hội, phương tiện giao thông ngày càng thuận lợi cho phép khách du lịch thực hiện các chuyến đi theo sở thích riêng của mình thì các điểm đến mới nổi là nơi hấp dẫn khách du lịch, do đó, xu hướng này của du khách sẽ là

định hướng để các nhà đầu tư bỏ vốn vào những địa điểm mới này. Khi các mối đe dọa môi trường vì sự gia tăng dân số, sự mở rộng nhanh chóng của các ngành công nghiệp khai thác (dầu, khí đốt, khoáng sản) và biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng thì du lịch sinh thái là lựa chọn hàng đầu của du khách. Do đó, đầu tư vào du lịch sinh thái cũng thu hút được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm. Theo các tác giả, phát triển du lịch bền vững cũng là kinh doanh thông minh, khi ngày càng nhiều du khách tìm kiếm các điểm đến nghỉ mát thân thiện với môi trường. Vì vậy, xu hướng du lịch của du khách tác động rất lớn đến quyết định của các nhà đầu tư.

- Công trình “promoting foreign investment in tourism” (Quảng bá đầu tư nước ngoài vào du lịch) của Liên hợp quốc [106]. Công trình này đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm các yếu tố để quyết định đầu tư vào du lịch là: (1) Quy mô và phạm vi của thị trường: Quy mô hiện tại, tiềm năng tương lai cho du lịch trong nước và quốc tế; cơ cấu các loại hình dịch vụ du lịch; chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch hiện có. (2) Lực lượng lao động: Quy mô và độ tuổi của lực lượng lao động, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ đào tạo và chất lượng của lực lượng này; chất lượng lao động quản lý của địa địa phương, kiến thức ngoại ngữ; chi phí sử dụng lao động. (3) Cơ sở hạ tầng: Đường bộ, cảng biển và sân bay (chất lượng, sức chứa, điểm đến, khoảng cách); hệ thống cấp điện, nước, và viễn thông. Các dịch vụ thông tin du lịch, đại lý du lịch, mạng lưới tiếp thị và phân phối dịch vụ du lịch. (4) Dịch vụ vận tải khách du lịch (hãng hàng không, xe buýt, cho thuê xe…). (5) Khung pháp lý cho hoạt động đầu tư và kinh doanh du lịch như: luật thương mại và môi trường, luật du lịch, khả năng mua lại hoặc cho thuê đất; ưu đãi đầu tư, quản lý nhà nước về du lịch, việc đảm bảo thực thi pháp luật. (6) Yếu tố văn hóa của người dân trong nước về lòng hiếu khách, lịch sự và văn minh, về sự an toàn của du khách…

- Bài viết “China's outward foreign direct investment in tourism” (Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào du lịch) của Xinjian Li, Songshan (Sam) Huang và Changyao Song [98]. Trong bài viết này, các tác giả đã đề cập đến các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào du lịch. Các nhân tố này là: Thứ nhất, môi trường đầu tư. Các tác giả cho rằng môi trường đầu tư đề cập đến ở đây là môi trường pháp lý của nước chủ nhà, môi trường thể chế, chính sách kinh tế và sự hiếu khách đối với đầu tư nước ngoài. Một môi trường đầu tư tốt ở nước sở tại

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/03/2023