Tài chính tiền tệ - 25

ngân hàng phục vụ mình chuyển một số tiền nhất định cho người nhận tiền (bên xuất khẩu) ở một thời điểm nhất định. Ngân hàng chuyển tiền phải thông qua đại lý của mình ở nước người thụ hưởng để thực hiện việc chuyển tiền.

Phương thức chuyển tiền có thể thực hiện bằng hai cách: Chuyển tiền bằng điện và chuyển tiền bằng thư. Trong trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ, người chuyển tiền phải mua ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái của nước đó.

Phương thức này không đảm bảo quyền lợi chắc chắn cho bên xuất khẩu vì việc trả tiền còn phụ thuộc vào thiện chí của bên nhập khẩu nên phương thức chuyển tiền ít đươc sử dụng trong thanh toán quốc tế. Nó thường được sử dụng trong việc ứng trước tiền hàng, trả tiền phạt, trả tiền hoa hồng.

Nội dung phương thức thanh toán chuyển tiền được thể hiện qua trình tự sau:


Bên nhập khẩu

Bên xuất khẩu


(1) (3)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Ngân hàng của bên nhập khẩu

Ngân hàng của bên xuất khẩu

Tài chính tiền tệ - 25

(2)



(1) Bên nhập khẩu yêu cầu ngân hàng nước mình chuyển một số tiền nhất dịnh cho người được thụ hưởng ở nước ngoài.

(2) Ngân hàng phục vụ bên nhập khẩu thực hiện yêu cầu, làm thủ tục và chuyển tiền ra nước ngoài.

(3) Ngân hàng của bên xuất khẩu sau khi đã nhận được tiền chuyển đến, thực hiện trả tiền cho người nhận (bên xuất khẩu).

4.3.2. Phương thức nhờ thu

Phương thức nhờ thu là phương thức trong đó bên xuất khẩu sau khi hoàn tất nghĩa vụ giao hàng hoá cho bên nhập khẩu thì ký thác hối phiếu đòi tiền ở bên nhập khẩu, rồi đến ngân hàng nhờ thu hộ số tiền trên hối phiếu đó.

Nhờ thu có thể được thực hiện bằng hai cách:

- Nhờ thu phiếu trơn: là bên xuất khẩu nhờ ngân hàng thu hộ tiền của hối phiếu ở bên nhập khẩu mà không kèm theo chứng từ về hàng hóa. Bên xuất khẩu gửi hàng hóa cho bên nhập khẩu, đồng thời gửi bộ chứng từ hàng hóa cho bên nhập khẩu đi nhận hàng. Phương thức này ít được sử dụng vì nó không đảm bảo chắc chắn cho bên xuất khẩu nhận được tiền. Nó thường được sử dụng trong thu tiền cước phí vận tải, phí bảo hiểm, lệ phí, hoa hồng.

- Nhờ thu kèm chứng từ : Là phương thức trong đó bên xuất khẩu uỷ thác cho

ngân hàng thu hộ tiền ở bên nhập khẩu, không những chỉ căn cứ vào hối phiếu mà còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá gửi kèm theo, với điều kiện là bên nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn thì ngân hàng mới trao bộ chứng từ hàng hoá cho bên nhập khẩu để đi nhận hàng.

So với phương thức chuyển tiền thì phương thức nhờ thu kèm chứng từ đảm bảo hơn đối với bên xuất khẩu vì bên xuất khẩu đã có ngân hàng thay họ khống chế các chứng từ hàng hóa để bên nhập khẩu đi nhận hàng.

(2)

(7)

(4)

(5)

Ngân hàng của

bên xuất khẩu

(3)

Ngân hàng của

bên nhập khẩu

(6)

Bên xuất khẩu

Bên nhập khẩu

Nội dung phương thức thanh toán nhờ thu được thể hiện qua trình tự sau: (1)


(1) Căn cứ hợp đồng ký kết, bên xuất khẩu gửi hàng hóa cho bên nhập khẩu.

(2) Ngay sau khi gửi hàng, bên xuất khẩu lập bộ chứng từ, phát hành hối phiếu và gửi cho ngân hàng phục vụ mình để nhờ ngân hàng thu hộ tiền.

(3) Nhận được bộ chứng từ và hối phiếu do bên xuất khẩu gửi đến, ngân hàng phục vụ bên xuất khẩu kiểm tra lại chứng từ, hối phiếu và lập thư ủy nhiệm, gửi các chứng từ đó sang ngân hàng của bên nhập khẩu.

(4) Nhận được chứng từ, hối phiếu do ngân hàng của bên xuất khẩu gửi đến, ngân hàng của bên nhập khẩu kiểm tra lại chúng rồi thông báo cho bên nhập khẩu biết.

(5) Nhận được bộ chứng từ do bên xuất khẩu chuyển đến, nếu thấy hợp lệ thì bên nhập khẩu trả tiền ngay hoặc chấp nhận trả tiền cho hối phiếu đó.

(6) Sau khi bên nhập khẩu trả tiền, ngân hàng phục vụ bên nhập khẩu làm thủ tục chuyển trả số tiến đó cho bên xuất khẩu thông qua ngân hàng của bên xuất khẩu.

(7) Nhận được tiền do ngân hàng của bên nhập khẩu chuyển đến, ngân hàng của bên xuất khẩu trả tiền cho bên xuất khẩu và thông báo cho bên xuất khẩu biết.

4.3.3. Phương thức tín dụng chứng từ (L/C)

Phương thức này là một sự thoả thuận trong đó một ngân hàng theo yêu cầu của bên nhập khẩu sẽ trả một số tiền nhất định cho bên xuất khẩu hoặc chấp nhận hối phiếu do bên xuất khẩu ký phát trong phạm vi số tiền đó, khi bên xuất khẩu xuất trình cho ngân hàng bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đề ra trong thư tín dụng. Như vậy, trong phương thức này bắt buộc phải hình thành một thư tín dụng. Đây

là một văn bản pháp lý quan trọng trong phương thức tín dụng chứng từ, vì nếu không có thư tín dụng thì bên xuất khẩu sẽ không giao hàng.

Thư tín dụng là văn bản pháp lý trong đó ngân hàng mở thư tín dụng cam kết trả tiền cho bên xuất khẩu, nếu họ xuất trình đầy đủ bộ chứng từ thanh toán phù hợp với nội dung của thư tín dụng đã mở.

Thư tín dụng phải được hình thành trên cơ sở hợp đồng thương mại, có nghĩa là phải căn cứ vào nội dung, yêu cầu của hợp đồng để bên nhập khẩu làm thủ tục yêu cầu ngân hàng mở thư tín dụng. Khi đã được mở, thư tín dụng hoàn toàn độc lập với hợp đồng thương mại đó khi thanh toán, ngân hàng chỉ căn cứ vào nội dung thư tín dụng.

Trong thanh toán quốc tế, người ta sử dụng nhiều loại thư tín dụng như: thư tín dụng có thể huỷ ngang, thư tín dụng không thể huỷ ngang, thư tín dụng không thể huỷ ngang có xác nhận.

- Thư tín dụng có thể hủy ngang: là loại thư tín dụng mà ngân hàng và bên nhập khẩu lúc nào cũng có thể tự ý thay đổi, hủy bỏ nó không cần báo trước cho bên xuất khẩu biết. Trong trường hợp có thêm ngân hàng đại lý tham gia thì việc sửa đổi hay hủy bỏ chỉ có hiệu lực sau khi ngân hàng này đồng ý. Loại thư tín dụng này ít được sử dụng vì nó không đảm bảo quyền lợi chắc chắn cho bên xuất khẩu.

- Thư tín dụng không thể hủy ngang: là loại thư tín dụng mà khi ngân hàng đã mở thư tín dụng phải chịu trách nhiệm trả tiền cho bên xuất khẩu trong thời gian hiệu lực của thư tín dụng. Ngân hàng cũng như bên nhập khẩu không có quyền sửa đổi hay hủy bỏ nó khi chưa có sự đồng ý của bên xuất khẩu. Loại thư tín dụng này bảo đảm quyền lợi cho bên xuất khẩu nên trong thanh toán quốc tế được sử dụng rộng rãi.

- Thư tín dụng không thể hủy ngang có xác nhận: là loại thư tín dụng không thể hủy ngang được một ngân hàng khác bảo đảm trả tiền cho thư tín dụng đó theo yêu cầu của ngân hàng mở thư tín dụng. Ngân hàng xác nhận có trách nhiệm trả tiền cho bên xuất khẩu nếu ngân hàng mở thư tín dụng không trả được tiền. Loại thư tín dụng này cũng đảm bảo quyền lợi chắc chắn cho bên xuất khẩu hơn nên nó được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế.

Nội dung của phương thức thanh toán bằng thư tín dụng được thể hiện qua trình tự sau:


(3)

Bên xuất khẩu

Bên nhập khẩu

(4)




(9)

Ngân hàng của bên nhập khẩu

(Ngân hàng mở L/C)


(5)

Ngân hàng của bên xuất khẩu

(Ngân hàng thông báo L/C)

(8) (10)

(1)


(7)

(6)


(2)


(1) Bên nhập khẩu dựa vào hợp đồng đã ký với bên xuất khẩu để làm thủ tục xin mở thư tín dụng tại ngân hàng của bên nhập khẩu (ngân hàng mở L/C) với người thụ hưởng là bên xuất khẩu.

(2) Theo yêu cầu của bên nhập khẩu, ngân hàng của bên nhập khẩu mở một thư tín dụng cho bên xuất khẩu thụ hưởng. Ngân hàng này chuyển bản chính thư tín dụng cho bên xuất khẩu thông qua ngân hàng của bên xuất khẩu (ngân hàng thông báo L/C).

(3) Ngân hàng của bên xuất khẩu nhận thư tín dụng bằng văn bản và gửi bản chính thư tín dụng cho bên xuất khẩu.

(4) Căn cứ vào thư tín dụng nhận được, nếu thấy phù hợp thì bên xuất khẩu thực hiện hợp đồng chuyển hàng cho bên nhập khẩu. Nếu không chấp nhận thì bên xuất khẩu yêu cầu bên nhập khẩu sửa đổi hoặc bổ sung lại thư tín dụng.

(5) Ngay sau khi giao hàng, bên xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán theo đúng yêu cầu của thư tín dụng, xuất trình đến ngân hàng thông báo L/C.

(6) Ngân hàng thông báo L/C sẽ thông báo cho ngân hàng mở L/C xin thanh toán.

(7) Sau khi nhận được bộ chứng từ, ngân hàng mở L/C kiểm tra kỹ các chứng từ đó, nếu thấy phù hợp thì thanh toán tiền cho toàn bộ chứng từ đó.

(8) Ngân hàng thông báo L/C thực hiện thanh toán cho bên xuất khẩu.

(9) Ngân hàng mở L/C tiến hành đòi tiền bên nhập khẩu và chuyển toàn bộ chứng từ cho bên nhập khẩu sau khi nhận được tiền hay chấp nhận thanh toán.

(10) Bên nhập khẩu sau khi nhận được bộ chứng từ do ngân hàng mở L/C chuyển đến sẽ kiểm tra kỹ các chứng từ, nếu thấy phù hợp thì chuyển tiền trả cho ngân hàng mở L/C.

5. TÍN DỤNG QUỐC TẾ

Tín dụng quốc tế là tổng thể các quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể của một quốc gia với các chủ thể của quốc gia khác và với các tổ chức quốc tế khi cho vay và trả nợ tiền vay theo những nguyên tắc của tín dụng.

Các hình thức của tín dụng quốc tế:

5.1. Tín dụng thương mại

Tín dụng thương mại quốc tế được hình thành trên cơ sở mua bán chịu hàng hóa giữa các bên xuất nhập khẩu với nhau. Tín dụng thương mại quốc tế bao gồm hai loại chủ yếu sau:

5.1.1. Tín dụng thương mại cấp cho bên nhập khẩu

Là loại tín dụng do bên xuất khẩu cấp cho bên nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Loại này còn gọi là tín dụng xuất khẩu.

Có hai cách để bên xuất khẩu cấp tín dụng cho bên nhập khẩu:

- Cấp tín dụng bằng cách chấp nhận hối phiếu: là hình thức bên nhập khẩu ký chấp nhận trả tiền vào hối phiếu do bên xuất khẩu ký phát cho họ. Chỉ khi bên nhập khẩu chấp nhận trả tiền vào hối phiếu thì bên xuất khẩu mới trao cho bên nhập khẩu bộ chứng từ hàng hóa qua ngân hàng hoặc gửi trực tiếp cho bên nhập khẩu.

- Cấp tín dụng bằng cách mở tài khoản: là hình thức bên xuất khẩu và bên nhập khẩu ký kết với nhau hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó quy định quyền bên xuất khẩu được mở một tài khoản để ghi nợ bên nhập khẩu sau mỗi lần giao hàng. Theo kỳ hạn nhất định đã ký kết trong hợp đồng, bên nhập khẩu phải thanh toán số nợ đó cho bên xuất khẩu.

5.1.2. Tín dụng thương mại cấp cho bên xuất khẩu

Là loại tín dụng do bên nhập khẩu cấp cho bên xuất khẩu để nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi. Loại này còn gọi là tín dụng nhập khẩu.

Hình thức thực hiện của loại tín dụng này là bên nhập khẩu ứng trước tiền hàng cho bên xuất khẩu để thực hiện nhập khẩu hàng hóa. Việc ứng trước tiền hàng có thể vì các lý do sau:

- Ứng trước tiền hàng có tính chất tín dụng: lý do này diễn ra trong trường hợp bên xuất khẩu thiếu vốn để thực hiện hợp đồng cung cấp hàng hóa cho bên nhập khẩu.

- Ứng trước tiền hàng có tính chất như một khoản tiền đặt cọc: lý do này nhằm bắt buộc bên nhập khẩu phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo hợp đồng đã ký kết.

5.2. Tín dụng ngân hàng

5.2.1. Tín dụng ngân hàng cấp cho bên xuất khẩu

Ngân hàng cho bên xuất khẩu vay bằng cách chiết khấu hối phiếu chưa đến hạn trả tiền. Số tiền được vay bằng số tiền ghi trên hối phiếu sau khi đã trừ đi phần lãi suất chiết khấu của ngân hàng. Thời hạn cho vay của loại này bằng thời hạn còn lại chưa đến hạn trả tiền của hối phiếu. Người trả tiền vay của loại cho vay này là người có nghĩa vụ trả tiền cho hối phiếu.

Ngân hàng cũng có thể cho vay bên xuất khẩu căn cứ vào số hàng hóa chuẩn bị xuất khẩu hay chứng từ hàng hóa đang trên đường đi.

5.2.2. Tín dụng ngân hàng cấp cho bên nhập khẩu

Ngân hàng cấp tín dụng cho bên nhập khẩu chủ yếu bằng cách chấp nhận hối phiếu. Để bảo đảm chắc chắn khả năng chi trả hối phiếu, bên xuất khẩu yêu cầu bên nhập khẩu phải dùng một ngân hàng chấp nhận hối phiếu do họ ký phát. Trong trường hợp này, bên xuất khẩu chuyển thẳng hối phiếu đến ngân hàng cấp tín dụng cho bên nhập khẩu để chấp nhận trả tiền mà không chuyển cho bên nhập khẩu.

Nghiệp vụ chấp nhận này là một nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng, họ phải sử dụng vốn của mình, chịu mọi rủi ro của hối phiếu. Nếu bên nhập khẩu chuyển tiền đến cho ngân hàng để chấp nhận hối phiếu thì họ chỉ phải trả phí chấp nhận, nếu ngân hàng dùng vốn của mình để chấp nhận hối phiếu thì bên nhập khẩu còn phải trả lãi cho khoản vay ngân hàng.

5.3. Tín dụng nhà nước

Đây là loại tín dụng giữa chính phủ các nước, được tiến hành trên cơ sở các hiệp định vay vốn đã ký kết. Hiệp định vay vốn thường được ký tiếp sau các hiệp định về kinh tế giữa các nước. Loại tín dụng này thường có thời hạn dài và lãi suât ưu đãi.

5.4. Tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế

Là loại tín dụng mà các tổ chức tài chính quốc tế cho vay đối với các nước thành viên nhằm khắc phục khó khăn tạm thời về tài chính, hoặc tài trợ cho các chương trình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Loại tín dụng này cũng thường có thời hạn dài, lãi suất ưu đãi và các khoản vay thường đi liền với các dự án phát triển của các nước thành viên.

BÀI ĐỌC THÊM


ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư quốc tế là hình thức di chuyển quốc tế về vốn, trong đó vốn được di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để thực hiện một hoặc một số dự án đầu tư nhằm đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Thực chất của đầu tư quốc tế là sự vận động của tiền tệ và tài sản giữa các quốc gia nhằm điều chỉnh tỷ lệ giữa các yếu tố sản xuất, tạo điều kiện cho nền kinh tế các quốc gia phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu nói chung.

1. NGUYÊN NHÂN CỦA ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư quốc tế được thực hiện với nhiều lý do, trong đó có số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Do sự mất cân đối về các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia nên có sự chênh lệch về giá cả các yếu tố sản xuất. Đầu tư quốc tế được thực hiện nhằm đạt được lợi ích từ sự chênh lệch đó (khai thác lợi thế so sánh giữa các quốc gia).

- Do sự gặp gỡ về lợi ích của các bên tham gia. Đối với bên có vốn đầu tư là cần tìm nơi đầu tư có lợi, cần tránh hàng rào bảo hộ mậu dịch cũng như sự kiểm soát hải quan trong buôn bán quốc tế, cần khuyếch trương thị trường, uy tín, tăng cường vị thế và mở rộng quy mô kinh doanh. Đối với bên nhận vốn đầu tư là do thiếu vốn tích luỹ, do nhu cầu tăng trưởng nhanh, nhu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ và tiếp nhận kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên và tạo việc làm cho lao động trong nước. Đặc biệt đối với các nước đang phát triển, thực hiện tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nhằm mục đích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Trong nhiều trường hợp, đầu tư quốc tế nhằm giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt như xây dựng các công trình có quy mô vượt phạm vi biên giới quốc gia, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều quốc gia.

2. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một loại hình của đầu tư quốc tế, trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn. Về thực chất, FDI là sự đầu tư của các công ty nhằm xây dựng các cơ sở, chi nhánh ở nước ngoài và làm chủ toàn bộ hay từng phần các cơ sở đó.

Nguồn vốn của FDI chủ yếu được thực hiện từ các cá nhân, vốn của các công ty nhằm mục đích thu được lợi nhuận cao hơn qua việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài.

Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:

2.1. Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng

Là hình thức kinh doanh trong đó nước nhận đầu tư nhận ứng trước vốn và công nghệ để tiến hành sản xuất kinh doanh sau đó trả dần bằng sản phẩm đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Hình thức này giúp nước nhận đầu tư giải quyết khó khăn về vốn, công nghệ nhưng việc điều tra kiểm soát chưa sát sao nên tính khả thi còn thấp, hiệu quả kinh doanh chưa được cao.

2.2. Hợp tác theo hình thức liên doanh (Doanh nghiệp liên doanh)

Hai hay nhiều bên cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp liên doanh. Mức độ tham gia quản lý phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp. Bên nào nằm giữ trên 50% được giữ chức tổng giám đốc điều hành hay chủ tịch hội đồng quản trị. Lợi nhuận làm ra sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được chia theo tỷ lệ vốn góp.

2.3. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài

Là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư toàn bộ vốn và nắm toàn bộ quyền điều hành. Lợi nhuận tạo ra sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu muốn đưa ra khỏi nước sở tại thì phải đóng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

3. ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP NƯỚC NGOÀI

Đầu tư gián tiếp nước ngoài là một loại hình di chuyển vốn giữa các quốc gia, trong đó người chủ sở hữu vốn không trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động sử dùng vốn. Nói cách khác, đầu tư gián tiếp nước ngoài là một loại hình đầu tư quốc tế mà quyền sở hữu vốn tách rời quyền sử dụng vốn. Chủ đầu tư nước ngoài có thể đầu tư dưới hình thức cho vay và hưởng lãi suất hoặc đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu và hưởng cổ tức. Các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài bao gồm:

3.1. Hỗ trợ phát triển chính thức – ODA

Hỗ trợ phát triển chính thức ODA là hoạt động hợp tác phát triển giữa nhà nước hoặc chính phủ một nước với các chính phủ nước ngoài, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia.

3.1.1. Các hình thức của ODA

- ODA không hoàn lại: là hình thức cung cấp không phải hoàn lại cho nhà tài trợ.

- ODA cho vay ưu đãi (tín dụng ưu đãi): là hình thức cung cấp ODA dưới dạng cho vay với lãi suất và điều kiện ưu đãi sao cho yếu tố không hoàn lại hay thành tố hỗ trợ đạt không dưới 25% tổng giá trị khoản vay.

Xem tất cả 209 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí