Tài chính doanh nghiệp - 1

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP


1.1. DOANH NGHIỆP

1.1.1. Khái niệm và phân loại doanh nghiệp

1.1.1.1. Khái niệm doanh nghiệp

Doanh nghiệp là một cách thức tổ chức hoạt động kinh tế của nhiều cá nhân. Có nhiều hoạt động kinh tế chỉ có thể thực hiện được bởi các doanh nghiệp chứ không phải là các cá nhân.

Ở Việt Nam, theo Luật doanh nghiệp: doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh – tức là thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Đặc điểm của doanh nghiệp:

- Là một tổ chức kinh tế.

- Là một tổ chức có đủ điều kiện do pháp luật quy định.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 220 trang tài liệu này.

- Mục đích của doanh nghiệp là thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

1.1.1.2. Phân loại doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp - 1

Phân loại doanh nghiệp là việc phân chia doanh nghiệp thành các loại khác nhau tùy thuộc vào từng tiêu thức.

Căn cứ vào hình thức sở hữu, mỗi quốc gia thường có những loại hình doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, các loại hình doanh nghiệp gồm có doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu và chịu trách nhiệm vô hạn đối với tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp.

Công ty hợp danh là doanh nghiệp có hai hay nhiều chủ sở hữu; nó có thể là công ty hợp danh trách nhiệm vô hạn hoặc trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ của công ty. Trong công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn, các thành viên không chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân đối với các khoản nợ của công ty.

Công ty cổ phần là hình thức doanh nghiệp được thành lập theo luật, có nhiều chủ sở hữu (cổ đông) góp vốn bằng hình thức cổ phần. Cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là hình thức kết hợp một số đặc tính của công ty cổ phần và công ty hợp danh.

Theo luật doanh nghiệp Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp gồm có: Doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam được định nghĩa như sau:

- Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ, được thành lập và hoạt động bằng vốn của ngân sách Nhà nước.

- Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó: vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác trừ trường hợp cổ đông nắm giữ cổ phiếu ưu đãi và cổ đông sáng lập (có quy định riêng).

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên là doanh nghiệp trong đó: thành viên có thể là tổ chức, cá nhân và số lượng thành viên không vượt quá 50, thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào doanh nghiệp.

- Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó: phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, ngoài hai thành viên hợp danh có thể có các thành viên góp vốn, thành viên hợp danh phải là cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trong phạm vi môn học này, loại hình công ty cổ phần sẽ được lấy làm điển hình để xem xét, trong khi tài chính của các loại hình doanh nghiệp khác được xem như là một sự vận dụng tài chính công ty cổ phần.

Loại hình công ty cổ phần được chọn làm điển hình nghiên cứu vì loại hình doanh nghiệp này đã và đang là loại hình doanh nghiệp chủ yếu ở các nước cũng như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp này có đặc điểm đáng chú ý mà các loại hình doanh nghiệp khác không có là có sự tách rời giữa chủ sở hữu doanh nghiệp và người điều hành doanh nghiệp. Sự tách rời giữa sở hữu và điều hành có thể tạo ra một số ưu thế nội dung về tài chính để nghiên cứu hơn so với những loại hình doanh nghiệp khác.

1.1.2. Môi trường hoạt động của doanh nghiệp

Để đạt được mức doanh lợi mong muốn, doanh nghiệp cần phải có những quyết định về tổ chức hoạt động sản xuất và vận hành quá trình trao đổi. Mọi quyết định đều phải gắn kết với môi trường xung quanh. Bao quanh doanh nghiệp là một môi trường kinh tế - xã hội phức tạp và luôn biến động.

- Môi trường vĩ mô:

+ Môi trường kinh tế

+ Môi trường chính trị

+ Môi trường văn hóa – xã hội

+ Môi trường pháp lý

+ Môi trường khoa học kỹ thuật và công nghệ

- Môi trường ngành:

+ Áp lực của đối thủ cạnh tranh

+ Áp lực của khách hàng

+ Áp lực của nhà cung ứng

+ Áp lực của sản phẩm thay thế

+ Áp lực của các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

- Môi trường nội bộ doanh nghiệp

Muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải làm chủ và dự đoán trước được sự thay đổi của môi trường để sẵn sàng thích nghi với nó. Trong môi trường đó, quan hệ tài chính doanh nghiệp được thể hiện rất phong phú và đa dạng.

1.2. TỔNG QUAN VỀ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

1.2.1. Khái niệm và bản chất của tài chính doanh nghiệp

1.2.1.1. Khái niệm

Tài chính nói chung là hoạt động liên quan đến việc hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ. Tài chính doanh nghiệp là hoạt động liên quan đến việc huy động hình thành nên nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn đó để tài trợ cho việc đầu tư vào tài sản của doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Qua định nghĩa này có thể thấy tài chính doanh nghiệp liên quan đến ba loại quyết định chính: quyết định đầu tư, quyết định nguồn vốn, và quyết định phân phối lợi nhuận nhằm đạt mục tiêu đề ra là tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Cần phân biệt sự khác nhau về chức năng và vai trò của tài chính và kế toán. Trong khi kế toán chú trọng đến việc ghi chép và phản ánh các nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh và lập các báo cáo tài chính thì tài chính lại chú trọng đến việc sử dụng các báo cáo tài chính do kế toán lập ra để phân tích và hoạch định xem chuyện gì sẽ xảy ra

trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Mặt khác, kế toán chú trọng đến chức năng quản lý tài sản hơn trong khi tài chính chú trọng đến quyết định nên bỏ vốn vào đâu, tìm nguồn vốn ở chỗ nào và phân phối lợi nhuận như thế nào để duy trì và không ngừng nâng cao giá trị của doanh nghiệp trên thị trường. Sự phân biệt ở đây nhằm thấy rò sự khác nhau về chức năng của hai bộ phận này như thế nào khi hoạt động trong cùng một doanh nghiệp.

Khi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp không tách khỏi các mối quan hệ với các chủ thể trong nền kinh tế. Do vậy, tài chính doanh nghiệp cũng được hiểu là những quan hệ giá trị giữa doanh nghiệp với các chủ thể trong nền kinh tế.

Các quan hệ tài chính doanh nghiệp chủ yếu bao gồm:

- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với Nhà nước: là mối quan hệ phát sinh khi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, khi Nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp.

- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với thị trường tài chính: quan hệ này được thể hiện thông qua việc doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn tài trợ. Trên thị trường tài chính, doanh nghiệp có thể vay ngắn hạn để đáp ưng nhu cầu vốn ngắn hạn, có thể phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn. Ngược lại, doanh nghiệp phải trả lãi và vốn vay, lãi cổ phần cho các nhà tài trợ. Doanh nghiệp cũng có thể gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán bằng số tiền tạm thời chưa sử dụng.

- Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các thị trường khác: là những thị trường mà tại đó doanh nghiệp tiến hành mua sắm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, tìm kiếm lao động… Thông qua các thị trường này, doanh nghiệp có thể xác định được nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cần thiết cung ứng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp hoạch định ngân sách đầu tư, kế hoạch sản xuất, tiếp thị nhằm thỏa mãn nhu cầu thị trường.

- Quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp: là quan hệ giữa các bộ phận sản xuất kinh doanh, giữa cổ đông và người quản lý, giữa cổ đông và chủ nợ; giữa quyền sử dụng vốn và quyền sở hữu vốn. Các mối quan hệ này được thể hiện thông qua hàng loạt chính sách của doanh nghiệp như: chính sách cổ tức (phân phối thu nhập), chính sách đầu tư, chính sách về cơ cấu vốn, chi phí…

1.2.1.2. Bản chất của tài chính doanh nghiệp

Biểu hiện bên ngoài của tài chính doanh nghiệp là hiện tượng thu vào hoặc chi ra bằng tiền.

Biểu hiện bên trong của tài chính doanh nghiệp là sự vận động của nguồn tài chính trong quá trình tạo lập hay sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp.

Do vậy, bản chất của tài chính doanh nghiệp là sự vận động của các nguồn lực tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp.

1.2.2. Cơ sở của tài chính doanh nghiệp và các dòng tiền

1.2.2.1. Cơ sở của tài chính doanh nghiệp

Một doanh nghiệp muốn tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải có một lượng tài sản nhất định được phản ánh bên tài sản của bảng cân đối kế toán. Nếu toàn bộ tài sản do doanh nghiệp nắm giữ được đánh giá vào một thời điểm thì sự vận động của chúng – kết quả của quá trình trao đổi – chỉ có thể được xác định cho một thời kỳ nhất định và được phản ánh trên báo cáo kết quả kinh doanh. Quá trình hoạt động của các doanh nghiệp có sự khác biệt đáng kể về quy trình công nghệ và tính chất hoạt động. Sự khác biệt này phần lớn do đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của từng doanh nghiệp quyết định. Cho dù có sự khác biệt này, người ta vẫn có thể khái quát những nét chung nhất của các doanh nghiệp bằng hàng hóa dịch vụ đầu vào và hàng hóa dịch vụ đầu ra.

Một hàng hóa dịch vụ đầu vào hay yếu tố sản xuất là một hàng hóa hay dịch vụ mà các doanh nghiệp mua sắm để sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của họ. Các hàng hóa dịch vụ đầu vào được kết hợp với nhau để tạo ra các hàng hóa dịch vụ đầu ra. Đó là hàng loạt các hàng hóa dịch vụ có ích được tiêu dùng hoặc được sử dụng cho quá trình sản xuất kinh doanh khác. Như vậy, trong một thời kỳ nhất định, các doanh nghiệp đã chuyển hóa các hàng hóa dịch vụ đầu vào thành các hàng hóa dịch vụ đầu ra để trao đổi. Mối quan hệ giữa tài sản hiện có và hàng hóa dịch vụ đầu vào, hàng hóa dịch vụ đầu ra (quan hệ giữa bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh) có thể được mô tả như sau:

Hàng hóa và dịch vụ đầu vào


Sản xuất – chuyển hóa

Hàng hóa và dịch vụ đầu ra


Hình 1.1: Sự chuyển hóa của quá trình sản xuất

Mọi quá trình trao đổi đều được thực hiện thông qua trung gian là tiền. Tiền cho phép doanh nghiệp mua các hàng hóa, dịch vụ cần thiết để tạo ra những hàng hóa dịch vụ phục vụ cho mục đích trao đổi. Khái niệm dòng vật chất và dòng tiền phát sinh từ đó, tức là sự dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ và sự dịch chuyển tiền giữa các đơn vị, tổ chức kinh tế.

Như vậy, tương ứng với dòng vật chất đi vào (hàng hóa, dịch vụ đầu vào) là dòng tiền đi ra; tương ứng với dòng vật chất đi ra (hàng hóa, dịch vụ đầu ra) là dòng tiền đi vào. Quy trình này được mô tả qua sơ đồ sau

Dòng vật chất đi vào

Dòng tiền đi ra (xuất quỹ)



Sản xuất – chuyển hóa

Dòng vật chất

đi ra

Dòng tiền đi vào

(nhập quỹ)


Hình 1.2: Quy trình dịch chuyển dòng vật chất và dòng tiền

Doanh nghiệp thực hiện hoạt động trao đổi hoặc với thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ đầu vào hoặc với thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa dịch vụ đầu ra tùy thuộc vào tính chất hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các quan hệ tài chính của doanh nghiệp được phát sinh từ chính quá trình trao đổi đó. Quá trình này quyết định sự vận hành của sản xuất và làm thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp.

Phân tích các quan hệ tài chính doanh nghiệp cần dựa trên hai khái niệm cơ bản là dòng và dữ trữ. Dòng chỉ xuất hiện trên cơ sở tích lũy ban đầu những hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền trong mỗi doanh nghiệp và nó sẽ làm thay đổi khối lượng tài sản tích lũy của doanh nghiệp. Một khối lượng tài sản, hàng hóa hoặc tiền được xác định tại một thời điểm là một khoản dự trữ. Trong khi một khoản dự trữ chỉ có ý nghĩa tại một thời điểm nhất định thì các dòng chỉ được đo trong một thời kỳ nhất định. Quan hệ giữa dòng và dự trữ là cơ sở nền tảng của tài chính doanh nghiệp.

1.2.2.2. Các dòng tiền

a. Dòng tiền đối trọng

- Dòng tiền đối trọng trực tiếp

Dòng tiền đối trọng trực tiếp là dòng tiền chỉ xuất hiện đối trọng với dòng hàng hóa, dịch vụ. Đây là trường hợp đơn giản nhất trong doanh nghiệp – thanh toán ngay.

Tại thời điểm t0, mỗi doanh nghiệp có trong tay những tài sản thực và tiền. Giả sử hoạt động trao đổi diễn ra giữa hai doanh nghiệp A và B tại thời điểm t1. Tại thời điểm này, doanh nghiệp A trao đổi tài sản thực cho doanh nghiệp B (bán hàng cho doanh nghiệp B) để lấy tiền (một dòng vật chất đi từ doanh nghiệp A sang doanh nghiệp B), còn doanh nghiệp B chuyển tiền cho doanh nghiệp A (mua hàng của doanh nghiệp A) để lấy hàng (một dòng tiền đi từ doanh nghiệp B sang doanh nghiệp A).

- Dòng tiền đối trọng có kỳ hạn

Đây là trường hợp phổ biến nhất trong hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp A bán hàng hóa dịch vụ cho doanh nghiệp B tại thời điểm t1, doanh nghiệp B trả tiền cho doanh nghiệp A tại thời điểm t2. Dòng tiền ở thời điểm t2 tương ưng với dòng hàng hóa dịch vụ ở thời điểm t1. Trong thời kỳ t1, t2, trạng thái cân bằng dự trữ của mỗi doanh nghiệp bị phá vỡ. Trạng thái cân bằng này được lập lại thông qua việc tạo ra một tài sản tài chính, tức là quyền sử dụng hợp pháp một trái quyền (quyền đòi nợ) hoặc một khoản nợ.

Trong trường hợp này, dự trữ tài sản thực của doanh nghiệp A bị giảm đi, nhưng đổi lại doanh nghiệp A có một trái quyền đối với doanh nghiệp B trong thời gian t2 – t1, cho tới lúc dòng tiền xuất hiện ở thời điểm t2. Đối với doanh nghiệp B, việc nắm giữ một tài sản thực đã làm phát sinh một khoản nợ cho đến khi dòng tiền xuất hiện ở thời điểm t2.

- Dòng tiền đối trọng đa dạng

Để khắc phục sự mất cân đối ngân quỹ, đảm bảo khả năng chi trả thông qua thiết lập ngân quỹ tối ưu, doanh nghiệp có thể chiết khấu, nhượng bán trái quyền cho một tổ chức tài chính trung gian hoặc dùng trái quyền như một tài sản thế chấp cho một món vay tùy theo những điều kiện cụ thể. Như vậy, tài sản tài chính có thể làm đối tượng giao dịch.

b. Dòng tiền độc lập

Đây là dòng tiền phát sinh từ các nghiệp vụ tài chính thuần túy: kinh doanh tiền, kinh doanh chứng khoán.

Như vậy, sự ra đời, vận hành và phát triển của doanh nghiệp làm phát sinh một hệ thống các dòng hàng hóa dịch vụ và các dòng tiền, chúng thường xuyên làm thay đổi khối lượng, cơ cấu tài sản thực và tài sản tài chính của doanh nghiệp.

1.2.3. Nội dung cơ bản của tài chính doanh nghiệp

Công tác quản lý tài chính của một doanh nghiệp thường bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

1.2.3.1.Tham gia đánh giá, lựa chọn các dự án đầu tư và kinh doanh

Việc xây dựng, đánh giá và lựa chọn các dự án đầu tư và kinh doanh do nhiều bộ phận trong doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện. Trên góc độ tài chính, điều chủ yếu cần phải xem xét là hiệu quả tài chính của dự án tức là cần xem xét, cân nhắc giữa chi phí bỏ ra, rủi ro có thể gặp phải và khả năng thu lợi nhuận khi thực hiện dự án, dùng thước đo tài chính để lựa chọn được những dự án có mức sinh lời cao.

1.2.3.2. Xác định nhu cầu vốn và tổ chức huy động các nguồn vốn đáp ứng kịp thời các hoạt động của doanh nghiệp

Tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có vốn. Tài chính doanh nghiệp phải xác định các nhu cầu vốn cần thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp ở trong kỳ (bao gồm vốn dài hạn và vốn ngắn hạn). Tiếp theo, phải tổ chức huy động các nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ và có lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp. Để đi đến quyết định lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp, cần xem xét cân nhắc trên nhiều mặt như: kết cấu nguồn vốn, những điểm lợi và bất lợi của từng hình thức huy động vốn, chi phí cho việc sử dụng mỗi nguồn vốn...

1.2.3.3. Sử dụng có hiệu quả cao số vốn trong tay doanh nghiệp, quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Tài chính doanh nghiệp phải tìm mọi biện pháp huy động tối đa số vốn trong tay doanh nghiệp (vốn tự có và vốn vay) vào hoạt động kinh doanh, giải phóng kịp thời số vốn ứ đọng, theo dòi chặt chẽ và thực hiện tốt việc thanh toán, thu hồi tiền bán hàng và các khoản thu khác, đồng thời quản lý chặt chẽ mọi khoản chi phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Thường xuyên tìm biện pháp thiết lập sự cân bằng giữa thu và chi bằng tiền, đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có khả năng thanh toán công nợ.

1.2.3.4. Quản lý nợ và thực hiện đúng các cam kết tài chính của doanh nghiệp với Nhà nước, với khách hàng và với người lao động

Quản lý nợ là một trong những công tác quản lý tài chính rất quan trọng không chỉ liên quan đến quá trình kinh doanh mà còn liên quan đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải vay khi thiếu vốn, nhưng doanh nghiệp cũng có thể là chủ nợ khi cho vay, bán chịu... Nợ của doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán đúng kỳ hạn. Nợ của khách hàng phải thu hồi đúng hợp đồng để đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh.

Các nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí, phải thực hiện đúng với luật pháp và các quy định của Nhà nước, không trốn thuế, lậu thuế, dây dưa nộp thuế chậm.

Các cam kết trong hợp đồng lao động như trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, các khoản phúc lợi, khen thưởng phải thực hiện đúng pháp luật và bảo đảm lợi ích của người lao động.

Xem tất cả 220 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí